Văn hóa nghệ thuật

Lời nhắn của Quyếch

Phan Chung
Âm nhạc
08:00 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?” - nhân vật “Chú”, dẫn chuyện, tương tác với nghệ sĩ trên sân khấu lặp lại câu hỏi trong suốt Quyếch Concert.
aa

Đến sớm gần một tiếng đồng hồ so với giờ biểu diễn, tôi ngồi yên lặng quan sát và nhìn ngắm sân khấu Quyếch Concert. Ấn tượng đầu tiên là một quả cầu làm bằng sợi nhựa (vốn được cắt ra từ các vỏ chai) được treo lên trần, lơ lửng sà xuống bên dưới. Khi ánh đèn chiếu vào, nó lộ ra vẻ đẹp như ánh trăng lấp lánh. Hai bên sân khấu cũng được trang trí đơn giản, hình ảnh mây hoặc sóng cùng những ánh trăng và sao. Mọi thứ nom đơn sơ nhưng gần gũi, gợi lên vẻ đẹp thủ công bởi chính bàn tay của những nghệ sĩ tạo nên buổi hòa nhạc này.

Cùng lúc đó, những bản nhạc không lời của Vincent Delerm, Tindersticks, Long Tall Jefferson, Fai Baba & Paul Marki hay Svaneborg Kardyb lần lượt vang lên trên loa. Với riêng tôi, lựa chọn này mang nhiều ý nghĩa hơn là thứ “nhạc nền” khỏa lấp thì giờ chờ đợi; nó tạo ra không khí vừa thư giãn vừa bí bách, vừa uể oải vừa kích thích khán giả trước và giữa các phần trình diễn của các nghệ sĩ.

Lời nhắn của Quyếch
Quyếch biểu diễn tại Quyếch Concert tại Hà Nội. Ảnh: Đỗ Hoàng Hải Anh/ Dan Nguyen

Nói gì khi nói về nghệ thuật?

Quyếch Concert bắt đầu bằng một giọng nói bí ẩn, với một câu hỏi “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?” Lúc này khán giả vẫn chưa biết giọng nói này là của ai, với điểm nhìn như thế nào nhưng họ biết chắc rằng, giọng nói đó sẽ đi theo đến hết chương trình.

Ngay sau đó, bộ đôi Thuỳ Linh và Hoàng Tùng bước ra sân khấu, mở đầu đêm nhạc bằng cách đệm guitar acoustic và hát đầy mộc mạc. Hai nghệ sĩ mang đến bầu không khí đầy cổ điển khi “soạn” lại các bài hát nổi tiếng như Dư âm, Tuổi mộng mơ, Mùa Thu, Gửi gió cho mây ngàn bay… theo phong cách jazz. Trong khán phòng im lặng, tiếng nhạc và giọng ca cất lên trong veo, mọi người đu đưa theo những giai điệu và ca từ, thấm đẫm chất thu dịu ngọt. Sự dịu dàng và vẻ đẹp trong từng ca từ của Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Đoàn Chuẩn như vang vọng một thời Hà Nội hát.

Limebócx, ban nhạc indie độc đáo kết hợp nhạc điện tử với những chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam như ca trù, quan họ… tiếp nối chương trình. Họ chơi thứ nhạc mà tự đặt tên là Electrùnic, mang màu sắc của thể loại nhạc Trance, một nhánh của nhạc điện tử ra đời từ nước Đức. Trên sân khấu, Limebócx đã trình diễn đầy năng lượng và biến ảo các bài hát nổi tiếng của họ như Yêu nhau (Qua cầu gió bay), Mục hạ vô nhân (thơ Nguyễn Khuyến), Hồ Tây (Thơ Nguyễn Khuyến), Hồng Hồng Tuyết Tuyết…

