Và nhờ không gian đa ngữ này, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp không những được độc giả quốc tế biết đến rộng rãi hơn, mà còn trở thành cứ liệu quan trọng để nhiều học giả nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực Việt học, nhận thức và hiểu thêm về xã hội và con người Việt Nam.
Ở Pháp, nhà xuất bản Éditions de L’aube (thành lập năm 1987) đã rất mực nồng nhiệt và kiên trì xuất bản, tái bản Nguyễn Huy Thiệp với một loạt các tập truyện, kịch, tiểu thuyết: Un général à la retraite (Tướng về hưu, 1990), Le Coeur du tigre (Trái tim hổ, 1993), Les Démons Vivent Parmi Nous (Quỷ ở với người, 1996), La vengeance du loup (Sói trả thù, 1997), Conte d’amour un soir de pluie (Truyện tình kể trong đêm mưa, 1999), L’Or et le feu (Vàng và lửa, 2002), À nos vingt ans (Tuổi 20 yêu dấu, 2005), Mon oncle Hoat (Chú Hoạt tôi, 2008), Crimes, amour et châtiment (Tội ác, tình yêu và trừng phạt, 2012)… Cho đến nay, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đã được dịch sang tiếng Pháp, xuất bản ở quốc gia này, và nhờ đó, được báo chí và công chúng văn chương Pháp biết đến, trọng thị. Các bài điểm sách, giới thiệu Nguyễn Huy Thiệp, một số sự kiện giao lưu - tọa đàm về tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp có thể coi là điểm nhấn văn học Việt Nam ít nhất trên phương diện truyền thông tại Pháp. Năm 2007, Chính phủ Pháp đã trao Huân chương văn học nghệ thuật cho Nguyễn Huy Thiệp như một sự ghi nhận với thành tựu, giá trị văn chương của nhà văn này.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại lễ trao giải văn chương Nonino 2008 tại Ý. Nguồn ảnh: nguyenhuythiep.free.fr |
Trong tiếng Anh, tập truyện The general retires and other stories (Tướng về hưu và những truyện khác), đã được nhà nghiên cứu Greg Lockhart dịch, viết lời giới thiệu và ấn hành ở nhà xuất bản Đại học Oxford năm 1992. Hơn mười năm sau, một tập truyện khác của Nguyễn Huy Thiệp là Crossing the River (Sang sông) được ấn hành ở Mỹ. Tập sách này là kết quả dịch thuật của nhiều người, trong đó, có vai trò nổi bật của Nguyệt Cầm và Dana Sachs, hai nhà nghiên cứu có am hiểu và mối bận tâm lớn đến đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam. Số lượng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được dịch sang tiếng Anh chưa phải đầy đủ nhưng lại đóng vai trò là tiêu điểm khiến nhiều nhà Việt học ở Mỹ bỏ công diễn giải và bằng cách đó, mở rộng quan sát tìm hiểu về văn học, xã hội Việt Nam nói chung.
Bên cạnh tiếng Anh và tiếng Pháp, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp còn được dịch sang một số ngôn ngữ lớn, với số lượng tương đối phong phú: tiếng Ý là các tập II generale in pensione (Tướng về hưu, 1990), Soffi di vento sul Vietnam (Những ngọn gió từ Việt Nam, 2008) Vietnam Soul (Tâm hồn Việt Nam, 2013), tiếng Đức là tập Der pensionierte General (Tướng về hưu, 2009); tiếng Hà Lan là tập Tijgerhart (Trái tim hổ, 1995), tiếng Thụy Điển với tập Skogens salt (Muối của rừng, 2001) và tập Regn i Nhã Nam (Mưa Nhã Nam, 2015), tiếng Hàn Quốc với tập Không có vua (2023). Năm 2007, Nguyễn Huy Thiệp được nhận giải thưởng Nonino Risit d’Âur của Ý, tiếp tục minh chứng giá trị văn chương của ông trong mắt bạn đọc, giới nghiên cứu nước ngoài.
