Những ngày cuối năm, Giám đốc Hoàng Phan bận túi bụi, không còn thì giờ đọc những tờ báo mừng năm mới, chất đống trên bàn. Mãi đến sau bữa cơm tổng kết cơ quan, Hoàng Phan mới cầm tờ đặc san Sức sống Việt, đọc lướt qua rồi dừng lại trước trang thơ trình bày đẹp, minh họa lạ. Linh tính khiến Phan phải dụi mắt, đọc to bài thơ Giấc ngủ Xuân của tác giả Thủy Chung:
“Trên chuyến tàu tốc hành cuối năm lắc lư
Anh mệt nhoài, gục vai em ngủ lịm
Hơi thở nhẹ, áo anh nồng vị biển
Em ngồi im nghe tiếng sóng rì rầm.
Người lính trẻ xa nhà đã bao năm.
một lần về phép tết
Lạ lẫm vai em, giấc ngủ ngon lành.
Tàu dừng lại, anh giật mình ngượng nghịu.
Xuống ga quê, xuân đã trĩu trong lòng.
Còn lại mình em...
Toa tàu đen trếnh trống
Ghế tương tư hơi thở biển xanh ròng...”
... Hoàng Phan sinh trưởng trong một gia đình sùng đạo Phật. Cha anh, dù là đại tá bộ đội biên phòng vẫn luôn nhắc nhở mọi người phải chăm làm việc thiện để tích đức cho con cháu. Vì sống thanh bạch, lúc về hưu ông vẫn “trắng tay”. Đã thế ông còn cương quyết bắt con phải vào lính để rèn luyện. Vốn coi cha là “thần tượng”, Hoàng Phan ngoan ngoãn nhập ngũ và lấy làm kiêu hãnh trở thành lính đảo. Nhờ chịu khó tập luyện, sống chan hòa, Hoàng Phan lại có tài văn nghệ nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của lãnh đạo và anh em đồng đội. Anh từng tham gia cứu hộ nhiều thuyền cá của ngư dân bị bão, lốc nhận chìm và vừa lập công bắt một tàu buôn lậu nên được thưởng phép tết đặc biệt sau hai năm nhập ngũ. Anh theo tàu Hải Quan vào Cảng Đà Nẵng tối hai mươi bảy tháng Chạp và nhờ họ mới kiếm được tấm vé của chuyến tàu tốc hành Sài Gòn - Hà Nội sẽ dừng lại lúc 20 giờ. Ăn vội bát bún bò, mua vài phong kẹo mè xửng, định tìm một chỗ ngả lưng gần cửa ra tàu. Hai đêm liền Hoàng Phan đã thức trắng, bây giờ mắt cứ ríu lại. Nhưng vừa tìm được chỗ tựa lưng, Hoàng Phan đã phải bật dậy ngay bởi tiếng hô: “Cướp! Cướp”. Một gã choai choai đang cố giật chiếc túi xách của chị mang bầu ngồi cuối hàng ghế phía ngoài. Hắn xô chị ấy ngã và khua cây dao găm sáng loáng dọa mọi người rồi lùi dần ra phía cửa. Hoàng Phan nhảy qua hai hàng ghế, lao nhanh ra chặn đường tên cướp. Hắn đâm tới tấp, nhưng Hoàng Phan né tránh nhanh như sóc và tung ngay một cú đá vào cánh tay, khiến con dao bay phập vào cánh cửa. Cú đá thứ hai của Hoàng làm hắn chúi đầu vào thùng rác trong tiếng vỗ tay của mọi người. Bảo vệ và công an nhanh chóng đến dẫn tên cướp đi. Lát sau ông trưởng ga mời Hoàng Phan vào phòng cảm ơn hành động dũng cảm của anh, tặng anh túi quà tết. Ông hỏi họ tên, đơn vị công tác để gửi tặng bằng khen. Hoàng Phan lễ phép cảm ơn: “Chuyện nhỏ thôi mà bác”. Ông trưởng ga thân chinh dẫn anh lên tàu và xếp anh ngồi cạnh một cô gái mặc áo nhung đen, có gương mặt trái xoan thanh tú với cặp mắt to, mái tóc dài. Ngồi đối diện là chị mang bầu vừa bị cướp xô ngã và người đàn ông da bánh mật, mặt chữ điền. Chẳng thấy họ trò chuyện gì.
