Nga đã quen với con ngõ san sát nhà. Sáng sáng, từ ban công nhìn xuống người vào vào ra ra tấp nập. Ô tô, xe máy, xe đạp, xe ba gác, quang gánh, người đi bộ chen lấn. Thỉnh thoảng, tiếng còi xe chói chát khiến Nga giật thót. Nhớ ngày mới mua nhà, Nga cũng sốt sắng làm quen hàng xóm. Bố mẹ dặn: bán anh em xa mua láng giềng gần. Con nhớ xây dựng tốt tình nghĩa xóm làng. Khi tắt lửa tối đèn có nhau, có người nhờ cậy. Mẹ ơi, đây là thành phố, không phải làng quê. Nhà nào biết nhà ấy. Nói thế nhưng Nga vẫn mang theo bưởi, hồng, kẹo mạch nha, bánh ít lá gai – đặc sản quê hương, định đến từng nhà chào hỏi, ngầm như lễ ra mắt hàng xóm. Đi mười nhà thì đến nhà thứ 9 mới thấy mở cửa. Nga định giới thiệu mình mới mua nhà cùng ngõ và hỏi thăm vài câu xã giao đại loại như gia đình anh/ chị ở đây lâu chưa? Anh chị làm gì, được mấy cháu… Ít nhất cũng biết một vài thông tin cơ bản để còn nói với nhau hoặc kể cho người khác. Thấy Nga thập thò trước cửa, người đàn ông đi nhanh ra, kéo roạt roạt cửa, mặt nhăn nhăn, hỏi cộc lốc: “Cô cần gì?”. Giọng nói lạnh băng khiến Nga tan biến hào hứng, ý định vụt bay. Lại một lần có thằng bé mang vẻ mặt thiên thần ló đầu vào cửa: “Cô ơi, cho cháu mượn cái búa”. Nó chỉ căn nhà cách chừng 50m đang sửa chữa “nhà cháu kia kìa”. Nga sốt sắng đi lấy búa. Chưa đầy 5 phút quay ra không thấy thằng bé đâu. Chiếc máy tính cùng gói bánh để trên bàn biến mất. Hỏi mấy người ở căn nhà cách chừng 50m đang sửa chữa không ai biết thằng bé mang vẻ mặt thiên thần, cũng không có con cháu nào bằng tuổi thằng bé. Chồng bảo đây là phố. Người đông như kiến, biết ai gian ai ngay! Tốt, cả tin dễ bị lừa. Tốt nhất về nhà đóng chặt cửa. Mình không làm phiền ai, chẳng ai làm phiền mình, thế cho nhẹ đầu. Có phải ở quê đâu mà chuyện của người này người kia, cả làng đều biết. Buổi sáng mua ti vi, buổi tối hàng xóm kéo đến đầy nhà đầy sân ngắm nghía, chúc mừng. Giờ môi trường sống khác, mình hạn chế tiếp xúc cũng là chuyện thường. Chỉ là nhiều lúc thấy buồn buồn, thấy con người sống như rô-bốt. Sáng sáu giờ dắt xe ra cửa. Nào đưa con đến trường, nào tắc đường. Chiều 6h30 về đến nhà. Nào nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con, tắm giặt… Ngả lưng được ít nhất cũng 10 giờ đêm. Đôi khi được ngày rảnh, ngó qua ban công thấy nhà trước đóng cửa im ỉm, chẳng hiểu gia đình đó có mấy người, làm nghề gì. Ngó sang nhà bên trái, thi thoảng cũng thấy cánh cửa mở ra. Một con bé chừng mười ba mười bốn tuổi đeo cặp học sinh bước ra, thót ngay lên xe đạp. Cô bé vừa đi khỏi, cánh cửa liền đóng sập. Ngó sang nhà bên phải, thường có 2 -3 thanh niên hì hụi gò hàn. Họ ở quê, ở tỉnh đến làm thuê. Có người trụ được vài ba tháng. Có người chỉ ở được 1 tuần, mươi ngày lại đi tìm việc khác. Nghe nói ông chủ cũng là người đi thuê nhà, mở cửa hàng. Tối ngày ông ta bận rộn ở đâu đó, tìm các đối tác làm ăn, ký kết hợp đồng. Có lần Nga sang đó xin đinh, hỏi một lúc, đứng giữa nhà một lúc, chẳng ai muốn biết Nga cần gì. Ai cũng mải miết với việc đang làm, cứ như trả lời Nga, họ sẽ bị trừ tiền công. Vì vậy, có ngày nghỉ, Nga cũng không biết làm gì cho hết thời gian trong căn nhà 30 m2 nền, thêm hai tầng lầu. Nga lên lầu, xuống lầu, quanh quẩn từ trước vào sau, từ sau ra trước, ngồi phịch xuống cầu thang, vẩn vơ nhớ làng. Ở đó, nếu có phút giây rảnh, Nga sẽ đến quán nước bà Thi, uống một tách trà nóng, ăn đậu phộng rang béo ngậy, hỏi thăm tin tức nhà này nhà kia. Hoặc Nga sang vườn nhà ông Thản xem ông chăm sóc chim và kể chuyện về chúng. Nga nghĩ mỗi người trong đời cũng nên chọn một điều gì đó để say mê. Như ông Thản vậy. Ông rành rẽ từng loại chim, có thể suốt ngày kể chuyện chim không chán. Từng loài sống ở đâu, dáng hình ra sao, giọng hót thế nào... Nga thì mãi vẫn chưa phân biệt được chim khuyên với chim sơn ca, chích chòe hay chào mào. Nhưng cứ đến vườn nhà ông, dưới bóng cây râm mát, nhìn những chú chim nhảy nhót, mắt láo liên nhìn người lạ lại thấy yêu đời, yêu người. Những lần không có ông thì Nga đến nhà Mai. Toàn những câu chuyện tán gẫu, phù phiếm nhưng có giá trị như gia vị. Sau những giờ phút ấy, thế nào tâm trí Nga cũng nhẹ tênh. Người như được tiếp thêm sức mạnh mới, hăng say làm việc mới.
Ở phố, không có hoa lá, chim chóc thì Nga đành ngó trời mây, ngắm nhìn dòng người ngược xuôi trên phố. Nhiều đêm chờ con đường im hẳn tiếng còi xe, người người chìm vào giấc ngủ, Nga lẳng lặng lên sân thượng, ngắm mảnh trăng muộn màng mang dáng con thuyền nhỏ trôi cô độc giữa trời. Nhiều lúc, Nga cứ buồn buồn thấy mình còn vương vấn với một lối sống cũ, thói quen cũ, vẫn muốn có giây phút hòa mình vào thiên nhiên. Nga nhiều lần to tiếng với thằng con khi thấy cứ lúc nào rảnh là nó vớ lấy smart phone, cắm cúi với các game. Đợi nó xong ván thì bụng Nga đã réo ùng ục, giấc ngủ đã kéo mí mắt díp chặt. Nhiều lúc, Nga cứ buồn buồn vì thời của Nga văn học, âm nhạc cổ điển là kho báu vô tận thì với thằng con là thứ xa xỉ chưa bao giờ để tâm tới. Nga mới nói vài câu: con hãy coi học tập là hàng đầu nó đã nhăn mặt, làu bàu: “Mẹ bắt đầu nói chuyện ngày xưa. Chán lắm rồi”.
Nhưng ở phố mãi cũng phải quen cách sống ở phố. Nga quen với việc không biết rõ hàng xóm là những ai, hoàn cảnh ra sao, làm việc gì. Người chuyển hàng có đến phố hỏi ông A bà B ở ngõ nào, sẹc mấy thì Nga cũng lắc đầu. Thì cứ theo địa chỉ đó mà tìm. Không được nữa thì có số điện thoại. Hôm trước cậu xe ôm hỏi nhà này có người tên Nga không, sao số nhà cứ sai sai thế nào. Nga nghe tên mình chạy ra, đúng lúc thấy người hàng xóm lắc đầu quầy quậy: “không biết”. Cậu xe ôm tròn mắt hết nhìn Nga lại nhìn ông hàng xóm như không tin hai nhà ở cạnh nhau mà chẳng biết gì về nhau. Ừ, ở phố mà. Không biết là thượng sách, đỡ bị mang tiếng nhiều chuyện, thóc mách.
Ảnh pixabay |
Gần hai tháng, dịch covid tràn lan, chồng làm việc online, Nga làm việc online, con cũng học online. Dù được xem cả thế giới hiện trên màn hình phẳng bất cứ lúc nào nhưng Nga vẫn thấy chán như ăn cơm nếp nát. Bây giờ, tất cả đều hạn chế ra đường. Nga đếm từng ngày mong tới lịch đi chợ. Vừa thoát khỏi không gian chật hẹp trong nhà, vừa bổ sung lương thực, thực phẩm sắp đến lúc cạn kiệt. Chồng thật sướng, chẳng bao giờ biết trong nhà gạo còn hay hết, tủ lạnh có những gì. Đôi lúc, chồng còn hỏi những câu thật vô tâm: “Cà phê hết rồi à?”. “Hôm nay có tôm không?”. Nhìn Nga cầm giỏ nhựa kèm bì nhựa, túi nilông, chồng bảo: “Bà muốn khuân cả siêu thị về chắc”. Giá mà khuân được thì cũng khuân. Lần trước vừa nghe tin hôm sau thành phố sẽ thực hiện giãn cách, các bà, các chị túa ra siêu thị, chợ lớn, chợ nhỏ, chợ đêm, hàng tạp hóa… có gì mua hết. Đồ ăn thức uống chuyển ra xe vèo vèo. Giá cả leo thang vèo vèo. Nga cũng chen chúc trong dòng người ấy, cũng nhanh tay vơ được một miếng thịt bèo nhèo mà ngày thường chẳng bao giờ đụng đến, một bó rau héo quắt ngâm nước cả buổi không tươi lại. Quá ngán ngẩm. Hôm nay phải mua bù lại cho những ngày đã qua, cho cả những ngày sắp tới.
Coopmark tự hào là siêu thị lớn nhất thành phố, tọa lạc tại trung tâm, có đủ các mặt hàng lương thực thực phẩm trong và ngoài nước. Nhiều lần vợ chồng Nga đến đây uống cà phê, để mặc con thỏa thích trong khu vui chơi. Nhiều lần Nga lượn đi lượn lại giữa các hàng quần áo, đồng hồ, trang sức, tha hồ ngắm nghía các sản phẩm đủ sắc màu, giá cả. Giờ đây tất cả đã đóng im ỉm, chỉ còn lại gian hàng lương thực thực phẩm – mặt hàng thiết yếu hàng ngày của con người. Trước cửa, một dòng người dài dặc, vòng vèo. Mấy người bảo vệ mặc áo xanh, tay cài băng đỏ, thỉnh thoảng huýt còi chói tai, thay lời nhắc nhở ai đó vừa đứng chệch khỏi hàng hoặc khoảng cách quá gần với người phía trước. Nga nhích từng bước một, cố gắng không buột ra tiếng thở dài ngao ngán. Rồi cũng đến lượt. Rồi cũng được tha hồ lượn đi lượn lại giữa các tủ kính sáng trưng bày những phần thịt tươi ngon, những gà, những vịt đã làm sạch lông, béo nhẫy, những con tôm như vừa mới vớt từ nước lên, những con cá còn nguyên vẩy lấp lánh. Nhưng bây giờ các ngăn tủ trống rỗng, hàng hóa lèo tèo. Nga lưỡng lự nhìn màu thịt tai tái, mấy đầu tôm sắp long ra, mấy con cá mắt mờ đục. “Chị có lấy miếng thịt này không?” một người khách từ phía sau hỏi. Nga chưa kịp trả lời thì ai đó từ phía sau nữa đi vượt lên đã quờ tay rẹt rẹt, vơ nào thịt, nào cá, nào tôm… vào giỏ của mình. “Thôi chị ơi, lấy đại đi. Có nhiều hàng đâu mà lựa chọn! Không nhanh hết bây giờ”. Đúng là phải nhanh tay, lẹ mắt, không thì đến xương xẩu, bạc nhạc cũng chẳng còn để mua! Nga nhìn giỏ xách đi chợ của nhiều người khác thực phẩm cũng chỉ được lưng lưng như mình. Lại đứng tiếp trong dòng người dài dặc, vòng vèo trước máy tính tiền, nhích từng bước một. Giữ khoảng cách 2 mét 1 người. Khẩu trang bịt kín mặt. Cô bán hàng cắm cúi nhìn hóa đơn, tay chậm chạp nhận tiền, thối tiền, mệt mỏi. Nga thương quá, thầm hỏi không biết cô trụ được bao lâu nữa. Nga nhớ khu chợ truyền thống, nhớ những lúc ghé qua vội vội vàng vàng, nhớ những buổi dư dả thời gian, đủng đỉnh dạo chợ như thú vui, lần nào cũng được các tiểu thương chào hỏi ân cần, chu đáo. Lựa chọn, hỏi giá, trả tiền, thối tiền… việc gì cũng rẹt rẹt. Mới có mấy tuần dịch covid bùng phát, cuộc sống đã như gió đổi chiều.
Chồng hỏi hôm nay ăn rau gì? Làm gì có rau gì! Đang dịch covid chứ có phải ngày thường đâu, muốn gì được nấy. Nga vừa nhăn mặt lại thấy thương chồng. Phụ nữ là thế. Yêu thì lo lắng, chăm sóc từng điều nhỏ nhặt. Nga sao cũng được, ăn qua quýt là xong. Nhưng chồng không có rau thì bụng nóng, cổ khô, nuốt không trôi. Nga lên mạng hỏi bạn nhà còn rau không? Mua ở đâu? Cô bạn chia sẻ ngay địa chỉ của người thông báo ai cần rau, em gửi cho. Nga vội vã tìm. Trong nháy mắt, địa chỉ người cho rau hiện ra, cách nhà Nga hơn chục căn. Nga thấm thía có vô vàn việc ở ngay bên cạnh, nếu không quan tâm thì cũng như gió thoảng, mây bay. Đến nơi, Nga ngỡ ngàng nhìn dáng người thanh mảnh, đầu đội nón lá. Chỉ có đôi mắt đen láy lộ sau khẩu trang. Đây chính là cô gái sáng nào cũng chở đống rau ngất ngưởng sau xe đạp. Nếu không có đại dịch, Nga chẳng bao giờ biết người bán rau này ở chung tổ, chung ngõ. Cô gái ngó Nga, gật đầu chào. Chỉ nhìn ánh mắt cười, Nga đoán cái miệng cũng đang cười. Cô gái xởi lởi: Nhà chị ở đầu ngõ đúng không. Lúc em đi bán thường thấy chị tập thể dục trên ban công. Miệng cô nói, mắt cô lướt, tay thoăn thoắt đưa rau cho những người đứng xung quanh đang chờ lấy. Cô gái đưa cho Nga bó rau muống to tướng. Hết rau, chị cứ đến lấy nhé. Nhờ chị xem có ai rảnh đến phụ hái với em. Đang dịch, nhiều nơi thiếu rau lắm. Chúng em hái không kịp. Nga nghĩ thầm, mình cố gắng đi ít nhất một hôm. Lao động chân tay có mỏi thì tối cũng ngủ say, nhẹ đầu hơn là suốt ngày ôm máy tính. Cuộc sống đôi khi vì cộng đồng mới thấy sống ý nghĩa.
Nga giật mình vì tiếng rú của xe cứu thương. Nghe bao nhiêu lần cũng không quen nổi âm thanh chát chúa này. Chiếc xe dừng lại trước căn nhà cách Nga không xa. Mấy người mặc đồ bảo hộ kín mít ào xuống. Người trong nhà vội vã ào ra, mang theo túi to, túi nhỏ nặng trĩu. Người bước liêu xiêu, người dắt díu nhau, có người nằm trên cáng. Sao khổ vậy. Cả nhà bệnh luôn một lúc! Chồng Nga níu tay thì thầm: tránh xa, tránh xa, F0 đấy. Mặt chồng tái mét, cánh mũi phập phồng, môi giật giật. Mấy nhà bên cạnh vội vàng đóng sập cửa. Vài người tò mò chỉ dám ghé mắt nhìn qua khe cửa. Ừ thì F0! Sao phải kinh hãi, xa lánh đến vậy? Nga hình dung lỡ một ngày mình trở thành F0, nếu phải chịu đựng sự kỳ thị của đồng loại chắc mình tủi thân chết mất! Tự nhiên lòng Nga dâng trào bao nỗi thương cảm với người hàng xóm.
Chiếc xe cứu thương rú còi vội vã lao đi. Một loáng sau căn nhà đã được giăng rào dây, dán biển đỏ, cảnh báo gia đình nhiễm covid. Một loáng sau, công an, dân phòng đến lập chốt ngay đầu ngõ. Vẫn biết chuyện này có thể xảy ra bất cứ lúc nào mà khi nó xảy ra ngay cạnh mình, Nga vẫn thấy bàng hoàng, tâm trạng phấp phỏng, lo âu. Từ nay sẽ thực hiện nhà phong tỏa, ngõ phong tỏa trong thành phố giãn cách.Tiếng loa oang oang hướng dẫn việc cách ly. Các gia đình từ nay không được ra ngoài ngõ, sẽ có người đi chợ hộ hoặc lên đường link đăng ký mua hàng. Nhịp sống như dòng sông trôi chảy tự dưng đứng khựng lại. Thay vì tiếng còi xe ồn ào, tiếng người lao xao, xung quanh Nga chỉ còn sự vắng lặng. Mọi âm thanh im ắng như ngày Nga bị lạc rừng. Lúc ấy chỉ có tiếng hú của chính Nga đập vào vách núi và vọng lại từ thẳm sâu. Lần đầu tiên Nga biết sợ sự cô độc. Thẳm thắm giữa cây lá, sông suối chỉ có một mình. Sống chết không ai hay. Gặp sự cố không ai biết. Một mình đối phó với mọi tình huống hiểm nguy, trắc trở. Hèn gì người dân tộc thiểu số bao nhiêu năm sống giữa phố phường đông đúc vẫn giữ thói quen đi đâu, làm gì, ít nhất phải có hai người.
Nhà phong tỏa, ngõ phong tỏa trong thành phố giãn cách đã đưa nếp sống của con ngõ vào khuôn phép nhất định. Thi thoảng, nghe điện thoại reo Nga biết người ở chốt gọi ra đầu ngõ nhận hàng cứu trợ. Khi thì mấy cân gạo, chai nước mắm. Khi thì một chai dầu ăn, nửa ký đường… Có mấy quả mướp trên sân thượng, Nga cắt cho vào mấy bì bóng, tranh thủ lúc đi qua mấy căn nhà đóng cửa im ỉm treo lên đó. Chắc chắn cũng có ích cho các bà nội trợ. Thi thoảng nhà Nga cũng có tiếng gõ cửa cạch cạch cạch. Ai đó? Nga vừa ló đầu ra, người đã mất hút, chỉ thấy trên cửa tòng teng mấy gói mì tôm, một ít bột ngọt. Khi thì một bì tương, một ít bánh phở, đủ cho mấy bữa sáng. Nga bỗng có cảm giác mình không bị bỏ rơi, không bị cô độc. Mình vẫn đang sống trong con ngõ ấm áp nghĩa tình hàng xóm. Những con người xa lạ, bao năm chẳng ngó ngàng đến nhau, có lẽ không phải vì vô tâm mà do cuộc mưu sinh vất vả, nhịp sống bận bịu nên chẳng có thời gian dành cho nhau. Ai đó đã lập trang: “Tôi yêu ngõ Tây Sơn” lên mạng. Trên đó, ai cũng có thể thông tin mình đang cần gì, có thể hỗ trợ người khác những gì. Nhờ thế Nga mới biết trong ngõ có nhiều gia đình có hoàn cảnh thật khó khăn: chồng tật nguyền đi bán vé số nuôi vợ bị bệnh tim bẩm sinh. Một cụ bà có đứa con bị tai nạn chết sớm, con dâu bỏ đi không tin tức, phải bán hàng rong nuôi đứa cháu bị bệnh đao. Một gia đình chồng làm công nhân bốc vác, vợ làm thợ may nuôi bố mẹ già và 2 con nhỏ… Bị giãn cách, bị phong tỏa, họ mất việc làm, mất luôn các khoản thu nhập. Nhà họ chuẩn bị hết gạo, hết nước mắm, hết bỉm, hết sữa… Nga bảo chồng: nhìn xuống mới biết gia đình mình còn sướng. Cứ chê làm công chức nghèo, tiền lương không đủ ăn. Có thiên tai, dịch bệnh mới biết hết giá trị của người có chỗ đứng trong cơ quan nhà nước. Dù sao cũng ổn định. Ổn định là hàng đầu. Có thể không giàu thôi chứ không bao giờ lo đói. Làm ăn tự do thất nghiệp, hết tiền biết làm sao đây! Thất nghiệp, hết tiền thì già cũng như trẻ, phụ nữ cũng như đàn ông… tất cả đều thiếu thốn, lo lắng giống nhau. Đâu phải ai cũng đi ăn xin được? Nếu không phải người già, tàn tật, dễ gì có ai chịu bỏ ra mấy đồng tiền lẻ! Phải đi ăn xin là phải chịu cực, chịu nhục rồi. Vậy nên gặp ai ăn xin, chẳng biết thật hay giả, chẳng cần bất cứ lý do gì, Nga cũng cho. Nhiều lần bạn bè ngăn, trách Nga không chừng đang tiếp tay cho những hành vi lừa đảo, lười biếng, Nga chỉ cười cười.
Lệnh giãn cách được nới lỏng.
Nhà hàng xóm hết thời hạn cách ly, trở về, dán lên cửa bản cáo phó. Nga bần thần bảo chồng sang thắp cho những người đã khuất nén nhang. Chẳng gì cũng là hàng xóm. Chồng Nga nhăn nhăn. Thời buổi này giảm thiểu đám ma, đám cưới, đông người lỡ đụng vào F0, F1, khổ cả nhà. Dù sao tình hình không còn căng như những ngày trước. Nga chẳng sợ. Nghĩa tử là nghĩa tận. Nga nhớ ngày đứa con đột ngột ra đi vì tai nạn, Nga nằm xỉu trên giường. Khói nhang mờ ảo. Đám đông mờ ảo. Người bóp miệng đổ nước sâm. Người xoa tay vuốt lưng. Người an ủi dỗ dành. Nếu không có bao tấm lòng xẻ chia ấy, có lẽ Nga sẽ chìm mãi trong cõi u uất, sầu đau.
Người hàng xóm đón Nga bằng vẻ mặt rầu rĩ, lặng lẽ rót ly nước lạnh, chỉ 5 chiếc bình sứ đựng tro cốt: Bố tôi, mẹ tôi, chồng tôi, con gái tôi, con trai tôi. Gia đình có 6, nhiễm dịch, mất 5 còn 1. Tôi không được ở bên người nào trong phút lâm chung. Tôi muốn chết theo cho rồi. Người hàng xóm nức lên, đổ gục xuống bàn, vai rung từng đợt. Lòng Nga nặng trĩu, biết mọi lời an ủi cũng thừa. Xung quanh Nga vắng lặng, bàn thờ trống huênh, không hoa tươi, không trái cây. Nga bỗng nhớ chiếc quan tài của con phủ sa tanh trắng muốt, xung quanh kết hoa huệ trắng muốt, mùi hương trầm ngào ngạt. Hết tốp người này đến tốp người kia đến chia buồn. Nga không đủ sức đứng lên, gật đầu thay lời chào, mấp máy môi, bắt tay thay lời cảm ơn. Nước trà mời khách chưa kịp nguội lại thay nước mới, mời người mới. Các thầy tu đọc kinh. Những giai điệu buồn buồn chen lẫn tiếng mõ lốc cốc. Trước mắt Nga bỗng hiện rõ mồn một hình ảnh ông thợ liệm gầy gò, khắc khổ. Ông lầm lũi quấn tấm vải trắng quanh người con bé. Từng vòng, từng vòng khít chặt. Nhớ tới đó thôi, tim Nga đã buốt nhói, nước mắt trào ra. Mười năm rồi, Nga vẫn chưa khi nào cầm tập album, xem lại bộ phim cũng như kể lại, hình dung lại tường tận đám tang của con dù Nga nhớ tất cả, nhớ từng chi tiết. Nga thấm thía chỉ chết là sướng, là không còn cảm giác. Còn sống nghĩa là còn chịu đựng khổ đau. Nước mắt Nga chợt chảy dài. Nga khóc cho đứa con chết trẻ. Khóc cho nỗi đau của mình. Khóc cho cảnh tang thương của người hàng xóm. Khóc cho những số phận không may trong mùa dịch.
*
Số người nhiễm bệnh lại tăng lên từng ngày. Con ngõ bình yên bỗng rậm rịch tiếng ồn ào, tiếng động cơ. Mới đầu chỉ hai, ba chiếc ô tô trườn qua, mấy chiếc xe máy trườn qua. Tại chốt CHỐT KIỂM SOÁT đầu ngõ, dòng người, dòng xe mỗi lúc ùn đến dày đặc rồi như dòng lũ tắc nghẽn, không thể nhích lên trước, không thể lùi lại sau. Nga kinh ngạc thấy chỉ trong ít phút, con ngõ đã ngập tràn hàng trăm chiếc xe máy, xe đạp. Chỉ trong ít phút con ngõ đầy ắp tiếng động cơ không chạy nghe thật sốt ruột. Người đàn ông bên cạnh nhà bất thình lình hiện ra trước mặt, đưa cho Nga chiếc chìa khóa: “Thi thoảng nhờ cô sang nhà tưới cho mấy cây cảnh. Tôi về quê đây”.Thì ra mọi người đang đua nhau về quê. Dù sao ở quê không khí trong lành, nhà cửa thông thoáng, người không chen chúc, dễ kiểm soát dịch bệnh hơn. Chỉ khổ ở quê khó kiếm việc. Nếu không, vợ chồng Nga đã về đó sinh sống từ lâu. “Chị ơi, chị ở lại nhớ giữ gìn sức khỏe cẩn thận nhé”. Giọng nói quen thuộc của cô gái cho rau ngay bên cạnh. Nga không nhận ngay ra cô vì những túi to, túi nhỏ chất đằng trước, đằng sau, xung quanh chiếc xe máy cũ kỹ. Nga chỉ có thể nhìn thấy đầu thằng bé nhô lên trên đống đồ ấy. Chồng cô ngồi giữa. Cô ngồi sau ôm thêm đứa con nhỏ nữa. Cả hai ẩn mình trong bộ quần áo vải thô dày. “Ôi, sao phải chở cháu bằng xe máy dưới trời nắng nóng thế này?”. Cô gái nghèn nghẹn: “Xót con lắm. Nhưng làm sao được? Nghe đồn thời gian tới thành phố có thể thực hiện tiếp chỉ thị 16. Ở lại lấy gì ăn. Về quê may còn trụ được chị ạ. Mà ngõ mình bao nhiêu người cũng phải về quê như em”. Bây giờ Nga mới để ý thấy trong dòng người đông đúc có bao gương mặt quen quen. Kia là bà mua nhôm nhựa, thỉnh thoảng đi qua nhà Nga vẫn hỏi vống lên: “Có gì bán không em?”. Kia là cô thợ may Nga biết được nhờ một lần cô chở theo bảo tải quần áo lắp ráp, chẳng may xe thủng bánh ngay trước nhà Nga. Anh thợ hồ quần áo lấm lem đã biến chiếc xe máy trơ khấc bộ khung thành con ngựa thồ, thồ xoong nồi, chén đĩa, chăn màn, quần áo… Tất cả giống nhau ở sự vội vàng, lo lắng, ở gia tài ít ỏi cố nhồi nhét trong thùng to, thùng nhỏ, túi lớn, túi bé. Nga giật mình thấy hai thanh niên làm gò hàn ở cạnh nhà cũng chở nhau trên chiếc xe đạp. “Mấy cháu cũng về quê sao?”. “Về thôi cô. Bọn cháu chỉ còn hai trăm ngàn, đủ ăn 3 ngày nữa thôi”. “Mấy cháu quê ở đâu?”. “Gia Lai”. Nga không tin nhưng nhìn túi xách gọn thon lỏn, hai chiếc khăn mặt buộc ở hai quai xách, Nga biết 2 thanh niên đã đặt quyết tâm cao. “Chiếc xe này thì làm sao đi được mấy trăm cây số?”. “Hên xui. Đến đâu tính tiếp đến đấy cô ạ. Có đi thì còn hy vọng có đến. Còn hơn ở đây. Dừng lại là chết”. Mắt Nga cay xè. Nhìn dòng người dòng xe vẫn không ngừng ùn đến, tiếng ồn ào ngày càng lớn dần, Nga thấy hiển hiện biết bao miền quê đói nghèo, xa vắng, biết bao con người lam lũ vì miếng cơm manh áo phải bôn ba nơi đây. Khi có biến, họ lại quay về nơi chôn nhau cắt rốn, đấy vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất. “Chờ cô nhé!”. Nga chạy vụt vào nhà. Trong tủ có xấp tiền vợ chồng Nga dành dụm, giờ chưa phải lúc cầp thiết để nâng cấp căn nhà. Hai cậu thanh niên đi rồi. Cô thợ may cũng đi. Bà mua nhôm nhựa không có. Vợ chồng cô gái cho rau cũng mất hút… Chốt kiểm soát đã thông. Dòng người, dòng xe như dòng sông chảy túa ra về các cửa ngõ thành phố, mang theo bao cuộc đời lam lũ của vợ chồng cô bán rau, anh thợ hồ, cô thợ may, bà mua nhôm nhựa, những thanh niên làm thuê, những người ở trọ… Họ từ ngõ này đi ra. Họ là hàng xóm của Nga. Nga rút từng tờ đỏ chia đều, chia đều… Có thể chỉ đỡ một bữa đói, một cơn khát, một chút khó khăn trên đường nhưng lòng Nga thật thanh thản, ấm áp.
Sau dịch covid, nhiều người hàng xóm đã biết nhau.
Pleiku tháng 8. 2021
Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022