Bây giờ, chúng ta kinh ngạc khi có một nữ lãnh đạo phát biểu trước một cử tọa chọn lọc như thế này, đại ý: “Nếu con em lãnh đạo mà làm lãnh đạo, thì đó là hồng phúc của dân tộc…”. Thầm nghĩ, hồi xưa, đến vua chúa cũng không dám nói một câu trắng trợn đến như vậy.
“Hồng phúc của dân tộc” là một khái niệm, hồi xưa, không đặt vào những cá nhân, mà đặt vào những gì mang ý nghĩa biểu tượng, mang giá trị đã được kiểm chứng, chứ không mang những giá trị giả định. Không ai biết được con cái lãnh đạo là thế nào, sẽ như thế nào khi họ làm lãnh đạo, thì cũng đừng vội vàng cho đó là những “hồng phúc của dân tộc”.
Tôi nghĩ, dân tộc ta cũng đã có được những hồng phúc, tuy không nhiều lắm, so với những tai họa mà dân tộc phải chịu đựng, từ lịch sử tới đương đại. Một dân tộc đã trưởng thành thì không dựa nhiều vào “hồng phúc”, bất kể nó đến từ đâu, nó là cái gì. Một dân tộc trưởng thành dựa vào năng lực bản thân, dựa vào thực lực mình có, dựa vào sự tự tin và khát vọng của mình, hơn là dựa vào hồng phúc.
Hồi chiến tranh chống Mỹ, tôi đã gặp rất nhiều những người giao liên, nam có nữ có, họ cũng có độ tuổi rất khác nhau, từ thiếu niên tới người trung niên. Không ai gọi họ là “hồng phúc của dân tộc”, trừ những người như chúng tôi được họ dẫn vượt qua những đoạn đường hiểm nguy. Nếu có thể, chúng tôi xin gọi họ là “hồng phúc của chúng tôi”, vì họ đã nhiều phen cứu chúng tôi thoát khỏi những tình huống nguy hiểm. Nhưng rồi, chúng tôi cũng không gọi họ như thế, dù thầm biết ơn họ rất nhiều. Giao liên trong chiến tranh chính là những người dẫn đường, soi đường, tìm đường theo nghĩa đen. Nếu họ là những người dẫn đường tốt, anh sẽ thoát hiểm. Ngược lại, anh sẽ gặp nguy. Họ là những người nhanh nhẹn, tinh khôn và can đảm. Vậy mà cũng không ai gọi họ là “hồng phúc của dân tộc.” Liệu con cháu lãnh đạo bây giờ có được như những người giao liên trong chiến tranh không nhỉ? Đúng là mỗi thời mỗi khác, nhưng dù ở thời nào, thì sự đóng góp cho đất nước cũng đến từ những người yêu nước, những người “dám chơi dám chịu”, những người không lùi bước trước hiểm nguy. Sách sử của chúng ta ít, hoặc không nói tới những con người bình thường, xuất thân từ những gia đình nông dân lao động nghèo khổ ấy, mặc dù những đóng góp thầm lặng của họ cho chiến thắng trong cuộc chiến tranh là rất lớn.
Vì thế, sự ngay thẳng trong những nhận định lịch sử là hết sức quan trọng. Tôi được đọc một bài viết của Giáo sư Hà Văn Tấn – một học giả đáng kính vừa mới từ biệt chúng ta, GS Tấn viết: “Ngay người bạn của chúng ta là Bertrand Russell cũng nói rằng: "Sử học chỉ là dẫn ra những ngu xuẩn ngày hôm qua để giúp con người chịu đựng được những ngu xuẩn ngày hôm nay”.
Nếu những hồng phúc thầm lặng của ngày hôm qua bị bỏ qua, thì sử học rất cần dẫn lại, để tránh “những ngu xuẩn của ngày hôm nay”, dù nó có mạo danh là “hồng phúc của dân tộc”.
Nguồn Văn nghệ số 49/2019