1. MỞ ĐẦU
Dòng văn học trẻ là một dòng chảy xuyên suốt trong nguồn mạch chung của văn học Việt Nam hiện đại. Một điều thường thấy ở những nhà văn nhà thơ là đa số họ đều cầm bút từ rất sớm. Ở một số người thì vinh quang đến với họ ngay từ khi còn rất trẻ. Ở một số người khác thì thành công đến với họ muộn hơn, thậm chí có những giá trị văn chương chỉ được thừa nhận khi tác giả của nó đã hóa ra người thiên cổ. Nhưng dù sao đi nữa thì sự kế tục nhau của nhiều thế hệ làm cho nguồn suối văn học trẻ vẫn không ngừng trôi qua nhiều năm tháng. Nhà văn này bước qua những tháng ngày tuổi trẻ thì lại tiếp tục có những cây bút mới xuất hiện, và đó đã trở thành một quy luật như quy luật tất yếu của đời người “tre già măng mọc”.
Trên tinh thần đó bài viết này nhằm phác họa chân dung của một số nhà văn nhà thơ hiện đang sống và hoạt động trên địa bàn tại Thành phố Hồ Chí Minh và những đóng góp của họ cho văn học TPHCM nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Giữa họ có một điểm chung: đó đều là những người bước chân vào con đường sáng tác văn chương khi tuổi đời còn trẻ và họ đều gặt hái được những thành công nhất định. Họ cầm bút ở những thời điểm khác nhau và sự xuất hiện của họ trải đều trong suốt năm mươi năm sau ngày thống nhất đất nước.
2. NHỮNG ÂM VANG CỦA THỜI ĐẠI VỌNG VÀO VĂN HỌC TRẺ TPHCM 50 NĂM QUA
Dấu mốc 1975 đã mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như niềm vui lớn lao nhất: niềm vui hòa bình, thống nhất đất nước. Dấu mốc ấy cũng gắn liền với một chặng đường mới của một thành phố trẻ, trước mang tên Sài Gòn và sau này được mang tên là TPHCM. Đó là sự nhìn nhận trên bình diện cái chung, còn trên bình diện cái riêng, đối với mỗi cá nhân con người, năm 1975 hẳn là một thời khắc không thể nào quên. Cuộc đời của một con người từ thời điểm đó có thể sẽ khác đi, sẽ thay đổi, thích ứng với những bước chuyển mình của lịch sử. Ghi nhận những đổi thay trong năm mươi năm kể từ ngày thống nhất đất nước là công việc của những nhà sử học, những người làm công tác thống kê, những nhà nghiên cứu xã hội v.v… Trên một phương diện khác, cũng là những chứng nhân cho chặng đường năm mươi năm, chúng ta còn có thể kể đến những tác phẩm văn chương của những người cầm bút, viết văn của thành phố này. Dưới ngòi bút của họ, cuộc sống muôn màu muôn vẻ của một thành phố trẻ được tái hiện, và cũng dưới ngòi bút của họ, hiển hiện lên chân dung những - công - dân - thành - phố.
Ở một thành phố đông dân nhất nước, đồng thời cũng là nơi hội tụ của nhiều gương mặt văn hóa, văn học tên tuổi, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội hàng đầu của cả nước, và cũng là nơi mà thị trường văn chương phát triển nhộn nhịp, các nhà văn trẻ đã có đầy đủ những yếu tố khách quan để làm những chỗ dựa vững chắc cho văn nghiệp của mình.
Tác giả và các nhà văn trẻ mới được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2021. Hình ảnh minh họa. Nguồn CAND |
2.1. Trong suốt năm mươi năm, Sài Gòn - TPHCM đã chứng kiến nhiều bước chuyển mình của lịch sử qua từng năm tháng. Đó là những năm tháng đầu tiên sau ngày giải phóng tràn đầy không khí náo nức, mừng vui. Nhiều cuộc đoàn tụ trong nước mắt, nhiều cách xa, trắc trở nay được hàn gắn, kết liền. Đồng thời nhiều vấn đề nan giải cũng được đặt ra cho xã hội mới, vấn đề hòa nhập giữa những con người đã từng sống trong xã hội cũ, nay bước vào cuộc sống mới với không ít băn khoăn trăn trở. Điều này được phản ánh rất sắc nét trong các tiểu thuyết Ngọc trong đá, Trăm sông về biển của nhà văn Nguyễn Đông Thức.
Có nhiều sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử thành phố năm mươi năm, nhưng một trong những sự kiện nổi bật nhất trong những năm đầu sau ngày giải phóng là việc thành lập lực lượng thanh niên xung phong của thành phố. Đây chính là bệ phóng vào đời và vào nghiệp văn của nhiều nhà văn nhà thơ tên tuổi của thành phố sau này như Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh… Những tháng ngày gian khổ hy sinh ấy đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi con người. Và quãng thời gian ấy cũng trở thành nguồn đề tài được khai thác không bao giờ cạn trong thế hệ những nhà văn trẻ đầu tiên của thành phố. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã tự bạch trên báo Tuổi trẻ nhân cuốn sách được tái bản lần thứ 7 vào đầu năm 2010: “Thanh niên xung phong lúc đó là cả một xã hội Sài Gòn đầy biến động thu nhỏ, sau năm 1975. Rất nhiều thiên anh hùng ca, do đó cảm hứng để viết về con người và sự việc luôn đầy ắp. Nhưng có thể do xuất thân nên tôi đã "mặn" về những hoàn cảnh lý lịch phức tạp, là sinh viên học sinh tiểu tư sản bước đầu đi vào cách mạng. Cảm hứng của tôi lấy từ chính những người có hoàn cảnh như vậy” (báo Tuổi trẻ, ngày 4.1.2010, Tự bạch về Ngọc trong đá, Đoàn Thạch Biền thực hiện).
Những năm đất nước còn gian nan, cuộc sống còn khó khăn, thì cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam nổ ra như là một thử thách đối với những con người trẻ tuổi. Đã có nhiều thanh niên xung phong nhập ngũ với ước mong quân đội là trường học tốt nhất để rèn luyện con người trưởng thành. Nhiều tác giả như Lê Minh Quốc, Phạm Sĩ Sáu… đã thành danh từ môi trường quân đội, từ thực tế khắc nghiệt của một cuộc chiến tranh. Họ viết về chiến tranh với một giọng điệu rất riêng, trẻ trung, tếu táo, nhưng không kém phần tình cảm.
Hãy sắp hàng vào cho tao điểm danh, những thằng lính ở miền xa rất trẻ.
Hãy sắp hàng vào để nghe tao kể, chuyện đánh nhau và chuyện… yêu nhau.
A! Có thằng nào còn mang băng trắng trên đầu.
Tiến một bước, nếu thấy còn chỗ trống.
Đừng băn khoăn nếu có thằng hy sinh và thằng… chạy trốn.
Còn lại tụi mình thì vẫn cứ thương nhau
(Điểm danh đồng đội - Phạm Sĩ Sáu)
Họ là những tráng sĩ của thời hiện đại, sống với lý tưởng và cũng dám hy sinh vì lý tưởng.
Không là Kinh Kha ngày xưa qua sông Dịch
Không là thở than của khúc Tống biệt hành
Tráng sĩ chừ qua sông, qua sông
Sóng vỗ mạn phà hề sóng vỗ
Trận tiền chừ là nơi súng nổ
Cung kiếm chừ là khẩu AK
Chung rượu chừ tráng sĩ hề không say
Lòng say con mắt ai
Tráng sĩ lên đường hành trang trên lưng
Nặng gánh giang sơn lòng cứ bâng khuâng
Tráng sĩ chừ hề áo xanh, nón cối
Ống tên không còn, cái bình tông lủng lẳng thắt lưng
(Bài hành tráng sĩ mới - Phạm Sĩ Sáu)
Quãng thời gian mười năm sau ngày giải phóng cũng là quãng đời vất vả của nhiều người cầm bút, tương ứng với những tháng ngày khó khăn của đất nước. Nhưng cũng từ trong gian khó mà con người thể hiện tính cách mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn, sống có trách nhiệm hơn, và không phải chỉ có trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, với bạn bè, đồng đội, mà còn có trách nhiệm với đất nước, với vận mệnh dân tộc. Những nhà văn, nhà thơ trẻ của TPHCM trong giai đoạn này đã làm tròn được nhiệm vụ cầm bút của mình và đã có những sáng tác kịp thời, phản ánh được cuộc sống thực tế sôi động ở vùng đất phía Nam Tổ quốc, vượt ra ngoài tầm mức của một địa phương.
2.2. Năm 1986 được đánh dấu là năm đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới. Lúc này những cuộc chiến tranh đã lùi xa và vấn đề xây dựng đất nước được đặt lên hàng đầu. Vẫn nói đến cái chung, cái lớn lao, cao cả nhưng nền văn học Việt Nam đã bắt đầu nói nhiều đến những vấn đề của cá nhân, của cuộc sống đời thường. Bước đi cùng với nền văn học dân tộc, dòng văn học trẻ TPHCM đã có những chuyển biến thích ứng và kịp thời. Nhiều cây bút sáng tác từ ngay những ngày đầu giải phóng nay đã viết khác đi, đã hướng ngòi bút của mình vào những đề tài mới, chẳng hạn như Nguyễn Đông Thức đã có những tác phẩm như Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn, Trái tim con rắn… Nguyễn Nhật Ánh cũng thôi viết về đề tài thanh niên xung phong, tạm dừng ngòi bút làm thơ để chuyển sang mảng văn học mới là văn học viết cho các bạn nhỏ, dù những truyện anh viết cho tuổi thơ, vẫn được nhiều người lớn say mê tìm đọc. Theo thời gian, những người cầm bút ấy đã bước qua tuổi trẻ, nhưng đã có một thế hệ nối tiếp và viết rất khác với thế hệ đi trước. Những người như Lại Văn Long, Bùi Anh Tấn, Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Hồng Lam… không chỉ làm công việc đơn thuần là viết văn, làm thơ. Họ thực sự đã mang lại một luồng không khí mới không chỉ riêng cho văn học TPHCM, mà còn cho văn đàn cả nước. Sáng tác của họ tiếp tục phản ánh tâm thế của những người trẻ, sống trong một hoàn cảnh xã hội có nhiều điểm khác biệt so với trước. Ở đó con người không hướng nhiều ra bên ngoài xã hội sôi động mà chủ yếu tập trung nhìn lại cái tôi cá nhân của mình trong những mối quan hệ đời thường nhiều phức tạp. Truyện ngắn Khi người ta trẻ của Phan Thị Vàng Anh một thời gây được tiếng vang vì đã chạm đến đúng tâm lý lứa tuổi của một thế hệ mới.
Sang đến những năm đầu thế kỷ XXI là giai đoạn Việt Nam thật sự mở cửa đối với thế giới, gia nhập vào xu hướng toàn cầu hóa, cùng với việc internet trở nên phổ cập, giúp cho các cây bút trẻ có tầm mắt mở rộng hơn, hướng đến những vấn đề của nhân loại, của thế giới chứ không chỉ dừng lại trong phạm vi hiện thực cuộc sống quê hương. Cuộc sống bận rộn, hối hả của một thành phố tưởng như chìm trong cơn lốc kinh tế thị trường, trong làm ăn buôn bán, thì vẫn có những nơi chốn dành cho văn chương nảy mầm. Hơn thế nữa, chính địa phương này đã trở thành một bệ phóng vững chắc cho sự nghiệp của nhiều cây bút trẻ. Nối tiếp truyền thống văn học trẻ TPHCM là hàng loạt những cây bút khác, trẻ trung và tự tin bước lên văn đàn như Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trần Đình Thọ, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Nguyễn Lê My Hoàn, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy…
Ngòi bút của những nhà văn nhà thơ trẻ trung một mặt hướng về cuộc sống sôi động của một thành phố trẻ, mặt khác tiếp tục đi sâu vào việc thể hiện cái tôi cá nhân của mình, nối tiếp cách viết, cách cảm của một thế hệ đi trước như Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải…, nhưng trẻ trung hơn, sôi nổi hơn và cũng đa dạng, phức tạp hơn. Nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới, hình ảnh các ông chủ, các công ty nước ngoài đã xuất hiện thường xuyên, thậm chí trở thành chủ đề chính trong tác phẩm của những tác giả trẻ. Phan Hồn Nhiên có tiểu thuyết Công ty, nhiều truyện ngắn của Vũ Đình Giang viết về những người thiết kế trẻ (designer), viết lời quảng cáo (copywriter)…
Nhiều phương tiện hiện đại của cuộc sống, nay đã trở nên quen thuộc hàng ngày, được đưa vào thơ văn, với nhiều nghĩa ẩn dụ. Cuộc sống dù có thay đổi đến mấy, xã hội dù có biến chuyển bao nhiêu thì tâm tư và tình cảm của con người vẫn vậy, vẫn trĩu nặng những băn khoăn mơ hồ khó lý giải về những mối quan hệ nhân sinh giữa con người với con người.
Ngày điện thoại rung bần bật trong túi quần
Dạo phố trong tiếng ồn
Tiếng ồn va tiếng ồn
Người đi không nhìn mặt nhau
Đêm điện thoại rung bần bật đầu giường
Giật mình thấy những gương mặt không quen biết ban ngày
Hiện ra trong sự im lặng
(Mobile phone - Ly Hoàng Ly)
2.3. Không thể không kể đến sự có mặt của các nhà xuất bản như Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM, Nhà xuất bản Trẻ…, các chi nhánh của Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Công an nhân dân… trên địa bàn thành phố. Nhiều nhà xuất bản đã thể hiện sự ưu ái với nhiều cây bút trẻ, xuất bản nhiều tác phẩm của họ. Thêm vào đó là sự nhộn nhịp của thị trường những người làm sách tư nhân cũng tạo điều kiện cho sự in ấn tác phẩm của nhiều nhà văn trẻ. Cách thức xuất bản cũng có sự thay đổi từ khi các nhà xuất bản chuyển sang cơ chế thị trường. Nhiều cây bút trẻ tự tin đã tự đầu tư xuất bản chính tác phẩm của mình với ước mong được đông đảo công chúng biết đến. Phổ biến là hình thức liên kết xuất bản, đã khiến cho nhiều tác phẩm của những tác giả trẻ có cơ hội ra mắt công chúng. Tất nhiên không phải tác phẩm nào cũng đạt đến một chất lượng cao, đồng đều, nhưng điều đó cũng đánh dấu một sự cởi mở và thoải mái hơn trong lĩnh vực xuất bản. Nhà văn trẻ Dương Thụy trong Hội thảo văn thơ trẻ TPHCM tổ chức ngày 14.10.2007 đã phát biểu: “Mấy năm qua, những gương mặt trẻ của TPHCM rất chịu khó viết, tập truyện ngắn và thơ phát hành nhiều. Chưa nói đến chất lượng, nhưng chỉ nhìn số lượng cũng thấy sự xôm tụ này là đáng mừng. Vì quả thật, trong giai đoạn hiện nay, người trẻ phải rất vất vả để theo nghề viết. Cuộc sống hiện tại có quá nhiều công việc, nhiều thú vui khác lôi kéo nhà văn và cả độc giả ra khỏi trang sách” (Anh Vân, Hội thảo văn thơ trẻ TPHCM: Không có thời gian tranh luận, Evan ngày 15.10.2007, http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2007/10/3B9ADAEA).
Hội Nhà văn TPHCM cũng lưu ý đến việc phát triển lực lượng văn học kế thừa dưới hình thức tổ chức trại sáng tác, tài trợ xuất bản tác phẩm của các nhà văn trẻ, mở rộng cửa kết nạp những nhà văn trẻ có đủ điều kiện. Không những thế, một số nhà văn đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khi tuổi đời còn rất trẻ. Đã thành thông lệ, từ năm 2003, cứ bốn năm một lần, Hội Nhà văn TPHCM lại mở cuộc hội thảo về văn học trẻ nhằm gặp gỡ, quy tụ những nhà văn trẻ của thành phố. Từ những cuộc hội thảo này, đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều trăn trở băn khoăn, cũng như nhiều giải pháp đưa ra nhằm phát triển văn học trẻ. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề đặt ra là ý thức nghề nghiệp của chính những người cầm bút trẻ. Trong những lần tổ chức Đại hội của Hội Nhà văn TPHCM, vấn đề văn học trẻ cũng được đưa ra bàn luận sôi nổi. Tại Đại hội lần thứ sáu của Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Ngô Thị Hạnh đã có nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn về tình hình của văn học trẻ TPHCM trong giai đoạn hiện nay: “Theo cái nhìn tổng quan về số lượng, hiện Thành phố có khoảng 35 nhà văn, nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x (sinh trong thập niên 70, 80 của thế kỷ 20). Những nhà văn này đều đang ở giai đoạn sung sức trong sáng tác với các tác phẩm tạo được dư luận. Có thể nói, lực lượng viết trẻ của TPHCM được coi là mạnh và đông nhất nhì cả nước. Thế nhưng, trong danh sách hội viên Hội Nhà văn Thành phố, hội viên có tuổi đời dưới 40 lại chỉ có 17 người chiếm khoảng 4% trên tổng số 355 người.
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến chính là từ người viết trẻ. Rất nhiều cây bút trẻ quên đi một yếu tố quan trọng: đồng nghiệp có vai trò thúc đẩy sáng tạo cho mình! Đặc tính của công việc sáng tạo là đơn độc, đặc thù của sáng tác văn chương càng đơn độc hơn, nên người trẻ có tâm thế “không cần đến hội đoàn”. Phải đến khi chín chắn nhất định người viết mới nhận ra vấn đề và có ý thức tham gia vào những đoàn thể sáng tác. Bên cạnh đó, những thị phi về việc vào hội để tụ tập mất thời gian, làm “quan” văn nghệ kiếm chác… càng khiến những người viết trẻ vốn chưa thật sự vững tin càng thêm xao động. Ngoài ra, người trẻ còn thiếu thông tin về hội, điều lệ hoạt động của hội nên ít lưu tâm đến việc gia nhập hay không.
Người trẻ sẽ ý thức được vào Hội Nhà văn Thành phố là cần thiết vì hội có những hoạt động giúp họ phát triển nghề nghiệp, có những anh chị đồng nghiệp có thể chia sẻ cùng họ những thuận lợi cũng như khó khăn trong nghề viết. Hội Nhà văn Thành phố đang làm tốt những việc như xuất bản sách in chung của hội viên, tổ chức những đợt sáng tác để chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức họp mặt hội viên định kỳ, hội thảo, tọa đàm chuyên đề văn học… Người viết trẻ sung sức và tìm tòi sáng tạo, tuy nhiên nếu cứ mãi đơn độc họ sẽ khó vượt qua những trở ngại trong đời người sáng tác” (Tường Vy, báo Sài Gòn giải phóng ngày 24.6.2010, Văn học TPHCM - tiềm năng chờ khai phá).
Việc tổ chức Hội nghị những người viết trẻ TPHCM đã đến lần thứ bảy, mới nhất là vào tháng 10.2024 cùng với sự xuất hiện của hàng chục cây bút trẻ ở độ tuổi U20, U30 tại hội nghị là minh chứng rõ nét nhất cho sự ưu ái những cây bút trẻ của thành phố. Cũng tại Hội nghị này, đã có những nét mới rất rõ trong cách viết cũng như quan niệm sáng tác của các tác giả trẻ TPHCM và cho thấy một tương lai văn học trẻ TPHCM không hề thua kém so với các thế hệ trước, cùng với những ưu thế của thời đại mới, thời đại của công nghệ và toàn cầu hóa.
2.4. Đáng ghi nhận nhất là sự ra đời của những giải thưởng văn học, qua đó người đọc có dịp biết đến những cây bút trẻ. Giải thưởng có thể là do một nhà xuất bản tổ chức, cũng có khi là do báo chí đứng ra đảm nhận. Ngay từ những năm sau ngày giải phóng, cuộc thi do Thành Đoàn TPHCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm năm mươi năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo tác giả tham dự (1981). Từ cuộc thi này, nhiều tác giả trẻ đã trưởng thành như Lê Thị Kim, Thanh Nguyên… Người đọc cũng được biết đến nhiều cuộc thi có uy tín như cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi trẻ tổ chức, cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước cũng do Nhà xuất bản Trẻ, Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức, cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng, giải sách quốc gia v.v… Còn dành riêng cho lứa tuổi học sinh viên viên có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống và học tập ở cả trong và ngoài nước là giải thưởng Văn học trẻ Đại học Quốc gia TPHCM đã tổ chức đến lần thứ ba. Mỗi lần tổ chức cuộc thi lại có sự phát hiện nhiều tác giả mới. Và cũng chính từ những cuộc thi này, nhiều tác giả trẻ đã có được bước khởi đầu văn nghiệp hết sức thuận lợi như Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Lê My Hoàn, Nguyễn Ngọc Thuần, Cao Việt Quỳnh…
Trong sự phát triển của dòng văn học trẻ phải ghi nhận công lao đóng góp đặc biệt của báo chí. Nếu như ở miền Bắc báo Tiền phong đã có mục Tác phẩm Tuổi xanh để giới thiệu nhiều gương mặt văn học trẻ phía Bắc, thì ở TPHCM, cuộc thi thơ Bút mới hàng năm của báo Tuổi trẻ cũng đã đưa nhiều tên tuổi thơ trẻ trở nên quen thuộc với người đọc như Nguyễn Danh Lam, Trần Đình Thọ, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Nhiều tác giả trẻ được ưu ái giới thiệu trên báo chí với nhiều lời động viên, nhiều sự giúp đỡ từ phía các nhà văn đi trước cả ở những tờ báo chuyên ngành như các báo Văn nghệ, Văn nghệ trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Văn nghệ TPHCM, tạp chí Văn của Hội Nhà văn TPHCM… và ở những tờ báo không chuyên ngành như Tuổi trẻ, Thanh niên, Phụ nữ TPHCM…
Vào tháng 11 năm 2010, sau nhiều lần trì hoãn, trắc trở, giải thưởng dành cho nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TPHCM cũng đã chính thức được thành lập. Giải thưởng này chỉ trao cho các tác giả từ 30 tuổi trở xuống, có tác phẩm đoạt số phiếu quá bán ở vòng chung khảo nhưng bị loại khỏi thứ hạng cao nhất Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM. Nếu như cùng năm, có tác giả trẻ dưới 30 tuổi đoạt giải cao nhất của Giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM, thì Giải thưởng Nhà văn trẻ sẽ được trao cho tác giả trẻ dưới 30 đạt số phiếu quá bán kế theo ở vòng chung khảo. Đây thật sự là một tín hiệu rất đáng mừng cho đội ngũ những cây bút trẻ của thành phố.
