Sáng tác

Gió mặn. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Hà Đình Cẩn
Truyện
09:15 | 02/12/2024
Baovannghe.vn - Không biết bây giờ ni sư Diệu Tính có còn tu tập và trụ trì chùa trên đảo San Hô nữa không, tôi nắc nẩn vậy vì đã đến tháng ba, mùa sóng yên biển lặng, tôi sắp ra thăm lại đảo, sẽ viếng chùa và mong gặp lại người quen cũ. Chúng tôi biết nhau từ thưở ni sư còn tu tập ở chùa Tam Thai trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
aa

Bấy giờ tôi còn là lính, làm nhiệm vụ ở đảo. Ở đảo ba năm, vô số kỷ niệm của người giữ biển, rất quý ông tiểu đoàn trưởng Nghi, và có nhiều kỷ niệm với ông. Ông người gầy, nhỏ, xương xẩu, chân tay lòng thòng như chão, dai sức, lăn lộn với lính không biết mệt và yêu lính của tiểu đoàn như các em trong nhà. Ở đảo gần ba năm, chúng tôi mới biết thâm cung bí sử của tiểu đoàn trưởng, từng là người hùng trận chiến bảy lăm, chỉ huy tiểu đoàn đánh trận Xuân Lộc, cửa ngõ Sài Gòn. Nhớ lại trận đó, kể với lính, ông hay thêm vào vài câu chửi tục, tổ cha, bọn nó điên cuồng chống phá, bao nhiêu lính, bao nhiêu bom đạn vét hết ném ra chơi trận cuối cùng với ta, hòng làm chậm đà tiến của quân Giải phóng vào thành phố. Tuy nhiên trận ấy, ông có mẹo là đưa quân bí mật vòng ra phía sau địch, bắn vào lưng chúng, nên thắng, mở ra một cửa khá rộng để trung đoàn vận động đánh phá tuyến phòng ngự của địch. Tổng kết chiến dịch, ông được tặng Huân chương chiến công, tưởng lên chức, nhưng chỉ được về thăm nhà rồi sau đó chuyển ngành sang Hải quân, rồi ra đảo vẫn là tiểu đoàn trưởng.

Ông là người không may mắn việc đời tư. Đến gần bốn mươi vẫn lính phòng không. May mà, đợt về chỉnh quân ở đất liền mấy tháng, do bạn bè manh mối, cưới được cô vợ trẻ, khá xinh, cô Tính, da trắng, mặt tròn, mắt lá liễu đung đưa, sắc như dao cau, có sạp hàng bán vải và đồ may sẵn ở chợ Rồng, trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ông sống hạnh phúc với vợ được mấy tuần lại ra đảo nhưng như người lột xác, không khó đăm đăm mà vui vẻ, sãn sàng tán chuyện với lính, cười hơ hớ.

Ông ra đảo được chừng sáu tháng thì nhận thư vợ viết những lời khẩn thiết, rằng, chả lẽ vợ chồng mình ở nhờ mãi nhà ông bà ngoại. Em muốn có một căn nhà nhỏ để ở riêng cho tiện những lần anh về phép, và em cũng yên tâm mà làm ăn. Mua nhà thì cần một khoản kha khá, mà lương anh thì không có là bao, mà em buôn bán cũng chỉ com cóp vặt. Cho nên, anh ạ, ở phố người ta đang có phong trào đi xuất khẩu lao động, kiếm khá lắm, nhất là được sang Nhật hoặc làm ở tận Ả rập. Đi những nơi ấy phải chạy chọt thế nào đó mới được đi. Em không giỏi việc này, nên nghe con bạn rủ, đi lao động Philippin cho gần, bảo cũng kiếm được. Em xin phép anh được đi Philipin, cũng chỉ vì việc nhà, vì hạnh phúc lâu dài của chúng mình. Anh đang ở đảo, đằng nào cũng xa nhau, em đi vài năm là về, anh yên tâm ở em.

Nhận được thư, tiểu đoàn trưởng sôi lên sùng sục, viết thư về cho vợ, khuyên không phải đi đâu cả, thân gái dăm trường, vất vả. Nhưng thư anh về thì chị đã đi. Lá thư xếp ở góc ban thờ nhà ngoại.

