|
Theo Báo cáo Thị trường Âm nhạc toàn cầu 2023 từ Liên đoàn Quốc tế của Ngành Công nghiệp ghi âm, giá trị của ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu năm 2022 đạt 26,2 tỷ USD, trong đó thị phần của nhạc trực tuyến chiếm tới hơn 48%. Một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học RMIT dày công tìm hiểu sâu về sự phát triển của nền âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam đưa ra kết luận, số lượng người dùng và doanh thu từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng chóng mặt. Khoảng một nửa số người dùng internet ở Việt Nam thưởng thức âm nhạc và video trên các nền tảng trực tuyến.
Năm 2023, giá trị của thị trường âm nhạc số của Việt Nam đã đạt hơn 50 triệu USD. Giới chuyên môn cũng dự đoán tới năm 2027 giá trị này sẽ được nâng lên hơn 72 triệu USD. Khán giả Việt Nam đang sử dụng chung các nền tảng phát nhạc toàn cầu. Nhóm nghiên cứu cho hay, cách vận hành thị trường âm nhạc truyền thống đã lùi bước để nhường sân khấu lại cho những thay đổi của thị trường âm nhạc kỹ thuật số. Nhờ vào chuyển đổi số, dịch vụ phát nhạc trực tuyến (streaming services) đã trở nên phổ biến và thống trị thị trường âm nhạc toàn cầu về doanh thu. YouTube, TikTok và Zing MP3 là những nền tảng được sử dụng để nghe nhạc nhiều nhất ở Việt Nam. Trong dòng chảy cuộn trào đó, nghệ sĩ Việt cũng đang tự tìm cách đưa âm nhạc của mình ra với thế giới.
Ca sĩ, nhạc sĩ trẻ Thịnh Suy trình diễn trên sân khấu AXEAN Festival tại Singapore, Tháng 10/2023. Ảnh: NVCC |
Hoạt động âm nhạc của các nghệ sĩ trẻ Việt đang hết sức nhộn nhịp. Nữ ca sĩ kiêm sáng tác nhạc sinh năm 2002 - Mỹ Anh sẽ có mặt ở các tour diễn giao lưu văn hoá và âm nhạc tại 5 quốc gia từ tháng 8 tới tháng 10 năm nay. Hai ngày 28 và 29/9 này, AXEAN Festival sẽ diễn ra tại Bali (Indonesia); Tuimi là nghệ sĩ đại diện Việt Nam đầu tiên sẽ có mặt tại sân khấu. Gwangju Busking World Cup Festival - cuộc thi và lễ hội âm nhạc dành cho các nghệ sĩ trên toàn thế giới, được tổ chức thường niên tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc. Và cũng trong năm 2024 này, 黒ック・KURROCK - ban nhạc rock Việt đã vượt qua vòng loại để trở thành một trong 32 team đến xứ sở kim chi tranh tài.
Ở Hà Nội, Quyếch - một trong những nhóm nhạc Indie đình đám thời gian gần đây tổ chức concert vào ngày 25/10 tại Hà Nội sau khi có sự hợp tác xuyên quốc gia với những nghệ sĩ Đài Loan. District 105 - tân binh phong cách rock metal sẽ có màn diễn tại show Shameless, diễn ra vào ngày 25/8 tới tại Philippines. Cút Lộn - ban nhạc theo thể loại crossover thrash hiếm hoi của Việt Nam sẽ biểu diễn tại Rock Alarm Music Festival 2024 ở Bangkok, Thái Lan. Năm nay, lễ hội rock này có hơn 50 ban nhạc chơi trên ba sân khấu vào giữa tháng 9.
Trước đó, ca khúc See tình (của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh) đã làm mưa gió trên một số nền tảng trực tuyến, tiếp cận khán giả nhiều nước châu Á. Hay như đầu năm qua, cú bắt tay giữa nghệ sĩ Việt Hoaprox với huyền thoại EDM (Nhạc điện tử) tỷ view thế giới K-391 đã mang về cho ca khúc Die Alone hơn 100.000 lượt nghe từ khán giả quốc tế sau hai ngày đăng tải. Đặc biệt, lượng khán giả nghe Die Alone trên các nền tảng số chủ yếu đến từ châu Âu: Nauy, Thuỵ Điển và Phần Lan.
