Sáng tác

Lời thú nhận. Truyện ngắn của Mark Twain

Mark Twain
Truyện
09:11 | 03/12/2024
Baovannghe- Một đêm nọ, vào lúc kết thúc chiến tranh, tôi tỉnh giấc và thấy mình ngất xỉu, tay bị trói, miệng bị bịt lại và trong nhà sặc mùi chloroform. Tôi thấy có hai người đàn ông trong phòng và người này thì thào nói với người kia: “Tao nói với cô ta là tôi sẽ, nếu cô ta la làng, còn đứa bé thì...”
aa

Lời thú nhận. Truyện ngắn của Mark Twain

Nhà văn Mỹ Mark Twain

Nhà văn Mỹ Mark Twain sinh năm 1835 tại bang Missouri và mất năm 1910 tại bang Connectiut, tên thật là Samuel Langhorne Clemens. Ông sinh ra trong một gia đình đông con và sớm mồ côi cha. Ông từng làm nhiều nghề để sinh nhai, trong đó có nghề lái tàu. Kinh nghiệm sống và làm việc giúp ông viết các tiểu thuyết Cuộc sống trên sông Mississippi (1883); Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer (1876)... nổi tiếng. Mark Twain còn là nhà văn viết truyện ngắn trứ danh với bút pháp hài hước, dí dỏm, châm biếm, hướng tới những vấn đề trong cuộc sống thường ngày.

Tôi chưa từng từ bỏ. Nhưng giờ tôi phải từ bỏ. Tôi sắp chết. Tối qua, tôi đã nghĩ vậy và điều đó sẽ đến sớm. Bạn nói chẳng bao lâu nữa bạn sẽ đến thăm lại con sông cũ khi bạn có cơ hội. Vâng, với ý nghĩ xác quyết đã đến với đời tôi tối hôm qua, tôi quyết định kể với bạn chuyện đời tôi, để bạn được đến Arkansas, Napoleon. Và theo ý nguyện của tôi, bạn sẽ dừng ở đó và làm một việc mà chắc bạn sẽ muốn làm sau khi bạn nghe được chuyện tôi kể.

Hãy để chúng ta cắt ngắn câu chuyện, và cần như thế, vì nó khá dài. Bạn chắc biết tôi đã đến Mỹ như thế nào và đã đến định cư ở phía Nam, tại một vùng hoang vắng ra sao. Nhưng bạn không biết là tôi có vợ. Vợ tôi trẻ, đẹp, đáng yêu, tử tế, không có gì để chê trách. Cô con gái bé bỏng của chúng tôi là bản sao của cô ấy. Gia đình tôi hạnh phúc.

Một đêm nọ, vào lúc kết thúc chiến tranh, tôi tỉnh giấc và thấy mình ngất xỉu, tay bị trói, miệng bị bịt lại và trong nhà sặc mùi chloroform. Tôi thấy có hai người đàn ông trong phòng và người này thì thào nói với người kia: “Tao nói với cô ta là tôi sẽ, nếu cô ta la làng, còn đứa bé thì...”

Lời thú nhận. Truyện ngắn của Mark Twain
Minh họa Đỗ Dũng

Người kia the thé cắt ngang: “Mày nói mày chỉ bịt miệng họ lại và cướp. Không được làm cho họ bị thương. Nếu không tao sẽ...”

“Câm miệng đi. Cần thay đổi kế hoạch khi chúng thức dậy. Mày muốn làm gì để bảo vệ chúng thì làm. Nè, lục soát đi.”

Cả hai gã đàn ông đều bịt mặt và ăn vận thô lậu, áo quần xộc xệch. Chúng cầm một cây đèn lồng và nhờ đó, tôi thấy gã cướp lịch sự hơn không có ngón cái trên bàn tay phải. Chúng lục tung căn phòng nghèo nàn của tôi. Tên cướp đầu sỏ thì thào nói:

“Đừng mất thời gian. Nói ông ta chỉ chỗ cho. Mở khăn bịt miệng nó ra và làm cho nó tỉnh lại.”

