Tôi muốn bắt đầu bài phát biểu của mình bằng một số câu hỏi: Tính từ 1975 đến nay, sau 50 năm phát triển trong bối cảnh đất nước thống nhất, đổi mới và phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, nền lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, nền văn học Việt Nam nói riêng đã đạt được những thành tựu cơ bản nào? Đâu là những hạn chế, bất cập? Trong thời gian tới, các nhà lý luận, phê bình của ta cần phải làm gì, làm như thế nào để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu mới, lớn lao hơn của thời đại và của chính mình? Tôi nghĩ, đây không chỉ là những băn khoăn của riêng ai mà có lẽ liên quan, đúng hơn là trăn trở, lo lắng, tâm huyết của tất cả chúng ta vì sự phồn vinh nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam dân tộc, dân chủ, hiện đại, nhân văn, tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, phồn vinh.
Trong 50 năm qua, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã “nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật từ văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật đến nhiếp ảnh, múa, kiến trúc... thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước. Chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Văn học, nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia cuộc đấu tranh lên án cái xấu, cái ác, sự biến chất, thoái hoá về nhân cách, đời sống và đạo đức trong một bộ phận xã hội. Tự do trong sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng về nội dung, phong cách sáng tác, phương thức biểu hiện được tôn trọng; dấu ấn cá nhân, cá tính sáng tạo được khẳng định. Lực lượng văn nghệ sĩ và văn nghệ các dân tộc thiểu số có bước phát triển. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc đạt được những kết quả thiết thực. Sự xuất hiện lực lượng sáng tác trẻ với những khả năng sáng tạo và sự đa dạng về phong cách là dấu hiệu mới đáng trân trọng. Công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thoả đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học, nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của văn học Việt Nam, lĩnh vực lý luận, phê bình văn học đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó, đáng chú ý là các phương diện sau đây:
Trước hết, về đội ngũ lý luận, phê bình văn học. Nhìn một cách tổng thể, đội ngũ lý luận, phê bình văn học của ta khá đông đảo, có sự đồng hành của nhiều thế hệ cầm bút trong nước và người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh các nhà lý luận, phê bình lâu năm và tạo dựng được uy tín học thuật như Hà Minh Đức, Phong Lê, Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Hạnh, Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Hoàng Trinh, Phương Lựu… đã có sự đóng góp quý báu của các nhà lý luận, phê bình thế hệ 5X, 6X, 7X và sự mới mẻ của thế hệ sinh trưởng và cầm bút sau 1986. Phần lớn các nhà lý luận, phê bình nước ta là những người gắn bó, tâm huyết với văn học dân tộc, có ý thức đổi mới về nhận thức, quan niệm và cách thức kiến tạo diễn ngôn lý luận, phê bình. Đời sống lý luận, phê bình văn học đương đại cũng ghi nhận đóng góp đáng chú ý của nhiều cây bút nữ và những nhà phê bình văn học đến từ các dân tộc thiểu số. Mỗi thế hệ các nhà lý luận, phê bình đều nỗ lực đem đến cho đời sống lý luận, phê bình văn học những tiếng nói giàu phẩm tính khoa học, vừa in đậm dấu ấn thế hệ vừa thể hiện chủ kiến cá nhân.
Thành tựu nổi bật nhất trong đời sống lý luận, phê bình văn học sau 1975 là đổi mới về nhận thức và tư duy nghiên cứu văn học. Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest.com |
Đến nay có thể khẳng định thành tựu nổi bật nhất trong đời sống lý luận, phê bình văn học sau 1975 là đổi mới về nhận thức và tư duy nghiên cứu văn học. Từ nhãn quan học thuật hiện đại, rộng mở, các nhà lý luận, phê bình đã có những điều chỉnh hợp lý, nhận thức đúng đắn hơn về bản chất, sứ mệnh của văn học và của lý luận, phê bình văn học. Trường, diện nghiên cứu cũng được mở rộng về cả hai phía nội quan và ngoại quan, đặt văn học trong chuyển động văn hoá, văn nghệ. Phần lớn các cây bút đều thống nhất khẳng định lý luận, phê bình văn học Việt Nam lấy quan điểm mác xít và đường lối văn nghệ của Đảng làm nền tảng tư tưởng và định hướng phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử mới, lý luận, phê bình văn học cần mở rộng hệ quy chiếu giá trị, tiếp thu, bổ sung những quan điểm học thuật mới mẻ, có khả năng cập nhật được những chuyển động phong phú, sôi động của thực tiễn văn học, nghệ thuật đương đại. Tinh thần dân chủ, khoa học, nhân văn, nguyên tắc đối thoại trở thành nhân tố đặc biệt quan trong đời sống lý luận, phê bình văn học. Trong điều kiện đất nước thống nhất, đổi mới và hội nhập quốc tế, các nhà văn cũng như các nhà lý luận, phê bình văn học phải biết vượt qua giới hạn của cái nhìn duy ý chí, lối nghĩ giáo điều để thích ứng với sự năng động của thực tiễn văn nghệ đương đại. Nhà lý luận, phê bình văn học không sắm vai chỉ đạo hay áp đặt mà phải là người đồng hành, người cổ vũ đội ngũ sáng tác, có năng lực và bản lĩnh để phát hiện, khích lệ, ủng hộ cái mới, khai mở ý thức mỹ học hiện đại. Những trang viết lý luận, phê bình vừa phải giàu tính khoa học đồng thời phải thế hiện được tinh thần nhân văn, dân chủ, hiện đại và khát vọng của dân tộc trong thời đại mới. Mặt khác, các cây bút lý luận, phê bình văn học cũng cần nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh để đấu tranh đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, phản động, phản nhân văn trong văn nghệ, phê phán những thị hiếu thấp kém, tầm thường, đi ngược lại lợi ích dân tộc và nhân dân. Trong quá trình phát triển, sự xung đột giữa các phạm trù mỹ học, giữa yêu cầu hiện đại, đổi mới và lối nghĩ cũ mòn, bất chấp tính đặc thù trong sáng tạo nghệ thuật, máy móc, giáo điều là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, để thuyết phục được công chúng bạn đọc, người viết lý luận, phê bình phải không ngừng nâng cao trình độ và giữ vững đạo đức nghề nghiệp, dám chấp nhận những thử thách nghề nghiệp. Về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII của Đảng về văn hóa, văn nghệ đã nhấn mạnh: “Khuyến khích mọi tìm tòi, thể nghiệm” và “tôn trọng tự do sáng tạo” của văn nghệ sĩ và các nhà phê bình. Nhận thức mới của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã mở đường cho tiến trình dân chủ trong lĩnh vực được coi là nhạy cảm, tinh tế đặc biệt của văn hoá, khơi thức cảm hứng sáng tạo, tự do tìm tòi, khám phá các giá trị nghệ thuật bằng những công trình mang tính học thuật cao, giàu sức thuyết phục. Trong lịch sử văn học, nghệ thuật dân tộc và nhân loại, nói đến các kết tinh nghệ thuật là nói đến các giá trị chân- thiện- mỹ. Đây cũng chính là ba phạm trù giá trị quan trọng để các nhà lý luận, phê bình có căn cứ nhận diện, đánh giá, lý giải thực tiễn phát triển văn học trong những điều kiện lịch sử khác nhau.
Chính sự đổi mới trong tư duy, nhận thức mà lý luận, phê bình văn học sau 1975 đã mở rộng tiêu chí đánh giá giá trị văn học trên tinh thần nhân văn hiện đại, “gạn đục khơi trong” để làm giàu có hơn cho nền văn hóa, văn nghệ dân tộc. Trong 50 năm qua, nhiều Hội thảo khoa học do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng LLPBVHNT TW, Viện Văn học và nhiều trường Đại học trong cả nước đã được tổ chức. Rất nhiều vấn đề căn cốt của lý luận, phê bình văn học đã được bàn thảo một cách dân chủ, thẳng thắn như mối quan hệ giữa văn học và hiện thực; văn học và chính trị; vị trí, vai trò của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa; truyền thống và hiện đại; bản sắc văn hoá dân tộc trong đổi mới và hội nhập; văn học và kinh tế thị trường; văn học và phát triển công nghiệp văn hóa; văn học và trí tuệ nhân tạo AI… Trong lĩnh vực phê bình, việc mở rộng tiêu chí đánh giá văn học đã giúp các nhà phê bình văn học đánh giá toàn diện, hợp lý hợp tình hơn đối với nhiều hiện tượng từng bị coi là “phức tạp”, “yếu kém” thậm chí “độc hại” về nội dung tư tưởng như Thơ mới, Tự lực văn đoàn, văn học vùng tạm chiếm (1945 - 1954), văn học đô thị miền Nam 1954 - 1975… Một số tác giả từng bị quy chụp “có vấn đề” cũng được “chiêu tuyết” và đánh giá lại một cách thoả đáng hơn như Vũ Trọng Phụng, Hữu Loan, Văn Cao, Quang Dũng, Lê Đạt, Hoàng Cầm,… Một số hiện tượng nghệ thuật đương đại gây nhiều tranh cãi trong tiếp nhận cũng được quan tâm và bàn luận trên tinh thần đối thoại, cởi mở. Dĩ nhiên, việc đánh giá lại các hiện tượng trên đây không đồng nghĩa với “lật ngược”, “giải thiêng” vấn đề mà là quá trình tiếp cận, phân tích một cách khoa học để chỉ ra những đóng góp và cả những hạn chế, bất cập của đối tượng. Có thể nói, tinh thần khoa học và ý thức đối thoại trong lĩnh vực phê bình chính là thành quả của tiến trình dân chủ hoá trong lĩnh vực văn nghệ từ sau 1975, đặc biệt từ Đổi mới đến nay.
Một thành tựu rất đáng ghi nhận là nỗ lực hiện đại hoá trong phương cách tiếp cận đối tượng và vận dụng các phương pháp nghiên cứu văn học mới (chuyên ngành và liên ngành) trên nền tảng tri thức khoa học xã hội và nhân văn hiện đại. Sự đổi mới phương pháp nghiên cứu văn học trong mấy chục năm quan gắn liền với quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế đương đại. Nếu trước 1975, giao lưu văn hoá quốc tế bị thu hẹp bởi sự quy định/ chi phối của ý thức hệ thì sau 1975, giao lưu quốc tế được không ngừng mở rộng (đa phương và đa kênh) kể từ thời điểm chủ trương Việt Nam “muốn làm bạn với tất cả các nước” được nêu lên tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. Cùng với sự xuất hiện của internet và tiến trình toàn cầu hoá, việc thâm nhập, tương tác, thẩm thấu lẫn nhau giữa các loại hình tư tưởng văn hoá đã diễn ra hết sức nhanh chóng, rõ rệt. Chưa bao giờ các trào lưu tư tưởng, văn hoá, các lý thuyết văn học thế giới lại ảnh hưởng đến Việt Nam nhanh chóng như thời kỳ sau 1975. Nhiều trào lưu tư tưởng, văn hoá hiện đại và hậu hiện đại của thế giới, nhiều lý thuyết đã được giới thiệu, vận dụng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, ký hiệu học, mỹ học tiếp nhận, xã hội học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết chấn thương, liên văn bàn, đa hệ thống… Nỗ lực tiếp cận, dịch thuật, giới thiệu, vận dụng thành tựu văn học và lý luận văn học nước ngoài được thể hiện qua nhiều công trình khoa học của Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Trương Đăng Dung, Đỗ Lai Thuý, Nguyễn Văn Dân, Huỳnh Như Phương, Lã Nguyên, Lê Huy Bắc… Đáng chú ý là cùng với việc gia tăng tính học thuật trong các công trình nghiên cứu văn học, các nhà lý luận, phê bình luôn có ý thức mài sắc tính tranh biện, đối thoại. Tuy nhiên vẫn có không ít trường hợp vận dụng lý thuyết thiếu nhuần nhuyễn, gượng ép “gọt chân cho vừa giày”.
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đã đạt được, lý luận phê bình văn học sau 1975 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã chỉ ra như “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...”. Cụ thể hơn là:
- Mặc dù số lượng đội ngũ lý luận, phê bình văn học khá đông đảo nhưng còn hạn chế về năng lực và trình độ, đặc biệt là khả năng cập nhật thành tựu mới của khoa học xã hội và nhân văn hiện đại. Lực lượng viết phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các đại học, viện nghiên cứu ở các đô thị lớn nhưng thưa vắng, thậm chí “trắng địa bàn” ở các địa phương xa trung tâm. Việc giới thiệu các khuynh hướng, các công trình học thuật thế giới còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Nhiều công trình lý luận, phê bình vẫn tiếp cận văn học bằng kinh nghiệm cũ, bình tán, giảng giải theo mô hình truyền thống.
- Tình trạng phê bình cánh hẩu, thù tạc hoặc viết theo đặt hàng của thị trường, PR, biến phê bình thành quảng cáo diễn ra khá phổ biến. Đây là hiện tượng cần được cảnh báo/ ngăn chặn kịp thời vì đây là lối phê bình vô thưởng vô phạt, gây nhiễu loạn trong thẩm định, đánh giá. Trong trường hợp này, vai trò định hướng dư luận của phê bình bị triệt tiêu, đời sống tiếp nhận văn học bị méo mó, biến dạng, các giá trị văn học đích thực bị bỏ rơi, không đến được với người đọc.
- Tinh thần đối thoại chưa được phát huy triệt để trong các sinh hoạt học thuật. Văn hoá tranh luận nhiều lúc bị vi phạm. Hiện tượng quy chụp, “bỏ bóng đá người” vẫn chưa chấm dứt. Không ít cây bút phê bình sớm bỏ nghề vì “tai nạn nghề nghiệp” hoặc bị chụp mũ một cách phi lý.
Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X nêu mục tiêu, quan điểm: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Về công tác lý luận, phê bình, Nghị quyết 23-NQ/TW chỉ rõ: “Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển lý luận văn học, nghệ thuật. Kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật, nâng cao tính khoa học, tính thuyết phục, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh sáng tác, phê bình văn nghệ. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động công bố, giới thiệu, truyền bá các sản phẩm tốt phục vụ đông đảo nhân dân ở mọi miền đất nước. Tổ chức nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc thành quả lý luận văn học, nghệ thuật của ông cha ta và của thế giới, vận dụng sáng tạo, làm phong phú lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi năng lực sáng tạo có cơ hội phát huy phát triển, khích lệ những tìm tòi, tôn trọng những ý kiến khác nhau về lý luận và phê bình văn nghệ vì lợi ích chung và sự phát triển lành mạnh của văn nghệ. Riêng về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cơ bản như sau:
- Một là, tăng cường đổi mới nhận thức về bản chất, đặc trưng của văn học nghệ thuật, vai trò, sứ mệnh của lý luận, phê bình văn học trên nền tảng mĩ học Mác Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp hài hòa việc kế thừa tinh hoa văn học dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại.
- Hai là, chăm lo phát triển, bồi dưỡng đội ngũ, chú trọng phát hiện tài năng, tôn trọng quyền tự do sáng tạo, khuyến khích sự tìm tòi, đổi mới của các nhà lý luận, phê bình. Phải coi việc không ngừng nâng cao chất lượng của đội ngũ lý luận, phê bình là yếu tố cốt tử để có được những công trình khoa học xuất sắc, tầm cỡ.
- Ba là, tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chú trọng “đầu vào” và “đầu ra” trong tiếp nhận và quảng bá văn học. Phải coi đây là cách thức hiệu quả để văn học Việt Nam tiến ra thế giới một cách hiệu quả.
- Bốn là, tăng cường tính dân chủ trong sinh hoạt học thuật, làm lành mạnh văn hóa tranh luận, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các cây bút lý luận, phê bình.
- Năm là, đổi mới thể chế quản lý văn hoá nghệ thuật, nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ quản lý, kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách liên quan đến văn nghệ, có chính sách đầu tư thích đáng đối với những công trình khoa học trọng điểm song song với việc đẩy mạnh xã hội hoá nghệ thuật.
------------
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng,
Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V