TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
Tờ mờ sáng, bà Lung chằng xô chậu lên chiếc xe đạp cũ kĩ, khép hờ cánh cửa rồi đi. Ông Lung vẫn còn ngủ, tận ba rưỡi sáng ông mới về. Ông mệt, thở phì phì, quẳng đám lưới cho bà rồi lên giường. Bà ngồi gỡ cá lớn cá bé đến khi tang tảng sáng thì đi chợ.
Chẳng hay chợ có từ bao giờ, chỉ biết từ thuở lấy ông bà đã bán cá ở cái chợ Xổm này. Gọi là chợ Xổm vì ở đây người ta ngồi xổm để mua bán. Về sau người bán hàng đã đèo thêm cái ghế con để ngồi cho đỡ mỏi nhưng người mua hàng thì vẫn ngồi xổm ngó nghiêng, chọn lựa, ngã giá, vì thế mà cái tên chợ Xổm còn mãi. Giống như người, chợ cũng lẫn lộn miền ngược miền xuôi. Cá khô, bánh đa nem, moi, nước mắm, nước tương… đem từ huyện lên. Măng, nấm, rau dớn, mộc nhĩ, lá đắng, mắc khén, hạt dổi, lá dong, quế … hái từ trong rừng ra. Chợ họp cách ngày. Người Kinh, người Thái. Có những khi người bán nói tiếng Kinh, người mua nói tiếng Thái, thế mà hai bên vẫn hiểu được nhau, chỉ là không nói được. Nghe đâu huyện đã có dự án xây chợ mới với những gian hàng khang trang, chẳng biết người ta còn giữ tên cũ không.
Minh họa: Phạm Hà Hải |
Lác đác vài người bán hàng đến chợ, bà Lung đến vị trí quen thuộc, tháo xô chậu, rổ rá và những thứ lặt vặt. Hàng cá của bà nhỏ hơn những hàng cá khác. Là bởi người ta bán cá ao, cá lồng. Thứ cá được nuôi bằng cám công nghiệp, lớn nhanh như thổi nhưng ăn thì nhão nhoét. Những con cá trắm, trôi, mè, gáy… lượn đi lượn lại trong thuyền nhôm, nước lờ lờ nửa trong nửa đục. Người bán cá chẳng cần rửa ráy gì thịt luôn giữa chợ, người mua sẵn xách về, năm bảy cái tiện thể. Hàng của bà là cá sông, cá hồ do ông đi kiếm mỗi ngày. Có hôm ít hôm nhiều, hôm to hôm bé chứ không đều chằn chặn như những hàng khác. Từ ngày những hàng cá nuôi xuất hiện ở chợ Xổm, việc buôn bán của bà khó khăn hơn.
Những người bán hàng bắt đầu lấp đầy các ô trống, đã nhìn rõ mặt người. Khu chợ chủ yếu là nhà của người dưới xuôi lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi chợ được mở rộng ra, nối dài thêm theo trục đường. Những ngôi nhà chợ phía trước để bán hàng, phía sau để ở. Nối tiếp khu nhà mái bằng của những nhà giàu trong khu chợ là những lều quán lợp bằng lá cọ, xộc xệch nắng mưa. Chợ Xổm nằm ở ngã ba. Một nhánh xuống thị trấn huyện, một nhánh vào bản, nhánh còn lại dẫn xuống con dốc, dưới chân dốc là một dòng sông khi êm ả khi dữ dội. Bên kia sông là cánh đồng, làng mạc. Một chiếc cầu phao nối hai bờ sông, nhịp cầu thân thương nằm ngang sông từ mùa đông cho đến đầu hè. Lũ trẻ con vẫn thường đứng trên cầu phao nhảy ùm xuống nước trong những ngày nóng nực. Bến sông mùa khô đìu hiu vì lạnh se sắt nhưng mùa hè là nơi hội tụ của cư dân sinh sống quanh vùng. Mùa nước cạn có thể lội qua sông được nhưng mùa lũ người ta phải cất cầu đi, nếu không sẽ bị nước cuốn trôi. Hồi trẻ, bà Lung đạp xe qua cầu phao, non tay, rơi cả người lẫn xe xuống sông, chìm nghỉm. Ông Lung đang tắm gần đấy liền đưa bà vào bờ, ông dắt cái xe ngập sâu dưới nước mà như đang đi trên cạn, chỉ khuôn mặt lộ thiên, thoạt nhìn như người bị gông cùm trên cổ. Sau bận ấy, ông bà quen nhau rồi thành vợ chồng. Lấy ông, bà không đạp xe vào bản tìm mua đồ khô của người Thái nữa mà chuyển sang bán cá. Bà Lung ngồi bán cá ở chợ này đã mấy chục năm. Trước kia, hàng cá còn ít, cả chợ chỉ có bà và một người nữa nên hôm nào bà cũng bán hết và rời chợ rất sớm. Có hôm đắt hàng bà thậm chí còn chả kịp ra đến chợ, cứ dong từ nhà đi dọc đường đã hết. Ai cũng biết cá của bà do ông đi lưới, vừa là cá sông, lại giãy đành đành trong xô, ăn lúc nào cũng thơm và chắc thịt. Nhưng mấy năm gần đây, cá dưới xuôi đưa lên rất nhiều. To, mẩy. Thành thử, nhìn thấy đám cá lộn xộn kích cỡ và tạp nham đủ loại của bà người ta bắt đầu so sánh. Cá sông có ngon thật đấy, nhưng nhỏ, nhiều xương, nhà có trẻ nhỏ không ăn được. Dần dà, bà ế. Những hôm ông đi lưới được trên dưới chục cân thì kiểu gì cũng ế già nửa. Cá bán không hết, bà đem về ướp muối, phơi khô, ruồi nhặng bay đầy nhà. Sau nhiều cá khô quá bà không phơi nữa đem nấu cho lợn. Trong nhà lúc nào cũng tanh lợm mùi cá, nhưng hình như ông bà quen rồi, thiếu nó lại thấy nôn nao khó chịu.
*
Ông lão tỉnh dậy đã gần trưa. Cái nghề đánh bắt cá ngủ khi người thức, thức khi người ngủ. Trên khuôn mặt chằng chịt nếp gấp của ông vẫn còn lộ rõ mệt mỏi, thâm xám vì gió và lạnh. Ở cái miền sơn cước này chẳng ai không biết ông. Ông nổi tiếng sát cá. Mẻ lưới nào của ông cũng gấp đôi gấp ba người khác. Thiên hạ vẫn thắc mắc vì sao ông hên vậy. Chỉ ông mới hiểu, chẳng có hên xui gì ở đây cả, ông thạo việc và có những bí quyết nghề nghiệp riêng.
Ông Lung theo nghề chài lưới từ hồi còn trẻ. Ông đã lênh đênh xuôi ngược trên những khúc sông mấy chục năm nay. Tất cả những dòng chảy lớn bé ở khu vực năm Xuân này ông đều thuộc như lòng bàn tay. Chỗ nào nông sâu, nơi đâu ghềnh thác, những vũng, khe, ngòi đều in bóng ông. Cái nghề kiếm ăn dựa vào tự nhiên, ngoài năng lực cá nhân còn phải dựa vào những yếu tố tâm linh nữa. Tất cả những ngón nghề ông có được đều học từ một ông già người Thái. Ông Lung là người Kinh, hồi trẻ làm thợ mộc. Toán thợ mộc làm nhà cho ông già người Thái được nuôi cơm và tính công nhật. Nhà lợp mái tranh, xung quanh thưng những tấm gỗ lim. Bàn tay khéo léo của tốp thợ mộc dưới xuôi đã khiến gian nhà năm gian trở nên bề thế, chắc chắn. Nhìn từ xa, dưới những thân cau, thân dừa cao vút là những mái tranh xen lẫn, lấp ló giữa tán cọ xanh mướt. Những ngôi nhà bám quanh chân đồi, tạo thành làng bản người Thái. Nhà ông già nằm ngay giữa bản, nổi bật với địa thế đẹp, tựa lưng vào quả đồi, nhìn ra cánh đồng trước mặt. Tổ tiên của ông già là Tạo ở vùng này nên để lại cho con cháu vị trí trung tâm của bản.
Mấy tháng trời ăn ở, anh chàng Lung thỉnh thoảng vẫn cùng ông già Thái đi quăng chài, thả lưới, đắp ụ bắt cá. Mỗi lần đi như vậy, Lung đều học được những bí quyết thú vị. Có hôm, quăng mẻ chài đầu tiên, ông già liền quay về, Lung thấy lạ liền hỏi. Ông bảo, người Thái đi kiếm cá có một vài kiêng kị. Ra khỏi nhà gặp ngay người bụng mang dạ chửa và vía dữ thì không kiếm ăn được. Mẻ đầu tiên gặp cá ông mo (tiếng Thái gọi là pả cà) thì về cho khoẻ. Cá ông mo trắng thịt, ăn rất ngon, nhưng đi tiếp chỉ mất công. Nhưng nếu gặp cá chạch làn thì chắc chắn hôm đó sẽ rất được. Đặc biệt, trên đường đi bắt gặp chão chuộc phải bắt bằng được cho vào giỏ, sẽ không lo không bắt được cá. Những điều kì lạ đó ông Lung nghe cứ há hốc mồm.
Đi nhiều lần ông đâm mê. Không hẳn vì Lung thích nghề chài lưới mà bởi ông già người Thái có một cô con gái đang tuổi trăng rằm, một ý nghĩ mơ hồ trong Lung, biết đâu mình sẽ ở lại vùng đất này và như thế thì chài lưới là một nghề khá phù hợp. Nhưng cái ý nghĩ vừa nhen nhóm lên như ngọn lửa liu điu đã bị nước suối tràn qua dập tắt ngóm. Một buổi sáng, cô con gái ông già người Thái biến mất cùng một người khác trong tốp thợ. Không những thế, mấy cô gái khác trong bản, cả người đã có gia đình cũng bỗng nhiên mất tích. Cả bản nháo nhác lên. Hôm sau, trong đám đàn bà con gái trốn đi có người trở về, kể rằng cả bọn hẹn nhau vượt biên, người cầm đầu là Bắc – gã trai thợ mộc, hắn hứa sẽ giúp các chị em lấy chồng Đài Loan, sống cuộc đời sung túc, nhàn nhã, không phải cắm mặt trồng tỉa đến gù lưng, toè chân vì leo núi và bắp chân như bắp chuối nữa. Một số người đi được nửa đường dường như tỉnh mộng, tìm cách trốn về nhưng không có Lìu – con gái ông già. Ông già mất con sinh buồn bực, ngẩn ngơ, ốm đau liên miên. Một hôm đi rừng, ông chẳng may bị cây gỗ đè trúng, chân phải gãy gập như cái ách trâu, từ đó không thể trèo đèo lội suối. Ông gọi Lung lại, hỏi có ở lại đất này không, ông sẽ truyền toàn bộ bí quyết chài lưới cho. Lung gật đầu, bố mẹ ở dưới xuôi đã mất, có một người anh thì cũng đi làm ăn xa tận Đắc Lắk, Lung bện hơi núi rừng, không còn tha thiết về đồng bằng nữa. Vậy là Lung ở lại, sinh cơ lập nghiệp trên những thung lũng cây dại, làm bạn với nước non và những bụi cây rù rì xanh rười rượi nơi bến sông.
*
Bà Lung nhìn chậu cá bần thần. Bà bán được con cá lăng gần một ký, vài con cá trắm và một ít tôm sông. Số còn lại vẫn nằm nguyên trong chậu. Những con cá mương, cá mướn đủ kích cỡ. Rồi cua, ốc, ếch… lộn xộn trong chậu. Trời sang trưa.
- Bà vẫn chưa về ạ?
- Bà ngồi nán lại chút, biết đâu …
- Về thôi bà ơi, muộn rồi, cá ươn hết!
- Hay là cô lấy một ít về ăn.
- Cá hôm nọ bà cho cháu vẫn còn, nhà ít người.
- Ừ.
Chợ đã vãn, chỉ còn những người bán hàng lặng lẽ thu xếp đồ đạc. Bà cũng đứng dậy. Làm gì với đống cá này? Con lợn ở nhà chắc cũng kinh mùi cá rồi. Cá khô thì còn hàng bao tải. Vại cá muối vẫn đầy. Ống cá chua vừa làm. Chả nhẽ lại đem ra sông mà đổ. Nhưng đổ rồi xác cá nổi lềnh bềnh, cũng thấy sao sao. Hay là từ giờ bảo ông thôi không chài lưới gì nữa, có ai mua đâu mà đem thân lặn lội. Bà chép miệng, tặc lưỡi. Cứ đem về đã.
Ông bà Lung có một cô con gái lấy chồng tận dưới miền biển, ít khi ngược về. Năm đôi bận hè và Tết. Căn nhà nhỏ chỉ có hai vợ chồng già. Mọi thứ bắt đầu cũ càng, mục ải, lỗi thời. Bộ tràng kỷ cách đây mấy chục năm, lúc ông còn thạo nghề mộc, ông tự đóng. Căn bếp quanh năm ám khói của bà vẫn chình ình cái tủ gác – măng – dê mà thiên hạ đã cho vào bảo tàng từ lâu. Ông bà sống như vậy, chậm chạp, từ tốn như mái tranh mái cọ, từ xanh mướt ngả sang bàng bạc rồi mục dần vì sương gió, nắng mưa.
Ông Lung đứng nhặt lưới ngoài sân. Tối nay ông lại đi thả lưới. Bây giờ là mùa khô. Cơm tháng ba cá tháng tám. Mùa lũ khó bắt cá vì nước mênh mông nhưng mùa khô, nước cạn, cá dồn lại. Bao nhiêu năm trong nghề, ông biết rằng giờ cá đi kiếm ăn là lúc dễ sa lưới hơn cả. Giống loài nào cũng vậy, tham ăn sẽ mờ mắt, còn biết gì đường mà tránh. Chập tối cho đến trăng lên bằng con sào hoặc từ canh ba đến tờ mờ sáng là lúc thả lưới hợp lí nhất. Ông bấm đốt ngón tay, không phải ngày thụ tử, sát chủ, đại hao hay tiểu hao gì, như thế là yên tâm một phần. Hôm nào đi vào ngày đại cát đại lợi, thêm giờ đẹp nữa thì cá cả bì. Hôm nay ngày Dần, không hẳn là đẹp, vậy thì chọn thêm giờ. “Dần Thân ra Tý”. Đi vào lúc nửa đêm là đẹp nhất. Ông Lung lúc nào cũng cẩn thận. Việc đi chài lưới với ông là một nghệ thuật. Giờ đẹp thì không cần phải thả lâu cá cũng đẫy lưới. Trong bóng đêm, lại ở dưới nước, tránh sao được những mắt lưới giăng khắp mặt sông. Nhưng không phải ai cũng biết xem giờ, ông phải học gần chục năm trời, cả cách xem giờ của người miền ngược lẫn người miền xuôi. Ông già người Thái chỉ dạy ông cách xem của người Thái, ông lại học thêm một vài món của người Kinh, thành thử ngày giờ ông chọn gần như đã gạt hết những ngày xấu, giờ xấu.
Bà Lung vừa xếp gọn gàng đám lưới tép vào bì gai vừa thẽ thọt:
- Hay ông đừng đi nữa. Trời lạnh, ông tuổi cao, có mệnh hệ gì…
- Bà chỉ nói gở. Đến hà bá, thuồng luồng còn sợ tôi nữa là!
- Bây giờ thức ăn đa dạng, người ta cũng ít ăn cá, cá chỉ ăn được một bữa thôi không ăn rền như thịt được.
Ông dừng lại nghĩ ngợi.
- Tôi đi chài lưới không chỉ vì kiếm cá.
Thế thì ông còn kiếm cái gì nữa ? Chỉ có ông Lung mới hiểu. Ông sống nhờ nghề đã gần hết cuộc đời, giờ không đi nữa thì biết làm gì ? Nhưng mà đi cũng để làm gì ? Chỉ ông mới trả lời được. Có lẽ vì thói quen đã ăn vào máu. Và vì nó ông bất chấp cả hiểm nguy, biết đâu một đêm nào đó ông không về nữa, giống như một người bạn của ông năm ngoái, ông đã phải đi lặn tìm xác mất mấy ngày cũng chỉ vì đi một mình giữa đêm hôm khuya khoắt, bị chuột rút, ngã xuống không ai biết.
Ông Lung cho gần chục tấm lưới then một, then một rưỡi, then hai vào bao tải khác, rồi cùng chằng lên chiếc xe đạp cũ kĩ đã tróc hết sơn, lộ ra màu thâm gỉ. Lần này ông cẩn thận hơn, đem theo chiếc khoá dây vì bữa nọ ông bị bọn nghiện lấy mất chiếc xe đạp mới cóng. Cái bọn mất dạy, bao nhiêu năm ông chả mất gì bao giờ, cứ vứt tơ hơ ở một bụi cây. Có những đêm đông rét quá, ông thả xong đám lưới liền quẳng đấy đi về, sáng sớm mới lên cất, mọi thứ vẫn nguyên xi. Thế mà giờ sểnh ra là mất. Chiếc đèn pin có dây đeo trên đầu, ông giắt thêm cái bật lửa, ít gạo nếp và con dao.
Nửa đêm, nhà nhà đang yên ngủ. Ông đi hết con đường nhựa rồi rẽ vào một con đường đất, cây dại loà xoà hai bên, đèn pin soi rõ những hòn mấp mô bên sáng bên tối. Thỉnh thoảng có tiếng chim lợn kêu eng éch, tiếng vù bay của một con chim nào đó giật mình. Đến khúc sông quen thuộc, ông khoá xe vào một gốc cây rồi vác hai bao lưới đi men theo con đường mòn xuống bến sông, ở đó đã có sẵn một cái mảng bằng nứa, loại nứa to, già, ông chọn tận rừng sâu. Những bè mảng thả lưới thường bằng luồng hoặc nứa nhưng luồng khá nặng nên ít người dùng, mảng nứa nhẹ, chỉ cần dùng cây sào chống đẩy là lướt đi rất nhanh trên mặt nước, gặp chỗ ghềnh thác có thể một mình xuống kéo. Chiếc mảng nứa của ông Lung dài bằng ba người lớn nằm nối tiếp nhau, rộng một sải tay, nứa đã khô vàng và ánh lên màu đẹp mắt. Những nuộc lạt chắc chắn cố định các cây nứa sát gần nhau. Ngồi trên mảng, vào lúc bình minh, nghe tiếng cá quẫy và tiếng bìm bịp kêu ở một góc sông, góc rừng nào đó thực sự thi vị. Cái thi vị mà chỉ những người quanh năm lênh đênh sông nước như ông Lung mới cảm nhận được. Những người suốt đời chăn ấm nệm êm có nghĩ đến cũng chỉ thấy rùng mình vì lạnh.
Sương luênh loang kín mặt sông, dưới ánh trăng nhờ nhờ, mặt nước trở nên đen thẫm. Ông Lung chống mảng ra giữa dòng, bắt đầu thả từng chiếc lưới. Mỗi chiếc ông đều đánh dấu vị trí để lát cất cho dễ. Nghề thả lưới, không đơn giản như vẻ ngoài của nó. Những tấm lưới ông mua về bao giờ cũng phải cài thêm chì, vì sông nước miền núi thường dốc, xiết, chì nhẹ quá sẽ hở toàn bộ chân lưới, cá sẽ lọt. Khi thả lưới phải chọn nơi đầu hoặc cuối sải nước. Thường nơi khúc cua của các con sông bao giờ cũng tạo thành những vũng nước lớn, cá sẽ tụ ở đó. Thả lưới phải thả dọc hoặc xéo dòng chảy và thả từ dưới ngược dòng chảy lên, để chì cắm sâu vào kẽ đá sông, nếu thả xuôi dòng chân lưới không kín được.
Thả lưới xong xuôi, ông lên bờ đốt một đống lửa cho ấm. Rồi ông tới đám vầu sát bến sông, chọn một cây bánh tẻ, chặt lấy dóng bằng cánh tay. Ông cho gạo nếp, nước vào trong ống, lấy lá dong bịt đầu ống, bắt đầu lam cơm. Ông thành thục như một người Thái thực sự. Một phần vì ông sống với đồng bào ở đây, cách ăn, cách sống, cách nghĩ cũng chả khác họ bao nhiêu. Ông hiểu cả ngôn ngữ của họ nhưng ít nói, vì giọng lớ ngớ.
Sông nước mênh mang, mênh mang. Ông Lung ngồi trầm ngâm. Xung quanh ông đá lớn đá nhỏ, cũng câm lặng như ông vậy. Ông làm bạn với đá hơn nửa đời người. Đá la liệt bến sông, đá sấp đá ngửa. Hòn đá nào cũng có hai mặt. Mặt nhìn trời bạc phếch, mặt úp đất đen tối. Đá cũng như người. Mình cũng như những hòn đá này, lăn lóc bến sông. Nếu mình chết, mình muốn một ngôi mộ đá. Ông Lung thầm nghĩ rồi lại tự cười mình, già rồi đâm ngẫm ngợi linh tinh. Nhưng quả thật dạo gần đây ông hơi khó ngủ, đầu óc cứ bận bịu một điều gì, như là hối hận, như là luyến tiếc. Mỗi lần kéo mảng qua bến sông năm xưa cô Lìu tắm giặt, bóng người con gái Thái còn lững lờ mặt sông, ông vẫn thường dấy lên câu hỏi, không biết Lìu đang ở đâu, có còn sống hay đã chết. Cả Bắc nữa. Đáng lẽ ra khi thấy ánh mắt hau háu của Bắc nhìn Lìu, từ gáy, xuống eo rồi xuống hông, ông phải đánh động cho ông bố. Nhưng ông lại im lặng. Đêm Bắc cùng cô Lìu trốn đi, ông cũng lờ mờ đoán ra có biến vì thấy hai người thậm thụt với nhau nhưng không biết cụ thể là gì. Lúc biết thì đã muộn.
Bây giờ, nếu Lìu còn sống cũng đã già. Chồng Lìu là một ông lão Đài Loan, hay là Bắc, hay một kẻ xa lạ hoắc hơ nào đó? Mọi chuyện như một cái chớp mắt, như một giấc mộng, mà kẻ tỉnh dậy như ông vẫn còn chưa kịp nguôi quên.
*
Bà đón đám lưới từ tay ông. Ông thay đồ rồi lên giường đắp chăn. Bà lấy một xô nước gỡ những con cá đang còn sống cho vào đấy. Con nào chết hoặc ngoắc ngoải bà cho ra chậu.
Bà Lung lầm lũi xách cái xô xuống dốc, trời vẫn còn tối mờ mờ. Bà đổ xô cá xuống sông. Những con cá chen chúc rồi tản ra bốn phía, mất hút dưới lòng sông đen ngòm.
Ông Lung đứng khuất trên đỉnh dốc, khi thấy bà đổ hết cá, ông lặng lẽ đi về. Bỗng nhiên ông ngột ngạt, khó thở, giống như một con cá mắc lưới, há miệng ngáp ngáp, đôi mắt tròn mở to nhìn trừng trừng.
Ông về lên giường nằm, giấc ngủ chập chờn, ẩn hiện một đàn cá sông dắt díu nhau, bơi qua bơi lại nhưng không có con nào mắc lưới. Kì lạ. Có con đầu đàn, nhìn ông cười, hình như là khuôn mặt con người, đường nét khi tỏ khi mờ, khi rõ ràng là Lìu, lúc lại Bắc, rồi ông già người Thái, rồi bà Lung, rồi chính ông… Lẫn lộn.
Đàn cá cứ bơi, cứ bơi.
Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào
Nguồn Văn nghệ số 8/2023