Chuyên đề

Giải mã hai vấn đề còn tồn nghi về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tư liệu
14:03 | 17/09/2023
Trong rất nhiều tài liệu hiện nay và trên thông tin báo chí thường nói Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan 8 năm trong triều Mạc và tước hiệu “Quốc công”
aa

Trong rất nhiều tài liệu hiện nay và trên thông tin báo chí thường nói Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan 8 năm trong triều Mạc và tước hiệu “Quốc công” là tước hiệu ông được truy phong. Sự thật có đúng vậy? Trong phạm vi bài viết này, dựa trên các nguồn sử liệu chính thống và các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng tôi kiến giải và minh chứng để “chuẩn hóa” lại những nhận định này với hy vọng vấn đề tiếp cận gần hơn với chân lý.

Toàn cảnh đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn từ trên cao

Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan tại Triều Mạc bao nhiêu năm?

Theo các nguồn tài liệu(1) Công dư tiệp ký - Vũ Phương Đề (1698-1761) Đại Việt thông sử - Lê Quý Đôn (1726-1784) và Đại Việt sử ký toàn thư (nhiều tác giả)… thì Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia phụ chính tới 4 triều vua Mạc. Hành trạng hoạt động triều chính của ông được Lại bộ thượng thư Giáp Hải (1515-1585) triều Mạc xác định là “Huân nghiệp trải bốn triều”. Theo đó, nhà Mạc kéo dài gần 66 năm từ 1527 đến 1593 (chưa tính giai đoạn tồn tại ở Cao Bằng mãi đến năm 1677). Giai đoạn “bốn triều” mà Giáp Hải nói tới là từ năm Đại Chính thứ sáu (1535) Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên và bắt đầu làm quan) đời Mạc Đăng Doanh rồi đến Mạc Phúc Hải (1540-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1593), tổng 58 năm.

Trong thời gian hơn nửa thế kỷ ấy, Trạng Trình đã làm quan ở triều Mạc không phải chỉ có 8 năm. Tại sao khẳng định như vậy? Xét về chủ quan, dù có bất đắc chí nhất thời ở giai đoạn sau khi ông vua uy vọng nhất triều Mạc là Mạc Đăng Doanh qua đời và triều chính có chút xáo trộn, nhưng lòng trung quân vẫn níu ông ở lại vương triều để tìm cơ hội báo đáp. Mặt khác, chí khí nhà Nho của ông luôn ngời sáng và tấm lòng ưu dân “dân vi quý” là những động lực mang tính quyết định thúc đẩy ông phụ chính các triều Mạc. Bên cạnh đó về khách quan, bản lĩnh tài năng kinh bang tế thế của ông vẫn được các vị vua Mạc tin dùng và mời gọi. Đây là những nguyên nhân quan trọng khiến ông tham gia làm việc cho vương triều trong thời gian dài. Theo Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký do Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân soạn năm 1743 thì “Gần hai chục năm từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không ở hẳn kinh đô nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn, vua Mạc tôn kính ông như bậc quân sư. Những việc trọng đại nhà vua thường sai sứ giả về hỏi…”. Như vậy, thực tế từ khi ông bắt đầu làm quan năm 45 tuổi đến 73 tuổi và nghỉ hưu thì khoảng thời gian này là 28 năm.

Những điều này ít tài liệu công bố, đặc biệt con số 73 tuổi mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chính thức rời quan trường dường như quá chính xác làm không ít người băn khoăn. Nhưng nếu đọc tác phẩm của ông sẽ phát hiện có một thứ “văn bia” khác khẳng định sự thật, đó là trong thơ của chính ông. Ở bài Thơ cảm hứng - 5, ông viết: “Phù trì xã tắc ngửa nghiêng/ Ruổi rong xá chịu ngồi yên phận già”. Rõ ràng khi tuổi cao ông vẫn làm việc vì xã tắc. Còn đây là thông tin trong bài thơ Về hưu gửi quan Thượng thư bộ Lại Kế Khê bá Giáp Hải: “Đếm tuổi mình đã bảy mươi ba/ Treo xe hơi muộn, cũng nên thẹn”. Như vậy lời tự bạch này đã xác định rất rõ thời điểm nghỉ việc, Trạng Trình giã từ Mạc triều vào năm ông 73 tuổi.

Sự thật về tước

“Quốc công” của

Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trước đây, dân gian và giới nghiên cứu vẫn cho rằng tước “Trình Quốc công” của Nguyễn Bỉnh Khiêm được vua Mạc phong cho khi ông đã tạ thế (2). Tuy vậy tiếng nói của lịch sử văn hóa xa xưa vẫn kịp dội lại để bác bỏ nhận định sai lầm này. Trên Tạp chí Hán Nôm số 6 (55)/2002, tác giả Nguyễn Hữu Tưởng đã thuật quá trình sưu tầm và dịch toàn văn nội dung ghi trên hai tấm bia đá tại huyện Quỳnh Phụ và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Diên Thọ kiều bi ký và Tu tạo thạch Phật bi ký). Theo đó, trong văn bia, bài minh viết về việc tạo tượng Tam Giáo, phần “Lạc khoản” khắc rõ “Ngày lành tháng hai năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578). Tiến sỹ cập đệ khoa Ất Mùi (1535) trí sĩ họ Nguyễn tự Hanh Phủ tước Trình Quốc công, người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại soạn”. Từ đây có thể xác quyết một sự thật là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được vua Mạc phong tước Trình Quốc công từ rất lâu, chỉ tính từ năm mà ông viết bài minh trên bia đá 1578 cũng đã sớm hơn 7 năm trước khi ông qua đời (1585).

