Hình ảnh người lính đi ra từ chiến tranh, cuộc sống của họ khi “giã từ vũ khí” tái hòa nhập với đời thường là một đề tài lớn của văn học Việt Nam sau Đổi mới 1986.
Thơ ca nói chung và thơ lục bát nói riêng cũng không ngoại lệ. Một trong những đề tài chủ đạo của thơ lục bát hiện đại là khắc họa cuộc sống của người lính bước ra từ khói lửa chiến tranh, hòa nhập với cuộc sống đời thường. Ở mảng đề tài này, các nhà thơ đi sâu vào mấy phương diện chính dưới đây.
1. Những vất vả, lam lũ trong cuộc sống thường nhật
Chiến tranh kết thúc, may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống, những người lính trở về với gia đình, quê hương. Sau niềm vui, sau niềm hạnh phúc mừng mừng tủi tủi của ngày hội ngộ, người lính ngay lập tức phải đối diện với bộn bề những khó khăn. Khó khăn trước nhất là trong sinh hoạt ngày thường. Mặc dù may mắn sống sót nhưng nhiều người lính đã để lại một phần thân thể ở chiến trường. Trở về, họ trở thành những thương binh. Không ít người đã mất đi bàn tay, bàn chân, dẫn đến khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công cuộc mưu sinh. Người cha trong thơ Bùi Công Tường là người lính đã mất đi bàn tay sau một trận đánh. Bàn tay năm xưa đã từng vuốt tóc người yêu, đã từng lập nên bao chiến công lẫy lừng - bao nhiêu sự tích bao nhiêu chiến trường giờ đây thành tàn phế, vô dụng: Một bên tay áo đung đưa/ Quệt vào mắt của gió mưa ngày thường/ Túi trông tay áo thì thương/ Nâng niu ấp ủ khói vương bụi dàng (Túi áo thầy tôi). Mất đi bàn tay, người chồng, người lính trong thơ Hồ Anh Tuấn đã không thể phụ giúp vợ những việc nhà đơn giản nhất như giặt quần áo: Áo đạn xé, người đâu lành/ Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng/ Bến sông bóng chị rưng rưng/ Sông bao nước mắt dửng dưng được nào (Ra sông giặt áo cho chồng). Mất bàn chân, ngày ngày phải dựa vào đôi nạng gỗ để di chuyển, người thương binh trong thơ Trương Hữu Thiêm biết rằng cuộc sống của mình sau này sẽ gặp nhiều khó khăn: Một mình bốn bức phòng không/ Quanh đôi nạng gỗ gió giông ngập thềm (Sau lúc lỡ tàu). Ngoài nỗi vất vả, khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, người lính trở về còn phải đối diện với bao nỗi âu lo. Nhiều người có gia đình rất hoàn cảnh: vợ vất vả sớm hôm, con thơ dại nheo nhóc. Lời ru con của người cựu chiến binh trong thơ Vũ Bình Lục chứa đầy nghẹn ngào về gia cảnh khốn khó: Xế chiều cha lại ru con/ Ầu ơ với nấm cỏ non xanh rì/ Chiến trường năm ấy cha đi/ Đời trai đâu có tiếc gì tuổi xanh/ Mơ sao trời đất yên lành/ Về quê, dặm lại mái tranh quê nghèo/…/ Mà bao gió dập mưa vùi/ Măng non vội héo, mướp chồi chẳng xanh/ Ôm niềm hi vọng mong manh/ Mẹ như tấm liếp che quanh mái nghèo/ Ngăn gió giật, đỡ mưa xiêu/ Ngôi nhà trôi giữa chín chiều bão giông (Ru con thời tóc bạc). Gia cảnh nghèo khó nên người lính trở về luôn thường trực nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. “Giã từ vũ khí” trở về làm người nông dân, người lính trong thơ Xuân Đam ngay lập tức nhận thấy sức mạnh của đồng tiền còn ghê gớm hơn sức mạnh của đạn bom: Người về sau cuộc chiến tranh/ Huân chương bỏ túi lại thành nông dân/ Bạn bè, đồng ngũ thưa dần/ Cắm cây mạ giữa đất cằn làm tin/ Nguôi ngoai sức ép bom mìn/ Giờ thêm sức ép đồng tiền càng đau (Người về).
