Trong khoảng một thế kỷ lại đây ở nước ta đã có hàng trăm công trình lớn nhỏ bàn về truyện cổ tích và các vấn đề xung quanh thể loại này. Đồng thời cùng sự ra đời đó thì có nhiều vấn đề nảy sinh gây tranh cãi và chưa đi đến thống nhất. Chẳng hạn như ranh giới giữa cổ tích và truyền thuyết, thi pháp, nhân vật trong truyện cổ tích,... Điều này gây khó khăn cho việc nghiên cứu và nhất là giảng dạy trong nhà trường THCS, THPT. Trong bài viết này tôi đi vào một khía cạnh cụ thể đó là cổ tích Tấm Cám và những vấn đề liên quan đến truyện cổ tích này.
Nhiều cuộc trao đổi tọa đàm đã đề cập một số khó khăn trong việc giảng dạy truyện cổ tích Tấm Cám, chẳng hạn, truyện cổ tích này thuộc tiểu loại nào? Nhân vật Tấm phải chăng là nhân vật ác?... Chính những vấn đề đó đã gây khó khăn lớn cho giáo viên khi giảng dạy. Vậy để giúp các giáo viên dễ dàng hơn trong khi giảng dạy cổ tích và truyện Tấm Cám, tôi xin đề nghị một cách giải mã nhân vật Tấm và thảo luận qua những vấn đề còn gây tranh cãi. Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu thuộc tiểu loại cổ tích thần kỳ (đây cũng là tiểu loại chiếm số lượng nhiều nhất và có giá trị nghệ thuật nhất trong văn học dân gian Việt). Đã có nhiều công trình có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, văn học,... xoay quanh truyện Tấm Cám, nhưng phần nhiều còn ít quan tâm đến vấn đề nhân vật chức năng trong truyện cổ tích thần kỳ - một đặc trưng rất quan trọng trong cổ tích Tấm Cám nói riêng và văn học dân gian nói chung.
Khái niệm nhân vật chức năng, theo “Từ điển thuật ngữ văn học" do các giáo viên trường Đại học Vinh biên soạn, là “nhân vật có các đặc điểm, phẩm chất cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối, không có đời sống nội tâm; sự tồn tại và hoạt động của nó nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện và trong việc phản ánh đời sống; nhân vật đó đồng nhất với vai trò nó đóng trong tác phẩm". Khái niệm trên còn khá chung chung, ở chỗ đấy là đặc điểm của mọi nhân vật cổ tích, trong khi tính chức năng của từng nhân vật trong từng truyện cụ thể lại khác nhau. Tuy nhiên, cách diễn đạt như vậy cũng đã chỉ ra đặc điểm cơ bản nhất của nhân vật chức năng: “nhân vật đồng nhất với vai trò mà nó đóng trong tác phẩm, sự tồn tại và hoạt động của nó nhằm thực hiện một số chức năng trong truyện" (- “Những vấn đề thi pháp văn học dân gian. - Nguyễn Xuân Đức"). Điều này báo trước rằng khi phân tích nhân vật trong truyện cổ tích không nên ap dụng phương pháp phân tích nhân vật của văn học hư cấu thông thường. Bởi nhân vật trong văn học thường gặp là loại nhân vật có tính cách, có đời sống nội tâm, có tâm lý thay đổi đa chiều và phức tạp, có ngoại hình tính cách, thậm chí đôi khi có tên họ địa chỉ xác định. Trái lại, ta thấy nhân vật trong truyện cổ tích khác hẳn - không có các đặc điểm như nhân vật trong văn học viết. Nhân vật cổ tích thường đại diện cho một tầng lớp nào đó trong xã hội chứ không mang tư cách cá nhân.
Trong truyện Tấm Cám, nhân vật Tấm là một nhân vật chức năng, thực hiện chuỗi hành động của mình theo một mô hình mà tác giả dân gian đã vạch sẵn từ trước. Ta có thể hình dung mô hình các hành động của nhân vật Tấm: mồ côi ở với dì ghẻ phải mò cua bắt ốc - nuôi cá Bống thì cá bị giết - nhặt xương chôn ở bốn chân giường - đi hội đánh rơi giày được vua đón vào cung - trèo cau hái cúng giỗ cha thì bị chết - biến thành chim Vàng Anh - cây Xoan Đào - cây Thị và quả Thị - trở lại làm người - trừng trị mẹ con Cám. Như vậy, có thể thấy rõ nhân vật Tấm thực hiện các hành động theo một mô hình nhân - quả đã định trước theo quan niệm đạo lý phổ biến thời đó. Điều này khác với nhân vật trong văn học viết, chẳng hạn tiêu biểu như Chí Phèo - hành động bộc phát và không theo một mô hình nào; cuối truyện, khi đến giết Bá Kiến, ban đầu ý đồ hành động của Chí là đi giết Bà Cô của Thị Nở... Trong văn học dân gian, thường có một bộ khung cốt truyện rồi tác giả dân gian lắp ráp lại theo sự sáng tạo của mình và cốt truyện đó còn được tiếp tục hoàn thiện thông qua các dị bản (dị bản là đặc điểm cơ bản của văn học dân gian). Một nhân vật như Cô Tấm không có đời sống nội tâm, mà thể hiện ý đồ định sẵn của tác giả dân gian. Chính vì thế ta nên bám sát vào đặc điểm chức năng của nhân vật.
