Quả vậy xưa nay chúng ta chỉ thấy rằng con cái mà giống cha mẹ là điều bình thường, là chuyện tự nhiên như thế. Và bất cứ một người đàn ông nào thấy con mình càng lớn, càng rõ là có giống mình cũng đều yên tâm; mà chỉ ngạc nhiên để rồi nghĩ ngợi, trong trường hợp bất thường ngược lại.
Nhưng, cách nhìn khoa học lại là cách nhìn biết ngạc nhiên, biết thấy vấn đề trước một hiện tượng quen thuộc bình thường. Như chúng ta đều rõ nhà di truyền học đã ngạc nhiên trước hiện tượng rất bình thường là con thì giống cha, giống mẹ và đặt ra câu hỏi: vì sao, vì những nguyên nhân gì mà cha mẹ với con cái thì giống nhau? Rõ ràng đó là một câu hỏi lớn, xuất phát từ một sự ngạc nhiên đúng và từ đó, lời giải đáp lớn đã được tìm thấy với những phát hiện, những đảo lộn, những cống hiến không ai, ngày nay còn có thể phủ nhận...
Thuyết nghĩ, bản ngữ cũng là một hiện tượng như thế đấy: quen thuộc quá, gần gũi quá, hóa thành quá ư bình thường! Vì thế để sinh ra sự tình là cứ theo thói quen của mình mà coi, mà viết chứ không cần phải suy nghĩ gì nhiều, và cái lẽ “vì sao” của các sự kiện trong bản ngữ và của chính bản ngữ.
Ảnh minh họa từ freepik. |
Tôi xin dẫn một sự kiện làm ví dụ.
Khi có một người nào đấy hỏi chuyện tôi, thì tôi có thể thuật lại việc ấy bằng một câu như sau: “Ông B hỏi tôi, tôi đã trả lời ông ấy”. Đối với một câu như thế người Việt Nam nào chắc cũng nhận là đúng mẹo. Cái mẹo ở đây là dùng từ trả lời đặt trực tiếp trước từ chỉ người hỏi, như: trả lời ông, trả lời bà, trả lời khách... Nhưng một người mẹ trách con, lại trách: “Sao con trả lời với mẹ như thế, hở con!”. Cái khác trong câu này là có thêm từ với xen vào giữa từ trả lời và từ chỉ người hỏi. Vậy, xin các bạn độc giả hãy nghĩ giùm cho về cái từ với trong trường hợp này! Riêng tôi, tôi không thể nào thấy rằng từ với xen vào như trên là tùy tiện, là sai mẹo; mà trái lại, nó có vị trí xứng đáng của nó ở đấy. Nhưng nếu các bạn và tôi, chúng ta đồng ý với nhau thì phải tìm cách giải đáp những câu hỏi không đơn giản như sau: khi nào, cũng với từ trả lời, thì có dùng từ rồi và khi nào không? “A trả lời B” và “A trả lời với B” thì khác nhau ra làm sao?
Khái quát hơn là những vấn đề như sau: Về mặt ý nghĩa về mẹo luật từ với có tư cách như thế nào? Bảo rằng sẽ là “hư từ” thì khái niệm hư được xác định làm sao đây? Phải chăng “hư” là không có ý nghĩa gì hết? Và phải chăng “hư từ” của tiếng Việt thì có thể tùy nghi sử dụng?
Rõ ràng là nếu chưa tìm ra được lời giải đáp cho những câu hỏi, cho những vấn đề đó, thì khi dùng từ với khó mà tránh khỏi tình trạng bị thói quen của mình hoàn toàn chi phối, và khi gặp từ ấy trong cách dùng là lạ nào đấy của người khác, rất có thể sinh ra thắc mắc - vì thói quen riêng của những người bản ngữ tất nhiên là có giống nhau, nhưng không thể nhất nhất khớp với nhau, trước mọi sự kiện của bản ngữ.
Có thể cần thêm ví dụ sau đây làm tư liệu tham khảo.
“Ai ơi đợi với em cùng
Em còn gỡ mối tơ hồng chưa xong”
Khi một cô gái Việt Nam gọi một chàng trai con giai nào đó đi trước mình thì gọi: “Đợi em với” hay “Đợi tôi với”; đó là cảnh thường thấy và những lời thường nghe. Thế thì vì lẽ gì, cô thôn nữ của chúng ta trong câu ca dao lại đặt từ với của cô vào vị trí có vẻ trái chỗ như thế kia?
