Chuyên đề

Chuyện nhà ngỗng. Truyện ngắn của Lê Quang Trạng

Lê Quang Trạng
Văn học thiếu nhi
15:00 | 30/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi ra đời sau khi cha mẹ tôi về ngôi nhà sàn ở ba tháng. Cùng chung ổ với tôi là sáu anh em khác. Tôi có bốn người anh em bị bắt cóc ngay khi còn là cái trứng ngỗng màu trắng dễ thương. Họ bị bắt cóc hai lần, mỗi lần hai trứng.
aa

Mẹ tôi kể rằng, người ta biết nhà bà chủ tôi có cặp ngỗng vừa đẻ trứng soa1. Nên họ đến hỏi xin. Lí do nghe có phần cảm động, ngậm ngùi:

- Dì ơi, vợ con mang bầu. Vợ con thèm trứng ngỗng. Con đi tìm mấy bữa nay mới thấy nhà có ngỗng đẻ. Dì bán con cặp trứng nha dì. Bao nhiêu con cũng mua cho bằng được.

Người thứ hai là một ông già, già lắm. Tay chống gậy, run run, hỏi mua trứng ngỗng cho bà vợ bị bệnh nặng. Bác sĩ kêu đem bà về nhà, bà muốn ăn gì thì cho ăn, chứ bà không sống được bao lâu nữa. Hỏi bà thèm gì, bà nói thèm trứng ngỗng. Cái trứng mà năm xưa khi bà mang bầu, ông chồng đã băng đồng giữa đêm mưa, tìm cho bằng được đem về. Mùi trứng ngỗng sao mà lại có vị mồ hôi chồng như ướp vào trong trứng ấy. Mấy mươi năm rồi mà bà vẫn không sao quên được. Bà vừa nói vừa nghẹn ngào: “Chỉ thèm duy nhất cái mùi vị đó mà thôi!”

Chuyện nhà ngỗng. Truyện ngắn của Lê Quang Trạng
Tôi ra đời sau khi cha mẹ tôi về ngôi nhà sàn ở ba tháng - Ảnh minh họa: Pixabay

Bà chủ tôi là người nhân hậu. Bà không hề bán, mà bà cho. Đã vậy bà còn bày ra trò cả nhà sẽ đi đâu đó, rồi hai người họ len lén bước nhẹ nhàng vào tận ổ để lấy cắp. Diễn cho sâu, cho đúng chất một cuộc trộm trứng ngỗng. Bà chủ nói: “Như vậy thì trứng mới bổ tốt và linh nghiệm…”

Một cuộc bắt cóc quy mô có tổ chức và kế hoạch rõ ràng. Có sự tham gia giúp đỡ từ chủ nhà và sự đồng thuận qua những đôi mắt ngó lơ của người trong cuộc. Tuy vậy, sau này khi nhớ về những đứa con đầu lòng bị bắt cóc, cha mẹ tôi không hề trách cứ bà chủ nhà. Cha tôi nói: “Tình cảnh như vậy, không động lòng sao được. Loài người họ nuôi mình, thì mình cũng phải nuôi lại họ.” Còn mẹ thì nói: “Tội nghiệp bà chủ, chắc bà cũng đau lòng. Nên bà mới nghĩ ra cách kêu họ lấy cắp, để lòng bà nhẹ đi phần nào.” Vì là phụ nữ, nhất là người mẹ, làm sao họ nỡ nhìn cảnh rứt lấy đứa con thơ ra khỏi lòng mẹ nó, để đem nó cho người ta. Rồi cuộc đời nó sẽ đi đâu, về đâu?

Vậy là ổ của tôi chỉ còn ba cái trứng. Mẹ tôi bắt đầu nằm ổ ấp trứng. Tôi mơ màng trong vỏ trứng những giấc mơ ấm áp biết bao. Đôi khi mẹ tôi khều khều trứng cho tôi quay một hai vòng chơi, như cách tập cho tôi những thích nghi đầu tiên với dòng đời không bao giờ đứng yên một chỗ. Tôi bắt đầu tập lấy mỏ gõ gõ vào thành trứng như cho mẹ biết rằng, tôi rất mạnh khỏe và sẽ vui vẻ, tươi tắn chào đời trong một vài ngày nữa thôi.

Hình như cũng hơn hai mươi ngày được mẹ ôm ấp trong lòng. Một hôm đẹp trời, hai người anh em và tôi vung mình khẻ vỏ trứng, mở mắt chào đời. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy mẹ. Màn mắt từ tối om dần dần sáng ra. Và thứ đầu tiên in vào màn mắt trong veo của tôi là hình ảnh ức và bụng của mẹ rụng lông tơi tả. Trông mẹ rất ốm, như là suốt mấy mươi ngày nằm ủ ấm trứng dưới bụng, mẹ không ăn một hạt lúa nào, cũng không uống một giọt nước nào. Còn kia là cha tôi, nỗi lo lắng như còn vương nơi mắt của người. Niềm vui vỡ òa trong tiếng kêu vang, báo tin với bầy gà rằng: “Bên nhà ngỗng vừa nở ngỗng con rất ư là dễ thương!” Bầy gà ăn ở sau vườn nghe tin, chạy một mạch vào sàn. Nhưng nhà gà rất lịch sự, chỉ đứng xa xa nhìn với vẻ âu yếm, yêu thương. Gà trống Đầu Đàn thay mặt nhà gà gáy một tràng dài chúc mừng gia đình ngỗng.