Gã kia nói: “Được. Đừng đánh ông ta bằng dùi cui.”

“Không cần đánh, nếu nó không la lớn.”

Họ tiến tới phía tôi. Cùng lúc đó, có ai đó nói lao xao bên ngoài và có tiếng bước chân. Bọn cướp nín thở lắng nghe. Âm thanh càng lúc càng gần, sau đó có tiếng nói to: “Có ai trong nhà không. Bật đèn lên. Chúng tôi xin nước.”

“Tiếng nói của đại úy G!” Tên cướp đầu sỏ nói. Sau đó, cả hai chạy ra bằng cửa sau, tắt đèn lồng.

Người lạ nói nhiều lần, sau đó bỏ đi. Hình như có cả chục con ngựa. Sau đó, tôi không còn nghe gì. Tôi vặn vẹo nhưng không làm đứt được dây trói. Tôi cố nói nhưng khăn bịt miệng quá chặt nên không nói được. Tôi cố lắng nghe tiếng vợ con tôi ở cuối phòng, nơi họ nằm nhưng không có tiếng nói nào. Sự im lặng mỗi lúc mỗi đáng sợ, báo điều xấu. Bạn có thể chịu đựng được tình huống này trong một giờ không? Hãy thương tôi, vì tôi phải chịu đựng trong ba giờ. Ba giờ là ba thế kỷ! Khi đồng hồ điểm giờ, tôi tưởng nhiều năm đã trôi qua. Tôi luôn vặn vẹo và cuối cùng, vào lúc bình minh, tôi làm đứt được dây cột tay và đứng dậy, lê đôi chân cứng đơ. Tôi còn có thể phân biệt các chi tiết rất tốt. Sàn phòng ngổn ngang đồ đạc, do bị cướp lục lọi. Vật đầu tiên thu hút sự chú ý của tôi là tập tài liệu mà tôi thấy hai tên cướp rất quan tâm nhưng sau đó vứt đi. Nó dính đầy máu. Tôi lảo đảo đi về phía cuối phòng. Thật đau khổ vì vợ con tôi đang nằm chết ở đó. Họ yên nghỉ còn nỗi đau của tôi đã bắt đầu!

Tôi có nên nhờ tới pháp luật? Khi nhà vua uống nước thì có thể giúp làm dịu cơn khát của kẻ nghèo hay không? Ồ, không! Không! Tôi không muốn nhờ pháp luật can thiệp. Pháp luật và giá treo cổ không thể trả nợ cho tôi. Hãy để pháp luật trao giá treo cổ cho tôi. Tôi không sợ. Tôi sẽ tìm ra con nợ và thu hồi món nợ. Nhưng làm sao tôi có thể thành công, khi tôi không thấy mặt lũ cướp, không nghe được chính xác giọng nói của chúng, không biết chúng là ai? Tuy vậy, tôi vẫn thấy chắc chắn và tin tưởng. Tôi có một gợi ý mà bạn cho là không có giá trị, một gợi ý không giúp nhiều cho một thám tử, vì anh ta sẽ không biết sử dụng nó như thế nào. Bạn sẽ thấy tôi nói về nó sau. Giờ hãy nói về thứ tự điều nên nói. Có một gợi ý giúp tôi có hướng để bắt đầu: Hai tên cướp là lính cải trang, không phải mới nhập ngũ mà tại ngũ đã lâu, chắc chắn là vậy. Họ không thể có được phong cách, cử chỉ của lính và súng ống trong một ngày, một tháng, một năm. Tôi cho là vậy. Một trong hai tên đã nói, “Đó là giọng đại úy G.” Cách đây hai dặm, có nhiều trung đoàn đóng quân và có hai đại đội kỵ binh Mỹ. Tôi biết là đại úy Blakely của đại đội C đã đi với tùy tùng qua nhà tôi đêm đó. Tôi sẽ tìm ra kẻ cướp ở đại đội đó. Trong các cuộc trò chuyện, tôi cố miêu tả dáng đi, điệu bộ của bọn cướp như là những kẻ lang thang. Với một số người, tìm ra kẻ cướp lang thang là vô vọng và không ai nghĩ bọn chúng là lính, trừ tôi ra.

Về đêm, một mình ở nhà, tôi tập luyện ngụy trang. Tôi ăn mặc đầu thừa đuôi thẹo, tôi mua một cặp kính bảo hộ ở làng bên cạnh. Dần dần, có sự chuyển quân và đại đội C được lệnh chuyển quân đi xa một trăm dặm, về phía Napoleon. Tôi bí mật cột tiền vào dây thắt lưng và ra đi vào một đêm nọ. Khi đại đội C đến Napoleon, tôi cũng đến đó. Vâng, tôi đến đó, với nghề mới là nghề coi bói. Tôi không thiên vị, làm bạn và coi bói cho lính các đại đội đóng ở đó nhưng tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho đại đội C. Tôi cố gắng kết thân với lính của đại đội này. Họ không đòi hỏi tôi điều gì còn tôi thì không gặp nguy hiểm gì. Tôi là cái đích cho các trò cười của họ và điều này làm tôi nổi tiếng. Tôi trở nên được ưa thích.

Tôi sớm phát hiện có một binh nhì thiếu một ngón tay cái. Thật quá ngộ đối với tôi! Khi tôi biết cả đại đội chỉ có mình anh ta mất ngón tay, mối nghi hoặc của tôi biến mất. Tôi chắc là tôi đang lần theo đúng hướng. Anh ta là người Đức, tên là Kruger. Có 9 người Đức trong đại đội. Tôi quan sát xem anh ta thân với ai nhưng hình như anh ta không thân với ai. Đôi lúc tôi dằn lòng muốn quỳ xuống, xin anh ta chỉ cho tôi biết ai là kẻ đã giết vợ con tôi nhưng tôi đã kìm nén được. Tôi dành thời gian để coi bói như thường lệ.

Dụng cụ của tôi đơn giản, gồm sơn đỏ và một mẩu giấy. Tôi sơn đỏ mu tròn của các ngón tay cái, ấn nó xuống tờ giấy, nghiên cứu nó ban đêm và hôm sau nói số phận cho thân chủ. Tôi làm điều vô lý này để làm gì? Chuyện là, khi còn trẻ, tôi gặp một cai tù người Pháp. Ông nói với tôi là, có một điều không bao giờ thay đổi ở một cá nhân, từ khi còn nằm nôi đến khi chết, đó là vân mu tròn của ngón tay cái. Hai người khác nhau không bao giờ có vân mu tròn này giống nhau. Ngày nay, chúng ta chụp hình tội phạm và treo ở các trung tâm dành cho tội phạm để quản lý trong tương lai nhưng vào thời của viên cai tù người Pháp đó, người ta in vân tròn ngón tay cái để quản lý về sau. Ông thường nói là hình chụp không hay vì người ta thay đổi hình thể. “Ngón cái là vật chắc chắn,” Ông nói. “Anh không thể thay đổi nó được.” Và ông chứng minh điều đó bằng cách so sánh vân ngón tay cái của bạn bè và người quen của ông. Ông luôn thành công.

Tôi tiếp tục coi bói. Từng đêm, tôi một mình quan sát các vân ngón tay cái bằng kính lúp. Hãy tưởng tượng, tôi chăm chú quan sát các dấu vân tay của ngón tay cái bên phải của kẻ giết người chưa được biết tới đến mức nào. Đó là vân tay của kẻ đã giết vợ con tôi. Nhiều lần tôi lặp đi, lặp lại câu nói: “Vân ngón tay cái không bao giờ giống nhau!”

Cuối cùng, tôi được tưởng thưởng. Đó là dấu vân ngón tay cái của người thứ 43 của đại đội C - binh nhì Franz Adler. Một giờ trước, tôi chưa biết tên, biết giọng nói, khuôn mặt và hình dáng của kẻ giết người. Nhưng giờ tôi biết tất cả! Tôi tin tôi đúng. Lời khẳng định của viên cai tù Pháp quả không sai. Có một cách để đảm bảo là tôi đúng. Tôi có ấn tượng mạnh với dấu vân ngón tay cái bên trái của Kruger. Buổi sáng hôm đó, tôi kéo anh ta ra khi anh ta rảnh rang và khi không có ai có thể nghe thấy, tôi nói mạnh bạo: “Số mệnh anh đang lâm nguy đến mức tôi chỉ muốn nói cho riêng anh biết. Anh và một người khác đã giết một người phụ nữ và một đứa bé. Tôi đã nghiên cứu vân tay anh tối hôm qua. Anh đang bị theo dõi. Nội trong năm ngày tới, hai anh sẽ bị ám sát.”

Anh ta sợ hãi quỳ xuống và trong năm phút, chỉ nói một lời nói, như một kẻ điên, giọng the thé như trong đêm vợ con tôi bị sát hại: “Tôi không làm điều đó! Tôi đã không làm! Tôi đã cố gắng ngăn cản anh ta. Chúa chứng kiến điều đó. Anh ta làm một mình.”

Đó là tất cả những gì tôi muốn biết. Tôi muốn khử anh ta. Nhưng không, anh ta chộp lấy tôi, van xin đừng bị khử. Anh ta nói: “Tôi có 10 ngàn đôla, là tiền tôi cướp trộm được. Hãy nói cho tôi biết tôi cần làm gì và anh có thể sở hữu số tiền kia. Hai phần ba số tiền đó là của anh họ Adler của tôi nhưng anh có thể lấy tất cả. Tôi giấu chúng khi vừa tới đây. Nhưng hôm qua, tôi đã giấu chúng ở chỗ khác và không nói cho anh ta biết. Tôi sẽ đi ra sa mạc và lấy chúng. Có một phụ nữ, hai ngày trước, đã ra sông để chỉ chỗ cho tôi giấu tiền. Nếu tôi không nhớ chỗ giấu, tôi sẽ trao chiếc đồng hồ cho cô ta và cô ta sẽ chỉ. Có một mẩu giấy có sơ đồ chỉ chỗ giấu tiền. Anh hãy nhận chiếc đồng hồ này và nói tôi cần làm gì.” Anh ta cố giúi chiếc đồng hồ cho tôi, mở tờ sơ đồ ra và giải thích. Cùng lúc đó, Adler xuất hiện, cách khoảng 12 yard. Tôi nói với Kruger: “Hãy giữ lấy chiếc đồng hồ, tôi không cần. Anh sẽ không bị hại. Giờ đi đi. Tôi sẽ nói cho Adler biết số phận anh ta. Giờ tôi sẽ nói cho anh biết cách khỏi bị ám sát. Tôi sẽ phải xem xét lại dấu vân tay của anh. Không nói với Adler và bất kỳ ai về điều này.”

Anh chàng tội nghiệp sợ hãi và biết ơn bỏ đi. Tôi nói rất lâu với Adler, không muốn kết thúc. Tôi hứa là trong phiên gác tối nay của anh ta, tôi sẽ đến và nói điều vô cùng hệ trọng với anh ta, không muốn ai nghe trộm được. Theo kế hoạch, luôn có một người lính canh gác ở ngoài thị trấn, dù không có kẻ thù xung quanh.

Vào lúc nửa đêm, tôi ăn vận như đã nói, một mình đi tới chỗ gác của Adler. Trời tối đến mức tôi va vào anh ta mà không thể nói lời nào. Gã lính canh chào tôi và tôi chào lại. Tôi nói, “Tôi là thầy bói đây.” Sau đó, tôi tiến tới, đâm dao găm vào tim anh ta mà không nói một lời. Tôi cười, “Đây là số phận của nó!” Anh ta té xuống ngựa, tay chộp người tôi, cặp kính bảo hộ nằm trong tay anh ta. Con ngựa bỏ chạy, kéo theo anh ta.

Tôi băng qua rừng bỏ trốn, cặp kính bảo hộ nằm lại trong tay kẻ chết.

Chuyện này xảy ra đã 15, 16 năm. Từ đó, tôi lang thang vô định trên mặt đất, thi thoảng có việc làm, thi thoảng vô tích sự, thi thoảng có tiền, thi thoảng không nhưng tôi luôn luôn mệt mỏi với cuộc đời, mong chết đi, vì đã hoàn thành nhiệm vụ vào đêm đó. Niềm vui duy nhất, sự hài lòng duy nhất trong những năm buồn tẻ ấy, đó là hằng ngày tôi tự biết: Tôi đã giết chết được hắn ta!

Bốn năm trước, sức khỏe tôi kém đi. Tôi lang bạt không mục đích tới Munich. Vì không có tiền nên tôi tìm việc làm và có việc. Tôi làm việc được một năm. Sau đó, tôi được nhận vào làm nghề gác đêm ở một nhà xác. Việc này phù hợp với tâm trạng của tôi. Tôi thích nó. Tôi thích sống với kẻ chết, thích được cô độc cùng họ. Tôi hàng giờ đứng nhìn các thi thể cứng đơ và các gương mặt khổ hạnh của họ. Xác càng để lâu, ấn tượng càng mạnh. Tôi thích các xác để lâu ngày. Thi thoảng, tôi bật đèn lên, để thấy rõ các thi thể hơn và nhờ đó, trí tưởng tượng bay bổng. Các xác chết cứng đơ luôn gợi lên các tưởng tượng kỳ quặc. Hai năm trước (sau khi tôi đã làm việc ở đó được một năm), khi tôi đang ngồi trong phòng trực trong một đêm mùa đông lạnh lẽo, đang chìm vào giấc ngủ mơ màng thì có tiếng gió nhẹ và cánh cửa đóng nhẹ lại. Sau đó, bỗng có tiếng còi rùng rợn vang lên. Tiếng còi làm tôi suýt tê bại. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thế.

Tôi lấy lại bình tĩnh và chạy vô phòng xác. Ở giữa hàng ngoài, một cái xác mặc áo liệm ngồi bật dậy, đầu lắc qua lại. Một cảnh tượng hãi hùng! Đầu nó hướng về phía tôi. Tôi chạy tới và nhìn vào mặt nó. Trời ơi, đó là Adler!

Bạn có thể đoán được ý nghĩ của tôi không? Nói thành lời thì ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “Mày đã thoát khỏi tay ông lần đó. Lần này kết quả sẽ khác!”

Rõ ràng, hắn ta hết sức kinh hãi. Hắn đã thức dậy giữa cõi chết và biết mình đang ở giữa các xác chết! Khuôn mặt trắng bệch của hắn ta bừng lên cảm xúc biết ơn khi thấy có kẻ sống đang đứng trước mình. Hắn ta càng biết ơn khi mắt hắn đỏ dồn vào chai rượu bổ tôi đang cầm. Mặt hắn ta mang vẻ hoảng sợ khi tôi đặt chai rượu xuống và nói mỉa mai: “Nói đi Franz Adler! Hãy gọi người chết dậy. Họ sẽ lắng nghe và thương mày. Nhưng ở đây sẽ không có ai có thể thức dậy!”

Hắn muốn nói nhưng phần trên của tấm vải liệm đã thắt chặt hàm hắn ta, không cho hắn ta nói. Hắn cố dùng tay để gỡ nhưng tay hắn đã bị trói trên ngực. Tôi nói:

“La lên đi Franz Adler, để người trên phố dậy mà giúp mày. La lên đi, vì mày sẽ không còn thời gian để la. Sao, mày không la được à? Nhưng không sao vì sẽ không có ai giúp mày. Khi mày và em họ mày sát hại vợ con tao ở Arkansas, họ kêu la để được giúp đỡ, mày nhớ chứ, nhưng mày không chùn tay. Mày nhớ chứ? Tiếng la đó vô vọng. Mày có miệng, sao giờ mày không la? Nới lỏng dây cột tay đi, rồi la lên. Hà, tao thấy tay mày bị trói. Tay mày giờ không thể giúp gì được mày. Sau nhiều năm, sự việc đó được lặp lại. Đêm đó, tay tao cũng bị trói, mày nhớ chứ? Ừ, tay tao khi đó cũng bị trói chặt như tay mày bây giờ. Tao khi đó không thể tự cởi trói. Mày đã không mở dây trói cho tao thì giờ tao cũng không mở trói cho mày. Này, có tiếng bước chân người đang đi về hướng này. Tiếng bước chân đang đến gần, có thể đếm được. Đó, có người ngay ngoài phòng. Đã đến lúc mày cần la lên. Đây là cơ hội sống cuối cùng của mày. Hà, thế rồi, người ta đã đi qua. Đây là lần cuối cùng mày được nghe tiếng bước chân người. Thật nên nghiêm túc lắng nghe âm thanh quen thuộc đó và nên biết là mày sẽ chẳng bao giờ còn được nghe nó nữa.”

Ồ, các bạn ạ, khuôn mặt anh ta hứng khởi lên. Tôi nghĩ ra một cách tra tấn mới bằng cách nói dối:

“Anh Kruger tội nghiệp đã cố cứu vợ con tao và tao đã trả ơn cho anh ấy. Tao đã thuyết phục anh ấy cướp của mày. Một phụ nữ đã đưa anh ấy ra sa mạc và giúp anh ấy trốn được.”

Khuôn mặt thống khổ của hắn ta ngạc nhiên và hài lòng. Tôi thấy bồn chồn. Tôi nói:

“Sao, anh ấy trốn được không?”

Hắn ta lắc đầu ngao ngán.

“Không à? Sau đó thì sao?”

Khuôn mặt hắn không hài lòng khá rõ. Hắn cố mấp máy môi nhưng không thể. Hắn cố diễn đạt bằng tay bị trói nhưng cũng thất bại. Hắn ngừng lại, sau đó nhẹ nghiêng đầu một cách đầy ý nghĩa về phía xác chết gần nhất.

“Anh ấy chết à?” Tôi hỏi. “Anh ấy trốn thoát không được? Bị bắt và bị bắn?”

Hắn lại lắc đầu ngao ngán. “Thế thì sau đó là sao?”

Một lần nữa, hắn muốn làm gì đó bằng tay. Tôi chăm chú nhìn nhưng không đoán được. Tôi cúi xuống và nhìn chăm chú hơn. Hắn co một ngón tay cái lại và cà vào ngực mình.

“Mày muốn nói là anh ấy bị đâm?”

Hắn gật đầu đồng ý và nở một nụ cười ma quỷ làm đầu óc tôi bừng tỉnh. Tôi thét lên:

“Tao đã đâm anh ấy, vì tưởng anh ấy là mày? Nhầm rồi chăng?”

Hắn ta vui mừng cố diễn đạt sự đồng ý bằng cách gật đầu.

“Ồ, thật thảm thương cho tôi! Tôi đã hại kẻ đáng mến, kẻ là bạn với vợ con tôi khi họ bất lực, đã cố bảo vệ mạng sống của họ. Thật bi thương cho tôi!”

Tôi tưởng tượng là tôi đang nghe được tiếng cười ùng ục mỉa mai. Tôi bỏ tay che mặt xuống và thấy kẻ thù đang nằm bẹp xuống.

Hắn hấp hối khá lâu. Hắn có sức sống tuyệt vời, có thể chất đáng kinh ngạc. Vâng, hắn hấp hối rất lâu. Tôi lấy một cái ghế và một tờ báo, ngồi đọc cạnh hắn. Thi thoảng, tôi hớp một ly rượu mạnh. Điều này là cần thiết, vì trời lạnh. Tôi uống không đều vì tôi thấy, mỗi khi tôi cầm cái chai để rót, hắn ta nghĩ là tôi muốn mời hắn. Tôi đọc to: Có nhiều kẻ tỉnh dậy trong hòm và sống lại nhờ uống một vài muỗng rượu và được tắm nước ấm. Vâng, hắn ta hấp hối quá lâu, tới 3 giờ 6 phút, kể từ khi hắn rung chuông.

Người ta nói là, đã 18 năm, kể từ khi nhà xác này được xây, chưa có kẻ chết nào tỉnh dậy để rung chuông. Vâng, đây là niềm tin vô hại. Cứ nên tin vậy.

Khí lạnh trong phòng xác làm tôi ớn lạnh. Nó làm sống lại căn bệnh đã làm tôi khổ sở nhưng đêm đó, bệnh đó không trở lại. Gã đàn ông này đã giết chết vợ con tôi và ở đây, trong ba ngày nữa, hắn sẽ đưa tôi vào danh sách các nạn nhân của hắn. Không sao, trời ạ, ký ức luôn ngọt ngào! Tôi đã tóm anh ta ra khỏi mộ và sẽ tống anh ta trở lại đó!

Sau đêm đó, tôi nằm liệt giường một tuần. Nhưng ngay khi khỏe lại, tôi đến nhà xác và dò tìm số thứ tự ghi ngày chết của Adler. Một nhà xác chết tiệt! Tôi đinh ninh cho là hắn ta đã giữ tài sản của Kruger, em họ hắn. Tôi muốn lấy chiếc đồng hồ của Kruger, nếu có thể, nhưng trong thời gian tôi bị bệnh, tài sản của Adler đã bị bán, trừ vài lá thư cũ và vài thứ lặt vặt không có giá trị. Tuy vậy, các lá thư cũ lúc này cho biết Kruger còn lại một đứa con trai, là người duy nhất trong dòng họ còn sống. Anh ấy ba mươi tuổi, làm nghề bán giày, sống ở số 14 Konipstrasse, Mannheim, góa vợ, nhiều con. Không giải thích gì với anh nhưng tôi đã trang bị cho anh đến hai phần ba các phương tiện để làm ăn.

Thật kỳ lạ về chiếc đồng hồ. Tôi mất hơn một năm truy tìm nó ở Đức và cuối cùng, sau nhiều phiền phức, tôi mua lại được nó với giá khá đắt. Tôi rất vui. Tôi mở nó ra và không thấy gì trong đó. Sao, tôi phải biết là một mẩu giấy nhỏ sẽ không luôn luôn tồn tại. Tôi thế là đã vứt đi 10 ngàn đôla nhưng tôi không màng, tôi chỉ tiếc là mình không thể trao chiếc đồng hồ cho con trai Kruger.

Đêm qua, tôi biết là tôi sắp chết và tôi chuẩn bị cho điều này. Tôi đốt hết mọi thứ giấy tờ vô tích sự, gồm cả những thứ không đáng quan tâm của Adler. Khi đó, tôi phát hiện có một mẩu giấy mà tôi trông chờ đã lâu! Tôi săm soi nó trong giây lát. Tôi dịch ra ở đây:

Nằm tại một chuồng ngựa bằng gạch, nền đá, ở giữa thị trấn, ở góc đường Orleans và Market, gần tòa án. Tại viên đá thứ ba, hàng thứ tư. Có một tờ giấy cho biết là có bao nhiêu.

Hãy đến và nhận! Kruger đã nói là viên đá đó dễ gỡ lên, nằm ở tường phía bắc của chuồng ngựa, hàng thứ tư từ trên xuống, là viên đá thứ ba tính từ phía tây. Anh nói câu cuối cùng là mù mờ, phòng trường hợp tờ giấy rơi vào tay kẻ lạ. Nó cho biết đó là trò chơi của Adler.

Bây giờ, tôi muốn nói, nếu bạn đi về phía con sông, bạn sẽ phát hiện ra tiền bị giấu và bạn sẽ gởi lại nó cho Adam Kruger, ở địa chỉ mà tôi đã đề cập. Số tiền đó sẽ giúp cho cậu ấy trở nên giàu có và tôi sẽ được ngủ yên dưới mộ. Tôi đã làm được điều tôi mong cho con trai người đã cố cứu vợ con tôi, dù tay tôi đã vô tình hạ gục anh ấy, trong khi con tim tôi muốn che chở và hậu đãi ảnh.

Trần Ngọc Hồ Trường

Lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh, trong Mark Twain, The complete short stories, Bantam Book, 2005

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...