Matxcơva đang hiện ra trước mắt tôi lộng lẫy và kì ảo như cảm xúc ngày đầu tôi đến. Dạo đó đang mùa tuyết rơi. Hoa tuyết bay trắng các đại lộ, trên những ngôi nhà cao tầng tráng lệ. Natasa – người bạn gái Nga có khuôn mặt đẹp đôn hậu vui vẻ dẫn tôi đi ngang dọc Matxcơva chọn mua giày, mũ, áo ấm chống rét. Nhớ nhất là việc mua đôi giày ủng. Chân tôi thì nhỏ, cửa hàng bán toàn những giày to. Thấy bạn dẫn đi lại nhiều lần, sợ phiền, tôi nói:
“Thôi mua ngay ở của hàng phố Skacôvaia cũng được Natasa ạ!” “Không! - Natasa lắc đầu – mình sẽ dẫn Cường ra cửa hàng ngoại ô tìm mua. Đừng ngại. Mình sẽ điện hỏi nhiều nơi. Chẳng lẽ cả Matxcơva này không có đôi ủng nào vừa với chân bạn gái Việt Nam hay sao?”
Sự nhiệt tình của Natasa làm tôi cảm động! Những dè dặt khi tiếp xúc ban đầu bay biến cả. Nhất là khi được bố trí ở chung một phòng trên tầng 6 của khu tập thể học viện trường Đảng, chúng tôi càng hiểu và thân nhau hơn.
Tôi biết Natasa sinh ra và lớn lên ở phố mang tên nhà văn Tsekhốp. Chị là cán bộ tuyên huấn một quận uỷ cách trung tâm Matxcơva 70 cây số, được chọn cử đi học trường Đảng cao cấp. Chồng chị công tác ở một nhà máy lớn, có một con gái đang học lớp 12.
Natasa hiểu và cảm thông với điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam còn nhiều lo toan vất vả và hoàn cảnh riêng của tôi. Chị biết tôi sinh hai lần ba cháu còn nhỏ cả, nhưng đã cố gắng vượt khó khăn đi học.
Chúng tôi sống vui vẻ đầm ấm bên nhau. Ngoài giờ lên lớp, Natasa giúp tôi học tiếng Nga. Chị sửa cho tôi viết và phát âm đúng từng từ, từng chữ. Lúc rỗi rãi chị kể cho tôi nghe dễ hiểu sâu hơn về lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, về cuộc đời hoạt động lỗi lạc của Lênin và những cán bộ cách mạng cộng sự gần gũi của Người. Rồi chị dẫn tôi đi thăm Quảng trường Đỏ, thăm cung điện Kremli, vào lăng viếng Lênin, thăm viện bảo tàng và danh lam thắng cảnh của Matxcơva. Tình cảm chị em chúng tôi ngày thêm gắn bó.
Một lần Natasa bị cảm, tôi lấy dầu cao Sao Vàng xoa hai bên thái dương, trán, sống lưng, sườn, bắp chân, rồi đánh cảm xuôi xuống theo kinh nghiệm nhân dân Việt Nam thường làm, chị thấy người dễ chịu ngay. Lúc tôi bị cảm, Natasa cũng làm như thế. Natasa còn dùng cách này chữa cho chồng con ở nhà có hiệu nghiệm. Chị cười khoe:
“Mình còn chữa cả cho mấy người bạn ở nhà bên cạnh khỏi mà. Các chị ấy gửi lời thăm và mời Cường đến chơi.”
Vì bận học tập không giao du nhiều được, tôi đã nhờ Natasa chuyển lời thăm hỏi và cảm ơn của tôi tới các bạn của chị.
Matxcơva tươi đẹp - Ảnh minh họa từ internet |
Bây giờ xin kể đôi nét về các thầy, cô giáo ở trường Đảng cao cấp Matxcơva thân thiết của tôi.
Trước hết nhớ ngay đến phó giáo sư Gantrerôp – người thầy hướng dẫn chúng tôi môn “Phong trào cộng sản công nhân quốc tế’’. Năm ấy, thầy 74 tuổi, dáng đi chậm chạp, lưng hơi còng, song lúc nào ông cũng vui vẻ, cởi mở đối với học viên Việt Nam. Thầy cảm tình thật sự với chúng tôi không biết có phải từ tình hữu nghị trong sáng giữa hai nước Liên Xô - Việt Nam, qua nhiều cuộc chiến tranh, Đảng và nhân dân Liên Xô đã hết lòng vì Việt Nam, hay bởi lẽ học viên Việt Nam hăng say học tập? Mỗi lần lên lớp hoặc hướng dẫn thảo luận, thầy thường nói:
“Tôi rất tự tin đối với học viên Việt Nam. Mỗi lần kiểm tra hoặc thi, chắc chắn các đồng chí đạt được điểm tốt. Bởi vì rằng, từ giảng đường này, lúc nào tôi cũng thấy học viên Việt Nam chăm chỉ học tập.”
Đó là thầy động viên chúng tôi. Nhưng cần nói ngay: Phó giáo sư Gantrerôp là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo. Lẽ ra, tuổi nghỉ hưu của thầy đã quá lâu rồi. Nhưng lòng tận tuỵ yêu nghề đã thôi thúc thầy xin tình nguyện ở lại trường làm việc. Thầy không chỉ giúp chúng tôi hiểu sâu sắc môn học mà còn hướng dẫn chúng tôi phương pháp luận và diễn thuyết. Khi thảo luận bài, thầy yêu cầu từng người đứng lên bục giảng trình bày. Thầy nhắc nhở chúng tôi phải luôn chú ý hướng theo người nghe. Nếu mọi người chăm chú lắng nghe không mất trật tự khi diễn giải trình bày và hài lòng bằng gật đầu là bài diễn thuyết đạt yêu cầu.
Đối với học viên nữ Việt Nam, thầy thường dành cho chúng tôi một tình cảm riêng. Mỗi lần lên lớp thầy thường đưa tặng tôi và Phượng mỗi người một chiếc kẹo ngon. Các học viên nam liền đòi:
“Thưa thầy!...Em chưa được chiếc kẹo nào.”
“Cả em nữa!”
“Thầy chia đều cho cả lớp mới công bằng chứ ạ!”
Thầy giáo cười vui vẻ:
“Đối với phụ nữ, bao giờ chúng ta cũng nên dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho các chị.”
Lời nói chân thành của thầy Gantrerôp khiến tôi liên tưởng tới nhiều mẩu chuyện kể về lãnh tụ Lênin, về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Trong công tác cách mạng và trong sinh hoạt thường ngày, Lênin và Bác Hồ bao giờ cũng quan tâm và tôn trọng phụ nữ. Nhiều Đảng viên cộng sản cũng làm theo được gương tốt của Người. Tuy nhiên, không ít đồng chí còn kiêu ngạo, coi thường phụ nữ, chưa tạo cho phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới. Đó là một nhận thức sai trái cần phải từ bỏ!
Thời gian học tập ở trường Đảng cao cấp Matxcơva, không riêng thầy Gantrerôp mà các thầy, cô giáo khác của trường đều dành cho học viên nữ chúng tôi những tình cảm thân thiết. Đáng ghi nhớ nhất là ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 năm nào nhà trường cũng tổ chức gặp mặt chị em học viên các nước. Thầy hiệu trưởng Mansep, thầy hiệu phó Rơlôbin, nữ đồng chí Bí thư Đảng uỷ Trevlacôva, các thầy cô giáo giảng dạy các bộ môn của trường đều hồ hởi đến giảng đường lớn trò chuyện thân mật với chúng tôi, tặng chúng tôi những món quà lưu niệm, những bông hoa tươi, cùng chúng tôi uống nước ngọt, hoa quả, ăn kẹo bánh và ca hát. Từng tốp nữ học viên các nước xã hội chủ nghĩa: Liên Xô, Việt Nam, Cu Ba, Ba Lan, Tiệp Khắc, cộng hoà dân chủ Đức, Bungari, Hungari, Mông Cổ,…lần lượt biểu diễn những điệu múa, bài ca của đất nước mình. Các thầy cô giáo vỗ tay cổ vũ khích lệ. Cuộc vui náo nhiệt kéo dài.