- Anh là lính đảo à? - Cô gái quay lại nhìn Hoàng Phan hỏi.
- Vâng, sao cô biết?
- Một anh hải quan nói lúc anh vào phòng ông trưởng ga trình bày xin mua vé.
- Chắc là anh Trung «Mập». Đêm qua chúng tôi thức trắng bám theo một tàu buôn lậu chở đầy thuốc lá ngoại và pháo.
- Anh Trung có kể.
- Cô với anh Trung là...?
- Láng giềng tầng.
- Anh ấy vui tính, vui chuyện.
- Vui thơ nữa. Anh có thích thơ không?
Hoàng Phan chìa tay:
- Có! Tôi là Hoàng Phan.
Cô gái nắm tay Hoàng Phan:
- Còn em là Thu Thủy.
- Thật may được ngồi cạnh một người đẹp.
Thủy mỉm cười:
- Anh học võ ở đâu mà đánh hay thế?
- Học ở trên đảo. Thủ trưởng của chúng tôi là võ sư Bình Định, sáng nào cũng bắt cả bọn ngồi thiền ngắm mặt trời lên, thụ khí rồi mới luyện tập. Nhờ ông mà tôi bỏ hẳn được thói mặc cảm, tự ti, rụt rè. Hồi nhỏ tôi toàn bị bắt nạt, đi đêm còn sợ ma.
- Anh là người Hà Nội à?
- Mẹ tôi người Hà Nội gốc, nhưng bố thì quê tận Hà Tiên. Còn cô?
- Quê bố em ở Phong Châu, quê mẹ ở Hòa Bình.
- Nghĩa là cô còn phải chuyển tàu?
- Vâng... cũng có thể đi ô tô.
Câu chuyện bị cắt ngang bởi nhân viên soát vé xuất hiện. Con tàu nặng nề trườn qua đèo Hải Vân. Có ai đó vừa mở đài cát sét. Giọng nghệ sĩ Thanh Hoa trong trẻo vang lên khiến mọi người trong toa đều yên lặng lắng nghe. Hoàng Phan chìm dần vào giấc ngủ trong tiếng nhạc nhè nhẹ và tiếng rập rình đều đều của bánh xe, đầu anh ngả dần vào vai cô gái... Giấc ngủ trên tàu, trên xe thường đến rất nhanh và trở thành những khoảnh khắc quý giá. Thu Thủy cứ ngồi yên, không dám cử động mạnh như sợ làm anh lính trẻ phải giật mình tỉnh giấc... Cho mãi đến lúc tàu dừng lại ở một ga xép, tiếng ồn ào của người lên, kẻ xuống và đám đông tranh nhau bán hàng gào to, Hoàng Phan mới bừng tỉnh giấc. Anh ngượng nghịu xin lỗi. Thủy mỉm cười, lắc đầu: - Không sao. Hoàng Phan vươn vai, bước ra cửa toa, cảm thấy đói bụng. Anh mua một chiếc bánh tét khá to, định mời cô gái cùng ăn, nhưng khi bóc bánh ra mới hoảng hồn thấy toàn đất. Hoàng Phan nhào ra cửa toa, nhưng đoàn tàu đã chuyển bánh. Anh bực bội ném mạnh nắm đất và quay lại chỗ ngồi, mặt đỏ gay: - «Sao lại có loại người buôn bán khốn nạn thế này nhỉ?».
Người đàn ông ngồi đối diện lôi ra gói bánh quy: «Anh dùng tạm cho đỡ đói». Hoàng Phan xua tay: «Cảm ơn, tôi không đói». Thủy cười: «Tôi biết anh đói mà. Chập tối thấy anh chỉ ăn có mỗi bát bún bò ở ga». Thu Thủy mở túi xách, lấy ra hai chiếc hộp nhựa đựng đầy xôi đỗ đen, chìa về phía Hoàng Phan: «Xôi em tự nấu bằng nồi cơm điện, anh ăn thử xem có được không?». Hoàng Phan miễn cưỡng đỡ hộp xôi, mùi muối vừng quen thuộc khiến anh vui hẳn lên: «Cô chu đáo quá! Ngon lắm. Kìa, cô cũng ăn đi chứ!»... Người đàn bà ngồi đối diện bỗng ôm bụng kêu to: «Ôi, tôi đau quá! Đau quá!». Người đàn ông ngồi cạnh lúng túng đứng lên: «Làm sao bây giờ hở trời?». Hoàng Phan ngừng ăn: «Phải tìm nhân viên y tế ngay chứ còn làm sao nữa». Người đàn ông hớt hải chạy đi. Hoàng Phan nói với Thủy: «Cô xem chị ấy thế nào? Để tôi đi tìm nhân viên phục vụ». Lát sau anh trở lại với hai nữ nhân viên: «Có lẽ chị ấy bị động thai vì cú ngã ở ga». Thủy lắc đầu: «Không, chị ấy sắp sinh rồi. Cần phải có giường cho chị ấy nằm».
Họ dìu người đàn bà về toa phục vụ. Thủy ngoái lại nhắc Hoàng Phan trông giúp hành lý. Con tàu rúc còi uốn mình vượt qua đèo Ngang lúc trời mờ sáng. Lát sau người đàn ông trở lại với hai lon bia 333: «May quá! Cô Thủy ấy biết đỡ đẻ». Hoàng Phan đón lon bia: «Sao anh có thể cho vợ đi tàu lúc sắp sinh thế này?». Người đàn ông bật nắp bia: «Không phải vợ tôi. Nào, mời anh uống đi!». Họ cùng uống. Người đàn ông thở dài: «Chả là ông anh cả tôi hiếm muộn, lấy vợ đã hơn mười năm vẫn chưa sinh nở được nên nhờ tôi tìm cho đứa con nuôi, đúng vào lúc cô nàng này mang bầu, bị người tình bỏ rơi, nhảy cầu tự tử, tình cờ tôi cứu được, đem về nuôi... Tôi gọi điện nhắn anh chị vào đón, nhưng anh ấy bị ốm nên tôi phải đưa về quê. Tưởng là ra giêng mới đẻ chứ ai ngờ thế này». Hoàng Phan buột miệng: «Vợ anh có nghi ngờ gì không?». Người đàn ông làu bàu: «Tôi sống độc thân. Không thích gần đàn bà». Hoàng Phan ngạc nhiên nhìn kỹ thân hình vạm vỡ, phong độ của người đàn ông này mà lấy làm lạ về cái sự «không thích gần đàn bà». Hẳn cơ địa, tâm sinh lý của ông ta có vấn đề hay đã có nhiều đàn bà đày đọa khiến ông ta «căm thù ?». Hoàng Phan chưa từng yêu ai. Thời đi học cấp 3 anh cũng phải lòng một cô gái tóc quăn, giỏi văn, nhưng cô nàng cứ «mày, tao» chẳng hề bận tâm đến sự chăm sóc của anh. Con gái khôn sớm, yêu sớm, mười bảy tuổi nàng lấy chồng là con ông giám đốc thương nghiệp rồi trở thành cái máy đẻ... Đang suy nghĩ miên man, Thu Thủy phờ phạc trở lại lấy khăn lau mặt, vui vẻ báo tin: «Mẹ tròn con vuông rồi. Cháu trai, bụ bẫm lắm!». Người đàn ông rối rít cảm ơn và chạy đi ngay. Thủy ngồi xuống cạnh Hoàng Phan, xoa hai tay vào nhau. Hoàng Phan hỏi: «Cô cũng học cả nghề y à?». Thủy lắc đầu: «Mẹ em là bà đỡ của làng, em thuờng được đi phụ giúp bà nên cũng biết chút xíu. Em đã từng mơ trở thành bác sĩ nhưng không theo nổi. Nuôi em ăn học được hết trung cấp sư phạm, mẹ đã còng cả lưng rồi». Hoàng Phan đột ngột hỏi: «Vậy sao cô không dạy học gần nhà, phụ giúp gia đình mà phải vào tận trong này?» Cô gái mở hộp xôi, ăn tiếp: Là cũng vì mẹ muốn em vào trong này, có điều kiện để tìm mộ bố. Ông hy sinh ở chiến trường Đại Lộc bị trực thăng vận của Mỹ càn quét. Có anh Trung nhà gần Đại Lộc giúp đỡ, chắc cũng sắp tìm được rồi»...
Hoàng Phan lặng đi hồi lâu. Anh tự hiểu, lúc này không nên khoét vào nỗi đau, không nên quá tò mò. Anh nghĩ đến sự may mắn của gia đình mình sau chiến tranh vẫn nguyên vẹn cả. Hòa bình đã hàng chục năm rồi mà vẫn còn gần nửa triệu gia đình chưa tìm được mộ người thân. Nghĩa tử là nghĩa tận… mỗi ngày có bao nhiêu người phải trèo đèo lội suối đi tìm mộ và có biết bao đứa trẻ sinh ra biến dạng bởi chất độc màu da cam máy bay Mỹ rải thảm dọc Trường Sơn.
Dường như đã mệt mỏi, Thủy lim dim mắt rồi gục đầu vào vai Phan, chìm vào giấc ngủ, hơi thở đều đều. Mùi hương nhu, bồ kết từ mái tóc cô thật dễ chịu, thật khó quên...
Cho mãi đến lúc chia tay, họ mới bịn rịn nhìn nhau, ghi địa chỉ cho nhau. Hoàng Phan hứa sẽ viết thư, hẹn có dịp sẽ ghé thăm. Dừng lại dưới cây cột điện, Phan vẫy tay tạm biệt cô gái, tạm biệt đoàn tàu. Thu Thủy cũng nhoài người ra vẫy tay lưu luyến. Những giọt mưa rơi trên má cô hay những giọt nước mắt nhòa đi. Hoàng Phan thầm nghĩ: Cô ấy thật dễ thương, vừa dịu dàng, chu đáo, vừa tốt bụng. Chọn vợ được người như thế, chắc chắn chồng con được nhờ....
Giấc ngủ Xuân. Truyện ngắn của Võ Khắc Nghiêm |
Cuộc đời thường có những chuyện tình cờ khiến người ta quen biết nhau, yêu nhau, nhưng cũng không hiếm sự cố làm ta lãng quên rồi đột nhiên xuất hiện trở lại sau nhiều năm tháng, nhắc nhở ta phải trăn trở như một định mệnh.
Nếu sau khi quen biết trên chuyến tàu tốc hành, Hoàng Phan viết thư hoặc tìm đến trường tiểu học gặp gỡ Thu Thủy thì có thể tình yêu giữa họ đã nảy nở vì xem ra Thu Thủy cũng ngưỡng mộ anh lắm. Nhưng lần nghỉ phép tết năm ấy, bố Hoàng Phan bị tai biến mạch máu não rất nguy cấp, chiều lòng mẹ, anh đã đồng ý «cưới chạy tang» lấy cô láng giềng chăm chỉ đồng áng làm vợ. Đó là Bích Đào có cặp mắt một mí, da nâu, hiền lành, tuy chỉ học hết cấp hai nhưng biết cả trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...
Thời gian trôi nhanh, Hoàng Phan xuất ngũ, tốt nghiệp đại học rồi nhờ ảnh hưởng những người bạn của bố, anh được cất nhắc, trở thành trưởng phòng, phó giám đốc rồi giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản có uy tín. Cô Bích Đào sinh cho anh hai đứa con, có nếp, có tẻ, an phận nội trợ gia đình, không đua đòi ăn diện. Sau khi bố mẹ qua đời, Hoàng Phan quyết định đưa vợ con ra Hà Nội để có điều kiện gần gụi, dạy bảo. Anh mua một ngôi nhà ba tầng ở trong ngõ gần cơ quan. Trưa, chiều về nhà ăn cơm, tối kiểm tra sách vở học hành của con rồi cùng vợ nghe nhạc, xem phim truyền hình, cảm thấy thanh thản, êm đềm. Nhưng cuộc sống luôn biến động có ai ngồi yên mãi một chỗ đâu. Hoàng Phan được biệt phái vào Sài Gòn quản lý một dự án hợp tác với nước ngoài. Anh mở cho vợ hai sổ tiết kiệm và thẻ tín dụng, hàng tháng rót tiền thỏa sức chi tiêu, thỉnh thoảng gửi quà về, tưởng thế là chu đáo lắm rồi. Nhưng khi vật chất dư thừa, con người mới biết mình thiếu gì. Đây là thời kỳ nàng Bích Đào bắt đầu có những đổi thay trong ăn mặc, trang điểm nhờ sự «chỉ bảo» của mấy bà hàng xóm «nhàn cư». Họ rủ nàng đi hát karaoke, đi vũ trường học nhảy đầm, học ngồi thiền, đi matxa làm đẹp, xăm môi, sửa mũi, nâng ngực... Thôi thì đủ kiểu chưng diện sành điệu được nàng tiếp nhận với sự thích thú của tuổi hồi xuân. Vì chưa biết đi xe máy, Bích Đào thường phải ngồi xe ôm, rồi taxi. Một chàng lái xe trẻ đẹp, hát hay, nhảy giỏi thường xuyên đưa đón nàng «với giá ưu tiên». Ban đầu anh ta tỏ ra hào phóng nhưng khi đã thân thiết thì «thật thà» bộc bạch nỗi khổ của kiếp «lái xe thuê». Nàng Bích Đào vốn thương người, rút tiết kiệm mua một chiếc Suzuki cũ cho anh ta tùy nghi sử dụng, chỉ cần lúc nào nàng a lô thì đến đón đi. Thế rồi vào một ngày đẹp trời, chàng trai trẻ đưa nàng lên Tam Đảo, nghỉ trưa trong một khách sạn sang trọng. Vừa ngâm mình trong bồn nước ấm thơm hương thảo mộc, vừa xem phim sex Âu Mỹ để thực hành. Bích Đào sung sướng lâng lâng như đang lạc vào chốn bồng lai.
