Những năm 40 và 50 của thế kỷ trước, làng tôi là một làng kháng chiến. Ngay đầu làng một ụ chiến luỹ kiên cố được xây dựng. Gồm ba ụ đất rất to ốp thân tre chung quanh, xây so le nhau, đường dích dắc, giặc Pháp mà tấn công thì xe tăng tàu bò của chúng không thể vào làng được.
Dân quân du kích sẽ mai phục sau ụ chiến luỹ để tiêu diệt chúng. Cả làng thực hiện ba không: “Không nghe, không biết, không trông thấy gì” khi có người lạ mặt vào làng hỏi han, để phòng ngừa Việt gian, gián điệp chỉ điểm cho máy bay giặc bắn phá. Chúng tôi được phổ biến, bọn gián điệp thường dùng gương để chỉ điểm. Chúng đặt gương vào mục tiêu cần bắn phá, máy bay địch bay trên cao phát hiện ánh gương phản chiếu và cứ nhằm mục tiêu đó mà thả bom. Có một lần máy bay Pháp bắn trúng chiếc thuyền chở nước mắm đang thả neo tại khúc sông chảy qua làng tôi. Hôm đó tôi không xuống hầm trú ẩn, mà núp trong bụi cây, để xem máy bay. Hai chiếc máy bay Bê-vanh-xít bổ nhào, bắn mấy loạt đạn rồi bay đi thẳng. Chiếc thuyền gỗ bị trúng đạn, nát tan, một loạt chum nước mắm bằng sành bị vỡ tung, mặt nước sông gần đó nhuốm màu cánh gián khiến chủ thuyền và cả dân làng tôi tiếc đứt ruột. Được cái may là không có thiệt hại về người.
Tranh Giặc đốt làng tôi, sơn dầu, 1954 của họa sĩ Nguyễn Sáng |
Tôi vẫn còn nhớ cuộc diễn tập tản cư mà tôi đã tham gia khi tôi mới lên tám. Khoảng một giờ sáng hôm đó, tôi đang ngủ say, bỗng tiếng kẻng báo động vang lên trong làng. Tiếng loa oang oang: “Thưa toàn thể nhân dân, quân Pháp sắp tấn công vào làng ta, yêu cầu tất cả bà con chuẩn bị gồng gánh ra ngay đầu làng tập trung đi tản cư”. Mẹ tôi vội vàng thu xếp quần áo, nồi niêu, gạo muối, tất cả cho vào hai chiếc thúng rồi vào giường vỗ mạnh vào người tôi, gọi to:
- Thự, Thự ơi, dậy, dậy ngay, đi tản cư!
Tôi nửa tỉnh nửa mê ú ớ hỏi mẹ:
- “Tản cư” là cấy chi (cái gì) hả mẹ?
- Dậy, đi, rồi khắc biết, - mẹ tôi quát.
Tôi lổm nhổm bò dậy khỏi giường.
Trong tiếng kẻng báo động thúc giục dân làng, tôi lon ton chạy theo sau mẹ, cho dù mắt vẫn còn ngái ngủ. Cả làng tôi từ già chí trẻ, hàng trăm con người, gồng gánh trên vai, tay xách nách mang cùng nhau đi diễn tập “tản cư”. Nhiều phụ nữ con còn nhỏ phải cho con ngồi vào thúng để gánh. Đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau, lặng im đi trong bóng đêm tịch mịch, không hề nghe thấy tiếng súng nổ của quân thù. Tôi thấy có mấy con chó cũng đi trong đoàn, chắc là chúng đi theo chủ, chúng tự động đi, chứ chúng có nằm trong diện bắt buộc phải đi tản cư đâu. Biết thân phận mình, cho nên chúng ngoan ngoãn, lặng lẽ bước đi, không một tiếng sủa, không làm lộ bí mật của làng. Đi được chừng một cây số thì chúng tôi được lệnh ngồi tập trung trên đoạn đường nằm giữa cánh đồng. Như vậy là cả làng đã tản cư đến địa điểm an toàn. Cũng như các gia đình khác, mẹ tôi lặng im ngồi bên gánh đồ đạc tản cư. Tôi ngả người vào lòng mẹ, ngủ tiếp giấc ngủ chưa xong.
