Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 tại Thái Nguyên đã khép lại. Tuy vậy, bên cạnh những thành công và điểm sáng, từ góc nhìn những nhà chuyên môn, những khán giả khó tính, thì sân khấu kịch còn nhiều điều đáng bàn. Và để phát triển, hấp dẫn người xem, điều sống còn không gì ngoài việc kịch nói phải tự thay đổi và làm mới chính mình.
Những tín hiệu vui
Khán giả Thái Nguyên buổi diễn nào cũng đến chật khán phòng Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc; các buổi diễn cuối, bảng thông báo không còn chỗ ngồi thường xuyên treo trước cửa nhà hát… là những ấn tượng tốt đẹp tại Liên hoan Kịch nói lần này. Và chính những tràng pháo tay hưởng ứng, khích lệ kịp thời đã khiến cho các nghệ sĩ, diễn viên có thêm động lực cùng cảm xúc để thăng hoa hơn với vai diễn của mình. Còn đối với Hội đồng nghệ thuật (HĐNT), đây chính là điều quan trọng để giúp các thành viên đưa ra những nhận xét đánh giá chuyên môn với từng vở diễn.
Bên cạnh đó, dù còn hạn chế nhưng Liên hoan đã có một số vở diễn đề cập đến những vấn đề xã hội và nhận được tình cảm và sự cổ vũ nhiệt tình của người xem. Trong 3 vở diễn được trao Huy chương Vàng: “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam); “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát kịch Hà Nội) và “Bắt quỷ” (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) thì có lẽ vở “Bắt quỷ” gây được ấn tượng và sự chú ý nhất đối với người xem.
Chưa nói về góc nhìn nghệ thuật, chỉ cần nhìn vào đề tài đã cho thấy sự thành công của vở diễn. Không phải là những “ông lớn” trong làng Kịch nói cả nước, tuy nhiên, Đoàn Kịch nói Hải Phòng đã dũng cảm mang tới Liên hoan một vở kịch nóng hổi tính thời sự - khai thác trực diện vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đang rất quan tâm.
Ngoài ra theo như chia sẻ của Trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng Trần Trung Hiếu: Đây là một vở diễn mới hoàn toàn từ kịch bản, âm nhạc cho đến thiết kế mỹ thuật sân khấu… và cũng là vở diễn Đoàn vừa mới tích cực tập luyện trong vòng 2 tháng để đem tới Liên hoan.
“Bắt quỷ” được thực hiện bởi một ê-kíp sáng tạo gồm: tác giả kịch bản: Nguyễn Đăng Chương; Đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai; Họa sĩ: Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Bằng; Âm nhạc: Nghệ sĩ Ưu tú Tiến Minh; Biên đạo múa: Lê Phương; Âm thanh: Quyết Thắng; Ánh sáng: Việt Tuấn; Chỉ huy biểu diễn: Nghệ sĩ Đăng Khoa… cùng tập thể nghệ sĩ diễn viên của Đoàn đã vào vai xuất sắc đã mang lại thành công cho vở diễn. Từ hình ảnh những cán bộ cấp cao tha hóa, biến chất đã bắt tay nhau thực hiện những mưu toan tư lợi, cũng như những “giằng xé” đớn đau trong nội tâm những người thân của chính những cán bộ tha hóa này… vở diễn vạch trần sự tha hóa biến chất của một số người có địa vị trong xã hội đã gây nên bao mất mát đau thương cho đất nước, cho nhân dân.
Ngoài “Bắt quỷ” tại Liên hoan còn có một số vở diễn đã đề cập đến những vấn đề nóng của xã hội như “Tia nắng cuối con đường” của Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hoá) và “Búp bê” của Sân khấu LucTeam (Công ty TNHH Phim Đông A).
Phản ánh những vấn đề nóng của xã hội như tệ nạn ma tuý, tệ nạn mại dâm, vấn nạn tham ô, tham nhũng được khai thác ở khía cạnh phẩm giá con người, từ tình bạn, tình yêu và tương lai của đất nước “Tia nắng cuối con đường” đã được Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn dàn dựng công phu và thành công. Mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại vở diễn đã nhận được nhiều tình cảm và cảm xúc từ phía người xem cũng như HĐNT và mang về Huy chương Bạc cùng 2 Huy chương Vàng cá nhân và một số giải thưởng khác.
Chạm đến những vấn đề nhạy cảm và mang tính thời sự của xã hội hiện đại, “Búp bê” của Sân khấu LucTeam (Công ty TNHH Phim Đông A) đã khai thác thế giới những người đồng tính, lưỡng tính, đồng thời cảnh báo viễn cảnh trí tuệ nhân tạo sẽ chi phối cuộc sống con người. Lời thoại thông minh, hài hước, diễn xuất thăng hoa, đạo cụ đơn giản đậm tính Ước lệ - Biểu hiện… vở diễn đã giành Huy chương Bạc cùng nhiều giải thưởng danh giá khác trong đó có giải Đạo diễn xuất sắc của NSND Trần Lực.
Không chỉ có Sân khấu tư nhân LucTeam, Công ty giải trí Hero Film, Công ty Cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ, Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc… cũng là những đơn vị sân khấu xã hội hóa đã nhiệt tình đem tới Liên hoan với các vở diễn giàu tính sáng tạo và thể nghiệm.
35 nghệ sĩ được trao Huy chương Vàng cũng là điểm thành công của Liên hoan, bên cạnh gương mặt quen thuộc, được khán giả yêu mến thì có không ít các các nhân vật chính được các diễn viên trẻ thể hiện rất thành công. Ngoài ra các nhân vật phụ cũng được nhiều diễn viên trẻ vai xuất sắc, để lại rất nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Cùng nhặt “sạn”
Khán giả chật kín khán phòng nhưng không phải ai cũng mang tâm trạng tích cực với Liên hoan. Có khá nhiều khán giả yêu kịch nói và kỹ tính đã bức xúc với những “hạt sạn” không đáng có tại các vở diễn tại Liên hoan như: âm thanh quá bé; diễn viên quên thoại, sai lời; lời thoại cũ và nhạt… Nhà thơ Võ Sa Hà chia sẻ: Tôi yêu kính Nhà văn Nguyễn Tuân, khi biết Công ty TNHH Nghệ thuật Sân khấu Lệ Ngọc diễn vở “Vang bóng một thời”, tôi háo hức đi sớm…! Vở diễn cũng có những sáng tạo nhỏ, những chi tiết mới nhưng nhìn chung là thấp và nhạt. Tôi vẫn cố xem, nhưng đến khi nhân vật Huấn Cao đọc câu thơ của Cao Bá Quát là: “Nhật sinh đê thủ bái hoa mai” thì tôi thì tôi không chịu nổi nữa, phải bỏ ra về… Đây là câu thơ để đời, tương truyền của Thi hào Cao Bá Quát mà diễn viên chính đọc như thế thì không thể hiểu nổi? Đạo diễn ở đâu? Tác giả kịch bản ở đâu? Khi tập luyện thế nào? Sao lại sai ngô nghê như vậy…?
Cảm nhận của nhà thơ Võ Sa Hà cũng giống với nhiều người xem khác qua các vở diễn. Ngoài ra vở “Vòng tròn bội bạc” dù được Huy chương Vàng, và dàn diễn viên nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội vào vai rất xuất sắc, nhưng cũng khá nhiều người không đồng tình với nội dung vở diễn khi, nhân vật Huấn - Bí thư Đảng ủy xã được xây dựng khá xa rời với thực tế đời sống, bởi: một vị lãnh đạo cấp xã làm sao có thể nhiều quyền năng và thực hiện được những chuyện động trời như vậy? Có lẽ vở kịch viết từ rất lâu rồi, khi ấy chưa có việc “Đốt lò” nên tác giả Chu Lai phải né tránh cấp bậc. Nhưng với quyết tâm chống tham nhũng mạnh mẽ, hoàn toàn “không có vùng cấm” của Đảng và Nhà nước ta như hiện nay, khi dựng lại vở đạo diễn và các nghệ sĩ không chịu nghĩ ngợi, cải biến, thành ra rất dở. Nó cho thấy sự vội vã, thiếu sáng tạo, máy móc trong lao động nghệ thuật…
Vườn hoa thiếu sắc màu
19 đơn vị nghệ thuật với 23 vở diễn và hàng nghìn diễn viên tham gia biểu diễn. Số lượng đoàn nhiều, diễn viên đông nhưng chưa đủ, “vườn hoa nghệ thuật kịch nói” chưa hội đủ sắc màu vì sự thiếu vắng các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa phía Nam, đây chính là một trong những điều đáng tiếc của Liên hoan. Và đặc biệt, tại Liên hoan, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch HĐNT Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đã thẳng thắn chỉ ra rất rõ nhiều những bất cập.
22 kịch bản thành 4 nhóm, trong đó, 7 kịch bản về chiến tranh cách mạng; 7 kịch bản dân gian lịch sử; 2 kịch bản về quan hệ gia đình; 6 kịch bản phản ánh thực trạng xã hội, chống tiêu cực, chống tham ô tham nhũng. Những con số trên đã phần nào cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về hoạt động sân khấu, sân khấu chạy trốn khỏi hiện thực đời sống, những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Thực trạng này phải chăng là do đội ngũ sáng tác thiếu hụt, đội ngũ sáng tạo né tránh những vấn đề đương đại… Hay vấn đề nằm ở quan niệm, cách chọn kịch bản của các nhà quản lý đơn vị nghệ thuật?
Về vấn đề kịch bản, những người trong cuộc còn cho rằng, hầu hết là kịch bản được viết khá lâu, không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác kịch bản, kịch bản của tác giả trẻ càng hiếm ở Liên hoan.
Ngoài ra qua Liên hoan, các vấn đề về đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, diễn viên đều có nhiều những hạn chế và yếu kém rất cần thay đổi.
Thống kê cho thấy Liên hoan có 18 đạo diễn được mời dàn dựng cho 23 vở diễn. Trong số này có 1 đạo diễn dựng 5 vở, 1 đạo diễn dựng 2 vở và 2 đạo diễn dựng cùng 1 vở. “18 gương mặt đạo diễn chỉ có 2 người ở tuổi 30, phần còn lại là đạo diễn không còn trẻ nữa và càng hiếm đạo diễn tham gia liên hoan lần đầu”, điều này cho thấy sự thiếu hụt nhân lực của sân khấu kịch. Từ vấn đề này khiến Liên hoan không tìm thấy điểm nhấn, nhân tố mới nổi trội, vở diễn bùng nổ vỡ òa cảm xúc, thăng hoa nghệ thuật… Không có hình thức mới cho nội dung cũ, không tìm tòi được, phát hiện được tính thời đại cho câu chuyện đã qua. Với vở diễn dân gian, lịch sử không thấy ôn cố tri tân, kể chuyện chiến tranh như nó vốn có thiếu góc nhìn của con người hôm nay, ở cả hai đề tài này các đạo diễn đã thiếu tính phát hiện…, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Vấn đề thiết kế mỹ thuật tại Liên hoan cũng chưa được chú trọng, có những vở xử lý các tấm pano đẩy ra kéo vào, những mảng trang trí thả xuống kéo lên, lùng nhùng vải lụa… Những thủ pháp chưa cũ nhưng đưa vào không đúng chỗ, không hợp lý đã cho hiệu ứng ngược. Cũng có những xử lý mang tính hình thức không tương xứng nội dung; những bục bệ thu hẹp diện tích sàn diễn, giới hạn chiều sâu sân khấu; diễn viên sắp hàng ngang diễn ở phần trước sân khấu…
Vấn đề sáng tác nhạc cho vở diễn không được xem trọng, chắp vá mô típ âm nhạc, vi phạm luật bản quyền một cách công khai… rất ít vở diễn đầu tư sáng tác các ca khúc mới, cũng là những điều dễ thấy tại Liên hoan lần này.
Rất nhiều những tồn tại và hạn chế mà khán giả và HĐNT chỉ ra tại Liên hoan lần này, không phải từ cái nhìn khắt khe mà trên hết với một tinh thần xây dựng của những người yêu và tâm huyết với sân khấu kịch. Hơn lúc nào hết, những đơn các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương cần sớm đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật kịch nói, tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thúc đẩy sự phát triển của sân khấu kịch nói nước nhà. Và đặc biệt, qua Liên hoan lần này các nghệ sĩ, diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật cần phải nghiêm túc nhìn nhận và thay đổi, làm mới chính mình, từ đó mới thỏa mãn và đáp ứng niềm mong mỏi, tình yêu của khán giả dành cho sân khấu kịch.
Quang Khải
Tên bài do Vannghe đặt
------------
Có thể bạn quan tâm: