Diễn đàn lý luận

Có một nước Nga trong chiều Riazan

Tác phẩm và dư luận
06:19 | 21/03/2023
Riazan là quê hương của nhà thơ X. Exênhin (1895-1925). Một buổi chiều thu năm 1992, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đến đây và viết bài thơ Chiều Riazan. Bài thơ nằm trong mảng thơ viết ở nước Nga và về nước Nga, nơi đã nhiều năm nhà thơ du học, gồm những bài như Uống rượu với người bạn Nga (1986), Trăng Mátxcơva (1987), Qua Bôrôđinô (1989), Mátxcơva - mùa Đông 1990 (1990), Qua Suzđan (1992), Đêm Nga (1992), Nhớ Xécgây Exênhin, Với bạn (1992)…
aa

Trần Đăng Khoa

Chiều Riazan

Nhớ Xécgây Exênhin

Bóng chiều đi êm ru

Trên những tầng tháp cổ

Có gì đang xôn xao

Trong khu vườn lặng gió

Thấp thoáng căn nhà gỗ

Nương hồn nước Nga xưa

Và dòng sông mộng mị

Chết đuối trong sương mờ

Những ồn ào sắt thép

Chìm khuất ở phương nào

Ven hồ thu vàng rực

Cây cỏ nằm chiêm bao

Nước Nga rời thành phố

Về náu mình nơi đây

Để linh hồn ở lại

Làm một làn sương bay

Chiều như người mộng du

Đi về đâu chẳng biết

Lẽ nào Xécgây còn

Mà nước Nga lại chết?

1992

Riazan là quê hương của nhà thơ X. Exênhin (1895-1925). Một buổi chiều thu năm 1992, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đến đây và viết bài thơ Chiều Riazan. Bài thơ nằm trong mảng thơ viết ở nước Nga và về nước Nga, nơi đã nhiều năm nhà thơ du học, gồm những bài như Uống rượu với người bạn Nga (1986), Trăng Mátxcơva (1987), Qua Bôrôđinô (1989), Mátxcơva - mùa Đông 1990 (1990), Qua Suzđan (1992), Đêm Nga (1992), Nhớ Xécgây Exênhin, Với bạn (1992)… Chùm thơ chưa đến chục bài, song đã làm nên một diện mạo thơ Trần Đăng Khoa thời kỳ trưởng thành…

Bức tranh phong cảnh làng quê Nga

Thiên nhiên Nga, hay nói cụ thể là thiên nhiên của làng Konstantinovo nhỏ bé thuộc tỉnh Riazan, dưới ngòi bút của Trần Đăng Khoa được miêu tả thật sinh động, xúc động. Một buổi chiều thu ở nước Nga xưa với những khu vườn lặng gió, những tầng tháp trên những nhà thờ cổ kính, những căn nhà gỗ, những làn sương mờ bao phủ trên sông, những làn sương bay. Rồi mùa thu vàng, rồi cỏ cây, hồ nước… Cảnh vật ấy thật thân thuộc với những tâm hồn Nga. Bức tranh ấy không chỉ có hình mà còn có hồn. Nó vắng lặng, trầm mặc, dịu dàng, bình yên, mộng mơ, hư ảo như ở một cõi thoát tục, cứ xâm chiếm cõi lòng...

Những từ ngữ trong bài thơ đã miêu tả thật chính xác, thần tình cái mơ màng, mộng mị, sương khói của không gian nghệ thuật ấy: “bóng” (chiều), “êm ru”, “thấp thoáng”, “nương hồn”, “mộng mị”, (sương) “mờ”, “chìm khuất”, “chiêm bao”, “náu” (mình), (sương) “bay”, “mộng du”… Hàng loạt những từ chỉ trạng thái bình yên, tĩnh lặng khiến cho cảnh vật như trong truyện cổ tích... Nếu có chút “xôn xao” (Có gì đang xôn xao/ Trong khu vườn lộng gió) thì cái “xôn xao” ấy chắc không phải thực mà là ảo. Đó là cái “xôn xao” của những “linh hồn ở lại”. Người làm thơ cảm nhận cảnh vật không chỉ bằng ngũ quan, mà cả bằng giác quan thứ sáu.

Để miêu tả bức tranh thiên nhiên Nga rất có hồn ấy, Trần Đăng Khoa đã có những bước chuyển về mặt bút pháp. Nếu như ở gần 500 bài thơ của Trần Đăng Khoa có vẻ đẹp mộc mạc, dung dị, chân quê, nó “trung thành một lối nói tự nhiên, hồn hậu, chân chất, thuần khiết, đằm lắng” (Đình Kính), thì ở Chiều Riazan một mặt nhà thơ vẫn điêu luyện trong tả cảnh, vẫn tinh tế trong tả tình nhưng bài thơ mang một vẻ đẹp khác - vẻ đẹp huyền ảo. Cảnh vật lãng đãng, vô hình sương khói, như trong lớp sương mờ của ký ức, như một bức tranh thủy mặc…

