Tôi đến với hội họa một cách tình cờ. Đó là khi vừa mua một căn chung cư nhỏ cho con trai, tôi muốn treo một vài bức tranh cho căn phòng ấm cúng và Hằng - một người bạn đưa tôi đến gặp họa sĩ Trịnh Tú để tìm tranh.
Chúng tôi đến số nhà 108 phố Quán Thánh, một ngôi nhà giống như nhiều ngôi nhà mặt phố Hà Nội, mặt tiền được cho thuê và chỉ để một ngõ nhỏ có cổng khoá dẫn vào phía sau. Từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe tiếng nhạc Beethoven trầm hùng, da diết. Một lúc sau khi Hằng nhắn tin thì tôi nghe tiếng người từ trong bóng tối vọng ra: Húng à! (“Húng” là nickname của Hằng). Anh ra mở cửa đây!
Tôi thấy một người đàn ông tầm bảy mươi tuổi, dáng hơi gầy, mặc bộ đồ trắng lịch sự nhưng khá thoải mái, đôi mắt hơi trố nhưng không hề bặm trợn mà ấm áp, tình cảm ra đón chúng tôi. Đó là họa sĩ Trịnh Tú.
|
Anh Tú dẫn chúng tôi vào trong con ngõ. Ngõ hẹp và tối đến mức tôi va vào một, hai cái xe đạp, xe máy đi ngược chiều. Đến khi quen được bóng tối thì đến cửa nhà họa sĩ, chúng tôi leo lên cầu thang sắt chênh vênh để lên phòng vẽ bé xíu. Nhìn lướt qua những bức tranh của Trịnh Tú, bức nào cũng mờ sương khói, màu nhạt, tôi kêu lên: Tranh màu nhạt thế này sao em treo lên được. Anh Tú nghe thế thì bảo: Thôi thế này, em cứ đi xem tranh ở vài phòng tranh đi, em thích bức nào, anh liên hệ mua giúp em.
Tôi và Hằng đi qua vài ba phòng tranh nhưng chẳng ưng được bức nào nên hai đứa quyết định quay lại mua tranh của anh. Bình tĩnh nhìn, tôi thấy tranh của Trịnh Tú thật tinh tế, nhẹ nhàng và đầy ắp cảm xúc.
Rồi anh em chúng tôi tâm đầu ý hợp, chuyện trò rất nhiều. Anh biết tôi bị đau đầu mất ngủ thường xuyên nên bảo: Em lên đây anh dạy “bôi” cho em thư giãn đầu óc.
Thế là tôi bắt đầu lên học vẽ với Trịnh Tú. Anh để tôi thoải mái bôi, anh dạy cảm xúc màu, buông thả hình, tự nhiên và thoải mái. Có lần anh dạy tôi vẽ cúc họa mi, đến khi bức tranh hoàn thành tôi thốt lên: Sao trông giống hoa đồng tiền thế anh nhỉ? Anh cười và bảo hoa gì chả được, miễn là em thấy đẹp và có cảm xúc. Lần khác anh vẽ bức tranh đồng quê, màu sắc rất dịu dàng, yên bình. Tôi ngắm nhìn say mê rồi chợt hỏi: Lưng con bò trong tranh giống bò tót thế anh? Anh lại bảo, chỉ cần tranh có “tình” là được em à. Tôi dần hiểu ra đấy có thể là một kiểu triết lý hội họa của riêng anh...
Đến học và chuyện trò với Trịnh Tú, tôi biết anh sinh ra trong một gia đình nổi tiếng trong nghệ thuật. Bố anh là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, thuộc lớp họa sĩ Đông Dương nổi tiếng. Một nhà nghiên cứu mỹ thuật Nhật Bản đã chọn Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường và Trịnh Hữu Ngọc là “bộ tứ huyền thoại” của hội họa Việt Nam. Ông Trịnh Hữu Ngọc còn là một chủ tiệm gỗ rất nổi tiếng có tên Méme. Sau năm 1945, ông chuyển cả đại gia đình về 108 Quán Thánh và cuối đời vẽ rất nhiều tranh phong cảnh và tĩnh vật. Hồ Chí Minh từng gọi Trịnh Hữu Ngọc là “Monet của Việt Nam”. Được cha quan tâm giáo dục văn hóa nghệ thuật, các chị em gái của Trịnh Tú đều là nghệ sĩ, trong đó bà Trịnh Thanh Nhàn là nghệ sĩ trình diễn piano nổi tiếng, tiếng đàn ấy đã đi vào thơ của Phan Vũ “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” và anh trai Trịnh Tú cũng là họa sĩ, dịch giả, nhà văn Trịnh Lữ nổi tiếng.
