Sự kiện & Bình luận

Giang hồ luận

Đỗ Anh Vũ
Lăng kính văn nghệ
07:00 | 15/08/2024
Baovannghe.vn - Giang hồ thời nay gần với sự lãng mạn của những tâm hồn nghệ sĩ, gắn với những xê dịch, những chuyển di, đi để tìm cảm hứng sáng tạo...
aa

1. Giang hồ vốn là một từ vay mượn từ tiếng Hán, được cấu tạo từ việc ghép hai yếu tố có giá trị đẳng lập là giang (sông) và hồ (hồ nước). Thoạt kỳ thủy, từ giang hồ có nghĩa gốc chỉ những người sống ngoài vòng pháp luật, thường là đối kháng với chính quyền đương thời (Giang hồ quen thói vẫy vùng/Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo - Truyện Kiều). Nhưng sau đó, ý nghĩa này đã bị lui lại, mờ đi, nhường chỗ cho một ý nghĩa khác tích cực hơn, đó là ý nghĩa chỉ một lối sống tự do, phóng túng, lãng tử, không muốn bị ràng buộc vào những khuôn khổ gò bó. Giang hồ lúc này gần với sự thể hiện lãng mạn của những tâm hồn nghệ sĩ, gắn với những xê dịch, những chuyển di, đi để tìm cảm hứng sáng tạo và cũng để yêu thương thêm cuộc đời, con người, yêu non sông đất nước mình.

Trong thi ca cổ điển, giang hồ được coi là việc hết sức bình thường của những khách văn chương, của những nam nhi có chí tang bồng hồ thỉ. Với những tài tử hay anh hùng hảo hán thì giang hồ càng xuất hiện như một điều tất yếu. Từ đời Đường, giang hồ đã đi vào thơ của Đỗ Mục (803 - 852) qua bài Khiển hoài nổi tiếng:

Thoạt kỳ thủy, từ giang hồ có nghĩa gốc chỉ những người sống ngoài vòng pháp luật, thường là đối kháng với chính quyền đương thời (Giang hồ quen thói vẫy vùng/Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo - Truyện Kiều). Nhưng sau đó, ý nghĩa này đã bị lui lại, mờ đi, nhường chỗ cho một ý nghĩa khác tích cực hơn, đó là ý nghĩa chỉ một lối sống tự do, phóng túng, lãng tử, không muốn bị ràng buộc vào những khuôn khổ gò bó.

Lạc phách giang hồ tái tửu hành

Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh

Thập niên nhất giác Dương Châu mộng

Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh

(Lưu lạc Giang Nam đã bấy lâu

Cùng người nhỏ bé ở bên nhau

Mười năm chợt tỉnh Dương Châu mộng

Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu).Còn trong thơ Việt, giang hồ có lẽ xuất hiện sớm nhất là trong thơ Nguyễn Trãi (1380 - 1442) ở bài Giang hành (Đi trên sông):

Tây tân sơ nghĩ trạo

Phong cảnh tiện giang hồ

Vũ quá sơn dung sấu

Thiên trường nhạn ảnh cô

(Bên tây mái chèo tới

Cảnh giục chí tang bồng

Mưa dội trơ sườn núi

Trời dài rõ cánh hồng).Hai nhà thơ thời cận đại là Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) và Tú Xương (1870 - 1907) đều có những câu thơ giang hồ, trong đó, ta có thể coi Nguyễn Khuyến đã tự gọi mình là khách giang hồ còn Tú Xương đánh giá giang hồ là phẩm chất bậc nhất của một đời sống phong lưu tài từ:

Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ

Thâu đêm ròng rã kêu ai đó

Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ

(Cuốc kêu cảm hứng)

Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài

Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt

(Cái phẩm giá tột cùng trong thiên hạ, là tình với gió trăng

Cái phong lưu bậc nhất trên đời, là giang hồ khí cốt)

(Tết dán câu đối).

Trong một bài thơ khác của Tú Xương, giang hồ lại xuất hiện như một lựa chọn để kết giao bằng hữu trong đời:

Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế

Giang hồ cho biết bạn tương tri

(Tự đắc)

Cho đến đầu thế kỷ XX, giang hồ trong câu thơ nổi danh của Tản Đà (1889 - 1939) như thổi đến một khí chất mới mẻ, muốn phá tung hết thảy những gò bó và chật hẹp, mở ra một thời kỳ mới trong thi ca, để cảm hứng giang hồ tuôn chảy dào dạt hơn nữa trong sáng tác của một loạt các thi sĩ của phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) như Thế Lữ, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê...Hoài Thanh thật có lý khi nhận định về Tản Đà trong lời mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, rằng ông là "người nối hai thế kỷ, dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa:

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương

(Thăm mả cũ bên đường)

2. Cảm hứng giang hồ trong thời kỳ Thơ Mới, theo nhận định của chúng tôi, là một cách thể hiện thái độ với thực tại, với hoàn cảnh xã hội đương thời. Người tri thức nói chung, người nghệ sĩ nói riêng trong hoàn cảnh mất nước, chưa xác định được một con đường rõ ràng thì xê dịch được xem là một điều cần thiết, giống như hành trình của cái Tôi để tìm một lối thoát, để hiểu về thời đại và về chính mình, để tìm thêm những đối chứng cho quê hương và tình yêu. Thế Lữ được xem là ngọn cờ tiên phong thổi vào Thơ Mới cảm hứng giang hồ chỉ cần với một bài Giây phút chạnh lòng. Chữ giang hồ đã được khúc xạ để biến thành một loạt những điệp trùng con chữ như lãng du, chinh phu, hải hồ, đường xa, gió bụi, dừng chân, tiễn đưa, ra đi, biệt li, lên đường, bốn phương, phong sương, phiêu lưu, xa xăm:

Non nước đang chờ gót lãng du

Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu

Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc

Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ (...)

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang.

Với Lưu Trọng Lư, giang hồ được xem như một tuyên ngôn qua bài thơ cùng tên dài 78 câu. Cùng với từ giang hồ là sự xuất hiện hô ứng của một loạt đơn vị trong trường nghĩa này như: phiêu lãng, phong trần, hồ hải, phiêu lưu, du tử, hồ bể:

Thú hồ bể quyến mời du tử

Niềm thê nhi khôn giữ được người

Biết sao trái được tính trời

Giang hồ cốt ấy trọn đời phiêu linh.

Giang hồ trong thơ Vũ Hoàng Chương, Bích Khê gắn với nhiều thổn thức, xa xót, cách chia, ly biệt:

...Nguyễn Bính, có lẽ là thi sĩ Thơ Mới thể hiện cảm hứng giang hồ một cách đậm đặc nhất. Trong 272 bài thơ viết trước 1945, chúng tôi thống kê được chữ giang hồ xuất hiện tới 13 lần trong 13 bài thơ khác nhau, bên cạnh đó là 21 đơn vị khác góp phần thể hiện không khí giang hồ: hồ hải, hải hồ, sông hồ, giang san, nước non, non nước, sông núi, núi sông, non sông, quán rượu, quán trọ, quán cơm, nhà trọ, gác trọ, quán, biên cương, biên thùy, ải, ải quan, quan hà, quan san...

Nẻo bướm rờn tươi lửa cố đô

Mộng phai ca quán tủi giang hồ

(Nửa đêm ca quán)

Sóng dậy đìu hiu biển dấy sầu

Lênh đênh thương nhớ dạt trời Âu

Thôi rồi tay nắm tay lần cuối

Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau

(Đời vắng em rồi)

Nửa cánh giang hồ bạc nhớ thương

Đêm nay buồn lắm gục bên giường

Ngoài ly Lý Bạch trời như mộng

Sau khói phù dung mộng cố hương

(Mộng trong hương)

Còn với Nguyễn Bính, đây có lẽ là thi sĩ Thơ Mới thể hiện cảm hứng giang hồ một cách đậm đặc nhất. Trong 272 bài thơ viết trước 1945, chúng tôi thống kê được chữ giang hồ xuất hiện tới 13 lần trong 13 bài thơ khác nhau, bên cạnh đó là 21 đơn vị khác góp phần thể hiện không khí giang hồ: hồ hải, hải hồ, sông hồ, giang san, nước non, non nước, sông núi, núi sông, non sông, quán rượu, quán trọ, quán cơm, nhà trọ, gác trọ, quán, biên cương, biên thùy, ải, ải quan, quan hà, quan san. Chưa dừng lại ở đó, thơ Nguyễn Bính trước 1945 còn xuất hiện tới 66 địa danh trải từ Bắc vào Nam, trong đó có cả những địa danh ngoài lãnh thổ Việt như Cao Miên, tổng số lần xuất hiện của 66 địa danh trên là 146 lần. Có thể kể tới những đơn vị nổi bật như: Hà Nội (21 lần), Huế (5 lần), Hà Đông (4 lần), Thanh Hóa (2 lần), Ninh Bình (2 lần), Hà Tiên (2 lần), sông Hương (3 lần), sông Thương (4 lần), chùa Hương (5 lần), sông Nhuệ (2 lần). Do phạm vi hạn hẹp của một bài viết, chỉ xin được dẫn vài câu thơ giang hồ tiêu biểu:

Nàng về kẻ đón người đưa

Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ

(Vu quy)

Giang hồ sót lại mình tôi

Quê người đắng khói quê người cay men

(Anh về quê cũ)

Đem thân đi với giang hồ

Sân ga phẳng lặng bến đò lênh đênh

(Quê tôi)

Nghìn lạy cha già lượng thứ cho

Thân con trót vướng nợ giang hồ

(Bắt gặp mùa thu)...

3. Giang hồ đôi khi là sự xô đẩy do hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Với nam giới, đó có thể là hình ảnh những lữ khách trên bước đường gió bụi, chưa biết đi đâu về đâu, chưa biết nơi đâu là nhà. Bất chợt vang lên đâu đây giai điệu nao lòng của một tình khúc Huế:

Chiều nay mưa trên phố Huế

Kiếp giang hồ không bến đợi

Mà mưa rơi vẫn rơi rơi hoài cho lòng nhớ ai

(Mưa trên phố Huế - Nhạc và lời: Minh Kỳ - Tôn Nữ Thụy Khương).

Nhưng với nữ giới, có thể là những bi kịch đau lòng hơn về những kiếp hồng nhan đa truân:

Sau cùng, giang hồ bao giờ cũng sẽ đến lúc gợi về thế đối ứng bên kia của nó, đó là sự trở về, sự quay lại cố hương trong nỗi niềm đoàn tụ:

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

(Thơ Phạm Hữu Quang)

Lũ chúng em chờ chàng qua chín kiếp

Tình giang hồ phong nhụy vẫn nguyên hương (...)

Tình nhân thế chua cay người lịch duyệt

Niềm giang hồ tan tác lệ Dương Châu

(Dâng tình - Vũ Hoàng Chương)

Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị

Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

(Gặp người em - Hoàng Trúc Ly)

Ngày mai trong nắng trắng ngần

Cô thôi sống kiếp đầy thân giang hồ

(Tiếng hát sông Hương - Tố Hữu).

Giang hồ có thể mãi mãi là một khát vọng chính đáng của tình yêu tự do, vượt lên trên những lợi danh trần tục:

Xin được làm mây, mà bay khắp nơi giang hồ

(Còn thương rau đắng mọc sau hè - Nhạc và lời: Bắc Sơn)

Giang hồ có thể chỉ còn là nỗi nhớ của những tháng ngày một đi không trở lại: Ôm lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ chân giang hồ

(Phôi pha - Trịnh Công Sơn)

Giang hồ có thể là một tình cảm tha thiết gửi cả vào thiên nhiên, qua từng cánh chim, làn mây, cơn gió:

Về đây khi gió mùa thơm ngát

Ơi lũ chim giang hồ

Bao cánh đang cùng dật dờ trên khắp cố đô

(Đàn chim Việt - Nhạc và lời: Văn Cao).

Nhưng rồi sau cùng, giang hồ bao giờ cũng sẽ đến lúc gợi về thế đối ứng bên kia của nó, đó là sự trở về, sự quay lại cố hương trong nỗi niềm đoàn tụ. Thi sĩ vùng đồng bằng sông Cửu Long Phạm Hữu Quang (1952- 2000) đã tâm sự với chúng ta tấc lòng chân thực:

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc

Hình như ta mới khóc hôm qua

Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt

Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

(Giang hồ)

Còn nhạc sĩ Hoàng Giác qua nhạc phẩm Hương lúa đồng quê viết từ 1950 đã cất lên một tiếng lòng để nói giùm bao trái tim người Việt:

Về đây nghe lòng quê đang thiết tha

Về đây giang hồ bao năm cách xa

Về đây hỡi người lênh đênh nhớ quê

Chân trời bâng khuâng mơ về

Về với lúa vàng.

Đỗ Anh Vũ | Báo Văn Nghệ

Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả. Không nhất thiết là quan điểm của Văn Nghệ.

Mọi ý kiến đóng góp và bài vở cho chuyên mục LĂNG KÍNH VĂN NGHỆ xin vui lòng gửi về:

baovannghe.vn@gmail.com

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Phê bình văn nghệ có còn không? Tiếng Việt và những "cắc cớ" của sự trong sáng Chiến cuộc tàn, người ta sống như thế... Phê bình văn học - những vòng quay muôn thuở Viết lại văn học sử Việt Nam, và viết khác đi
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.