Chuyên đề

Một góc nhìn đa chiều về Văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

Hà Phương - Phạm Hà
Hội nhà văn VN
06:00 | 28/11/2024
Baovannghe.vn - Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế", đã được Hội Nhà văn Việt Nam phố hợp với Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thật Trung ương tổ chức tại Hà Nội.
aa

Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ V "50 năm Văn học Việt Nam từ 1975: Thành tựu và xu thế", đã được Hội Nhà văn Việt Nam phố hợp với Hội đồng Lý luận phê bình Văn học, nghệ thật Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

Điểm đặc biệt của hội nghị, ngoài những tham luận của đại biểu, BTC cũng giành thời gian và ghi nhận những ý kiến phản biện của các nhà văn, nhà nghiên cứu về những vấn đề đặt ra tại các tham luận được trình bày trong hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; NSND Vương Duy Biên; Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ Đinh Văn Thuần; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Bà Hà Thị Thuý Hà; ông Trần Hữu Dương; các thành viên trong BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X: nhà văn Trịnh Bích Ngân, nhà thơ Lương Ngọc An, nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Phan Hoàng, cùng đông đảo các nhà văn, nhà lý luận phê bình, các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.

Một góc nhìn đa chiều về Văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh HP

Kỷ yếu hội nghị tập hợp 43 báo cáo, tham luận của các nhà nghiên cứu, phê bình Văn học tập trung làm rõ thành tựu rực rỡ của văn học Việt Nam từ 1975 đến nay, đồng thời nhìn nhận về xu thế phát triển cũng như những hạn chế và giải pháp cụ thể. Trong số đó, nhiều tham luận được trình bày trực tiếp tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: Chặng đường 50 năm qua là một chặng đường có những bước ngoặt lớn của đất nước đã tác động rất lớn vào sự phát triển văn học Việt Nam. Bước ngoặt thứ nhất bắt đầu từ sau ngày 30/4/1975, khi cuộc chiến tranh kết thúc và đất nước được thống nhất. Đấy là giai đoạn văn học được viết trong thời bình, được biết bởi các nhà văn Việt Nam trên cùng một mảnh đất từng bị chia cắt. Cho dù các nhà văn chưa bắt kịp nhịp đi của lịch sử thì đấy vẫn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đất nước và trong tâm khảm của những người cầm bút.

Một góc nhìn đa chiều về Văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại Hội nghị

Kể từ khi chiến tranh kết thúc, các nhà văn vẫn tiếp tục viết về chiến tranh. Nhưng trong một cách tiếp cận mới và một thi pháp mới, bởi vậy đề tài về chiến tranh được khai thác từ nhiều góc độ, nhiều cung bậc, mang lại một cái nhìn đa chiều về chiến tranh nhưng vẫn tập trung vào sự hi sinh, khát vọng lớn lao của một dân tộc cho độc lập tự do, thống nhất đất nước. Bên cạnh các nhà văn quen thuộc viết về chiến tranh, là một thế hệ các nhà văn trẻ không trải qua chiến tranh nhưng mang đến một cái nhìn trung thực và đầy nhân văn về chiến tranh.

Bước ngoặt thứ hai là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với đất nước Việt Nam, đặc biệt với nền văn học Việt Nam. Đó là công cuộc đổi mới của Đảng được tiến hành trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Công cuộc đổi mới đã tác động sâu sắc vào sự sáng tạo của các nhà văn Việt Nam, nó mở ra một biên độ rất rộng về đề tài, về đối tượng, về thi pháp và tư tưởng. Bởi thế những tác giả, tác phẩm đích thực của nền văn học Việt Nam đã được công bố, tái công bố, khẳng định và tôn vinh.

Bước ngoặt thứ ba được mở ra khi đời sống chính trị của Việt Nam hòa nhập vào đời sống chính trị chung của thế giới. Lúc này văn học có thể nói đã trở lại đầy đủ với bản chất nguyên vẹn của nó, đây là giai đoạn những vấn đề của nội dung, của thi pháp, của tư tưởng tác phẩm đã có những bước đi chung trong dòng chảy của văn chương thế giới. Và cũng từ đó, một xu thế mới của văn học Việt Nam đã xuất hiện.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương cũng cho rằng, nhìn lại văn học từ 1975 đến nay, chúng ta không thể không tự hào vì những gì nó đã có trong 50 năm đầy biến chuyển vừa qua. Và chúng ta cũng không thể không băn khoăn rằng, từ hôm nay, văn học của chúng ta sẽ đi tiếp tới đâu, cần phải đi tiếp tới đâu, cách đi ra sao để chứng tỏ nội lực văn hóa truyền thống và sức vóc của dân tộc trong thời đại mới. Có thể nói rằng văn học của chúng ta đã đi qua những trạng huống, những hình thái tâm lý cộng đồng đầy phức tạp. Với thiên lương của mình, văn học nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, vừa cần mẫn vá lại những vết thương, những rách nát của con người, vừa dìu con người lần hồi tiến về phía trước trong ánh sáng của tinh thần lạc quan ( trích trong kỷ yếu)

Trước đó, trong vai trò điều hành hội nghị, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã đề xuất 3 nội dung cơ bản để thảo luận: Vì sao đã 50 năm trôi qua, chúng ta vẫn ít có những kết tinh nghệ thuật xứng tầm kiệt tác?; nhiệm vụ tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế để đẩy mạnh hơn nữa tiến trình hội nhập, đưa văn học Việt Nam nhanh chóng bắt kịp tư duy, nhịp điệu của nghệ thuật hiện đại thế giới; đẩy mạnh sự phát triển của lý luận, phê bình văn học vì lý luận, phê bình chính là sự tự ý thức của văn học về chính nó.

Khẳng định vai trò và định hướng Văn học

Trong tham luận về "Lý luận phê bình Văn học, Việt Nam sau năm 1975: Thành tựu, giới hạn và định hướng phát triển, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, "Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, lý luận phê bình văn học sau 1975 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Hoạt động còn lạc hậu; lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị; chất lượng khoa học, tính chuyên nghiệp bị xem nhẹ"... Một số giải pháp cơ bản được PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đưa ra, gồm: Tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mỹ học Mác Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Một góc nhìn đa chiều về Văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ.

Bên cạnh đó, cần chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ.

Ngoài ra, cần tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng "đầu vào" và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học; tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình; đổi mới thể chế quản lý văn hoá nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hóa nghệ thuật.

Đề cao vai trò phụ nữ trong văn học, PGS.TS. Thái Phan Vàng Anh cho rằng, 50 năm sau chiến tranh, gần 40 năm sau đổi mới, và cũng gần hết một phần tư thế kỉ của thế kỉ XXI, từng chút một, các nhà văn nữ đã khẳng định vị trí quan trọng của họ trên văn đàn và đóng góp đáng kể vào thành tựu đa dạng chung của văn học Việt Nam đương đại. Văn học nữ, đặc biệt là tiểu thuyết nữ đầu thế kỉ XXI, không chỉ là những câu chuyện dành riêng cho nữ giới. Nhân danh diễn ngôn đàn bà, tiểu thuyết nữ chạm đến mọi phương diện của cuộc sống đương đại thông qua các trò chơi ngôn ngữ, trò chơi cấu trúc, đem lại những ánh xạ về đời sống qua những khả thể của những câu chuyện văn chương. Phải chăng, từ góc độ của cái riêng, cái khác về giới, các nhà văn nữ đã “Luôn ước muốn sáng tạo một nền văn học cho chính mình (a literature of your own). Cho chính mình? Tức là cho thời đại mình”, như nhà văn Võ Thị Xuân Hà từng chia sẻ. Và vì thế mà đã có một ý thức giới đặc biệt hiện diện rõ rệt trong tiểu thuyết và trong văn học nữ những năm đầu thế kỉ XXI.

Kỳ vọng vào thế hệ trẻ

Giáo sư Phong Lê trong tham luận "Văn học trước hiện thực mới hôm nay qua các thế hệ viết" bày tỏ mong mỏi có những đổi thay lớn trong tương lai văn học nghệ thuật nước nhà đang chuyển sang vai các thế hệ trẻ - là sản phẩm và là chủ thể của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Được đồng hành với họ, nếu chưa bị thay thế cũng đã là hạnh phúc lớn. "Một đội ngũ viết hùng hậu, ở nhiều lứa tuổi, ai cũng muốn viết đến tận cùng những trải nghiệm và ao ước của mình; ai cũng mong đến được với cái riêng của mình - đó là điều tự nhiên; nhưng dẫu sự theo đuổi cái riêng là ráo riết đến mấy thì trước hiện thực hôm nay, tất cả các thế hệ viết đều có một mẫu số chung cho sự tìm kiếm: đó là cảnh ngộ và số phận chung của dân và nước - hai khái niệm đã được đặt ra trong tính khẩn thiết của nó, ngay từ đầu thế kỷ 20, và đã được chứng nghiệm cực kỳ sâu sắc trong Cách mạng tháng Tám và hơn hai cuộc chiến tranh", Giáo sư Phong Lê nhận định.

Trong tham luận "Tư duy lý luận văn học ở Việt Nam sau 1975: Sự chuyển đổi từ hệ hình tiền hiện đại sang hiện đại, hậu hiện đại", PGS, TS Phan Tuấn Anh đặt vấn đề: Trên thực tế, việc môn văn trong nhà trường thời gian gần đây bị học sinh đối phó, không dành sự chú tâm học tập có căn nguyên cơ bản từ phương pháp của hệ thống giáo dục.

Thay vì phát huy tính sáng tạo, hướng dẫn cảm nhận với cái đẹp hình thức của tác phẩm, người dạy lại hoàn toàn chú tâm vào những sự kiện xã hội học và lịch sử văn học, hay các nội dung tư tưởng, chính trị có tính duy lý, áp đặt lấn át sự cảm nhận tinh tế, chủ quan của người đọc về tính thẩm mỹ của tác phẩm. Tình hình nghiên cứu văn học chuyên nghiệp cũng tương tự, nhà nghiên cứu chủ yếu khảo cứu lịch sử tinh thần tác giả, những bối cảnh lịch sử của tác phẩm hơn là đi sâu vào nghiên cứu mặt hình thức hay cảm nhận của người đọc".

Một góc nhìn đa chiều về Văn học 50 năm sau ngày đất nước thống nhất
PGS - TS Nguyễn Văn Dân

Theo PGs- TS Nguyễn Văn Dân, văn học Việt Nam trong 50 năm qua đạt được ba thành tựu nổi bật:

– Không khí khoan dung trong nghiên cứu: Sự tự do học thuật trong nghiên cứu và sáng tác đã khơi gợi nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tạo nên nhiều dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm.

– Chuyên nghiệp hóa lý luận phê bình: Công tác lý luận phê bình ngày càng mang tính chuyên nghiệp, nâng cao tính tinh thông nghề nghiệp.

– Tính dân chủ trong nghiên cứu: Việc du nhập các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu từ thế giới đã tạo nên môi trường phản biện và đánh giá đa chiều.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong tham luận "Dấu ấn hành trình 50 năm của thi ca hậu chiến" đưa ra góc nhìn về giá trị thơ ca sau 1975, nhấn mạnh rằng thơ ca trong giai đoạn này gần gũi hơn với con người, đời sống và thiên nhiên. Thơ ca đã chạm đến những tầng sâu của tâm hồn, tạo nên sự đồng cảm giữa tác giả và độc giả, vượt qua sự áp đặt bởi lối tư duy một chiều. Ông cũng phản bác ý kiến cho rằng thơ ca sau 1975 chỉ có nền mà không có đỉnh, đồng thời kêu gọi sự khái quát sâu sắc hơn từ giới lý luận phê bình để nhận diện các “đỉnh cao” thực sự.

Nhà lý luận phê bình Lê Quang Hưng nhận xét về bài tham luận của tác giả Mai Văn Phấn, bày tỏ mong muốn tác giả phân tích sâu hơn về các biểu tượng tôn giáo trong thơ ca, nhằm thể hiện rõ hơn khát vọng sống trọn vẹn của con người cũng như những trăn trở về sự tha hóa đạo đức trong xã hội.

Như vậy, cùng với sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ của đất nước trong suốt 50 năm qua, văn học Việt Nam sau 1975 đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, nhìn tổng thể, phần lớn đội ngũ cầm bút là những nghệ sĩ giàu lòng yêu nước, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, gắn bó máu thịt với Tổ quốc và nhân dân. Đó là những nghệ sĩ - chiến sĩ vượt lên mọi thử thách, hy sinh để "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân". Rồi chiến tranh đi qua, mang trong mình những chấn thương dai dẳng, họ vẫn tiếp tục cầm bút. Không chỉ các nhà văn trong nước mà nhiều nhà văn người Việt ở nước ngoài cũng thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc bằng những trang viết nặng tình quê hương, xứ sở.

Do đó, Hội nghị lần thứ V được xem là bước khởi đầu quan trọng để hướng tới một nền văn học vừa kế thừa truyền thống, vừa mang tầm vóc hiện đại và nhân văn và hội nhập rộng rãi.

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.