Văn hóa nghệ thuật

Khi ngòi bút trở thành tiếng nói của kẻ giết người

Bùi Tùng Linh
Sách
10:11 | 12/04/2025
Cuộc tranh luận dữ dội về cuốn tiểu thuyết El odio (Hận Thù) ở Tây Ban Nha hé lộ một thực tế nhức nhối: đâu là giới hạn của tự do sáng tạo văn chương, khi sự im lặng của nạn nhân bị thay thế bằng tiếng nói của kẻ sát nhân?
aa

Bi kịch bắt đầu

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2011, José Bretón – người đàn ông sống tại thành phố Córdoba, Tây Ban Nha – lái xe đưa hai đứa con nhỏ của mình, Ruth (6 tuổi) và José (2 tuổi), đến trang trại Las Quemadillas. Đó là cuối tuần, theo thỏa thuận chia sẻ quyền nuôi con sau ly hôn với vợ cũ - bác sĩ thú y Ruth Ortiz. Không ai ngờ rằng, đó sẽ là những giờ cuối cùng trong cuộc đời hai đứa trẻ.

Khi ngòi bút trở thành tiếng nói của kẻ giết người
José Bretón trong phiên tòa năm 2013 tại Córdoba – Ảnh: Madero Cubero / El País.

Tại trang trại vắng người, Bretón cho hai con uống thuốc an thần liều cao - một thứ thuốc khiến trẻ rơi vào hôn mê sâu. Sau đó, hắn đốt xác chúng bằng xăng và củi đã chuẩn bị từ trước, nhằm xóa dấu vết. Ngày hôm sau, Bretón đến công viên Thành phố Trẻ em ở Córdoba, giả vờ hoảng loạn, báo cảnh sát rằng hai con “đã mất tích trong lúc chơi”. Vụ việc nhanh chóng trở thành tin nóng toàn quốc. Phải mất nhiều ngày, nhiều sai lầm điều tra - trong đó có việc giám định nhầm xương người là xương động vật - cảnh sát mới phát hiện: tại khu đất thiêu ấy, tro xương thực chất là hài cốt trẻ em. Sự thật dần sáng rõ.

Bretón bị bắt, xét xử, và kết án hai tội giết người với tình tiết tăng nặng – bị tuyên án 40 năm tù, sau đó giảm còn 25 năm. Hắn không nhận tội. Mãi đến năm 2023, từ trong trại giam, José Bretón bắt đầu viết thư cho nhà văn Luisgé Martín. Hai năm sau, cuốn sách El odio (Hận Thù) ra đời.

Và lần này, không phải Bretón giết con - mà là một phiên bản khác của cái chết được tái hiện bằng văn chương.

Khi văn chương gọi tên cái ác

Vào ngày 26 tháng 3, cuốn sách El odio (Hận Thù) dự kiến ra mắt tại các hiệu sách ở Tây Ban Nha. Từ một tác phẩm văn chương, El odio đã trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng pháp lý - văn hóa, đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời: Giới hạn nào cho quyền sáng tạo nghệ thuật? Khi nào văn học trở thành đồng lõa với bạo lực gián tiếp? Và điều gì xảy ra khi một cuốn sách trở thành công cụ tái diễn nỗi đau? Ruth Ortiz, người mẹ của hai đứa trẻ bị giết hại, đệ đơn kiện yêu cầu đình chỉ phát hành với lý do cuốn sách “vi phạm quyền danh dự, quyền riêng tư và hình ảnh của các trẻ vị thành niên đã mất”.

Văn phòng Công tố vị thành niên vào cuộc. Dư luận chia rẽ. Và cuối cùng, Anagrama - một trong những nhà xuất bản văn học danh tiếng nhất xứ sở bò tót - ra quyết định bất ngờ: đình chỉ phát hành El odio vô thời hạn, bất chấp phán quyết của tòa cho phép phát hành.

Tác phẩm được xây dựng dựa trên hơn 60 lá thư và hàng giờ phỏng vấn giữa Luisgé Martín và José Bretón - kẻ giết người đang thụ án 25 năm tù giam. Bretón không chỉ thú nhận chi tiết tội ác mà còn trình bày tâm trạng, lý do, thậm chí tự nhận mình là “người cha yêu thương con cái”. Cuốn sách không có bất kỳ lời khai, phản hồi hay thậm chí một dòng tham khảo nào từ Ruth Ortiz. “Tôi chọn không tiếp cận bà ấy vì không muốn làm bà tổn thương,” tác giả giải thích.

Thế nhưng, điều ấy đã không ngăn nổi sự tổn thương.

Vụ án José Bretón được coi là điển hình của bạo lực gián tiếp (violencia vicaria) – loại bạo lực nhằm vào con cái để làm tổn thương người mẹ. Trong vụ việc này, hắn đã lên kế hoạch chu đáo: đầu độc hai con nhỏ bằng thuốc an thần, rồi đốt xác, tạo hiện trường giả để đánh lạc hướng cảnh sát, tất cả chỉ để “trừng phạt” người vợ cũ sau khi bà đệ đơn ly hôn. đây là một hình thức bạo lực giới đặc biệt nguy hiểm vì nó giết chết không chỉ nạn nhân trực tiếp mà còn hủy diệt tâm lý nạn nhân sống sót.

Một khi bạo lực gián tiếp được phơi bày bằng ngôn từ của chính kẻ thủ ác, với những miêu tả chi tiết, những biện minh ghê rợn, điều đáng sợ là độc giả có thể trở thành kẻ bị cuốn hút – và nạn nhân thì một lần nữa bị xóa tiếng nói. Cuốn sách đã thực sự biến kẻ giết người thành một tác giả phụ. Người mẹ mất con - Ruth Ortiz gọi là “ngòi bút của quỷ dữ”, còn nhà báo nữ quyền Cristina Fallarás thẳng thắn: “kẻ giết người tiếp tục tra tấn người mẹ từ trong tù”.

Tự do biểu đạt và vùng xám của pháp luật và lương tri

Tòa án Barcelona từng khẳng định rằng chưa thể đánh giá một cuốn sách chưa phát hành, nên không có cơ sở đình chỉ. Phán quyết ấy được coi là đúng theo thủ tục – nhưng bỏ ngỏ một câu hỏi lớn: Nếu nội dung sách thực sự gây tổn thương sâu sắc, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tây Ban Nha là quốc gia có luật bảo vệ danh dự, hình ảnh cá nhân rất nghiêm ngặt, đặc biệt đối với trẻ em. Nhưng khi El odio được phát hành như một “hành trình khám phá tâm lý tội ác”, giới xuất bản và văn giới lập tức rơi vào thế lưỡng nan. Một số nhà phê bình bênh vực tác phẩm trên cơ sở tự do sáng tạo. Một số khác phản bác rằng việc Luisgé Martín không trao cho người mẹ - Ruth Ortiz - quyền hiện diện là một sự phớt lờ đạo lý cơ bản của văn chương: sự công bằng tối thiểu trong nhìn nhận con người.

Khi ngòi bút trở thành tiếng nói của kẻ giết người
Nhà văn Luisgé Martín và cuốn sách "El odio" (Hận Thù).

Luisgé Martín, trong nỗ lực mô phỏng Capote hay Carrère, đã đưa văn học Tây Ban Nha bước vào vùng xám đạo đức, nơi biên giới giữa sự khám phá tâm lý và sự dung dưỡng cho bạo lực trở nên nhòe nhoẹt. Việc El odio (Hận Thù) chỉ truyền tải góc nhìn của Bretón – một tên sát nhân đã mất hết uy tín đạo lý – mà không tiếp cận, hay chí ít là lắng nghe Ruth Ortiz, là một lựa chọn mang tính đạo đức, không đơn thuần là kỹ thuật. Một lựa chọn mà nhà văn phải chịu trách nhiệm. Ông chọn chỉ một nhân vật. Và nhân vật ấy là kẻ giết người.

Văn học có quyền đi vào vùng tăm tối của tâm lý con người, nhưng cũng cần chịu trách nhiệm về cảm xúc mà nó lan tỏa. Khi Luisgé Martín viết rằng “Tôi muốn hiểu tâm trí một kẻ có thể giết con mình mà không run tay”, ông thực hiện một hành trình nguy hiểm – không sai về mặt nghệ thuật. Sai lầm của ông – như chính một nhà phê bình Tây Ban Nha chỉ ra – là đã để ngòi bút bị quyến rũ bởi đối tượng, mà quên rằng trong những vụ án như thế này, lời kể không bao giờ là trung tính.

Nhà báo Cristina Fallarás từng nhận xét: “Cuốn sách này là cái loa công cộng mà xã hội trao cho một kẻ bị pháp luật cấm không được nói.” Khi luật pháp tuyên án cấm Bretón tiếp xúc với vợ cũ trong 21 năm bằng mọi hình thức, liệu việc phát hành một cuốn sách gồm 60 lá thư trao đổi và lời thú tội của hắn có phải là hành vi “lách luật” nhưng gây tổn thương thật?

Ruth Ortiz, một người mẹ không có lựa chọn nào khác ngoài sống sót, đã phải đón nhận thêm một cú đòn vô hình: ký ức về cái chết của hai con, lần này không còn giới hạn trong hồ sơ tòa án mà lan truyền khắp truyền thông, hiệu sách, mạng xã hội. Và đau lòng hơn, đó là câu chuyện của kẻ đã giết chúng – nay được đóng gói trong vỏ bọc “tác phẩm văn chương”.

Nhà văn có thể kể chuyện, nhưng khi anh ta lựa chọn không trao cho người còn sống – nạn nhân – một quyền phản hồi, thì câu chuyện không còn là văn học. Nó là một hình thức tái hiện bạo lực – lặng lẽ nhưng sâu sắc. Có những câu chuyện kể không nên kể một mình.

Không có văn bản nào là vô tội

Văn chương luôn được xem là địa hạt của tự do: tự do khám phá, tái hiện, tái cấu trúc hiện thực, kể lại những điều không ai dám kể. Nhưng như nhà văn người Pháp Annie Ernaux từng nói: “Viết là một hành động có hậu quả. Không có văn bản nào là vô tội.” Vậy, chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu mọi câu chuyện đều nên được kể – và mọi người đều có quyền kể?

Với El odio, Luisgé Martín đã khai thác một vụ án có thật, một bi kịch chưa từng nguôi ngoai trong ký ức tập thể Tây Ban Nha. Ông chọn cách tiếp cận duy nhất từ góc nhìn kẻ giết người, từ những bức thư dài rùng rợn, từ những lần phỏng vấn tận trong phòng giam. Và ông làm vậy mà không hề đặt mình vào vị trí của người còn lại – người mẹ mất con – như thể nỗi đau ấy đã là dĩ vãng, không cần lắng nghe nữa.

Sự câm lặng của Ruth Ortiz trong cuốn sách không phải là sự im lặng tự nguyện. Đó là một sự loại trừ. Một sự từ chối trao cho nạn nhân quyền hiện diện trong chính câu chuyện của mình.

Và ở đây, câu hỏi đạo lý vượt trên cả luật pháp: Khi văn chương được sử dụng để phát ngôn cho một người đang thụ án vì một tội ác không thể dung tha, thì nhà văn liệu có còn là người kể chuyện trung lập? Hay đã trở thành cái loa phóng thanh cho một dạng bạo lực gián tiếp tinh vi – thứ bạo lực đến từ sự kể lại, từ lời biện minh, từ việc biến kẻ sát nhân thành nhân vật trung tâm mà người đọc buộc phải lắng nghe?

Một tác phẩm không thể chỉ đúng về mặt hình thức pháp lý mà vô cảm về mặt luân lý. Bởi sự thật không bao giờ tồn tại độc lập với cách ta kể lại nó. Trong trường hợp này, sự thật – hay đúng hơn, sự thật được chọn lọc – đã trở thành một vũ khí mới chống lại người phụ nữ từng mất tất cả.

Luisgé Martín đã thất bại trong việc kiểm soát thông điệp đạo lý của mình. Khi El odio (Hận Thù) phát hành, hiệu sách Carmen ở Madrid là nơi đầu tiên tuyên bố không bày bán cuốn này, với khẩu hiệu lan rộng trên mạng xã hội: “Hiệu sách tôi, không có chỗ cho hận thù”. Sau đó, hơn 80% hiệu sách Tây Ban Nha cũng lên tiếng. Đó không phải là kiểm duyệt. Đó là phản kháng đạo lý.

Văn học không phải là phán xét, nhưng không thể là công cụ để kẻ phạm tội viết lại lịch sử theo góc nhìn của mình. Và khi nhà văn, bằng sự “say mê tâm lý học tội ác”, vô tình tiếp tay cho việc ấy – thì sự im lặng có khi lại là lựa chọn nhân văn hơn cả ngôn từ.

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

"Huyền tình Dạ Trạch" - dự án phim đặc biệt của Đài PT-TH Hà Nội

Baovannghe.vn - Đài PT-TH Hà Nội vừa công bố dự án phim đặc biệt mang tên “Huyền tình Dạ Trạch”, lấy cảm hứng từ chuyện tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Traphaco: Đổi mới hệ sinh thái dược phẩm để bứt phá tăng trưởng

Baovannghe.vn - Năm 2024, trong mảng Đông dược, nhóm sản phẩm cao cấp đạt mức tăng trưởng 49%. Dòng sản phẩm nổi bật nhất là Boganic Premium tăng trưởng 36%.
Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 17/4/2025

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình đặc biệt nằm trong loạt chương trình trọng điểm do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Văn nghệ trong đổi mới và hội nhập

Baovannghe.vn - Ngày 29/1/1977, Hội Văn nghệ giải phóng hợp nhất với Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, hai tờ báo Văn nghệ giải phóng Văn nghệ cũng hợp nhất lấy tên là Văn nghệ ra hàng tuần.
"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

"Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ Ba được tổ chức tại Huế

Baovannghe.vn - Ngày 16/4, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 1045/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức "Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam" lần thứ ba - Huế 2025.