Phải chăng là khi làm thơ thì phép tắc về vần điệu trong thơ cho phép chúng ta cứ tùy nghi? Phải chăng là ngôn ngữ tình cảm, ngôn ngữ nghệ thuật thì “gây nhiễu loạn” thì “phá hoại” mẹo luật? Và “ngôn ngữ văn học” phải chăng là một sản phẩm đã bị nhà nghệ sĩ làm méo mó đi?
Quả nhiên, chung quanh những sự kiện nho nhỏ như thế của tiếng Việt, có khá nhiều vấn đề có thể đặt ra để cùng nhau suy nghĩ.
Và tôi tưởng là có thể phát biểu như sau: trong một cách nhìn khoa học mà chúng ta muốn có, muốn xây dựng nên, đối với tiếng việt muôn vàn đáng yêu, đáng quý của chúng ta thì yêu cầu quan trọng trước tiên là thực vậy, hãy biết ngạc nhiên, hãy suy nghĩ về những sự kiện mà chúng ta thường tiếp xúc, khi nói, khi viết và đặc biệt khi nghe, khi đọc.
Bản ngữ, như đã nói, có mặt không thuận lợi là do quen thuộc quá, nên không kích thích sự suy nghĩ nhưng ngược lại - và chẳng có gì là mâu thuẫn ở đây cả - chính vì thế, vì rất quen thuộc, rất gần gũi, rất thân thiết mà khi thấy vấn đề suy nghĩ, thì người bản ngữ lại có điều kiện thuận lợi để suy nghĩ, để nghiêm xét một cách sâu sắc.
Tất nhiên là ngôn ngữ học có vai trò giúp sức của nó. Đó là một khoa học đã sinh ra từ rất lâu đời, vì sự suy nghĩ về ngôn ngữ vốn dõi theo cuộc sống và trí tuệ của con người từ những thuở xa xưa. Nhưng thức tỉnh, cần phải nói rằng đối với chúng ta, bộ môn này không phải, cũng không thể có sức giúp như những bộ môn khác, chẳng hạn, di truyền học!
Ảnh minh họa từ freepik. |
Tôi nghĩ rằng có thể phác họa những nét chính sau đây về ngôn ngữ học.
Một thời trước kia sự khảo sát ngôn ngữ là chủ yếu theo phương pháp nội quan tức là từ trong ra ngoài, từ mặt tâm lý trừu tượng mà ra đến cách thể hiện tư tưởng tình cảm của con người mà của cả dân tộc nữa. Riêng ở phương Tây, quan điểm đó là một bước tiến. Nó khẳng định rằng con người, chứ không phải Chúa trời đã sáng tạo ra ngôn ngữ. Năm 1772, ở nước Đức một giải thưởng lớn đã được trao cho J.G.Hec-đe, về một công trình trong đó cái quan niệm chính thống cho rằng ngôn ngữ là do Chúa trời phú cho loài người đã bị bác bỏ. Nhưng Hec-đe và cả một dòng ngôn ngữ học lớn của nước Đức và châu Âu sở dĩ nổi tiếng từ đó cho đến hết thứ kỷ XIX, là do đã phân tích sâu vào mối quan hệ giữa tâm lý ý thức và ngôn ngữ. Mối quan hệ này thể hiện tính hơn hẳn về bản chất chứ không phải về trình độ của con người đối với con vật. Giữa muôn loài chỉ loài người mới có tư duy, có ý thức, và chỉ loài người mới có ngôn ngữ. Đó là khả năng lớn cũng như là vinh dự lớn của loài người.
Mối quan hệ đó lại còn chỉ ra sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các ngôn ngữ và các dân tộc: các ngôn ngữ “đa tiết”, “biến dạng” ở châu Âu được xem là ở trình độ cao hơn hẳn so với những ngôn ngữ “đơn tiết”, “đơn lập” và “thô sơ” như tiếng Hán! Năm 1794, viện đại học Berlin trao giải cho một công trình nào chứng minh được tính hoàn thiện của ngôn ngữ. Giáo sư D.Giê-nit đoạt giải. Bằng một công trình ca ngợi tính hoàn thiện lý tưởng của các ngôn ngữ ở châu Âu mà đứng đầu là tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh...
Có thể nói rằng trong thế kỷ XIX ngôn ngữ học đã tiến triển theo quan điểm có thể gọi chung là “duy thức luận” và có những phát hiện có giá trị. Không ít những khái niệm về ngữ âm, về ngữ pháp, về từ vựng và phép mỹ từ được xác định trong thời kỳ này vẫn được vận dụng trong việc soạn sách ngữ pháp, việc giảng dạy ngôn ngữ, và cả trong việc nghiên cứu văn học... Nhưng cũng chính trong thời kỳ này đã được gieo rắc khắp nơi những định kiến về các đức tính tuyệt vời của “tiếng Pháp trong sáng”, “tiếng Anh sâu sắc” và của “tiếng Đức – chuyên ngữ lý tưởng của triết học...”. Không thể không chủ ý rằng những định kiến ấy là những cỗ xe mà chính sách văn hóa phản động của chủ nghĩa thực dân đã biết khôn khéo kéo theo với nó, trên con đường bành trướng đẫm máu của nó. Những ai biết chút tiếng Pháp, tiếng Anh... mà cứ dương dương tự đắc là đã rơi vào cái hố sai lầm và lạc hậu một sự lạc hậu đưa họ lùi vào một quá khứ ít nhất của hai thế kỷ trước!
Ngày nay có lẽ không một viện đại học nào dù là của bọn da trắng phân biệt và kỳ thị chủng tộc đang cầm quyền ở Nam Phi còn treo một giải thưởng như viện đại học Berlin xưa kia nữa!
Bởi vì, từ đầu thế kỷ này đã có một chuyển biến quan trọng, có thể coi như bắt đầu với Ph.đ. Xót-xua (Ferdinand de Saussure), nhà ngôn ngữ học nổi tiếng được tôn là người sáng lập trường phái cấu trúc luận trong ngôn ngữ học và được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước, kể cả nước ta.(1)
Cái cốt lõi trong quan điểm của nhà lý thuyết này là có thể tóm tắt như sau: mặc dù ngôn ngữ là một hiện tượng vốn bao gồm nhiều mặt, nhưng ngôn ngữ học không thể cùng một lúc bao biện hết tất cả mọi mặt của nó, sự khảo sát ngôn ngữ tránh đi từ trong ra ngoài, mà chỉ lấy mặt ngoài là “ngôn ngữ” làm đối tượng: khái niệm “ngôn ngữ” cần được xác định rõ đó là một hệ thống tín hiệu, và ngôn ngữ học là một bộ môn của ngành tín hiệu học nghiên cứu các loại tín hiệu, nên phải có phương pháp riêng của nó.
Quan điểm này đã tạo nên cách suy nghĩ khách quan hơn đối với ngôn ngữ và đã điều chỉnh nhiều nhận định chủ quan của thời duy thức, thời “lãng mạn”. Do có những điều kiện vật chất mới, sự khảo sát ngôn ngữ không còn thu hẹp trong phạm vi các ngôn ngữ “lý tưởng” ở phương Tây mà đã mở rộng ra trên quy mô chưa từng thấy, đến hàng nghìn ngôn ngữ, trên khắp năm châu bốn biển. Tầm hiểu biết được mở rộng này đã làm nhiều học giả phương Tây tỉnh ngộ. Ít nhất người ta cũng thấy được, chẳng hạn, rằng ngôn ngữ nào cũng có thể có từ, song từ của tiếng Việt không phải và không thể giống hệt với từ của tiếng Pháp, tiếng Anh... Chính là qua những sự điều chỉnh đối với các khái niệm về ngôn ngữ mà cuối cùng người ta nhận định rằng “tính ưu việt” và “tính thô sơ” của các ngôn ngữ, sự thực, chỉ là tính khác biệt về loại hình của chúng mà thôi. Cái thái độ coi thường khinh rẻ những ngôn ngữ như tiếng Hán, tiếng Việt đã nhường chỗ cho một thái độ vô tư hơn trước tiên là ở các nhà ngôn ngữ học.
Tuy vậy về phương pháp tính chất phiến diện của quan điểm này vẫn bày ra rất rõ và không thỏa mãn được yêu cầu của sự nghiên cứu toàn diện về ngôn ngữ. Chính Ph.đ.Xốt-xua cho rằng ngôn ngữ viết, ngôn ngữ văn học là “giả tạo” và nghiên cứu ngôn ngữ thì không thể lấy nó làm đối tượng. N”hững người khác tán thành quan điểm này cũng thấy rằng chỉ có thể nghiên cứu ngữ pháp trên cơ sở tiếng nói thông thường” mà thôi...
Dần dần quan điểm nói trên càng đi vào con đường cực đoan từ những năm 40 và 50 với những người như L.Blum-phin, “cha đẻ của cấu trúc luận Mỹ” trong ngôn ngữ học, đó là con đường tách biệt hẳn ngôn ngữ ra khỏi tâm lý, khỏi ý thức của con người: ngôn ngữ là một cấu trúc tồn tại tự nó và tuân theo những qui luật của riêng nó. Nhiều khái niệm mới về ngôn ngữ được đề xuất với những tên gọi những thuật ngữ mới mẻ có hiệu lực nhất định đối với các thủ thuật làm việc của nhà ngôn ngữ học cấu trúc luận khi chiết xuất, phân loại các đơn vị và xác định các hệ thống, nhưng rõ ràng là xa lạ đối với các hoạt động ngôn ngữ của con người. Cho nên con đường ấy cũng nhanh chóng đi tới chỗ bế tắc. Ở ngay trên nước Mỹ sự phản ứng đã diễn ra mạnh mẽ, vào cuối thời kỳ những năm 60 gắn liền với những công trình của nhà ngôn ngữ học N.Khôm-xki (Noam Chamsky) người được coi là đã làm cách mạng trong ngôn ngữ học hiện đại Mỹ - “cuộc cách mạng Khôm-xki chống lại trường phái Blum-phin được coi là “chính thuyết”, nơi mà từ đó, N.Khôm-xki đã được đào tạo nên.(2)
Mặc dù vẫn thừa nhận những đóng góp nhất định của ngôn ngữ học cấu trúc luận N.Khôm-xki cho rằng đó chỉ mới là sự phân tích cấu trúc bề mặt của ngôn ngữ, mà trong ngôn ngữ còn có bề sâu của nó là ý thức. Vì thế phải phân tích cả cấu trúc của cái bề sâu đó. Có thể nhận thấy rằng ở điểm này Khôm-xki đã trở lại trong thái độ rất trân trọng với truyền thống ngôn ngữ học, truyền thống hết sức đề cao mới mối quan hệ giữa ý thức với ngôn ngữ. Cái mới ở N.Khôm-xki là chủ trương phải thấy mối quan hệ giữa ngôn ngữ với ý thức và phải tìm ra những thao tác liên hệ cấu trúc bề sâu với cấu trúc bề mặt. Tuy vậy ở điểm này người ta chưa thấy được sức thuyết phục đầy đủ của những “thao tác cải biến” của chính N.Khôm-xki...
Cho nên trong một nền ngôn ngữ học về tiếng Việt, nền ngôn ngữ học mà chúng ta đang xây dựng tôi thiết nghĩ rằng quan điểm cơ bản của chúng ta chung quy vẫn là cái nguyên lý mà chúng ta có thể tìm thấy trong lời phát biểu của Mác: “Ngôn ngữ là thực tế trực tiếp của ý thức”. Không thể có ngôn ngữ tồn tại tách rời khỏi ý thức! Bản chất đó của ngôn ngữ làm cho quá trình phát triển của nó gắn bó mật thiết với thực tiễn của cuộc sống đấu tranh, sáng tạo không ngừng của dân tộc, trong những điều kiện thiên nhiên xã hội và lịch sử. Quá trình đó tạo nên ngôn ngữ dân tộc: những điểm đặc điểm riêng, trong hệ thống các đơn vị và mẹo luật của nó tiếng nó. “Tiếng nói - như Hồ Chủ tịch đã phát biểu - là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc”.
Quan điểm biện chứng đó là chủ nghĩa Mác - Lê Nin về ngôn ngữ là chỗ dựa lý thuyết cho chúng ta trong sự suy nghĩ và nghiên cứu về tiếng Việt.
Trở lại với ví dụ về từ với nêu lên ở trên, tôi cho rằng điều kiện trước tiên cần đặt ra, khi suy nghĩ về nó, là chớ có liên hệ ngay với một ngôn ngữ phương Tây nào mà mình biết! Chẳng hạn, nếu liên hệ với tiếng Pháp thì thấy rằng khi dùng động từ répondre (có nghĩa là “trả lời”) thì tất phải dùng giới từ à: đó là một quy tắc nghiêm ngặt. Từ đó nếu quay trở lại mà nhìn vào tiếng Việt thì thấy rằng động từ trả lời không buộc phải dùng giới từ với mà có thể tùy nghi dùng hay không dùng giới từ này.
Cách nhận định ấy có thể dẫn tới một cuộc tranh cãi như sau:
- Khả năng tùy nghi ấy là chứng cứ về tính không nghiêm ngặt của mẹo luật tiếng Việt; đó là điều cần cải tiến dùng hay không dùng giới từ thì cho dứt khoát! Về điểm này, ta phải nên chịu cái logic trong tiếng Pháp của ông Đề-các đi thôi!
- Không! Khả năng tùy nghi đó là một biểu hiện của tính linh hoạt sinh động, mềm dẻo của tiếng ta. Đó chính là cái đặc sắc của tiếng ta, mà ta cần phải bảo vệ!
Một cuộc tranh cãi như vậy quả thực là khó mà đi tới chỗ kết thúc!
Theo như tôi nghĩ thì mặc dù tùy nghi vẫn là một khả năng không thể loại bỏ một cách tiên quyết trong tiếng Việt cũng như trong những ngôn ngữ khác, nhưng chỗ dựa trước tiên cho sự suy nghĩ của chúng ta phải là nguyên lý đã nhắc đến ở trên, và cái hệ luận từ đó rút ra là: nói chung, khi đã có thay đổi về mặt ngôn ngữ thì ở mặt ý thức, mặt tư duy cũng có thay đổi và ngược lại.
Trong tiếng Việt khi chúng ta nói “A với B” thì khác “A và B”. Dùng từ và thì quan hệ giữa A và B là một thứ quan hệ ngẫu hợp: cái áo và cái mũ, cái quần và cái đồng hồ... Dùng từ với thì giữa A với B có một thứ quan hệ nội tại chặt chẽ hoặc hài hòa! quân với dân, cá với nước... hoặc đối kháng ta với địch, nước với lửa.
Cho nên, khi chúng ta nói: mua cái áo và cái mũ; ăn một cái bánh và hai quả chuối... thì vẫn khác với: mua cái ấm với bốn cái chén, ăn cơm với cá... Cái khác nhau là những mối quan hệ không giống nhau như đã nói ở trên giữa A và B.
Và khi chúng ta nói A trả lời B hay A trả lời với B, A gây sự với B, A cãi với B... thì có mối quan hệ nội tại giữa A với B làm nên làm nền cho hoạt động.
Hoạt động diễn ra có thể phù hợp hay trái ngược với quan hệ giữa bên này là ai đó với bên kia là ai đó; và sắc thái tình cảm nhận ra từ tính chất phù hợp hay trái ngược của hoạt động với quan hệ.
Lời nói của người mẹ dẫn làm ví dụ ở trên là một lời trách móc, vì cách trả lời của người con đã không phù hợp với mối quan hệ thân thiết giữa mẹ với con.
Lời cầu của cô thôn nữ trong câu ca dao, chúng ta cảm thấy tình tứ, thiết tha vì đây là sự đợi chờ giữa tình nhân với tình nhân.
Và qua câu thơ sau đây: “Oan kia theo mãi với tình” của Nguyễn Du, chúng ta nhận thức được cái chủ ý về sự đuổi theo nhau dữ dội giữa oan với tình...
Từ với còn có những cách dùng khác nữa. Nhưng trong bất cứ cách dùng nào tôi cũng đều không nghĩ rằng có thể tùy nghi, tùy tiện dùng nó mà sự thực là phải dùng theo quy tắc về ý nghĩa và mẹo luật có liên quan tới nó và nói chung từ cả hư từ của tiếng Việt...
Để kết luận tôi xin nhắc lại lời yêu cầu đã nói ở trên: bạn đọc phải suy nghĩ giùm cho! Sự suy nghĩ của chúng ta về các sự kiện trong tiếng Việt của chúng ta, một sự suy nghĩ biết tiếp nối những suy nghĩ của cha ông trong cuộc phấn đấu bền bỉ và giữ gìn tiếng Việt, và biết dựa trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê Nin về ngôn ngữ, chắc chắn phải là một sự suy nghĩ ngôn ngữ học rất phong phú. Đó là những suy nghĩ có kết hợp quan điểm với sự kiện. Không thể có suy nghĩ về sự kiện nếu không dựa trên quan điểm đúng, nhưng quan điểm đúng không thể phát huy được tác dụng nếu không có suy nghĩ về sự kiện. Trong một bài báo trước đây, tôi viết rằng đó là một kết hợp “say mê”, và có đồng chí đã chỉ ra tính không chính xác của từ này. Tôi xin chịu rằng, đúng hơn đó là một kết hợp nghiêm túc. Những sự kết hợp nghiêm túc đó cũng có thể là say mê, ở những người thiết tha yêu tiếng Việt, và nền văn học đã từ tiếng Việt mà hình thành nên qua biết bao công sức, biết bao tâm huyết của người Việt chúng ta.
---------
1. Xem: Ferdinand de Sausure - Giáo trình ngôn ngữ học đại cương - Nhà xuất bản Khoa học xã hội - Hà Nội 1973.
2. N.Khôm-xki là một nhà trí thức Mỹ đã có vai trò tích cực trong phong trào của nhân dân Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam.