Phạm Duy Nghĩa có lẽ đã viết khác so với mười, mười lăm năm trước đây. Nhưng là khác về đề tài, hơi thở, còn sự vận hành câu chữ, nghiêm cẩn và kỹ lưỡng vẫn là cốt tủy của anh. Một truyện ngắn mang hơi hướng huyền ảo, liêu trai đúng cái chất và suy nghĩ của Phạm Duy Nghĩa ngày hôm nay; một sự lạ mà không lạ, một chuyện buồn không hẳn buồn nhưng vẫn khiến người ta vấn vương suy nghĩ... (Uông Triều) |
1.
Tôi gặp Phong lần đầu tại quán rượu trên mặt hồ Linh Đàm. Gương mặt điển trai như một tài tử điện ảnh cùng vẻ phong lưu phảng phất nét u hoài của anh làm tôi chú ý. Trong cuộc rượu có vài nhân vật của giới doanh nhân từng được báo chí nhắc tới hôm ấy, mặc dù đang là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu, trông Phong có gì đó hơi lạc loài. Anh lặng lẽ hút thuốc và nhìn ra lớp sóng trắng gợn trên hồ, dửng dưng như đang ngồi một mình giữa hoang mạc. Khi biết tôi là nhà báo kinh tế, Phong đưa tôi tấm danh thiếp, mời hôm nào rảnh rỗi ghé anh chơi.
Nhà Phong ở ngoại thành Hà Nội. Đường vào ngoắt ngoéo quanh co, qua mấy ngõ làng mới tới. Một biệt thự ẩn trong khu vườn rộng, tường ốp đá, trên mái xanh rợp dây leo. Quanh vườn có những chiếc xích đu sơn trắng kiểu châu Âu, giữa vườn có ao trong vắt, không gian yên tĩnh và dâng lên mùi thơm ngào ngạt của hàng trăm loại hoa hồng. Anh cho biết cơ ngơi này mua lại từ một ả người Việt lấy chồng Tây. Ông Jonathan, đã chết vì tai nạn xe hơi khi trở về Anh quốc.
Phong mời tôi uống trà hoa cúc trong chiếc chòi lá trên mặt ao. Da trắng, người cao, hàng ria đen sậm cùng cái kiểu cầm điếu thuốc rất nghệ sĩ càng tôn thêm vẻ lịch lãm cổ điển của anh, trong một sớm mùa thu, trời se lạnh. Khi tôi hỏi vì sao đã ngoài năm mươi tuổi mà anh chưa lấy vợ, Phong nhìn sợi khói thuốc đặc sệt tan loãng vào thinh không, mỉm một nụ cười buồn. Và nói như nói thầm.
- Đã nhiều năm nay, tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.
Rồi lảng sang chuyện khác. Anh cho biết ngôi nhà đang ở - mà anh gọi là “trại hoa hồng” - ẩn chứa những điều kỳ lạ. Có hôm trước khi ra khỏi nhà anh bỏ hộp đựng xì gà vào ngăn tủ, buổi tối anh về lại thấy chiếc hộp bằng gỗ tuyết tùng ấy nằm ở trên bàn. Lần khác, chiếc bình trong phòng ngủ được cắm năm bông hồng phấn, nửa đêm về sáng bỗng hóa thành sáu bông. Kỳ quặc nhất là sự biến dạng của vị bá tước người Anh. Trong bức ảnh cổ kính trên tường, người đàn ông mặc áo choàng hiệp sĩ ấy ngồi ở ghế bành, nghiêng mặt về phía trái. Một ngày kia nhìn lên, Phong kinh hãi nhận ra ông ta đã ngoảnh mặt sang phải, ổ mắt sâu cũng bớt phần dữ tợn và dưới chòm ria vểnh lên như đuôi cáo bỗng hiện ra bí hiểm một nụ cười.
Cảm giác rờn rợn từ những điều Phong kể còn vương vất trong tâm trí khi anh dẫn tôi đi xem các phòng của ngôi nhà. Căn phòng nào cũng thơm nức mùi hoa hồng. Hương hoa theo gió từ vườn lãng đãng vào nhà, thấm vào kẽ tường, ủ trong chăn gối. Dây leo xanh ngắt bò lan vào từng ô cửa, tha thướt rủ trên các mảng tường.
- Tôi đi vắng suốt, nhưng người hàng xóm nói rằng thỉnh thoảng linh hồn ông chủ cũ của ngôi nhà này vẫn hiện về. Bà ấy từng trông thấy ông Jonathan đứng giữa vườn hồng, có lúc đi trên mặt ao cứ nhẹ như không rồi biến mất vào trong tường đá - Phong nói.
Tôi còn lui tới ngôi nhà quanh năm ướp trong mùi hoa thơm ngát ấy nhiều lần nữa. Và bên những tách trà trên mặt ao tĩnh lặng, tôi được nghe Phong kể chuyện đời mình.
2.
Ba mươi năm trước, Phong là sinh viên theo học ngành kiến trúc. Anh nổi tiếng suốt mấy năm học ở trường. Bởi anh lắm tài. Ông trời đã tỏ ra hào phóng khi không chỉ cho anh một vẻ đẹp hào hoa lãng tử bề ngoài, mà còn phú cho một thiên năng siêu việt bề trong với đủ ngón cầm kỳ thi họa.
Ngày ấy Phong được cả trường gọi là Tề Bạch Thạch. Chỉ với màu nước hoặc bút chì, anh vẽ muông thú cỏ cây giống đến kinh sợ. Trong căn phòng bé nhỏ tồi tàn ở ký túc xá, anh từng vẽ lên mỗi góc tường một con mèo, mắt con nào cũng xanh lét gườm gườm khiến lũ chuột từng chạy rầm rầm như bão quanh nhà phải nằm im thít. Anh vẽ một con sâu đặt lên bậu cửa, chim từ đâu sà xuống mổ liên hồi. Anh vẽ tôm, con tôm tươi rói như đang cựa quậy muốn bò. Anh vẽ cây, cái cây hiển hiện như sờ được vào gân lá và những đường xù xì nứt nẻ ở thân, sắc sảo đến từng chi tiết.
Phong thường đắm đuối vào tranh tả thiên nhiên, trong đó anh dồn nhiều tinh lực nhất vào việc tả nắng. Những vũng nắng hanh vàng đọng giữa rừng hoang, những đốm nắng vàng hươm rớt trên tảng đá, vệt nắng mỏng tang bám vào kẽ lá, hạt nắng lóe trên mạng nhện và long lanh trong đôi cánh chuồn chuồn... sắc độ nào cũng được đặc tả tinh vi khiến Phong có thêm biệt danh “người gọi hồn của nắng”. Anh chỉ vẩy ra vài nét, người xem cũng phân biệt được cảnh bình minh hay cảnh chiều tà. Phong tả gió cũng vào bậc kỳ tài. Gió hiu hiu, xao xác, gió lồng lộng, ào ào... cứ nhìn vào cây cỏ trong tranh mà nhận ra từng cấp độ. Xem tranh Phong vẽ, một thầy giáo đã khóc vì khâm phục. Ông nói: “Em sẽ trở thành họa sĩ vĩ đại của mọi thời.”
Nhưng Phong không chỉ phát sáng trên các ngả đường nghệ thuật. Anh còn nhiều năng lực bí ẩn khác. Như mảnh gương vụn lẫn vào bụi cây, đôi khi chỉ lóe lên bất chợt cho mọi người thấy.
Năm thứ hai ở đại học, lớp Phong được trường tổ chức cho đi dã ngoại tìm hiểu một số công trình kiến trúc vùng cao. Xe khởi hành vào sáng thứ bảy. Trước đó năm ngày, Phong nói với thầy chủ nhiệm lớp: “Chuyến đi nên lùi lại tuần sau thì tốt hơn. Chiều thứ bảy tuần này sẽ mưa thầy ạ.” Ông thầy im lặng, tháo kính ra khỏi cái đầu nhẵn bóng như hòn sỏi, nhìn Phong như nhìn một thằng gàn.
Trưa thứ bảy, trời xanh biếc, nắng chói chang. Trên ô tô, mọi người nhắc lại lời tiên đoán của Phong, cười nhạo. Xế chiều, khi xe lên tới một con đèo, mưa bất ngờ đổ xuống trắng trời trắng đất. Mưa như thác suốt buổi chiều hôm đó, và khi đi vào vùng núi, do chiếc xe gặp sự cố nên sinh viên phải vất vả lội qua một quãng đường lầy.
Đoàn cắm trại ở ven rừng. Mưa tạnh, trăng lên, lặng lẽ soi núi đồi loáng ướt. Đêm đó Phong trằn trọc mãi. Anh nói với người bạn ở chung lều: “Gần đây có một con suối. Tiếng suối làm mình không ngủ được.” Cậu bạn cằn nhằn: “Ông bị hoang tưởng rồi. Bốn bề lặng ngắt, tai tôi giãn ra hết cỡ cũng chẳng thu được một giọt âm thanh nào.” “Không, có con suối ở phía tây thật mà. Tớ vẫn đang nghe thấy nó đây, rõ lắm.”
Hôm sau Phong dậy sớm, lôi cậu bạn đi cùng. Ra khỏi nơi cắm trại về phía tây chừng ba cây số, trong rừng rậm, hai người nghe thấy tiếng nước chảy. Đi thêm một chặng nữa thì thấy dòng suối lũ như con rồng bạc phóng ra từ khe núi, ầm ầm cuộn xoáy, kéo theo biết bao nhiêu củi mục và lá rừng.
Trong ngày hôm đó Phong tìm đến nhà trưởng thôn. Ông ta cho biết đây là con suối có độ dốc lớn nên mỗi lần mưa bão là lũ về rất nhanh. Cây cầu khỉ bắc qua suối năm kia đã bị lũ cuốn trôi, dân ở thôn này muốn sang thôn bên phải đi đường vòng qua hai quả núi. Mùa lũ trước có đứa trẻ con liều mạng qua suối đã bị xoáy nước nuốt chửng như nuốt một cái lông gà.
Phong suy nghĩ và quyết tâm trong thời gian dã ngoại sẽ giúp người dân ở đây bắc một chiếc cầu. Anh vẽ bản thiết kế và nhờ trưởng thôn vận động mọi nhà góp sức. Khi nước rút, cả thôn náo nức mổ gà bên suối, thắp hương làm lễ khởi công. Lần đầu tiên các nàng thôn nữ được nhìn thấy một chàng sinh viên Hà Nội đẹp long lanh vừa chỉ đạo việc chung vừa cởi trần khiêng đá, cặm cụi chằng dây thép quanh ụ đá làm trụ cầu. Gỗ lát mặt cầu là những cây to đốn hạ trong rừng, kích cỡ thế nào đều do Phong quy định. Sau bốn ngày cật lực, cây cầu gỗ dài hơn ba chục mét đã được hoàn thành.
Từ đó về sau, dân trong vùng gọi cây cầu bắc qua suối nối liền hai thôn ấy là cầu Lê Phong. Ở một bên cầu, nơi chôn đứa trẻ chết đuối có cây thàn mát xanh rờn, cứ đến mùa xuân lại trổ đầy hoa tím.
Cũng từ sau chuyến đi dã ngoại ấy, Phong có thêm biệt hiệu nữa là Phong Khổng Minh. Mọi người đồn rằng muốn biết ngày nọ tháng kia trời nắng hay mưa, cứ nhờ Phong nửa đêm lên sân thượng nhìn sao là sẽ biết. Người ta còn nói Phong cực kỳ nhạy cảm, anh có thể mất ngủ chỉ vì nghe tiếng một giọt sương rơi hay chiếc lá rụng trong vườn. Không những thế, Phong còn ngửi thấy được mùi khói đốt nương ở cách bốn quả đồi, hay nhìn thấy bột phấn hoa bám ở chân một con ong bay trên ngọn bạch đàn cách anh vài trăm mét... Những lời đồn đại ấy, phần là sự thật, phần thêu dệt thêm, khiến cho tên tuổi của Phong mãi đi vào lịch sử của trường như một huyền thoại.
Không mấy ai biết, con người vang bóng một thời ấy nhiều năm sau vẫn là người cô độc. Anh sống cuộc đời hoang vắng, không có tình yêu. Đàn bà đến với anh không ít nhưng người nào cũng sớm lạnh nhạt và bỏ đi. Vì lý do gì thì chính anh cũng không hiểu.
3.
Đời Phong từ khi ra trường trải qua nhiều thăng trầm. Anh không trở thành một Van Gogh hay Picasso như mọi người dự đoán mà một khiên một kiếm, một mình một ngựa lăn lộn giữa thương trường. Khi tích lũy đủ vốn, anh thành lập công ty rồi chỉ ít năm đã phất lên ào ào, nhanh chóng trở thành ngôi sao trong giới doanh nhân trẻ. Cái tên Lê Phong rạng rỡ trên mặt báo giữa những cúp vàng lấp lánh, vòng nguyệt quế huy hoàng. Nhưng số phận đã chơi ác anh. Đang ở thế thượng phong, chàng giám đốc tài năng bất ngờ ngã ngựa. Từ một chiến lược sai lầm của hội đồng quản trị mà mình anh không chống lại được, công ty Đại Phong làm ăn thua lỗ, nợ xấu bào mòn lợi nhuận, vài tháng không có tiền trả lương cho nhân viên. Phong phải bán cả trụ sở công ty để trả nợ ngân hàng rồi nhen nhóm gây dựng lại từ đầu. Sau vài năm chuyển hướng kinh doanh anh lại nổi lên như một người hùng - người đưa con tàu đắm Đại Phong vượt qua bão giông đi tìm bờ bến mới.
Nhưng số phận không buông tha Phong. Một buổi tối mùa xuân, một ngọn lửa không biết từ chỗ nào bùng lên liếm sạch cả dãy nhà xưởng của công ty anh, biến hàng trăm máy móc, công-ten-nơ thành mây khói. Phong giội nửa can xăng lên người, định châm lửa tự thiêu. Rồi lái xe đi vô định suốt đêm, bỏ lại sau lưng một vùng trời rực lửa.
Tranh của họa sĩ Phùng Văn Tuệ |
Cũng từ đấy, giấc ngủ của anh bị nhấn chìm trong màu đỏ. Anh thường mơ thấy mình đi giữa sa mạc toàn thứ cát đỏ au. Đi mãi cũng gặp biển xanh, nhưng ngoảnh lại đã biến thành biển máu. Những giấc mơ màu đỏ ấy, lác đác có từ thời thơ ấu, nay nhiều như lá phong mùa lạnh vắt kiệt sức anh. Tỉnh dậy, thấy kinh hãi những đồ dùng màu đỏ. Thấy ghê sợ những bông hoa màu máu. Trừ hoa hồng.
Giữa năm ấy anh tìm đến những cửa điện cửa đền. Các thầy bói cô đồng nói mỗi người một khác. Người bảo anh có vong theo từ tiền kiếp. Người phán khu đất anh ở có hài cốt. Người soi thấy linh hồn đứa trẻ miền núi quấy quả anh. Có người lại nói anh căn cao số nặng, anh phải trình đồng mở phủ, kiếp trước anh là hoàng tử đánh vỡ ba cái chén ngọc trên thiên giới nên bị đày xuống cõi trần...
Anh nhắm mắt làm theo lời họ. Cũng cắt duyên âm, trả nợ tứ phủ. Cũng lặn lội về quê tìm đến ngôi chùa phủ rêu để trả lại những đồ thờ cúng mà anh đã lấy trộm ở kiếp nào. Cũng làm con nhang đệ tử của một cái điện heo hút tận Ba Vì. Và ngược đèo trở về vùng núi năm xưa, đến bên con suối có chiếc cầu mang tên anh, thắp hương lên nấm mộ trẻ con dưới bóng cây thàn mát u trầm trong buổi chiều đông gió ngàn se sắt.
Qua mấy năm, đời anh vẫn chẳng có gì sáng sủa hơn.
4.
Tôi nhận được thư Phong khi đang ở London. Đêm cuối thu, thành phố chìm dưới mưa và tuyết. Vừa bật máy tính và run rẩy trong cái lạnh ghê gớm của xứ sở sương mù, tôi vừa ngạc nhiên không biết lý do gì một kẻ vốn kiệm lời như Phong lại gửi đến tôi một bức thư dài vậy.
Anh Bình.
Hôm trước gọi điện định rủ anh tới trại hoa hồng, mời anh tách trà sen và kể anh nghe một câu chuyện. Thấy máy báo ngoài vùng phủ sóng, đoán anh đang đi công cán ở nước ngoài, tôi nóng lòng kể với anh qua thư điện tử vậy.
Chuyện thế này. Trong nhà tôi có chiếc tủ bằng gỗ bạch đàn cất giữ một số đồ dùng mà ông chủ cũ người Anh để lại. Không hiểu vì sao khi chuyển nhà người ta không mang những thứ ấy đi, còn tôi thì chưa lục lọi vào đó bao giờ bởi nó là vật sở hữu của người đã khuất. Nhưng một hôm do phát hiện ngăn tủ bị mối xông, tôi đã mở nó ra và thấy ở đó một cuốn sổ bìa nâu, một tấm bia đá khắc dòng chữ Hán dài sáu mươi phân cùng vài thứ đồ lặt vặt khác. Chữ Hán thì tôi mù tịt nhưng tiếng Anh của tôi khá tốt nên khi tò mò lật giở cuốn sổ, tôi sững sờ bắt gặp một trang viết rằng trong thửa đất của trại hoa hồng có một lăng mộ cổ. Dù cuốn sổ bị mối đục lam nham nên mất chữ, tôi cũng hiểu được rằng hơn mười năm trước, khi ông Jonathan cho đào ao ở trước nhà, những người được ông thuê đào đã phát hiện ra bức tường gạch dẫn vào một cái hầm khá sâu trong lòng đất. Sau khi tìm thấy ở cuối đường hầm một ngôi mộ đá, ông đã cho lấp đất bịt lối vào. Trong cuốn sổ còn vẽ một sơ đồ, có chấm đen bên cạnh chữ “tomb” đánh dấu vị trí ngôi mộ. Nó nằm ngoài góc ao, về phía trái, nơi tiếp giáp với dãy tường ngăn phần đất của trại với cánh đồng làng.