Bốn giờ sáng có lệnh báo an. Dân chúng lại lũ lượt kéo nhau trở về ngôi làng vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc diễn tập thành công mĩ mãn. Cả làng tôi đã hoàn toàn trong tư thế sẵn sàng đánh giặc và tránh giặc. Giặc mà đến dân làng tôi ngay lập tức tản cư, thực hiện “vườn không nhà trống”. Trong làng chỉ còn lại lực lượng dân quân du kích chiến đấu, bám đất, bám làng. Cả làng tràn đầy niềm tin, cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi.
Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 diễn ra. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ phòng ngự, cầm cự, chuyển sang tổng phản công mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954. Cả làng tôi dốc hết sức người sức của cho tiền tuyến. Làng tôi là một làng kháng chiến. Cả làng kháng chiến, nhà nhà kháng chiến, người người kháng chiến, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Nhà nào trong làng tôi cũng treo tại vị trí trang trọng nhất câu khẩu hiệu “TỔ QUỐC TRÊN HẾT”. Tại các bờ tường trong làng người ta viết những câu khẩu hiệu chữ cực to: “TẤT CẢ CHO TIỀN TUYẾN”, “TẤT CẢ CHO TỔNG PHẢN CÔNG”. Đám cưới nào cũng có câu khẩu hiệu: “VUI DUYÊN MỚI KHÔNG QUÊN NHIỆM VỤ”. Thanh niên và thiếu nhi làng tôi đêm nào cũng tổ chức rước đuốc cổ động cho chiến dịch Đông - Xuân. Người vào bộ đội, kẻ đi dân công, cả làng thi đua tăng gia sản xuất chi viện cho tiền tuyến. Chưa bao giờ khí thế quyết chiến quyết thắng lại sục sôi như vậy tại làng Nguyệt Lãng của tôi. Dẫu mới 12, 13 tuổi, nhưng tôi là một trong những đội viên thiếu nhi hăng hái tham gia, không bỏ sót một cuộc rước đuốc cổ động nào. Bó đuốc làm bằng tre và nứa khô của tôi bao giờ cũng rất dài, cháy to và cháy đượm từ đầu đến cuối cuộc rước. Tôi vinh dự được chị phụ trách phân công “lĩnh xướng” hô khẩu hiệu trong cuộc rước đuốc.
Tôi hô: - Tất cả cho tiền tuyến!
Cả đoàn rước đuốc đáp lại: - Tất cả! Tất cả! Tất cả!
Tôi hô: - Tất cả cho tổng phản công!
Cả đoàn đáp lại: - Tất cả! Tất cả! Tất cả!
Tiếp:
- Hồ Chủ tịch muôn năm!
- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
- Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!
- Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
Tôi có cảm giác, những bó đuốc rực hồng hừng hực khí thế của chúng tôi sẵn sàng đốt cháy bất kỳ kẻ thù nào.
Dân công là lực lượng tải lương thực thực phẩm ra tiền tuyến nuôi bộ đội đánh giặc. Hoặc thồ bằng xe đạp, hoặc gánh bằng đôi bồ nhỏ đan bằng tre, nứa, gọi là “bồ dân công”. Có thể nói “xe thồ” và “bồ dân công” là biểu tượng của hậu phương lớn Thanh Hóa thời kháng chiến chống Pháp. Thanh Hóa nổi tiếng về lực lượng dân công tải gạo và thực phẩm ra chiến trường. Nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dân công hỏa tuyến chủ yếu là người Thanh Hóa, trong đó có bố tôi và nhiều người làng tôi. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, vượt hơn 500 km đường xuyên rừng, lội suối, trèo đèo an toàn và bí mật đưa hàng tới nơi an toàn. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã, vận chuyển hàng lên Việt Bắc. Địch bắn phá ban ngày thì dân công đi ban đêm, đèn chai soi đường cho từng tốp dân công bốn người một nặng gánh trên vai.
Tôi vẫn còn nhớ một đoạn hoạt cảnh “Dân công tải gạo ra tiền tuyến” do thanh niên làng tôi biểu diễn tại sân đình:
Lũ trẻ con chúng tôi ngồi say sưa thưởng thức màn hoạt cảnh này: Một bà cụ vận trang phục dân tộc Mường đứng bên chiếc bàn tre trên có đặt ấm nước chè và mấy chiếc bát. Miệng cụ hát những lời cảm động, tay cụ rót nước mời toán dân công chín người vai gánh hai bồ gạo có cài lá ngụy trang:
Giữa chốn núi rừng âm u,
Mẹ già căm giận quân thù,
Đem nước đón đoàn dân công,
Gánh gồng đánh trận Thu - Đông…
… Bồ gạo này nước không vô là nhờ sức anh Đô…
Bà cụ miệng nhai trầu nom rất hiền lành và phúc hậu, còn mấy cô mấy chú dân công rưng rưng nâng bát nước chè lên miệng uống ngon lành. Màn hoạt cảnh cảm động này tôi vẫn còn nhớ đến tận bây giờ, cho dù đã trên 70 năm trôi qua.
Những dòng thông tin dưới đây mà tôi thu thập được cho thấy Thanh Hóa đã dồn sức người và sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ lớn như thế nào:
“Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ tính đội quân xe đạp thồ đã đông hơn cả số quân chủ lực, là chuyện chưa từng có trong chiến tranh thế giới. Những “chị gánh anh thồ” chủ yếu người xứ Thanh cứ đêm đi ngày nghỉ, người sau bám gót người trước một cách mải miết đến ngay cả tin chiến thắng họ cũng không hay biết…”
“Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công tuyến lửa (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số dân công lên đến 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã cung cấp hậu cần cho quân đội, chiếm tới 56% (9000 tấn gạo/16.000 tấn), số lương thực, thực phẩm chiếm 40% (450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại), đảm bảo lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều con em dân công Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như: Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ…”
Sau mỗi đợt đi dân công bao giờ bố tôi cũng có quà mang về cho cả nhà, thường là chiến lợi phẩm, gọi là “quà dân công”. Thứ quà chúng tôi rất thích là vải dù và dây dù thu được của Pháp. Hồi đó thiếu vải mặc, vải dù được đem làm khăn quàng cổ cho con trai, làm khăn trùm đầu (làng tôi gọi là “khăn lầm”) cho con gái thì phải nói là “cực diện”. Còn dây dù làm dải rút thì “bền vĩnh cửu”. Nhất là hồi đó chúng tôi chuyên mặc quần nâu, còn gọi là “quần nông dân”, cho nên phải lồng dải rút để buộc chặt quần vào bụng. Nếu ai đó có chiếc võng dù thì gọi là “võng hạng sang”, loại võng nhẹ như lông hồng, cực dai, cực bền, mang đi đâu cũng tiện, mắc vào đâu cũng được, có thể ngủ ngon bất kỳ chỗ nào. Rất tiếc, mặc dầu rất thèm, nhưng tôi không có được cái “sự sung sướng” của người có “võng hạng sang”. Tôi còn dùng ruột dây dù, tức những sợi dù nhỏ, làm dây câu cắm (câu cá quả), cực dai, cực bền, không bị thấm nước.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp nghị Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Cả làng tôi vui như Tết. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, hòa bình lập lại. Không còn những trận ném bom, những cuộc oanh tạc của máy bay Pháp, cho nên chúng tôi không còn phải chui xuống hầm tăng-xê trú ẩn. Chỉ trong mấy ngày trời, toàn bộ hệ thống hố hầm trú ẩn (tăng-xê) đào dọc hai bên đường làng và trong các vườn nhà được san lấp. Dấu vết chiến tranh không còn, làng kháng chiến trở thành làng hòa bình. Hết rồi cảnh đi học ban đêm làm tôi sợ ma, khi đi học về tôi cứ phải nện mặt bàn tự túc làm bằng gỗ vào hai đầu gối để gây tiếng động, để thêm tự tin, để đỡ sợ ma (?!). Chúng tôi được mặc áo trắng đến trường, điều hoàn toàn cấm kỵ trong thời chiến. Để chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại, thanh thiếu niên làng tôi dựng ba chiếc cổng chào cỡ lớn, rất đẹp, kết bằng lá dừa và lá móc, ở đầu làng, cuối làng và giữa làng. Khẩu hiệu mừng chiến thắng và cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên cổng chào làm nức lòng dân làng. Tối tối thanh thiếu niên tổ chức rước đuốc mừng thắng lợi. Tay giương cao đuốc sáng, trên sáu chục thanh thiếu niên đi cổ động từ đầu làng đến cuối làng, miệng hô vang những câu khẩu hiệu: “Nhiệt liệt hoan nghênh chiến thắng Điện Biên Phủ!”, “Nhiệt liệt chào mừng hòa bình lập lại tại Đông Dương!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”… Sau cuộc rước đuốc, chúng tôi tập hợp tại sân đình, cùng nhau múa hát mừng thắng lợi cho đến tận khuya:
Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta
Yêu ruộng vườn quê hương ngàn đời
Toàn dân, đoàn kết
Siết tay nhau lòng vang câu ca.
Hoặc múa sạp:
Sòn sòn sòn đô sòn
Sòn sòn sòn đô rê
Đô rê đô mí sì rê
Đô rê mí rê đô là…
Sau ngày hòa bình lập lại, ca khúc Quê tôi giải phóng (sau này tôi được biết tác giả là nhạc sĩ Văn Chung) là ca khúc được thanh thiếu niên làng tôi hát nhiều nhất, hát không biết chán. Chúng tôi hát vang ca khúc này trong bất kỳ cuộc hội họp, sinh hoạt tập thể nào. Vì vui quá, vì thích quá, vì hòa bình rồi, vì sung sướng quá. Tôi thích nhất đoạn ca từ “Ríu ra ríu rít, từng đàn con nít, dúng dăng dúng dẻ, từng đàn con trẻ đi học ban ngày”. Một hình ảnh đẹp, rất đáng yêu, một cảnh thanh bình ở làng quê mà mới gần đó thôi không thể có. Tôi mường tượng trong đầu, trong đàn con nít này có cả tôi. Vì rất thích ca khúc này cho nên suốt ngày tôi nghêu ngao hát:
Từ ngày giải phóng quê tôi.
Mít tinh lại họp a là hô hoan hô!
Rợp trời cờ đỏ a là hô hoan hô!
Rợp trời cờ đỏ tung bay.
Ríu ra ríu rít, từng đàn con nít
Dung dăng dung dẻ từng đàn con trẻ
Đi học ban ngày.
Đồng ruộng của ta thẳng cánh cò bay
Chồng cày vợ cấy thỏa chí từ nay.
A từ nay thoả chí vun trồng.
Xây dựng nên nước giàu dân mạnh.
Ta cùng là cùng ấm no.
Hòa bình thành phố yên vui.
Đón anh bộ đội a là hô hoan hô.
Rợp trời cờ đỏ a là hô hoan hô.
Rợp trời cờ đỏ tung bay.
Phố trên phố dưới,
Lòng người phơi phới.
Bến sông khu chợ dập dìu
Xe ngựa xuôi ngược con thuyền.
Đường rộng thênh thang thành phố của ta.
Hầm mỏ, cầu cống, nhà máy của ta.
Ơn này ta nhờ có Bác Hồ,
Xây dựng nên nước giàu dân mạnh.
Ta cùng là ấm no.
Đã 70 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in trong đầu cái không khí náo nức, hồ hởi, mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, mừng hòa bình lập lại, tại làng Nguyệt Lãng của tôi.