Và để tồn tại trên “mặt trận không tiếng súng” nhưng không kém phần khốc liệt, họ làm đủ mọi việc để mưu sinh. Người cựu binh trong thơ Phạm Công Liên lại miệt mài với bầy vịt làm kế sinh nhai: Hành quân đánh trận tập tành/ Ra quân về với ruộng thành cựu binh/ Không còn bom đạn chiến tranh/ Sĩ quan nghỉ việc thành anh sĩ điều/ Bãi đê dựng một cái lều/ Lính vài trăm vịt đều đều ra quân (Tôi mê vạn quả trứng tròn). Dù được viết bằng giọng điệu hài hước, tếu táo nhưng chúng ta vẫn cảm nhận được nỗi vất vả, nhọc nhằn của người lính khi bước vào cuộc chiến đấu mới. Chăm vịt chẳng khác gì chăm con mọn, người lính năm xưa giờ phải “trông trời, trông đất, trông mây”, phải thức khuya dậy sớm, xa vợ con ra đê một mình dựng lều bãi để gây nguồn thu nhập chính của gia đình: Xưa ngủ võng, nay ngủ lều/ Canh khuya nhớ vợ, chiều chiều thương con (Tôi mê vạn quả trứng tròn). Không ở nơi “đồng chiều cuống rạ” mà ở chốn thị thành hoa lệ, nhưng những người lính cũng phải bôn ba, làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Người làm xe ôm, mượn những cung đường, đếm từng cây số, chấp nhận đem sinh mạng ra đánh cược với số mệnh trong cuộc chiến chống cái đói, cái nghèo: Không quen buôn bán thị trường/ Thôi thì mượn mấy cung đường kiếm ăn/ Tháng ngày in những vòng lăn/ Quay bao nhiêu ngả, nhọc nhằn vẫn đeo/ Chai tay chiến với đói nghèo/ Ngoảnh sau mấy đoạn vòng vèo mà kinh (Chuyện bạn xe ôm - Phạm Văn Nam). Người làm đủ mọi nghề từ đi buôn cho đến chạy chân cửu vạn nơi chợ Bến Thành hòng mưu sinh: Thợ cày lại chán con buôn/ Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang).
Rõ ràng, “cơm áo không đùa với khách thơ” và cơm áo cũng không đùa với những người lính trở về từ chiến trường.
2. Hồi ức chiến trường
Đây là một trong những mảng đề tài trọng tâm của các nhà lục bát khi viết về người lính trở về từ chiến trường. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhiều năm nhưng kí ức về những ngày tháng sống, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vẫn vẹn nguyên trong trái tim người lính. Càng sống trong độc lập, hòa bình của ngày hôm nay, người lính càng nhớ về quá khứ của một thời hoa lửa. Và khi mái tóc đã điểm sương, nỗi nhớ đó càng mãnh liệt, da diết. Những hồi ức chiến trường của người lính lan tỏa ở hai chiều không gian. Ở không gian thành thị, người lính không nguôi nhớ về rừng núi, về quá khứ cầm súng ra trận: Tháng ngày ấy có đâu xa/ Tôi là người lính rừng sâu trở về/ Đêm trong thành phố nằm nghe/ Giật mình buông tiếng tắc kè lại thương (Kỉ niệm chiến trường - Nguyễn Hưng Hải). Chính nỗi nhớ rừng, nhớ đồng đội thôi thúc, giục giã người lính tìm về chiến trường xưa, nơi lưu dấu một thời hoa lửa của mình. Đây chính là không gian thứ hai để hồi ức chiến trường sống lại trong những người lính. Người chiến sĩ trong thơ Trần Trí Thông quay lại mảnh đất Lộc Ninh anh hùng: Anh về thăm chiến trường xưa/ Hố bom, vết pháo nắng mưa xóa rồi (Về chiến trường xưa). Kiều Anh Hương lặn lội tìm về Tà Lương giáp con sông Bồ để sống lại với quãng ngày không thể nào quên: Tôi về tìm lại Tà Lương/ Núi rừng xưa, bãi chiến trường là đây (Thì thầm cỏ lau).
Ở cả hai không gian thành thị và chiến trường ngày trước, hồi ức người lính đều quy chiếu về chiến trường xưa. Mặc dầu mỗi người lính có tâm tư, kỉ niệm khác nhau nhưng tựu trung lại có thể phân thành ba nhóm lớn.
Nỗi nhớ đầu tiên là nỗi nhớ về những năm tháng hành quân. Trên đường hành quân, những người lính phải vượt qua những khó khăn, khắc nghiệt về địa hình, thời tiết, vượt qua ốm đau, bệnh tật. Với người lính trong thơ Lệ Bình, trên chặng đường hành quân chiến đấu, họ phải trải qua những ngày tháng: Hành quân dép trượt dốc trơn/ Nắm cơm vắt lấm bùn vương đói lòng/ Lần cây mắc võng căng tăng/ Nửa khô che súng, nửa nằm ướt tăng/ Giật mình tay chạm vắt rừng/ Hút căng bụng máu chưa từng biết no/ Bao giờ thương hết co ro/ Từng cơn sốt giật rét gò thấu xương (Thức với mưa rừng).
Tuy nhiên bên cạnh những nhọc nhằn, gian lao, người lính cũng có những giây phút êm đềm trong cuộc hành quân. Đó là những giây phút thư thái, nghỉ ngơi bên võng tăng trong thơ Trần Hoàng Vy, hay khoảnh khắc đón Tết thiêng liêng, ấm cúng trong thơ Trần Công Sản: Cái ngày Tết ở Trường Sơn/ Hành quân ngang dốc mây vờn dưới chân/ Tiếng gà rừng gáy xa gần/ Bông hoa rừng nở trắng ngần lối đi (Tết ở Trường Sơn).
Kí ức thứ hai in đậm trong tâm trí người lính đó là kí ức về những trận đánh, những chiến dịch lớn của quân ta. Những trận đánh, những chiến dịch ấy luôn là bản hùng ca bất tử về sự quả cảm và tinh thần chiến đấu anh dũng của người lính. Với nhà thơ Lê Đình Cánh, chiến trường Mậu Thân 1968 là một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đời người chiến sĩ: Mậu Thân. Tết cận. Xuân kề/ Giao thừa súng nổ. Bốn bề lửa reo/ Lá rừng mang lửa về theo/ Vườn mai nhuộm mũ tai bèo vàng tươi (Tết Mậu Thân). Qua những vần lục bát, trận Lộc Ninh hiện lên như một thước phim quay chậm đầy bi hùng trong tâm trí nhà thơ Trần Trí Thông: Đơn vị còn nửa đội hình/ Vẫn ngoan cường giữ Lộc Ninh suốt tuần (Về chiến trường xưa). Những trận đánh ở sông Lòng Tàu, trong chiến khu rừng Sác gắn liền với kí ức về một thời trai trẻ của Phạm Trọng Thanh: Chiến tranh lắng sóng Lòng Tàu/ Chiến binh rừng Sác bạc đầu rừng thiêng (Người cất nước bên tượng đài rừng Sác).