Tước “Quốc công” là một tước hiệu lớn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tước này chỉ đứng sau tước Vương và trên Quận công. Người được thụ phong (nếu không phải con cháu Hoàng thất) phải có quân công hiển hách và phải từng trải việc điều binh khiển tướng. Trải qua lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, chỉ có 20 người là võ tướng hoặc văn nhân danh tiếng được phong tước “Quốc công” lúc sinh thời mà không thuộc hoàng tộc, vương thất. Trong số đó có Lý Thường Kiệt võ công hiển hách; Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm, sau này, người giữ ngôi vua, người người ngồi ngai chúa. Đây là một điểm mấu chốt để giải mã và khẳng định nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ với 8 năm làm việc thì dù có tài năng cỡ mấy cũng không đủ hoàn thành được những công trạng đáp ứng “tiêu chí” được phong tước Quốc công, dưới con mắt “soi” ngặt nghèo của cả vương triều.

Cũng từ đây chúng ta sẽ thấy một điều đáng tiếc khi lịch sử chỉ nhìn nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách nhà thơ, nhà giáo, nhà dự báo và phẩm chất nhà chính trị ít được nói tới, đặc biệt phẩm chất nhà quân sự của ông là một ngạc nhiên với nhiều người. Song sự thật lại chứng minh ông từng tham chiến và là nhà quân sự tài ba.

Các cuộc hành trình ra trận Nguyễn Bỉnh Khiêm đều có ghi lại trong thơ. Trong tập thơ chữ Hán Bạch Vân am tập và chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi tập, hiện còn trên mười bài thơ ông viết về đề tài này, nó trở thành những trang “nhật ký” ghi lại quan điểm chiến tranh và hành trạng của ông nơi trận mạc.

Trước hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm lo lắng cùng vua trước thảm cảnh giặc đe dọa kinh thành: “Giặc giã hoành hành ngang ngược phạm cả vào kinh đô/ Chúa lo tôi nhục đáng thương tình xiết bao” (Hữu cảm kỳ 1). Ông cũng bày tỏ thái độ đánh giặc rõ ràng: “Lòng trời nếu chẳng dung tha kẻ gian ngụy/ Thì hãy một phen trợ sức cho quân nhà vua” (Quá Hữu Giang 2). Nhiều bài thơ của ông nói về hành binh đánh giặc, bài Hộ giá đi miền Tây qua châu Lục Yên là một ví dụ: “Xa giá lớn đi miền Tây, đóng quân ở núi này/ Khắp vùng trai gái đều trông mong được sống yên ổn”. Để báo quốc trung quân nên ngoài sáu mươi tuổi ông vẫn tham gia chiến trận: “Tuổi già gắng gỏi việc binh nhung/ Giết giặc mong vì nước dốc trung”. Có những bài ông viết cụ thể hơn về việc hoạch định chiến lược chiến thuật của mình trong quân doanh: “Già si đần, gặp thời loạn lạc/ Gắng theo quân bàn bạc mưu cơ”; Hoặc “Đã hai dạo, già yếu theo quân đến phía sông miền Tây… Bỗng nghe đồn lũy giặc bị quét sạch không/ Mưu kế vạn toàn ở chốn miếu đường là tài lực của chư tướng/ Thư sinh này sao dám nói đến công lao” (Qua sông Hữu 6). Với ông đánh giặc là vì hòa bình, ngay khi giữa trận mạc ông vẫn khát khao điều ấy “Tốn cô vì Chúa dốc công/ Định kỳ diệt giặc lấy xong đô kỳ/ Đất trời trở lại bình thì/ Quán Tân quê cũ, đi về Vân Am” (Cảm hứng 5)…

Những minh chứng thơ này có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự nguyện tham gia trận mạc, đồng thời cho thấy ông được nhà vua tin yêu nhờ cậy. Rất tiếc rằng Trạng Trình vốn khiêm nhường và thơ không có chức năng như văn xuôi nên không biểu đạt được tài năng cầm quân giết giặc của ông như thế nào, song rất may mắn các nhà sử học lại không quên điều đó.