... Và những câu thơ của Exênhin đồng hiện

Exênhin vốn được xem là “Vị chúa tể của làng quê, thiên nhiên Nga”. Nước Nga trong thơ Exênhin không phải là một nước Nga ở thành phố “ồn ào sắt thép” mà là một nước Nga nông thôn xưa, đã đi vào những vần thơ tuyệt vời và bất hủ của thi sĩ. Những câu thơ của Trần Đăng Khoa tưởng lạ mà lại vô cùng quen thuộc vì có sức gợi nhớ tới những câu thơ của Exênhin. Cái “khu vườn lặng gió” trong Chiều Riazan ấy, Exênhin đã viết trong bài thơ Thư gửi mẹ: “Con sẽ về khi vào độ xuân sang/ Mảnh vườn ta trắng cây cành nảy lộc”. Cái “căn nhà gỗ/ Nương hồn nước Nga xưa” ấy, Exênhin đã từng khẳng định:

“Nước Nga, nước Nga bằng gỗ của tôi

Người ca duy nhất chỉ tôi thôi”

Và cái “Dòng sông trôi mộng mị/ Chết đuối trong sương mờ” trong buổi chiều thu ở Riazan ấy, đã từng được Exênhin miêu tả với những màu nguyên;

“Ôi nước Nga cánh đồng màu thắm đỏ

Và màu xanh ngả xuống giữa lòng sông

Tôi yêu đến sướng vui và đau khổ

Nỗi sầu thương hồ nước trải mênh mông”

Hồ nước càng đẹp trong Chiều Riazan khi mùa thu về: “Ven hồ thu vàng rực/ Cây cỏ nằm chiêm bao” cũng từng xuất hiện trong thơ Exênhin: “Nước Nga vàng hãy vang ngân réo rắt”. Màu vàng ấy là màu tiêu biểu của mùa thu nước Nga... Có ai đã nói: “Nếu đem tất cả vàng trên thế gian mà phủ lên trên trái đất này cũng không thể như mùa thu vàng phủ trên khắp nước Nga…”

Phía sau bức tranh phong cảnh thiên nhiên

Bức tranh phong cảnh thiên nhiên lộng lẫy trong Chiều Riazan ấy không chỉ có cảnh mà còn có tình, có chiều sâu nội tâm. Cả bài thơ tràn đầy tình cảm trân trọng yêu quý với nước Nga xưa. Một nước Nga với những giá trị đạo đức thẩm mỹ đã được kế tục qua nhiều thế hệ trong đời sống của người nông dân Nga: “Thấp thoáng căn nhà gỗ/ Nương hồn nước Nga xưa/ Và dòng sông mộng mị/ Chết đuối trong sương mờ”.

Bài thơ cũng tràn đầy tình cảm yêu mến, trân trọng đối với Exênhin. Chính tình cảm ấy đã giúp nhà thơ “vẽ ra được linh hồn và tinh chất của Exênhin”. Cả bài thơ như bảng lảng bóng hình của thi sỹ ở xứ sở Bạch Dương giữa cỏ cây, sông nước, quê nhà…

Chiều Riazan không chỉ thấm đẫm tâm hồn Nga, một tâm hồn đầy nữ tính, yêu thiên nhiên tha thiết và sống gần gũi với thiên nhiên; mà nó cũng thấm đẫm nỗi niềm Nga…

Bài thơ được viết vào năm 1992, thời kỳ đó nước Nga đang phải sống những ngày khốn khó. Nước Nga khi đó đang trong bối cảnh chuyển từ một Liên bang Xô Viết vững chắc sang một nước Nga mỏng manh, dễ vỡ và đầy biến động; với những quan niệm, những giá trị cũ bị đổ vỡ; với một nền văn học đỉnh cao đã từng chinh phục cả thế giới, với những tác giả lỗi lạc đã trở thành danh nhân văn hóa của nhân loại; bỗng bị rơi tõm xuống vực sâu với những khủng hoảng tột độ về giá trị và có nguy cơ bị lãng quên… Câu kết bài thơ: “Lẽ nào Xécgây còn/ Mà nước Nga lại chết?” vừa trăn trở day dứt, lại vừa buồn thương tiếc nuối những gì đã tuột khỏi tầm tay, có sức nặng và chiều sâu suy ngẫm.

Có thể nói với Chiều Riazan, Trần Đăng Khoa đã làm mới mình. Vẫn còn đó sự tài hoa trong ngôn từ, trong hình ảnh, nhạc điệu; nhưng mới về bút pháp và phong cách, mới trong âm điệu trữ tình với sự buồn thương và trầm mặc… Nhà thơ đã phủ lên hiện thực sự huyền ảo, khói sương. Bài thơ còn lớn về tư duy, về sức khái quát và tầm tư tưởng. Chính vì vậy mà nó vừa đẹp, vừa xúc động lại vừa ám ảnh…

Nguyễn Thị Lan

Nguồn Văn nghệ số 11/2023


Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).