Cách đây không lâu, một anh bạn nhà văn của tôi, nhân mở xem một bài viết bàn về bộ phim "Hoàng Lê nhất thống" trên tờ đặc san nọ, chợt la lên: "Quỷ quái gì thế này, mình có phát biểu với cô ta về bộ phim này đâu mà cô ta lại lôi cả vào. Mà nói thì phải nói có đầu có cuối chứ đưa cụt lủn thế này." Tác giả bài báo là một nữ phóng viên. Còn nhà văn, không giấu được bực bội: "Thật là hóng hớt!".
Hóng hớt là những từ chỉ sự hóng nghe chuyện của người khác. Hóng đón, hóng để mà hớt. Vì thế, hóng hớt là sự không mấy hay ho gì, hàm ý chê trách; Được dùng rất tài tình. Chả vậy mà các cụ ta từ thượng cổ tới tân kỳ vẫn dùng: "Chỉ được cái hóng hớt" hoặc "Cái thằng/con hóng hớt".
Minh họa |
Người có văn hóa, không phải chuyện của mình thì không hóng. Còn những người hay hóng hớt cũng có thể là quá "nhậy cảm", quá láu táu, hoặc hay tọc mạch, hoặc rỗi hơi ưa dựng chuyện... Trong cuộc sống hàng ngày, không hiếm người hóng hớt như vậy. Xin lỗi các quý bà, quý cô, đối tượng ưa hóng hớt lại "ăn" vào chị em ta hơi nhiều, nên có thể đặt biệt danh cho cái sự này là Hóng Thị Hớt.
Thường đã hóng hớt thì cũng hay kiếm chuyện làm quà, tò mò vặt vãnh chuyện người, thậm chí điêu toa vì nó có sẵn nhân tố "hớt". Hóng hớt và ngồi lê đôi mách chính là hai chị em ruột, có cùng nhóm máu. Chị em nhà hóng hớt này vẫn hay ngồi gẫu bên lề cuộc chuyện, lê la đầu đường xó chợ, kẽ vách láng giềng, quán sá..
Từ nỗi bực mình của nhà văn trên, tôi chợt ngẫm về báo giới ta. Chúng ta có nhiều nhà báo xịn; lòng tự trọng, nhân cách và bản lĩnh cầm bút cao cường; đang góp cho nền báo chí nước nhà có diện mạo mới và hữu ích. Song cũng không ít chuyện phiền toái đã xảy ra chỉ vì có một số ký giả cũng mắc bệnh "hóng"; chỉ nghe thấy thoáng chuyện ở phòng trà... liền gắn vào mồm nhân vật nọ một quan điểm, đối tượng kia một cuộc "phỏng vấn" trên mặt báo. Có người lại "hóng" gián tiếp qua người thứ hai, thứ ba. Và thổi một dúm tư liệu hư hư thực thực đó thành cột, thành mục, thành bài đến nỗi, ngay cả một số nhà văn có tài "bịa" cũng bái phục vì không giàu óc tưởng tượng đến vậy. Thậm chí, họ còn bịa hoàn toàn cả một câu chuyện để câu cái túi, vốn đang ở thời rất biết đắn đo của bạn đọc.
Ai cũng biết, hóng hớt và ngồi lê đôi mách thật tại hại. Nhung ngoài đời, lời nói gió bay lên giời, hơi đâu mà chấp miệng thiên hạ. Còn ở trên mặt báo, bút tích để lại năm này, tháng nọ, thông tin lại quảng bá rộng rãi nên người nào lỡ bị ký giả cho "phơi áo" oan, dẫu có gột rửa được thì cũng đã hằn vết. Không hiếm chuyện vợ chồng, bạn bè, cấp trên cấp dưới nghi kỵ nhau vì những thông tin thất thiệt. Một người bạn có kinh nghiệm bảo tôi: "Tớ sợ các nữ ký giả xinh đẹp lắm. Gặp các vị, cứ khen xinh đẹp và... lảng là thượng sách”. Anh chàng này vốn xưa kia cũng hay cam đàm khoát luận, nay cứ gặp các nữ ký giả là nín thít, không dám ọ ọe, chắc đã từng gặp hạn.
---------
Bài viết cùng chuyên mục: