Shrek ở TP.HCM vừa cháy vé, đang tiến ra Hà Nội. Các vở nhạc kịch được dựng trong 10 năm qua cũng thu hút khán giả. Nhưng các nhà hát dựng nhạc kịch đều đặn chưa nhiều...
Shrek được cấp quyền trọn vẹn từ Broadway
Chuyên gia về nghệ thuật và truyền thông Lucas Luân Nguyễn đã không giấu nổi niềm vui khi vở nhạc kịch Shrek được cấp quyền trọn vẹn từ Broadway (Mỹ) để biểu diễn ở Việt Nam. "Shrek vốn là một tác phẩm vô cùng tiên phong trong cách kể khi thách thức những rập khuôn về hình ảnh hoàng tử, công chúa truyền thống, gieo vào tuổi thơ rất nhiều người, trong đó có mình, rằng cứ là chính mình rồi sẽ đâu vào đó. Chưa nói đến sự sâu sắc này, thế giới đa vũ trụ cổ tích của Shrek cũng mang đến muôn vàn tiếng cười và sự giải trí từ những ngày thơ bé", Lucas Luân Nguyễn chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Theo lịch trình, Shrek được biểu diễn bằng tiếng Anh, có chạy phụ đề tiếng Việt. Khán giả được xem Shrek tại TP.HCM vào 12 - 13/7 và tại Hà Nội vào 2 - 3/8.
"Shrek" đến Việt Nam và ngày càng hoàn thiện về mỹ thuật - Ảnh: BTC |
Shrek không phải là vở diễn đầu tiên được mang về Việt Nam sau khi mua bản quyền. Trước đó, Pacific Ocean Partners và Trường Australian Institute of Music đã phối hợp cùng Nhà hát Kịch Việt Nam để mang Alice ở xứ sở diệu kỳ tới Nhà hát Lớn Hà Nội. Mặc dù vậy, vở này cũng chỉ được biểu diễn ít buổi trong năm tại Việt Nam. Với Shrek, tham vọng của nhà sản xuất The YOUniverse cao hơn nhiều.
Bà Thanh Lê, CEO của YOUniverse, cho biết vào mùa hè tới, Shrek sẽ tới cả Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang. Bà thậm chí còn coi đây như là một cơ hội để xây dựng nền tảng nhạc kịch trong nước. "Từ việc đưa những vở nhạc kịch như thế này về Việt Nam, tôi thực sự mong muốn một ngày không xa có thể đem các diễn viên Việt Nam, những vở nhạc kịch của Việt Nam ra thế giới", bà Thanh Lê nói.
Trong khi đó, NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, vui vì chương trình mà bình thường phải tới Mỹ, Úc, Canada mới được xem thì nay đã có thể xem tại Việt Nam. Mặc dù vậy, hiện tại nhà hát của ông chưa đủ nội lực để dựng những vở nhạc kịch đã được mua bản quyền như thế. Các diễn viên cho nhạc kịch tiếng Anh mới đang được tuyển chọn, đào tạo từ đầu. Với các vở của The YOUniverse, Pacific Ocean Partners và Trường Australian Institute of Music mang về Việt Nam, bà Đặng Châu Anh, giảng viên âm nhạc, đều tham gia quá trình tuyển chọn, luyện giọng, luyện diễn.
Nhu cầu có thật, nguồn lực khó tìm
CLB nhạc kịch G'lams của Trường Hà Nội - Amsterdam vừa chạm mốc 10 năm, với 10 vở nhạc kịch. Trong thời gian này, G'lams điều phối và kết hợp với rất nhiều trường THPT địa bàn Hà Nội để sản xuất mỗi năm một vở nhạc kịch. Trong đó, các em tự viết kịch bản, âm nhạc, tổ chức sản xuất. Những tác phẩm của các em tuy đều có hạn chế về thời lượng quá dài, song rất giàu sức biểu cảm nhờ trí tưởng tượng phong phú, và thẩm mỹ tốt, ý tưởng phóng khoáng. Đó có thể là câu chuyện khoa học viễn tưởng trong Đèn trời rỗng, câu chuyện hậu chiến trong Người về nơi sóng lặng, hay năm nay vở Mưa bóng mây lấy cảm hứng từ đám cưới hồ ly trong văn hóa dân gian Nhật Bản.
"Mưa bóng mây" lấy cảm hứng từ văn hóa Nhật Bản - Ảnh: Trinh Nguyễn |
Ngược về thời điểm trước G'lams, sân khấu Hà Nội từng sôi sục suốt 3 năm với những vở nhạc kịch của Nguyễn Phi Anh, một cựu học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam sau đó là du học sinh Mỹ. Với những vở diễn như Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọng…, Phi Anh tuyển chọn diễn viên từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Các em nhảy múa, diễn và hát, tự thiết kế mỹ thuật sân khấu, thi công sân khấu… Vé bán đến đâu hết đến đó trong nhiều năm cho thấy nhu cầu xem nhạc kịch là có thật, trong khi đó các nhà hát chưa đáp ứng được. "Vấn đề là người trẻ thấy nhạc kịch rất thân thiện, họ cũng thích xem những vở nhạc kịch có chất lượng, sẵn sàng mua vé đi xem cả gia đình", một chuyên gia cho biết.
Cũng theo chuyên gia này, thiếu vắng kịch bản là điều dễ thấy nhất. Những vở nhạc kịch được viết mới nhiều khi đơn giản quá, ít thông điệp thời đại quá nên các nhà hát cũng chưa mặn mà. Đặc biệt, những vở cho cả người lớn lẫn trẻ em xem càng ít. Thiếu thốn thứ hai chính là nhân sự. Có thể thấy, trừ Nhà hát Tuổi trẻ có cả đoàn kịch lẫn đoàn ca nhạc, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam có cả người hát lẫn múa nhưng thiếu diễn viên kịch... Câu chuyện nhạc kịch vì thế cứ bị lùi lại.
Nhạc kịch Người về nơi sóng lặng kể câu chuyện hậu chiến, khi trận bom B52 chia lìa gia đình - Ảnh: BTC |
Hiện tại, để có thể tổ chức sản xuất nhạc kịch, đã có những đơn vị sẵn sàng đi mượn người, cũng có những đơn vị có thể cho mượn người. Khi Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sản xuất Những người khốn khổ, họ đã phải mượn người từ dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Một biên đạo là Linh An cũng hỗ trợ nhân sự luyện tập phần chuyển động trong vở nhạc kịch này. Nhiều dàn hợp xướng khác cũng sẵn sàng tham gia các buổi diễn như vậy.
Mặc dù vậy, một vở nhạc kịch còn cần có nhiều nhân sự có thể đảm nhận các vai chính phụ và đây cũng là thách thức. Chưa kể, nhu cầu Việt hóa những vở nhạc kịch tiếng Anh không phải không có. Do đó, khoảng trống nhạc kịch vẫn còn cần lấp đầy.
Theo Trinh Nguyễn - Báo Thanh Niên