Khiêm nhường và kín tiếng hơn các anh chị em, đương thời anh Tú chỉ có hai cuộc triển lãm đều mang tên “Cảm xúc Trịnh Tú”. Tôi biết Trịnh Tú muộn nên chỉ có thể mượn lời các họa sĩ khác nhận xét về hội họa của anh. Họa sĩ Lê Huy Tiếp đánh giá tranh anh đẹp, dù chất liệu sơn dầu hay bột màu, anh đều có cách xử lí màu sắc rất đẹp. Họa sĩ Đỗ Dũng đồng tình với nhận định này, ông nói tranh của Trịnh Tú nhẹ nhàng như tính cách, con người anh - một người Hà Nội hào hoa - anh chỉ cần vài đường nét là khắc họa được thần thái nhân vật. Còn theo họa sĩ Lê Thiết Cương tranh Trịnh Tú giản dị và thuận tự nhiên, không thấy những nỗ lực, cầu kì, khổ ải...
Khi đã thân thiết, anh Tú hay kể đời tư của anh cho tôi nghe. Anh bảo anh học Đại học Mỹ thuật năm thứ tư thì bị đình chỉ vì đã trót thương người, giúp một việc bị coi là “trái quy định của nhà trường”. Sau sự kiện ấy, bố anh xin cho anh vào làm trợ lý cho giáo sư Tôn Thất Tùng. Ở đó Trịnh Tú chuyên vẽ các hình ảnh giải phẫu các mô nội tạng cho giáo sư in sách. Tôi nghe chuyện anh kể xong cười ngất, bảo: Anh vẽ không coi trọng hình nên thảo nào hồi em học ở Đại học Y, em xem hình giải phẫu chả hiểu gì. Nghe tôi trêu, anh cười hiền giản dị như một nét khiêm nhường, biết điều của kiểu người gốc Hà Nội.
Trịnh Tú kể, anh sống chủ yếu nhờ bạn bè; người vợ đầu ly hôn và mang con gái sang nước ngoài sống. Anh chán đời đến mức ngày tòa gọi đến lấy chứng nhận ly hôn anh chẳng thèm đi lấy. Khi cưới vợ khác, anh không làm được giấy đăng ký kết hôn, đến tận khi con gái anh đi học cần giấy khai sinh anh mới cuống lên nhờ bạn bè; loay hoay mãi mới đủ các loại giấy tờ. Thậm chí khi anh chuyển công tác từ bệnh viện Việt Đức về Báo Lao động rồi nghỉ hưu, đến khi làm chế độ hưu trí cũng là bạn bè đứng ra chạy vạy khắp nơi xin giấy tờ để làm thủ tục cho anh, bởi khi thuyên chuyển công tác, anh không lưu giữ giấy tờ gì cả.
|
Trịnh Tú được bạn bè yêu quý dù anh không cho ai tiền bạc hay nhờ vả được gì nhưng anh rất biết cách an ủi động viên bạn bè. Anh thường kiên nhẫn lắng nghe các câu chuyện của bạn, lựa nói những lời động viên. Hằng nói với tôi là khi đau đầu, gặp Trịnh Tú là thấy thư thái lại, có lẽ ấy cũng là phong thái nho nhã lịch thiệp của anh, một người con trai Hà Nội trong cả phong cách tranh và cách giao tiếp.
Tôi một tháng vài ngày đến nhà anh học vẽ cho đến khi anh mắc bạo bệnh. Là một bác sĩ, tôi hiểu rằng thời gian của anh không còn nhiều và tôi rất đau đớn khi biết anh vẫn còn nhiều hy vọng sống. Rồi đến ngày tôi phát hiện ra anh đã hiểu số phận của mình nhưng không dám đối diện sự thật. Anh không muốn ai đề cập đến nỗi đau của mình và chính tôi cũng không biết an ủi anh như thế nào. Một lần anh hỏi tôi, liệu phương pháp tế bào gốc có giúp được gì không. Tôi bảo không anh ạ. Sau câu trả lời ấy, tôi cảm nhận được cảm giác tuyệt vọng, nỗi tiếc thương cuộc sống của anh. Có lẽ đến lúc ấy Trịnh Tú mới biết mình không còn bao nhiêu thời gian nữa, anh cũng chỉ là một người bình thường, yếu đuối như ai...
Rồi cứ thế Trịnh Tú lặng lẽ đi. Sau này, tôi có học thêm vài người thầy, trưởng thành dần nhưng những ấn tượng về những bảng màu sương khói, buồn lạnh của họa sĩ Trịnh Tú vẫn ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách của tôi. Trịnh Tú để lại cho tôi những kỷ niệm về một người anh lãng đãng gió mây, một người thầy khiêm nhường giản dị, một người bạn biết lắng nghe chia sẻ... Nhờ những ngày đầu chập chững với anh, tôi tiếp tục đi trên con đường hội họa cần mẫn và đam mê của mình và tôi vẫn nhớ đến Trịnh Tú như một người thầy thực sự, một người bạn mến thương trên hành trình lao động nghệ thuật của mình...
Mùa xuân. Tranh Trịnh Tú |