Sáng tác

Đầm Vạc. Truyện ngắn của Phùng Văn Khai

Phùng Văn Khai
Truyện
11:00 | 11/09/2024
Baovannghe.vn - Bên nấm mộ chưa mọc cỏ, đột ngột hiện ra một con người quắc thước tóc râu bạc trắng. Rõ rằng cụ là người vì từ hai hốc mắt đang rỉ ra từng giọt nước
aa
Đầm Vạc. Truyện ngắn của Phùng Văn Khai
Đầm Vạc - truyện ngắn của Phùng Văn Khai

Dưới chân con đường ngoằn ngoèo xao xác bông may dẫn ra phía nghĩa địa thấp thoáng ẩn hiện một bóng người lẫn lấp trong lô xô mồ mả. Trời xâm xẩm, gió bấc rít phành phạch trên những tàu lá bạch đàn còn sót lại sau mùa bão. Một con bói cá đen sì muộn mằn lao biệt tích về phía đầm Vạc. Trời ập xuống thâm thấp màu xám chì. Cánh đồng đã quạnh quẽ từ nửa buổi, bổ sung cho nghĩa địa sự ảm đạm lạnh lẽo vốn có của nó.

Bên nấm mộ chưa mọc cỏ, đột ngột hiện ra một con người quắc thước tóc râu bạc trắng. Rõ rằng cụ là người vì từ hai hốc mắt đang rỉ ra từng giọt nước rơi xuống chiếc áo đại cán đã sờn rách. Cụ trừng mắt nhìn về phía làng hồi lâu rồi cúi xuống tha thiết nhìn nấm mộ chật ních những vòng hoa đã héo rũ đang lật phật trước gió. Chừng lâu lắm, cụ lần tìm diêm đốt thêm nắm nhang, kính cẩn cắm lên nấm mộ và thì thầm điều gì đó rất nhỏ rồi uể oải đứng dậy, thập thõm bước ngược trở lại con đường ban chiều. Đêm đã xuống từ lâu nhưng chừng như con đường đã quen với cụ. Đến lối rẽ, cụ không rẽ xuôi về phía làng mà lặng lẽ bước ngược ra mạn đầm Vạc. Ở đó có một căn lều nhỏ. Căn lều le lói sáng lên.

*

Ngay lối rẽ ở đầu làng, mới mọc lên một tòa nhà hai tầng màu xanh dịu.

Chủ nhân là một trung niên vóc vạc trung bình, có khác chăng là cái chức trưởng thôn mới nhận. Ở làng, có đến dăm ông trưởng thôn cũ, mới. Họ na ná giống nhau vì ai cũng có nhà hai tầng, xe máy chạy ve vé. Khác là trưởng thôn sau nhà phình to hơn, xe máy "xịn" hơn trưởng thôn trước. Hóa ra anh nông dân tốt ăn, bụng cũng đẫy ra. Thì cứ nhìn thẳng vào anh Thất bây giờ là rõ. Từ dạo anh làm trưởng thôn, cái cơ thể tầm thước cứ đùn đùn lên mãi.

Thất ngồi ênh ễnh giữa nhà trên bộ sa lông Tây, khuôn mặt thuẫn ra bệch bạc dưới ánh đèn nê ông be bé dội xuống. Phía góc nhà, trên cái giường hộp đời mới, một phụ nữ khép nép ngồi im, thỉnh thoảng lại lo lắng nhìn ra chỗ Thất. Trên bàn thờ phía góc khuất, ảnh một người đàn ông mặc quân phục đã ố nhòe thấp thoáng ẩn hiện dưới màu khói. Không khí có vẻ căng thẳng khi người đàn ông cựa quậy, rồi lại loãng ra sau tiếng thở dài của người đàn bà. Đêm đã vào khoảng giữa.

Đột nhiên có tiếng gõ cửa, người đàn ông giật mình rồi chau mày gật gật đưa mắt nhìn vợ, người đàn bà run rẩy tìm đôi dép rồi rón rén đi về phía cửa, lập bập rút chốt ra.

Khách ào vào như một con lốc, lấm lét nhìn ra phía cửa còn chưa kịp đóng kín rồi bò sát đến bên chủ thì thào điều gì đó, chốc chốc lại lấm lét nhìn xung quanh. Chủ nhà gần như ngã hẳn trên thành ghế, mặt thoắt tái, rồi đỏ, rồi lại tái. Nếu ai rất thính tai, sẽ nghe được mẩu đối thoại sau:

- Mày là thằng ăn hại. Mày giết tao rồi, Lẫm ạ.

- Số mệnh... số mệnh. Em lạy anh... phải làm tới vụ này.

- Làm gì nữa. Ông cụ đêm nào cũng hiện về trừng trừng nhìn tao, bắt phải giải oan cho lão Kiệm. Thôi bỏ vụ này đi.

- Mình đã cưỡi hổ rồi, anh bỏ dở là chết. Mà này, công an đang đòi khai quật tử thi đấy....

- Láo! Bố tao! Ai dám?... Thế mày bảo bây giờ tính sao?

- Cho tiêu nốt lão Kiệm là ổn.

- Hả...?

- Em xin ý kiến anh để giải quyết.

- Đồ ngu! Mày làm thế khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Bây giờ nằm im nghe chưa, xem động tĩnh thế nào đã. Lơ mơ, tù mọt gông đấy con ạ.

-Dạ!

Người thanh niên tên Lẫm cúi gập người, lí nhí chào rồi vội vã biến vào bóng tối. Đêm đông đặc quánh nhanh chóng nuốt chửng con người sặc mùi sát nhân kia, thốc vào chủ nhân một luồng gió bấc tê tái, báo hiệu một điều chẳng lành đang chờ hắn.

*

Lão Kiệm thơ thẩn loanh quanh dọc bờ đầm. Năm nay, đã sắp tết mà lão không buồn thu hoạch cá. Những chú trắm, chú trôi ườn tấm lưng nung núc vờn sóng trước mặt lão. Cao hứng hơn, lũ mẻ đua nhau phóng mình lên cao rồi lao chõm xuống nước. Lão nhìn đầm Vạc mêng mang, lòng uẩn ức một nỗi đau trần thế. Lần đầu tiên trong đời, lão phải chứng kiến một tình cảnh tang thương đến thế. Khốn nỗi, lão còn bị tình nghi là thủ phạm. Lão không bào chữa gì. Thì người bạn già đã thế mạng cho lão, lão còn bào chữa gì nữa. Nhưng rồi người ta lại im đi, tin là ông Khắc bị cảm. Lão mặc kệ. Hơn ai hết lão biết thủ phạm là ai. Có điều người chết thì chết rồi, lão làm rõ trắng đen, hóa ra lại hại người sống. Lão tự nhủ sẽ cố làm nốt năm nay, rồi thì trả đầm Vạc lại cho xã, tìm một ngôi nhà nào đó, nương tựa đến hết đời.

Lão bước vào căn lều, lập bập tra thuốc vào lõ điếu, từ từ ngửa cổ nhả đụn khói ra, đụn khói quẩn lên, trôi hút ra phía đầm, lão tần ngần nhìn về phía ấy...

... Cách đây hơn chục năm, lão Kiệm đột ngột trở về làng. Thằng bé không gia đình họ mạc ngày trước giờ đã là một vị cán bộ quân đội. Ông Khắc mừng đến phát điên lên, lay lắc ngắm nghía bạn. Hai người dắt nhau ra đầm, lão bốc nắm đất lên mà lòng rưng rức nhớ về ngày trước. Ngày trước, lão vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở chợ, được một cụ già trong làng đem về nuôi. Năm Kiệm lên chín thì cụ mất, lão ra cái lều ở đầm Vạc sống, mò cua bắt cá qua ngày.

