Nhiều nhà văn Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng của văn học Nga và văn học Liên Xô, nhưng nói về mối quan hệ của nền văn học này với các nhà văn Trung Quốc, Lỗ Tấn là tên tuổi nổi trội hơn cả. Như nhà phê bình văn học, nhà thơ Trung Quốc Phùng Tuyết Phong đã nhận xét: “Mối liên hệ của Lỗ Tấn với văn học Nga và Xô Viết không thể tách rời hoạt động văn học của ông”. Tương tự như thế, nhà văn Xô Viết A.A.Fadeev đã nói: “Tác phẩm của Lỗ Tấn rất gần gũi với các nhà văn Nga của chúng tôi. Dường như sáng tác của các nhà văn các nước khác khó có thể gần gũi với chúng tôi như tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc…”.
Chúng ta có thể nói rằng Lỗ Tấn có một sự hiểu biết tuyệt vời về văn học và nghệ thuật Nga - Xô Viết. Trong số những cuốn sách mà ông sưu tầm được, ông đặc biệt ưu ái các tác phẩm văn học Nga, và khi dịch văn học nước ngoài, ông cũng ưu tiên các tác phẩm văn học Nga và Xô Viết. Trong tiểu luận của mình “Kỷ niệm giao lưu văn học giữa Nga và Trung Quốc” ông lưu ý rằng: “Văn học Nga là người thầy và người bạn của chúng tôi”.
Lỗ Tấn (1881-1936) |
TUYỂN TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA LỖ TẤN VÀ CÁC BẢN DỊCH VĂN HỌC NGA CỦA ÔNG
Trong suốt đời của mình, Lỗ Tấn say mê sưu tầm sách: bộ sưu tập của ông lên tới hơn 13.000 bản trong số đó có hơn 600 tác phẩm bằng tiếng Nga, không chỉ bao gồm truyện ngắn và tiểu thuyết mà còn cả các tác phẩm triết học, các tư tưởng xã hội và các nguồn lịch sử. Tất cả những điều này được bảo quản đầy đủ trong Bảo tàng Lỗ Tấn.
Người vợ thứ hai của Lỗ Tấn, bà Xu Guangping đã tóm tắt như sau: “Bản dịch văn học Xô Viết, bao gồm cả văn học Nga, và cách trình bày nó là một phần cực kỳ quan trọng trong các hoạt động cách mạng của Lỗ Tấn suốt cuộc đời của ông. Theo ước tính sơ bộ, trong số gần 6 triệu chữ tượng hình từ các tác phẩm của ông, hơn 1,6 triệu chữ liên quan đến việc dịch và giới thiệu về văn học Xô Viết. Con số này đại diện cho khoảng một phần tư tổng số tác phẩm và hơn một nửa số bản dịch của ông ấy”.
Thật vậy, Lỗ Tấn rất coi trọng văn học Nga và đã dịch nhiều tác phẩm. Và mặc dù bản thân Lỗ Tấn chỉ học tiếng Nga trong một thời gian ngắn khi còn trẻ và chưa bao giờ thành thạo ngôn ngữ này một cách hoàn hảo, nhưng ông thường dựa thêm vào các bản dịch từ tiếng Đức và tiếng Nhật. Chính trong thời gian học tập tại Nhật Bản, Lỗ Tấn đã tiếp xúc với văn học Nga và chú ý tới nó.
Ngay từ buổi bình minh của sự nghiệp dịch thuật, Lỗ Tấn bắt đầu dịch văn học Nga. Năm 1908, trong bài báo Sức mạnh của thơ Sa-tan, Lỗ Tấn đã giới thiệu với đồng bào của mình những tác giả như Gogol, Pushkin, Lermontov.
Xuất bản năm 1909, Tuyển tập truyện nước ngoài, bao gồm các truyện do Zhou Zuoren dịch, đã đặt nền móng cho truyền thống dịch ở nước Trung Hoa hiện đại. Như Mao Thuẫn đã nói về điều này: “Tất cả mọi thứ từ việc hiểu biết thấu đáo và phê bình nghệ thuật đến việc tạo ra các bản dịch chi tiết và chính xác các tác phẩm văn học nước ngoài đều bắt đầu từ Lỗ Tấn, người lính tiên phong và nhà lãnh đạo của văn học Trung Quốc hiện đại”.
Với Tuyển tập truyện nước ngoài, Lỗ Tấn tập trung dịch các tác phẩm về các dân tộc yếu thế và bị áp bức ở Nga, Phương Đông và Bắc Âu cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Các bản dịch văn học Nga ban đầu của Lỗ Tấn chủ yếu bao gồm tác phẩm của các nhà văn như L.N.Andreev, V.M.Garshin và V.Ya. Eroshenko. Sở dĩ có sự quan tâm này là vì Lỗ Tấn nhìn thấy trong các tác phẩm văn học của các dân tộc bị áp bức một “sự đồng điệu”. Lỗ Tấn nói rằng ông đã thấy ở họ một thế giới khác thường, “một thoáng lướt của những tâm hồn thất lạc”, điều đó khiến Lỗ Tấn cảm động và ảnh hưởng đến công việc của ông.
Sau đó, Lỗ Tấn đã dịch các tác phẩm của những đại diện chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga như N.V.Gogol và A.P.Chekhov. Các tác phẩm văn học cách mạng của các tác giả như Maxim Gorky và A.A.Fadeev đến được nước Trung Hoa cũng nhờ các bản dịch của Lỗ Tấn. Vào ngày 18 tháng 10 năm 1936, một ngày trước khi ông mất, Lỗ Tấn vẫn kiên nhẫn tiếp tục hiệu đính bản dịch thứ hai Những linh hồn chết của N.V.Gogol và tiên đoán về sự phổ biến rộng rãi của cuốn tiểu thuyết này ở Trung Quốc.
Sau năm 1927, hoạt động dịch thuật của Lỗ Tấn đã phát triển trên một quy mô mới: ở ông bỗng xuất hiện nhu cầu lớn lao muốn dịch một số “cuốn sách về chủ nghĩa duy vật lịch sử đã được thế giới công nhận”. Ông bắt đầu dịch các tác phẩm lý luận văn học nghệ thuật của Nga và Liên Xô: chủ yếu là các tác phẩm của G.V.Plekhanov và A.V.Lunacharsky. Thực tế là Lunacharsky và Plekhanov đã vạch ra những vấn đề cơ bản như sự tương tác của văn học, nghệ thuật và xã hội; văn học, nghệ thuật và các giai cấp; các nguyên tắc và nhiệm vụ thẩm mỹ của phê bình văn học theo quan điểm của hệ tư tưởng mácxít… ở một mức độ nhất định đã đưa ra những ý tưởng rõ ràng hơn và xoa dịu sự ném đá tư tưởng và cuộc đấu tranh văn học trong thời đại Lỗ Tấn hiện đại.
Vào thời điểm đó, có rất ít chuyên gia tài năng về tiếng Nga, cũng như những người hiểu lịch sử Nga. Trong những năm 20-30 của thế kỷ XX những người chuyên dịch văn học Nga và Xô Viết có thể được đếm trên đầu ngón tay. Ngoài một số người, như Cao Jinghua, hầu hết không phải là chuyên gia, và trong hoàn cảnh này, Lỗ Tấn đã tích cực tổ chức công việc của những người trẻ tuổi từ Hiệp hội Văn học Vô đề và Liên đoàn Nhà văn Cánh tả về các bản dịch văn học Nga. Khi dịch văn học Nga và Liên Xô, ông nhiệt tình giúp đỡ và khuyến khích những người mới xuất hiện như Wei Suyuan, Li Jie, Wei Suyuan, Feng Xuefeng và Zhou Shi. Lỗ Tấn thường không chỉ sử dụng tiền bản quyền của mình để tài trợ cho việc xuất bản các bản dịch, mà còn đích thân hỗ trợ và hiệu đính các bản dịch.
ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC NGA ĐẾN TÁC PHẨM CỦA LỖ TẤN
Lỗ Tấn nói: “Khi tôi bắt đầu công việc của mình, tôi đã dựa vào hàng trăm cuốn sách nước ngoài mà tôi đã đọc trước đó”. Tác phẩm của Lỗ Tấn chịu ảnh hưởng của các tác phẩm văn học từ Nga, Anh, Đông Bắc Âu và Nhật Bản. Nhưng theo Lỗ Tấn, văn học Nga là ảnh hưởng có ý nghĩa mạnh hơn cả đối với ông. “Tôi nghĩ rằng văn học Nga giàu có hơn bất cứ nền văn học nào khác trên thế giới…”.
Lỗ Tấn biết và hiểu rành rõ văn học Nga: chủ nghĩa hiện thực của văn học Nga tìm thấy sự đồng vọng mạnh mẽ trong tâm hồn ông. Lỗ Tấn cho rằng đặc điểm giá trị nhất của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga là tính chân thực và tính phê phán sâu sắc. Nó là nét nổi bật, có một không hai và do đó Lỗ Tấn cho rằng nền văn học Nga là “đích thực và mạnh mẽ”. Điều này đã khẳng định đầy đủ giá trị lịch sử to lớn của chủ nghĩa hiện thực phê phán Nga.
Một ngày nọ, Lỗ Tấn tràn đầy cảm xúc chân thành nói: “Văn học Nga, bị những người có học ở Tây Âu coi là“ nửa dã man”, trên thực tế đã bỏ qua tất cả các nền văn học khác trên thế giới. Đó là “một mảnh đất màu mỡ và rộng lớn”. Lỗ Tấn nhiều lần ngợi ca tình yêu bao dung và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện trong nền văn học Nga. Ông tỏ ra khâm phục “những nhà văn chia sẻ những tai họa và nỗi thống khổ của kiếp người”. Nhà văn không chỉ cảm thông với những người bị sỉ nhục và xúc phạm, mà còn phải nỗ lực tìm cách giải thoát họ và biết hy sinh bản thân mình vì lợi ích của người khác. Trong mắt Lỗ Tấn, hình ảnh này thật uy nghiêm. Tình yêu sâu sắc đó được Lỗ Tấn coi là “lòng nhân hậu đặc biệt”, là một nét đặc trưng của văn học Nga và làm cho nó “gần gũi hơn với thế giới của chúng ta”.
Những nhà văn Nga như N.V.Gogol và F.M.Dostoevsky đã khơi dậy trong Lỗ Tấn lòng cao thượng và ông nhận ra rằng những nhà văn ấy đã nêu ra những vấn đề cơ bản sự tồn tại của con người, tận tâm để phơi bày toàn bộ sự phức tạp của bản chất con người, những tệ nạn của nó. Để đánh thức nhân loại xây dựng lại xã hội và đời sống tinh thần, Lỗ Tấn đã tuân thủ các nguyên tắc sáng tạo cơ bản như “cách tiếp cận sáng suốt đối với việc lựa chọn chất liệu và khai phá ý nghĩa còn tiềm ẩn”, và “mục tiêu chủ yếu “trong việc sáng tạo ra các tác phẩm là” vì cuộc sống của con người”. Trong các tác phẩm của mình, Lỗ Tấn đã xem xét chi tiết cuộc sống của con người trong xã hội, vạch trần những tệ nạn và bệnh tật của xã hội, kêu gọi sự cần thiết phải sửa chữa những tật bệnh đó.
Theo Lỗ Tấn, chiều sâu của văn học Nga nằm ở chỗ nó thể hiện sự “bất hạnh” của những tầng lớp dưới đáy xã hội, không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo nàn về tinh thần. Hoàn cảnh của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ cũng như vậy. Mô tả của Lỗ Tấn về những người Trung Quốc nghèo khổ rất giống với văn học hiện thực phê phán Nga. Lỗ Tấn biểu hiện chủ đề đầy ý nghĩa “cảm thông cho những bất hạnh nhưng cảm thấy bực bội vì họ không muốn chiến đấu”; ông nhiều lần suy nghĩ lại về tính cách dân tộc mình và cảm nhận sâu sắc gánh nặng của sự khai sáng. Lỗ Tấn lưu ý rằng trong văn học Nga không chỉ có “tiếng la hét,lời rên rỉ, nghèo đói và nỗi buồn chán”, mà còn có “cuộc đấu tranh với tất cả sức mạnh và sự đối kháng”. Ảnh hưởng của văn học Nga và bản dịch của nó ở một mức độ nhất định đã giúp Lỗ Tấn nhận ra ý tưởng dùng văn học để “thể hiện tính cách và những biến đổi của xã hội”.
Lỗ Tấn không chỉ vươn tới việc “biểu hiện nội dung”, mà còn chú ý đến “tính đặc thù của hình thức”. Ông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học Nga và Liên Xô, không chỉ về mặt tư tưởng, mà còn ở cách thể hiện những thủ pháp nghệ thuật và nhận thức thẩm mỹ. Ví dụ, Lỗ Tấn thừa nhận rằng Nhật ký của một người điên của ông xuất phát từ Ghi chép của một người điên của Gogol, và trong Thuốc là các phương pháp tượng trưng và hiện thực của L.N.Andreeva. Đồng thời, sự tổng hợp của lối viết trào phúng và sự lạc đề trữ tình trong những bi kịch của Gogol, tính hàm xúc, sự giản dị và nét quyến rũ mềm mại bộc lộ với “tiếng cười qua nước mắt” trong các tác phẩm của Chekhov; sự miêu tả không mệt mỏi về “tâm hồn nổi loạn” của Dostoevsky là một khám phá quan trọng đối với Lỗ Tấn. Một số người gọi Lỗ Tấn là “Chekhov của Trung Quốc”. Cả hai nhà văn đều là bậc thầy về văn xuôi kiệm chữ và sử dụng tuyệt vời những từ thích hợp nhất để “gợi lên nụ cười qua nước mắt”. V.G.Belinsky gọi văn xuôi kiệm chữ của Gogol là “một bức tranh khổng lồ trong cái khung nhỏ hẹp”, và văn xuôi kiệm chữ của Lỗ Tấn thậm chí còn hơn thế nữa. Nhờ sự tổng hợp những nét đặc sắc nhất của văn học Trung Quốc và văn học nước ngoài, những tác phẩm “sâu lắng cảm xúc” của Lỗ Tấn đã trở thành kinh điển. Lỗ Tấn chiếu rọi vào các đặc điểm của “những người nhỏ bé” và “những điều bình thường”. Thông qua một dàn ý cốt truyện đơn giản, ông đã phác vẽ nên nhân vật và miêu tả tâm hồn của họ, Lỗ Tấn đã thể hiện nội dung phong phú, sâu sắc với sự trợ giúp của những ngôn từ chính xác, uyển chuyển và súc tích nhất. Điều đó giúp phản ánh chính xác bản chất đời sống xã hội và tạo nên phong cách nghệ thuật riêng của Lỗ Tấn.
Theo thống kê học, Lỗ Tấn đã dịch, bình luận, giới thiệu các tác phẩm của hơn 37 nhà văn Nga và Liên Xô. Các nhà văn Nga và Liên Xô chiếm số lượng lớn nhất trong số các nhà văn nước ngoài mà ông đã dịch. Tiếp nhận và cảm thụ các di sản văn hóa của Trung Quốc và nước ngoài, Lỗ Tấn luôn luôn biểu lộ sự tỉnh táo và thái độ có phê phán. Đứng trên quan điểm “tiếp nhận và chọn lọc”, Lỗ Tấn không chỉ bộc lộ sự kế thừa của văn học và nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, mà còn tiếp thụ đầy đủ kinh nghiệm sáng tạo của các nhà văn hiện thực phê phán Nga. Quan niệm này thể hiện sự cởi mở và tầm nhìn xa trong tư tưởng văn học của Lỗ Tấn, thể hiện khát vọng tinh thần và sự tìm tòi quý giá của một nhà văn lớn, đồng thời rọi sáng những bí quyết vàng ngọc của những thành công giúp cho các thế hệ nhà văn sau này, đồng thời cũng là tạo ra những mực thước kinh điển để cho các nhà văn lớp sau noi theo.
Tô Hoàng
(Từ Quang Minh nhật báo, Trung Quốc. Chuyển ngữ qua tiếng Nga)
Nguồn Văn nghệ số 16/2021