*

Ở đảo nào anh biết, vợ đi lao động nước ngoài cũng không sướng gì, kiếm cũng không được bao nhiêu, nếu không biết thu vén từng đồng thì hòa. Mới sang chị làm việc nhẹ, giữ con cho một gia đình viên chức của nhà nước. Việc nhàn, ăn trắng mặc trơn, nhưng thu nhập thấp. Rồi chị xin việc làm tạp vụ ở một công ty tư nhân, động chân động tay suốt ngày, nhưng cũng chỉ bán sức lấy những đồng tiền cò kè với Ban quản lý. Thấy kế hoạch đi lao động để có tiền mua nhà có thể không thành, chị lại lang thang tìm việc khác. Việc lần này, đúng ý chị, làm phục vụ cho một ông Giám đốc công ty gia đình đã luống tuổi, rất chăm lo đến người làm thuê. Việc nhàn mà lại có tiền, chị rất vui, việc gì đến tay cũng làm băng băng. Chị được ông giám đốc quý, tin cậy nên trao dần cho những việc thường là người nhà mới mới được phân công, như đi lấy hàng, có khi đi thanh toán tiền với đối tác. Được yêu mến và tin cậy, chị dần được ông giám đốc cho đi theo để đặt hàng, hoặc làm việc với đối tác về phân phối và liên kết kinh doanh. Không bận bịu gì, lại nhanh nhẹn và nhan sắc cũng ưa nhìn, chị tham gia vào công việc của công ty khá thành công, được tăng lương, được yêu quý.

Cho đến ngày, thấy tiền tích cóp cũng kha khá, chị tính việc về quê. Chị đã hứa với anh đi ba năm rồi về, nhất định về, và chị không muốn sai lời với chồng. Nhưng éo le thay, đến lúc chuẩn bị về Việt Nam chị mới biết mình có thai với ông Giám đốc. Cái thai còn nhỏ, có thể nạo bỏ. Nhưng ở Philíppin luật phá thai rất nghiêm, nói chung là bác sĩ và các cơ sở y tế không được làm việc này, nếu trái luật thì đi tù. Chị vác cái bụng ngày càng to dần gõ cửa cả vùng nông thôn nước bạn cũng không ai đám động dao kéo vào chị. Đã thế thì chị về nước, ghé vào đâu đó bỏ thai, nghỉ dăm ba ngày, rồi về, cũng không ai biết đấy vào đâu. Đàn bà mà giấu chuyện chăn gối thì đố thằng đàn ông bết. Cả nửa tháng chị đóng đồ rồi mua vé máy bay về quê khi hai vạt áo trước đã hớt lên.

Chị bay có mấy giờ là tới Sài Gòn, tìm nhà trọ rồi rúc ngay vào cơ sở y tế tư nhân xin bỏ thai. Nhưng cái thai trong bụng chị đã lớn quá rồi, không cơ sở y tế tư nhân nào dám làm, vì không an toàn cho người mẹ trẻ. Chị chạy ngược, chạy xuôi, đút cả tiền cho y sĩ mà người ta vẫn chối vì nạo thai mà gây băng huyết chết người thì cơ sở y tế sập tiệm, không ngóc đầu lên được. Chạy rạc cẳng mà không được việc, trong khi cái thai cứ lớn lên từng ngày không gì cản được, thôi thì một liều ba bảy cũng liều, chị tự an ủi, để đẻ, rồi thú tội với chồng, anh tha thì được, bằng không thì chị nuôi con một mình chứ còn biết làm sao.

Chị về lại sạp hàng bán vải ở chợ Rồng, nhiều cô, nhiều bà tiểu thương không biết, thấy chị mang thai còn chúc mừng, có bà còn cho chị thuốc tẩm bổ dưỡng thai. Đẻ con xong thì chị mới viết thư thú tội với chồng, nghìn lần ngửa tay xin anh tha thứ. Nếu anh không tha thứ, xin anh cho ly hôn để chị ở vậy, nuôi con.

Anh ở đảo, nhận được thư chị như bị cú nốc ao, đứng lên không nổi, phải cúi mặt xuống bàn thở dốc. Có đến nửa tháng suy tính anh viết thư về nhà, lời lẽ ôn hòa, không trách móc, khuyên chị nuôi con khôn lớn, chuyện hai người bao giờ anh về đất liền, tính sau.

Trên đảo, anh ít cười hơ hơ từ đó.

*

Rồi mùa mưa bão đến. Ở đảo San Hô một năm chỉ có hai mùa rõ dệt, do hai ngọn gió Bắc và Nam bàn giao mặt biển cho nhau mà thành. Ngọn gió Bắc đem rét đến, biển nổi sóng ầm ầm, tàu bè ra đảo khó khăn. Gió bắc mạnh, hất ngọn sóng va vào mép đảo, tung nước mặn lên, thành mưa mước mặn. Trong mưa nước mặn, đảo bùng nhùng như mây núi, kéo dài cả mươi ngày. Mưa nước mặn làm ố vàng hết rau cỏ ở bãi tăng gia, dù lính dùng ni lông bịt bọc vườn tăng gia kín như buồng bà đẻ. Khổ nhất cho lính mùa này là lau súng. Bụi nước mặn bán vào cả những kho súng đạn dự phòng cất trong hầm và nhà che kín. Để giữ vũ khí tốt cho sẵn sàng chiến, lính lau súng ngày đến bốn lần, lau không kỹ là thấy ngay vết ố vàng trên sắt. Qua nùa mưa nước mặn là đến mùa gió bão. Đảo giữa biển, bão rất mạnh, có khi còn thổi bay cả ụ cát pha đất làm bệ bắn, chả nói đến nhà cửa. Tất cả mọi công trình trên mặt đảo đều được chằng buộc, giàng như giàng bánh tét, mà có khi bão cũng thổi bay như chiếc lá.

Một đêm, Trạm Khí tượng -Thủy văn trên đảo thông báo cho tiểu đoàn có gió lốc bất thường, phải chuẩn bị chống đỡ. Lốc đảo diễn ra nhanh, thường khi chỉ mươi phút, ào đến rồi ào đi, nhưng hậu quả thì ghê gớm, có trận lốc nhắc gọn cả mấy căn nhà của lính và hai cái chuồng lợn dù chỉ thấp lè tè.

Để chuẩn bị ứng phó cơn lốc, tiểu đoàn thành lập các đội xung kích gồm lính khỏe, sẵn sàng lao vào việc nặng. Tôi biết bơi, lại thạo việc lái xuồng cao su, được phân công đi theo tiểu đoàn trưởng Nghi xuống khu dân cư và khu âu thuyền, để vận động bà con chuẩn bị chống lốc. Việc khẩn phải lo là mấy chiếc thuyền cá, các bố thuyền trưởng rất liều, không chịu vào bãi trú mà cứ neo đậu bên ngoài mép san hô, lấy lý do, ở đó dễ dàng ra ngư trường, không phải đợi thủy triều lên mới ra được khỏi âu. Lốc mà ập đến thì mấy chiếc thuyền cá ngoài âu làm mồi cho cá là cái chắc. Từ lâu Bộ tư lệnh Hải quân có chỉ thị bộ đội đảo nào thì lo giữ an toàn cho dân đảo và đặc biệt là an toàn cho thuyền đánh cá của ngư dân ở khu vực đảo bộ đội quản lý. Mấy chiếc thuyền cá mà lật, là khuyết điểm của bộ đội giữ đảo, không quan tâm đến ngư dân. Vì thế, sau khi đưa tiểu đoàn trưởng xuống khu dân cư phổ biến bà con chuẩn bị chống lốc, tôi lấy thuyền cao su có gắn máy đưa thủ trưởng đi kiểm tra âu thuyền rồi ra thẳng nơi neo đậu máy chiếc thyền đánh cá. Lúc ở âu tàu gió đã mạnh lên thành bão, nhưng xuồng cao su vẫn đi được. Lốc ập đến rất nhanh, chỉ thoáng chốc, xuồng cao su ra khỏi âu, sóng đã lừng lững nổi lên nhấp nhô, cao như nóc nhà. Tôi khéo léo lái chiếc xuồng nhảy lên nhảy xuống như tung hứng để đưa thủ trưởng đến khu thuyền cá vận động họ chuẩn bị chống lốc. Chỉ còn một đoạn nữa là có thể bám vào dây neo của thuyền cá thì biển gầm lên sôi sục, lốc xoáy cuộn nước lên, đổ ập xuống như thác. Tôi tối tăm mặt mũi, hét thật to, thủ trưởng giữ chặt mép xuồng để em cắm sào vào kẽ san hô. Nhưng, lúc bấy giữ nắm chặt mép xuồng cũng không còn an toàn, vì sóng hất lên, rồi úp xuồng chụp xuống nước. Tôi cầm chiếc sào tre dài, bơi lóp ngóp gọi thủ trưởng, bám vào em. Nhưng không thấy thủ trưởng đâu nữa. Tôi gọi vào trong đảo, cấp cứu. Không biết người trên đảo có nghe thấy không mà lâu sau mới có một tổ dăm người lao xuống biển. Lúc đó thì muộn rồi, lốc đã cuốn đi nơi khác, mặt biển yên bình trở lại. Chúng tôi lặn ngụp tìm kiếm đến sáng vẫn không thấy tiểu đoàn trưởng Nghi. Ông trôi đi đâu giữ bốn bề sóng nước? Có cậu lính vừa tìm tiểu đoàn trưởng, vừa khóc, gọi anh ơi, nhưng tiếng gọi chỉ được tiếng sóng đáp lại. Ba ngày sau, vẫn không tìm được xác thủ trưởng, chỉ thấy trên mặt sóng nổi lều phều chiếc khăn anh hay quàng cổ khi ra gió. Tiểu đoàn làm lễ tang, mai táng ngôi mộ gió cho anh ở góc đảo, ở đó cũng đã có hai ngôi mộ gió của hai chiến sĩ bị bão cuốn khi đứng gác trên số đảo vừa nổi vừa chìm ở khu vực Trường Sa.

Mai táng cho tiểu đoàn trưởng xong, tiểu đoàn được sự đồng ý của Tư lệnh Hải quân cho đón một tốp thợ lặn tìm xác thủ trưởng Nghi. Họ lặn suốt một ngày mới tìm ra xác anh bị mắc dưới gầm bờ san hô, không nổi lên được. Tiểu đoàn trưởng đột ngột hi sinh làm cả tiểu đoàn mất cả tháng không ai cười nói. Anh em hì hục tập luyện, đến bữa về nhà ăn cứ như nhà có đám, khi rỗi thì ngồi nhìn trời, nhìn biển

Nghĩa tử là nghĩa tận, cho nên, một chuyến được về Đà Nẵng nhận thuyền cao tốc làm bằng vật liệu nhẹ PPC đem ra đảo để tiện cho việc tuần tra, tôi và anh bạn cùng tổ công tác tìm đến chợ Rồng thăm hỏi an ủi chị Tính, vợ thủ trưởng. Đến nơi chúng tôi mới biết, chị đã bán sạp hàng, gửi con cho bà ngoại, đi tu ở chùa Tam Thai trên bán đảo Sơn Trà. Đã đi thì phải đến nơi, chúng tôi lên chùa để gặp bằng được ni sư Tính.

Đó là ngôi chùa nhỏ, rất đẹp, xây cất từ thời Nguyễn, Phật tử phát nguyện trùng tu nhiều lần, ở một nơi yên tĩnh, xung quanh trồng nhiều na và hoa, như một góc của Đà Lạt. Tôi không biết tục lệ thờ cúng thế nào cho phải phép, nên bảo nhau cứ lòng thành, bày năm quả xoài và hoa ở ban thờ chánh điện, thắp nhang, thành kính lạy Phật. Cầu Phật xong, tôi vào khu nhà thờ Tổ để tìm người thì thấy một vị sư đã cao tuổi, mặc áo tràng màu vàng, gương mặt phúc hậu, nghiêm ngắn. Không biết pháp danh vị sư này là gì, Sa đi, Tì kheo hay Đại đức, tôi cứ gọi là Sư thầy chung chung cho chắc chắn. Tôi cất tiếng, bạch thầy. Chúng tôi vãng cảnh chùa xin được gặp ni sư Tính đang tu tập ở đây.

Nhà sư có vẻ bất ngờ về việc chúng tôi đường đột đến xin gặp ni sư. Ông đứng ngẩn ra một lúc, rồi mới nói, mô Phật.

Tôi nhắc lại, bạch thầy, vì có việc cần thăm hỏi, chúng tôi xin gặp ni sư Tính có được không?

Sư thầy bảo, ni sư đang thọ giới ở chùa, dẹp bớt bản ngã, dẹp bớt tự ái, để sớm đạt được niết bàn vô ngã, việc liên can nhiều với dương thế không thuận. Nhưng hai thí chủ đã có công tìm đến chùa, mời hai thí chủ đến phòng trai, tôi cho người mời sư muội ra gặp.

Nói xong sư thầy lặng lặng quay đi, bước những bước rất nhẹ, không tiếng động.

Chốc lát, có chú tiểu ra mời hai chúng tôi vào phòng trai gặp sư Tính. Phòng trai đồ đạc xơ xài, cũ kỹ, chỉ có bộ tràng kỷ gỗ đen như mun, trên mặt bàn là giỏ tích và khay bày bốn chiếc chén da lươn. Sư Tính đã ngồi đợi chúng tôi ở tràng kỷ. Một người đàn bà bợt bạt, không thần sắc, nhỏ thó trong áo tràng màu gụ rộng thùng thình, mắt lơ ngơ như vừa thức, vừa ngủ.

Tôi xưng chúng tôi và gọi sư Tính là chị như ngoài đời cho thân mật và dễ nói chuyện. Nhưng ni sư Tính thì lơ ngơ qua lại lúc đạo lúc đời. Tôi nói, chúng tôi ở đảo về, đến thăm sức khỏe chị. Phải một lúc sau, dường như chị Tính mới dần thoát khỏi trạng thái mộng mị sau bao ngày đêm tu luyện Phật pháp trong chùa, nhận biết sự có mặt của hai người khách lạ, bằng đôi mắt với cái nhìn dài dại, nói, bần ni tạ ơn sự thăm hỏi của hai thí chủ.

Nghe chị Tính nói, tôi hình dung, trước mắt tôi là người đàn bà của hai mảnh ghép lại, nửa bên này là đời, nửa bên kia là đạo. Hai nửa đan xen nhau, cùng tồn tại, chưa bên nào lấn át bên nào. Tôi thưa với chị, chúng tôi là chiến sĩ của thủ trưởng Nghi, rất yêu quý thủ trưởng. Không may…

Tôi chưa nói hết câu thì chị Tính dường như bất ngờ tỉnh lại, cắt lời, vâng. Vâng. Chẳng hay ông Nghi được mai táng ở đâu? Tôi nói, thủ trưởng Nghi được mai táng ở nghĩa trang trên đảo, nhưng không đám nói đó là ngôi mộ gió vì sợ chị đau lòng.

Chị Tính cứ ngồi lặng đi khi nghe tôi kể và chốc lát lại rơi vào trạng thái mộng mị như lúc ban đầu. Chị nói như nói với mình, như không có chúng tôi ở trước mặt, Phật có kiếp luân hồi, có ân, có oán, nhân quả, tha thứ và an lạc. Tôi gây sân hận cho ông Nghi, tôi phải nhận quả báo tuyệt tự với chồng. Tôi tuyệt tự thì làm gì có con mà nuôi? Tôi phải cho đứa con ngang trái để tuyệt tự, chịu đau khổ để mong được khoan giải. Tha thứ là từ bi. Phật giàu lòng từ bi nên tôi chịu khổ để mong được tha thứ…

Chúng tôi không biết nói thế nào với chị Tính đang trong tình trang lơ mơ thức tỉnh, chỉ đáp, vâng. Lúc sau chị Tính nói như nói với mình, không phải với khách, tôi phát tâm xuất gia. Chỉ biết ngày đêm tu tập sửa lỗi bản thân, cầu nguyện để cứu cánh giác ngộ và giải thoát khỏi sân hận. Cái gì mất đi, thì mãi mất, chỉ hồi sinh về nỗi cay đắng, chứ không hồi sinh an vui, nên tôi lấy chùa để an ủi. Ngày đêm tôi tu tập, cầu nguyện cho hương linh ông Nghi được an lành nơi trời biển... Tôi mong một ngày được viếng mộ ông Nghi.

Trong lúc sư Tính nói, ngoài kia là nắng; luồng sáng qua cửa sắc không lọt vào cửa phòng trai mềm như lụa. Một con bướm vàng nhẹ bay vào phòng, nơi chúng tôi đang ngồi. Chú bướm lượn một vòng trên đầu chúng tôi rồi đậu xuống đầu cánh cửa. Tôi chợt nghĩ, bướm gần với cửa Phật, vì nhẹ nhàng và thanh lặng. Tôi chỉ còn biết nói với chị, vâng.

Sư Tính lại ngồi lặng. Cho đến lúc Sư thầy ngang qua cửa, chị mới lên tiếng, thưa thầy, con ra nhà Tổ bây giờ để nghe thầy hoằng pháp. Nói rồi chị Tính khẽ khàng đứng lên, tay khoanh trước ngực, nhìn chúng tôi, nói, vô lượng. Vô lượng.

Rồi chị bước đi.

Chúng tôi chưa kịp nói lời chia tay thì đã thấy bóng chị đã bước thấp thoáng ngoài khung cửa vào nhà thờ Tổ. Con bướm vàng từ cửa sổ phòng trai bay theo chị. Tôi ra cổng chùa, cảm gác còn nặng nề hơn lúc bước vào. Phải bao nhiêu khổ ải, con người mới hóa thành cái bóng của chính mình? Tôi cứ nghĩ như thế về chị Tính. Qua tam quan, tôi quay lại nhìn sâu vào chùa, lòng cứ đầy ứ lên nỗi thương cảm chị Tính. Người đàn bà khổ quá, chỉ một lần lầm lỡ trong bể khổ tình ái là mất cả cuộc đời để sửa mình mà điều tiếng trong dương gian đâu dễ bị xóa nhòa?

Gió mặn. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Truyện ngắn dự thi Hà Đình Cẩn

Hai năm sau, hết khóa huấn luyện, tiểu đoàn phó mới lên thay tiểu đoàn trưởng Nghi về Hải Phòng dự Đại hội Thi đua toàn Quân chủng rồi được tranh thủ thăm nhà mươi ngày. Chừng hai mươi ngày sau, tiểu đoàn trưởng về đảo. Tôi đứng ở bến cảng nhìn thấy tiểu đoàn trưởng Chiến bước xuống tàu với gương mặt ngời sáng. Tôi thầm nghĩ, chắc là ở Đại hội thi đua tiểu đoàn được khen thưởng. Sau anh là anh chiến sĩ đi cùng khệ nệ ôm cái thùng các tông, chắc là quà cáp. Rất lạ, sau anh chàng ôm thùng quà, có một người đàn bà mặc áo tràng thâm, vai đeo tay nải cũng vải thâm. Tôi sững người nhận ra sư Tính. Một chị Tính khác xa ngày nào gặp ở chùa Tam Thai, Đà Nẵng, thanh thoát hơn, lanh lẹ hơn, đôi mắt tự tin. Bước lên cầu tàu, có lẽ sư Tính nhận ra tôi, nên nghe tôi nói “mô Phật” thay lời chào, sư Tính hơi sững lại, khẽ khàng nói, hữu duyên.

Tiểu đoàn trưởng nói với nhiều người ra đón ngoài bến cảng, Giáo Hội Phật giáo chấp thuận thỉnh cầu, cho sư Tính ra coi quản và tu tập ở chùa trên đảo San Hô. Chúng tôi vỗ tay hoan hô như đón một vị khách quý, nhưng các bà, các cô ở xóm chài thì quỳ cả xuống, hai tay chắp ngực, gương mặt từ bi và xúc động hướng về sư ni, đồng thanh, Nam mô a di đà Phật.

Dừng lại trước đám người mộ đạo, sư ni nhẹ nhàng chắp tay biết ơn, rồi bước về phía chùa, kéo cả một đoàn người xóm chài kính cẩn bước theo. Rất nhanh chóng đàn ông xóm chài đem lên chùa cái hòm công đức để các bà, các cô phát nguyện giúp ni sư yên tâm tu tập trên đảo xa. Tuy nhiên ở đảo cả tuần ni sư vẫn chua phải đụng đến củi lửa vì tiểu đoàn báo cho nhà bếp nấu mỗi bữa một suất cơm chay đưa lên chùa.

Đêm ấy, đi kiểm tra gác, tôi đột nhiên nghe tiếng chuông chùa. Vẫn tiếng chuông chùa ấy, hôm qua chùa chưa có sư ni, chỉ có một ông già xóm chài được giao trông coi, nên tiếng chùa chỉ là tiếng báo giờ. Đêm nay, tiếng chuông thong thả, ngân nga do sư ni dóng lên, tôi nghe lòng dạ xôn xao. Thì ra gạch ngói không làm nên hồn vía của ngôi chùa, nếu trong ngôi chùa ấy thiếu một nhà sư dành cả đời tu tập và cầu nguyện để cứu cánh giác ngộ an lạc và giải thoát bể khổ cho chúng sinh. Một làn gió đêm thổi qua đảo. Tôi nhấm môi, gió lên đảo chưa bao giờ mặn mòi như thế.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022

Văn nghệ, số 45/2022
Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...