Tiếp cận âm nhạc không biên giới đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Thị trường âm nhạc trẻ Việt Nam đã, đang tạo nên một hình hài đa sắc màu trong hơn một thập kỷ qua. Khái niệm Gen Z đã trở nên thân thuộc. Gen Z làm nhạc, Gen Z thưởng thức âm nhạc gắn liền với thị trường âm nhạc kỹ thuật số. Cũng trong năm nay, Jukebox Judgement™ - chương trình radio uy tín của Anh về nhạc số ra ngày 26/4/2024, do biên tập viên Dawn Parry dẫn dắt, giới thiệu các nghệ sĩ indie Việt Nam. Chương trình nằm trong dự án hợp tác giữa Jukebox Judgement™ và AXEAN Festival nhằm tạo cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ trong khu vực châu Á có cơ hội giới thiệu những bài hát của họ đến với thị trường thế giới. Jukebox Judgement™ dự kiến phát 6 tập về thị trường âm nhạc châu Á, diễn ra từ 23/2 tới hết tháng 8/2024.
Những ca khúc của Indie Việt Nam từ Limebócx, Truant Fu, ChipPunks (Camera), Lý Bực (Vắng), Vũ Thanh Vân, Thịnh Suy (Chết trong em), Tuimi, MINH, 7UPPERCUTS, iTeu, Mèow Lạc được các nhà sản xuất âm nhạc gạo cội từng được đề cử hoặc thắng giải Grammy nhiều lần ngồi nghe chăm chú, bình luận. Steve Lillywhite - nhà sản xuất 6 lần thắng giải Grammy đã đưa ra những nhận xét tích cực khi nghe Vắng của ban nhạc Lý Bực.
Từ việc góp mặt ở những chương trình âm nhạc, nền tảng phát nhạc, xếp hạng âm nhạc uy tín thế giới đến những giải thưởng âm nhạc lớn luôn là một hành trình mơ ước với bất cứ nền âm nhạc của quốc gia nào. Ở đầu những năm 2010, ít ai dám nghĩ tới một ngày nữ ca sĩ Mỹ Tâm được xướng tên ở một giải thưởng âm nhạc lớn như World Music Awards. Năm 2014, có 25 nghệ sĩ trên toàn cầu được vinh danh bán được nhiều album nhất khu vực. Một trong số đó là Mỹ Tâm của Việt Nam.
Trong hơn một thập kỷ qua, từ năm 2013-2020 Việt Nam có 8 đại diện tham dự giải MTV EMA, trong đó Jack, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm chiến thắng giải Best Southeast Asia Act. Cuối năm 2013, Mỹ Tâm là ca sĩ Việt Nam đầu tiên được đề cử vào giải MTV EMA.
Dám mơ lớn là điều có thể nhìn thấy ở nhiều tên tuổi nghệ sĩ trẻ của Việt Nam. Ước mơ đưa âm nhạc Việt Nam tiệm cận với nền âm nhạc thế giới - mà cụ thể là thị trường âm nhạc ở các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, hay một số cường quốc châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc luôn cháy rực.
Có thể hình dung, quá trình này các nghệ sĩ Gen Z vấp phải những ý kiến trái chiều, đặc biệt là những nhà làm nhạc gạo cội đi trước. Tuy nhiên, có ai học bơi mà không trải qua đoạn đầu nhếch nhác, sợ nước, sặc nước. Trước khi một nghệ sĩ lướt ván có thể băng băng lộn nhào cùng những ngọn sóng bí ẩn, có ai mà không trải qua đoạn đầu như vậy. Nhưng nếu không mơ lớn, không quăng mình vào sự nhếch nhác ấy sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để biết bơi, chưa nói tới biết lướt sóng.
Mới đây nhất, đầu năm 2024, làng nhạc Việt nhận tin sốt khi nhà thiết kế trẻ Duy Đào góp mặt trong danh sách tranh giải Best Boxed or Special Limited Edition Package (Thiết kế ấn phẩm đặc biệt), ra đời năm 1995. Tác phẩm được đề cử là album Gieo của Ngọt - một ban nhạc xuất phát từ phong cách Indie đang được khán giả trẻ Việt Nam yêu thích. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm sáng tạo của Việt Nam được đề cử tại giải thưởng âm nhạc của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật thu âm Hoa Kỳ. Nhà thiết kế trẻ chia sẻ với báo giới, đây là một sản phẩm ‘tự nhiên có tính toán’.
Giống như Duy Đào từng chia sẻ: “Mình cố gắng trở thành một người xuất sắc như thế để đại Việt Nam trong lĩnh vực của mình… Được làm người có quốc tịch Việt Nam đầu tiên nhận đề cử cũng là thắng rồi. Còn không thì như các cụ vẫn nói: Thua keo này ta bày keo khác.”
Bảo Hà | Báo Văn nghệ