Tình dục chính là thứ ma túy đặc biệt khiến người ta dễ «nghiện» nhất. Sau nhiều lần hưởng lạc bình yên vô sự, Bích Đào đã gặp chuyện không may khi công an bất ngờ kiểm tra khách sạn. Vì không mang theo chứng minh nhân dân, lại đang ăn nằm với một gã choai choai nên bị lập biên bản, bị chụp ảnh buộc phải khai tên thật. Đang tính phải cởi dây chuyền vàng, dốc hết ví tiền «đút lót» thì bỗng anh trung tá công an bước vào ghé sát tai nàng bảo: - «Chị gọi taxi về ngay đi. Đừng bao giờ theo thằng lừa đảo kia nữa».
Bích Đào rối rít cảm ơn, thầm nghĩ sao có anh công an tốt thế? Nàng không biết rằng, đó là bạn của chồng mình. Sẽ chẳng xảy ra đổ vỡ nếu Bích Đào tỉnh ra, vì anh trung tá chưa có dịp gặp lại Hoàng Phan. Nhưng Bích Đào không hề dừng lại. Từ bỏ gã trai tơ, mất đứt chiếc Suzuki, nàng lại bị lưới tình của tay dạy múa bủa vây. Gã này bày mưu mua một căn hộ chung cư, tha hồ «tự do nhảy múa». Bích Đào nghe bùi tai, dốc hết sổ tiết kiệm, vàng bạc mua ngay một căn hộ tầng hai, ở ngoại ô, trang trí, sắm sửa để làm nơi hành sự. Vào một chiều thu đầy thơ mộng, nàng và tay thầy dạy múa đang trần truồng quay cuồng trong điệu nhạc chói tai thì bất ngờ xuất hiện một ả đàn bà to béo, mặt đầy tàn nhang như chiếc bánh đa nướng, cùng mấy tên đầu gấu cầm gậy gộc xông vào đánh nàng túi bụi. Ả bánh đa nướng túm tóc nàng lôi xềnh xệch ném ra cửa lu loa: «Bà con ơi, con đĩ này đã cướp chồng, lại còn đòi chiếm nhà của tôi...». Công an phường ập đến. Tình gian mà lý cũng gian. Bích Đào định đâm đầu vào ô tô tự sát, may có người kịp ngăn lại.
Trước hoàn cảnh gia đình xảy ra biến cố, Hoàng Phan được trả về công ty cũ trong nỗi buồn ê chề. Dù giận lắm, anh không nỡ trách vợ nửa lời. Bố anh thường dạy: “Sống phải biết tha thứ, biết tự kiềm chế. Biết chia sẻ nỗi đau của người, biết tha thứ người thì mình mới thanh thản lớn lên được”. Bạn bè thông cảm, nghi ngờ tay phó của Phan bị kỷ luật vì tham ô, tức tối dàn dựng mọi chuyện để hạ nhục Phan, cố tình phá hoại gia đình Phan, dù chưa tin, anh vẫn thương vợ thực lòng. Nhưng Bích Đào tự cảm thấy xấu hổ với chồng con, với họ hàng, xóm láng, không dám bước chân ra đường. Giận đời, giận mình, nàng quyết định cạo trọc đầu và quyết đi tu...
May mắn cho Hoàng Phan cả hai con anh đều học giỏi, ngoan ngoãn. Cậu cả tự kiếm được học bổng đã sang Pháp, cô con gái được bà dì ở Canada bảo lãnh cho sang học nghề thời trang. Đêm mùa xuân cô đơn trong căn phòng rộng, Hoàng Phan tự chiêm nghiệm lại mình, tự lục vấn lương tâm, nhận ra mình cũng có nhiều tội lỗi, mải bon chen giành giật, khiến tâm hồn xơ cứng, lắm lúc vô cảm, vô tâm đến tàn nhẫn mà chẳng hay. Anh mở tờ Sức sống Việt đọc lại bài thơ Giấc ngủ Xuân... Giữa cuộc sống xô bồ, chụp giật khốc liệt, sao ta không biết trân trọng giá trị của những điều tốt đẹp dù nhỏ nhoi vẫn đang lấp lãnh giữa mùa xuân.
Con gái anh lại gọi điện, giục bố đón mẹ về ăn tết. Hoàng Phan thẫn thờ tìm đến ngôi chùa nhỏ ven sườn Tam Đảo, nhỏ nhẹ thuyết phục Bích Đào, nhưng nàng lắc đầu: “Thôi mà! Anh tha cho em được yên ổn ở đây là may lắm rồi! Ngày ngày em tụng kinh niệm Phật cầu cho con, cho anh gặp nhiều may mắn là em vui”...
*
Sáng đầu năm mới Hoàng Phan nhìn qua cửa sổ thấy mấy bông hồng hé nở, lòng bâng khuâng. Bật ti vi đúng vào chương trình Thơ tình mùa xuân, Hoàng Phan vừa đánh răng vừa lắng nghe: ... “Nước ta chưa qua hiện đại nên xin miễn bàn đến Thơ hậu hiện đại. Nhưng thơ tình mùa xuân năm nay có nhiều nét mới cũng rất hiện đại bắt nguồn từ những phát hiện nhỏ nhặt khiến người ta phải suy ngẫm bâng khuâng. Bài “Giấc ngủ Xuân” của tác giả Thủy Chung bình dị, nhẹ nhàng, sâu lắng... buộc chúng ta cũng phải “tương tư hơi thở biển xanh ròng”. Hãy nghe bài thơ qua giọng ngâm trẻ Minh Linh....”.
Chẳng mấy khó khăn, Hoàng Phan đã có được địa chỉ của tác giả Thủy Chung, tên thật là Thu Thủy, giáo viên Trường tiểu học Kim Sơn, nơi có suối nước nóng, có sân gôn gần Hà Nội mà một đối tác nước ngoài đang muốn đầu tư thành nơi an dưỡng lớn. Chẳng biết có đúng là cô Thu Thủy mình từng gặp trên chuyên tàu năm xưa không, nhưng dòng đề tặng anh lính đảo thì đúng mình rồi và… giấc ngủ xuân trên tàu thật đẹp. Thôi thì ta cứ phải tìm đến như một trải nghiệm hồi ức.
Ngôi trường tiểu học mới được xây kiên cố, khang trang. Đang giờ học, sân trường vắng lặng. Bà Hiệu trưởng tiếp Hoàng Phan như một thượng khách. Vừa nhắc đến bài thơ, bà hiệu trưởng sôi nổi:
- Cô Thủy đã mua báo tặng tôi rồi. Đó là bài thơ hay nhất của chồng cô ấy mà tôi từng đọc.
Phan Hoàng giật mình, hỏi:
- Thế ra không phải thơ của Thủy ư?
- Vâng, chồng cô ấy với bút danh Thủy Chung làm nhiều thơ lắm, thường phải nhờ cô ấy đánh máy và lấy địa chỉ trường cho tiện liên lạc. Nghe nói anh ta đang muốn in một tập thơ kia đấy!
- Thế chồng cô ấy làm nghề gì ạ?
Bà Hiệu trưởng thở dài:
- Trước kia anh ấy làm hải quan. Vì giúp cô Thủy đi tìm mộ bố nên trúng phải bãi mìn từ thời Mỹ -Ngụy còn sót lại, bị dập nát cả hai chân. Thế là cô vợ bỏ theo trai vào Sài Gòn. Cô Thủy thương cảm lấy làm chồng chứ có sinh nở được gì đâu. Cũng may anh ấy ít ốm đau, tuy ngồi xe lăn nhưng cũng tự làm được nhiều việc, lại chịu khó mở lớp dạy bọn trẻ học nhạc học vẽ, học chơi cờ nên gia đình cũng đủ sống vui vẻ.
Bà hiệu trưởng pha nước chè, bày mứt kẹo mời Hoàng Phan và không quên giới thiệu thành tích của ngôi trường kiểu mẫu: - Trường chúng tôi còn là trường có phong trào văn thể xuất sắc nhất huyện. Hôm nay cô Thủy dẫn các em đi thi đấu cờ vua, cờ vây. Chắc cũng sắp về rồi. Để tôi dẫn anh đi thăm qua trường...
Hoàng Phan lễ phép;
- Cảm ơn bà! Nhà cô Thủy có gần đây không ạ?
- Cũng gần thôi. Anh đi dọc theo hàng bạch đàn kia, qua chiếc cầu gỗ rẽ trái, nhà lợp ngói, có trồng nhiều hoa. Hay để tôi cho bác bảo vệ dẫn anh vào.
- Thôi ạ! Tôi sẽ trở lại hầu chuyện bà sau - Hoàng Phan không quên rút phong bì mừng tuổi bà hiệu trưởng và ông bảo vệ - Phiền bác trông giùm chiếc xe.
Hoàng Phan không ngờ anh Trung “Mập” hải quan, vui chuyện, vui thơ cường tráng năm nào bây giờ gầy gộc thế. Ngồi trên xe lăn, nghiêng đầu, nheo măt nhìn khách, anh Trung reo to:
- Ôi, Hoàng Phan lính đảo phải không? Đúng là trái đất tròn. Mấy bữa nay vợ chồng mình cứ nhắc đến cậu hoài. Cậu đọc bài thơ rồi, đúng không?
- Cả đọc, cả nghe trên truyền hình. Bài thơ hay lắm! Chắc Thu Thủy kể chuyện cho anh nghe nên anh mới làm thơ...
- Không! Thơ của Thủy đấy. Cô ấy kể là đã viết ngay trên toa tàu sau khi cậu xuống ga. Định gửi cho cậu nhưng ngần ngại không dám gửi nên cứ nằm yên trong sổ tay. Mãi gần đây, thấy mình chăm làm thơ, cô ấy thường phải đánh máy gửi đăng báo nên đã gửi luôn bài thơ cũ kỹ ấy. Nào ngờ thơ của mình không được đăng, còn thơ cô ấy thi nổi tiếng. Mình hỏi sao không ghi tên em. Cô ấy cười: “Của chồng công vợ, một bút danh Thủy Chung là đủ”.
Hoàng Phan đặt túi quà lên bàn cùng với chiếc phong bì dày:
- Tôi vừa nghe bà hiệu trưởng kể chuyện của anh. Đời thật không công bằng... nhưng thấy anh và Thủy hạnh phúc, thật mừng.
- Cũng không thật hạnh phúc đâu. Nhiều lúc mình cũng muốn chết quách cho nhẹ người, nhẹ cả cô ấy. Nhưng không dám và cũng chẳng thể chết thanh thản được. Cậu biết không, ban đầu mình cứ nghĩ... may mắn được Thủy thương yêu, cưu mang, nhưng nghĩ lại thấy mình không biết điều, thậm chí hèn hạ hưởng tình thương của một người đàn bà, bắt họ phải hy sinh cả đời để cưu mang mình... Thực ra, Thủy luôn nghĩ đến cậu. Nếu ngày ấy cậu viết thư tỏ tình chắc cô ấy nhận lời ngay. Sao ông trời không cho cậu lấy cô ấy nhỉ? Cậu bây giờ thế nào? Vợ đẹp con khôn thành đạt chứ?
Hoàng Phan ầm ừ:
- Cũng vầy vậy thôi. Trời chẳng cho ai nhiều quá đâu anh ạ!
- Nhưng chắc chắn cậu thành đạt. Con cái cậu phải đẹp đẽ.
- Vâng, tôi có hai cháu đều đang ở nước ngoài. Còn vợ thì... đã đi tu rồi.
- Đi tu? - Trung thảng thốt: Sao vậy?
- Chuyện thì dài lắm. Nó cũng na ná như chuyện chị ấy bỏ anh chạy theo những ham muốn tầm thường. Rồi bị lừa đảo, bế tắc, chán đời... Không tự tử được thì đi tu.
- Thủy khác hẳn. Dù biết không thể có con với mình, cô ấy vẫn vui vẻ chấp nhận ở vậy. Bảo xem ai đó ưng thì xin họ “vài giọt mưa xuân” cho tươi đời. Cô ấy bĩu môi bảo mình là “đồ điên”. Bảo xin đứa con nuôi, cô ấy cười: “Ngày ngày có hàng trăm học sinh làm con chưa đủ sao?”. Lát nữa cô ấy về rồi cậu xem, bọn trẻ đến đầy sân ca múa, đánh cờ cũng vui lắm!
Vừa nhắc đến, tiếng bọn trẻ đầu xóm đã oang oang:
- Cô Thủy về rồi! Em chào cô! Con chào cô! Nhà cô có khách đi ô tô bóng loáng...
Vẫn chiếc áo nhung đen, vẫn mái tóc buông dài trên lưng, dù đã gần bốn mươi tuổi nhưng gương mặt Thủy vẫn thanh tú, da vẫn mịn màng, vóc dáng vẫn cân đối, đôi mắt vẫn long lanh. Thu Thủy dừng lại giữa sân, nghiêng đầu cười:
- Chào anh lính đảo! Chào giấc ngủ xuân!
Cô bước lên, dang tay ôm Hoàng Phan, đặt lên má anh một nụ hôn:
- Đây là cái hôn đáng ra phải dành cho anh hai mươi năm trước!
Bọn trẻ vỗ tay ran: Cô Thủy sành điệu! Cô Thủy ga lăng!
Hoàng Phan đột ngột hỏi: Sao cô biết tôi sẽ đến?
- Thần giao cách cảm. Em cố tình đề đầu bài thơ Tặng anh lính đảo Hoàng Phan, chẳng hiểu sao tòa báo bỏ mất hai chữ Hoàng Phan. May mắn anh vẫn nhớ, vẫn nhận ra em. Nào để em đi giết gà đãi khách quý.
- Tôi vừa ăn rồi. Để dịp khác. Cứ ngồi chuyện trò một lúc, tôi còn phải về họp. Sắp tới bọn tôi sẽ đầu tư xây dựng khu điều dưỡng lớn ở đây. Chỉ sợ rồi nhà không đủ gà mà chiêu đãi thôi.
- Gà đồi nhiều lắm mà chuyện thì còn nhiều hơn. Anh không ngờ đầu, thằng bé em đỡ đẻ năm ấy ở trên tàu bây giờ đã thành một thợ cơ khí giỏi. Mẹ con họ đã tìm đến thăm bọn em và tặng cho chiếc xe lăn chạy điện này đấy. Bây giờ họ làm ăn khá lắm!
Hoàng Phan chép miệng: Đời lạ thật! Quả là Thượng đế rất giỏi lập trình.
Thủy phụng phịu: Anh không ở lại ăn cơm là em giận đấy! Mà sao anh cho nhiều tiền thế này? Em không nhận đâu.
Hoàng Phan nhíu mày, xoa cằm: Đây là tôi tặng anh Trung để in tập thơ. Tôi sẽ lo giấy phép cho.
Như gãi đúng chỗ ngứa, Trung gật đầu, nhanh nhẩu, thật thà: Vậy là không phải bán đôi lợn nữa. Cảm ơn cậu nhiều! Nhưng cậu phải hứa với mình một điều.
- Điều gì cũng xin hứa.
- Nói lời hãy giữ lấy lời! Cậu phải tặng Thủy vài giọt mưa xuân cho tươi đời.
Thủy đỏ mặt đấm vào lưng chồng: Đồ hâm!
- Này, cho người ta gục đầu vào vai mình ngủ suốt đêm trên tàu mà không hôn hít gì mới là đồ hâm đấy! Nào, bây giờ thì hôn đi. Đây nhắm mắt cho mà hôn thật nồng nàn...
Gió xuân nhè nhẹ lay động chiếc mành trúc. Những giọt mưa xuân rắc lên những nụ đào nở rộ trước sân như những hạt kim cương li ti óng ánh. Nghe như có tiếng sóng biển rì rầm từ xa xăm vọng về, mơn man một chút bâng khuâng. Ôi, những giọt mưa xuân đằm thắm rắc lộc vĩnh hằng...