Trần Sĩ Kháng tự gọi mình là Hồ Đồ Thi Nhân, vì vậy sau đây tôi sẽ gọi ông một cách ngắn gọn là lão Hồ Đồ, hồ đồ theo cách hiểu của Trần Sĩ Kháng cũng như bạn bè thân quý nghĩ về ông chứ không phải hồ đồ theo ngôn ngữ đơn thuần mà mọi người vẫn biết. Nói thật, nếu chỉ tiếp xúc thì có vẻ cái tên tự đặt đó của Trần Sĩ Kháng chẳng có gì đúng, thậm chí ông ta còn có vẻ lịch thiệp nhã nhặn trong cái dáng bề ngoài hơi lôi thôi luộm thuộm một tí.
Tuy nhiên sau khi đọc tập bản thảo thơ mà lão chuẩn bị in thì tôi thấy lão Hồ Đồ đúng là hồ đồ thật. Để rồi, chính bản thân tôi cũng cảm thấy mình là kẻ hồ đồ (trong phạm vi này hồ đồ được hiểu theo nghĩa thông thường của ngôn ngữ) khi đã nhận lời viết đôi dòng cảm nghĩ về tập thơ này mà chưa được đọc bản thảo. Chao ôi, tôi biết viết gì đây với ngôn ngữ thơ mà mình chưa được tiếp xúc bao giờ, ngôn ngữ của một kẻ tự nhận mình là người trời, người của nhà Thánh, tóm lại là người của một cõi khác rơi xuống Cõi ta bà này. Thôi thì cũng đánh liều vậy, trong bài viết này chỉ là cái cảm của tôi về con người lão Hồ Đồ thông qua thơ ca của lão trong tập thơ Thi gia và văn hóa bản địa tiếng thở dài cũng như những gì mà tôi từng được đọc của lão trước đây. Có thể điều gì đó khiến lão Hồ Đồ không thích, bạn bè lão thấy chưa đúng thì cũng mong đại xá cho.
Nói vậy nhưng cũng dễ hiểu cho sự lập dị về ngôn ngữ thơ ca của lão Hồ Đồ trong những tập thơ gần đây, bởi chỉ có những người sống đủ lâu, trải nghiệm cuộc đời đủ dài, nếm trải cay đắng cũng không ít để rồi một ngày thấy ngán ngẩm, chán ngắt mọi thứ tào lao tầm phào quanh ta và muốn làm cái gì đó không giống thập loại chúng sinh, rồi lão Hồ Đồ đã chọn thi ca để làm điều đó. Lão Hồ Đồ luôn tự coi mình là người của cõi khác bị lạc xuống cõi trần gian huyễn giả này, và lão đang mang trên mình sứ mệnh phải làm gì để giúp cho đám chúng sinh đông đúc đầy ái ố, tham dục kia được tỉnh thức. Suy nghĩ này thường gặp trong bộ não của những kẻ làm văn chương, họ luôn cảm thấy mình đang gánh vác một sứ mệnh lớn lao trước cuộc đời này thông qua những con chữ, người bình thường thì sẽ cho đấy là những kẻ tâm thần, hão huyền, khó mà chấp nhận. Lão Hồ Đồ đã tự nhận mình thế này:
Ta thường có giấc mơ kỳ quặc
Tự coi mình cứu thế Cõi Ta Bà
Lão cứ lang thang trong Cõi ta bà và đau những nỗi đau của thập loại chúng sinh mong tìm cách giải cứu nó mà chưa tìm ra phương hướng, điều đó làm cho lão cảm thấy buồn khổ:
Mơ nào đây
Đoạ đầy trái đất
Ta nửa kiếp mộng hoang
Xứ nhân gian lệ tràn ngõ ngách
Thực ra những nỗi đau kiểu đó âu cũng là do trái tim đa cảm của thi sĩ, họ thường đau những nỗi đau mà người đời dường như chẳng bao giờ màng đến. Những thứ mà nhân loại đang bon chen để có được thì hầu như đám thi nhân lại chẳng đoái hoài, họ hướng mình về với tự nhiên, về với cội nguồn cũng như giá trị bền vững. Lão Hồ Đồ cũng nằm trong đám thi nhân ấy, và lão quan sát tạo hóa xoay vần, lão quan sát xem cái đám chúng sinh kia rồi sẽ tự đưa mình về đâu, khi mà họ đang tự hủy hoại chính mình:
Kiếp nào mũ áo bon chen đứng
Cay đắng trông lũ sẻ dỡn chim bằng
Kiếp nào trúc chịu khom lưng chậu
Ngao ngán hoàng hôn đẫm lệ trăng.
