Trong thời gian gần đây, sau buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội và Chính phủ về thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29/2013 của Trung ương Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam, xây dựng “một nền giáo dục mở”, đa dạng hóa học liệu trong dạy và học, tinh thần Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội là “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, đã có một số ý kiến cho rằng, ngoài những bộ sách giáo khoa đang được thực hiện theo phương châm xã hội hóa là chưa đủ, cần phải có riêng một bộ sách giáo khoa “chuẩn” của Bộ Giáo dục & Đào tạo, dư luận xã hội và các cơ quan ngôn luận, các nhà khoa học trong và ngoài ngành giáo dục đã lên tiếng.
Đa số các ý kiến cho rằng, tất cả các bộ sách đang được biên soạn, phát hành theo hướng xã hội hóa đã khẳng định tính thực tiễn, tính khoa học và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế của Nghị quyết 29/2013 của Đảng. Nó chẳng những tiết kiệm vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư vào các lĩnh vực khác, mà còn khắc phục, chấm dứt được tình trạng một doanh nghiệp độc quyền về biên soạn, ấn hành sách giáo khoa đã kéo dài qua nhiều thập kỷ, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, các thày cô giáo và phụ huynh học sinh được quyền lựa chọn những cuốn sách hay về nội dung, đẹp về hình thức, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và khả năng tiếp cận tài liệu giảng dạy của các thày cô giáo ở từng vùng miền, thậm chí là ở từng cơ sở giáo dục khác nhau.
Về vấn yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo phải biên soạn một bộ sách giáo khoa “chuẩn”, theo thiển ý của người viết bài này là hoàn toàn không có căn cứ. Bởi lẽ, việc biên soạn, thẩm định và phát hành tất cả các bộ sách giáo khoa, cho dù sử dụng vốn từ ngân sách Nhà nước hay vốn huy động từ xã hội hóa, đều phải qua một quy trình nghiêm ngặt đã được quy định tại Thông tư 33/2017 ngày 22/12/2017, và Thông tư 06/VBHN-BGDDT ngày 03/8/2022 ban hành kèm theo Quy định tiêu chuẩn quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tổ chức hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, mới được Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo ký quyết định cho phép phát hành, đưa vào dạy học. Điều đó có nghĩa là, dù có là sách giáo khoa do Bộ Giáo dục & Đào tạo sử dụng ngân sách Nhà nước để biên soạn và ấn hành cũng không phải là trường hợp ngoại lệ để được “chuẩn” hơn các bộ sách giáo khoa khác.
Có ý kiến so sánh rằng, sách giáo khoa mới theo Chương trình 2018 được biên soạn, in ấn bằng nguồn vốn xã hội hóa có giá cao nhiều lần so với sách giáo khoa sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Cần lưu ý rằng, sách giáo khoa trước khi thực hiện xã hội hóa dùng vốn ngân sách đã được Nhà nước hỗ trợ về giá, ngược lại, sách giáo khoa xã hội hóa được các doanh nghiệp đầu tư, phải được tính đủ các chi phí hợp lý đầu vào, và được coi là một loại hàng hóa tham gia vào quá trình lưu thông trên thị trường như các loại hàng hóa khác, chịu sự điều chỉnh của quy luật cung cầu. Nhà nước sẽ áp dụng các chính sách hỗ trợ về giá sách giáo khoa cho học sinh ở các vùng khó khăn mua sách giáo khoa theo những quy định cụ thể cho mỗi vùng miền khác nhau. Vì vậy, những luận điểm so sánh về giá cả giữa hai hình thức biên soạn và ấn hành sách giáo khoa như vừa nêu trên là không có cơ sở khoa học, và cơ sở thực tiễn, dễ làm cho người dân hiểu sai đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng sâu sắc tới việc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về cải cách giáo dục.
Lại có ý kiến cho rằng, việc cần phải có một bộ sách riêng của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm đảm bảo an ninh sách giáo khoa, đề phòng trường hợp các doanh nghiệp có thể đứt gãy quá trình cung ứng sách cho học sinh, ảnh hưởng tới việc dạy và học. Cần lưu ý rằng, giả định này có thể được đưa ra bàn thảo khi và chỉ khi các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa mới trong giai đoạn đầu chuẩn bị bắt tay vào làm sách giáo khoa. Thời điểm các vị đưa ra ý kiến này đã là năm thứ tư sách giáo khoa theo Chương trình 2018 được đưa vào giảng dạy, và những ngày tháng hiện tại, sách giáo khoa của năm thứ năm thực hiện đổi mới sách giáo khoa đang trong thời gian thẩm định để chờ Bộ trưởng ra quyết định phát hành trên cả nước, phục vụ việc dạy và học cùa thày và trò trong năm học tới 2024-2025. Sự lo lắng, tiên lượng những tình huống xấu có thể xẩy ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là một điều cần thiết, là đức tính cao đẹp của người lãnh đạo, tuy nhiên nỗi lo lắng ấy, sự quan tâm ấy phải dựa trên thực tế khách quan, khoa học, công tâm, chứ quyết không phải chỉ dựa trên thứ tư duy duy ý trí, mang tính chủ quan mệnh lệnh lỗi thời. Cần lưu ý rằng chính Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 122/2020 ban hành ngày 19/6/2020, trong đó khẳng định, “không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước”.
Vì vậy, việc yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo biên soạn và ấn hành thêm một bộ sách nữa khi các bộ sách giáo khoa xã hội hóa đang phát huy những ưu thế hơn so với thời kỳ độc quyền, và đang được đưa vào giảng dạy trên phạm vi cả nước đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, là một điều không cần thiết. Bởi lẽ, xét về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Giáo dục & Đào tạo mà Chính phủ quy định, thì Bộ không có chức năng biên soạn và phát hành sách giáo khoa như một doanh nghiệp. Thay vì yêu cầu Bộ Giáo dục & Đào tạo làm thêm một bộ sách khác, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu trách khác cần tập trung giám sát việc thực hiện Nghị quyết 29/2013 của Đảng về đổi mới giáo dục, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội và việc thực hiện Luật sửa đổi bổ sung của Luật giáo dục 2019, đặc biệt là giám sát quá trình, kết quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để sau năm năm thực hiện Chương trình giáo dục 2018, có những đánh giá cụ thể về kết quả bước đầu thực hiện Chương trình giáo dục 2018, rút kinh nghiệm những vấn đề tồn tại từ khâu biên soạn đến khâu phát hành sách giáo khoa nếu có, nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới giáo dục đạt được kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, chứ không phải là những đề xuất luẩn quẩn xa rời với mục tiêu về đổi mới mà Đảng đã đề ra, pháp luật đã quy định. Về lâu dài, Nhà nước nên tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà xuất bản có đủ năng lực tiếp tục tham gia vào xã hội hóa sách giáo khoa, nhằm tăng thêm nguồn lực cả và trí tuệ trong xã hội, dành tiền ngân sách Nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực dân sinh khác, vì rằng, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì mỗi một bộ sách giáo khoa đầy đủ cần phải đầu tư chừng 16 triệu USD. Như vậy, khi các bộ sách xã hội hóa đang được dạy học có hiệu quả, mà đầu tư tiền từ ngân sách vào làm thêm một bộ sách khác là một sự lãng phí lớn. Đó là chưa tính đến việc thêm một bộ sách lại do chính Bộ Giáo dục & Đào tạo quản lý với một quy trình sử dụng vốn liếng và nguồn lực bao cấp, sẽ tạo nên một cuộc cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có thể gây nên hiện tượng bát nháo trong thị trường sách giáo khoa vốn là một lĩnh vực nhạy cảm. Điều đó sẽ dẫn đến việc quay lại một cơ chế độc quyền sách giáo khoa, mà phải rất khó khăn chúng ta mới vừa mới thoát khỏi. Nó cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp xã hội hóa sách giáo khoa sẽ bị đổ bể. Việc thay đổi một chính sách lớn khi nó mới đang được vận hành sẽ làm thiệt hại cho những doanh nghiệp đang đầu tư trong lĩnh vực này, và làm cho các nhà đầu tư trong các lĩnh vực khác cũng phải e dè vì một môi trường đầu tư không ổn định.
Đó là những điều cơ bản nhất để khẳng định rằng, không nên giao Bộ Giáo dục & Đào tạo làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa.
Điều băn khoăn hơn nữa là ở chỗ, Nghị quyết 29/2013 của Đảng đã ra đời tròn 10 năm nay; toàn bộ đảng viên các cơ sở đảng trong cả nước đã học tập, quán triệt và thấm nhuần, vậy mà có một số vị có học hàm, học vị, giữ một số cương vị cao của một số cơ quan trong hệ thống chính trị xã hội của đất nước, gần đây lại công nhiên yêu cầu chỉ cần có một bộ sách giáo khoa duy nhất. Xin lưu ý rằng, những ý kiến đó là xa rời với tinh thần Nghị quyết 29/2013 của Đảng, không phù hợp với Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, và hoàn toàn không đúng với quy định của Luật giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019. Thiết nghĩ, mỗi đảng viên, dù ở cương vị nào, thì mọi phát ngôn và hành động không được xa rời các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luôn là tấm gương để quần chúng, nhân dân lao động noi theo.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, khi nội dung này được đưa ra Quốc hội bàn thảo, những ý kiến tâm huyết của các thày cô giáo, các nhà khoa học, cùng với mối quan tâm của toàn xã hội xung quanh vấn đề Sách Giáo khoa lâu nay sẽ được xem xét, cân nhắc một cách thấu đáo, khách quan.
Nhà văn Đào Quốc Vịnh
Nguồn Văn nghệ số 34/2023