Khi phần âm nhạc của Limebócx vừa dứt, giọng nói bí ẩn ban đầu lại tiếp tục vang lên, ngay trước phần trình diễn của Quyếch, nhân vật chính của buổi hòa nhạc. Đến lúc này khán giả mới biết giọng nói đó đến từ nhân vật có tên “Chú”, và vẫn lặp lại câu hỏi: “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?”. Nhưng Quyếch đã bước ra sân khấu và sẵn sàng biểu diễn, câu hỏi lại một lần nữa bị bỏ ngỏ. “Quyếch không phải là một ban nhạc; Quyếch là một dự án âm nhạc” - Tiến Đức nói, trước khi cùng Ngọc Linh trình diễn các bản nhạc Tuyên ngôn buổi chiều, Họa, Độc thoại, Trăm ngàn bản tình ca. Ngay sau đó, Quyếch mang đến các ca khúc mới bao gồm Lời nhắn qua giọng hát của Mạc Mai Sương (phiên bản gốc được trình bày với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế Sangpuy, Eri Liao, Như Khuê). Quyếch kết lại đêm diễn bằng Câu trả lời, bài hát vốn có độ dài 11 phút, một “sử thi” về loại chim nhạn bằng khói tro về những lời kể từ ngàn xưa.

Lời nhắn bằng âm nhạc

Nhưng kết thúc cũng là lúc quay lại điểm khởi đầu với câu hỏi “Ta nói gì khi nói về nghệ thuật?” Xuyên suốt đêm nhạc, thay vì cố tìm ra lời giải đáp, hình tượng hóa bản thân thành bản thể trình diễn mỹ miều hơn đời thực, các nghệ sĩ chỉ say sưa hát và trò chuyện với khán giả như những người bạn bè thân thiết. Lời bài hát Câu trả lời như là một sự giãi bày của người nghệ sĩ, dù “trời rung đất chuyển, trời long đất lở... cũng sẽ đi tìm”.

Với riêng người viết, Quyếch Concert là một trong những hòa nhạc Indie thú vị nhất trong khoảng thời gian gần đây. Nó, trước hết mang vẻ đẹp từ những điều giản dị, từ xếp đặt sân khấu cho đến các phần trình diễn âm nhạc. Vẻ đẹp này còn đến từ lời dẫn chuyện và tương tác dí dỏm từ nhân vật “Chú” bí ẩn. Đó còn là sự kết hợp giữa âm nhạc, và đọc thơ “ngẫu hứng” trước phần biểu diễn của nghệ sĩ. Đó chắc chắn là vẻ đẹp toát ra từ những tâm hồn say mê nghệ thuật, luôn say sưa với chính những sáng tạo của mình.

Điều mà Quyếch thực hiện trong hòa nhạc của mình còn thể hiện nghệ sĩ tính của riêng họ. Âm nhạc hay nghệ thuật, ngoài diễn xướng giải trí (như Quyếch đã hát về xướng ca vô loài trong Độc thoại) cho khán giả còn ẩn chứa hành trình khám phá của người nghệ sĩ trẻ. Âm nhạc của Quyếch luôn mang đến những suy tư về một loại hình nghệ thuật có ý nghĩa, khiến người nghe nhạc có không gian thưởng thức cũng như suy tư. Tiến Đức chia sẻ, “Chuyện gì đi nữa cũng là do mình vẽ ra, dù nó có kể về bản thân mình hay là không?” Đối với Tiến Đức, kể cả khi những câu chuyện được kể ra không phải về mình, thì vẫn luôn có dấu ấn của người kể chuyện ở trong đó.

Lời nhắn - sáng tác mới nhất của Quyếch cũng được lựa chọn biểu diễn trong hòa nhạc lần này. Sự đa thanh trong tác phẩm mang đến những thông điệp cho mọi người: “Chỉ có một lời nhắn để trên đời / Đừng giữ hình hài tôi bằng nỗi buồn.” Và Quyếch đang ở một tâm thế khác, vẫn rong ruổi và tâm huyết, nhưng ung dung và vui thú hơn nhiều với cuộc sống cũng như nghệ thuật.

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024