Không quá lời khi nói rằng, kể từ giai đoạn Đổi mới đến nay, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn Việt Nam được dịch ra nhiều ngôn ngữ và có “thương hiệu” quốc tế rõ nét bậc nhất. Đáng chú ý, tác phẩm của ông còn được giới thiệu và đánh giá bởi những độc giả uy tín, giới hàn lâm, và nhờ thế, có cơ hội được biết đến rộng rãi. Trong tiếng Ý, học giả Claudio Magris đã từng viết “lời nói đầu” (Prefazione) cho tập truyện của Nguyễn Huy Thiệp có tên Tâm hồn Việt Nam (Vietnam Soul) do Tran Tu Quan, Bianca Maria Mancini và Luca Tran dịch, nhà xuất bản O Barra O ấn hành. Trong tiếng Đức, giáo sư Gunter Giesenfeld đã viết “lời bạt” (Nachwort) rất công phu cho tập truyện Tướng về hưu (gồm 11 truyện). Trong tiếng Anh, một cách dày dặn và phong phú hơn, có nhiều tiểu luận học thuật có ý nghĩa gợi mở, chỉ dẫn cách đọc tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thực sự đáng lắng nghe, ngẫm nghĩ. Xin được giới thiệu một số bài viết mà tôi đang có: Thứ nhất, Nguyen Huy Thiep and the Faces of Vietnamese Literature (Nguyễn Huy Thiệp và diện mạo văn chương Việt Nam) của nhà nghiên cứu Greg Lokhart, vốn là lời dẫn nhập cho tập truyện Tướng về hưu và những truyện khác. Cũng vào năm 1992, học giả Peter Zinoman đã cho đăng tiểu luận có tính chất mở rộng và đụng chạm nhiều vấn đề quan trọng: Nguyen Huy Thiep’s “Vang lua” and the Nature of Intellectual Dissent in Contemporary Vietnam (“Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp và bản chất sự bất đồng tri thức trong xã hội Việt Nam đương đại) trên Vietnam Generation Journal and Newsletter và đến năm 1994, sau khi đọc kĩ hơn các truyện ngắn khác của Nguyễn Huy Thiệp bằng tiếng Anh, với cảm hứng giới thiệu và tranh luận, Peter Zinoman tiếp tục đăng in tiểu luận dài hơi Declassifying Nguyễn Huy Thiệp (Giải mật Nguyễn Huy Thiệp) trên Positions: East Asia Cultures Critique. Một học giả khác của Mỹ, Keith W. Taylor, sau nhiều lần hiệu chỉnh và bổ túc thì năm 1998 cũng đã công bố tiểu luận Locating and translating boundaries in Nguyen Huy Thiep’s short stories” (Sự cố định và chuyển dịch ranh giới trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp) trên Vietnam Review. Cũng không thể không nhắc đến tiểu luận đóng vai trò “Lời giới thiệu, dẫn nhập” (“Introduction”) của Nguyen Nguyet Cam và Dana Sachs trong tập Sang sông (Crossing the River, 2003, gồm 17 truyện) và một tiểu luận có những phát hiện tinh tế, Landscapes of Memory in Nguyễn Huy Thiệp’s Short Stories (Cảnh sắc của kí ức trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp) của Christophe Robert, đăng trên Spirits of the Stream, tháng 6/2014.
Có thể nói, từ khóa “hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp”, giờ đây, đã trở nên phổ biến và phức tạp hơn trong nhiều nghiên cứu Việt học của quốc tế. Sự phổ biến tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp trong các không gian ngôn ngữ - văn học khác nhau càng thúc đẩy mối bận tâm của công chúng đến văn học Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, quá trình “quốc tế hóa” văn chương của Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn là do các giá trị văn chương đặc sắc của ông, “hữu xạ tự nhiên hương”, mà ít được hỗ trợ, tiếp sức từ các tổ chức chính quyền, hội đoàn văn học nghệ thuật của nhà nước. Không dễ để có một tài năng văn chương mới, càng rất khó để tạo ra những tác giả Việt có tầm quốc tế. Việt Nam đã bỏ lỡ trường hợp Nguyễn Huy Thiệp khi tác phẩm của ông, xét cho cùng, vẫn “đơn thương độc mã” trong khoảng thời gian xuất hiện tương đối dài trên văn đàn quốc tế.
Cho đến năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ được 4 Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam với bản tổng kết khá chung chung: có thêm nhiều tác phẩm được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia; được đón nhận bằng các tặng thưởng hoặc giảng dạy, nghiên cứu. Nhưng “nhiều” là bao nhiêu, ở nhà xuất bản nào, in bao nhiêu bản và được “đón nhận” theo phạm vi nào, trong một nhóm nhỏ hay trong thị trường đọc lớn, thì chưa thấy một công bố có tính quan phương đáng tin cậy. Thành thử, “quảng bá văn học” dưới lời lẽ của Hội Nhà văn, tuy được hiểu là việc cấp thiết nhưng không khỏi gây thở dài vì vừa tốn kém vừa ít hiệu quả. Tôi chỉ nghĩ rằng, để tìm kiếm, xây dựng thị trường văn chương ngoài nước, hàng ghế ngồi không phải là dăm ba thi sĩ, văn sĩ, dịch giả bằng hữu đôi khi còn ấm ớ về văn học Việt Nam, mà trước hết và quan trọng, phải là ông chủ các nhà xuất bản, các chuyên gia, mạnh thường quân môi giới và truyền thông văn chương. Vì chính họ sẽ quyết định đầu tư in hay không, in số lượng nhiều hay ít, in để bán hay để biếu tặng. Với những tập đoàn xuất bản lớn, chẳng cần đến hội nghị quảng bá, tự khắc họ cũng tìm đến nếu mùi vị thị trường đủ mạnh.
Nhìn lại văn học Việt Nam từ Đổi mới đến nay, những tác phẩm có tần số hiển thị nhiều trên văn đàn quốc tế, trước hết, vẫn phải ít nhiều gây tiếng vang trong nước. Chẳng hạn, văn xuôi có Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Mảnh vỡ của đàn ông, Gia đình bé mọn, Cánh đồng bất tận, Biên sử nước,… Thơ ít hơn nhưng cũng xuất hiện trong các tuyển chọn mang tính giới thiệu hoặc các tập đơn: Defian Muse: Vietnamese Feminist Poems (nhiều tác giả), The Time Tree (Hữu Thỉnh), The Woman Carry River Water (Nguyễn Quang Thiều), Three Vietnamese Poets (Văn Cầm Hải, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo), Green Rice (Lâm Thị Mỹ Dạ),… Trong đó, trường hợp Nỗi buồn chiến tranh gây ấn tượng bậc nhất khi đã được dịch sang khoảng hơn 20 thứ tiếng. Yếu tố chất lượng, danh tiếng tác phẩm là điều kiện quan trọng để thông hành nhưng không có nghĩa là con đường duy nhất. Các nhà xuất bản trong nước, nếu nỗ lực cải thiện thị trường phát hành, vẫn có thể tạo ra phiên bản ngoại ngữ cho tác phẩm “con cưng” của họ như trường hợp nhà xuất bản Trẻ với Oxford yêu thương (Beloved Oxford), Nhắm mắt thấy Paris (Paris Through Closed Eyes), Cung đường vàng nắng (In the Golden Sun) đều của tác giả “bán chạy” Dương Thụy; Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Open the window, eyes closed) của Nguyễn Ngọc Thuần. Xu hướng tự thân các nhà xuất bản quảng bá tác phẩm rất cần được khuyến khích và nhân rộng trong điều kiện các hội sách quốc tế lớn hay kênh phát hành trực tuyến Amazon đều đã đón chào “nền văn học nhỏ” như Việt Nam.
Tinh thần “tự mình làm lấy” cũng khiến các nhà văn bây giờ năng nổ, chủ động hơn trong việc dịch, in tác phẩm ở nước ngoài. Hồ Anh Thái và Mai Văn Phấn, theo tôi, điển hình cho ý thức “quốc tế hóa” tác phẩm của mình dựa trên điều kiện tài chính lẫn mối quan hệ văn chương. Hồ Anh Thái sớm có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, từ Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist), Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) cho đến Cõi người rung chuông tận thế (Apocalypse Hotel) và nhiều truyện ngắn khác. Nhà thơ Mai Văn Phấn còn có biên giới ngôn ngữ rộng hơn khi thơ của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng mà trong hình dung nhiều người, nó “xa lắc lơ” như tiếng Anbani, Rumani, Slovakia, Macedonia, Montenegro. Cho dẫu việc dịch ra các thứ tiếng nhìn chung là thiểu số đó không quá hiệu quả về thị trường nhưng ít ra, nó chứng thực khát vọng tìm thêm các không gian tiếp nhận. Ở thời điểm hiện tại, giới cầm bút không thể trông cậy mãi vào chân lí hữu xạ tự nhiên hương mà cần xây dựng một đội ngũ cộng sự, một ê-kíp dịch thuật, xuất bản chuyên nghiệp để truyền thông, chuyển ngữ tác phẩm càng tích cực càng tốt.
Việc quốc tế đón nhận văn chương Việt Nam, thật ra, không chỉ vì mối quan hệ thân sơ giữa các cá nhân/đơn vị xuất bản mà còn vì ở quốc gia đó, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu Việt Nam đã thành nếp khiến thị trường xuất bản có thể tìm kiếm, nắm chắc một lượng độc giả ổn định. Đấy chính là lí do vì sao văn chương Việt thường được dịch nhiều ở Pháp, Mỹ và Nhật, ba quốc gia có truyền thống và thành tựu Việt học. Ở Pháp, ngoài nhà xuất bản Éditions de L’aube thì gần đây, nhà xuất bản Riveneuve, dưới sự cộng tác dịch thuật, giới thiệu của TS. Đoàn Cầm Thi và cộng sự, cũng ấn hành nhiều tác phẩm văn chương đương đại: Thoạt kì thủy (A l’orignie) và Trí nhớ suy tàn (Un autre ciel) của Nguyễn Bình Phương, Cơ hội của Chúa (Un opportunité pour Dieu) của Nguyễn Việt Hà, Song song (Paralleles) của Vũ Đình Giang, Delete và Blogger của Phong Điệp, Ngựa thép (Chaval d’acier) của Phan Hồn Nhiên… Ở Mỹ, nhà xuất bản Curbstone đã lập tủ sách “voices from Vietnam” để chuyển ngữ và xuất bản một số tác phẩm văn xuôi của Lê Minh Khuê (tập truyện ngắn The Stars, the Earth, the River - Những ngôi sao, mặt đất, dòng sông), Ma Văn Kháng (tiểu thuyết Against the Flood - Ngược dòng nước lũ), Nguyễn Khải (tiểu thuyết Thời gian của người - Past Continuous). Ở Anh, năm 2024, văn học tiếng Việt gây chú ý khi có hai tác phẩm được dịch, giới thiệu là Biên sử nước (Water: A Chronicle) của Nguyễn Ngọc Tư, do Major Books xuất bản và Thang máy Sài Gòn (Elevator in Saigon) do Tilted Axis Press xuất bản. Ở Nhật, tác phẩm của Mai Ngữ, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bảo Ninh cũng đã được dịch. Nhưng nhìn chung, mức độ xuất hiện ở các thứ tiếng này còn khá ít ỏi và thường lặp lại các tác giả, tác phẩm. Hầu như không có thêm những gương mặt mới khi mà số lượng dịch giả, chuyên gia về văn chương Việt ngoài khu vực tiếng Anh, Pháp là không quá nhiều.
Như thế, đường đi của văn chương Việt ra quốc tế, còn chịu tác động khá lớn từ các mối quan hệ học thuật và kinh tế-xã hội. Những quốc gia muốn hiểu Việt Nam một cách cơ bản sẽ phải lắng nghe văn chương Việt, thứ âm thanh tuy khó lĩnh hội tức thì nhưng cho phép giải mã phần nào tâm tính, tâm hồn Việt Nam. Không khó nhận ra Hàn Quốc, một quốc gia đang ăn nên làm ra với Việt Nam, đang trở thành “thị trường mới” của văn chương Việt khi họ đã lần lượt dịch tác phẩm của Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái cho đến Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh. Khi hợp tác kinh tế thuận buồm xuôi gió thì các trao đổi văn hóa văn chương cũng nảy nở đa dạng hơn. Dĩ nhiên, cơ hội của sự hợp tác này phụ thuộc con mắt xanh tiến cử, các mạnh thường quân nghệ thuật.
![]() |
Một số tác phẩm văn học Việt xuất bản ở nước ngoài, từ trái qua: Trí nhớ suy tàn bản tiếng Pháp (Nguyễn Bình Phương), Nỗi buồn chiến tranh bản tiếng Hàn (Bảo Ninh), Những ngôi sao, trái đất, dòng sông bản tiếng Anh (Lê Minh Khuê). |
Ở Việt Nam, hỗ trợ tài chính cho dịch thuật văn chương (như một chiến lược xuất khẩu văn hóa) đang quá ít ỏi. Vì thế, tôi thiết tha đề nghị cần sớm lập một Quỹ Dịch thuật văn chương quốc gia, do một cơ quan nhà nước quản lý, vận hành. Quỹ Dịch thuật văn chương quốc gia này sẽ đóng vai trò lựa chọn, hỗ trợ việc dịch thuật, quảng bá văn chương Việt Nam ra quốc tế một cách bài bản, lâu dài. Cách thức hoạt động, mục tiêu và sứ mệnh của Quỹ có thể tham khảo hoạt động của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc (Literature Translation Institute of Korea - LTI Korea). Viện LTI là một tổ chức trực thuộc chính phủ Hàn Quốc, thành lập với mục đích truyền bá văn hóa và văn học Hàn Quốc trên toàn thế giới, nhằm định hình văn học Hàn Quốc trong nền văn hóa thế giới. Viện LTI, theo đó, theo đuổi 4 nhiệm vụ trọng tâm: thiết lập nền tảng hội nhập cho văn học Hàn Quốc; thúc đẩy thành lập một trường đại học về dịch thuật văn học; hỗ trợ việc dịch thuật các sách/nội dung tiếng Hàn và đào tạo đội ngũ biên dịch; thiết lập và thực hiện các chiến lược tùy chỉnh để giới thiệu văn học Hàn Quốc ra nước ngoài. Sự thành công của văn học Hàn Quốc ở phương diện quốc tế, mà đỉnh điểm là giải Nobel văn học năm 2024 dành cho Han Kang, đã nói lên hiệu quả vô cùng lớn của Viện LTI nói riêng và các chính sách quảng bá văn hóa, nghệ thuật của chính phủ Hàn Quốc nói chung.
Vì chưa được dịch, quảng bá đúng mức và bài bản về văn học Việt Nam mà chúng ta mới chỉ có dăm ba giải thưởng văn chương khu vực và quốc tế ở mức “tạm được” cho dù giấc mơ ẵm giải Nobel văn học luôn đau đáu trên truyền thông. Chúng ta cũng chưa có tác phẩm nào nằm trong danh mục best-seller của các tờ báo/tạp chí quốc tế uy tín cho dù ngày nào độc giả Việt cũng bắt gặp tác phẩm bán chạy của “các nước bạn” trên hiệu sách. Chúng ta thiếu gì, cần gì và sẽ phải học hỏi cách tiếp thị văn chương của bạn bè ra sao để cải thiện tình hình? Và các hội nghị quảng bá văn học, sau khi hoan hỉ vì kết quả đạt được, có nên giao chỉ tiêu xuất khẩu văn chương thật cụ thể, rõ ràng không? Đó là băn khoăn, theo tôi, không phải chỉ cất lên trong một vài gặp gỡ, thảo luận văn chương, mà còn cần được trả lời rốt ráo trong hệ thống các đại học, cơ sở nghiên cứu lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Cần thiết xây dựng đồng bộ một số khoa/ngành biên dịch, dịch thuật văn học Việt Nam, sách/tài liệu tiếng Việt để có nguồn nhân lực chất lượng, dồi dào. Khi đảm bảo điều kiện này thì chúng ta mới có thể tiến hành song song các công việc, chiến lược tùy chỉnh trong việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra quốc tế.