Tại đây, bà đã trao đổi nhiều hơn về tình hình bất ổn trong nước, việc tiểu thuyết Người ăn chay bị rút khỏi thư viện nhiều trường trung học Hàn Quốc cũng như vai trò của văn chương và quan điểm sáng tác của bản thân mình.
Nhà văn Han Kang |
- Đầu tiên, xin bà chia sẻ cảm nhận về sự kiện gần đây ở đất nước mình?
- Để viết Bản chất của người, tôi đã nghiên cứu về thiết quân luật diễn ra cuối năm 1979. Vì vậy, có thể nói, tôi vô cùng sốc khi điều này lặp lại thêm một lần nữa. Mùa đông năm ấy có gì khác biệt với năm nay ư? Tôi nghĩ đó là mọi chuyện đã được lan truyền trực tiếp để ai cũng có thể xem. Tôi đã nhìn thấy một vài người dân cố tiến lên trước xe tăng. Họ chiến đấu bằng tay không với những người lính có vũ trang. Và cuối cùng, khi những mọi người giải tán, tôi thấy những người dân này lại chào tạm biệt những toán lính ấy như đó là con cái mình. Đó là khoảnh khắc tôi cảm nhận được sự chân thành và lòng dũng cảm của họ.
Thái độ của các sĩ quan cảnh sát hay quân nhân trẻ phải nói cũng thật ấn tượng. Tôi nghĩ nhiều người cũng cảm nhận được điều đó. Tôi có cảm giác họ đang hành động một cách thụ động nhất có thể. Họ tự đánh giá nội tâm và không tuân theo mệnh lệnh của cấp cao hơn theo kiểu răm rắp. Nếu bạn nhìn từ góc độ giá trị, tôi nghĩ đó là một hành động tích cực, có phán đoán, có cảm nhận nỗi đau và cố tìm ra giải pháp. Đó là cách làm rất khác so với quá khứ khi mọi thứ bị che giấu hoặc được thực hiện một cách ép buộc. Tôi rất hi vọng bạo lực sẽ không diễn ra để đàn áp báo chí.
- Rất nhiều tác giả đã bị chính phủ Hàn Quốc đưa vào “danh sách đen” và bây giờ một lần nữa lại có tình trạng bất ổn chính trị. Bà có lo lắng về tương lai của quyền tự do ngôn luận ở Hàn Quốc không?
- Đó là một thứ không dễ dự đoán vì tôi không biết chính xác mọi chuyện rồi sẽ ra sao. Nhưng tôi nghĩ ngôn ngữ luôn có sức mạnh dẫu ai có cố làm câm lặng nó. Vì vậy, dù có chuyện gì xảy ra, tôi nghĩ sự thật sẽ tiếp tục được nói và sức mạnh của ngôn ngữ là không thể dập tắt.
- Văn học, theo bà, có vai trò gì?
- Theo tôi, văn học không ngừng vươn tới thế giới nội tâm, nơi bạn bước vào và trong quá trình đó, tự đào sâu chính mình. Đó là hành động nên được lặp đi lặp lại để trong bất cứ tình huống nào, người ta cũng có thể phán đoán và đưa ra các quyết định hợp lẽ. Tôi luôn nghĩ văn học là thứ mà chúng ta cần một cách tuyệt đối chứ không phải thứ mang tính bổ sung.
- Cuốn Người ăn chay của bà gần đây cũng đã vướng phải những tranh cãi lớn. Quan điểm của bà thế nào?
- Cuốn tiểu thuyết này đã xuất hiện trong danh sách các tác phẩm nên đọc của học sinh trung học Tây Ban Nha vào năm 2019, và khi tôi gặp những em học sinh ở đây, tôi rất ấn tượng khi thấy các em phân tích và bày tỏ ý kiến của mình về tác phẩm này. Trong khi đó, cá nhân tôi nghĩ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Hàn Quốc có thể gặp khó khăn khi đọc cuốn sách vì những khác biệt văn hóa. Do đó, ở những buổi thảo luận, khi các em mang Người ăn chay và Bản chất của người đến nhờ tôi kí, tôi cũng nói các em nên đọc Bản chất của người trước. Tôi biết sách của mình có thể không phù hợp với đa số độc giả ở độ tuổi này.
Nhưng qua đây tôi cũng muốn nói thêm về Người ăn chay. Cuốn tiểu thuyết này là một tác phẩm có nhiều lớp lang, từ câu hỏi chúng ta thấu hiểu nhau đến mức độ nào cho đến liệu cơ thể có thể là nơi trú ẩn của chúng ta không? Thật khó để định nghĩa “ăn chay” chỉ trong một từ. Xin hãy nhớ đây là cuốn sách đầy rẫy câu hỏi. Tiêu đề mỉa mai ấy ám chỉ đến nhân vật chính, nhưng nhân vật này lại chưa bao giờ tự nhận mình là một người ăn chay. Đúng vậy, đó là một cuốn tiểu thuyết đầy sự mỉa mai.
Cuốn sách gồm có 3 phần nhưng không có đoạn nào mà nhân vật chính lên tiếng cả. Phía trước có chút độc thoại về những cơn ác mộng mà cô gái gặp phải, trong khi phần còn lại là những miêu tả dưới góc nhìn của người khác về nhân vật này. Tôi viết cuốn sách với thủ pháp người kể chuyện không đáng tin cậy. Cả 3 câu chuyện đều được kể lại bởi một ngôi kể ngày càng xa vời so với thực tại và tính chất ấy ngày càng giảm dần về phía cuối sách. Khi một ngôi kể không đáng tin cậy như vậy được sử dụng, thì sự mỉa mai ngày càng nhiều trong mỗi câu văn, vì vậy nếu bạn đọc với suy nghĩ đó, tôi nghĩ bạn có thể trải nghiệm cuốn sách một cách thú vị hơn.
Ở một khía cạnh nào đó, có rất nhiều người đọc Người ăn chay ở Hàn Quốc với sự đau đớn và cảm thông nhưng tác phẩm này cũng bị hiểu lầm rất nhiều. Bây giờ thì tôi cảm thấy đó là số phận của cuốn sách này rồi. Việc nó bị loại trừ khỏi các thư viện là một nỗi đau với người viết như tôi. Nhưng nếu nhìn sâu hơn một chút, hàng nghìn cuốn sách đã bị loại bỏ hoặc hạn chế đọc trong các thư viện Hàn Quốc trong vài năm qua. Tôi rất trân trọng các thủ thư vì công việc của họ nên tôi cho rằng nâng cao quyền hạn của thủ thư trong thư viện là rất cần thiết. Sách rất quan trọng và khi chúng ta đọc chúng, nhân tính tồn tại cùng vớ i sách vở. Nhưng hiện nay nền móng đó đang rung chuyển bởi nhiều quy định ngặt nghèo, nhưng tôi hi vọng trong tương lai gần, mọi chuyện rồi sẽ khác đi.
- Bà cảm nhận thế nào về giải thưởng này? Lịch trình trong tuần của bà là gì?
- Lúc đầu, tôi cảm thấy rất áp lực vì sự quan tâm dành cho mình. Nhưng sau khi suy nghĩ hơn một tháng trời, tôi bỗng nhận ra giải thưởng này được trao cho văn học, và lần này là đến lượt tôi, nên tôi thấy nhẹ nhàng hơn. Điều này cũng khiến tôi thấy thoải mái và có thể viết tiếp mà không gặp khó khăn nào.
Về lịch trình thì buổi trò chuyện này là thứ áp lực nhất đối với riêng tôi, vì vậy tôi sẽ thoải mái hơn sau khi kết thúc buổi trao đổi này (Cười). Tôi dự định sẽ đến thăm Thư viện Quốc gia Thụy Điển cũng như những người bạn của mình. Lần đến Stockholm gần đây nhất tôi chưa có dịp tham quan xung quanh, nên tôi sẽ tận hưởng trong chuyến đi này.
- Bà có thể chia sẻ về vật phẩm mà mình gửi đến bảo tàng Nobel không?
- Với cá nhân tôi, tôi nghĩ sẽ tốt hơn hết nếu gửi đến một thứ gì đó quý giá với bản thân và thể hiện được thói quen của mình. Tôi muốn gửi đến điều gì đó giản dị, đó là thứ tôi thích. Vì vậy tôi đã gửi đến một tách trà nhỏ (không phải cà phê vì tôi đã từ bỏ lâu rồi). Thường lệ, khi cố quay lại bàn làm việc của mình, tôi thường mang theo một tách trà đen. Đó là thứ gần gũi nhất với tôi. Năm nay cũng đánh dấu năm thứ 31 tôi sáng tác. Nếu nói tôi viết như một thói quen thì là dối trá. Tôi viết xen kẽ với việc đi dạo. Vì vậy, gửi một tách trà như đang gửi đến phần làm việc chăm chỉ nhất của tôi.
- Tôi muốn biết Gwangju ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời và sáng tác của bà?
- Tôi sinh ra ở Gwangju vào tháng 11 năm 1970 và chuyển đến Seoul vào tháng 1 năm 1980, vì vậy tôi đã sống ở Gwangju khoảng 9 năm 2 tháng, và ở Seoul là 40 năm. Nói tôi đến từ Gwangju, Seoul, Hàn Quốc hay thế giới này cái nào cũng được. Tôi không muốn danh tính của mình bị co cụm lại chỉ trong một từ. Nhưng Gwangju là quê nhà của tôi và có vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Đó cũng là bối cảnh của Bản chất của người – cuốn sách rất quan trọng của tôi.
- Theo bà phải làm sao để có một Han Kang thứ 2 – người mang vinh hạnh về cho Hàn Quốc?
- Việc viết mang tính cá nhân, vì vậy tôi không biết phải đưa ra lời khuyên gì. Nhưng tôi nghĩ việc học văn trong nhà trường nên được quan tâm. Khi đọc, bạn sẽ được đi vào thế giới của những người khác cũng như chính mình. Nếu bạn lặp lại trải nghiệm đó từ khi còn nhỏ, đặc biệt là không dừng lại thậm chí trong các kì thi chuyển cấp khốc liệt, thì việc đọc sách sẽ rất thú vị. Người ta hay nói độc giả có thể không phải là nhà văn nhưng những nhà văn đều là độc giả. Tôi nghĩ sẽ tốt nhất nếu có nhiều độc giả giỏi, đọc sâu và thích đọc.
*ghi từ video phỏng vấn của Reuters
Nguồn VNQĐ