Việc bất ngờ này làm tôi nhớ lại những chuyện lạ từng xảy ra trước đây. Hình như đã có lần tôi kể với anh, vào những đêm trăng suông tôi thường nghe thấy tiếng khóc vẳng lên từ đâu đó. Có những đêm tôi ra vườn, thơ thẩn dưới trăng, quyết tìm xem tiếng khóc phát ra ở chỗ nào. Cứ đi hết mấy vạt hồng nhung, đến bức tường bám đầy cây vảy ốc thì tiếng khóc nhỏ dần rồi bặt đi như tiếng dế trong lòng đất. Lại có đêm khi mưa tạnh, tôi thấy có người đứng ở gốc xoài trước sân nhìn chằm chằm vào cửa sổ phòng mình, tôi đứng dậy ra ngoài thì người đó rẽ xuống bờ ao, rồi cứ thế đi như lướt trên mặt ao, đến góc trái của bờ bên kia thì biến mất.
Chắc hẳn anh nghĩ đến ông Jonathan? Rất có thể đó là linh hồn ông ta, như bà hàng xóm đã từng nói tới. Đêm ấy trăng mờ, cái bóng người ấy cũng mờ, chỉ như một vầng khói xanh và không rõ mặt. Nhưng thôi, để tôi kể tiếp chuyện ở trên đã.
Ngay sáng hôm sau, tôi thuê thợ trong làng tháo hết nước ao. Rồi đào đất ở góc ao, đến non trưa thì thấy lộ ra cửa hầm giữa hai tường gạch cổ. Đám thợ tỏ vẻ kinh hãi nên tôi một mình vào trước. Trên tường gạch, nước rỉ ra nhơm nhớp. Lối đi cũng lát gạch, nước rờn rợn ngập mắt cá chân. Vào sâu hơn chục mét thì thấy trong bóng tối một cái bệ xây, tôi vừa rọi đèn thì chợt buốt lạnh toàn thân, tay cứng lại như biến thành chũa đá.
Trong bệ là một người đàn bà nằm ngửa, môi đỏ như máu đọng, da mặt hồng hào như thịt cá hồi tươi. Bà ta mặc áo lụa màu thiên thanh, cổ đeo ba lớp vòng ngọc trai, xung quanh lóng lánh tiền xu và bạc thỏi. Thân thể chìm trong lớp hổ phách thơm mịn màng trong suốt. Hai mắt to và sáng, đầy vẻ căm giận, nhìn tôi trừng trừng.
Hình ảnh ấy chỉ vụt hiện rồi biến mất. Nhìn lại, thấy đó là một ngôi mộ xây.
Tôi khiếp đảm chạy ra khỏi hầm, suýt ngã vì giẫm phải một con lươn trơn nhẫy. Thoảng nghe bên tai tiếng nói: “Các người phá giấc ngủ của ta, các người phải chết. Chỗ ta nằm phải được khô ráo. Cái gì là của ta thì trả lại cho ta.”
Tôi bước ra ban công khách sạn. Tuyết trắng xóa như hoa rắc trên dòng sông Thames. Dưới ánh đèn vàng ảm đạm bên đường, những chiếc taxi đen lướt đi vội vã. Lại nghĩ tới Jonathan, không biết con người xấu số ấy đã chết ở đâu trong thành phố này. Chỉ biết rằng một buổi sáng đẹp trời, không ai hiểu được vì sao chiếc xe hơi do ông cầm lái lại lao vọt sang làn đường bên kia, đâm với tốc độ cao vào chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ.
Trở vào phòng, tôi gõ phím cho sáng màn hình, đọc tiếp.
Hôm sau vào lúc mười giờ tối, tôi đang đọc sách trong phòng ngủ thì bỗng có cảm giác rợn người lên. Ngoảnh lại thì thấy người đàn bà mặc áo lụa xanh đã đứng sau lưng từ khi nào. Phải đoan chắc với anh rằng lúc đó tôi tỉnh chứ không mơ, bởi cuốn sách Con đường mây trắng của Anagarika Govinda mà tôi đang xem vẫn hiển hiện trên bàn, bên tách cà phê và điếu xì gà, trang mở ra là trang 41.
Người ấy đi đến bên bàn, chân không chạm đất, thân thể lạnh lẽo như tảng băng xanh. Mặc dù từ bé vẫn tin mình là người có khả năng gần gũi với thế giới siêu linh, chưa bao giờ tôi thấy hãi hùng như lúc ấy.
Người đàn bà cảm ơn tôi vì những việc tôi đã làm cho bà: tháo sạch nước ao ngấm vào hầm mộ, đốt hương trầm cho thơm và ấm lòng hầm, gắn lại bia trên mộ bà - tấm bia đá có năm chữ Hán giấu trong góc tủ của ông Jonathan mà tôi đã nhờ người dịch ra là “Quách Thị Hoa chi mộ”. Tôi còn làm lễ tạ mộ và cho xây bít cửa hầm bằng gạch tốt để ngăn nước và lươn chạch rúc vào.
