- Anh có nhận ra người con gái dong dỏng cao, nước da mai mái, má lúm đồng tiền kia không?
- Sao lại không? Từ đêm nọ tiếng hát của cô ấy không bao giờ dứt trong lòng tôi.
- Anh có thể hình dung nàng là một cô gái miền Nam, quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang không?
- Thật sao! Tại sao bây giờ anh mới cho tôi biết? Sao không nói ngay từ hôm nọ, khi trước mọi câu hỏi của tôi cô ấy chỉ mỉm cười lặng lẽ cho đến khi khuất sau cánh cổng trong bóng đêm? Quay xe lại đi! Tôi muốn gặp cô ấy: tôi phải nói một lời với cô ấy...
Vậy đó: nếu nàng là một cô gái Kinh Bắc như mọi người khác, anh đã chẳng buộc tôi quay lại thế, ngược lại anh sẽ luôn miệng giục tôi tăng tốc lên, quàng lên, phải không? Nàng là cô gái miền Nam, thế là anh sẵn sàng quay lại, quên khuấy rằng máy bay sẽ không đợi thêm dù chỉ năm phút. Sự khác nhau lớn đến thế sao? Nhưng quả thật, có nhiều điều đáng nói về nàng; nàng xứng đáng hơn một phút từ biệt vội vã. Tôi sẽ kể anh nghe, tôi đã nói thế.
...Vậy anh đã thấy, đối với tôi sự phân biệt nào Bắc, nào Nam, trong hầu hết trường hợp là một sự ấu trĩ to lớn của nhiều người Việt chúng ta. Sự phân biệt đó, được tô đậm và đào sâu bằng địa lí, tập quán, lịch sử, định kiến, khiến cho nhiều lúc nhiều nơi chúng ta nhìn nhau lạ lẫm. Khi chúng ta hiểu những dân tộc, tính cách và nền văn hoá ở phương trời xa xôi nào khác nhiều hơn của chính chúng ta. Chừng nào nhìn vào gương mặt tổ tiên mà không nhận ra chính mình thì chúng ta còn lại gì? Ở nơi nào đó trên đất nước này, đây đó trong dân tộc này, những sức mạnh mới đang lớn lên và triển khai, nối liền mạch thời gian từ trước đến sau chúng ta đến những cao trình trí tuệ và tâm linh thực sự mới. Tôi biết sức mạnh đó trong những người bình thường nhất giữa chúng ta, những người hiện nay vô danh và ngày mai vẫn vô danh, nhưng những đỉnh cao văn hoá tinh thần tương lai của dân tộc này sẽ tựa chắc trên họ cũng như sẽ tựa trên những đỉnh cao của toàn thế giới. Một khi là tiếng nói chân xác và sâu xa nhất của tâm hồn Việt Nam thì bất luận là quan họ, ca Huế, những bài ru con hay gì khác đi nữa, nó sẽ làm tim anh đau nhói dù anh có sống nhiều năm ở xứ người. Tôi không thật hiểu ở nước ngoài họ muốn nói gì khi gọi ai đó là công dân thế giới. Đây đó trên đất nước này đang tồn tại những tâm hồn tuyệt đẹp và lớn lao mà thế giới chưa hề biết tới, bởi đó là những con người quá giản dị và khiêm nhường đúng như chân tánh của dân tộc chúng ta. Anh có thể không đồng ý, nhưng với tôi, mỗi người, nếu là đại diện đích thực cho phần tinh tuý và thuần khiết nhất của dân tộc mình, người đó hiển nhiên là công dân thế giới.
Năm nàng hai mươi hai tuổi, đang học dở năm thứ tư trường Y thì mẹ mất để lại cho nàng ba đứa em, đứa nhỏ nhất mười hai tuổi. Từ đó, cho đến khi ngoài ba mươi tuổi, nàng một mình nuôi nấng chúng như người mẹ trong khi chính nàng vẫn không bỏ học, trở thành một bác sĩ giỏi, ba đứa em thảy đều học hành tới nơi tới chốn và đều nên người; anh thấy có phải cả một kì công không? Nàng không thích kể về chuyện đó đâu; nhưng chẳng phải vì vậy mà tôi còn biết nhiều hơn thế, đơn giản vì tôi luôn luôn muốn biết tất cả về nàng, cả những trò nghịch ngợm, những lần ngã đau nhớ đời thuở thơ ấu của nàng nữa...
Sau khi ra trường cả ba đứa em đều rời xa nàng; mỗi đứa sống và làm việc một nơi; căn nhà bố mẹ để lại từ lâu không còn nữa; ở một mình hẳn nàng thấy rất trống vắng - mặc dù nàng đã chuyển đến gian nhà thuê nhỏ hơn. Theo cách nàng kể với chúng tôi, nàng bỏ Sài Gòn ra Bắc chỉ là để vượt qua cảm giác cô đơn đó; hơn nữa, lần đầu tiên trong đời nàng tự cho phép làm theo ý thích có lẽ là kì quặc và bốc đồng của riêng mình, nàng chỉ muốn tự thưởng mình như thế; vì điều quan trọng là các em nàng đã vững bước đi theo con đường riêng, hãy để chúng tự chứng tỏ và hoàn thiện mình như những người tự do, có lẽ nàng không cần cầm chịch chúng như xưa nay nữa, đã đến lúc nàng phải đi theo con đường của riêng mình, bởi nàng còn trẻ - điều đó hiển nhiên không có nghĩa nàng tự cởi bỏ trách nhiệm trước cuộc đời các em; ngược lại. Vốn kiêu hãnh, hơn nữa là hết sức kín đáo, hơn nữa là rất mực khiêm nhường sau vẻ ngoài nhẹ nhõm vô lo, nàng không nói gì về chủ định thầm kín của nàng trong chuyến ra đi này, lại dùng mọi lời nói đùa để biến nó thành một cuộc phiêu lưu không hạn kì, không đích đến và có phần phù phiếm, bất cứ lúc nào nàng cũng có thể nổi hứng lại xách túi ra đi và không một ai, không điều gì, không nỗi quyến luyến nào cũng có thể giữ nàng cả. Nhưng tôi, tôi hiểu lắm: đằng sau mọi điều đó còn một cái gì nữa - một thôi thúc nội tâm, một linh cảm huyền bí, mặc khải về sứ mạng dấn thân, một cuộc gặp bất ngờ mà như người ta nói trở thành bước ngoặt của số phận, một tình yêu đơn phương chẳng mong được đền đáp, cái gì đó đại loại thế, một cái gì lớn lao, sâu sắc, mạnh mẽ và thiêng liêng đã mách bảo nàng thẳng bước về đất Bắc, chọn chính vùng Kinh Bắc này làm nơi tiếp tục phần còn lại của đời nàng.
Dù sao mảnh đất này đã đón nhận nàng một cách trân trọng và thân quý - dẫu cho nàng ít mong đợi điều đó: ở đâu trên trái đất này không cần một bác sĩ như nàng, đầy tình yêu, chí nguyện và vị tha? Nhưng, rất nhanh chóng, người ta nhận ra ở người con gái đó không chỉ một thầy thuốc - dẫu cho là thầy thuốc hoàn hảo và tuyệt vời nhất; mỗi khi nàng cất tiếng, mọi người lắng nghe không chỉ ý nghĩa lời nàng nói mà cả giọng miền Nam là lạ, giản dị mà duyên dáng của nàng; Không những thế, giọng nói đó còn ẩn chứa một cái gì rất khó tả hoàn toàn của riêng nàng: nếu giọng những cô gái miền Nam khác có thể làm ta liên tưởng - một cách khá khuôn sáo - đến những tàu lá dừa xanh mướt loang loáng nắng bên dòng kênh thì giọng nàng là ngọn gió nâng bổng những tàu dừa ấy lên rồi lại buông lơi làm chúng dập dình như trên những ngọn sóng vô hình; hoặc giả, giọng nói nàng như bầu không khí sâu thẳm màu ngọc thạch đưa nắng trời đến nuôi cây đồng thời ngăn cản mọi bức xạ nào có thể khiến cây phải chết. Phần nàng, đơn giản nàng sung sướng thấy mình được sống ở đây, tự do như hơi mát từ dòng sông nhưng cũng đầy chú tâm, tự tại và kiên định như đất. Hơn một năm trời nàng âm thầm làm việc giữa mọi người, giúp họ giữ gìn sức sống và niềm vui, chẳng nói một lời về khát khao cháy bỏng là được hát trong những canh quan họ thâu đêm kia - chứ không chỉ nhìn và nghe. Cho đến hôm kia, một bọn trẻ "tố giác" với các cụ trong làng rằng đêm đêm, tìm một góc khuất trong vườn, khi đã tin chắc rằng không ai nhìn thấy và nghe trộm mình, nàng tập hát. Thế là các cụ hỏi thẳng nàng: Cháu có muốn học hát không? - Có ạ, - nàng ngượng ngùng cúi đầu đáp – Thế sao không nói? - Con sợ người ta cười con - Làng quan họ ta không cười con. Cứ học đi! Đến khi hồn quan họ đã thấm vào trong máu con, chừng đó người ta sẽ khóc khi nghe con. Thế nàng không e thẹn gì nữa, nước mắt rơi lã chã vì hạnh phúc, niềm hạnh phúc của đứa con trở về với gia đình, không vơi đi mà chỉ dày dặn thêm và lớn lao thêm qua những năm tháng khổ luyện để dần dần làm chủ từng câu từng chữ, từng tiếng đưa đẩy, từng khoảnh khắc dừng lấy hơi, từng rung động nhỏ nhất từ trong tim, khơi mở và khai thông trong mình, một sức mạnh mới mà trước đây chính nàng không thể ngờ tới. Và như anh thấy đó: giờ đây nghe nàng hát, anh có thể hình dung nàng đến được tiếng hát ấy bằng cái giá như thế nào không?
... Ban đầu nàng cứ mãi day dứt với cảm giác muốn lược bớt chất giọng miền Nam của mình; nàng cảm thấy nó không thích hợp với quan họ. Nhưng, dần dần nàng nhận ra trong chính sự tương phản như giữa lạnh và nóng, giữa nắng và mưa này là một sức mạnh riêng, một vận động tiềm tàng bí ẩn và mênh mông hướng đến sự thống hợp; tự đáy lòng, nàng không còn thấy có mâu thuẫn nào giữa tình yêu đối với quan họ chỉ dẫn lớn lên khi nàng đã qua tuổi niên thiếu và nỗi gắn bó với cải lương Nam bộ mà nàng đã nghe từ trong nôi. Những lúc cao hứng nàng có thể hát thuộc lòng từng đoạn dài trong những vở cải lương nàng từng xem và nghe hàng chục lần từ thời thơ ấu, nhưng chỉ để góp vui, không hơn; nàng nói nửa đùa nửa thật: ai khác thì không biết, riêng nàng, không thể dùng cải lương hay bất cứ điệu hát nào khác thay quan họ để thổ lộ những lời say đắm nhất với người mình yêu. Anh có thể hình dung nàng mỉm cười dịu dàng; Không gì hơn quan họ để nói về Tình yêu. Thế nhưng, đấy chỉ là nàng nói vậy, chứ chúng tôi hiểu rằng ngoài quan họ của chúng tôi nàng có một kho báu riêng của nàng nữa. Đó chính là những bài Lý của miền Nam rất đỗi ngọt ngào mà thỉnh thoảng nàng ngâm nga đôi câu lại như để đùa cho vui; mặc dù những khi như thế chúng tôi đều bỗng im lặng nghe, nhưng nàng không hề tỏ ý muốn hát những bài ấy một cách "nghiêm chỉnh" trước mặt chúng tôi; dường như nàng không biết chắc liệu chúng tôi có chân thành muốn nghe chúng với tấm lòng rộng mở, hay chỉ do chút tò mò thoáng qua. Nhưng chẳng bao lâu, với sự kiên trì của chúng tôi, nàng hiểu rằng chúng tôi thật sự muốn cảm nhận nàng trọn vẹn qua chính những bài Lý này; cũng như nàng, chúng có vẻ đẹp của riêng mình; và mặc cho một số người lắng nghe chúng tôi với nụ cười bao dung, bởi xét về sự phong phú, phức tạp và tinh tế, chúng không thể nào sánh được với quan họ - có thể họ có lí, nhưng dù sao, đó là một cách khác - của riêng nàng - để nói về Tình yêu, và tôi chỉ có thể đáp lại chúng bằng nỗi cảm kích sâu xa và dịu dàng nhất.
Thật ra, nàng không tài nào học được cách nói như những người quan họ sinh ra trên chính mảnh đất Kinh Bắc này: Thôi thì các liền anh, liền chị đã không chê đồng đất nhà chúng em quê mùa sang chơi. Trước là thăm thầy, thăm mẹ chúng em, sau là ca một canh cho vui dân, vui xóm, sau nữa là để cho chúng em được học đòi đôi lối, đôi câu. Nàng không thể nào nói được như thế; trước vì bố mẹ đã không cho nàng giọng thích hợp để nói những lời đó, sau nữa, nàng tự thấy lòng mình chưa đủ tinh tế để dệt những lời đó. Trong những canh hát quan họ, đặc biệt là khi có khách lạ, nàng hầu như không hé môi ngoại trừ những lúc cất tiếng hát, phần bởi nàng không muốn người nghe chú ý vào giọng nói của nàng hơn những gì được nói qua lời hát, qua vẻ đẹp của giai điệu, nụ cười và ánh nhìn. Bây giờ có lẽ anh hiểu vì sao nàng chỉ lặng lẽ đáp lại bằng nụ cười trong khi anh chỉ đợi nghe một giọng Hà Bắc ngọt ngào như bao nhiêu liền chị khác và có thể còn thanh tao, uyển chuyển, nồng ấm hơn thế... Nhưng với những ai đã biết nàng và không chờ đợi điều đó nữa, nàng sẽ nhẹ nhàng trả lời từng câu hỏi, giản dị, đằm thắm và chẳng kém phần hóm hỉnh, rất cởi mở tuy rằng tránh nói nhiều về mình; giọng nàng vang lên một cách là lạ và khó quên giữa đất trời miền Bắc đặc biệt là những tháng cuối năm hay đầu xuân khi gió bấc tràn về, như thể giữa ban mai cây cối khô quắn lại và như phủ một lớp băng bỗng nhiên bạn bước vào một vùng nắng rực rỡ như buổi chiều cuối hè vậy.
Tôi đã thấy, khi các cô gái của chúng tôi lập lại điệp khúc "Người rằng người ơi.." lần thứ ba, một giọt nước mắt ứa ra trong mắt anh mà anh đã vội vã âm thầm gạt đi. Tôi muốn thay mặt tất cả người quan họ cám ơn anh về giọt nước mắt đó, nhưng khuyên anh dành nó trước hết cho nàng; nàng xứng đáng với những giọt lệ như thế, với tất cả những gì nàng trải qua. Anh có biết rằng những người bà con nội ngoại của nàng, hầu như đã chẳng giúp gì nàng trong việc thay mẹ dưỡng dục ba đứa em đến khi trưởng thành, giờ nhao nhao lên rằng không hiểu nổi cơn cớ từ đâu, bùa mê thuốc lú nào đã khiến nàng chết mê chết mệt đến thế với làng quan họ xa lắc xa lơ kia; họ tự cho mình có nghĩa vụ tìm cho nàng một tấm chồng danh giá - như họ nói – từ nước ngoài mới về. Đột nhiên nàng được tin em gái út của nàng ốm nặng; quả là có ốm thật, song không thập tử nhất sinh đến mức nàng phải tức tốc bay vào cho kịp gặp mặt lần cuối. Nàng không kể thêm với chúng tôi những gì xảy ra sau đó, càng không đả động đến vị hôn phu danh giá kia, có điều từ khi trở ra, nàng không hát một câu suốt ba tháng trời, đôi khi cứ thẫn thờ nhìn đâu đâu, nhiều lúc đi ngang trước mặt tôi mà như không thấy tôi. Thật đau lòng khi thấy nàng như thế từ lâu nàng đã nghiễm nhiên trở thành thước đo sự tận tâm, lòng kiên nhẫn và vị tha trong lòng chúng tôi, người làng nói có nàng, bỗng ta thấy yêu mọi người xung quanh hơn. Cung cách không bình thường chút nào của nàng khiến tôi thêm đau nhói khi nghe tin đồn chẳng hiểu từ đâu lại rộ lên trong làng rằng ngày trước, vào một đêm rất khuya, nàng từ trạm xá về nhà băng qua đồng vắng thì gặp một lũ vô lại chồm ra chắn đường chính vì thế nàng mới phải bỏ cửa bỏ nhà. Tôi đã thề tôi sẽ đập chết kẻ bịa ra chuyện đó. Thế rồi bỗng nhiên - ngày đầu tiên của tháng thứ tư kể từ lúc nàng vào Nam trở về, tôi nhớ rõ lắm - đã quá nửa đêm, nàng khẽ gọi ngoài cửa sổ buồng tôi nằm... Và sự thực là, anh biết không...
- Rồi sao nữa? Sao anh im lặng?
- ...Ba tháng sau nàng làm đám cưới với anh họ tôi. Anh là thương binh chiến trường Tây Nam, làm thợ mộc, người rất tốt. Anh không biết hát quan họ, nhưng anh rất yêu nàng, mua cho nàng từng cuộn chỉ, từng đôi dép, lại cố tập bài "Lý chiều chiều" để hát cho nàng nghe vào lúc bất ngờ nhất khiến nàng cười mà mắt rân rấn ướt; anh làm tất cả để nàng được hạnh phúc.
- Còn anh?
- Còn tôi, có hạnh phúc biết nàng, hát với nàng, kể về nàng cho anh nghe. Cảm ơn sự ngẫu nhiên đã làm chuyến bay muộn một tiếng đồng hồ đủ cho tôi làm việc đó. Chúc anh thượng lộ bình an. Hãy luôn luôn giữ giọt lệ như con ngươi trong mắt anh, nụ cười như niềm vui trong trái tim anh. Nhớ kể cho đồng bào ta bên đó rằng có người con gái miền Nam.
![]() |
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |