Vào ngày 28 tháng 11 năm 2015 là dịp kỷ niệm 100 ngày sinh (1915-2015) của nhà văn, nhà thơ, nhà chính luận,tác giả của nhiều vở kịch, nhiều bộ phim nổi tiếng thời Xô Viết - Konstantin Simonov.
Gia đình nhà thơ K.Simonov. Ảnh internet |
Tác phẩm của K.Simonov đến với bạn đọc Việt Nam ngay từ những năm đầu của thời kỳ kháng chiến chống Pháp với bài thơ Đợi anh về qua bản dịch của Tố Hữu. Nhiều cuốn tiểu thuyết của ông cũng đã được dịch qua tiếng Việt (Những người sống và những người chết, Họ sinh ra không phải để làm lính...) Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, K.Simonov đã sang thăm Việt Nam, đã ghi lại dấu ấn của chuyến đi ấy trong trường ca Đường số 1 và kịch bản viết cho bộ phim tài liệu Nỗi đau khổ không của riêng ai. Sau ngày tệ sùng bái cá nhân Stalin bị lên án, người ta đã xếp K.Simonov vào danh sách những nhà văn trung thành với Stalin, tham gia vào việc “lên án” nhiều nhà văn Xô Viết khác như Mikhail Zosenko, Anna Akhmatova, Boris Pasternak… hoặc ông thuộc phe đấu tranh gay gắt chống lại “nhóm nhà văn không tổ quốc”. Ấy thế nhưng nhờ vào vị thế là “Vị tướng trong văn học”, K.Simonov đã cất lên tiếng nói mạnh mẽ khiến cuốn tiểu thuyết Nghệ nhân và nàng Margarita của Bulgakov được ra mắt bạn đọc. Ông bênh vực tiểu thuyết của hai nhà văn Nga Ifid và Petrov. Chính K.Simonov cũng là người cổ súy cho việc in tại Nga những tác phẩm nổi tiếng của Ernets Hemingwei, Arthur Miller… Bộ phim sau này trở thành tác phẩm kinh điển của Điện ảnh Xô Viết Hai mươi ngày không có chiến tranh của đạo diễn Alesei Gherman hẳn sẽ không thể xuất hiện trên màn ảnh nếu tác giả kịch bản của nó không phải là của K.Simonov.
Trong chuyện cổ tích ở các nước châu Âu nhân vật thời cổ đại được khắc họa với nét chung như sau: “Anh ta có 3 điểm yếu: quá trẻ, quá dũng mãnh, quá đẹp”. Cách miêu tả ấy tựa như đúng với K.Simonov. Dường như ai gặp ông lần đầu, trước hết đều bị hút hồn ngay bởi vẻ bề ngoài của ông. “Bặt thiệp và rất đẹp trai. Một giọng đọc thơ ấm áp, mang nhiều nhạc điệu”. Nữ văn sỹ đồng thời là người viết hồi ký nhân vật Irina Odoevtseva nhận xét như vậy. Còn nữ cộng tác viên của tạp chí Thế giới mới, Natalia Bianki, thì ghi lại trong ký ức: “Dáng thanh thoát, cử chỉ nhanh nhẹn, rất đẹp trai, xử sự lịch thiệp theo phong cách châu Âu”. Cả hai người đàn bà này gặp K.Simonov vào năm 1946, khi ông mới 31 tuổi, tràn đầy sinh lực và đang ở độ chín của tài năng khiến không thể một người phụ nữ nào không xao xuyến, rung động.
Còn về lòng quả cảm? Olek Tabakov, một diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng trong những năm Xô Viết ghi lại những dòng này vào năm 1973: “Ông mang vẻ đẹp của một người đàn ông điềm tĩnh, chín chắn và cứ mỗi năm mái tóc thêm ngả bạc càng như làm tăng thêm vẻ quyến rũ và độ từng trải ở ông. Cần nói ngay ở cái dáng vẻ bề ngoài ấy rất nhiều người muốn bắt chước ông... Còn về lòng quả cảm ư? K.Simonov có thừa!”. Nhà thơ Xô Viết nổi tiếng E.Evtusenko cũng nhận xét về lòng dũng cảm của K.Simonov như Olek Tabakov.
Nhiều chuyện có thật và huyền thoại về sự dũng cảm của K.Simonov khi ông là phóng viên mặt trận đã được lưu truyền đến tận hôm nay. Khi cùng các chiến sỹ xông lên trước làn đạn địch, phóng viên K. Simonov không bao giờ chịu đi lom khom. Trong trận đánh ở Moghilev, ông cùng các chiến sỹ đã thoát ra khỏi vòng vây
hỏa lực nhiều lớp của những họng súng máy phát xít. Nhà báo, nhà văn K.Simonov đã cùng các chiến sỹ Hồng quân nhẩy dù xuống hậu phương quân địch ở bán đảo Kersel. Tại mặt trận phía bắc ông đã cùng các chiến sỹ trinh sát bò vào sâu trong căn cứ của quân Phần Lan. Ông đã cùng các phi đội bay đi ném bom trong cuộc tổng công kích vào Berlin… Dẫu thế, nhưng câu nói ở cửa miệng K.Simonov luôn là: “Ai ở vào hoàn cảnh ấy cũng làm như tôi cả thôi!”.
Tại sao K.Simonov nhiều lần thành tâm ca ngợi “Cha đẻ của nhân dân” Stalin? Vì sao ông trở thành “Đứa con được cưng chiều” của chính Stalin và bộ máy tuyên huấn chính trị vào những năm tháng đó? Vìsao K.Simonov đã 6 lần được trao Giải thưởng Stalin về văn học, nghệ thuật? Vì tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh Vệ quốc chống bọn phát xít Đức (1941-1945)? Vì tài năng tổ chức, chỉ huy cùng lòng dũng cảm của các tướng lĩnh Xô Viết trong Bộ tham mưu chiến lược dưới quyền điều hành của Stalin? Vì chính phẩm chất, tài năng và những cống hiến của bản thân nhà báo, nhà văn K.Simonov?... Những câu hỏi như vậy, cho đến tận ngày hôm nay không dễ gì đã tìm ra lời giải đáp chính xác.
Sau khi Nikita Khrutsov lên làm chủ soái Điện Kremli, với chiến dịch lên án tệ sùng bái Stalin, ông chủ mới này rất thích, rất muốn tỏ ra uy quyền của mình. Và một trong những đích bắn của N.Khrutsov chính là K.Simonov. Trong một cuộc gặp gỡ giữa những người lãnh đạo Đảng Cộng sản với các nhà văn Xô Viết, N.Khrutsov đã thô bạo ngắt ngang lời phát biểu của K.Simonov: “Đã qua Đại hội Đảng lần thứ 20 rồi, sao giọng điệu của nhà văn vẫn khó nghe đến vậy nhỉ?”. K.Simonov điềm tĩnh đáp trả: “Thưa đồng chí Nhikita Sergheevist! Ngay một anh lái xe muốn cho xe lùi cũng không thể làm ngay tắp lự được. Một số nhà văn loại bỏ khỏi sáng tác của mình những gì viết về Stalin. Một số khác thay tên Stalin bằng tên Lênin. Riêng cá nhân tôi, tôi đã và sẽ không bao giờ làm điều đó!”. Kết quả: K.Simonov bị xóa tên khỏi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô, bị bãi nhiệm chức vụ Tổng biên tập tạp chí Thế giới mới, bị cử “đi thực tế” về thực chất là cho đi đầy ở Tasken, thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan.
Những người gần gụi với K.Simonov kể lại rằng, vào những năm cuối đời K.Simonov hết sức hăng hái, sốt sắng để giúp đỡ những người có tài; nỗ lực phục hồi lại tính chất đúng đắn trong việc xem xét, đánh giá lại những tác phẩm văn chương, nghệ thuật bị cơ quan tuyên huấn gạt vào thùng rác. Có thể ở nhà văn đã diễn ra một cuộc “sám hối”... Là một nhân vật văn học sừng sững như vậy, nhưng theo lời con trai ông, nhà hoạt động xã hội Aleksei Simonov, K.Simonov suốt đời phấp phỏng một nỗi âu lo cơ quan phản gián Xô Viết dò ra “điểm đen” trong lý lịch của mình. Bởi cha ông một vị tướng Bạch Vệ đã bị mất tích trong những năm tháng đầu của cuộc Nội chiến; mẹ ông là con gái một dòng họ quý tộc nổi tiếng. Simonov (Con) cho biết, ngay từ thuở nhỏ cậu bé K.Simonov đã quen cuộc sống tại các trại lính cùng với cha của mình. Tốt nghiệp khoa ngữ văn ở một trường đại học tại Moskva, K.Simonov liền nhận công việc của một phóng viên chiến tranh tại mặt trận chống phát xít Nhật ở Khakhil - Gol. Từ đây, ông trở thành một nhà báo, nhà văn đi suốt hành trình cuộc chiến tranh 1941-1945.
Dễ hiểu rằng hình tượng người lính và cuộc sống trận mạc của họ trở thành đề tài chính trong các sáng tác của K.Simonov. Trong những năm đầu của cuộc chiến tranh 1941-1945, K.Simonov đã viết nhiều kịch bản phim và kịch bản sân khấu và theo nhiều chứng nhân, những bộ phim, những vở kịch ấy đã mang lại sự hỗ trợ cùng sức cổ súy về mặt tinh thần cho những sỹ quan và binh lính Hồng quân. Đến năm 1959 thì bộ ba tiểu thuyết sử thi Những người sống và những người chết ra đời. Và tiếp nối là những tác phẩm dày dặn khác như Người ta sinh ra không phải để làm lính… Bài thơ Đợi anh về K.Simonov viết để tặng nữ diễn viên điện ảnh Valentina Serova, người tình của ông. Bài thơ này đã trở thành nỗi an ủi,niềm hy vọng của những thiếu nữ, những người đàn bà Xô Viết đang có người tình, người chồng ở ngoài mặt trận. K.Simonov cũng đã viết một kịch bản văn học theo ý tưởng của bài thơ này và đã được dựng thành phim cùng tên tại Hãng Mosfilm sơ tán mãi sang vùng Alma-Anta, ngay vào năm 1943.
Nhớ về người cha của mình, Aleksei Simonov luôn nhắc lại với bạn hữu một câu nói cửa miệng: “Cả đời cha tôi luôn luôn phải thay đổi, lúc nào cũng như buộc phải đứng trước những quyết định. Chính ở điều này tôi hết sức kính trọng và thương yêu cha tôi!”.
TÔ HOÀNG (theo Đời sống Văn hóa- CHLB Nga)
Nguồn Văn nghệ số 29/2019