Hay tin ba đứa ngỗng chào đời. Gia đình bà chủ đến tận ổ xem mặt bọn tôi, trầm trồ khen ngợi. Tôi nép trong cánh mẹ và khẽ nhìn. Họ chỉ chúng tôi, nói đủ thứ điều về những ngày mẹ tôi nằm ấp và những ngày sắp đến. Bằng cử chỉ và ánh mắt đó, linh cảm đầu đời xuất hiện trong tôi, cho biết rằng cả nhà đối với chúng tôi thân thiện và yêu mến biết bao, như chính người thân trong một gia đình.

Chuyện nhà ngỗng. Truyện ngắn của Lê Quang Trạng
Chỉ mấy hôm sau ngày chào đời là bọn tôi đã rời ổ - Ảnh minh họa: Pixabay


Không như bọn chó con phải nhắm mắt ngủ thêm cả tuần trong ổ. Nhà ngỗng chúng tôi có tính siêng năng và lao động cần cù. Chỉ mấy hôm sau ngày chào đời là bọn tôi đã rời ổ, theo mẹ mưu sinh. Bài học đầu tiên là bài học về cách uống nước. Nước được để trong hai cái diệm2, một cái để ở giữa sàn nhà và một cái để ở phía sau vườn. Đó là tài sản chung của nhà gà và nhà ngỗng. Cha thường nhắc mẹ rằng, đừng để bọn tôi nhảy vào diệm nước bơi lội lung tung. Vì làm vậy bên nhà gà họ phiền lòng.

Một lần, trong lúc mẹ sơ hở, bọn tôi nhảy vào trong diệm, không thèm quan tâm đến bác gà trống Đầu Đàn đang đứng kề bên uống nước. Bọn tôi bơi trong niềm hân hoan trẻ dại. Lúc ấy đáng lí bác gà trống Đầu Đàn sẽ khẻ bọn tôi, mỗi đứa một cái cho chừa cái tật hỗn ẩu và phá hoại nguồn nước uống của cả bầy. Nhưng bác không làm vậy, bác nhìn tôi chăm chăm. Đôi mắt bác nói lên rằng: “Ê nhỏ, nước uống mà mày nhảy vô lội, dơ hết trọi rồi.” Đó là những gì tôi đọc trong mắt bác gà trống Đầu Đàn khi bác bao dung không khẻ lấy tôi. Tuy vậy, sau lần đó, mẹ lùa chúng tôi lại và dạy rằng: “Mình là loài ưa nước. Hơn nhà gà ở chỗ mình có thể bơi lội trong nước kiếm ăn. Nhưng không phải vì vậy mà gặp nước là mình hớn hở bay vào khoe tài bơi lội.”

Không biết bác gà trống Đầu Đàn có nói lại với bà chủ hay không. Hôm sau, bà chủ để ở bên nhà một cái lu bể, còn một nửa phần dưới đủ để cho bọn tôi bơi lội. Bọn tôi quý mến cái lu bể đựng nước trong vắt đó biết bao. Không hiểu tại sao như vậy. Sau này vẫn vậy, tôi vẫn thường hay đua đòi này nọ, nhưng đến khi có được rồi, lại không rớ đến một lần.

Một đêm trăng tròn vành vạnh, những đám mây trôi ngang như bóng của những thiên thần ngỗng bay bay, cha mẹ tôi không ngủ, cứ trằn trọc suốt. Dường như có một linh cảm gì đó trong lòng. Hôm sau, mẹ dẫn tôi ra chỗ cây rơm. Cha đã tích góp để sẵn nơi đó mớ cỏ xanh và mớ lúa ngon lành. Mẹ kêu bọn tôi, nếu thích thì cứ ăn cho thật là no. Nhưng tôi e dè. Hai người anh em tôi nhanh chóng bay vào ăn nhanh nhẹn. Và cuộc vui đó làm sao thiếu tôi được. Vậy là tôi bay ngay vào. Lần đầu tiên tôi được ăn ngon và no đến vậy. Cha và mẹ đứng ở ngoài nhìn, không một lời nào. Lúc đó còn trẻ dại nên tôi chưa biết rằng nhà ngỗng của mình là loài có linh tính rất cao!

Một lúc sau có người đến, ông chủ chỉ vào tôi: “Con này nó lẻ, anh đem về nhập với con bên đàn cho đủ cặp”. Vậy là người đàn ông bước đến nắm tôi gọn hơ. Tôi bất thần kêu oang oác. Hai người anh em tôi tốc bay ra, nhanh chóng cùng cha và mẹ né về một phía. Bầy gà ngơ ngác nhìn. Mấy con yếu hồn thì táo tác bay. Tôi nhìn cha và mẹ, đôi mắt tự dưng mờ nhòe rưng rưng. Lần đầu tiên tôi bị người ta nắm mình lên cao như vậy. Tôi sợ đến mức ị ra lung tung. Cha mẹ đứng xa la lớn tiếng can ngăn. Dù biết người ta cao lớn, khỏe mạnh hơn nhà ngỗng chúng tôi nhiều. Nhưng tôi vẫn mong và tin rằng, bằng tình yêu thương, cha mẹ sẽ có thể cứu tôi.

Người đàn ông nắm tôi đem đi, cha mẹ tôi dang rộng đôi cánh, sửng cồ chạy theo quyết liệt. Và khi ông ta đem tôi xuống một chiếc ghe đầy vịt thì tôi biết, từ nay tôi sẽ xa ngôi nhà sàn đó khi nó dần dần khuất xa sau lùm tre. Niềm tin cha mẹ sẽ cứu được tôi mọc cánh bay theo đến chiếc ghe, mà sự thật đã bị chắn lại nơi lớp rào ven mé dòng kinh. Tôi vẫn thấy rất rõ lúc đó và cả sau này mỗi lần mơ về cha mẹ, hai dáng ngỗng to và hai dáng ngỗng nhỏ dang cánh, hét la đến rát cổ, đứng ở bờ rào nhìn tôi với đôi mắt nghẹn ngào. Người đàn ông để tôi vào trong bội3, sau đó ông đốt thuốc hút rồi nói với người lái ghe: “Nhìn bầy ngỗng ngóng theo con này, thiệt đau như đứt ruột.”

Làm sao biết được ông nói thật hay nói chơi? Nhưng tôi tin ông có đau lòng. Tôi nghĩ rằng, con người một khi thấy được nỗi đau của loài vật như vậy, thì thật đáng là người để bọn gia cầm chúng tôi tin tưởng gửi gắm. Điều ấy chứng minh bằng hai ngàn con vịt đang đua nhau “cạp cạp” dưới tấm vạt của chiếc ghe.

Trong nỗi tuyệt vọng như sắp chìm trong một cánh đồng mênh hông hiu quạnh. Tôi quơ lại được chút sức sống bằng tiếng của tụi vịt. Những câu chuyện về những cánh đồng, dòng kinh được bọn vịt hào hứng nói với nhau như cuộc du mục đầy thú vị.

Chuyện nhà ngỗng. Truyện ngắn của Lê Quang Trạng
Ảnh minh họa: Pixabay

Một thằng vịt, tên là Trống Tơ nói với ông vịt Trống Cồ:

- Bác Cồ, bác Cồ, bác có biết chuyến này ông chủ định chuyển mình đi đâu không?

Vịt Trống Cồ đưa ức về phía trước ra oai thị uy:

- Biết sao không mậy? Tao cồ mà. Sống với ổng mấy năm rồi. Phải biết ý ổng chớ.

- Vậy tụi mình đi đâu bác?

- Thì đi kiếm đồng có nhiều lúa với ốc để ăn, chứ đi đâu.

Vịt Trống Tơ thấy cũng có lí:

- Ờ hén, bác nói thiệt là phải.

- Ừ, tao cồ mà mậy.

Dọc đường đi, lắng nghe những câu chuyện của bầy vịt, tôi nhận ra, tụi vịt không có một chút bi quan nào như tôi cả. Tụi nó còn có một niềm tin mải miết rằng, hết cánh đồng này thì cả bầy sẽ được qua cánh đồng khác và mãi mãi mưu sinh trên những cánh đồng, vô cùng tận. Như cuộc đi rong, vừa kiếm miếng ăn, vừa ung dung du ngoạn khắp bốn phương trời. Tôi thì chưa học được như nhà vịt sự vô tư và niềm tin trong veo, yêu đời đến vậy. Nhưng dù sao niềm an ủi đó cũng trấn an tôi rằng, tôi sẽ không bị hóa thân thành ngỗng giả cầy, ngỗng xào lăn, ngỗng nướng rơm, ngỗng sốt bơ, ngỗng áp chảo... Tôi sẽ còn sống sót và theo bầy vịt tha phương cầu thực trên những cánh đồng mênh mông trùn, ốc và lúa…

  • 1. trứng soa: Còn gọi là trứng so, quả trứng đầu tiên của gia cầm.
  • 2. cái diệm: Vật dụng bằng sành, có miệng rộng để đựng nước.
  • 3: bội: Còn gọi là chạn, hoặc bu, lồng. Được đan bằng tre, nứa, hoặc bằng dây sắt, có lỗ vuông hoặc lục giác lớn bằng nắm ta, dùng để nhốt gà, vịt.

(Trích từ truyện dài Thủ lĩnh băng vịt đồng, Nxb Kim Đồng, 2019 của nhà văn Lê Quang Trạng)

Lê Quang Trạng | Báo Văn nghệ

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.