Văn hóa nghệ thuật

Gốm Việt kể chuyện

Hoàng Thủy
Văn hóa nghệ thuật
09:20 | 20/07/2024
Ngày nay, các vật dụng trong nhà đã dần được thay thế bằng các chất liệu hiện đại nhưng với vật dụng được làm từ đất, mang hơi thở của người lao động Việt Nam với những nét sáng tạo độc đáo đặc trưng của người Việt là gốm vẫn đặc biệt được yêu thích.
aa

Mỗi sản phẩm mang một câu chuyện

Dọc chiều dài mảnh đất hình chữ S, có rất nhiều làng gốm nổi tiếng như làng gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Thổ Hà, gốm Gia Thủy, gốm Lái Thiêu, gốm Bàu Trúc…. Người ta thường dùng tên địa danh làng để đặt tên cho sản phẩm gốm đặc trưng của làng đó. Cùng là gốm, nhưng mỗi làng sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau phụ thuộc vào chất đất và kỹ thuật làm ra sản phẩm gốm mang những nét đặc trưng khác nhau.

Gốm Việt kể chuyện
Những lò gốm ở Phù Lãng vẫn đỏ lửa.

Làng gốm Phù Lãng, thuộc Quế Võ, Bắc Ninh, ghi chép lại hành trình lịch sử với hơn 700 năm là làng nghề truyền thống hàng đầu Việt Nam. Những sản phẩm gốm Phù Lãng được tạo hình từ đất đỏ hồng của vùng Bắc Giang, nổi tiếng với các sản phẩm gia dụng như niêu đất, chum, vại, tiểu quách...

Trải qua thời gian, gốm Phù Lãng biến đổi về cả hình thức sản phẩm và quy mô sản xuất. Mặc dù nhiều gia đình trong làng đã chấm dứt nghề gốm và nhiều lò gốm lịch sử đã tắt lửa, làng Phù Lãng vẫn giữ lại nhiều nét văn hóa đặc trưng của làng cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Anh Bùi Văn Huân (sinh năm 1990) là một trong những người giữ lửa cho nghề gốm tại Phù Lãng. Anh sáng tạo ra thương hiệu Gốm Huân, nổi bật với những sản phẩm mang đặc điểm riêng biệt. Mỗi sản phẩm của Gốm Huân kể một câu chuyện, thể hiện màu sắc độc đáo dựa trên cảm nhận cá nhân. Điểm chung của tất cả sản phẩm Gốm Huân vẫn là vẻ đẹp tinh tế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, được thấu hiểu và thể hiện rõ trong từng sản phẩm với tinh thần Việt quyến rũ.

Chúng tôi đến xưởng gốm của anh Bùi Văn Huân vào một buổi chiều gần cuối năm. Vào thời điểm này, vợ chồng Huân đang tất bật chuẩn bị cho những sản phẩm theo các đơn đặt hàng để phục vụ Tết Nguyên đán.

Hướng tới việc đi theo truyền thống, anh Huân kể, làm mọi việc một cách thủ công nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao và phải chạm vào cảm xúc để mang đến giá trị tinh thần cao nhất. Như nhiều người trong làng, anh cũng tạo ra những tác phẩm có màu da lươn từ chất đất đỏ đặc trưng của Phù Lãng. Các sản phẩm của Gốm Huân đều được nung bằng lò củi hoàn toàn. “Điều khác biệt là tôi đưa thêm những câu chuyện vào trong từng hình dáng, đường vân, vết kẻ, họa tiết… Bất kỳ dấu vết nào trên tác phẩm thô mộc cũng mang ý nghĩa riêng”, Huân nói.

Gốm Việt kể chuyện
Mỗi sản phẩm là một câu chuyện.

Chú trọng việc kể chuyện trên nền một kỹ thuật điêu luyện nhưng ý tưởng của những bộ sưu tập anh Huân tạo ra hoàn toàn ngẫu hứng. Cái gì đến trong cảm xúc, đều được anh Huân đón nhận và thể hiện. Những câu chuyện thông qua nghệ thuật gốm, như các bộ sưu tập: Gia đình Sen hay Cao nguyên đá Đồng Văn, đều truyền tải tinh thần dân tộc và những giá trị văn hóa sâu sắc. Hạnh phúc của anh Huân không nằm ở sự đa dạng của công việc mà ở sự chậm rãi, nhẹ nhàng cảm nhận cuộc sống và theo đuổi đam mê. Anh Huân bảo mỗi khi ý tưởng hoặc cảm hứng sáng tác bị mòn đi, anh không ngần ngại rời khỏi xưởng để tìm kiếm cảm hứng mới từ thiên nhiên, tái tạo tinh thần và mang về những ý tưởng mới cho bộ sưu tập tiếp theo. Anh tin rằng kỹ thuật và tư duy đều quan trọng, nhưng sự phát triển liên tục là chìa khóa để tạo ra những sản phẩm độc đáo và sáng tạo.

