Sự kiện & Bình luận

Giữ gìn bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới

Tiếng nói nhà văn
07:27 | 01/11/2021
Cùng với quá trình xây dựng nền Công nghiệp hiện đại, việc xây dựng nông thôn mới trên quy mô toàn quốc đã có những thành công lớn.Trên đất nước hơn 97 triệu dân, gồm 54 dân tộc, trên 60% sống ở Nông thôn, cho đến nay đã có trên 60% xã đạt Tiêu chuẩn nông thôn mới: Hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và bưu điện. (Điện, đường, trường, trạm). Nhờ thế, nước ta được xếp loại đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, chỉ số phát triển con người HDD, thuộc nhóm có HDI cao của thế giới(1)
aa

Cùng với quá trình xây dựng nền Công nghiệp hiện đại, việc xây dựng nông thôn mới trên quy mô toàn quốc đã có những thành công lớn.Trên đất nước hơn 97 triệu dân, gồm 54 dân tộc, trên 60% sống ở Nông thôn, cho đến nay đã có trên 60% xã đạt Tiêu chuẩn nông thôn mới: Hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và bưu điện. (Điện, đường, trường, trạm). Nhờ thế, nước ta được xếp loại đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, chỉ số phát triển con người HDD, thuộc nhóm có HDI cao của thế giới(1)

Phải khẳng định, chủ trương xây dựng nông thôn mới là rất họp lòng dân, là đáp ứng nguyện vọng thiêng liêng của nhiều thế hệ người cầm bút. Trong những trang ghi chép của Nhà văn Liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, có đoạn ghi: “Nhân dân đối xử tốt, đầm ấm tới mức anh nghĩ mình có chết cũng không có gì đáng ngại... Biết lấy gì đền đáp xương máu nhân dân đã hy sinh không tính toán để bảo vệ cách mạng, những năm tháng này? Mai này, đất nước thống nhất, cách tưởng niệm xứng đáng nhất chưa phải là xây những tượng đài to tát mà phải là tạo dựng đời sống no đủ, hạnh phúc cho những con người còn sống”. (Trích Năm tháng chưa xa, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1985). Trong một dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Đình Thi sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Trang Thế Hy, một cây cổ thụ của vườn văn Nam Bộ từng thổ lộ: “Phải thay đổi cách nhìn về người nông dân Việt Nam, không thể hồn nhiên coi họ là người bạn mà phải xác định cho đúng, họ là người ơn của Cách mạng, vì điều đó có nguồn đạo lý sâu xa hơn tình bạn. Phải khẳng định như thế để khỏi trở thành những kẻ bội bạc, vong ân, miệng nhai cơm mà lòng hờ hững với những người làm ra hạt gạo. Văn học ta vẫn còn nợ họ nhiều lắm” (Nhân dân hàng tháng, tháng 10/2012). Thuộc lớp nhà văn trực tiếp tham gia đánh Mỹ, nhà văn Văn Lê cũng từng nghĩ: “Có một thực tế đau buồn là trong mười người hy sinh thì có tới chín người là con em nông dân. Nhưng sau gần 40 năm chiến tranh đi qua, nông dân vẫn là người khổ nhất. Gia đình nào có chồng con hy sinh đã khổ, có nhiều người hy sinh cho đất nước, lại càng khổ hơn. Đó là một nghịch lý, lẽ ra không nên tồn tại, không được tồn tại, nhưng nó vẫn đang tồn tại. Đó cũng là nổi đau không chỉ với những người lính đã sống sót sau chiến tranh, mà còn là nỗi đau của tất cả những ai có lòng tự trọng” (Nhân dân hàng tháng, tháng 4/2013). Số phận người nông dân và nông thôn có một vị trí đặc biệt thiêng liêng trong lòng trí của từng người cũng như trong văn học nghệ thuật từ ngàn đời của người Việt.