Rồi ngày sau đó, chúng tôi lại hăng say bước vào học tập và tham gia các buổi lao động cộng sản ở sân vận động Đinamô nằm cách trường Đảng không xa. Tại đây đã diễn ra nhiều trận bóng đá quốc tế sôi nổi. Chúng tôi được phân chia ra từng nhóm lao động, người quét lá, nhổ cỏ, người thu dọn gạch, khiêng gỗ, xếp gọn vào một chỗ. Tiếng cuốc xẻng miệt mài đan quyện với tiếng cười nói tạo nên những âm hưởng không thể nào quên.
Chuyến đi nghỉ thú vị ở thành phố du lịch Sôchi bên bờ biển đen, mùa hè năm 1983 cũng trở thành kỉ niệm đẹp trong đời tôi. Từ Matxcơva chúng tôi bay hơn hai tiếng đồng hồ tới thành phố này. Xe ô-tô đón chúng tôi về ăn nghỉ tại nhà nghỉ của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô. Hàng ngày, chúng tôi đi tắm biển, phơi nắng, bơi thuyền, vui chơi bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ quốc tế ngay trên bãi biển. Gọi là biển Đen, nhưng nước bao giờ cũng trong xanh. Những con sóng rào rạt vỗ bờ, lòng tôi cồn cào nhớ Vịnh Hạ Long quê nhà, ở đó có bố mẹ, có chồng, con, có bạn bè thân yêu của tôi. Trong lúc các bữa ăn của chúng tôi ở đây ăn theo nhu cầu, thì mọi người ở quê hương xa xôi phải lao động vất vả. Điều đó nhắc nhở tôi phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để khỏi phụ công đất nước, gia đình đã dành phần ưu ái cho mình.
Ngoài chương trình học lí luận trong giảng đường, nhà trường còn bố trí cho học viên Việt Nam chúng tôi đi nghiên cứu thực tế tại các nhà máy, nông trang, nông trường, công trường xây dựng lớn ở một số nước cộng hoà trong liên bang Xô-viết. Đến đâu chúng tôi cũng được các đồng chí lãnh đạo, công nhân và nhân dân địa phương tiếp đón nồng hậu. Những chuyến đi này rất bổ ích giúp chúng tôi có dịp đối chiếu giữa lí luận đã thành kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin với thực tiễn cuộc sống ở một nước đầu tiên trên thế giới làm cuộc cách mạng vô sản tháng Mười thắng lợi và hiện nay đang xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Bao nhiêu khó khăn gian khổ mà Đảng và nhân dân Liên Xô đã trải qua và còn tiếp tục trải qua nữa. Một sự cải tổ mới đang bắt đầu mở ra những triển vọng to lớn trên toàn Liên bang Xô- viết. Điều đó đặt nền móng vững chắc cho sự tiến bộ nhảy vọt về các mặt kinh tế - xã hội của đất nước này. Tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy.
Bà Nguyễn Thị Hồng Cường (ngoài cùng bên phải) trong những ngày học tập tại trường Đảng Matcơva |
Ghi lại những dòng cảm xúc này, tôi chợt nhớ đến cô gái Ôlia bé nhỏ của tôi. Tôi gặp Ôlia tại phòng xem vô tuyến truyền hình trên tầng bốn khu nhà tập thể của học viên trường Đảng. Ôlia gật đầu chào tôi. Tôi chào lại và ngồi xuống bên em. Chúng tôi quen nhau một cách giản dị. Một lần Ôlia dụt dè hỏi khẽ tôi:
“Cô là…cô Việt Nam?”
“Em nói đúng.”
“Thế cô ở miền bắc hay miền nam Việt Nam?”
“Cô ở miền bắc.”
“Miền bắc – Ôlia ngước nhìn tôi, mắt em sáng lên – cô ở vùng nào?”
“Cô ở vùng than Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.”
“Hay quá! – Ôlia reo lên, nét mặt rạng rỡ - bố mẹ cháu làm chuyên gia địa chất đang công tác ở vùng mỏ than này.”
