Ngày sắp hiện lên như cô gái trinh bạch với vầng đông ửng hồng kiêu hãnh. Tinh mơ mùa hạ bầu trời thênh thang lặng gió, trăng muộn ngấp nghé đỉnh mấy tòa cao ốc. Tôi phóng chiếc xe tay ga theo đường Lý Thường Kiệt từ Tân Bình về Quận 5. Con nhỏ cùng trọ đang cấp cứu ở Chợ Rẫy. Tôi vừa tan ca đêm thì bồ nó điện báo, láo nháo xuống hầm tìm xe xong phóng như điên. Qua khỏi Tô Hiến Thành, Ba Tháng Hai, Vĩnh Viễn, Tân Phước… gặp Nguyễn Chí Thanh quẹo phải hai trăm mét là Bệnh viện Chợ Rẫy. Khu này tôi thuộc đường bởi từng hẹn hò với một chàng sinh viên Bách Khoa gần tám năm trước. Mối tình đẹp mà… ngu! Sau mấy năm sống ở khu ký túc xá gần sân vận động Thống Nhất, anh ra trường làm kỹ sư cho một nhà máy ở Long An, tôi bán hàng siêu thị. Đám cưới xong, hai đứa thuê phòng trọ gần bến xe Miền Tây. Ngày đi làm, tối về ôm nhau cười rúc rích! Tôi – đứa con gái quê vừa gặp tình đầu nên cứ nghĩ vợ chồng chỉ vậy – quần áo ai nấy mặc, hôn qua quýt, vuốt ve vội là xong, ngủ tít sáng còn đi làm. Rồi một ngày tôi đi chỉnh răng, sau bốn lần lui tới, hàm răng bọc sứ sắp xong, ông bác sĩ bất ngờ từ sau lưng ôm tôi cắn nhẹ vào tai. Tôi rùng mình ngây ngất. Nụ hôn mới khác hẳn của chồng. Sự cọ xát và ham hố làm tôi chất ngất, run rẩy đê mê. Ông bác sĩ quen chồng từ liều lĩnh đến bàng hoàng trước món quà quý giá ngoài mong đợi. Tôi vẫn nằm trên ghế, nhột nhạt với thân thể trống trơn nổi da gà dưới máy lạnh. Ông quỳ dưới hai chân tôi thấm ướt giọt hồng, thì thầm: “tội nghiệp em quá… thằng Quang (chồng tôi)…”. Tôi đưa tay chặn miệng ông ta, nước mắt chờ chực như đã từ lâu lắm…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tối đó tôi lạnh lùng trở về hất tay chồng. Quang sững người, rớt sạch vẻ đẹp trai và khẩu khí “mị dân”, rũ xuống giường ôm đầu khổ sở. Tôi tắm xong bước ra, Quang ngước lên với nước mắt ràn rụa: “Cuối cùng em cũng biết phải không?”… Lòng dịu lại, tôi ngồi xuống, an ủi rồi buột miệng hỏi: “Anh có trách em không?”… Quang lắc đầu, ôm chặt tôi nức nở: “Đừng bỏ anh…”
Đêm đó không còn tiếng rúc rích, chiếc giường quen thuộc chòng chành theo dư âm chiếc ghế nha khoa ở phòng răng. Tôi lâng lâng với hương vị lạ, dính bết của lần đầu ngoại tình.
Ngày cuối tuần chúng tôi cùng nghỉ, Quang tươi tỉnh hơn với một bó tiền mới:
- Đi mua sắm em nhé!
Tôi bán trong siêu thị, ngày ngày vất vả gói hàng, tính tiền cho dòng khách dằng dặc đến mệt lả. Vậy mà khi nghe Quang rủ rê, mắt cũng sáng rực.
Quang đưa tôi đến Parkson – thiên đường lung linh của hàng hiệu. Quang như một người vừa trúng độc đắc, xúi tôi mua hết thứ này đến thứ khác, toàn những món mơ ước từ lúc tôi đặt chân lên thành phố. Ngồi trên chiếc xe gắn máy cà tàng, ôm một đống ước mơ tải từ siêu thị về, lòng tôi chộn rộn ca hát. Quang phóng nhanh, gió xô các bao bì loạt xoạt càng kích thích sự hưng phấn, tôi cười hả hê giữa dòng ồn ào, bụi bặm. Quang lầm lũi cầm lái, chốc chốc lại bóp một hồi còi dài thay cho tiếng hét: “vợ tôi đang sướng... tôi là đàn ông thật rồi!”
Tôi đến phòng nha thêm sáu lần sau đó, không phải để chữa răng mà tìm kiếm giải tỏa bản năng dâng lên mãnh liệt sau lần “khai hóa”. Rồi một hôm phòng nha không có ông bác sĩ, chỉ có khuôn mặt lạnh tanh của người đàn bà tóc uốn. Bà ném cho tôi gói ni lon đen nho nhỏ, mềm mềm rồi rít lên đanh ác: “Ở đây làm răng chứ có khám phụ khoa đâu mà mày cởi ra, vứt lại dưới đất...”. Tôi điếng người, chân tay lập cập chỉ muốn khụyu xuống. Cầm “tang vật”, tôi ôm đầu ù chạy ra xe. Tôi vừa khóc vừa phóng điên dại như muốn tự tử. Nếu Quang không bất lực, tôi đâu phải chịu nỗi nhục này! Tôi muốn về thật nhanh để đổ đống lửa đang ngùn ngụt ấm ức vào mặt ông chồng vô tích sự. Tôi chạy xe ầm ầm, lao luôn vào hẻm nhỏ rồi thắng dựng bánh ngay trước phòng trọ đang mở cửa sáng đèn. Tôi giật mình với những gì trước mắt – Quang mặc quần shot, áo thun với khuôn mặt sưng húp đang ngồi thụp xuống ôm đầu trong xó nhà. Ba gã lực lưỡng xăm trổ để trần đứng chống nạnh quát tháo. Tôi cất xe, lao vào hét: - Các ông là ai?... sao đánh chồng tôi?
Một gã xô tôi xuống giường rồi xỉ mặt Quang gầm gừ:
- Cho mày 3 ngày, không trả 80 triệu thì tụi tao cắt gân chân!
Rồi hắn quay sang tôi cười khả ố:
- Cô em đẹp... Trả nợ thay chồng không?
Tôi uất ức hét to:
- Các ông mà đụng vào tôi là đi tù rục xương!
Tối đó, lần đầu sau 8 năm quen, yêu và cưới nhau, tôi hỗn hào với Quang, dù biết số nợ trên Quang đã mua sắm cho tôi. Không chỉ một mà ba lần trong hơn một tháng, Quang đưa tôi đi mua sắm, du lịch Đà Lạt để làm tôi vui, quên đi những đòi hỏi mà Quang không đáp ứng được. Quang làm việc đó bằng thái độ thành khẩn chuộc lỗi. Giờ nghe tôi xỉ vả, Quang không biện hộ một câu, chỉ ngồi nhìn trần nhà xanh khói thuốc. Khi gà trong xóm lao động ngoại ô gáy báo canh, tôi mệt quá thiếp đi thì Quang lay dậy, hỏi bằng giọng tỉnh khô: - Anh chết là em khỏi khổ, khỏi nợ?
Tôi bật đèn nhìn vào mắt Quang thấy sự thanh thản kỳ lạ. Đó là điềm báo người ta sẽ quyết. Tôi ôm chầm Quang vuốt ve, an ủi như đang làm mẹ của đứa trẻ ấm ức, tủi hờn:
- Ba ngày nữa anh có tám chục triệu trả nợ, khỏi chết, khỏi buồn...
Tôi giữ đúng lời hứa với Quang bằng cách liều lĩnh gom hết cả ngày bán hàng vào túi xách mang về cho Quang mà không nộp cho thủ quỹ theo quy định. Ba mẹ ở quê phải mếu máo thế chấp nhà vào ngân hàng để trả lại số tiền thụt quỹ đó. Tôi không đi tù, nhưng bị đuổi khỏi siêu thị. Quang không cần tự tử, nhưng phải ly hôn!
Tôi xin làm công nhân gia công giầy xuất khẩu của công ty Kim Á ở quận 12 và thuê nhà trọ với nhỏ bạn cùng xưởng ở gần nơi làm việc. Mỗi tuần một ca đêm từ 20 giờ đến 5 giờ sáng. Hôm nay nhỏ bạn đang ở nhà hú hí với bồ thì phát đau ruột thừa. Bồ vội chở nó đi cấp cứu, sau đó anh ta nhắn tin cho tôi... Tôi vừa phóng xe như bay trên đường sớm còn khá vắng vẻ, vừa nghĩ đủ điều về quãng đời vất vả, buồn nhiều hơn vui của mình. Qua khỏi ngã tư, thoát đèn xanh tôi kéo ga cho xe vút lên. Bất ngờ một bóng người từ chỗ khuất lao ra, tôi bóp cả hai thắng tay, chiếc Lead cũ mới mua lại gần 20 triệu đang đà lao tới bị quăng đuôi, vật đầu ngã luôn vào một ông đang chạy bộ. Cả tôi và xe đè lên ông ta, bánh sau vẫn quay tít. Đèn đường khá sáng để tôi nhìn rõ nạn nhân trạc ngoài năm mươi, đeo kính cận, mặc đồ và mang giày thể thao. Ông ta nhăn nhó vì đau nhưng vẫn với tay vặn chìa khóa tắt máy xe rồi hì hục cùng tôi thoát ra chiếc xe nặng trịch. Ông kéo chân mình ra, đứng dậy, đỡ tôi lên hỏi “có sao không?” rồi mới phụ tôi dựng xe. Biết lỗi, tôi rối rít ân hận. Ông nhìn cái áo thun vàng viền xanh trên người tôi, hỏi:
- Cô làm ở công ty Kim Á? Bộ phận nào vậy?
Tôi phủi bụi trên áo, lúng búng:
- Dạ... cháu làm ở chuyền ba phân xưởng giầy. Chú biết Kim Á cháu?
Ông mỉm cười gật đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Vậy chú làm việc gần công ty cháu không?
Ông chậm rãi trả lời:
- Tôi làm thợ điện công nghiệp cho một nhà máy ở gần đó. Mà cô đi đâu giờ này?
- Cháu vừa tan ca đêm, lật đật chạy lên Chợ Rẫy thăm nhỏ bạn cùng phòng trọ bị mổ ruột thừa. Chết rồi... tay chú chảy máu...
Ông phủi cùi chỏ đang rớm máu, lắc đầu:
- Chút xíu hà... cô cũng chảy máu trên mu bàn tay kìa, tội nghiệp chưa!
- Trầy da thôi chú, không sao... Cháu có phải bồi thường gì chú? Nếu không cho cháu đi...
Ông nhìn tôi mỉm cười:
- Có... cô phải bồi thường...
- Cháu có hai trăm chú cầm tạm đi?
- Cô phải bồi thường thêm!
- Thêm bao nhiêu hở chú?- Tôi hỏi bằng giọng sắp khóc.
- Thêm số điện thoại và ... tên cô. Còn tiền thì cất đi!
Tôi nhẹ cả người và nhận ra ông rất vui tính nên cũng vui vẻ đọc:
- Số 012054... cháu tên Thu. Còn chú tên gì?
Ông rút túi quần ra cái điện thoại còn cùi bắp hơn máy của tôi, lưu số rồi bấm gọi. Màn hình máy tôi hiện lên cuộc gọi. Ông bảo:
- Lưu đi, tôi tên... “thợ điện”. Gọi anh được rồi, gọi chú... ghê lắm.
*
Mấy ngày sau “thợ điện” mời tôi đi cà phê. Cái quán bình dân ở gần xưởng sau giờ tan ca. Ông đi bộ đến, dong dỏng cao trong bộ sơ mi quần tây giản dị mà lịch sự. Tôi ngạc nhiên, hỏi:
- Hôm nay trông chú trẻ hơn nhiều, mà chú là thợ điện sao trắng, bảnh như thầy giáo vậy?
Ông nghiêng đầu nhìn tôi, nhăn mặt:
- Gọi anh thôi... Suốt ngày trong nhà máy chứ có ra nắng đâu, muốn đen cho khỏe mạnh cũng đâu có được!
Tôi cười phì:
- Cháu... à... em cũng có mấy đứa bạn làm trong kho lạnh thủy sản, cứ trắng bợt như chết trôi...
- Thu làm việc ở đó ra sao, chủ có tốt không?
- Dạ... mỗi tháng tính luôn bốn ca đêm cũng được 6 triệu. Ông chủ cũng hay ghé xưởng, ổng già rồi, nhìn phúc hậu. Ông chủ thì tử tế, nhưng cái bà trưởng chuyền của em rất hắc ám!
- Hắc ám là sao?
- Bả phách lối... nghỉ trưa có sáu chục phút mà cứ bắt tụi em thay nhau nhổ tóc ngứa, với bóp chân cho bả, chả còn thời gian nghỉ ngơi. Anh Phận trưởng chuyền hai tốt hơn bà Lý trưởng chuyền ba của tụi em nhiều. Bả còn chơi trò đểu nhờ mua thứ này, thứ kia mà chẳng bao giờ trả tiền. Rồi còn sinh nhật, tân gia, đón cha, đãi mẹ, mừng con thi đậu... để tụi em phải đi phong bì, quà cáp. Sáu chục đứa trai, gái trong chuyền của em, đứa nào cũng bị bả ức hiếp, ăn trên đầu trên cổ. Nhưng nghe nói bả là cháu ông chủ nên chẳng đứa nào dám ho...
- Ngoài bà sếp bất xứng đó, còn gì làm công nhân buồn không?
- Nhà vệ sinh nữ dơ và hôi... Ước gì có thêm chỗ tắm để lúc tan ca hay nghỉ trưa xòa cái cho mát mẻ. Mà... suất ăn trưa cũng tệ, toàn thịt mỡ, cá ươn, rau già, ớt héo thôi à...
- Ừ, những chuyện đó chính đáng!
- Còn chỗ “thợ điện” làm chắc tốt hơn nên trông anh mới nhàn nhã, bảnh bao vầy?
- Ừ, anh làm lâu năm nên... chủ cũng thương, lương hơn em vài triệu. À... em có chồng con gì chưa?
- Em ly dị hơn năm rồi, chưa có con, sống một mình cho khỏe.... Với lại em già rồi, ai thương nữa!
- Bao nhiêu mà già?
- Ba tư rồi... anh chắc cỡ bốn mấy?
- Không trẻ vậy đâu, ngoài năm mươi rồi! Em uống gì?
- Đá chanh...
- Cam tươi hay sinh tố ngon hơn?
- Đắt lắm!
- Anh mới lãnh lương, bao em một bữa... gọi đi!
*
Hai tuần sau “thợ điện” lại rủ tôi đi ăn tối ở quán nhậu bình dân bờ kè. Gió sông mát rượi, đèn lung linh tan vỡ dưới bóng nước. Một lát thì anh đến bằng xe đạp, đồ xanh công nhân, nón bảo hộ trắng bằng nhựa cứng. Tôi kéo ghế cho anh rồi mừng rỡ khoe:
- Chắc anh với em hợp tuổi nhau nên mới quen em đã gặp hên. Cái mụ chuyền trưởng của em bị mất chức rồi, xuống nhà ăn làm tạp vụ... hi... hi... gặp tụi em xuống lấy cơm mặt bí xị, xấu hổ. Bây giờ anh Phận trưởng chuyền hai phụ trách chuyền ba luôn, đứa nào cũng mừng. Có đứa còn mua đồ cúng ông địa, ông thần tài thờ trong xưởng. Mấy hôm nay suy nghĩ thấy anh giống ông tiên ghê, em cầu được ước thấy...
“Thợ điện” cười cười:
- Những chuyện bất hợp lý chắc giời cũng ghét. Em toàn cầu tốt cho cái chung chứ có ước gì cho riêng em đâu? À... từ ngày ly dị chồng, em có người yêu mới chưa?
- Lần trước nói rồi, em hàng “băm” già ngắt, ai thương mà bồ với bịch!
- Em có bị... lãnh cảm không?
- Không! ... mạnh là đằng khác!
- Vậy... cả mấy trăm ngày, mấy trăm đêm không có đàn ông thì sao?
Tôi bật cười khanh khách:
- Thì... tự xử chứ sao!
“Thợ điện” gỡ kính, tròn mắt:
- Trời đất, em nói hồn nhiên cứ như tự lau nhà, tự giặt quần áo, tự nấu ăn vậy?
Tôi nghênh mặt:
- Có sao đâu, phim sex đầy trên mạng, lại khỏi phải lệ thuộc vào đàn ông đỡ rắc rối!
“Thợ điện” nhìn cái hột xoàn giả “tối thui” trên tai tôi, rồi nhìn cái túi xách rẻ tiền tôi đeo trên vai, thở dài:
- Ôi trời... Lọ lem! Lấy chồng đi, đừng tự lên gân... Để anh... làm mối cho!
- Ai mà chả biết, nhưng toàn mấy lão đã có vợ cứ gạ gẫm, em chán! Hôm nay em bao anh nhé, anh thích ăn gì?
- Tôm hùm nghen?
- Được... nhưng chờ em trúng độc đắc hãy gọi. Lương sáu triệu đòi ăn tôm hùm có mà điên cả tháng!
Bồi bàn ra đưa thực đơn, tôi gọi bốn xâu tôm nướng, hai súp óc heo với dĩa mực xào chua ngọt. Khi đồ ăn mang ra, “thợ điện” hỏi:
- Em còn thích ăn gì nữa không?
- Em thèm cua rang me với trứng muối, nhưng đắt quá, để cuối năm có tiền thưởng tết ăn luôn...
“Thợ điện” không nói gì, ngồi lột tôm bỏ vào chén tôi:
- Anh bị gút, kiêng ăn hải sản, em ăn giúp phần anh!
Tôi chén ngon lành hết bốn xâu tôm, cả dĩa mực xào lổm ngổm cà chua, thơm với rau cần. “Thợ điện” chỉ húp vài muỗng súp và cụng với tôi hết chai bia Sài Gòn. Khi tôi ôm bụng than “no quá rồi”, anh ấy nhìn tôi bằng ánh mắt hàm tiếu. Để tôi ngồi một mình, anh băng qua đường tìm một quán, chắc là kiếm nhà vệ sinh. Lát sau anh quay ra với hộp xốp khá to bọc trong túi ni lon. Anh đặt túi xuống bàn, nhìn tôi cười cười:
- Bây giờ đến lượt anh “cầu được ước thấy” với em. Anh vào quán gặp thằng bạn tặng cho hộp cua rang me sốt trứng muối. Anh tính không lấy, nhưng sực nhớ em thích ăn món này nên nhận. Thế là bạn anh cũng vui mà em cũng vui... Chỉ có anh buồn vì đâu ăn được hải sản!
Mắt tôi sáng lên, lật đật mở bao xốp, cạy nắp hộp... Hai con cua vàng ươm, bự chảng, thật hấp dẫn. Tôi hít mùi thơm rồi lấy tay quệt một chút nước xốt đưa lên lưỡi:
- Ngon tuyệt!... đúng món em thèm. Em với anh hợp nhau thật rồi, hai người cùng hên…
“Thợ điện” bảo:
- Bây giờ anh phải về, đi xe đạp mất cả tiếng mới tới nhà. Tiền của bàn mình bạn anh trả luôn rồi, em xách túi cua về ăn giúp anh, cảm ơn em đã cho anh một tối vui vẻ!
- Ồ, bạn anh thật tốt, sao anh không mời ra đây cho em làm quen với?
- Hắn có công việc nên vội đi, sẽ có dịp biết nhau mà… Anh cũng có vợ rồi, có được hẹn em lần nữa không?
- Riêng anh thì được!
- Vì sao?
- Anh không gạ gẫm em, còn lo em ế chồng, muốn làm mối cho em... Tốt như anh dĩ nhiên... “duyệt”!
“Thợ điện” nở nụ cười hiền như bậc cha chú. Anh lấy xe đạp, đội nón nhựa cứng lên đầu rồi lắc tay chào. Tôi nói to:
- Hôm nay anh mới đúng là thợ điện... quần áo, giày, mũ... bảnh trai lắm!
“Thợ điện” suỵt: - Anh có dáng đẹp mà, chừng nào được làm ông chủ, anh sẽ mặc complet cho em lác mắt luôn!
Tôi trề môi: - Tướng anh khổ bỏ xừ, may ra thì được làm chủ... hộ!
Anh bật cười to: - Ráng để dành tiền khi nào cho anh mượn một ít, mua cái xe máy thay xe đạp nghen!
*
Cả tuần nay không thấy “thợ điện” gọi hay nhắn tin, tôi cứ bần thần lo “chắc ảnh giận vụ bị mình chê tướng nghèo khổ”. Xế chiều, anh Phận – sếp mới đến bảo tôi:
- Cho em về sớm chuẩn bị. Đúng 19 giờ tối nay có mặt tại sảnh chính khách sạn New World. Khi đi mặc đồng phục Kim Á...
- Để làm gì vậy sếp?
- Phục vụ lễ hay hội nghị gì đó của công ty.
- Nhưng em đâu phải bộ phận tiếp tân ở văn phòng?
- Lệnh ở trên là vậy, tôi chỉ truyền đạt lại!
... Đúng giờ hẹn, tôi gửi xe máy dưới hầm rồi lên sảnh đứng chờ. Khách sạn này lớn và sang trọng quá, toàn khách nước ngoài với những người giàu. Tôi đứng giữa đại sảnh mênh mông, lộng lẫy nhìn lại quần tây xanh đen với cái áo thun vàng viền xanh lá – đồng phục Kim Á của mình mà ngại ngùng với những người quý phái xung quanh. Bỗng tôi giật mình khi thấy “thợ điện” xăm xăm bước vào với bộ đồ bảo hộ xanh công nhân, đi giầy ba ta quen thuộc. Tôi chạy ào tới, rối rít nắm tay anh:
- Anh đi đâu vậy?
- Họ mời anh đến kiểm tra tủ điện chính của khách sạn. Còn em?
- Công ty bảo em lên đây, chả biết có việc gì?
- À, hồi nãy anh thấy trên lầu có phòng tiệc công ty Kim Á đặt, để anh đưa em lên!
- Cám ơn anh, em đang bơ vơ chả biết làm gì, liên hệ với ai? À, cua biển bữa hôm ngon và nhiều lắm. Em với nhỏ bạn cùng phòng hâm lên ăn với cơm nguội ba, bốn bữa mới hết. Nhà vệ sinh nữ trong xưởng vừa sửa lại rất sạch đẹp đó anh. Cơm bếp giờ cũng ngon hơn...
“Thợ điện” mỉm cười, rồi dẫn tôi vào thang máy, vèo một cái đã đến lầu 8. Nhân viên khách sạn dẫn chúng tôi theo một hành lang rộng, sáng rực những chùm đèn pha lê rồi vào một phòng khá rộng đã có đông người ngồi quanh hơn chục bàn ăn. Căn phòng đẹp đến ngây ngất với ánh đèn dịu mắt, sàn trải thảm và những ghế ngồi bọc nhung nâu sang theo kiểu tây. “Thợ điện” đưa tôi đến một bàn gần sân khấu, kéo ghế cho tôi ngồi rồi anh cũng ngồi xuống ghế bên cạnh. Xung quanh toàn những người ăn mặc sang trọng, hai chúng tôi với bộ đồ công nhân nhìn lẻ loi. Người dẫn chương trình lên sân khấu với cái micro không dây gắn trên ve áo vest, nói to:
- Trân trọng kính mời ngài Hoàng Trọng Đính – Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Kim Á lên phát biểu khai mạc!
Một ông lão bệ vệ, tuổi gần tám mươi, đầu hói bóng, mặc complet trắng, thắt cravat ung dung tiến lên bục. Tôi bấm tay “thợ điện”:
- Ông chủ của công ty em đó, phúc hậu giống em kể với anh không?
“Thợ điện” gật đầu rồi đưa ngón tay lên môi ra hiệu im lặng... “xin được đón tiếp các vị khách quý, các giám đốc phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp vận tải, siêu thị, chi nhánh, bộ phận văn phòng, pháp lý và marketting thuộc gia đình Kim Á của chúng ta”...
Những tràng pháo tay vang lên, chủ tịch Hoàng Trọng Đính bằng giọng sang sảng nói tiếp: “Trong bữa cơm thân mật, ấm cúng này, tôi xin được giới thiệu người sẽ thay tôi điều hành mọi hoạt động của Kim Á bắt đầu từ sáng mai. Tôi đã ở cương vị này gần 30 năm, từ khi Kim Á chúng ta mới chỉ là tổ hợp sản xuất bé xíu đầu thời đổi mới với hơn chục công nhân. Bây giờ Kim Á đã là một công ty lớn với hai ngàn năm trăm người, có bạn hàng ở khắp toàn quốc và hơn 20 nước khác. Tôi đã bảy mươi bảy tuổi, không còn đủ sức khỏe để điều hành kinh doanh nuôi sống hai ngàn năm trăm gia đình trong đại gia đình Kim Á và hàng ngàn gia đình khác trong hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm của chúng ta. Người sẽ thay tôi chung vai góp sức với quý vị, gánh vác trọng trách này là... con trai trưởng Hoàng Dũng của tôi. Cháu đã du học và phụ trách chi nhánh Kim Á tại Mỹ gần hai mươi năm, mới về nước hơn một năm để chuẩn bị tiếp nhận bàn giao. Trong quý vị có vài người thân thiết với Dũng, nhưng phần nhiều chưa gặp lần nào. Vậy mời con trai lên đây...”
Mọi cặp mắt dáo dác tìm “người kế vị” và tôi cũng nhìn khắp phòng để chờ một ông oai vệ nào đó đứng lên. Bất ngờ “thợ điện” vỗ vai tôi một cái, rồi đĩnh đạc bước lên sân khấu, tiến đến chỗ bục nói, ôm hôn chủ tịch công ty rồi dìu ông xuống dưới ghế, sau đó mới quay lên phát biểu: “Xin cảm ơn những vị thủ lĩnh ở các bộ phận đã đóng góp công sức, trí tuệ và tuổi trẻ của mình cho sự phát triển của Kim Á trong suốt mấy chục năm qua. Tôi xin cúi đầu tri ân và mãi mãi biết ơn...”. Một tràng pháo tay vang lên, nhiều người xúc động. Hoàng Dũng tiếp tục: “với thương hiệu lớn Kim Á, với kinh nghiệm quý báu và sự nỗ lực của quý vị, chắc chắn chúng ta sẽ đi xa hơn, bay cao hơn trong mục tiêu chiếm lĩnh thị phần trong nước và xuất khẩu, mở rộng để bành trướng thương hiệu Việt ra khắp năm châu. Xin hãy nâng ly chúc thành công...”.
Bên dưới cả trăm con người cùng phấn khích hô to “chúc thành công!" Hoàng Dũng cao giọng: “trong buổi lễ ra mắt quý vị, tại sao tôi mặc bộ đồ thợ điện này? Vì mọi ngành sản xuất kinh doanh của chúng ta đều gắn với điện. Chén cơm manh áo của anh chị em chúng ta và sự thịnh vượng của công ty cũng từ điện mới có. Tôi nhắc nhở mọi người hãy sử dụng an toàn và tiết kiệm điện...
