Văn hóa nghệ thuật

Giấc mơ điện ảnh phù phiếm của Phạm Ngọc Lân

Phan Linh
Điện ảnh
13:00 | 06/02/2025
Baovannghe.vn - “Làm một điều gì đó nghĩa đi với chính mình - với bộ não, trái tim và cơ thể của mình. Người ta không thể bước đi với những toan tính bên cạnh, bởi nếu thế, họ sẽ chỉ làm vì cái bên cạnh đấy mà thôi.”
aa

Từ bộ phim tài liệu ngắn đầu tay pha trộn chất điện ảnh - Chuyện của mọi nhà, đến các phim ngắn khác như Dòng sông không nhìn thấy, Một khu đất tốt… Phạm Ngọc Lân đã xác nhận một phong cách điện ảnh độc đáo của điện ảnh đương đại Việt Nam. Đạo diễn sinh năm 1986 trở đi trở lại với những ý niệm về thời gian, ký ức, giấc mơ, ẩn ức để neo buộc những câu chuyện của riêng mình. Đó cũng là những mã nhận biết nếu khán giả muốn thâm nhập vào thế giới điện ảnh của Phạm Ngọc Lân.

Phim dài đầu tay của Phạm Ngọc Lân - Cu li không bao giờ khóc - đẩy những ý niệm này lên một tầng cao mới, với những biểu đạt ngôn ngữ điện ảnh đầy lớp lang. Tác phẩm giúp anh chiến thắng nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin 2024, nơi anh dành lời cảm ơn vì “ủng hộ và không lãng quên những tiếng nói nhỏ bé nhưng đa dạng màu sắc”.

Cuộc trò chuyện giữa Văn nghệ và đạo diễn Phạm Ngọc Lân sau đây diễn ra vào đầu tháng 11/2024, khi bộ phim Cu li không bao giờ khóc chính thức công chiếu tại Việt Nam.

Cảm xúc của anh thế nào khi phim Cu li không bao giờ khóc ra rạp trên quê hương mình?

Tôi thấy ngồi trong rạp tại quê nhà và xem lại tác phẩm của mình vui hơn trong các rạp chiếu ở Berlin hay một vài liên hoan phim khác trên thế giới. Tại những sự kiện đó, luôn có một sự choáng ngợp nhất định. Tôi cũng thích quan sát cách khán giả phản ứng với tác phẩm của mình. Tôi cũng có những dự đoán về phản ứng của khán giả nước ngoài hay Việt Nam đối với những trường đoạn nhất định trong phim.

Mỗi cộng đồng khán giả đều có một kiểu hay riêng. Với Cu li không bao giờ khóc, khán giả xem xong đều cảm nhận được một độ nén với mật độ dày và chặt của văn hoá địa phương. Chưa nói đến khán giả quốc tế, khi bộ phim trình chiếu ở ngoài không gian Bắc bộ, nó đã mang lại những cách tiếp cận và tiếp nhận khác rồi.

Tôi cho rằng đây là điều hết sức bình thường. Trong một tác phẩm nên có những thứ mà mình giữ cho bản thân và những người xung quanh. Nhưng một tác phẩm điện ảnh cũng cần những thứ phổ quát, không cần/hoặc quan tâm đến những điều riêng tư đó.

Ngoài câu chuyện ấu thơ trở thành cảm hứng để làm phim Cu li, còn sự riêng tư khác nào mà anh đã kể trong bộ phim dài đầu tay của mình?

Ngoài ký ức, tôi nghĩ rằng phim còn có những thứ trội hơn nữa. Đó là những kinh nghiệm của mình với đời sống hiện tại và tuổi trẻ, với bạn bè xung quanh. Những thứ riêng tư đó làm cho mình xúc động. Nếu mình làm về những điều riêng tư một cách chân thành, khán giả mới có thể xúc động được.

Một tác phẩm khi đưa lên màn ảnh, ngoài nhìn được những thứ trên phông màn lớn đồng thời phải thấy được thứ bên trong mình. Thông qua điện ảnh, khán giả cũng có thể nhìn thấy thứ đằng sau người đã tạo nên tác phẩm đó. Với tôi, thoả mãn cả ba yếu tố này thì làm phim mới vui.

Đó là niềm vui trong điện ảnh của anh?

Thực ra, làm phim là một công việc khó khăn, không phải với mỗi riêng tôi mà tất cả những nhà làm phim khác. Với tôi, điện ảnh rất gần với việc tưởng tượng và mơ. Mình phóng chiếu giấc mơ của mình ra ngoài bằng cách huy động bao nhiêu người trên trường quay. Ê-kíp làm phim là người thật nhằm biến giấc mơ điện ảnh của mình cũng thành… thật.

Nhưng đó cũng chưa phải là điều cuối cùng mà nhà làm phim mong muốn. Cái thật đó (bộ phim) lại được cuộn lại thành một luồng sáng bắn lên màn chiếu và sau 90 phút, luồng sáng đó sẽ biến mất. Vì thế, ý nghĩa về chất thơ và cái thơ mộng trong quá trình làm phim cũng có sự phù phiếm. Với tôi, đó cũng là một cái hay khác trong công việc.

Đó cũng là cách anh nén những yếu tố điện ảnh mang tính ẩn dụ vào tác phẩm của mình?

Tôi có dụng ý trong lúc thực hiện tác phẩm của mình. Tôi biết nó sẽ tác động một phần nào đó lên khán giả nhưng nếu khán giả từ chối và chủ động không lấy điều đó (ví dụ như khán giả quốc tế không nắm bắt, hoặc hân hưởng được sự vận động của đời sống điện ảnh Việt Nam) cũng không sao. Những chi tiết đó không tồn tại trong cảm nhận và cách xem của họ nhưng không có nghĩa là nó không có ở đâu đấy.

Tôi nghĩ đó là một cách trân trọng người xem, về cách tiếp nhận và thưởng thức bộ phim dựa trên tri kiến, ký ức, thẩm mỹ của riêng mỗi người?

Tôi nghĩ, nếu dùng đúng cách thì những dụng ý của mình sẽ tạo ra được tác động lên khán giả. Nhưng những thứ cơ bản của một tác phẩm phải tốt thì nó mới dẫn được đến những liên tưởng sâu sắc hơn. Ngược lại, những thứ cơ bản của một bộ phim không tốt thì mình có đưa vào các dụng ý, ẩn dụ cũng sẽ không ổn.

Từ phim màu qua đen trắng, ngoài “tai nạn” không mong muốn, nó còn mang đến sự chuyển biến cho anh, và cho Cu li?

Khi chuyển sang phim đen trắng, chúng tôi cùng đồng thời chỉnh sửa kịch bản. Một trong những chủ đề phụ của bộ phim nói về thời gian. Yếu tố thời gian ở đây không phải theo kiểu điện ảnh chậm như một trào lưu kéo căng lúc ban đầu, buộc khán giả phải để ý sự chảy trôi rồi để đến một thời điểm phải quên đi, để đánh thức một cảm giác gì đó gần với tâm linh.

Nhưng trong Cu li, tôi xử lý thời gian, để ý dấu vết của nó lên khắp nơi: lên cuộc sống, lên cơ thể của diễn viên và nhân vật… Với tôi, bản thân kiểu phim kinh điển đã mang sẵn tính phi thời gian. Vì thế, mình phải mượn cái vỏ của phim kinh điển, phi thời gian để làm về chủ đề thời gian, khiến nó càng đặc biệt hơn.

Cu li chiến thắng giải phim đầu tay tại LHP Berlin. Anh có dự tính cho điều này ngay từ đầu?

Không, không hề. Bộ phim không đến chỗ này thì đến chỗ khác.

Khi làm một điều gì đấy, tôi đi với chính mình, với bộ não, trái tim và cơ thể của mình. Người ta không thể đi với những toan tính bên cạnh, bởi nếu thế, họ sẽ chỉ làm vì cái bên cạnh đấy mà thôi.

Với tôi, bộ phim cũng như cơ thể của mình, đã làm thì phải trung thành với nó. Mình thấy, nghĩ về cái bên trong và tìm cách đưa nó ra ngoài. Nếu mình tính toán quá thì đó là quản lý dự án, kinh doanh. Làm phim, tôi tính làm sao để bộ tác phẩm tốt nhất chứ không phải những chuyện sau đó.

Anh có thấy mình đang chọn “đường khó” trong điện ảnh?

Không phải tôi chọn đường khó mà nó chọn tôi. Mình nhìn ra rồi thì mới thấy như vậy nhưng khi đang đi thì không biết được. Tính tôi ham chơi. Khi bạn ham chơi và lang thang thì bạn đâu nghĩ đích đến của mình là gì? Nhưng cũng trên con đường đang đi đó, bạn sẽ hân hưởng được một điều gì đó, là cảnh sắc, thấy hoa thơm, thấy bướm lượn, thấy bạn bè xung quanh mình.

Điều gì khiến anh vẫn kiên định với “con đường khó” đã tự chọn hộ cho mình?

Tôi nghĩ đó là sự ủng hộ. Sự ủng hộ của khán giả. Sự ủng hộ của ngành công nghiệp làm phim. Khi nhận được sự ủng hộ, bạn sẽ thấy quãng đường mình đang đi ngắn hơn, độ gập ghềnh sẽ giảm bớt. Dĩ nhiên mình phải cố gắng chứ không ai nói trước được. Sau bộ phim này, tôi không thể nói tiếp được tác phẩm tiếp theo sẽ ra sao, quy mô như thế nào, vào những chủ đề nào mà mọi người ít quan tâm.

Làm một bộ phim đã khó nhưng làm về cái thứ mà người ta cũng không quan tâm (nhưng khi làm xong lại khiến mọi người quan tâm) đó là một cái vô cùng khó. Nhưng đó là cái mà mình không thể tính được.

Chắc chắn, anh vẫn tiếp tục đi với điện ảnh?

Thì đúng như thế. Tôi cho rằng đó là bản năng. Muốn đi thì mình phải nhấc một chân lên trước, đó là bản năng. Sau đó mình mới nhấc chân thứ hai, chính là lý trí. Nhưng mình phải tin vào bản năng của mình. Nếu không tin bản năng mà chỉ dùng lý trí thì mình chỉ đang nhảy lò cò. Nhưng nếu chỉ cảm tính, mình cũng sẽ chỉ đang nhảy lò cò mà thôi.

Giấc mơ điện ảnh phù phiếm của Phạm Ngọc Lân
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân và 2 diễn viên nữ nghệ sĩ nhân dân Minh Châu và Hà Phương trong phim Culi không bao giờ khóc. Ảnh: Thiên Minh
Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim