Chuyên đề

Internet, phương tiện kỹ thuật số tác động thế nào đến văn hóa đọc?

Câu chuyện văn hoá
09:15 | 03/06/2020
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng tại Việt Nam, học sinh, sinh viên, say mê Internet và thiết bị kỹ thuật số, trong khi chưa có nền tảng văn hóa đọc tốt như châu Âu, Nhật Bản.
aa

Năm 2009, Bộ giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản ủy thác Đại học Shizuoka tiến hành cuộc điều tra - nghiên cứu quy mô lớn về mối quan hệ giữa đọc sách và nâng cao học lực ở học sinh.

Kết quả tổng hợp của nghiên cứu này sau đó được Hiệp hội Thư viện Trường học biên soạn thành cuốn sách mỏng có tên Sổ tay sử dụng thư viện trường học: Hoạt động đọc sách nhằm nâng cao học lực (2010).

Nguyễn Quốc Vương cho rằng khi đọc trên mạng, người ta có xu hướng tìm tin tức, thông tin ngắn và đọc lướt . Ảnh: Q.Q.

Văn hóa đọc trong thời đại kỹ thuật số

Trong cuốn sách trên, các tác giả nêu thực tế đáng chú ý ở Nhật Bản - lượng sách đọc và tỷ lệ người đọc sách, đặc biệt học sinh, giảm mạnh, khi các phương tiện truyền thông, giải trí đa phượng tiện và kỹ thuật số ra đời.

Nghiên cứu điều tra cho biết hiện tượng “rời xa văn hóa đọc”, “rời xa đọc sách” ở Nhật Bản xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỉ XX, khi tivi trở nên phổ biến trong các gia đình và tạp chí truyện tranh giành cho thanh thiếu niên bùng nổ.

Truyền hình và truyện tranh giành được mối quan tâm và sự say mê của trẻ em, thanh niên dẫn đến việc đọc sách bị xao nhãng.

Từ năm 2000 trở đi, khi Internet phổ cập và điện thoại thông minh trở nên phổ biến, hiện tượng “xa rời văn hóa đọc” và “xa rời đọc sách” ở Nhật Bản trở nên trầm trọng, dấy lên nhiều lo ngại trong giới nghiên cứu và giáo dục.

Sự lo ngại này đã được đặt lên bàn nghị sự quốc gia. Kết quả, Nhật Bản có những bộ luật, chính sách ở tầm vĩ mô để chấn hưng văn hóa đọc, ngăn chặn tình trạng “xa rời văn hóa đọc”, “xa rời đọc sách”.

Đó là sự ra đời và thực thi của các bộ luật như “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2001), Luật chấn hưng văn hóa đọc (2005), Quyết nghị của Quốc hội về “năm quốc dân đọc sách” (2010), Kế hoạch chiến lược khuyến đọc của quốc gia và địa phương (5 năm một lần)…

Xét ở khía cạnh này, sự bùng nổ và phổ cập của Internet có thể tác động tiêu cực cho văn hóa đọc.

Việt Nam, đến hiện tại, chưa thấy có công trình khảo sát thực tế giống như trên của Nhật Bản ở quy mô quốc gia. Nhưng chỉ bằng quan sát thực tế, ta cũng thấy sự xâm nhập sâu rộng của mạng Internet và các phương tiện thiết bị kỹ thuật số.

Chúng đã lấy mất thời gian tương đối lớn của giới trẻ. Nếu quan sát giới trẻ ở bến tàu, xe, công viên, sân bay, chúng ta sẽ thấy tỷ lệ người sử dụng điện thoại vào mạng sẽ áp đảo so với những người đọc sách (điều thường thấy ở du khách nước ngoài).

Vì vậy, trong các cuốn sách nuôi dạy con của người nước ngoài, hầu hết tác giả đều khuyên ở giai đoạn hình thành thói quen tốt cho trẻ, để nuôi dưỡng tình yêu với sách, việc hạn chế trẻ tiếp xúc tivi, điện thoại, iPad, mà tập trung đọc sách, nghe kể chuyện, là cần thiết. Những khuyến cáo này rất cần lưu tâm đối với phụ huynh Việt.

Đối với người lớn, chúng ta có giây phút nào đó giật mình khi nhận ra bản thân dùng quá nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính và Internet, mà bỏ quên việc đọc sách?

Chưa có nền tảng về văn hóa đọc giống châu Âu, Nhật Bản

Đối với Việt Nam, nghiên cứu và cảnh báo nói trên gợi mở rất nhiều điều vì nước ta có hoàn cảnh rất đặc biệt.

Trong khi các nước châu Âu bước vào kỷ nguyên số với sự phổ cập Internet và các phương tiện kỹ thuật số khi đã có văn hóa đọc phát triển vững chắc sâu rộng, chúng ta lại không có điều đó.

Trên thế giới, văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ vào thời cận đại khi các đô thị công nghiệp hóa, mở rộng quy mô và công nghệ in chữ rời ra đời, phát triển. Cùng với nó là sự hình thành của trường học cận đại dành cho đông đảo quốc dân.

Số người biết đọc, viết tăng mạnh, quy mô lớn, cùng công nghệ in giúp in sách báo với tốc độ nhanh hơn, sản lượng lớn hơn giúp dân cư ở các đô thị lớn thụ thưởng văn hóa đọc, tạo ra tầng lớp thị dân sùng bái văn hóa đọc.

Đấy là sức mạnh của châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đô thị dưới thời Pháp thuộc ít và nhỏ bé. Văn hóa đọc có hình thành ở các đô thị này, nhưng không lan tỏa đến nông thôn vì tỷ lệ người biết chữ ở Việt Nam thấp (trước năm 1945 khoảng 4-5% dân số).

Hơn nữa, dưới chế độ thuộc địa, việc kiểm duyệt báo chí, xuất bản cũng có tác động tiêu cực đến phát triển văn hóa đọc.

Sau đó, những cuộc chiến tranh xuất hiện và kinh tế bao cấp khó khăn. Vào thời kỳ đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống vật chất của người dân khá lên, đất nước mở cửa giao lưu quốc tế, Internet vào và các phương tiện kỹ thuật số bùng nổ.

Người dân, bao gồm cả học sinh, sinh viên, say mê mạng và các thiết bị kỹ thuật số, trong khi chưa có nền tảng về văn hóa đọc giống châu Âu, Nhật Bản. Đấy là bất lợi cho chúng ta trong việc xây dựng, tăng cường văn hóa.

Khi đọc trên mạng, người ta có xu hướng tìm tin tức, thông tin ngắn và đọc lướt - đặc trưng gây bất lợi cho phát triển văn hóa đọc.

Những ai dùng Facebook chắc hẳn sẽ trải nghiệm nhiều lần việc nhìn thấy người khác (hoặc chính bản thân mình) kêu lên “dài quá thôi chẳng đọc nữa”. Đấy cũng là một hạn chế của mạng Internet và thiết bị kỹ thuật số đối với việc đọc.

Theo Zing.vn


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.