Trong các sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề ,Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, dù được viết trên quan điểm Nhà Mạc là “ngụy triều” nhưng vẫn nêu khá rõ tài năng của Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách là vị “Quân sư” tài năng. Đây là đoạn viết về sự kiện quân Lê - Trịnh vây ráp kinh thành đánh Mạc Phúc Nguyên: “Tháng 3 năm Chỉnh Trị thứ 4 (1561), có người hiến kế với Phúc Nguyên rằng: Chi bằng dùng cách xuất kỳ bất ý, ngầm dẫn quân tiến thẳng vào Thanh Hoa, đánh ngay vào nơi tâm phúc, thì đạo quân đang vây ở Kinh Bắc và Hải Dương ta không cần đánh cũng sẽ tự giải. Đó là cái kế “đánh nước Ngụy để cứu nước Hàn” của Tôn Tử vậy”- (Lê Quý Đôn). Trong bài Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc tại hội thảo khoa học “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc”, Viện KHXH tháng 10/1991; Tiến sỹ Trần Khuê đã xác định trong cụm từ “có người hiến kế”, thì người đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông khẳng định: “Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm thiếu tài thao lược hoặc không lập nên công trạng gì đáng kể hẳn vua Mạc không cần phong tặng ông những chức tước quan trọng như thế”.

Cũng cùng sự kiện này, sách Công dư tiệp ký ghi: “Trong thời gian ấy, đức Thế tổ đã dấy nghĩa binh… Mạc Kính Điển (tướng nhà Mạc) đại bại, Thế tổ thừa cơ tiến binh theo đường núi phía tây ra đánh Kinh Bắc, khiến cho trong ngoài nơm nớp lo sợ, ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) hiến kế hư thực, họ Mạc theo đó thi hành, bấy giờ trong cõi mới ổn định”. Còn Đại Việt Sử ký toàn thư ghi nhận kế sách “đánh Ngụy cứu nước Hàn” trong binh pháp Tôn Tử được Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng đã tạo ra hiệu quả bình định cả xứ Nghệ: “Dân Nghệ An sợ thế Mạc đã lâu, quan quân (nhà Lê) xa cách không thể cứu ứng được, phần nhiều hàng họ Mạc”…Và rất nhiều đóng góp khác về mặt quân sự của Nguyễn Bỉnh Khiêm được ghi trong sách Công dư tiệp ký như thu tướng tài Nguyễn Quyện, bố trí binh lực dời kinh đô lên Cao Bằng…

Cần lưu ý rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm là tôi trung nhà Mạc nên khái niệm “giặc” trong ông là tất cả các thế lực làm tổn hại vương triều Mạc. Tuy nhiên mang tâm của một nhà Nho hiền lương luôn coi “dân vi quý” nên ông lại muốn ngăn chặn cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến. Đây là một mâu thuẫn và ông tìm cách giải quyết nó bằng những mưu lược thâm sâu khác mà chưa đề cập ở bài viết này.

Như vậy, có thể thấy rất rõ Nguyễn Bỉnh Khiêm có một thời gian cống hiến cho nhà Mạc tới 28 năm, và trong ngần ấy thời gian ông đã lập nên nhiều công trạng hiển hách cho vương triều Mạc. Để khẳng định thêm điều này, chúng ta có thể dựa trên một căn cứ vững chắc, đó là tiếng nói của một người trong cuộc để khẳng định: “Năng lực của ông phò vua như cột chống đỡ trời/ Huân nghiệp trải bốn triều, ông là tài năng kiệt xuất giữa cõi người”. Đánh giá này của Trạng Nguyên Giáp Hải, một vị quan từng giữ sáu chức thượng thư triều Mạc mang một ý nghĩa không chỉ chuẩn mực về nội dung nhận định mà còn là phát ngôn hành chính tầm Nhà nước công nhận đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn xứng tầm với những điều kiện mà thời đại ông đòi hỏi cho tước hiệu này.

Việc xây dựng hình tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm như một nhà Nho tiết tháo từ bỏ triều Mạc, chống lại các vương triều phong kiến suy tàn, cáo quan ở ẩn… của một số nhà nghiên cứu trước đây là nhắm vào mục tiêu phê phán tư tưởng hủ bại của xã hội phong kiến. Tuy nhiên, vô hình chung đã làm tổn hại tới tấm lòng trung quân ái quốc, đồng thời làm mờ nhạt cống hiến lớn lao trọn đời cho đất nước, nhân dân của ông. Đây là một nội dung cần nghiên cứu lại để hình ảnh của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm thêm sáng rõ về tầm vóc dưới góc nhìn lịch sử chân thật.

_______

1. Các nguồn tài liệu: Vũ Phương Đề - Công dư tiệp ký (TT học liệu BGD 1973), Lê Quý Đôn -Đại Việt thông sử (NXB KHXH. Hà Nội,1977); Nhiều tác giả - Đại Việt sử ký toàn thư (NXB KHXH - Đông A, 2017); Vũ Khâm Lân - Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký (Bộ quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1962).

2. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia và giai thoại dân gian lưu truyền: sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời, ông được lập đền thờ tại quê nhà và đích thân vua Mạc đề chữ lên biển gắn trước đền thờ là “Mạc Triều Trạng nguyên Tể Tướng Từ”; theo đó, đây mới là chức vụ mà Nguyễn Bỉnh Khiêm được truy phong.

Nguyễn Đình Minh

Nguồn Văn nghệ số 37/2023


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.