Theo Nguyễn Xuân Đức trong "Những vấn đề thi pháp văn học dân gian” cũng như trong rất nhiều tài liệu trong nước và quốc tế của các nhà nghiên cứu Folklore, "cổ tích được xây dựng trên một mưu toan định sẵn, đặc điểm này không ngẫu nhiên không thứ yếu. Trong chừng mực nhất định đây là điểm xác lập toàn bộ thi pháp của cổ tích, cổ tích thần kỳ, như là hư cấu có chủ tâm". Theo đó, trong truyện Tấm Cám ta thấy rõ việc tác giả dân gian cởi nút và thắt nút đều theo chủ ý định trước và dùng yếu tố sự trợ giúp của các thế lực bên ngoài, cụ thể ở đây là Bụt. Mặt khác, cũng thấy rõ nhân vật Tấm không hành động theo toan tính hay dự định riêng mà theo một khuôn khổ tiền định, nói cách khác, nhân vật giống như một chiếc máy đã được lập trình sẵn các chức năng và chỉ việc hoàn thành các công đoạn hành động đã định.
Truyện cổ tích "Tấm Cám". Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Không chỉ ở cổ tích Tấm Cám, thí dụ, xem xét mô hình định sẵn ở truyện “Thạch Sanh", ta thấy tình tiết Đại Bàng tinh cắp công chúa qua gốc đa nơi Thạch Sanh ở liệu có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không? Dường như đó chính là ý đồ nghệ thuật mà tác giả dân gian đã hoạch định sẵn, nhân vật chỉ chờ ở đó để thực hiện; khác với nhân vật trong văn học viết hành động có chủ ý và toan tính, bởi nhân vật có tính cách và tâm lý riêng, do vậy có suy tính rõ ràng trong hành động.
Gần đây, nhiều người theo quan điểm cho rằng nhân vật Tấm là nhân vật ác, vì xét trên toàn bộ câu chuyện thì cách trả thù của Tấm man rợ. Nhiều giáo viên khi
được học sinh hỏi những câu tương tự như thế thì không trả lời được hoặc là trả lời không chuẩn xác. Để việc giảng dạy và học tập tốt hơn, xin đề nghị lý giải điều này như sau:
Trước hết, ta có thể thấy cổ tích thần kỳ thường kết thúc câu chuyện theo hai hướng có hậu hoặc không có hậu. Truyện Tấm Cám là một truyện kết thúc theo kiểu có hậu: người hiền lành được hưởng phúc kẻ, có tội bị trừng trị đích đáng. Đây cũng là môtíp cơ bản trong nhiều truyện cổ tích. Thực chất, điều này gắn bó mật thiết với văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán và quan niệm sống của xã hội đương thời cũng như đặc điểm của cổ tích thần kỳ.
Xét về mặt tín ngưỡng, thời phong kiến ở nước ta chấp nhận thực hành “Tam giáo đồng nguyên" - ba niềm tin khác biệt về hệ thống cùng tồn tại trong không gian tín ngưỡng. Phật giáo có giai đoạn triều đại Lý – Trần đã từng trở thành Quốc giáo nghĩa, không tránh khỏi hiện tượng ảnh hưởng sâu sắc vào cuộc sống dân cư. Quan niệm về “ thiện – ác, tốt – xấu, chính – tà ...” có cội nguồn Phật giáo đã trở nên các cặp phạm trù thường xuyên xuất hiện trong cổ tích, nhất là tiểu loại cổ tích thần kỳ. Truyện Tấm Cám không nằm ngoài quan niệm này, vì Bụt chính là tên theo phiên bản tiếng Việt của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni (Tất - Đạt – Đa Cồ Đàm, tiếng Phạn là “siddhàrtha Gautama", Trung Quốc gọi là Phật Tổ Như Lai). Nhân vật Tấm đại diện cho tuyến thiện đối lập với mẹ con Cám đại diện cho tuyến ác. Như vậy, quan niệm của người dân Việt luôn tin rằng cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Theo đó, nhân vật Tấm không phải nhân vật đại diện cái ác, mà chỉ là công cụ thực hiện ước mơ diệt ác “quả báo nhãn tiền" của người bình dân.
Về phong tục tập quán, người phương Đông nói chung và người dân Việt luôn muốn sống hòa nhập với thiên nhiên, ưa thích sự cân đối hài hòa, trong trang trí nhà cửa hay vật dụng sinh hoạt cũng đều tạo sự cân bằng đăng đối. Văn học dân gian cũng chịu ảnh hưởng của điều này như biểu hiện trong truyện Tấm Cám, thể hiện sự hài hòa trong cách bố trí cốt truyện có thiện thì có ác, có nhân thì có quả. Cách phối trí như vậy cũng xuất hiện hàng loạt trong những phong tục truyền thống của người Việt như tục ăn trầu, dệt vải...
Bên cạnh đó, ta còn thấy thuyết nhân quả xuất hiện dày đặc trong nhiều truyện cổ tích, không chỉ có cổ tích Tấm Cám mà trong nhiều các câu chuyện khác nữa, như tình tiết mẹ con Lý Thông bị trời đánh chết biến thành bọ hung....
Như vậy, văn học dân gian gắn liền với phong tục tập quán tín ngưỡng tôn giáo, và điều này lý giải tình trạng văn học dân gian chịu ảnh hưởng lớn của truyền thống dân gian, không thể diễn giải nhân vật trong đó ác hay thiện theo quan niệm thời hiện đại.
Cuối cùng, xét về mặt nhân vật chức năng như trên đã trình bày, ta thấy rằng hành động của Tấm không phải là ác mà theo một mô hình đã định sẵn. Vấn đề này đã từng được đề cập trong các bài viết của cố Gs. Hoàng Ngọc Hiến. Bởi vậy trong giảng dạy và nghiên cứu ta không nên đưa vấn đề “thiện – ác" làm một đặc điểm tính cách cá thể của nhân vật trong văn học dân gian.