Đầm Vạc ngày ấy hoang vu lắm. Cò vạc các nơi kéo về sinh sôi nảy nở bạt ngàn, sơ sẩy là dẫm vào trứng, vào chim non mới nở. Kiệm sống ở đầm bảy năm tròn, ba năm sau có thêm Khắc.

Ở đầm, Kiệm là con rái cá. Đôi khi lặn bắt cá, Kiệm cũng thường nhìn thấy loài này nhưng Kiệm mặc kệ chúng, coi chúng là bạn đồng nghiệp. Bọn rái cá chừng cũng thích Kiệm vì Kiệm rất lì lợm. Kiệm bắt cá đổi gạo ở chợ, ngày nào biết ngày đó. Có đận bão liền mấy ngày. Kiệm nhịn. Lũ rái cá hè nhau tặng Kiệm mấy con cá quả mà Kiếm kiên quyết không nhận. Kiệm thà đói chứ quyết không ngửa cổ xin ai.

Khi có thêm Khắc thì Kiệm càng ít ra chợ. Kiệm thường bắt Khắc kể các mẩu chuyện nghe lỏm được ở chợ về du kích, về bộ đội cụ Hồ. Hai thằng suốt đêm xì xầm bàn bạc với nhau.

Đêm hôm rời đầm, quyết chí lên chiến khu, cả hai lặng lẽ nhìn căn lều cũ nát.

"Hết giặc nhất định tao sẽ về đầm Vạc!"

Khắc ôm chặt bạn, nhìn ra ngoài đầm. Ở đàng đông đã rực lên một ngày mới.

... Hai người thơ thẩn mãi bên bờ đầm Vạc. Vài chục năm trôi qua mà xem chừng nó vẫn không thay đổi là mấy. Qua hai cuộc chiến tranh, lão không ngờ vẫn còn được thấy hai người bạn thân thiết - Ông Khắc và đầm Vạc. Ngày thất lạc ở Điện Biên, lão đã lo nhiều cho bạn. Rồi chiến tranh cuốn lão đi từ miền này qua miền khác. Hết giặc. Lão nhớ lời hẹn, nhớ đầm Vạc, lão xin được trở về nơi đã nuôi nấng lão.

Xã cấp đất cho lão làm nhà, lão không nhận. Ông Khắc tình nguyện nhường cho lão một sào vườn lão không ưng. Lão xin hợp tác xã cho lão thầu đầm Vạc.

- Có mà điên - Ông Khắc gắt lên với bạn.

- Để đầm hoang nó phí. Vả lại, tao không vợ con gì. Mày còn nhớ ngày xưa đầm Vạc cưu mang hai đứa, tao vẫn ước.

- Ước cái con khỉ mốc, cánh thanh niên thầu đầm thua lỗ đầy kia kìa.

- Tao đã có cách. Vả lại, còn lương hưu....

Thế mà lão làm được thật. Luôn mấy năm liền trúng lớn, tiền bán cá lão chẳng biết làm gì, lão cho xã vay xây trường học. Con rái cá già trở lại đúng sở trường của nó. Dân làng yêu mến lão, lão cũng rất hài lòng với công việc của mình.

Nhưng việc đời phải đâu cứ xuôi chiều như thế.

*

Từ ngày quốc lộ nắn sát ra tận đầm Vạc thì đầm bỗng trở lên sôi động. Lão Kiệm đêm ngày lo lắng cho lũ cò vạc ngày một thưa thớt vì tiếng động của đủ thứ mang lại. Người làng đang dồn đầm sắp được bán cho người nước ngoài để xây hồ tắm và sân quần vợt. Lão Kiệm buồn ra mặt, hay ngơ ngẩn bên căn lều và rất ít ra ngoài.