Ngoài ra, trong khán phòng này còn có một người muốn tôi mặc bộ quần áo ngành điện. Người đó là một nữ công nhân ở phân xưởng giầy. Xin mời Hạnh Thu...”
Từ lúc biết “thợ điện” là con trai chủ tịch và người thừa kế công ty, tôi choáng váng đến á khẩu. Giờ nghe anh bảo mặc bộ đồ đó vì tôi, thì cảm xúc khiến tôi muốn lả. Tôi thật sốc, không mừng mà sợ hãi trước hàng trăm ánh mắt đang đổ dồn đến. Tôi run rẩy sắp ngất. Hoàng Dũng bước đến ân cần nắm tay tôi đỡ lên, tôi bùng òa khóc tức tưởi:
- Thì ra anh là nhà giàu, giả dạng thợ điện nghèo khổ để lừa em! Em ghét nhà giàu, họ khinh người...!
Dũng bất ngờ ôm tôi hôn lên tóc rồi thì thầm:
- Với em, anh không phải là nhà giàu, mãi là “thợ điện” của em!
Tay thợ chụp ảnh của hội nghị nhanh chóng rê ống kính, bấm tanh tách, lóe sáng, phựt phựt. Nhiều người khác bắt chước chạy ào đến lấy điện thoại ra chụp hình, quay phim, đủ các góc. Dũng ôm tôi đang khóc. Tôi hoảng hốt vùng dậy la lên:
- Anh có vợ rồi, không được ôm tôi!
Ông chủ của tôi và là cha của Dũng có mặt cùng đám đông vây quanh. Ông cúi xuống nắm lấy bàn tay tôi, nói chậm rãi:
- Con trai trưởng của bác chưa lấy vợ lần nào, dù đã năm mươi mốt tuổi. Thấy nó yêu cháu đến mức dám mặc bộ đồ thợ điện lùi xùi trong lễ nghi trang trọng này, bác mừng đến rơi nước mắt. Hai đứa cưới nhau đi rồi đẻ cháu đích tôn cho ba, để ba có chết cũng mãn nguyện!
Tôi bàng hoàng ngước lên thút thít hỏi Dũng:
- Thực hay mơ vậy anh?
Dũng vuốt nước mắt trên má tôi rồi nâng bàn tay tôi lên, âu yếm đeo chiếc nhẫn đính kim cương lấp lánh vào ngón áp út, thì thầm:
- Anh cầu hôn em...
Tôi vẫn chưa nguôi sợ hãi, co rúm người mếu máo:
- Nhưng anh gặp em mới có... ba lần, đã hiểu gì về em đâu?
- Một cô gái chỉ nghĩ đến điều tốt cho nhiều người như em, thì không thể là kẻ xấu. Hơn nữa giám đốc nhân sự đã báo cáo hồ sơ của em với anh rồi...
- Nhưng ít nhất anh cũng báo trước để em... mặc đồ đẹp!
- Màu áo vàng Kim Á được xây dựng bằng mồ hôi, nước mắt của gia đình anh, của hàng ngàn cán bộ nhân viên công ty suốt mấy chục năm qua là màu huy hoàng nhất. Hơn nữa... em đã... tông xe, làm anh đau, anh nhớ với màu áo đó. Đứng lên đi để mọi người chức mừng chúng ta!
Tôi bỗng nhẹ bẫng, lâng lâng trong tay Dũng, không phải đi mà tôi đang trôi bồng bềnh giữa những tràng pháo tay, tiếng huýt sáo và bốn bề chúc tụng ồn ào. Đèn plast của vô số máy ảnh chớp lóe làm tôi không còn mở mắt được; tôi ngất ngây, bay bổng với hạnh phúc đường đột, kỳ ảo như cổ tích. Tôi chợt hiểu, lọ lem không là... mong ước!
VN25/2016