Đây là bốn câu thơ hay, nói lên nỗi đau của một ẩn sĩ, không muốn màng đến nhân thế nhưng rồi trớ trêu thay mọi thứ nó cứ vận vào người. Đã về chơi với chim với cây cối với lá hoa ấy mà sự đời nó cứ ám mãi khôn nguôi để rồi đi vào thơ một cách tài tình như thế. Không chỉ đau những nỗi đau thuộc về nhân sinh, lão Hồ Đồ còn đau nỗi đau mang tính quốc gia. Đôi khi lão cảm thấy như mình bị sinh nhầm thời, hay nhầm xứ sở, bởi những thứ trái ngang nơi mà lão đang sống khiến cho lão cảm thấy đau đớn và chán ngán. Những câu thơ đau cho nỗi đau đất nước, dân tộc của lão cũng không ít, kể như lão người Trời cũng biết hòa đồng để làm bổn phận công dân ở nơi mà mình đang lưu lạc. Lão cũng đau nỗi đau biên cương hải đảo, muộn phiền mua quan bán tước, phẫn uất với những trò tham nhũng lưu manh... Không những thế lão còn bận lòng cả những chuyện chính trị toàn cầu. Có lẽ với sứ mệnh là người từ cõi khác lưu lạc xuống trần gian cho nên lão cảm thấy mình phải có trách nhiệm nói lên tất cả những tấn trò đấy của nhân loại không thì chúng cứ mãi u mê và đắm chìm. Chính vì sứ mệnh cao cả đó, cho nên đôi khi lão cũng đi vượt ra ngoài phạm vi của thơ ca.
Chính vì sự thẳng thắn cũng như sự đa cảm đó mà lão Hồ Đồ đứng ngoài vòng danh lợi của cuộc mưu sinh, lão cứ như cây thông đứng ngạo nghễ giữa trời, bởi chỉ có như vậy lão mới giữ cho mình những phẩm chất của một thi sĩ:
Là kẻ sỹ thì thôi danh vọng
Có Danh rồi kẻ sỹ hỏi còn đâu.
Chẳng màng danh lợi, bạc tiền, lão chỉ ước mong cứu độ chúng sinh, nhưng khi việc lớn chưa làm được thì lão ngao du bốn bể với cỏ cây, với thiên nhiên như mây lang thang vô định/ không Huyền giới đi về, giữ cho lòng mình tự tại, quyết không để nhiễm bụi trần, đi sương về gió, vào ra Tam giới thong dong:
Hồ Đồ Thi Nhân đã quen phiêu lãng
Chẳng não phiền cơm áo gạo tiền
Hồn đã tĩnh không còn tiếng sóng
Theo Mây vàng Tam giới tiêu dao
Trở lại cuộc sống đời thực để nói về thân thế cuộc đời của lão Hồ Đồ một chút. Trần Sĩ Kháng vốn sinh ra ở mảnh đất miền Trung nghèo khó. Cái văn hóa bản địa miền Trung đã ăn sâu vào con người lão, nuôi dưỡng lão trở thành một thi sĩ, trở thành một lão Hồ Đồ, trở thành một người Trời mong được cứu nhân độ thế, trở thành một kẻ lêu lổng chốn trần ai... Chính vì vậy lão Hồ Đồ luôn khắc ghi và biết ơn mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Cái mảnh đất nghèo đói mà kiên cường, khắc nghiệt mà ân tình nuôi con nuôi cả chiêm bao kiếp người. Cho dù có là thi sĩ, người trời, nhà khoa học, kẻ tâm thần lêu lổng hay là gì đi nữa thì quê hương luôn là chốn thiêng đối với lão, là ẩn ức, là niềm thương nỗi nhớ, là cảm hứng thăng hoa cho sự điên rồ, cho cả những phút giây yếu mềm của lão:
Ta đang tâm thần
Bất chợt nghe thiết tha một lời dân ca bản địa
Lời ca đi từ đất
Lời ca đi từ gò đồng điệu sông dáng núi
Lời ca sinh ra từ đầu con sóng
Lời ca sinh ra từ những nấm mộ tàn ai quên khói hương
Lời ca mang vào dòng sữa khét mùi nắng gió
Mẹ chắt chiu nuôi ta lớn khôn
Bên cạnh việc tạo cho mình một ngôn ngữ thơ người Trời làm điên đảo cái sự hiểu sự cảm của người đọc thì lão Hồ Đồ có nhiều câu thơ thật trữ tình, sa xót, nhức buốt khi viết về quê hương, viết về mẹ. Trong bài Mẹ ơi lão Hồ Đồ viết thế này:
Rã rời mưa phên đất,
Vật vã liếp nát chiều
Mếu máo đêm nhà dột
Cụt ngọn cây vái trời
Tơi bời lụt tháng tám
Trắng hếu đồng tháng mười
Người đi bơ phờ bóng
Tong teo đói gối đời...
Những câu thơ hay đến bất ngờ và hay đến xót lòng khiến người đọc nổi da gà. Những câu thơ không một từ nhắc đến mẹ tuy nhiên hình ảnh người mẹ nghèo tần tảo hiện lên trong thơ đầy cảm súc Người đi bơ phờ bóng/ Tong teo đói gối đời... những câu thơ hay thì không nên bình, không cần lý giải mà chỉ nên cảm. Nhất là cái sự cảm về mẹ sẽ nuôi ta lớn. Một câu thơ đủ làm nên cả một bài thơ. Nói cho cùng dù anh có là ai, vĩ nhân hay kẻ hạ đẳng cuối cùng vẫn chỉ là đứa trẻ nhỏ bé đáng thương trước mẹ. Cho dù mẹ còn sống hay đã mất, thì mỗi khi nghĩ về Người chúng ta lại như những đứa trẻ được uống thêm dòng sữa của mẹ để có năng lượng, tiếp tục sống, đi qua mọi buồn vui, hạnh phúc hay đắng cay của cuộc đời. Đó có lẽ là điều tuyệt vời nhất của đấng tạo hóa ở trong cõi nhân sinh này.
Có một điều khiến tôi thấy làm lạ ở con người lão Hồ Đồ, đó là sự si tình. Ở vào cái tuổi xưa nay hiếm mà lão vẫn si tình đến kì lạ. Trái tim yêu đương của lão vẫn đập những nhịp đập của tuổi đôi mươi khi vướng vòng tình ái. Ở cái tuổi lão, nhiều người làm thơ tình chỉ bằng sự hồi tưởng hay chỉ nhờ một bóng hình mơ hồ nào đó nhưng với lão thì lão đang yêu một con người cụ thể, có tên tuổi có nghề nghiệp cụ thể, điều đó đã được lão hồn nhiên tiết lộ hết cả trong thơ. Cái sự si tình khiến cho chính bản thân lão cũng bất ngờ và thú nhận:
Tưởng mình thoát khỏi Trời Vô Tướng Vô Phiền
Ta tự tại tiêu dao ra vào Ba cõi
Nhưng sáng nay giật mình chợt hiểu
Chẳng thể nào thoát khỏi lưới tình em.
Lão tôn thờ mỹ nhân của mình, và xem nàng cũng là người Trời xuống đây để làm bạn với lão, cùng nhau rong duổi cõi nhân gian này. Ai bảo Hồ Đồ thì không lãng mạn, ai bảo ở vào cái tuổi cổ lai hy thì không biết yêu. Chúng ta hãy cùng thưởng lãm những câu thơ tình thật lãng mạn và hào hoa của lão thì sẽ rõ:
Nham nhở phố trụi trần cao ốc
Ướt xanh đêm đau mái tóc thề
Đưa em về nghiêng trăng Phố Phái
Tương tư mòn lối đế đô xưa
Có lẽ phải chúc mừng lão vì đến tuổi này rồi vẫn còn tìm được cho mình tri kỉ để có thể đồng cảm, chia sẻ những thực tại và đồng điệu với những hoài niệm. Đúng là tình yêu chẳng bao giờ phân biệt tuổi tác, khi yêu thì trái tim vẫn luôn dại khờ hào hiệp, Lão Hồ Đồ cũng vậy, hãy nghe thử lão lấy lòng người phụ nữ của mình như thế nào nhé:
Em bây giờ không là những ngày qua
Em đã nhấn chìm Thi Nhân vào biển ái.
Em với thời gian không còn qua lại
Thiết nghĩ các chàng trai của thời đại 4.0 còn phải cầm sách bút chạy theo lão dài dài để học về cách dùng ái ngữ cho người mình yêu. Nói với người phụ nữ của mình rằng Em với thời gian không còn qua lại thì quả thật là khéo léo đến thượng đẳng, một câu thơ hay.
Cái sự yêu của lão thật cuồng nhiệt, đến mức lão dùng cả thơ để viết nhật kí về người phụ nữ của mình, đọc Thi gia và văn hóa bản địa tiếng thở dài sẽ thấy rõ điều đó. Tuy nhiên thơ ca đó là sự chắt lọc mà gã lại dùng nó làm phương tiện viết nhật kí e rằng lão đã đi quá giới hạn của sáng tạo thơ ca. Hơn nữa nhật kí chỉ dùng cho bình dân chứ không dành cho người Trời. Dẫu gì thì tôi vẫn thích những câu thơ lão viết trong trạng thái tĩnh. Hồ Đồ trong cái tĩnh ấy mới là khó, và thực chất lão đã có nhiều câu thơ, bài thơ hay ở trạng thái như vậy.
Những tháng ngày này, khi mà khắp thế giới đang khốn đốn vì một con vi rút corona bé nhỏ mới thấy loài người thật đáng thương, thật nhỏ bé và loài người thật hồ đồ đúng nghĩa. Còn lão Hồ Đồ hóa ra lại chẳng hồ đồ. Còn thơ của lão thì vẫn chia làm hai ngả.
_________
* Đọc Thi gia và văn hóa bản địa tiếng thở dài của Trần Sĩ Kháng, Nxb Hội Nhà văn, 2020
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021