Văn hóa nghệ thuật

Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào: Ngẫu hứng bản địa - Công trình nên thơ

Phương Thúy
Kiến trúc
08:00 | 06/02/2025
Baovannghe.vn - “Kiến trúc tốt sẽ góp phần tạo nên ý thức xã hội lành mạnh. Mọi cộng đồng đều có quyền mưu cầu những kiến trúc hiện đại, mang đúng bản sắc của mình và được hưởng đời sống với hàm lượng hạnh phúc cao cho mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng.”
aa

Quan điểm ấy đã được kiến trúc sư (KTS) Hoàng Thúc Hào hiện thực hóa suốt 32 năm làm nghề, thông qua các công trình tiêu biểu như: hệ thống nhà cộng đồng, hệ thống làng và hệ thống trường học. Tiếp nối tinh thần hiện đại hóa kiến trúc bản địa của các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam, Hoàng Thúc Hào đang góp phần viết tiếp câu chuyện sáng tạo từ truyền thống, ngẫu hứng và nhân văn.

Thưa KTS Hoàng Thúc Hào, “Ngẫu hứng bản địa - Jazz bản địa” là cụm từ anh thường nhắc nhiều trong thời gian gần đây. “Ngẫu hứng bản địa” và triết lý “Kiến trúc hạnh phúc” có mối liên hệ như thế nào?

“Jazz bản địa” là phong cách kiến trúc của Văn phòng 1+1>2 , là một trong những nhánh đầu ra của Kiến trúc hạnh phúc. Có thể hiểu “Jazz bản địa” theo cách, kiến trúc là sự tiếp biến gen văn hóa. Việt Nam có 54 dân tộc. Ở những công trình bình thường như nhà ở, nhà cộng đồng, trường học cho người nghèo, ký túc xá cho công nhân… hoàn toàn có thể rất đẹp và ngẫu hứng tự nhiên, làm sao những vốn liếng như đất, đá, tre, gỗ, sỏi mang tính bản địa ấy có thể tuyệt đẹp, nên thơ.

Bạn thấy đấy, những công trình trường học, nhà cộng đồng ở vùng cao của tôi khá nhiều, “thiên biến vạn hóa” mà ở đó chính vật liệu, con người bản địa là chất liệu, là chất men để kiến trúc sư và cộng đồng nơi đó cùng tấu lên bản nhạc ngẫu hứng. Nhưng để làm được điều đó thì kiến trúc sư cần hướng đến mục tiêu phát triển con người: vì con người nơi đó, vì sự phong phú, đa dạng của vùng đất ấy.

Kts Hoàng Thúc Hào: Ngẫu hứng bản địa - Công trình nên thơ
KTS Hoàng Thúc Hào. Ảnh NVCC

Thời gian gần đây, cùng với sự vào cuộc của Hội Kiến trúc sư và các cấp, các ngành chung tay kiến tạo không gian sống mới cho người dân làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai), nơi vừa trải qua những thương đau bởi thiên tai, tâm thế của anh và các cộng sự Văn phòng 1+1>2 như thế nào khi thiết kế những công trình này?

Làm kiến trúc cho một cộng đồng cụ thể, chúng tôi cũng mong muốn thiết kế một không gian thân thiện, tiếp thu đặc tính không chỉ là của người Kinh như “tình làng nghĩa xóm” khi soi chiếu vào cuộc sống của các dân tộc Việt Nam, nhất là với một cộng đồng vừa trải qua thảm họa như vậy. Chính quyền tỉnh Lào Cai đã lựa chọn địa điểm mới, trong một không gian thung lũng rộng rãi nên phương án quy hoạch phải làm sao tạo ra sự quây quần, từng hộ, từng xóm tương tác thân thiện, trong đó vẫn bảo tồn địa hình tự nhiên, cân bằng san lấp, tôn trọng tối đa địa hình đồi núi.

Mặc dù nhà nọ nhà kia ở những cao độ khác nhau nhưng quây quần quanh đường đồng mức của đồi núi và ôm lấy “hạt nhân” là công trình nhà cộng đồng và điểm trường mầm non kết hợp tiểu học. Còn chuyện vật liệu và cấu trúc thì chúng tôi hiểu rằng, người Tày đã sống bao nhiêu năm trong những công trình với kết cấu gỗ và nhà sàn. Chúng tôi đã lắp ghép những cấu kiện bê tông đúc sẵn, có những tai cột gợi nhắc lại kiến trúc gỗ, đồng thời cho phép thi công nhanh và bền vững gần như tuyệt đối.

KTS Hoàng Thúc Hào luôn nhắc đến những phương án thiết kế cụ thể, trong những công trình, bối cảnh cụ thể. Việc tiếp thu tinh thần bản địa cũng cần sự linh hoạt. Sự linh hoạt và “làm mới” khác nhau như thế nào?

Nói đúng hơn là bảo tồn, phát huy và tiếp biến truyền thống. Truyền thống không bao giờ đứng yên và những giá trị nào của truyền thống có thể được chuyển đổi, đổi mới trong xã hội hiện đại, phục vụ con người hiện đại? Kiến trúc cũng như vậy! “Kiến trúc là hoa của đất”, là duy nhất, mọc lên tại một địa phương, một cộng đồng văn hóa cụ thể. Ngay từ đầu khi làm kiến trúc chúng tôi đã quan niệm như vậy. Chúng tôi cũng chủ trương kiến trúc là mọi thứ và mọi thứ là kiến trúc, rất ngẫu hứng như nhạc Jazz. Nhưng ngẫu hứng ấy phải có tầm nhìn chung là bảo vệ sự đa dạng văn hóa, vì sự nhân văn, tôn trọng hệ sinh thái, còn sự sáng tạo là vô tận!

Làm kiến trúc là quá trình đổi mới truyền thống, từ trong quá khứ đến hiện tại. Khi có con người định cư thì bắt đầu có đô thị hóa. Có thể nói, hàng ngàn năm trước tốc độ đô thị hóa rất chậm. Bây giờ, cùng với sự phát triển công nghiệp, công nghệ, tốc độ đô thị hóa nhanh hơn thì câu chuyện bảo tồn, phát huy, tiếp biến truyền thống cũng như vậy, đã có kiến trúc tức là có đổi mới truyền thống. Từ nhà tranh vách đất lên nhà gỗ, nhà ba gian hai chái, nhà bê tông cốt thép… là một quá trình phát triển truyền thống, như một lẽ hiển nhiên. Bây giờ, những sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, thay đổi vật liệu, công nghệ thì tốc độ tác động và làm thay đổi truyền thống nhanh hơn nên có nhiều lúc khó định lượng, gây hỗn loạn nên rất cần những cá nhân và tác phẩm cụ thể, tiếng nói chính thống cụ thể để định vị lại con đường ấy ngày càng rõ hơn.

Có nhận định: việc phát huy, tiếp biến giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam trong kiến trúc đương đại chủ yếu mới dừng ở sự thử nghiệm ở một số kiến trúc sư đơn lẻ, chưa tạo thành một trào lưu mạnh mẽ?

Tôi nghĩ chúng ta nên để “hậu xét” - tức là phải có khoảng lùi thời gian sau 5 năm, 10 năm. Cái tạo thành phong cách kiến trúc Đông Dương nếu chỉ dừng lại ở những thử nghiệm đơn lẻ của ông Ernest Hébrard (1875-1933) - kiến trúc sư, nhà khảo cổ học, nhà quy hoạch người Pháp, người thiết kế các công trình như Đại học Đông Dương (nay là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Bảo tàng Viện Viễn Đông Bác cổ Finot (nay là Bảo tàng Việt Nam), Sở Thuế (nay là Bộ Ngoại giao), Nhà thờ Cửa Bắc... ở Hà Nội, thì không thể thành phong cách Đông Dương được.

Cái gì cũng có nguyên tắc! Nếu có một loạt công trình bản địa, hiện đại, càng nhiều thử nghiệm thì đến một lúc nào đó “lượng đổi chất đổi”. Có những kiến trúc sư đã phát huy được tinh thần cộng đồng của người Việt trong sáng tạo kiến trúc. Chẳng hạn như một cộng đồng theo kiểu làng: làng đứng, làng treo, làng nén trong đô thị mật độ cao… Trong ngôi làng ấy thì khái niệm “khoảng cách” là quan trọng. Điều ấy được chuyển tải trong kiến trúc như thế nào để “khoảng cách” giữa các nhà với nhau, sự đối thoại giữa người với người vẫn giữ được.

Về vật liệu, ngày xưa cha ông ta dùng đất, đá, tre, gỗ thì trong thời hiện đại, tôi nghĩ chúng ta nên đổi mới cách sử dụng sao cho thú vị, thân thiện, thậm chí sang trọng với những công trình nghỉ dưỡng 5 sao dùng đất, tre… Bây giờ thế giới đang manh nha, “ngờ ngợ” dường như ở Việt Nam đang có lớp kiến trúc sư hiện đại - bản địa mới. Các diễn đàn của các liên hiệp Hội Kiến trúc sư Quốc tế, các trường đại học uy tín quốc tế liên tục liên hệ với các kiến trúc sư trẻ của Việt Nam để giới thiệu các công trình theo tinh thần, khuynh hướng như vậy. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có rất nhiều giải thưởng - sự công nhận từ quốc tế.

Từ những thế hệ đầu tiên, các Kiến trúc sư của nước ta đã nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội. Hiện tại, theo anh làm thế nào để khuyến khích, cổ vũ sự dấn thân của họ?

Bản chất con người là hướng thượng thì đương nhiên kiến trúc sư cũng như vậy. Ai làm nghề kiến trúc đều mong muốn làm ra được những công trình sáng tạo, độc đáo, có dấu ấn, tốt hơn nữa là phục vụ đông đảo cộng đồng xã hội; cũng mong muốn công trình ấy tồn tại lâu, ảnh hưởng tích cực đến các “môn đệ”... Những tổ chức nghề nghiệp như Hội Kiến trúc sư, trường đại học là nơi có tiếng nói chính thống cổ vũ trách nhiệm xã hội. Bởi vì, không có gì lớn lao hơn sứ mệnh của kiến trúc sư là phục vụ xã hội, bản chất của lao động là phục vụ cộng đồng.

Trong trường đại học, đào tạo cần phải đổi mới, ngoài những môn học về tổ hợp kiến trúc, về kết cấu, vật liệu… thì phải có môn học về đạo đức, trách nhiệm xã hội nghề kiến trúc. Bên cạnh đó, phải làm cho người ta hiểu triết học kiến trúc, kiến trúc sinh ra để làm gì? Vai trò của kiến trúc sư trong việc tạo môi trường nhân văn thứ hai bên cạnh thiên nhiên, tạo không gian sống, sinh hoạt cho con người thoải mái, nhân văn hơn, góp phần hướng thượng, bảo vệ văn hóa. Để khuyến khích tinh thần trách nhiệm, chúng ta cần nêu gương những cá nhân đã dấn thân vì cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn KTS Hoàng Thúc Hào!

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim
Dưới chân Núi Thành. Truyện ngắn của Thanh Quế

Dưới chân Núi Thành. Truyện ngắn của Thanh Quế

Baovannghe.vn - Một buổi sáng mùa hè năm 2013, bọn trẻ con ở làng An Mỹ, huyện Núi Thành ríu rít dẫn một người lạ mặt đến nhà ông Thành, thương binh cụt một chân, có nhiều mảnh đạn còn găm ở tay, chân và trong đầu, làm cho ông nhiều lúc nhớ nhớ quên quên như người nghễnh ngãng.