- Bà đã giết ông Jonathan. Bà cũng làm hại đời tôi. Tôi hận bà... - Tôi can đảm thốt ra lời trách.
- Ta không làm hại anh.
Bà ta nói, giọng quả quyết. Rồi xích lại gần tôi, âm khí tỏa ra lạnh ngắt.
- Kẻ nào phá giấc ngủ của ta thì kẻ đó phải chết. Còn tài hoa bạc mệnh thì không phải tại ta. Những oan trái của anh có từ thời trẻ, trước khi anh đến ở ngôi nhà này.
- Vậy ai đã giáng họa cho tôi, xin bà mách bảo?
- Anh đã khổ nửa kiếp rồi và sẽ vẫn còn khổ. Đêm nay ta hiện về để nói cho anh biết rằng không có ma quỷ nào ở ngoài quấy nhiễu làm hại anh cả. Kẻ thù của anh là ở chính trong anh.
Bà ta nói xong thì thăng, nhẹ như một làn khói biếc. Đêm ấy gần sáng tôi mới ngủ được và mơ thấy mình có mặt ở một bến phà, nơi tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ. Bến phà Hiên. Trong mơ tôi lại gặp Quách Thị Hoa, bà vẫn mặc áo lụa màu xanh da trời và dẫn tôi đi lên ngọn núi mờ sương, đến một mỏm đá cao hình người thì không thấy bà đâu nữa. Tỉnh giấc, tôi thấy buồn não nuột. Mong anh về nước, thu xếp cùng tôi làm một chuyến đi về phương Bắc, tìm đến cái nơi tôi đã gặp trong mộng này.
5.
Chúng tôi đến bến phà Hiên khi gà đang gáy trưa. Một chiếc thuyền mảnh như lá trúc hiện ra trong sương đưa tôi và Phong rời bến. “Các anh lên điện cô Thắm à?”, người chèo thuyền có gương mặt cổ xưa như tạc bằng đất nung hỏi khẽ. Tôi gật đầu. Thực ra cả Phong và tôi đều không biết mình đang đi tìm cái gì, ở đâu. Mọi việc cứ nương theo tiền định.
Thuyền dừng dưới chân một hòn núi xám. Chúng tôi rời thuyền rồi leo núi, leo tới đâu Phong nhận ra quang cảnh đã gặp trong mơ tới đó. Đường lên gập ghềnh dốc đá, len lỏi qua những vườn đào vườn mận, hoang vắng như lạc vào xứ tiên. Qua mỏm đá hình người thì thấy một ngôi nhà mái ngói mờ ảo trong sương. Trước nhà, bên hàng cây trụi lá vương vấn khói lam, một pho tượng Bồ Tát Quan Âm nhô lên nền trời trắng toát.
Điện cô Thắm.
Khách tới điện hôm ấy khá đông. Người quỳ trước gian thờ lấp lánh vàng son, kẻ ngồi bên dãy hình nhân và voi ngựa bọc giấy màu xanh đỏ. Tôi lân la hỏi, mới biết cô đồng Thắm là phù thủy trục vong nổi tiếng khắp vùng.
Cô Thắm người nhỏ, mặt sáng như hoa đào. Chân đi như có gió, cái miệng lúc nào cũng tươi. Khi nhìn thấy Phong, mặt cô hơi biến sắc.
Qua giờ Ngọ thì lễ trục vong bắt đầu. Mọi người ra trước điện quỳ lạy theo nhịp chuông và lời khấn của cô. Hầu hết là những người muộn chồng muộn con hoặc tâm tính thể trạng bất thường phải đến nhờ cô soi giúp.
Bài khấn chưa dứt, một đứa con gái đã ngã vật ra nền nhà, thè lưỡi gầm gừ rồi ngóc đầu sủa. Tiếng sủa âm u của chó. Thì ra cô này có vong của một con chó trong người.
Sau tiếng tru dài thê thảm, cô ta giãy giụa một hồi rồi nằm run khẽ. Bọt dãi sủi trắng quanh mép, rỏ giọt xuống nền. Cô đồng an ủi vỗ về, hỏi cái vong chó xem nó muốn gì. Này nhà này xe, này voi này ngựa, muốn gì cũng có, cô sẽ đốt gửi cho. Con chó rên rỉ mãi mới nói được, rằng nó chẳng cần gì, chỉ oán con người. Cái nhà kia ác quá, nó đang có chửa mà nhẫn tâm giết nó, hồn nó sẽ ra đi không bao giờ trở lại khu đồi ấy. Nói xong nó hướng ra pho tượng Quan Âm bằng đá cẩm thạch trắng ngoài sân, run rẩy vái rồi ngoẹo đầu gục xuống, hai mắt nhắm nghiền.
Khi cái vong chó tủi phận đã lìa khỏi thân người, đứa con gái ngồi dậy khóc nấc lên: “Nhà em ở trong đồi. Hôm ấy là mùa hè, biết bố em có ý định mổ chó, con chó trốn lên nương sắn cả ngày, chiều tối lại mò về chui vào gầm giường nằm. Bố em với lão hàng xóm lôi nó ra. Nó chảy nước mắt, hai chân trước chắp lại như van xin, bố em vẫn thọc dao chọc tiết. Mắt nó dại đi, nhìn em như oán trách, trời ơi!”
Trông ra mặt sông bàng bạc sương thấp thoáng sau cánh rừng trụi lá, tôi hoang mang nghĩ: “Thì ra con vật cũng có linh hồn?” Nhìn sang Phong, thấy anh vẫn thản nhiên, như không có gì lạ lẫm.
Mải xem người chó, không ai để ý đến một người đàn bà đang quằn quại trước hiên. Cô đồng Thắm nhìn kỹ chị ta, thốt lên: “Con đỉa!”
Người ấy chầm chậm bò ra sân. Đêm trước trời mưa, sân còn đọng nước nên chị ta bò đến đâu người nhà cô đồng trải chiếu hoa đến đó. Cái đầu ngo ngoe vươn dài về phía trước, thân người mềm nhẽo giãn ra hết cỡ rồi co lại như sợi dây chun. Nhìn cảnh ấy, ai cũng thất kinh. Đúng là cách bò của đỉa.
Con đỉa bò đến trước pho tượng trắng thì chắp tay vái lia lịa. Trong khi cô đồng tiến hành cuộc thương lượng, hỏi nó muốn gì, thì cô bạn đi cùng người đỉa xoe xóe kể rằng: “Chúng em sống ở đồng ruộng ao đầm, quanh năm làm bạn với đỉa. Những ngày mưa ấm, đỉa nổi đen sì cả mặt ao. Chẳng biết bạn em dùng thuốc trừ sâu triệt phá tổ tông họ hàng loài đỉa thế nào mà chúng oán hờn, vong hồn con đỉa khốn nạn này lại nhập vào người, làm cho mấy năm nay không đẻ đái gì được. Hình như nó vào nó hút làm teo hết trứng. Cũng từ đấy da thịt bạn nhão ra, người nhũn như không có xương, biết đàn hồi co giãn. Lại thường ngủ mơ thấy mình biến thành một con đỉa trâu lực lưỡng, áng chừng hai tạ, lặc lè mang một bụng trứng trong người!”
Cuộc thương lượng với vong đỉa kết thúc nhanh gọn. Nó đồng ý ra khỏi người chị kia với điều kiện đốt cho nó một hình nhân nam lộng lẫy làm chồng. Nguyện vọng ấy được đáp ứng tức thì. Nhìn ngọn lửa xanh lét bùng lên trong lò đốt mã, cô bạn của người đỉa dài giọng mỉa mai: “Là đỉa lại muốn lấy người làm chồng, lại còn mê giai đẹp, bố khỉ!”
Trong số khách đến cửa cô hôm ấy, không phải ai cũng có vong nội tức vong ngụ trong người. Có mấy ca chỉ là vong ngoại tức vong theo. Một ông thời trẻ bắt rắn chặt đuôi mút máu tươi, bị vong rắn hổ mây cuốn mấy vòng vằn vện quanh thân như sợi dây chão. Một ả chơi bời năm nào cũng đi nạo hút, bị các vong hài nhi đeo bám trĩu trịt trên mình khiến ả vẹo người như cây đu đủ mang chùm quả sai. “Đuổi vong ngoại thì dễ, trục vong nội khó hơn”, cô Thắm nói. “Có những vong nội rất tinh quái, khi thấy mình soi nó tìm cách nhảy ra ngoài hoặc trốn vào trong tóc. Nếu nó không trốn đi đâu được thì ngón tay mình sẽ có cảm giác tê như dòng điện, khi sờ vào huyệt bách hội ở trên đầu.”
Chiều gần tàn mà người chờ trục vong còn nhiều, lại thấy Phong vẫn tỉnh táo như không, tôi nóng ruột nhờ cô Thắm soi cho anh trước. Để được nể hơn, tôi xưng là nhà báo. Chẳng ngờ cô nói: “Nhà báo các anh toàn xuyên tạc. Không hiểu gì về tâm linh, lại nói chúng tôi lừa bịp. Ở đây không tiếp nhà báo.” Nói rồi cô quay gót. Đi được vài bước, chợt ngoái lại bảo Phong: “Anh vào đây.”