Tôi với Ôlia trở nên gần gũi từ đấy và thường ngày hay trò chuyện với nhau.
Bà nội của Ôlia trước đây công tác tại trường Đảng, về nghỉ hưu tại thành phố Rôtstôp. Ôlia sống với bà nội. Còn bố mẹ em sang giúp nhân dân Việt Nam thăm dò địa chất tìm mỏ để phát triển kinh tế. Bà nội Ôlia đến Matxcơva chữa răng. Em theo bà đi và hai bà cháu sống tại khu nhà tập thể của trường Đảng.
“Ôlia mười mấy tuổi rồi?” – Tôi hỏi.
“Thưa cô cháu mười hai tuổi ạ!”
“Bạn Hải Ninh con gái đầu của cô cũng bằng tuổi cháu.”
“Thế cô bao nhiêu tuổi?”
“Cô ba mươi tám tuổi.”
“Cô bằng tuổi mẹ cháu…”
Ôlia reo lên nhưng đột nhiên im bặt, đôi mắt xanh màu nước biển của em rơm rớm nước. Tôi cũng không nén được lòng mình, cảm động ôm chầm lấy em. Một sự trùng hợp kì lạ: Hai bà mẹ bằng tuổi nhau, hai người đều học tập và công tác xa hai đứa con gái bằng tuổi nhau thân yêu của mình.
“Bao giờ cô về Việt Nam, về vùng than Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh, cô cho cháu gửi thư và ảnh của cháu chụp chung với cô để bố mẹ cháu mừng nhé!”
Tôi vui vẻ nhận lời Ôlia.
Ngày nhận bằng tốt nghiệp loại ưu, tôi sung sướng đáp máy bay trở về đất nước. Bà giáo Bulatôva người Matxcơva dạy môn kinh tế công nghiệp lưu luyến đưa tiễn. Bà đưa tôi mang theo đồ chơi và mấy mét vải hoa làm quà cho ba cháu nhỏ ở nhà. Bà ôm hôn tôi thắm thiết:
“Tạm biệt em! Chúc em về mạnh khoẻ, tiến bộ hạnh phúc!”
Tôi bồi hồi xúc động chia tay bà giáo Bulatôva người đã để lại trong lòng tôi những tình cảm tốt đẹp.
Ba năm đi học xa, về nhà có biết bao nhiêu việc bận bịu, song tôi vẫn không quên lời đã hứa hẹn với cô gái Nga nhỏ bé của tôi. Nghỉ ngơi mấy ngày, hai vợ chồng tôi và ba cháu vội vã đạp xe đến khách sạn chuyên gia Cẩm Phả thăm bố mẹ của Ôlia. Anh Natôli và chị Natalia rất vui mừng khi nhận thư và ảnh của cháu Ôlia. Anh chị mời chúng tôi lên phòng riêng trò chuyện cởi mở như người trong một gia đình. Trước lúc găp mặt, tôi đã hỏi thăm biết Natôli là một chuyên gia năng động có nhiều sáng tạo trong việc giúp đỡ cán bộ công nhân địa chất Việt Nam khảo sát thăm dò trữ lượng than để mở thêm lò mới. Anh còn là một nghệ sĩ tham gia bộ phim Toạ độ chết do ngành điện ảnh hai nước Liên Xô – Việt Nam hợp tác xây dựng.
Ngắm bức tranh sơn dầu “Mùa thu vàng” nổi tiếng của danh hoạ Nga Lêvitan treo trên tường nhà, tôi chợt nhớ những phố phường Matxcơva náo nhiệt và những cánh rừng bạch dương óng ả. Nổi bật trên khung cảnh ấy là dáng nét thân quen của các thầy, cô giáo trường Đảng của tôi, cùng với Natasa - Natôli – Natalia và cháu Ôlia. Những hình ảnh đó xao động lòng tôi nỗi nhớ Matxcơva!
(Nhà văn Lê Hường ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hồng Cường - Nguyên Uỷ viên Ban thường vụ tỉnh uỷ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh).
Nguyễn Thị Hồng Cường | Báo Văn nghệ