Điều đó cắt nghĩa tại sao trong những ngày dịch Covid-19 đợt thứ tư, nhiều hoạt động bình thường bị ngừng trệ, hàng vạn người từ các đô thị bằng mọi phương tiện, tìm đường về lại quê hương. Vốn là một nước Nông nghiệp, cho đến cuối thế kỷ XX, Nông thôn, cả miền xuôi và miền núi, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng, môi trường rèn dũa nên tính cách, phẩm chất và tinh thần Con người Việt Nam. Nông thôn cũng là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, bảo vệ và bảo tồn nền Văn hóa Dân tộc. Nền Văn minh lúa nước là một cách gọi không đầy đủ về văn hóa nông nghiệp với nhiều phương thức canh tác khác nhau ở một đất nước có đến 54 dân tộc. Ngay trong mỗi dân tộc, từng vùng miền, tùy thổ nhưỡng, và cả những điều kiện địa lý, lịch sử, phong thủy,và cả những lý do không dễ tìm lời đáp, mà có những nét khác biệt từ ngôn ngữ, phong tục, tập quán,… rất riêng. Điều lạ, là trải qua cả ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị xâm lược, dù không được bảo quản bằng luật pháp hay văn bản, những nét riêng đó vẫn hiển nhiên tồn tại và tự lưu truyền. Cho đến nay, bản đồ sự khác biệt về văn hóa trên nhiều phương diện của vùng, miền, dân tộc, thậm chí làng, xã, thôn trên thôn dưới ở nước ta là vô cùng đa sắc. Một người chỉ cần cất lên tiếng nói, í ơi một giọng hát là đủ tự giới thiệu quê gốc của mình. Chính sự khác biệt này làm nên bản sắc từng vùng miền, từng dân tộc, và cả từng con người. Sự khác biệt này được coi là Tài nguyên của mỗi quốc gia. Và chính xã hội Nông nghiệp Việt Nam qua ngàn đời đã sáng tạo, bảo tồn và lưu giử được sự khác biệt cho đến nay.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến điều đó khi theo dõi thành quả xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc. Chỉ cần mở Googe, với chữ nông thôn mới là thấy rất nhiều mô hình Nông thôn mới và Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là một quá trình, chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Có trên 10 tiêu chí, từng thời kỳ, sẽ có kiểm tra, để xác định số tiêu chí đã đạt. Với mục tiêu nâng cao mức sống cho người dân, chỉnh trang khu dân cư, đảm bảo hạ tầng khang trang, hiện đại, môi trường cảnh quan Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp... Nhìn từ mặt đời sống vật chất, đây là những thông tin đáng mừng. Phải nhận rằng, chỉ 20 năm đầu thế kỷ XXI, bộ mặt đất nước ta đã có những đổi thay về nhiều mặt, với một tốc độ chưa bao giờ có trong lịch sử. Nhưng quá trình phát triển với tốc độ nhanh đã và đang phát sinh nhiều vấn đề về xã hội và văn hóa cần được báo động.

Khu vực Đô thị, đặc biệt ở các thành phố lớn, nơi sự thay đổi diễn ra từng ngày, bên cạnh những mặt thành công đáng tự hào, vẫn ngổn ngang nhiều bất cập và lộn xộn, không dễ khắc phục. Một phần bởi những thiếu khuyết có tính chất lịch sử. Nhiều thành phố chất chồng những nhà cao tầng, lấy bê tông và cửa kính tạo những không gian sống mất hẳn phong cách kiến trúc riêng, thiếu sự thân thiện, mất hết mọi mối liên hệ giữa người với người. Không khí ô nhiễm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nguồn nước và thực phẩm không sạch… Một khu vực không an toàn mới phát sinh những năm gần đây và ngày càng phổ biến là tội phạm ngay trong hệ thống quan chức các cấp. Chỉ mấy năm mà những người đứng đầu các thành phố lớn, lãnh đạo cao cấp Đảng, tướng lĩnh Quân đội, Công An, Bộ Trưởng… dính vòng lao lý. Một mặt nó thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Nhưng nó cũng gây sự nghi ngờ, mất niềm tin vào thể chế, cơ chế, sự lựa chọn, tuyến chọn, và khả năng kiểm soát của cả hệ thống tưởng là đã rất khoa học và chặt chẽ.

Nông thôn mới là một khu vực ngỡ là chịu nhiều áp lực của quá khứ, lại là nơi đang diễn ra sự thay đổi rộng khắp và dễ dàng. Chỉ cần một dự án khu công nghiệp, một công trình thủy điện, khu sinh thái, đường dây 500 KV, đường cao tốc, khu chung cư, gần đây là điện gió… là nhiều làng xưa, xóm cũ bị di dời, không chỉ nhà cửa, mà các di tích, mồ mả tổ tiên cũng phải chuyển dịch. Nhiều nơi là do thiên tai, bão lụt, chuyển đổi phương thức kiếm sống, những gia đình còn lại thường được hỗ trợ về chỗ ở mới với những ngôi nhà tạm bợ đồng loạt mái tôn. Bao nhiêu sự đa dạng của hệ sinh thái, của đặc sắc nơi cư trú, kiến trúc nhà cửa, quy hoạch dân cư gần như bị xóa sạch bởi những Dự án định cư được các địa phương giao khoán cho những hợp tác xã xây dựng có trình độ rất… địa phương! Không có số liệu thống kê, nhưng trong số những xã và cả huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, tỉ lệ những cơ sở giống Vùng Kinh tế mới không hề thấp. Trong vở kịch Vòng tròn trống rỗng, nhà văn Nguyễn Khải khi về quê đã có nhận xét: “Một vùng quê đã nhiều thời oanh liệt, mà nay không còn một di tích gì, cứ như vùng kinh tế mới… Phong hóa đã suy đồi thì làm việc lớn thế nào được. Càng đầy đủ, sống càng tệ”. Đầu thế kỷ trước, nhà văn Geoge Orwell (1903-1950) cũng từng cảnh báo: “Cách hửu hiệu nhất để hủy diệt một dân tộc, một cộng đồng là phủ nhận và phá hủy sự thấu hiểu của họ về lịch sử của chính họ”. Chẳng phải dấu tích nào của quá khứ cũng quý và nên gìn giữ. Nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu chúng ta xây dựng hiện tại từ một mặt bằng trống trơn. Không kể những quốc gia có diện tích rộng lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Canada… dù có thừa khả năng về kinh tế và kỹ thuật, người ta vẫn để lại rất nhiều vùng đất hoang. Có nơi là những bảo tàng sinh thái tự nhiên, bất khả xâm phạm. Nhiều vùng là những xứ sở hoang sơ, như là để giành cho sự phát triển của các thế hệ tương lai. Nước ta, diện tích không rộng. Dù liên tục chiến tranh, và thiên tai, dịch bệnh, trong thế kỷ XX, dân số đã tăng gấp gần 5 lần. Hiện nay, thuộc trong những nước có mật độ dân số cao hàng đầu. Sang thế kỷ mới, những vùng gọi là bảo tồn thiên nhiên không còn nhiều. Nhiều vùng trong đó đã bị rút lõi vì khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. Các cuộc di dân có tổ chức, và tự phát cũng đẻ ra tình trạng biến động dân số khó kiểm soát. Các đợt di dân ồ ạt của các tỉnh miền Bắc và miền Trung lên Tây Nguyên, trong đó có một bộ phận lớn dân tộc thiểu số. Hàng chục vạn phụ nữ, không chỉ của các tỉnh miền Tây Nam Bộ lấy chồng ngoại, mà phải nhận một sự thật là hầu hết những ông chồng đều thuộc lớp dân nghèo và văn hóa thấp, ở các vùng quê của nước họ. Do khó khăn về kinh tế, lớp trẻ con ngoại quốc đó lại được gửi về sinh sống ở Vệt Nam. Số đó cũng không phải chỉ ở hàng ngàn… Không chỉ cso vậy, với việc mở cửa, mở rộng đầu tư, bằng nhiều con đường, một số lượng cư dân quốc tịch Trung Quốc hiện sinh sống, làm việc và đi học trên đất nước ta, dưới nhiều danh nghĩa cũng là con số không nhỏ. Nếu hàng ngàn năm trước, do điều kiện cư trú biệt lập, giao lưu khó khăn, quan niệm kỳ thị về dân tộc, sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục, tập tục, nên các dân tộc lấy việc bảo tồn nòi giống như một nghĩa vụ tự nhiên thiêng liêng. Chuyện kết hôn dị tộc thường bị dư luận lên án. Ngày nay, giao lưu rộng mở, sự lựa chọn của cá nhân được tôn trọng, có khi tuyệt đối, hôn phối giữa các cá nhân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau gần như không còn bị giới hạn. Hãy hình dung đến cuối thế kỷ này, bản đồ dân tộc ở nước ta sẽ thế nào? Liệu có còn duy trì được 54 dân tộc, hay sẽ nhiều biến dị hơn? Ngay cả tộc đông người là người Kinh sẽ còn bao nhiêu?

Sẽ không có gì đáng nói, nếu đó là những cá thể sống, mà không phải CON NGƯỜI. Mà cái làm nên sự KHÁC BIỆT giữa các cá thể, cũng như các tộc người, các quốc gia là VĂN HÓA. Sự pha tạp huyết thống, dẫn đến triệt tiêu các nền tảng văn hóa gốc của các sắc tộc. Trong cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chuyện tình Khâu Vai, tác giả từng suy nghĩ về vấn đề này: “Người Giáy, người Mông, người Dao, hay người Nùng cũng vậy. Nếu cứ thương nhau là lấy nhau rồi pha tạp dòng máu bao đời. Thì mai này làm gì còn giống Giáy, hay Nùng. Cây trên rừng, đinh, lim, sến, táu muôn đời nay vẫn vậy. Công quạ chẳng thể phối hôn. Con ma trong nhà, mỗi sắc tộc riêng. Từ ngàn đời nay, vạn vật vẫn như thế mà trường tồn. Nay làm trái lệ ắt là khởi đầu cho thảm họa…”.

Từ bao đời nay, nông thôn với những khác biệt tự nhiên và sinh hoạt đã tạo ra một đất nước Việt Nam có một nền văn hóa, với nhiều loại hình và tác phẩm văn học nghệ thuật khác nhau. Mỗi vùng quê, dân tộc đều có thể tự hào về những gì tiền nhân đã sáng tạo. Cũng trong bài trả lời trên báo Nhân dân hàng tháng số tháng 4/2013, nhà văn Văn Lê từng nói: “Với mấy ngàn năm sáng tạo để tồn tại, các thế hệ tiền phong đã để lại cho chúng ta không biết bao nhiêu những giá trị văn hoá tinh thần.Một trong những nét đặc sắc của các giá trị ấy là văn hóa tâm linh. Và các làn điệu dân ca chính là con thuyền chuyên chở cái TINH và cái THẦN của văn hóa tâm linh ấy. Việc các Xá điệu, Văn điệu, Tử thần điệu, Xẩm điệu, hoặc Lý điệu còn tồn tại đến ngày nay chứng tỏ sức sống bất diệt của nó. Nó chính là bùa, ngải làm ngẩn ngơ cả người và thần, là cầu nối giữa Người và Thần. Đưa được cái TINH, cái THẦN của văn hóa tâm linh vào nghệ thuật là cần thiết, thậm chí rất cần thiết. Nó không chỉ là cái riêng, là hồn cốt của Tổ tiên mà còn là hồn vía của nghệ thuật”.

Sẽ là một tội lỗi không thể nào khắc phục, nếu trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, chỉ chú ý đến những chỉ tiêu vật chất, đồng phục hóa, đồng loạt hóa, với cùng một mô hình cấu trúc, nghiêng về xu hướng đô thị hóa, mà không bảo tồn được sự sự khác biệt của từng sắc tộc, từng vùng miền như đã từng tồn tại trong quá khứ. Tất nhiên, đây là một việc hoàn tòan mới, và phải khác với quá khứ, khi nông thôn và nông nghiệp đang hiện đại hóa. Còn nhớ, sau kháng chiến chống Pháp, bộ phim Cây tre Việt Nam với lời thuyết minh của nhà báo Thép Mới, đã tìm thấy ở Cây tre, một biểu tượng cho nông thôn và tính cách con người Việt Nam. Đến kháng chiến chống Mỹ, những bài thơ hay của Thu Bồn, Nguyễn Duy, và nhiều nhà thơ khác vẫn là dùng biểu tượng Cây Tre. Nhưng ngày nay, về nhiều vùng quê, tìm bóng dáng cây tre, không còn dễ. Nói chi đến cây đa, giếng nước, sân đình… Việc chuyên canh, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, nghề nghiệp, rồi cánh đồng lớn, sản xuất lớn đòi hỏi một cách tổ chức dân cư ở nông thôn mới phải thay đổi theo. Các thành tựu khoa học kỹ thuật sẽ tạo cho người dân có một cách sống, nếp sống khác với hiện nay… Trong hoàn cảnh sống mới ấy, việc bảo lưu, gìn giữ và sáng tạo văn hóa mới với từng sắc tộc, từng vùng miền như thế nào là một câu hỏi, không thể có chỉ một đáp số chung mà giải quyết được. Nếu chủ trương lớn về xây dựng nông thôn mới là từ trên xuống, thì việc xây dựng mô hình cụ thể ở từng cơ sở nên phát huy sáng tạo và trách nhiệm của chính người dân địa bàn, tất nhiên đầu tàu vẫn phải là cán bộ cơ sở. Tránh mọi sự rập khuôn, vay mượn mô hình nơi khác. Sự đa dạng, đa sắc, phù hợp với thói quen, tập tính, sự đa dạng sinh học và địa thế, mới làm nên sự giàu có và khác biệt của hình ảnh nông thôn mới. Ngoài nhu cầu nâng cao mức sống vật chất, những sự phong phú của các hoạt động tinh thần mới đem lại cảm giác Hạnh Phúc. Chính chỉ số Hạnh Phúc, phù hợp với điều kiện vật chất mỗi thời kỳ mới là điều cần được những người có trách nhiệm chính trong tổ chức xây dựng nông thôn mới chú ý.

Để chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, chúng tôi nghĩ, trước mắt cần huy động trí tuệ, tâm huyết, hiểu biết của nhiều thành phần trong xã hội nhằm xây dựng những mô hình khác biệt tùy sắc tộc, vùng miền, thổ nhưỡng, vùng sinh thái,… trên những Nguyên tắc chung, nhưng vẫn tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống, xây dựng và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phù hợp với môi trường sinh sống mới.

Và đây mới là nơi mở đầu một cuộc vận động, huy động sáng kiến của chính những người bản địa và những ai yêu mến, gắn bó với quê hương, xứ sở của mình.

________

(1). Số liệu dẫn từ bài Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên XHCN ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nguồn Văn nghệ số 44/2021


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...