Nhà văn Dương Thị Xuân Quý |
Nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941 tại số nhà 195 Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chị sinh ra trong một dòng họ nổi tiếng về truyền thống trí thức yêu nước quê gốc tại thôn Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Ông nội chị, cụ Dương Trọng Phổ và bác ruột chị là Dương Bá Trạc đều tham gia phong trào Đông Kinh - Nghĩa Thục và bị thực dân Pháp bắt giam tại Côn Lôn. Bác ruột nữa của chị là giáo sư, liệt sĩ Dương Quảng Hàm - nhà nghiên cứu văn học, nhà giáo uyên bác. Thân phụ chị, ông Dương Tụ Quán là một nhà giáo, nhà báo, người chủ trương nhiều tờ báo trước năm 1940. Các anh, chị em chú bác ruột với Dương Thị Xuân Quý rất nhiều người thành danh trong sự nghiệp văn chương, nghệ thuật và khoa học. Có lẽ do ảnh hưởng của truyền thống gia đình như vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, chị đã có năng khiếu viết và say mê văn chương.
Thuở nhỏ, chị theo gia đình lên Thái Nguyên tham gia kháng chiến. Sau ngày giải phóng Thủ đô, trở lại Hà Nội, chị theo học trường tiểu học Lý Thường Kiệt, học cấp 2 tại trường Trưng Vương. Sau này, chị chọn cho mình theo ngành Trắc địa mỏ tại Quảng Ninh nhưng với khả năng viết của mình, chị thường xuyên cộng tác với báo Tiền Phong và báo Lao động. Cũng từ đây, tên tuổi của chị xuất hiện nhiều trên các mặt báo. Chị theo học một khóa báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, chị về làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968. Với những cố gắng tích cực trong suốt quá trình học tập và làm cộng tác viên, phóng viên, chị đã nhận được nhiều giấy khen, giấy chứng nhận và bằng khen.
Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cô phóng viên xông xáo, can đảm đã có mặt tại tuyến lửa Quân khu IV. Chị chọn cách hành nghề vô cùng quả cảm, trực tiếp đến nơi ác liệt nhất mới hiểu được lòng dân và các chiến sĩ bộ đội để được những trang viết có giá trị. Nhiều bài báo, một số truyện ngắn và bút ký, chị viết ngay tại tuyến lửa này.
Giấy khen và giấy chứng nhận của nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý được bà Dương Thị Mai (chị ruột) hiến tặng Bảo tàng Hà Nội năm 2014 - Ảnh: Đặng Lan Hương |
Người con gái Hà thành mạnh mẽ, với quyết tâm cháy bỏng, tình nguyện viết đơn xin vào miền Nam chiến đấu. Tháng 2 năm 1966, chị lập gia đình với nhà thơ Bùi Minh Quốc. Tháng 4 năm 1968, gửi con gái nhỏ mới 16 tháng tuổi cho thân mẫu, chị lên đường vượt Trường Sơn vào nhận nhiệm vụ phóng viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng thuộc Trung Trung bộ, Quân khu V - nơi mà chồng chị đã có mặt từ một năm trước đó.Những năm tháng ấy, Quảng Đà là chiến trường ác liệt nhất của khu V nói riêng và của cả miền Nam nói chung. Đây cũng là mảnh đất anh hùng, kiên trung bất khuất. Vượt qua gian khổ, chị quyết tâm đến với Quảng Đà. Thế rồi, đêm ngày 8 tháng 3 năm 1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân địch, chị đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chị ra đi ở tuổi hai mươi tám phơi phới thanh xuân khi đang tràn đầy sức viết và khát vọng sáng tạo.
Nhớ về chị là nhớ về những lá thư chị gửi về cho gia đình, kể chuyện tình hình đi công tác, kể chuyện địch thả bom bắn phá. Chị viết: "Em về Nghi Ân bị hai trận bom kinh khủng quá. Hôm 30 tháng 6 lúc 1 giờ trưa nó đến thả bom và bắn đạn rốc két suốt 1 tiếng đồng hồ. Em đang làm việc ở trong nhà, chỉ kịp bước chân xuống đất đã nghe nó bắn rung nhà, sau cứ lăn trườn theo giao thông hào ra hầm hàm ếch..." Và: "Em đã được thấy máy bay Mỹ rơi xuống như một chiếc lá và tóe lửa cháy. Nó còn sạt trên đầu mà vẫn phải reo ầm lên. Khoái quá đi mất. Lần đầu tiên đấy..."
Gạt lại phía sau hạnh phúc riêng tư, vượt lên nỗi nhớ thương con, trút bỏ những yếu mềm của người phụ nữ, vượt qua gian khổ, những trận đói và sốt rét, chị đã tác nghiệp trực tiếp giữa bom đạn. Ở đó sự sống và cái chết hết sức mong manh. |
Nhớ về chị là nhớ những dòng nhật ký đầy cảm xúc của một người mẹ xa con thơ bé bỏng, sống giữa vùng chiến bom đạn khói lửa, chị viết: "Ngoài nỗi nhớ Ly và Hà Nội ra mình không sợ gì cả"; "Ôi thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ như vậy là mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ. Vừa biết nói là nói hai tiếng Đi Nam".
Gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, vượt lên nỗi nhớ thương con, trút bỏ những yếu mềm của người phụ nữ, vượt qua gian khổ, những trận đói và sốt rét, chị đã tác nghiệp trực tiếp giữa bom đạn. Ở đó sự sống và cái chết hết sức mong manh. Mỗi chuyến đi, mỗi trang nhật ký chị ghi chép tỉ mỉ và kỹ lưỡng để có những tác phẩm đi vào lịch sử văn học chống Mỹ với văn phong rất riêng phản ánh chân thực cuộc sống của quân và dân Khu V. Chị để lại nhiều tác phẩm như: truyện Chỗ đứng, bút ký Gương mặt thách thức, truyện ngắn Hoa rừng... Năm 2007, chị được truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Những lá thư nhà văn - liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý gửi về gia đình được bà Dương Thị Mai (chị ruột) hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội năm 2014 - Ảnh: Đặng Lan Hương |
Chiến tranh đã qua đi, Dương Thị Xuân Quý mãi không trở về. Nhớ về chị là nhớ về cả một thế hệ cha anh đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Với đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cao đẹp của dân tộc, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 mỗi năm là dịp để Đảng, Nhà nước và người dân khắp mọi miền trân trọng, bày tỏ lòng biết ơn với những người con đã hy sinh, những gia đình có công với cách mạng. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.