Tổ tiên ông thuộc dòng Chúa Nguyễn Phúc Chu, một vị chúa tài hoa, rất sùng Phật nhưng oái oăm lại tỏ ra quá hà khắc với đạo công giáo. Chúa từng mẫn cán hăng hái với việc cấm Đạo Gia Tô. Nhưng lạ. Trang Giáo sử Việt Nam còn đậm nét một việc. Trong số con trai đông đúc (38 người) của chúa Nguyễn Phúc Chu có ông hoàng tử thứ 5 là Nguyễn Phúc Hải sau này là viễn tổ của họa sĩ Tôn Thất Sa. Theo cha từng cải đạo và gia nhập Giáo hội Công giáo, Tôn Thất Sa (1882-1980) mang tên thánh là Đa Minh (Dominique) sau này trở thành một họa sĩ tầm cỡ danh họa!
Lần ghé Huế năm xa ấy, do địa chỉ không chính xác nên tôi không tìm được mối để hỏi về họa sĩ Tôn Thất Sa. Rồi lâu lâu cũng bẵng đi. Mấy năm trước lại ghé Huế. Thời gian ấy, dư luận Huế đương râm ran xôn xao một sự kiện. Ấy là việc Nhà bia Quốc học cải tạo phục chế sao đó bị dư luận đàm tiếu ỉ eo rần rần.
Ngồi với mấy nhà chức việc của Sở Văn hóa Huế tự dưng như giật nảy cả mình! Ôi chao, công trình nhà bia Quốc học tác giả chính là họa sĩ Tôn Thất Sa! Công trình này nguyên bản là một kiến trúc tưởng niệm, có tên là Đài chiến sỹ trận vong, xây dựng để tưởng niệm những binh sỹ người Pháp và người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ từng tham chiến và tử trận trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918). Do vị trí công trình toạ lạc trước cổng trường Quốc học (phía bên kia đường Lê Lợi, sát bờ sông Hương) nên người dân Huế lâu nay vẫn quen gọi là Bia Quốc học hay Bình phong trường Quốc học. Thực chất công trình này không liên quan gì đến Trường Quốc học. Về bình phong của Trường Quốc học thì đã có tấm Bình phong long mã được dựng từ năm 1896 từ khi thành lập trường và hiện nay vẫn tồn tại.
Đài chiến sỹ trận vong - Monument aux Morts được Toà Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ cho xây dựng vào năm 1920. Đây là một kiến trúc tưởng niệm, cũng là bia ký ghi khắc nội dung liên quan tới công trình. Công trình được triển khai rất nghiêm cẩn và công phu. Với việc thành lập một uỷ ban phụ trách giám sát, lựa chọn địa điểm và cách thức xây dựng. Uỷ ban đặc trách này gồm 3 quan chức người Pháp, một quan chức Nam triều. Đó là cụ Nguyễn Đình Hòe, Tham tri Viện Cơ mật. Ban đầu, người ta đưa ra 10 địa điểm dựng đài để lựa chọn. Rồi địa điểm như hiện tại. Bởi không gian phù hợp cho kiến trúc tưởng niệm và với ý muốn gây sự chú ý cho các học sinh của trường Quốc học và trường Đồng Khánh ngay cạnh đó.
Về hình thức kiến trúc của đài tưởng niệm, có người đề nghị làm một tấm bia lớn và xây bi đình (nhà bia có mái). Song cụ Nguyễn Đình Hoè phản đối vì hình thức đó chỉ dành cho các vị hoàng đế của Việt Nam. Cụ đề xuất xây đài theo lối kiến trúc bình phong của địa phương. Ý kiến này đã được chấp thuận. Tháng 4/1920, Uỷ ban phụ trách đã mở một cuộc thi thiết kế Đài chiến sỹ trận vong, với các tiêu chí được đưa ra là phải phù hợp với cảnh quan chung và có phong cách kiến trúc truyền thống của Huế. Sau một tháng, có 4 đồ án gửi đến dự thi. Các đồ án đã được coi xét kỹ lưỡng. Uỷ ban đã chọn đồ án của hoạ sỹ - thầy giáo Tôn Thất Sa (đang dạy hội hoạ ở trường Bá Công Huế) để thi công.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đây là đài tưởng niệm đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam. Công việc xây dựng kéo dài 4 tháng với kinh phí gần 10.000 đồng do ngân sách Toà Khâm sứ đài thọ. Công trình Đài chiến sỹ trận vong được khánh thành long trọng vào ngày 23/9/1920, với sự hiện diện của vua Khải Định, toàn quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp của Chính phủ bảo hộ và Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và nhiều người Pháp ở Huế. Nghe chuyện, dậy lên cảm giác gần gụi lẫn khâm phục! Có cảm giác như mình đương tầm dấu tích của một người thân? Rồi tôi lại được đám bạn yêu Huế chỉ giúp tận tình, nên có biết thêm vài chuyện về vị danh họa này…
Năm 1894, người cha Tôn Thất Sa gửi cậu con trai của mình khi ấy mới 12 tuổi cho một vị linh mục có tên là Dangelzer rèn cặp. Nhận thấy Tôn thất Sa có năng khiếu vẽ, linh mục Dangelzer gửi cậu sang chủng viện Phú Xuân gần đó để học hội họa và nặn tượng với linh mục Renaud, giám đốc chủng viện Phú Xuân. Học hành cẩn thận lại có khiếu hội họa, khi người Pháp mở trường Kỹ nghệ Huế (Ecole professionnelle) chàng trai Tôn Thất Sa được mời dạy môn kỹ thuật hội họa và sau đó chính thức là giáo sư của trường. Quãng năm 1920, thầy Tôn Thất Sa còn dạy họa cho các học sinh trường Quốc Học, Đồng Khánh, Jeanne d’Arc, Pellerin…
Họa sĩ Tôn Thất Sa (1882-1980) |
Họa sĩ Tôn Thất Sa từng là cộng tác viên đắc lực của tờ báo Bulletin des Amis du Vieux Huế (Hội những người yêu Huế cổ) Linh mục Chủ bút Léopold Cadiere thường phải luôn cậy nhờ Tôn Thất Sa trong việc minh họa các bài viết. Chẳng hay đâu là nghề tay trái tay phải nhưng thời gian từ năm 1906 cho đến 1944, các tranh màu nước và khắc gỗ của họa sĩ Tôn Thất Sa nối nhau làm tày tặn ngày một phong phú thêm bề dày sáng tác! Có thể coi đó là cái kho báu cho các thế hệ sau cảo thơm lần giở, thưởng lãm... Riêng cuốn L’art de Huế (Nghệ thuật Huế) đã giúp không những người nước ngoài mà cả người trong nước nhất là những thế hệ sinh sau đẻ muộn tự hào về nền Mỹ thuật Việt Nam…
Họa sĩ Tôn Thất Sa là người được mời thiết kế, phục dựng các đồ vật dùng trong hoàng cung, phục trang cung đình và cả việc vẽ đặc tả một số đồ vật quý hiếm trong Bảo tàng Khải Định. Đáng nhớ nhất là việc ông nặn tượng vua Duy Tân. Trong những năm 20, Tôn Thất Sa tham dự một số cuộc thi sáng tác, thiết kế mỹ thuật, qua đó người ta còn biết Tôn Thất Sa như là một kiến trúc sư tài hoa mà minh chứng rõ nhất, ông là tác giả của Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong, thiết kế nên gác chuông Trường Quốc Học... Năm 1925, ông còn đoạt giải nhất cuộc thi tem với bộ tem về người nông dân Việt làm việc đồng áng.
Một số nhà nghiên cứu chuyên ngành ở Bảo tàng Khải Định (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế) tấm tắc thêm về cái tài vẽ khảo tả, minh họa, vẽ đặc tả các hiện vật, di tích cho các bài nghiên cứu trên B.A.V.H. Tài năng cùng dụng công khi đặc tả cổ vật, các kiểu bàn, ghế cổ, sập gụ, tủ chè, đồ dùng, các loại nhạc cụ truyền thống, lọng, đèn, mẫu khung treo đèn ở điện Cần Chánh, phác họa kiểu thức rồng trang trí ở điện Thái Hòa, ghi chép các tiết điệu hoa văn trang trí, mũ áo phục trang triều đình... Tôn Thất Sa góp phần giữ lại, lưu mãi những hình ảnh nghệ thuật cổ ở Huế. Nhiều cái ngày nay không còn nữa, vì vậy chúng trở thành những hình ảnh quý giá cho các nhà nghiên cứu sau này trong việc phục chế phục dựng nhiều hiện vật công trình ở Cố đô.
Họa sĩ Tôn Thất Sa là tác giả của Đài tưởng niệm Chiến sĩ trận vong. |
Với những đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật, truyền bá tinh thần nhân văn của văn hóa Huế, mỹ thuật cung đình Nguyễn, năm 1934, Tôn Thất Sa được triều đình ban tặng tước hiệu Hiệp sĩ cung đình. Đây là sự tôn vinh nghệ danh mà không mấy người cùng thời có được. Rất tiếc là những trận lụt kinh hoàng, những cuộc chiến tranh đã làm hư hỏng và tiêu hủy nhiều tác phẩm, bản vẽ của họa sĩ.
Họa sĩ Tôn Thất Sa cũng đã kịp thời lưu lại dấu ấn tài năng cho Giáo hội Công giáo Huế. Bức tượng đồng sư huynh Aglibert trường Bình Linh; tượng thánh Giuse nhà thờ Đốc Sơ, đài tử đạo và các tượng thánh tại nhà thờ Kim Long… Huy hiệu cho các vị Giám mục được coi là biểu tượng minh triết toát yếu năng lực sự nghiệp hiến mình cho Thiên chúa nên rất được coi trọng. Huy hiệu của các đấng giám mục Việt như Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Ngô Đình Thục, Lê Hữu Từ, Trần Văn Đoàn, Trịnh Như Khuê, Phạm Ngọc Chi… Và chính họa sĩ tài hoa Tôn Thất Sa đã lần lượt được nhờ cậy thực thi việc vẽ huy hiệu này. Tấm ảnh hiếm hoi chụp chân dung họa sĩ hiện còn lưu lại trên ngực gắn nhiều huy chương Việt, Pháp và tại gia đình của con, cháu rất nhiều hình ảnh bằng khen của triều đình và các nước Pháp, Campuchia, Lào… Một chứng chỉ tài năng của họa sỹ Tôn Thất Sa từng vang xa!
Được biết ở Huế có một nhóm nhà thơ yêu quý Tôn Thất Sa. Họ đương cần mẫn tìm lại những bài thơ chữ Hán và thơ Đường luật (có hàng trăm bài) của Tôn Thất Sa. Ngoài ra, họa sĩ còn là một thi sĩ, sáng tác nhiều bài thơ Đường khá hay mà có lẽ chúng ta sẽ bàn thêm trong một bài khác.
Việc Huế sắp tới có một con đường mang tên Tôn Thất Sa là hoàn toàn xứng đáng với những đóng góp của ông cho Huế!
Tiếp nhận chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do họa sĩ Pháp vẽ Diệp Minh Châu - Nhà nghệ sĩ huyết họa chân dung lãnh tụ Chân dung Bác Hồ trên giấy bạc Việt Nam |