Toán người lố nhố tiến về phía đầm. Lão Kiệm nhận ngay ra thằng Thất trưởng thôn đang băm bổ đi trước. Tiện có nó, lát lão sẽ gửi biếu ông Khắc mấy con cá. Người đâu mà lạ thế nhỉ? Ồ! Mấy ông Tây. Đích thị là Tây rồi! Họ hiền hơn lũ lính Pháp hồi Điện Biên và lính Mỹ hồi sáu tám. Tự dưng, lão thấy trào lên một cảm giác gì đó. Lão vô ý nắm chặt chuôi con dao rồi lại run run rời nó ra.

Toán người đã tiến sát lều. Họ chỉ chỏ mấy con cò trắng muốt đang bình thản chăm chỉa bộ lông cánh. Một người phụ nữ rút máy ảnh. Lão Kiệm ngơ ngác nhìn vào cặp mắt xanh nâu.

- Bố Kiệm có nhà không đấy!

- Thất à, vào đây con!

Mấy vị Tây lom khom chui vào lều. Lão tiếp khách bằng chè sen và rượu thuốc. Mấy lại Tây thi nhau chụp ảnh căn lều, chụp ảnh lão, chụp ảnh đầm Vạc.

Chụp thỏa thích, toán người chào lão ra về. Thằng Thất lúc đó mới ghé tai lão, thì thào:

- Họ định mua đầm đấy. Bạc tỉ bố ạ. Phen này bố tha hồ phất.

- Mua đầm à? Nhưng mà để làm gì chứ?

- Cụ khốt ơi! Thì làm bể bơi, sân quần vợt, nhà hàng, khách sạn. Tùy thích họ. Kệ xác họ.

- Tao không bán.

- Ơ... Bố... mà thôi, để con tính sau vậy.

Thất nói với một câu rồi hùng hục chạy theo mấy vị Tây. Còn trơ lão Kiệm. Chợt có tiếng cá lạch xạch dưới thuyền. Lão quên mất việc biếu cá. Lão bần thần nhìn theo đám người mất hút trên chiếc xe đời mới rồi bước xuống thuyền nâng mấy chú cá nhẹ nhàng thả xuống đầm nước. Lũ cá quẫy quẫy, ngơ ngác nhìn lão rồi phóng mình hút vào sóng nước mênh mang.

Sau ngày ấy, lão đến mất ăn mất ngủ với thằng Thất. Nó suốt ngày tỉ tê, phân tích, van nài lão bán đầm. Lão nói cạn nhẽ nó không nghe. Lão nói thẳng:

- Chúng tôi chiến đấu giành lại từng tấc đất không phải các anh thích bán là bán.

Thấy không lay chuyển được lão Kiệm, Thất lục tung giấy tờ về đầm. Vô vọng. Văn bản thầu đầm của lão Kiệm là 20 năm, nghĩa là phải đợi sáu năm nữa. Mẹ khỉ! Không thể phí thế được, phải nghĩ ra, bằng mọi cách.

Thất chợt nghĩ đến bố. Phải rồi, hai người thân nhau là thế. Nhất định...

- Anh coi tôi là gì mà xui lão Kiệm bán đầm. Các anh đừng có làm liều, dân họ đang chửi cho đấy.

Thất chưng hửng trước quan điểm của bố, hậm hực bỏ đi tìm Lẫm, kẻ môi giới vụ này, thì thào bàn bạc suốt đêm. Từ xa, lão Kiệm đã nhận ra dáng đi cà nhắc của bạn, lão hăm hở bước ra khỏi lều, chạy lại đón ông Khắc.

Hai người già lui cui bên ấm nước. Loanh quanh thế nào, câu chuyện lại trở về đầm Vạc.

- Tôi không bán cụ ạ! Kể thì khí không phải với thằng Thất nhưng mà...

- Cụ nói đúng đấy. Chúng nó còn trẻ, chưa tường tận lẽ đời, cụ đừng chấp. Hôm nay, tôi ra đây là để xin lỗi cụ về chuyện ấy.

Ông Khắc với tay thông thông cái điếu, châm lửa hút rồi lại khảo khạo ho. Tiếng lão Kiệm :

- Đất đai bây giờ cứ có tiền là chúng mua được, tôi buồn quá cụ ạ.

- Tôi cũng buồn lắm. Dạo nọ nghe nói ở làng trên bán ruộng cho người nước ngoài, họ nhổ lúa đang trổ bông, tang thương lắm...

Hai người già im lặng. Thi thoảng, tiếng nổ điếu lại lọc xọc rên lên. Chừng lúc lâu, thấy tiếng lão Kiệm.

- Thôi kệ chúng nó. Kệ đầm Vạc. Chả mấy khi cụ ra đây, để tôi kiếm con cá, ta làm chén rượu.

Nói đoạn, lão Kiệm đứng dậy, gỡ tay lưới, xăm xắm bước xuống thuyền...

...Khi lão quay thuyền về thì đã thấy tiếng chân chạy rầm rập. Lão cuống cuồng nhảy ào lên bờ, tụt xuống rồi lại bò lên, lại tụt xuống. Lẫn trong tiếng sóng ì ọap, lão nghe rất rõ tiếng thằng Thất.

- Anh Thất... mau lên... uống nhầm...

- Cái gì... cái gì...

- Bác nhà thuốc độc... Đầm Vạc...

- Mày giết tao rồi Lẫm ơi...

Khi lão bò lên được thì mọi người đã đi xa. Lão bàng hoàng nhìn vào lều và bất giác rùng mình khi thấy nửa chai rượu lão chưa uống đã cạn nhẵn. Lão gào lên.

- Quân bất lương!

Sau cái chết của ông Khắc, lão Kiệm bị sốc mạnh. Chiều nào lão cũng lếch thếch đi vào bãi tha ma, chân cao chân thấp. Chiều nay cũng vậy, lão bập bõm bước về phía mộ bạn, bật diêm đốt nhang. Trong cái hoang lạnh của nấm mồ, khói hương vẽ lên trời một sắc ấm mỏng nhạt. Lão ngồi xuống cạnh nấm mộ, hai hốc mắt lại bắt đầu ri rỉ. Rồi lão thầm thì điều gì đó rất nhỏ, rất nhỏ, tan biến ngay trong gió, chỉ thoảng lại mấy từ: "... Khắc ơi... tha thứ cho nó.... trót dại..." Lão gục hẳn xuống nấm mộ, thỉnh thoảng đôi vai lại giật giật.

Bên nấm mộ chưa mọc cỏ, mái đầu bạc phếch của lão Kiệm dần lẫn mất trong sương trắng hoàng hôn.

Đoạn kết:

Ngay trong thời gian đó, công an theo thư tố giác của quần chúng đã về khai quật xác ông Khắc, làm rõ vụ cố ý giết người để lừa đảo chiếm dụng bán trái phép đầm Vạc. Sau khi ôm gọn số tiền của cả hai bên, tên Lẫm đã biến mất không một dấu vết. Căn nhà hai tầng của trưởng thôn Thất phải gán để trả nợ cho ngân hàng. Vợ Thất bỏ đi theo trai, người ta bảo thằng đó chính là Lẫm.

Trong làng bây giờ xuất hiện một người đàn ông điên, gặp ai hắn cũng nhận là đã giết bố, trẻ con đi theo đông lắm. Hắn đi đâu cũng nói sẽ trả thù đồng tiền, người ta cho tiền hắn không lấy, hắn chỉ ăn những thứ thừa mứa để sống.

Được mấy năm thì không ai thấy người đàn ông điên đâu. Dân làng đồn rằng: Vào một đêm bão lớn, hắn ngã xuống đầm rồi mất luôn cả xác.

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Ngày biển động . Truyện ngắn dự thi của Lê Sơn Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ
Văn nghệ Trẻ, số 18/1997
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà