Nhưng, trong hơn chục năm qua, nhiều lần bảo vật quốc gia bị xâm hại. Bao nhiêu lần mất mát là chừng ấy lần xót xa, chừng ấy lần cảnh tỉnh rồi sự việc vẫn tái diễn. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
|
1. Theo Luật Di sản, bảo vật quốc gia là di vật, cổ vật có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu cho nền văn hóa, lịch sử của đất nước. Tiêu chí để công nhận một hiện vật là bảo vật Quốc gia là: Là hiện vật gốc độc bản; Là hiện vật có hình thức độc đáo; Là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu, hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại, hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định, hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử Trái đất, lịch sử tự nhiên.
Từ năm 2009 đến nay có 13 đợt công nhận bảo vật quốc gia với chừng 300 hiện vật được công nhận là quốc bảo. Các bảo vật quốc gia phần nhiều nằm ở các bảo tàng, khu di tích hoặc các cơ sở thờ tự. Và với việc chiếc ngai vàng (thực ra là ngai gỗ sơn son thếp vàng) nhà Nguyễn bị xâm hại, cả 3 loại hình đơn vị có trách nhiệm bảo vệ di sản đều đã để hư hỏng bảo vật quốc gia.
Cụ thể, năm 2014, Bia Sùng Thiện Diên Linh chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) đã bị cào xước tới mờ cả chữ chỉ sau 3 tháng được công nhận là bảo vật quốc gia. Một tốp thợ xây đã thực hiện công cuộc “làm sạch bia” bằng đá mài và bàn chải sắt. Năm 2019, tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc (bảo vật quốc gia) của danh họa Nguyễn Gia Trí ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã hư hại tới độ không thể phục hồi hoàn toàn nguyên bản. Lý do là bức tranh “được” vệ sinh bằng nước rửa bát và giấy ráp. Năm 2024, bệ đá hoa sen - bảo vật quốc gia có từ thời Trần - đã bị mẻ, hư hại do vụ cháy chùa Phổ Quang. Và nay, một bảo vật quốc gia khác - ngai vàng 13 triều vua nhà Nguyễn - bị một người có dấu hiệu tâm thần không bình thường… bẻ gãy.
Từ đợt công nhận bảo vật quốc gia lần đầu năm 2009 tới nay có trên dưới 300 hiện vật được công nhận là bảo vật. 4 trong số đó bị xâm hại nghiêm trọng (và bị phát hiện). 16 năm, hơn 1% bảo vật quốc gia gặp sự cố. Trung bình cứ khoảng 4 năm là có một bảo vật quốc gia bị hư hại. Trong thời gian gần đây thì 2 năm, hai bảo vật quốc gia bị ảnh hưởng. Nguyên do toàn những thứ trời ơi đất hỡi mà nhìn lại như trò đùa. Đấy là những sự vụ cực kì nghiêm trọng và ồn ào, còn chuyện như bảo vật quốc gia “chỉ” bị vẽ bậy, dùng vật nhọn khắc lên; hay trơ gan cùng tuế nguyệt để bị nhạt phai theo mưa nắng không phải là ít!
Đó là chuyện của những hiện vật, cổ vật, tác phẩm nghệ thuật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Còn những hiện vật, di tích cổ có giá trị trước khi được công nhận là bảo vật quốc gia cũng có lắm chuyện giật gân không kém như: Đầu tượng Phật chùa Ngô Xá bị mất cắp rồi sau tìm lại được, tượng Phật Quan Âm chùa Mễ Sở mất trộm hai lần rồi lại tìm thấy…. Còn những di tích, cấu kiện, cổ vật chưa được “phong hàm” bảo vật thì mất mát, xâm hại rất nhiều!
2. Là phóng viên di sản hơn 10 năm, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu di tích, cấu kiện, hiện vật cổ bị xâm hại bằng tôn tạo trùng tu ẩu, bị mất trộm hoặc ra tro đúng nghĩa đen bởi một mồi lửa... Tôi cũng mục sở thị nhiều bảo vật quốc gia với đủ các hình thức bảo vệ từ công nghệ hiện đại tới “AI chạy bằng cơm” bởi vài vị bô lão làng. Hoặc đơn giản, cực đoan hơn là khóa cửa cất kỹ mà lòng người quản lý vẫn nơm nớp không biết có bị kẻ gian phá khóa, lật ngói gian nhà để lấy trộm hiện vật cổ hay không.
Khi có những sự cố về di sản, phản ứng của cánh báo giới về di sản chúng tôi sẽ là xuống hiện trường, phỏng vấn các nhân vật hoặc tự làm điều tra phát hiện, cảnh báo/ lên án rồi quy trách nhiệm. Những trường hợp cháy hay bị hư hại nguyên do tạm cho là khách quan như một mồi lửa do chập điện (cháy ở di tích phần nhiều do chập điện) thì chúng tôi sẽ khai thác ở dạng xót xa, cảnh tỉnh, bài học…
Chúng tôi cũng chỉ có chừng ấy cách tiếp cận. Và tất nhiên như đã nói, xót xa, cảnh tỉnh, bài học là khía cạnh báo chí nêu; phẫn nộ là của dư luận hay các công văn hỏa tốc là của các ban ngành. Tất cả đều lặp đi lặp lại qua từng sự vụ như một cơ chế vô thức được kích hoạt mỗi khi di tích, cổ vật hay bảo vật quốc gia bị xâm hại. Thực tế chứng minh, nó không mấy hiệu quả khi các sự vụ từ bé tới lớn lại xuất hiện.
Và hãy nhìn những bản tin về câu chuyện ngai vàng bị bẻ gãy những ngày này, người dân bức xúc xót xa; báo chí đòi quy trách nhiệm cho ai đó và chắc chắn ai đó sẽ chường mặt chịu trận (kẻ bẻ ngai đã bị khởi tố; bảo vệ và Ban quản lý đều đã bị sa thải hoặc kỷ luật); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn bảo vật quốc gia trên cả nước… Ai cũng nhiệt thành xông xáo. Ai cũng quyết liệt khẩn trương. Nhưng tương lai còn những vụ tương tự, còn những “trường hợp cá biệt” theo kiểu người có dấu hiệu tâm thần không ổn định mua vé vào di tích phá hoại bảo vật không? Không ai chắc!
3. Tôi gặp Nguyễn Trí Quang năm 2015, khi ấy Quang 17 tuổi. Em bỏ học, đi “quét” (scan) các bảo vật, di tích cổ trên cả nước rồi đăng lên nền tảng số dưới dạng 3D. Khi ấy, Quang làm với tư cách cá nhân, không có sự hỗ trợ từ tổ chức nào ngoài tiền bố mẹ cho. Em đã cùng người thân lang thang khắp các di tích, tha lôi đủ thứ đồ nghề, rồi xin phép các bên để có thể thực hiện “quét” hiện vật cổ.
Mọi người đều có thể tham quan các bảo vật này trên trang web của Quang. Đặc điểm của website trưng bày 3D này là người dùng có thể phóng to, thu nhỏ, xem từng chi tiết nhỏ của hiện vật. Sau đấy mấy tháng, hương án cổ 300 tuổi chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bị cháy rụi. Đây là một trong những hương án đẹp nhất Việt Nam. Tư liệu lưu lại chỉ là những bức ảnh ở một vài góc nhất định. Nhưng, Trí Quang có lưu trữ bản 3D của hương án này, cứu cho tư liệu di tích nước nhà khỏi “mất trắng” một hiện vật cổ, quý.
Một “cậu nhóc” 17 tuổi khi ấy làm vì niềm vui, và ham thích với di sản nhưng đã hỗ trợ cả hệ thống tư liệu. Câu chuyện ấy chính là một gạch đầu dòng nhỏ gợi ý trong muôn vàn thứ “cần”, “nên”, “phải” đối với việc bảo tồn bảo vật mà chúng ta đã đề cập rất lâu rất nhiều về quy trình cũng như những biện pháp từ vĩ mô tới tiểu tiết như tủ kính cường lực hay “vũ trang” cho lực lượng bảo vệ di sản, bảo vật.
Rằng, chúng ta có thể phòng ngừa rủi ro một cách chủ động hơn như số hóa toàn bộ hiện vật quý (một vài bảo tàng lớn đã làm nhưng vẫn ở dạng manh mún, không kết nối với nhau cũng như tạo nền tảng dữ liệu di sản quốc gia). Rằng, một hệ thống dữ liệu di sản quốc gia với quyền truy cập mở với các hiện vật cổ, bảo vật quốc gia, di sản… cũng là cách để phát huy giá trị hiện vật bên cạnh việc tới thăm trực tiếp. Và rằng, bên cạnh việc lo bảo vệ những hiện vật cụ thể vốn là điều đương nhiên, chuyện mở rộng tư duy bảo tồn liên quan tới giữ bằng được những hình dung đầy đủ, chi tiết về hiện vật bằng các công nghệ tối tân cũng cần được đưa vào hạng mục xem xét.
Tất nhiên, việc xót xa, lên án, cảnh tỉnh, bài học hay các công văn hỏa tốc là cảm xúc, cơ chế tự vệ bình thường. Nó cũng có lý riêng và không có gì phải thay thế hoàn toàn. Và, vẫn còn rất nhiều ý tưởng khác nữa ngoài số hóa để bảo vệ trực tiếp hiện vật gốc mà một bài viết trên báo chí không thể thay tham luận hội thảo khoa học. Song, tôi vẫn nghĩ, chúng ta không nhất thiết phải “đập đi làm lại” cách bảo tồn và phát huy bảo vật quốc gia nói riêng và di tích di sản nói chung vốn đang được thực hiện. Điều cần là thêm các hướng tiếp cận mới về bảo tồn cũng như các diễn ngôn mới mang tính góp ý, xây dựng từ ý tưởng mới thay vì chỉ phẫn nộ “rung chuông cảnh tỉnh”.