Thường, Văn học là những hiện tượng từ cuộc sống đi vào trang viết của Nhà văn rồi lan tỏa. Nhưng giờ đây, làng Đoài - Làng An Lệnh xã Thụy Liên của nhà văn Dương Hướng thì Bến không chồng lại từ tiểu thuyết đi ra đã hóa thân thành biểu tượng đứng uy nghi bên dòng sông Phong Lẫm, bên cây cầu Đá Bạc làm niềm tự hào cho quê hương nhà văn.
|
Nghe được chuyện này, tôi tức tốc từ Thành phố Cẩm Phả làm ngay một chuyến hồi quê để được tận thấy cái công trình mà Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân và nhân dân xã Thụy Liên ưu ái dựng lên vinh danh cho Bến Không Chồng. Và cũng là biểu tượng ghi lại cho hôm nay nhắc nhở cho muôn sau niềm tự hào của quê hương về một thời đã có, một thế hệ đã sống, đã hi sinh đã làm nên một trang sử vàng cho lịch sử.
Tôi và Nhà văn Dương Hướng vốn cùng quê huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình. Làng tôi và làng An Lệnh của Dương Hướng chỉ cách nhau vài đỗi đồng và mỗi làng Ô Trình ngăn cách. Tuổi ấu thơ tôi học trường nào thì Dương Hướng cùng học trường ấy. Do chênh nhau vài tuổi, tôi học khóa trước, Dương Hướng học khóa sau. Nên không biết nhau.
Chúng tôi vừa kịp lớn lên thì cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đúng vào thời khốc liệt. Tôi chỉ kịp học hết cấp hai rồi xung vào bộ đội, đi B. Dương Hướng thì học hơn được một lớp. Vừa sang tuổi mười bẩy, anh bỏ học khai tăng thêm tuổi trốn gia đình đi Công nhân Quốc phòng, chuyên việc vận tải quân lương, vũ khí vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh. Nhưng rồi với sức cuồng nhiệt của tuổi trẻ và khí thế của trào lưu thôi thúc, Dương Hướng xin chuyển sang quân đội để được trực tiếp cầm súng giáp mặt ở chiến trường. Anh đã chiến đấu nhiều năm trong chiến trường Quảng Đà, Bê Ba khốc liệt. Nơi được xem là túi bom túi lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cho đến ngày miền Nam được giải phóng. Những tháng năm hào hùng oanh liệt này thực tế sống động đã tái hiện trong hai cuốn tiểu thuyết Bến không chồng và Dưới chín tầng trời nổi đình nổi đám của anh.
Cũng xin nói thêm rằng. Dương Hướng là con trai một. Là người thừa tự của dòng họ Dương làng An Lệnh. Nếu thối chí, anh có lí do để được loại trừ không phải nhập ngũ hoặc vào bộ đội thì cũng nhận được sự ưu tiên ở lại bảo vệ hậu phương.
Giờ lại xin quay lại với chuyện Bến Không Chồng.
*
Sau năm 1990 tiểu thuyết Bến không chồng được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn phát hành và được Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh trao giải. Đọc Bến không chồng, tôi cứ ngỡ ngàng ngờ ngợ rồi nhận ra một loạt những địa danh: Cống Linh - Cổng Trà Linh. Sông Diêm - Sông Diêm Hộ. Chùa Lan - Chùa Lan Ngại... Và với những tên nhân vật: Lão Đột. Một nông dân thuộc tầng lớp bần cố nông (bần cùng thuộc đáy hạng của nông thôn thời phong kiến). Anh ta chuyên nghề đơm ràng đơm đó, chưa biết chữ. Vậy mà đùng một cái, cuộc cải cách ruộng đất nổ ra. Nông dân vùng lên làm chủ xã hội. Thế là anh ta được thay vị đổi ngôi, được dựng lên làm chủ tịch Ủy ban hành chính rồi ngu ngơ điều hành cả một hệ thống chính quyền cấp xã….
Còn một chi tiết nữa kể trong Bến không chồng cũng làm tôi chú ý. Nhân vật ông Khiêm bố Nghĩa (hay cất vó cá) trên sông Diêm bắt được một mẻ cá mòi. Nói về chuyện này thì lại phải dài dòng ra một chút.
Quê tôi và Dương Hướng nguyên huyện Thụy Anh cũ khi chưa sát nhập với huyện Thái Ninh như bây giờ. Thì Thụy Anh có hai dòng sông. Sông Sinh (sông Hóa) và sông Diêm Hộ chảy song song men theo chia ranh giới với Thái Ninh và Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Rồi cùng đổ xuống biển Đông. Nói vậy để thấy rằng thổ nhưỡng, khí hậu chẳng có gì khác biệt. Vậy mà chỉ sông Diêm mới có cá mòi nước lợ. Giống cá này thường thì sống ngoài biển mặn. Nhưng với sông Diêm, chẳng hiểu nó có thêm đặc biệt yếu tố sinh hóa gì mà tạo nên môi trường quyến rũ để giống cá mòi ngược dòng vào cư ngụ. Chúng chuyển hóa rồi thích nghi thành giống cá của môi trường nước lợ. Thậm chí là nước ngọt hẳn khi mùa lũ xuống. Những con cá mòi sông Diêm béo mẫm to cỡ bàn tay xèo. To gấp đôi, gấp ba những con cá mòi sống ngoài biển mặn. Thịt cá mòi sông Diêm Thái gỏi, rán nướng, nấu riêu chua, hoặc kho khô thì thôi rồi. Đã thưởng thức dẫu chỉ một lần để cảm thấy vị ngon của nó. Rồi người quê tôi đi đâu cũng mang theo, vương vấn suốt một đời....
Đấy. Những con người ngoài đời đã trở thành nhân vật. Những chi tiết như vừa kể được miêu tả rất thật, rất đời. Rồi những địa danh, sự kiện làm bối cảnh cho Bến không chồng được người viết lấy cảm xúc chính từ miền duyên hải quê mình. Tôi nghĩ. Nhưng lại quá tự ti mà đồ rằng, tác phẩm này là do một ông giáo viên cấp hai, cấp ba được chuyển vùng về dạy học hoặc một tay bộ đội nào đó có khiếu văn chương từng có nhiều năm làm lính phòng không ở trận địa pháo 37 ly, bảo vệ công trình thủy lợi Trà Linh đã ăn dầm ở dề nên mới am hiểu một vùng đất để sâu sắc được đến vậy. Chứ nào dám nghĩ miền đất nghèo “chiêm khê mùa úng” này thì lấy đâu ra một nhà văn mẫn tiệp để viết nên một tác phẩm xuất sắc đến vậy?!
Rồi, mãi tới năm 2010, sau khi cầm bút viết văn, tôi được đến dự tiệc cưới con trai nhà thơ Trần Tâm. Tình cờ, tôi được ngồi cùng bàn tiệc với Dương Hướng. Tôi mới vỡ òa về anh.
Thì ra, cũng như tôi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam giành thắng lợi. Những quân nhân như tôi và Dương Hướng đều bị cuộc chiến tranh làm cho kiệt quệ. Thương tật và ốm đau. Sốt rét kinh niên, sốt rét định kì, căn bệnh cố hữu của những tháng năm ở rừng ở rú. Nó rút kiệt quệ sinh lực chúng tôi. Và chúng tôi “đành lòng” ra quân để đỡ đi một phần gánh nặng cho Quân Đội… Nhưng rồi những phương thuốc dân gian đã cứu vớt chúng tôi.
Sức khỏe hồi lại, Dương Hướng chuyển ngành vào làm việc tại cơ quan Hải quan tỉnh Quảng Ninh. Tôi đưa gia đình ra Cẩm Phả làm nông nghiệp. Vậy, nhưng cũng phải nhiều năm sau Dương Hướng mới có thể dành được thời gian ngồi tư duy trăn trở về những trải nghiệm đời người về thời thế với những ngổn ngang thế thái nhân tình. Và anh đã viết.
Người sao văn vậy. Con người anh chân chất mộc mạc, nên giọng văn anh cũng mộc mạc chân phương, thậm chí là thô ráp. Dương Hướng viết, anh quan tâm đến nội dung mà không cần đến đánh bóng ngôn từ. Anh đã đem phong cách bỗ bã đậm chất nông dân để đưa vào tác phẩm. Vậy đấy nhưng tầm tư tưởng thì anh đặt lên trước hết. Nó đè nặng trĩu trong trang viết của anh.
Cứ vậy sự hào hùng mà bi ai, ấu trĩ đến mông muội lại tuân thủ đến mù quáng ngu ngơ của một quá khứ của lịch sử nó tuôn vào trang sách để làm nên một Bến không chồng để Dương Hướng thành một hiện tượng của văn học Việt Nam. Bên chân núi Bài Thơ. Ngọn núi của thi ca, hình tượng lộng lẫy của Thành phố Hạ Long, đứng nghiêng mình đổ bóng xuống biển xanh. Có căn hộ tù mù chật chội của Dương Hướng. Ở đây, giữa cái thời “gạo châu củi quế” ấy anh đã xin cơ quan được nghỉ “tự túc” để ngồi cặm cụi viết Bến không chồng. Viết xong mỗi chương, anh lại ngồi đọc và chị Quy vợ anh, một cô giáo dạy văn cấp ba ngồi nắn nót chép lại bản thảo. Cứ thế, Dương Hướng hằng ngày hằng đêm hăng say đam mê để đến mức khi bản thảo hoàn thành, anh mới “hạ sơn” xuống phố, bạn bè trố mắt thấy anh phờ phạc xanh xao...
![]() |
Bến không chồng. Ảnh Bình Thanh |
*
Tôi về đến làng Đoài thì mặt trời đã lên đến đỉnh trời. Con đường liên xã chạy qua làng Đoài, nơi có cây cầu Đá Bạc bắc qua dòng sông Phong Lẫm. Để chân cầu thành bến tắm. Bến tắm của những người đàn bà làng Đoài bị cuộc chiến tranh chiếm đoạt mất chồng. Bắt họ chịu cảnh đơn côi. Sau mỗi buổi đi làm đồng về, đêm xuống, trăng lên, họ rủ nhau ra bến sông khỏa mình xuống tắm. Tắm xong lên bờ hong tóc, ngồi tụm bên nhau nói về những người đàn ông của mình, như Dương Hướng đã kể trong Bến không chồng... Thì, là đây ư?
Nay. Dòng sông Phong Lẫm nhìn thì tôi thấy như đã thu hẹp lại. Nó nhường nhịn bớt phần mình cho con đường bê tông của phong trào xây dựng nông thôn mới lấn ra. Còn cây cầu đá Bạc. Giờ là thay bằng cây cầu bê tông. Hai mấu cầu ăn ra chiếm cứ của con sông đến một phần ba dòng chảy. Khi hỏi ra mới biết, những trụ cột với những thành cầu và những phiến đá được gọt đẽo tạo hình vuông vức xưa là xương thịt của cây cầu, nó đã được dỡ xuống, đập ra đưa vào lò nung thành vôi để cải tạo cho những cánh đồng chua mặn làng Đoài. Từ những năm mà “Hợp tác xã là nhà, Xã xiên là chủ”.
Còn ngôi đình Đông và hai cây quéo?
Đình Đoài đã bị phá đi trong cuộc cải cách ruộng đất vào những thập niên năm, sáu mươi của thế kỷ trước thì tôi đã biết. Nhưng còn hai cây quéo. Nếu tính về tuổi tác và kích cỡ, nó phải được phong tặng danh hiệu là cây “di sản” của miền Duyên hải tỉnh Thái Bình. Nó được trồng từ bao giờ, chẳng ai biết được nữa. Thế hệ chúng tôi lớn lên đã thấy hai cây quéo đứng xum xuê tỏa bóng rợp mát cả sân đình Đoài. Đứng xa cả chục cây số đã nhìn thấy nó vươn trên tầng xanh của những lũy tre làng, giống như hai chiếc ô dựng lên sừng sững giữa trời… Tất cả những gì vừa kể là thực cảnh, bối cảnh mà nhà văn Dương Hướng đã đưa vào làm khung, nền cho tiểu thuyết Bến không chồng, vậy nên khi đạo diễn Lưu Trọng Ninh đưa đoàn làm phim về tính chuyện quay bộ phim Thương nhớ ở ai phỏng theo nguyên tác tác phẩm Bến không chồng thì cảnh cũ không còn. Cây cầu Đá bạc thì như vừa kể. Hai cây quéo cổ thụ cũng đã bị bão quật đổ từ năm lâu rồi. Và nữa. Làng Đoài. Cái làng quê nghèo nàn vất vả đói khổ triền miên trong Bến không chồng đã biến thành phố thị. Nó đã lột xác chuyển mình theo cuộc đổi thay...
Tôi đến hiện trường nhìn công trình biểu tượng về Bến không chồng vừa hoàn thành xong phần cơ bản. Đứng ngây ra trước cái biểu tượng từng được các trang mạng, được một số các nhà báo sính tin đã đưa lên mặt báo. Nhưng quả thật, giờ có đến tận nơi tôi mới cảm nhận thấy sự kì vĩ của công trình và mới thấy hết cái ý, cái tâm của những người đặt ra ý tưởng.
Tôi đang mê mải ngắm nhìn thì có ba cháu học sinh trung học đi học về qua ghé lại. Tôi giả ngơ hỏi chúng:
- Các cháu ơi! Người ta cho dựng tấm bia này để làm gì mà hoành tráng thế?
Một cháu nhanh nhảu trả lời:
- Đây là Bến Không Chồng. Từ địa danh này nhà văn Dương Hướng đã viết nên cuốn tiểu thuyết Bến không chồng đấy ạ. Nay xã cho dựng thành biểu tượng, để tôn vinh Bến không chồng. Để ghi dấu cho lịch sử đấy bác ạ.
Cảm ơn cháu học sinh lanh lợi, tôi lấy máy ra lom khom tìm góc độ bấm lấy vài kiểu ảnh. Từ bên kia bờ sông, một người phụ nữ tuổi trung niên miệng cười rạng rỡ, chị gọi với sang
- Bác ơi! Bác chụp cái Bến Không Chồng của chúng em để đăng lên báo đấy à?...
Vậy là ý nghĩa, cái tầm, cái nhân văn của công trình được mọi người dân hồ hởi đón nhận tự hào. Điều mừng là ý nghĩa từ tấm biểu tượng này đã ngấm đến thế hệ tương lai.
Tôi tiếp cận lại gần để nhìn cho rõ. Biểu tượng được tác tạo từ một phiến đá tuyết sơn liền khối. Vân đá tự nhiên nhiều lớp nhiều mầu tạo nên những hoa văn không rực rỡ nhưng rất trang nhã. Hình dạng không giống như những tấm bia truyền thống, khuôn mẫu. Mà nó ở thể trạng tự do, phá cách. Trông nó giống như một cánh buồm đang giương ra đón gió.
Văn bia gồm hai phần. Phần trên chạm ba chữ thếp vàng: “Bến Không Chồng”. Phần chính của thân bia khắc những dòng chữ: “Bến sông này cùng với mảnh đất con người nơi đây đã đi vào đời sống văn học nghệ thuật, ghi dấu ấn sâu sắc như một bản tình ca về cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại. Tiểu thuyết Bến Không Chồng của nhà văn Dương Hướng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chuyển thể thành phim truyện, được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Giải thưởng nhà nước năm 2017”. Nhìn tổng thể của biểu tượng, nó uy nghi sừng sững. Nếu tính cả phần chân, ước tính nó cao chừng năm mét.
*
Các anh Nguyễn Hải Lăng, Bí thư Đảng bộ, và anh Vũ Thành Quang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thụy Liên đã cho tôi biết những con số cụ thể về tấm biểu tượng này. Hòn đá tuyết sơn được đặt mua từ Quỳ Châu - Nghệ An. Phần nghệ thuật tạo hình khắc chữ do các nghệ nhân vùng Phủ Lý - Hà Nam thể hiện rồi mới đưa về để được gắn với phần chân bia thành sừng sững đứng đổ bóng dưới dòng sông Phong Lẫm.
Khi tôi hỏi về giá trị vật chất và nguồn kinh phí đầu tư, anh Nguyễn Hải Lăng cho biết:
- Số tiền đầu tư toàn bộ công trình là hai tỷ rưỡi. Nó gồm cả phần quy hoạch lại để cải tạo đôi bờ cho dòng sông Phong Lẫm gắn liền với biểu tượng, kể cả bến sông cùng với cây cầu Đá Bạc. Xã chỉ chi thêm một phần ngân sách còn phần đa là tiền quyên góp từ xã hội hóa. Từ những người con của quê hương đi làm ăn xa xứ, từ sự quyên góp với tấm lòng vàng của nhân dân. Phần đặc biệt quan trọng, người tài trợ chính cho công trình là thành ý của Công ty Thủy lợi Bắc Thái Bình.
Nghe đến đây tôi chợt nghĩ: Hai tỷ rưỡi để xây dựng một công trình chỉ mang tính biểu tượng với một địa phương thuần nông chỉ lấy canh nông làm vi bản đã đủ thấy một sự bứt phá từ tầm nhìn cách nghĩ của lớp cán bộ đang còn rất trẻ đang nắm quyền chủ chốt trong cuộc sống của làng quê nơi Bến không chồng. Và rồi anh Nguyễn Hải Lăng đã lý giải, giải tỏa những gì đang gợn trong tôi:
- Thời kháng chiến chống Mỹ, khi ấy xã Thụy Liên chỉ có khoảng một nghìn hộ dân. Xã đã phải tiễn đưa một nghìn năm trăm thanh niên ra trận. Vậy mà chiến tranh qua đi xã đã phải nhận về ba trăm năm mươi liệt sĩ. Để được vinh danh ba mươi mốt bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xã được phong tặng Anh Hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Nghe những con số ấy để ta tính ra được con số của những người đàn bà làng Đoài bị hụt hẫng chênh chao. Họ là những người mẹ người vợ mất chồng mất con trong chiến tranh. Và cho tôi tưởng tượng lại những trang viết của nhà văn Dương Hướng về những người phụ nữ làng Đoài phải dằn vặt khắc khoải cô đơn hằng đêm nơi Bến Không Chồng thủa ấy.
Vâng. Như vậy là với quê hương Thụy Liên của nhà văn Dương Hướng, qua lời của anh Hải Lăng thì biểu tượng Bến Không Chồng được dựng lên là để ghi lại một thời hào hùng mà oanh liệt ấy với những mất mát bi thương là niềm tự hào và nhắc nhở. Còn với văn học nghệ thuật?
Nghĩ tới điều này buộc tôi phải lan man đôi dòng để nhớ lại một vài chi tiết mà Dương Hướng khắc họa trong Bến không chồng.
Trước, hãy nói đôi chút về Vạn. Nhân vật Vạn một quân nhân, một chiến sĩ thắng trận Điện Biên, phục viên về làng với huân chương đầy ngực áo. Nhưng, với tư tưởng bảo thủ cực đoan đã bị “tẩy não”, thấm nhuần. Giữa ba người đàn bà “vây hãm”. Chỉ vì cái lập trường giai cấp và tính tiên phong gương mẫu, mà chịu đựng ép mình. Mà đâu có cưỡng được bản năng. Đã có con với Hạnh. Nhưng rồi Vạn vẫn không dám đưa tay đón nhận hạnh phúc về mình. Để cùng đường chọn cái chết.
Còn nhân vật mụ Hơn con dâu nhà địa chủ. Trong cuộc cải cách ruộng đất, bố chồng chị ta bị quy tội cường hào ác bá bị Tòa án Nhân dân xử tội tử hình. Chồng Hơn vì phẫn uất mà thắt cổ tự vẫn. Tài sản bị tịch thu chia cho nông dân. Chị ta chỉ còn mình thằng Tốn. Đứa con duy nhất nối dõi cho nhà chồng. Mới năm tuổi, nó bị trẻ con hàng xóm bắt trói vào gốc cây. Chúng cũng bắt chước người lớn chơi trò dựng đấu trường xử tội địa chủ cường hào ác bá. Tuyên án xong chúng dùng súng cao su, lấy quả xoan làm đạn nhằm bắn vào thằng nhỏ.
Xót con quá, nhưng mụ Hơn sợ uy lực của các ông bà nông dân nên đành phải tìm đến Vạn (đang giữ chức xã đội trưởng) quỳ dưới chân anh ta van vỉ: Ông Vạn ơi! Con cắn rơm cắn cỏ con lạy ông. Xin ông hãy cứu lấy thằng Tốn. Các ông bà nông dân con đang hành hạ nó. Nó chết mất. Ông nội nó có tội đã bị các ông bà nông dân xử tội chết. Bố nó vì phẫn uất mà đã thắt cổ tự tử. Giờ chỉ còn có nó. Xin ông hãy cứu nó. Con không còn tiền của để trả ơn ông. Con chỉ còn thân xác con đây, ông muốn làm gì thì làm. Con hứa với ông sẽ giáo dục thằng Tốn để được trở thành kẻ nghèo khổ...
Chỉ đoạn văn ấy, chẳng phải bình thêm tự nó đã trần trụi toát nên về một thời mông muội u mê cuồng tín. Và với Bến không chồng, Dương Hướng đã ghi một mốc son lịch sử cho nền văn học đương đại. Anh đã làm cuộc bứt phá ngoạn mục, một bước ngoặt đặc biệt cho văn học hiện đại Việt Nam bằng tính sát thực, chân thực tái hiện để hiện thực hóa cuộc sống vào tác phẩm văn học. Để người cầm bút được viết bằng tấm lòng mình.
Có lẽ cũng từ thành công ấy mà tiểu thuyết Bến không chồng của Nhà văn Dương Hướng đã tạo ra một giai thoại văn học rất độc đáo:
Sau khi ấn hành và phát hành, Bến không chồng đến tay bạn đọc được một thời gian, hôm ấy Dương Hướng đang ngồi làm việc trong cơ quan Hải Quan tỉnh Quảng Ninh. Bỗng có một người đàn ông tìm đến gõ cửa xin gặp. Nhìn Dương Hướng với vẻ mặt trân trọng, ông ta lễ phép hỏi:
- Dạ thưa. Anh có phải là nhà văn Dương Hướng. Người viết tiểu thuyết Bến không chồng?
- Vâng. Là tôi đây! Dương Hướng trả lời.
Bắt tay Dương Hướng, ông ta xúc động nói rằng:
- Xin cảm ơn anh đã viết nên Bến không chồng. Anh đã nói hộ cho những người mang nặng nỗi niềm như chúng tôi, với những gì đã xảy ra... Mà không thể tự thốt ra lời. Với Bến không chồng anh đã nói lên những điểu mà tôi muốn nói...
Ra về, ông ta đưa cho Nhà văn Dương Hướng một chiếc phong bì:
- Thưa nhà văn. Đây là tấm lòng của tôi. Nó không có nhiều nhặn gì đâu. Xin anh nhận cho. Gọi là có chút quà để anh bồi dưỡng.
Qua giai thoại này, tôi nghĩ có thể đây là trường hợp hi hữu với Văn đàn. Nhà văn được nhận nhuận bút từ độc giả (?)
Qua đấy, đã đủ khẳng định thêm cho sự thành công của tiểu thuyết Bến không chồng. Nó lí giải cho lí do tác phẩm đã tái bản đến lần thứ mười bốn rồi vinh dự nhận giải Nhà Nước năm 2017. Và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng để lưu hành ở ngoài biên giới Việt Nam.
Giờ là người làng Đoài dựng lên một biểu tượng sừng sững cho Bến không chồng.
Văn nghệ số 52/2018