Anh Huân quan niệm "Muốn tạo ra những sản phẩm độc bản mang góc nhìn, cảm xúc của mình thì phải không ngừng nỗ lực để phát triển. Kỹ thuật chỉ là phương tiện nên nếu có kỹ thuật mà không có tư duy, ta sẽ chỉ biết bắt chước, làm theo những cái đã có. Ngược lại, nếu có tư duy mà thiếu kỹ thuật cũng sẽ không thể tạo ra những sản phẩm đẹp, đúng ý mình”.

Lửa nung chưa bao giờ tắt

Gốm Gia Thủy, mặc dù không có những câu chuyện phong phú như Gốm Huân ở Phù Lãng, lại khắc sâu đặc trưng riêng, mang vẻ mộc mạc, chân phương, giản đơn và đậm chất của đất.

Làng gốm Gia Thủy bắt đầu hình thành từ cuối thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước, khi một số thợ gốm di cư từ Thanh Hóa đến vùng Yên Thủy, Nho Quan, Ninh Bình để xây dựng lò gốm nhỏ. Sử dụng chất đất màu nâu vàng đặc trưng chỉ có ở địa phương này, những nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm như chum, vò, vại, niêu, ấm chén phục vụ cuộc sống đơn giản.

Gốm Việt kể chuyện
Gốm Gia Thủy sử dụng chất đất màu nâu vàng đặc trưng.

Tại làng gốm Gia Thủy, những sản phẩm như chum, vại có vẻ xù xì và góc cạnh là kết quả của sự kết hợp tinh tế giữa đất, lửa và bàn tay tài năng của những nghệ nhân. Đất sét đặc trưng với khả năng chịu nhiệt tốt, qua bàn tay điêu luyện của thợ, trở thành những tác phẩm hoàn hảo chứa đựng tâm hồn và tình yêu của người làm gốm. Họ chính là những người dân làng nghề yêu gốm, yêu đất và sống chết với gốm.

Làng gốm Gia Thủy hiện nay vẫn duy trì cách nung gốm bằng lò củi, một quá trình mất nhiều ngày công phu. Người thợ cần điều chỉnh lửa và nhiệt độ một cách kỹ lưỡng trong suốt 4 ngày liên tục. Sau đó, họ tắt lửa và ủ gốm trong lò thêm 3-4 ngày nữa. Khi nhiệt độ giảm, sản phẩm "chín" và người thợ mở lò.

Điều đặc sắc sau khi mở lò là mỗi sản phẩm sẽ mang họa tiết và màu sắc độc đáo, phụ thuộc vào vị trí của nó trong lò và nhiệt độ ở đó. Màu sắc của men gốm, đặc biệt là màu vàng nâu, tỏa sáng tự nhiên, tạo nên một hiệu ứng đẹp mắt.

Về làng gốm Gia Thủy vào dịp cuối năm dễ dàng cảm nhận được sự nhộn nhịp bởi hoạt động sản xuất để làm ra những sản phẩm phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Người thợ gốm làm việc từ sáng đến tối, lúc nào cũng tất bật. Các công đoạn làm gốm được thực hiện theo một dây truyền liên hoàn, mỗi người một công đoạn khác nhau. Và khi mỗi sản phẩm gốm được hoàn thiện, là kết quả của sự miệt mài sáng tạo, thành quả gắn bó của cả một tập thể, với nhiều công đoạn khác nhau, thấm đẫm mồ hôi, công sức của những người thợ làng nghề.

Gốm Việt kể chuyện
Những sản phẩm gốm Gia Thủy.

Nhìn nhận qua lịch sử và biến động thị trường, sản phẩm gốm không chỉ làm giàu cuộc sống mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Bằng bàn tay khéo léo và tâm hồn nghệ sĩ, những khối đất không tri giác được biến thành những tác phẩm gốm kể chuyện riêng, mỗi chiếc mang đến cảm xúc khác nhau. Công việc làm gốm tận dụng hoàn toàn từng biến động tự nhiên, tạo nên sự hồi hộp và mong đợi đối với nghệ sĩ. Mỗi sản phẩm như là một đứa con tinh thần đã trải qua những khó khăn, thử thách và công sức. Ngắm nhìn hay chạm nhẹ từng đường vân, đều làm nhấn mạnh sự kỳ diệu của tạo hóa.

Bài, ảnh: Hoàng Thủy - Báo Quân đội nhân dân

Bát Tràng Museum chính thức ra mắt trên nền tảng Google Arts & Culture Khai mạc triển lãm "Gốm nghệ thuật Việt Nam" Chuyện của Gốm Lễ đón Bằng ghi danh của UNESCO đối với nghệ thuật làm gốm của người Chăm Khai hội Giỗ Tổ làng gốm Nam Diêu, Thanh Hà
www.qdnd.vn
Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.