Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú sinh năm 1946 ở Hà Nam, lớn lên ở Hải Phòng. Nhiều năm trước, ông là một trong những họa sĩ có tiếng của ngành thiết kế đồ họa ở nước ta. Thậm chí đồng nghiệp còn gọi ông là “Vua tranh cổ động”. Ông là một trong năm người tốt nghiệp cử nhân tranh cổ động mà cho đến nay vẫn là khóa đào tạo duy nhất trong nước của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Những năm làm việc ở Báo Hải Phòng là những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, ông có rất nhiều bức ký họa trực tiếp không khí chiến tranh ở đất cảng.
Sau này, ông có gần 10 năm sống ở Ba Lan - quốc gia có nền đồ họa phát triển và là nơi duy nhất tổ chức triển lãm thường kỳ hai năm một lần tranh cổ động toàn thế giới. Có lẽ đó là quãng thời gian đặc biệt hạnh phúc với một họa sĩ say mê tranh cổ động như ông.
|
Suốt cuộc đời ông, có những khi phải làm nhiều công việc khác để nuôi đam mê hội họa, Nguyễn Đăng Phú đã vẽ có lẽ đến cả ngàn bức tranh. Ông vẽ trên đủ các chất liệu và đủ các đề tài. Nhưng có đề tài ông say mê đặc biệt đến nỗi nó gắn liền với tên ông, ví như tre. Người ta gọi ông là Phú Tre vì ông quá say mê tre. Những hàng tre, bụi tre, ngọn tre... với con trâu, nón lá, phụ nữ lao động, đồng ruộng, đầy ắp hơi thở của làng quê Việt Nam. Cái hơi thở thanh bình, yên tĩnh, trù phú, êm ả. Ông phủ tràn lên những bức tranh của mình một màu biếc xanh, một niềm hân hoan kín đáo, một đời sống thong dong biết mình biết ta.
Chất liệu ông thường dùng nhất là bột màu và sơn dầu. Tôi không biết với mỗi họa sĩ thì chất liệu có ý nghĩa thế nào. Nhưng tôi vẫn nghĩ, nếu bột màu có linh hồn, chúng sẽ thực sự hạnh phúc khi ở dưới bàn tay ông. Ông tài hoa nhất ở bột màu. Chúng biến chuyển một cách kì ảo, những mảng màu quyện vào nhau như hơi thở, như những dòng nước. Hòa thuận và yên bình, tôn vinh và nâng niu, chiều chuộng được ham muốn thể hiện của ông. Giai đoạn ông vẽ bột màu nhiều nhất có lẽ là những năm sống ở Hải Phòng, vẽ về Hải Phòng.
Người ta thường nói, văn là người. Có lẽ, họa cũng là người. Nhìn tranh thấy người. Nhìn tranh Nguyễn Đăng Phú thấy một người họa sĩ nhân hậu, nhu hòa, điềm tĩnh. Tự tin mà khiêm nhường. Sâu sắc mà tinh tế. Cẩn trọng, kỹ lưỡng mà khoáng đạt.
Ông là cộng tác viên mảng tranh minh họa của hầu hết các báo, tạp chí có trang văn nghệ. Ông minh họa thơ, truyện ngắn, tản văn, tạp văn, bất kể thể loại nào ông cũng đọc kĩ, cảm thụ, vẽ miệt mài, cẩn thận. Kể cả những bức vi nhét rất nhỏ, mỗi chiều chỉ vài cm ông cũng không bao giờ vẽ tùy tiện, nguệch ngoạc đại đi cho xong. Cái lối làm việc như thế cho thấy một người luôn tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng bản thân, tôn trọng công chúng. Có những tờ báo mà ông minh họa suốt hàng chục năm liền, tên ông, tranh của ông gắn liền với chuyên mục ấy trên báo ấy. Toà soạn yêu quý, tin cậy ông đến mức chỉ thay cộng tác viên văn xuôi chứ không thay họa sĩ.
Minh họa của ông rất dễ nhận ra, nó trở thành một phong cách minh họa Nguyễn Đăng Phú. Những đường nét mềm mại tròn trĩnh hoàn chỉnh, những mảng màu tinh tế, những vạt áo hay cánh tay, mái tóc, ánh mắt, khuôn miệng... của nhân vật vừa sống động vừa có cái gì đấy huyền hoặc kỳ ảo, hư hư thực thực. Vẽ minh họa mỗi người một phong cách, một lối tư duy. Có người vẽ theo tinh thần tác phẩm, tác phẩm nói đến điều gì thì minh họa diễn đạt điều đó. Có người chỉ lấy tác phẩm văn học làm cái cớ, làm cảm hứng để vẽ. Có người dung hòa giữa hai cách trên... Phong cách minh họa của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú có lẽ nằm ở cách thứ ba. Vừa như nhân vật văn học đấy, lại cũng vừa như một nhân vật phái sinh, lay động tâm trí người đọc bằng một cảm xúc khác.
Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú là một người hiền của hiếm trong cuộc sống ồn ào chật hẹp, so đo tính toán, vội vã quáng quàng hôm nay. Đôi khi có cảm giác ông bàng quan với thế sự, chỉ lặng lẽ thu vén vỏn vẹn cái cuộc sống của mình, đắm đuối mê say với toan với màu với chì với phấn. Nhưng không phải như vậy. Gần ông, tiếp xúc nhiều với ông mới thấy ông là người quan sát rất kĩ cái đời sống này. Chỉ có điều, nếu người ta nhìn thấy những mặt trái xã hội thì dễ nổi đóa lên, còn ông thì biến nó thành chuyện hài hước, giễu nhại. Ông cứ tủm tỉm cười như thế thôi nhưng chỉ dăm phút bên bàn trà là người bên cạnh thế nào cũng bật cười vì cái vẻ tỉnh queo của ông khi đề cập tới một chuyện gì đó rất thâm sâu, hiểm hóc. Ông lại là người vô cùng nhân hậu. Đối xử với ai cũng ấm áp hoà nhã, nhường nhịn. Ai ở gần ông cũng được lây cái năng lượng ấm áp tích cực từ ông. Nhìn ông để mà sống sao cho hợp lẽ trong cuộc đời này.
Minh họa của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú trên báo Văn nghệ tháng 9/2024. |
Nguyễn Đăng Phú là người ngay ngắn, điềm tĩnh, cẩn trọng. Tôi nhớ mình đã từng băn khoăn rằng, giữa cẩn trọng và phóng túng, liệu có sự triệt tiêu nhau hay không. Người cẩn trọng liệu có bớt thăng hoa đi không? Hay là khi thăng hoa thì người ta có nhất thiết phải phá bỏ mọi nguyên tắc? Lao động nghề nghiệp của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú không khẳng định hồ nghi của tôi là đúng, mà ngược lại. Kể từ khi ông nằm viện, suốt 5 năm qua, trừ những lúc ông chụp một bức ảnh, viết một đoạn status hóm hỉnh trên trang cá nhân, không mấy ai biết ông ốm. Mà dường như ông xem bệnh tật cũng là cái thứ gì đó hết sức bình thường, nó đến như thời tiết rồi lại qua. Ông thậm chí mang cả toan và màu vào bệnh viện 108 để vẽ trong thời gian điều trị. Các bác sĩ, y tá, hộ lý trong bệnh viện 108 hẳn là chưa từng bắt gặp cái cảnh họa sĩ mặc quần áo bệnh nhân ngồi bệt bên hành lang để vẽ bao giờ.
Nghĩ về ông tôi thật thấm thía cái sức mạnh của sự đam mê, nó chính là động lực để người ta lao động suốt đời. Có một lần tôi đến thăm ông trong căn nhà nhỏ nằm sâu trên con phố Hàng Chuối rất Hà Nội mà rất yên tĩnh, hai chú cháu ngồi trong phòng khách giữa những bức tường treo đầy tranh khổ lớn. Ông mới từ viện về. Ông bảo cả đời mình không phải nghe ai nhưng giờ bác sĩ bảo gì là nghe răm rắp, không cãi một câu. Vẫn là cái giọng hài hước, tự trào hôm nào. Ít thời gian sau đó, gọi điện hỏi thăm ông thì nghe giọng ông buồn buồn: “Mấy hôm nay chú buồn vì không vẽ được. Tay chú đau. Đến ăn uống cũng phải trông vào vợ phục vụ”.
Ông khiến tôi nhớ tới nhà văn Nguyễn Khải. Những lá thư sau cùng trước khi ông mất mà tôi nhận được, ông nói: Đời chú buồn nhất là lúc này, nằm yên một chỗ, không làm được gì trong khi đầu óc vẫn tỉnh táo, vẫn còn suy nghĩ được rất nhiều thứ.
Ôi, những người đi trước như ông Nguyễn Khải, ông Nguyễn Đăng Phú, những người mà tôi vô cùng kính trọng, quý mến, các ông khiến tôi cảm thấy mình đã sống những năm tháng bỏ lỡ rất nhiều điều. Lẽ ra mình có thể dùng tốt hơn cái quỹ thời gian mà mình có. Một tuần trước khi qua đời, ông Nguyễn Đăng Phú vẫn còn vẽ tranh minh họa cho các báo. Nhiều anh chị em làm báo đã tính sẽ mời ông vẽ minh họa cho báo tết năm nay.
Nhưng nay thì sơn đã khô rồi, toan đã lạnh rồi, ông bỏ dở công việc mà ông say mê nhất trong cuộc đời.
Ông đã làm việc đến những ngày cuối cùng, chút sức lực cuối cùng và những giọt nhiệt huyết cuối cùng.
Bệnh tật đã khiến ông phải từ biệt hội họa vào tuổi 79.
Suốt cuộc đời, họa sĩ Nguyễn Đăng Phú sống khiêm nhường, ai khen ông cảm ơn, ai chê ông mỉm cười cũng cảm ơn. Dường như mọi khen chê đều nằm ngoài niềm say mê của ông. Hội họa giống như đã dựng lên một bức tường vô hình, bao bọc lấy ông bằng cảm giác hạnh phúc, an toàn, tự do tự tại.
Ông giống như một vì sao nhỏ cứ nhấp nháy không gì có thể thổi tắt, im lặng và lấp lánh sáng.
---------
Bài viết cùng chuyên mục