Cô đưa Phong đến trước bàn thờ mẫu, đặt tay lên đỉnh đầu anh khá lâu, vẻ nghĩ ngợi đăm chiêu. Bỗng cô rụt vội tay ra, mặt biến sắc. Rồi nhìn thẳng vào mắt anh, nghiêm nghị hỏi:
- Anh thường ngủ mơ thấy máu phải không?
- Đúng vậy.
- Khi anh mới đến, vừa nhìn thấy anh tôi đã biết không phải người thường. Anh là bậc tài hoa trí lực hơn người nhưng bị một sức mạnh ghê gớm đè bẹp nên suốt cuộc đời người ta vẫn vượt lên trước còn anh tụt lại phía sau. Soi vào mệnh anh tôi thấy một con rồng vàng bị trói chặt bốn chân, con kim long này đủ sức bay vượt đại dương nhưng vùng vẫy thế nào cũng không thoát ra khỏi sự kìm kẹp. Anh chính là con rồng đó.
- Tôi chưa hiểu. Cái đã làm hại đời tôi ấy... là vong người hay vong vật?
- Nó không phải người cũng chẳng phải vật. Mấy thứ tà ma vặt vãnh đó chỉ như những tàn tro lơ lửng ở ngoài, không làm gì nổi anh. Cái này thì lạ, tôi chưa từng gặp, nó là một năng lượng trời đất sinh ra, tích tụ lâu ngày thành một khối kinh tởm như máu và bám vào đời anh từ thuở lọt lòng mà không ai giải trừ cho anh được. Anh sẽ phải sống chung thân cùng với nó.
- Nó đi theo tôi hay tồn tại ở đâu vậy?
- Nó đang ở trong chính người anh.
Phong cúi đầu, câm lặng.
Trên suốt quãng đường xuống núi, tôi và Phong không nói với nhau câu nào. Mắt anh thăm thẳm buồn. Đến triền cỏ ở chân núi, anh đột ngột quỳ xuống và cúi lạy sát đất, hồi lâu không ngẩng đầu lên. Trên cao, pho tượng Bồ Tát Quan Âm lồng lộng giữa trời mờ mịt khói sương, đài sen trắng muốt, một tay bắt ấn tam muội, tay kia chao nghiêng bình nước cam lồ.
6.
Một buổi sáng mùa xuân rưng rưng sương lạnh, có người đàn ông một mình chèo thuyền ra một hòn đảo trên hồ Thác Bà. Sau khi giấu kỹ thuyền trong đám lau sậy rậm rạp ngập nước hồ, người ấy leo dốc về phía tây và nằm xuống bãi cỏ trên sườn đảo. Thong thả châm một điếu thuốc, vừa hút vừa nhìn ra trời nước xanh thẳm mênh mông. Rồi nhắm mắt, lặng im, không bao giờ dậy nữa.
Sau mấy ngày, từ xác anh nhẹ thoát ra một luồng khí lạ. Khí chảy thành dòng ngoằn ngoèo, đỏ như máu tươi, bốc lên thành khói làm xém cả bụi cây rồi tan loãng vào không khí.
Phải đến hơn một tháng sau mới có người lên hòn đảo kia và phát hiện ra bộ xương dãi dầu trên cỏ. Vạch các khớp xương trên hài cốt, thấy hằn lên những vệt đỏ bầm.
Tôi được nghe chính Phong kể lại chuyện này trong buổi gọi hồn anh tại điện cô Thắm. Hôm ấy, Phong nhập vào em gái anh. Hỏi được chôn cất ở đâu, anh không cho biết. Chỉ cười lanh lảnh như tiếng chuông đồng, nói rằng bây giờ anh được giải phóng rồi, chả phải vương vấn gì đến anh. Anh đã về cõi trời tây, đường mây nhẹ gót.
Ngày Phong đột ngột mất tích, công ty Đại Phong thông báo rằng giám đốc của họ tự mình lái xe đi trong một đêm gió rét rồi không thấy trở về. Đôi lúc tôi nghĩ, chẳng biết cái linh hồn đã gặp ở điện cô Thắm có phải Phong thật không, hay chỉ là một cái vong nào đó ưa đùa bỡn. Chơi với Phong, tôi chưa bao giờ thấy anh cười thành tiếng. Biết đâu, anh còn sống trên đời...
Trại hoa hồng nay đã trở thành hoang phế. Lần cuối cùng tôi đến, dây leo thường xuân đã phủ kín tòa biệt thự, xanh mơn mởn như một chiếc hộp nhung. Trên bờ tường và dãy xích đu trắng dọc bờ ao, dây tử đằng cũng rủ lá xanh rờn, đẹp như cảnh điền trang ở một xứ Bắc Âu nào đó.
Bốn bề thanh vắng, tịch mịch.
Chỉ có ngàn bông hồng đỏ thắm vẫn rì rào trong nắng xuân.