Kí ức thứ ba, cũng là kí ức ngọt ngào và sâu đậm nhất của người lính trở về là kí ức về tình yêu, về những phút giây gặp gỡ những người con gái - những người đồng chí, đồng đội trong chiến đấu. Giữa chiến trường, giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, những khoảnh khắc gặp gỡ, trò chuyện, trao nhau chút tình cảm ban đầu trong sáng và đầy lưu luyến với người nữ đồng đội luôn để lại những ấn tượng sâu sắc tốt đẹp trong trái tim người lính. Hình ảnh cô gái giao liên có “tiếng cười như thể tần ngần mà duyên” đã khiến người lính trong thơ Nguyễn Đình Xuân “tan chảy”, thấy thời gian như ngừng trôi, còn bản thân mình như vầng trăng lạc lối trong cõi mộng. Cũng là cô gái giao liên “Đêm em mặc áo trắng tinh/ Dẫn đường xe vượt rập rình cầu phao” gây thương nhớ cho người lính lái xe trong thơ Triệu Nguyễn. Lời chào ngọt ngào dễ thương của người con gái Quảng Bình khiến người lính nhớ nhung, thương nhớ cả một đời: Trường Sơn còn lắm dốc đèo/ Và bao thác trắng sương chiều đó em/ Nhưng từ gặp gỡ đầu tiên/ Em thành ngọn lửa thắp lên dẫn đường (Hoa chuối rừng - Quang Huy).
3. Tình đồng chí, đồng đội cao đẹp
Một trong những nét đẹp của người lính Cụ Hồ là tình đồng chí, đồng đội sâu sắc. Đó là thứ tình cảm bền lâu, chí tình được xây dựng trong những năm tháng cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau vào sinh ra tử của những người lính. Tình đồng chí, đồng đội của những người lính trở về từ chiến trường có những sắc thái riêng, được biểu hiện qua nhiều cấp độ, trạng thái cảm xúc, hành động khác nhau. Tình đồng chí, đồng đội là niềm vui khi gặp mặt sau bao nhiêu năm xa cách, cùng nhau hàn huyên tâm sự đủ mọi chuyện trên trời dưới đất: Cứ như thực cứ như mơ/ Trường Sơn ngày ấy hay vừa mới đây/ Khoái Châu thăm bạn chiều nay/ Ba mươi năm lại có ngày này chăng/ Nhìn nhau nước mắt chảy tràn/ Hai bàn tay cụt ôm choàng bàn tay/ Lại cười như trẻ thơ ngây/ Lại reo như thuở cái ngày ngủ chung (Về Khoái Châu thăm bạn - Trần Công Sản); là sự đồng cảm với những khó khăn, vất vả của bạn sau khi giải ngũ về với cuộc sống thường nhật: Bạn ngồi bạn uống rượu khan/ Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang). Tình đồng chí, đồng đội còn là nỗi thổn thức, thương xót những người bạn đã không may mắn như mình, phải nằm lại nơi chiến trường. Được trở về nhà với gia đình, người thân, người lính trong thơ Đinh Nam Khương càng thương xót những đồng đội đã hi sinh: Gió làng bụi đỏ bờ đê/ Nhớ bao đồng đội không về cùng tôi/ Bồi hồi tiếng gọi người ơi/ Cồn cào gió cuốn trong tôi mấy vòng (Gió làng). Mảnh đất Phú Lộc, chiến trường ác liệt ngày trước, cũng là nơi nhiều đồng đội của người lính trong thơ Nguyễn Thanh Chiếu hi sinh. Về chiến trường xưa, anh lặng người khi nghĩ đến họ: Tôi về Phú Lộc tìm nhau/ Khói hương lẫn với mái đầu khói sương/ Tay run trước lẽ vô thường/ Nắm xương đồng đội cuối đường nặng vai (Tôi về Phú Lộc).
Nỗi niềm thương xót, thổn thức đó đã được những người lính biến thành hành động. Họ lên đường, tìm mộ những đồng đội đã ngã xuống. Hành trình đi tìm đồng đội cũng chính là hành trình đi tìm sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn người lính. Họ không thể yên lòng khi những đồng đội của mình chưa về với quê hương, đất mẹ. Họ tìm mộ bằng tấm chân tình của người lính với đồng chí, đồng đội của mình: Bạn là bóng núi mênh mông/ Bóng mây, bóng gió nhiêu phong giăng đầy/ Bạn nằm trong giấc ngủ say/ Máu xương tan xuống đất này hư linh/ Cho ta tìm bạn bằng tình/ Thứ tình đồng đội vô hình mà thiêng (Tìm bạn giữa rừng - Nguyễn Thánh Ngã). Một điểm đáng chú ý là trong những bài thơ viết về hành trình tìm mộ liệt sĩ, các tác giả rất chú trọng đến yếu tố tâm linh. Hình ảnh nén nhang, những lời cầu khấn xuất hiện với mật độ dày đặc trong các bài lục bát viết về đề tài này. Trước núi rừng mênh mông, những người lính thắp hương cầu khấn linh hồn liệt sĩ phù hộ, chỉ cho mình nơi chôn cất:
- Tấm chiều ráng nhuốm màu son
Thấy trong nhang khói vuông tròn trắng bay
(Những tấm tăng - Trần Hoàng Vy)
- Chập chờn bờ sỏi dốc mây
Khói hương lọt kẽ bàn tay ngập ngừng
(Tìm em ở Trường Sơn - Bình Nguyên)
- Hầm hào che giấu tuổi tên
Nén nhang cong chứng nhân xin bạn bè
(Tìm nhau - Phan Thành Minh)
Và khi tâm nguyện hoàn thành, người lính đi tìm mộ đồng đội cảm thấy mừng vui khôn xiết. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Linh hồn của các chiến sĩ hóa thành bất tử, hòa cùng với đất nước, trở về với mẹ, với quê hương. Việc đưa di cốt liệt sĩ về với quê hương, người thân mang ý nghĩa nhân văn, tâm linh sâu sắc, giúp cho người sống được an ủi, nhẹ lòng. Trong Đón cha về, Đinh Ngọc Lâm miêu tả niềm vui của gia đình liệt sĩ khi nhận được hài cốt của người thân: Hôm nay sum họp tương phùng/ Đón cha từ phía muôn trùng về đây/ Mẹ vui tìm lại tháng ngày/ Con vui ấm một vòng tay hiền từ.
Một trong những biểu hiện cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội là nghĩa cử chăm sóc gia đình của người đã mất. Phạm Văn Thúy có bài lục bát xúc động, thấm đẫm nước mắt và tình người về buổi gặp gỡ giữa người chiến sĩ tên Hùng với mẹ của đồng đội đã khuất: Nếu Hùng sống tới hòa bình/ Hãy về nuôi mẹ giúp mình Hùng ơi/ Đạn bom yên mấy mùa rồi/ Tôi về nhận mẹ mẹ ngồi rưng rưng (Tôi về nhận mẹ). Tình cảm chân thành giữa người con nuôi và người mẹ liệt sĩ đã an ủi vong linh người lính, trở thành biểu tượng của tình đồng chí, đồng đội cao đẹp: Ôm tôi mẹ tủi mẹ mừng/ Niềm vui bỗng nghẹn giữa chừng nhòe cay/ Con là con mẹ từ đây/ Sông qua mùa cạn lại đầy dòng xanh/ Thầm thì hương khói cùng anh/ Chợt nghe ấm ngọn gió lành thơm vương (Tôi về nhận mẹ).
Ba đặc trưng cơ bản kể trên trong thơ lục bát viết về người lính đã vẽ nên một bức tranh chân thực, sâu sắc về người lính trở về. Mặc dù chịu nhiều khó khăn, gian khổ, thiệt thòi nhưng ở họ vẫn ngời lên những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng bình dị, là niềm tin, niềm tự hào của quân đội và nhân dân.
Tâm Anh
Nguồn VNQĐ