Văn hóa nghệ thuật

Hà Trần: Ý thức xây dựng “đền đài” là những nghi lễ rườm rà và màu mè hình thức

Thư Vũ
Âm nhạc
10:34 | 22/07/2024
9 năm, Hà Trần đánh dấu độ chín trong giọng hát của mình, đồng thời khẳng định sự tinh tế và khác biệt trong cách xử lý ca khúc, cũng như ý tưởng dàn dựng với album Trần Tiến - sản phẩm tri ân được sản xuất qua Ha Tran Productions (hai nhà sản xuất là Trần Thanh Phương và Hà Trần).
aa
Hà Trần:  Ý thức xây dựng “đền đài” là những nghi lễ rườm rà và màu mè hình thức
“Mọi người đều có nhiều lựa chọn, khi chọn đến với Hà Trần hẳn rằng họ đã chia sẻ cuộc đời họ với mình trong một hoặc nhiều giai đoạn. Vậy thì có gì đâu ngoài ân tình và hoan ca?” Ảnh: NVCC

“Một nghệ sĩ đích thực là người tự tạo ra chuẩn mực mới của mình và khiến người khác đi theo.”

Năm 1999, Hà Trần phát hành album phòng thu đầu tay mang tên Em về tinh khôi, do nhạc sĩ Quốc Bảo đảm nhiệm vai trò biên tập. Nhiều bài hát trong album này đã được công chúng yêu thích như: Em về tinh khôi, Lời ru cho con, Tóc gió thôi bay và Tình nhớ. Thành công của album đầu tay nhanh chóng đưa tên tuổi của Hà Trần trở thành ca sĩ hạng A trong làng nhạc Việt chỉ sau 5 năm ca hát.

Cốt cách âm nhạc độc đáo mà nền nã, sự thăng hoa trong cảm xúc lẫn kỹ thuật thanh nhạc, dám dấn thân, thể nghiệm ở những cuộc phiêu lưu về thính giác và thị giác là các yếu tố khiến cho âm nhạc của Hà Trần suốt 30 năm qua luôn là dòng suối nguồn tươi trẻ, đẹp đẽ với công chúng và nền nhạc nhẹ Việt Nam.

3 thập kỷ lao động nghệ thuật miệt mài, cũng có lúc Hà Trần thấy mình cần “tạm dừng bước lãng du”, gác lại những sáng tạo mang tính đương đại để nghỉ ngơi. Nhưng cũng lại có lúc, người ta thấy Hà Trần bùng nổ trên mọi mặt trận với đêm nhạc Monsoon đã trở thành huyền thoại hay một “Phượng Hoàng Lửa” đầy rực rỡ làm mê đắm thế hệ trẻ mới,... Dù là dưới dạng thức nào, biến hóa ra sao, mới mẻ đến đâu, mỗi lần Hà Trần xuất hiện hay trở lại luôn khiến công chúng háo hức và đợi chờ.

Thông tin Hà Trần với live concert kỷ niệm 30 năm tháng 8 tới đây như làm sống dậy quãng thanh xuân của những người say mê âm nhạc của chị - nơi thấm đẫm những giai điệu khi ngọt ngào khi mộng mị: Bờ vai ơi đừng quá nghiêng nghiêng/ Đánh rơi buổi chiều thơm ngát/ Làn môi ơi đừng quá run run/ Lỡ tia nắng hồng tan mất...

- Xin chào chị Hà Trần! Lời đầu tiên xin cảm ơn chị đã trò chuyện cùng báo Văn nghệ. Một câu hỏi mở đầu rất thân quen trong mọi cuộc phỏng vấn, đó là cảm xúc của chị khi nhìn lại hành trình âm nhạc 30 năm qua?

Như một cái chớp mắt đầy cảm xúc bạn ạ. Có lẽ vì tôi là người mải miết đi về phía trước và ít nhìn lại sau lưng (dù đôi khi việc thiếu quy hoạch/ tổng kết những gì đã qua cũng là nhược điểm).

- 3 thập kỷ qua có không ít thế hệ đã lớn lên với âm nhạc của chị, từ những Em về tinh khôi, Bài ca tháng sáu rồi Sắc màu, Bản nguyên... Có bao giờ chị nghĩ các bài hát của mình ảnh hưởng đến một người như thế nào không? Điều đó tác động gì đến hành trình sáng tạo nghệ thuật của chị?

Tôi may mắn được sống và song hành lâu đến thế qua bao thế hệ khán giả. Có những đêm diễn tôi chứng kiến một gia đình 3-4 thế hệ lên sân khấu xin chụp hình lưu niệm gồm ông/ bà, bố/ mẹ và con/ cháu. Nói thực lòng những lúc đó tôi thấy hạnh phúc và… bị đơ trước quà tặng quá lớn của cuộc sống.

Thật sự, tôi đã đi một chặng đường dài chẳng toan tính gì, lao động vì đam mê và vì yêu thích. Rất nhiều bản hit được tạo ra từ những đồng cảm và cộng hưởng với tác giả, từ đó được công chúng đón nhận, ủng hộ. 30 năm qua, tôi thấy mình đúng kiểu một nàng Lọ Lem, cứ thế nỗ lực rồi nhận về rất nhiều từ sự hồn nhiên của bản thân.

- Nói một chút về album gần đây nhất của chị là Những con sông ngón tay, khán giả dễ dàng nhận ra sự “mới mà cũ” trong mỗi bài hát. Vẫn là giọng hát tình cảm, nội lực và kỹ thuật, hay sự dấn thân về ca từ, giai điệu, có điều đã có một Hà Trần trầm lắng và nhẹ nhàng hơn. Nếu so sánh với “Bản nguyên” hoặc trước đó là “Đối thoại 06”, chị thấy mình đã thay đổi thế nào?

Tôi và anh Trần Đức Minh (tác giả) thường hay chuyện trò và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. “Những con sông ngón tay” là cuốn album tuy không chủ ý, nhưng nó thật sự là bước phát triển và tiếp nối của cả 3 albums trước đó: Nhật thực, Đối thoại 06 và Bản nguyên.

Nó vẫn có “bóng dáng” của 3 albums trước, nhưng ở một giai đoạn khác tĩnh tại và lắng đọng hơn. Anh Minh quen tôi từ những năm 12, 13 tuổi cơ đấy. Chúng tôi là bạn cùng trường rồi chơi chung trong ban nhạc lúc 15, 16 tuổi. Bẵng đi một thời gian, khi gặp lại, anh em thấy nhiều kết nối tinh thần qua không gian âm nhạc và quyết định làm album chung từ ngẫu duyên. Những con sông ngón tay là sự hài lòng chung của cả đội ngũ thực hiện, sản xuất. Và chúng tôi tin rằng, các ngón tay sẽ vươn tới khán giả của nó - những người đang tìm kiếm và cần những tiếng nói ấy hiện diện trong cuộc đời.

Hà Trần:  Ý thức xây dựng “đền đài” là những nghi lễ rườm rà và màu mè hình thức

30 năm qua, tôi thấy mình vẫn là người lữ hành lang thang học từ trường lớp đến đời sống, những bài học cuộc đời về sự cho đi-nhận lại.

- Có thể nói 30 năm làm nghề của chị là hành trình vừa dấn thân vừa dò dẫm, nhất là khi thế hệ của chị lại nằm lưng chừng giữa lớp nghệ sĩ trẻ và lớp nghệ sĩ lão làng, chị đã tạo nên sự cân bằng trong những sản phẩm âm nhạc của mình như thế nào?

Tôi sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nghệ sĩ với tư tưởng tự do, phóng khoáng, có lẽ tài sản lớn nhất đời mình là ước mơ. Có cái viển vông cũng có cái thiết thực. Và vì tôi là con nhà tông của thế hệ bố mẹ tôi, cái kỷ nguyên thuần khiết mà người nghệ sĩ chỉ biết sống và cống hiến cho những lý tưởng của xã hội. Thời mà kinh tế, chiêu trò thị trường không hiện hữu, nên chẳng bao giờ hiểu được sự trả giá hay giá trị đưa đẩy của việc có nền kinh tế vững vàng.

Trên con đường 30 năm, nếu để giải mã sự nghiệp của tôi từ thăng trầm, thăng hoa đến những điều dường như không ai làm được, thì đó là nỗ lực cân bằng giữa những giấc mơ bay bổng của một nghệ sĩ phóng khoáng tự do, và một cá nhân tự sinh tồn, để tiếp tục sống, mơ ước, thực hiện giấc mơ của cô ấy.

Sự nghiệp của tôi, những thành tựu tôi đạt được xin dành để mọi người nhìn nhận và ghi nhận. Những gì thiếu sót hoặc không phù hợp, tôi dễ trả lời hơn. Đó chắc chắn là những nghi lễ rườm rà, sự màu mè hình thức của ý thức xây dựng đền đài, thổi phồng cái “tôi” lớn hơn bản thể. Mọi người hay gọi Hà Trần là “diva” hoặc “tượng đài âm nhạc”, sự tụng ca đó luôn là niềm vinh hạnh lớn lao mà bất cứ nghệ sĩ nào đang lao động nghệ thuật đều mong muốn được công nhận. Còn trong mắt tôi 30 năm qua, tôi thấy mình vẫn là người lữ hành lang thang học từ trường lớp đến đời sống, những bài học cuộc đời về sự cho đi-nhận lại.

- Ý nghĩa lớn nhất của sáng tạo nghệ thuật với chị?

Là vươn tới tự do tối thượng. Một nghệ sĩ đích thực là người khai thác mình tốt ở một hoặc nhiều lãnh địa nghệ thuật, tùy thuộc vào các thiên phú họ có, không giới hạn bản thân chỉ ở một lĩnh vực, hay khoanh vùng tư tưởng trong một phong cách nhất định. Đấy là cách họ hướng đến tự do sáng tạo tối thượng và thoát ra khỏi các tiêu chuẩn thông thường của đời sống.

Một nghệ sĩ đích thực là người tự tạo ra chuẩn mực mới của mình và khiến người khác đi theo.

- Nếu chọn ra một giai đoạn với những album và tác phẩm ưng ý nhất, thỏa mãn nhất, chị nghĩ đó là gì?

Những tác phẩm ưng ý với tôi trong từng giai đoạn khác nhau là Nhật thực, Đối thoại 06, Trần Tiến 08, Bản nguyên và Những con sông ngón tay. Khó để so sánh những album xem đâu là thích nhất đâu là thích hơn, vì nó là tôi một cách tuyệt đối chỉ là trong những khung thời gian khác biệt.

Tôi có nhiều tác phẩm hợp tác với các nghệ sĩ khác nhau, được khán giả số đông yêu thích, như chùm album với anh Quốc Bảo, anh Đỗ Bảo, chị Giáng Sol hay Tự hoạ với “bố” Trần Tiến. Đó là một khía cạnh khác của tôi. Việc hợp tác với nhiều tác giả, đơn giản là vì tôi có thể lắng nghe, đồng cảm với các sáng tác của họ.

- Concert 30 năm của chị được đặt tên là “Thiên hà tinh khôi”, sự tinh khôi đó là như thế nào? Tinh khôi của năm 2024 khác gì với tinh khôi của 1994?

“Tinh khôi” của 1994 là cô bé con đang lần mò đến với âm nhạc - một Lọ Lem đúng nghĩa. Còn “tinh khôi” của 30 năm sau đó là chặng đường giữ gìn và tiếp tục kiến tạo những giá trị cơ bản, nguyên bản, đã được đặt nền móng từ 30 năm trước. Cùng với đó là giữ nguyên một tinh thần nguyên sơ với âm nhạc. Nghe dễ nhưng lại rất khó, bởi muốn đạt được điều đó thì bản thân người nghệ sĩ phải can đảm sống thật nhất với bản thân.

- Với 2 đêm diễn của chị ở 2 miền Nam Bắc, chị kỳ vọng điều gì trên mỗi sân khấu, và ngược lại khán giả có thể kỳ vọng gì về sự đặc biệt và bùng nổ của chị ở live concert riêng đầu tiên này?

Tôi chờ đợi một cuộc tri ân không chỉ với khán giả 2 miền mà còn với cả những người yêu nhạc Hà Trần trên thế giới cùng về tham dự. Các chùm tin nhắn nhóm fans khắp các châu lục đang rộn ràng hẹn hò khiến tôi rất bâng khuâng. Thiên hà tinh khôi sẽ là nơi gặp gỡ, tâm tình và cảm ơn khán giả nhiều thế hệ. Mọi người đều có nhiều lựa chọn, khi chọn đến với Hà Trần hẳn rằng họ đã chia sẻ cuộc đời họ với mình trong một hoặc nhiều giai đoạn. Vậy thì có gì đâu ngoài ân tình và hoan ca?

Đây cũng là một cuộc hẹn hò, dù khuôn khổ và thời lượng chương trình không thể đầy đủ hết để có đủ sự kết nối giữa Hà với các bạn đồng nghiệp, người đồng hành qua nhiều thế hệ. Có những người, chẳng hạn như Giám đốc âm nhạc Hoài Sa, là người anh ở thời điểm này đang song hành cả ở độ chín chuyên môn lẫn tính cân bằng đại chúng. Tôi tin tưởng anh Hoài Sa sẽ không làm những thứ quá khó nghe với số đông mà vẫn đủ tính nghệ sĩ cho người tinh tường âm nhạc. Chủ đích của Thiên hà tinh khôi là một bữa tiệc âm nhạc nhiều xúc cảm. Đó cũng là tiêu chí đội ngũ chương trình đã xây dựng và luôn hướng đến để các bạn có thể mong chờ.

- Xin cảm ơn chị Hà Trần và chúc live concert của chị thành công tốt đẹp!

Báo Văn nghệ số 29/2024

Văn học tự truyện, luồng gió mới cho đời sống xuất bản “Sóng độc”, những góc khuất của đời sống quan trường Những “văn bản tâm hồn” cất lên từ đời sống Sự lựa chọn của đời sống sân khấu Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng”
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...