Nhiều tờ báo, tập san chuyên cho tuổi trẻ đã trở thành nơi chốn cho nhiều cây bút trẻ bộc lộ khả năng sáng tác. Có thể kể đến hai tờ báo dành cho tuổi học trò là Mực tím và Hoa học trò, cùng với tập san Áo trắng là những tờ báo thường xuyên đăng sáng tác của những cây bút trẻ. Tuy hiện nay tập san Áo trắng đã ngừng hoạt động nhưng những thành quả mà tập san tạo dựng vẫn là những đóng góp cho văn học TPHCM. Ngoài ra hai tờ báo Khăn quàng đỏ và Nhi đồng cũng là sân văn thơ của nhiều tác giả trẻ viết cho thiếu nhi.
Cùng với sự bùng nổ của internet, sự xuất hiện của những trang web cá nhân, blog cá nhân của các nhà văn, nhà thơ như http://www.lethikim.com, http://www.lethieunhon.com, http://lylan.blogspot.com/…; những trang web về văn thơ trẻ, hoặc dành nhiều đất cho văn thơ trẻ như http://www.thotre.com, http://www.vanhoctre.com, http://www.vanchuongviet.org… đã giúp cho các cây bút trẻ qua nhiều thế hệ có thêm nơi chốn để đăng tải những sáng tác, cũng như những suy nghĩ về chuyện nghề của mình. Tất nhiên có những trang web chỉ tồn tại trong một thời gian, có trang web đến nay vẫn hoạt động tích cực, nhưng những đóng góp là không thể phủ nhận.
Với những điều kiện khách quan tương đối thuận lợi như vậy, sự cố gắng vươn lên của các tác giả trẻ chỉ còn tùy thuộc vào điều kiện chủ quan, tùy thuộc vào nội lực của chính bản thân mình. Nghề văn vốn đầy khắc nghiệt và luôn luôn có sự đào thải. Nếu không thật sự có tài, có sự cố gắng và ý thức tự hoàn thiện bút lực, thì cuộc hành trình để trở thành nhà văn có vị trí, có chỗ đứng xứng đáng trong lòng độc giả sẽ trở thành một cuộc hành trình vô vọng, mãi không đến đích. Trên cuộc hành trình đó, không ít những cây bút trẻ của TPHCM đã thôi không sáng tác hoặc chuyển hướng sang một lĩnh vực mới, và những ký ức văn chương đối với họ vẫn mãi chỉ là của một thời đã qua.
3. ĐỘI NGŨ NHỮNG NGƯỜI CẦM BÚT TRẺ CỦA TPHCM TRONG 50 NĂM QUA
Nếu như tuổi năm mươi là tuổi mà con người thực sự trưởng thành, chín chắn, vững vàng vị trí, công việc và đạt được những thành công viên mãn, thì đối với một thành phố, năm mươi năm vẫn là một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng dù ngắn ngủi thì năm mươi năm ấy cũng đã kịp lần lượt xuất hiện những thế hệ nhà văn nối tiếp nhau cầm bút, giữ cho dòng mạch văn chương chảy mãi.
3.1. Như đã nói ở trên TPHCM không chỉ là một trung tâm kinh tế chính trị lớn của cả nước, mà còn là trung tâm văn hóa xã hội hàng đầu. Đây là mảnh đất lý tưởng để cho nhà văn sống và viết. Có thể họ là người sinh ra tại thành phố này, sống và hoạt động văn học tại đây (Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Đông Thức...). Nhưng cũng có thể họ sinh ra và trưởng thành từ những vùng đất khác nhau từ những vùng đất khác nhau, từ mọi miền đã tụ hội về đây, chọn nơi đây làm bến đậu cho những giấc mơ văn chương đơm hoa kết trái (Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Ngô Thị Kim Cúc, Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Nguyễn Hồng Lam, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên, Tống Phước Bảo...) Lại có những nhà văn tuy không sinh ra tại thành phố này nhưng đã gắn bó với nó từ thuở ấu thơ (Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Triều Hải, Ly Hoàng Ly…). Do vậy, diện mạo chung của văn học trẻ TPHCM khá đa dạng khi mà giọng văn của mỗi tác giả đều mang thêm một chút phong vị quê mình. Có giọng Nam Bộ bình dị, dễ thương như giọng thơ của Thanh Nguyên, Lê Thị Kim, giọng văn của Nguyễn Đông Thức, Lý Lan, Tống Phước Bảo... Có giọng sắc sảo, thông minh xứ Bắc như giọng văn của Phan Thị Vàng Anh, giọng thơ của Ly Hoàng Ly. Lại có giọng ấm áp, giàu tình cảm của miền Trung nắng gió như giọng văn của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, giọng thơ của Lê Minh Quốc…
Như vậy, tính chất đa dạng, nhiều phong cách, nhiều vùng miền là đặc điểm chung lớn nhất của dòng văn học trẻ TPHCM.
3.2. Nếu quan niệm văn học trẻ là một dòng chảy không ngừng với nhiều thế hệ kế tiếp nhau thì nhìn lại chặng đường năm mươi năm, có thể tạm chia ra năm thế hệ nhà văn trẻ.
Thế hệ thứ nhất là những người cầm bút ngay từ những năm đầu giải phóng. Họ thường sinh ra vào thập niên 50, 60 của thế kỷ XX. Đó là những người như Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Thanh Nguyên, Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh, Đoàn Vị Thượng, Bùi Anh Tấn, Lại Văn Long v.v… Họ sáng tác từ khi còn rất trẻ và cho đến nay khi TPHCM bước vào tuổi năm mươi sau ngày thống nhất đất nước thì con đường văn chương của họ cũng đã đạt được độ dài tương ứng. Dĩ nhiên thì bây giờ họ không còn là nhà văn trẻ nữa. Những thành công mà họ đạt được ở quãng đời văn sau này có thể còn vượt xa những thành công ban đầu, nhưng một thời trong văn học TPHCM, họ đã được ghi danh là những nhà văn trẻ. Đó chính là động lực để họ mãi còn phấn đấu.
Thế hệ thứ hai là những người như Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Trọng Nghĩa, Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly… Họ xuất hiện vào những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ XX. Ngay lập tức họ gây được sự chú ý của dư luận không chỉ riêng TPHCM, mà còn mở rộng trên phạm vi cả nước. Họ được chú ý vì họ viết rất khác với thế hệ những nhà văn trẻ trước đó. Nếu như những nhà văn trẻ trước họ viết nhiều về cái chung, về những khung cảnh xã hội rộng lớn, về những con người đầy lý tưởng, nhiệt huyết, thì các nhà văn trẻ thuộc thế hệ Phan Thị Vàng Anh lại hướng ngòi bút của mình vào việc mổ xẻ tâm tư, tình cảm của chính bản thân mình.
Không cách một khoảng thời gian dài như giữa thế hệ các nhà văn trẻ thứ nhất và thứ hai, các nhà văn trẻ thế hệ thứ ba xuất hiện ngay sau đó ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Họ có đặc điểm chung là thường được phát hiện từ các cuộc vận động sáng tác văn học. Tuy nhiên, có một số cây bút thuộc thế hệ này như Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Trần Nhã Thụy, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy… đã thể hiện được những phẩm chất có thể khiến cho họ đi xa hơn nữa.
Từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, một loạt thế hệ trẻ nối tiếp làm rạng danh văn đàn TPHCM với cách viết mang màu sắc phong phú, đa dạng hơn, hội tụ được nhiều gương mặt không chỉ có quê quán tại TPHCM, mà còn từ nhiều vùng miền đến đây lập nghiệp và thành danh. Đó là những tác giả như Võ Thu Hương, Lê Thiếu Nhơn, Tống Phước Bảo, Hồ Huy Sơn, Nguyễn Phong Việt, Phương Huyền, La Mai Thi Gia, Trần Đức Tín (Khét), Võ Chí Nhất, Bùi Tiểu Quyên, Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Phong Việt… Những tác phẩm của họ không chỉ đề cập đến những vấn đề nóng của thời đại mà họ đang sống, mà còn mang đến cho văn chương TPHCM nét mới lạ của phong vị quê nhà, từ lối viết cho đến ngôn ngữ. Sang đến thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, một loạt cây bút Gen Z bước lên văn đàn TPHCM, cất lên tiếng nói riêng biệt của thế hệ mình, như Cao Việt Quỳnh, Trần Trọng Đoàn, Huỳnh Hữu Phước…
3.3. Các nhà văn trẻ dù ở thời nào cũng có những ưu thế so với các nhà văn thuộc các thế hệ trước. Những ưu thế đó chính là ở tuổi trẻ, là sức viết mạnh mẽ (có những nhà văn như Nguyễn Thị Châu Giang, Tống Phước Bảo, Phương Huyền, Nguyễn Phong Việt… đã có hàng chục tác phẩm chỉ trong một thời gian ngắn), là sự tiếp thu nhanh nhạy những trào lưu văn học đương đại trên thế giới. Họ thường có vốn kiến thức nền tảng khá vững vàng với mặt bằng trình độ từ đại học trở lên. Nhưng đó là nhìn trên bình diện chung, còn nhìn ở một số khía cạnh cụ thể thì vẫn có nhiều nhà văn trẻ đã dừng bước lại trong việc tự trang bị thêm kiến thức cho mình và ở không ít tác phẩm đã đưa ra những kiến thức sai lệch và nhiều thiếu sót.
Đáng ngạc nhiên là rất ít nhà văn trẻ đã từng theo học đúng nghề văn. Thường là họ xuất thân từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguyễn Đông Thức từng là sinh viên Luật khoa, sau gắn bó với nghề làm báo, Ngô Thị Kim Cúc từng là sinh viên Đại học Khoa học ở Sài Gòn trước ngày giải phóng, Lý Lan tốt nghiệp khoa Anh văn trường Đại học Sư phạm TPHCM. Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM lại là nơi đào tạo nhiều nhà văn trẻ kiêm họa sĩ như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang… Nhưng cũng có những trường hợp như Lê Minh Quốc, Phan Hoàng, Trương Nam Hương, Nguyễn Hồng Lam, Trần Nhã Thụy… đều xuất thân từ Khoa Ngữ văn của trường Đại học Tổng hợp, nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực viết văn, nhiều nhà văn trẻ còn thành công trong nhiều lĩnh vực khác. Nguyễn Đông Thức, Ngô Thị Kim Cúc, Phan Hoàng, Nguyễn Hồng Lam, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên… làm báo, Nguyễn Phong Việt, Tống Phước Bảo… làm công ty truyền thông, Lý Lan dịch sách, Lê Minh Quốc viết biên khảo, Lê Thị Kim, Nguyễn Thị Châu Giang vẽ tranh, Nguyễn Thu Phương viết kịch bản sân khấu, Ly Hoàng Ly thiên về nghệ thuật sắp đặt và trình diễn… và đôi khi họ sống bằng nghề nghiệp thứ hai đó. Thực tế cho thấy những nhà văn trẻ hiện nay dường như không sống bằng nghề viết văn. Viết văn đối với họ có thể vẫn là đam mê, là niềm hạnh phúc. Nhưng họ chỉ xem đó là một nghề tay trái. Ít ai sống được bằng nghề viết văn. Thay vào đó họ làm việc tại các tòa soạn báo, làm biên tập viên ở các nhà xuất bản, và thậm chí làm những công việc tưởng chừng như rất xa lạ với nghề viết văn. Còn hiện nay, nhiều cây bút trẻ vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng là điều hết sức quen thuộc của văn đàn TPHCM.
4. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA DÒNG VĂN HỌC TRẺ TPHCM 50 NĂM QUA
Viết về một dòng văn học đương đại, khi chưa có độ lùi xa cần thiết của thời gian bao giờ cũng là một việc rất khó khăn. Nhiều tác phẩm còn quá mới mẻ, nhiều tác giả còn đang tiếp tục chặng đường sáng tác, thậm chí có những tác giả còn đang chập chững ở những bước chân đầu tiên. Do vậy, mọi nhìn nhận, đánh giá, suy xét đều mới chỉ là ở bước đầu và còn cần thêm nhiều thời gian để thẩm định lại. Theo thời gian, tất cả mọi thứ có thể thay đổi và biến chuyển với nhịp sống văn học hàng ngày.
4.1. Trên phương diện thể loại, dòng văn học trẻ TPHCM đã có sự tương đối cân bằng trong cả ba lĩnh vực sáng tác: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết. Giai đoạn nào cũng có sự xuất hiện song hành đồng đều giữa những người làm thơ và những người viết văn xuôi. Nhưng đáng lưu ý là bẵng đi trong một thời gian dài, ít có nhà văn trẻ nào viết tiểu thuyết. Thật ra thì điều này cũng không bất hợp lý vì viết tiểu thuyết đòi hỏi một số yêu cầu về vốn sống, tầm bao quát vấn đề mà ở nhà văn trẻ thì chưa thể đạt đến tầm mức đó. Ngay đến những nhà văn thuộc thế hệ những nhà văn trẻ đầu tiên của thành phố như Lý Lan, Nguyễn Nhật Ánh… khi đã bước qua phần đời tuổi trẻ thì họ mới bắt tay vào công việc viết tiểu thuyết.
Có một số cuốn tiểu thuyết đã làm cho tên tuổi tác giả nổi tiếng hơn. Đó là trường hợp của Nguyễn Đông Thức với tác phẩm Ngọc trong đá viết về cuộc sống của những thanh niên xung phong sau ngày giải phóng, Phan Hồn Nhiên với Công ty viết về những người thiết kế trẻ…
Có những nhà văn thời tuổi trẻ khởi đầu với thơ nhưng lại ghi dấu ấn ở văn xuôi như Nguyễn Nhật Ánh. Tập thơ Thành phố tháng tư xuất bản năm 1984, in chung với Lê Thị Kim, sau đó là tập Đầu xuân ra sông giặt áo, xuất bản năm 1986, đã định danh Nguyễn Nhật Ánh là một nhà thơ có tài, với những câu thơ mộc mạc, thiết tha về một thành phố trẻ với những con người trẻ.
Em ơi, lắng tai
Nghe thành phố thở
Bằng tiếng sóng vỗ
Dưới những thân tàu
Bằng hương rừng già
Trên vai bộ đội
Bằng hương đồng nội.
Thanh niên xung phong
Bằng mùi dầu xăng
Bằng bao tiếng động
Âm thanh cuộc sống
(Thành phố tình yêu và nỗi nhớ - Nguyễn Nhật Ánh)
Nhưng khi bước vào tuổi trung niên, Nguyễn Nhật Ánh lại nổi tiếng hơn với những tập truyện vừa, truyện dài viết cho tuổi học trò như Bàn có năm chỗ ngồi, Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hoa hồng xứ khác… Tiếp bước anh trong dòng văn học viết cho thiếu nhi, lại có thêm nhiều tác giả trẻ.
Cũng có người chỉ trung thành với thơ như Thanh Nguyên, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương… hay chỉ chuyên chú với văn xuôi như Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Đông Thức, Bùi Anh Tấn, Lại Văn Long... Cũng có người ghi dấu ấn cả trong hai lĩnh vực thơ và văn xuôi như Phạm Thị Ngọc Liên, Phan Hoàng…, có người chỉ tập trung vào tản văn và truyện ngắn như Trần Nhã Thụy, Tống Phước Bảo…
Xuất hiện từ khá sớm qua nhiều bài thơ đăng báo, nhưng đến năm 1986 Thanh Nguyên mới có tập thơ đầu tiên Có khi nào nhớ và ở những tác phẩm tiếp theo, chị vẫn gắn bó với thể loại thơ. Giọng thơ của Thanh Nguyên qua nhiều năm tháng vẫn không thay đổi, vẫn hồn hậu thiết tha.
Em ngồi giặt áo giữa trưa
Đâu rồi môi hát vu vơ một mình?
Em ngồi giặt áo lặng thinh
Vò cho sạch những vết tình còn vương
Giũ cho rơi bớt giọt buồn
Phơi cho khô hết nhớ thương xa vời...
(Lỗi hẹn cùng ca dao - Thanh Nguyên)
Viết không nhiều, nhưng viết kỹ và chọn lọc, đó là nét riêng của đời văn Ngô Thị Kim Cúc. Có chất suy tư sâu thẳm, có cái nhìn sâu sắc về thế sự nhân sinh, Ngô Thị Kim Cúc làm người ta nghĩ đến một đời văn bền bỉ, không cần viết nhiều mà vẫn gây được ấn tượng. Ngược lại với Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Đông Thức là cây bút viết nhiều, viết khỏe với những sáng tác được xuất bản đều đặn hàng năm, từ năm 1986 cho đến nay. Phạm Thị Ngọc Liên được chú ý từ tập thơ Những vầng trăng chỉ mọc một mình, xuất bản năm 1989. Giọng thơ của chị dữ dội, gợi cảm và đầy cá tính.
Không thể nào tin trước kia ta rất khác
Rất hồn nhiên và rất đắm say
Mỗi giây phút gần nhau - thế giới chẳng còn ai
Và hạnh phúc rên lên cuống quít
Sự đổ vỡ bất ngờ
Tình yêu bỗng chết
Cơn đau ác tính kéo qua đời
Bỗng dưng mình còn lại một mình thôi…
Cám ơn anh đã không còn là của em
Cái mất mát của địa cầu khi gấu nuốt vầng trăng chắc cũng chỉ u ám thế
(Những vầng trăng chỉ mọc một mình - Phạm Thị Ngọc Liên)
Về sau này, Phạm Thị Ngọc Liên hướng ngòi bút của mình sang lĩnh vực văn xuôi. Giọng văn của chị vẫn không khác giọng thơ quen thuộc ngày trước, vẫn dữ dội, góc cạnh và gợi cảm. Có thể nói, đó là phong cách sáng tác được định hình từ khi còn trẻ của bản thân nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên.
Sự cân bằng giữa các thể loại văn học là điều đáng mừng vì đây là điều kiện cần thiết cho một nền văn học phát triển đồng đều, không quá thiên lệch.
4.2. Luôn song hành cùng cuộc sống thực tại là đặc điểm nổi bật nhất trong nội dung của nhiều tác phẩm văn học trẻ. Cách thể hiện ở mỗi thời có thể khác nhau, nhưng luôn gắn ngòi bút với thực tại, không xa rời thực tại là điều mà nhiều nhà văn trẻ tâm niệm. Có thể tìm thấy trong văn của Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh… những ký ức của một thời thanh niên xung phong không quên.
ra sông giặt áo đầu xuân
thấy lòng tự dưng xúc động
dòm sông thấy nước vẫn đầy
ngó áo biết tình còn nặng
mồ hôi cứ như muối trắng
làm sao áo chẳng mặn nồng
sớm gió chiều mưa trưa nắng
bốn mùa thấm cả vào trong
ra sông giặt áo đầu xuân
ề à ba câu vọng cổ
đất nước còn nhiều gian khổ
mai ta lại mặc áo này
(Đầu xuân ra sông giặt áo - Nguyễn Nhật Ánh)
Em là người thanh niên xung phong
Không có súng, chỉ có đôi vai cáng thương tải đạn
Giữa tầm đạn thù, tấm lòng dũng cảm
Em vượt đường dài tiếp thêm lửa chiến công
Tôi thấy rồi em ơi, giữa cuộc hành quân
Niềm kiêu hãnh trong mắt em kỳ lạ
Trên chiếc áo bạc màu đôi miếng vá
Cô gái Việt Nam đẹp đến lạ thường
(Những bông hoa trên tuyến lửa - Đỗ Trung Quân)
Và mãi mãi trong thơ của Phạm Sĩ Sáu, Lê Minh Quốc… là hình ảnh của những người lính thuộc “thế hệ thứ tư” (chữ dùng của Tần Hoài Dạ Vũ).
Chúng tôi lính ra đi từ Thành phố Hồ Chí Minh
đến chiến trường miền đông mới thật ít bộ đội
có đưa đã có vợ con
có thằng vừa qua tuổi Đội
có thằng ngày xưa quen thói ăn chơi, sống vội
đứa cán bộ phong trào...
đều chung niềm tự hào
Là lính thành phố
và chung gian khổ
ở rừng
(Đến với biên giới miền Đông - Phạm Sỹ Sáu)
Khi Phan Triều Hải bước vào làng văn, nhiều nhà văn thuộc thế hệ trước đã cho rằng truyện ngắn của Phan Triều Hải phản ánh đầy đủ cuộc sống của người thanh niên hiện đại với những chuyện như đi học thêm, đi làm thêm, đi làm công ty nước ngoài v.v… tức là những chuyện rất phổ biến trong thời đại ngày nay. Nhà văn trẻ Tiến Đạt nổi tiếng với truyện ngắn Tôi vào đời dường như đã lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời mình. Nhiều truyện ngắn của Vũ Đình Giang, vốn là một họa sĩ học Đại học Mỹ thuật, miêu tả cuộc sống của những người trẻ vẽ tranh, làm công việc thiết kế.
Gắn bó với cuộc sống thực tại là yêu cầu mà bất cứ một nền văn học nào, một khuynh hướng văn học nào không ít thì nhiều cũng phải đặt ra. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những xu hướng có phần cực đoan hơn khi có nhiều nhà văn thường chỉ chuyên chú hướng ngòi bút vào mổ xẻ tâm tư tình cảm của cá nhân mình và quan niệm đấy cũng là phản ánh cuộc sống thực tại. Gần đây có nhiều nhà văn trẻ TPHCM viết khá giống nhau, nhàn nhạt như nhau, không có cá tính chính vì họ có xuất phát điểm giống nhau, cuộc đời khá giống nhau mà hướng tầm bút ra những vấn đề sâu rộng hơn thì họ chưa thể làm được vì chưa đủ trình độ và vốn sống. Kết quả là có những truyện ngắn giống nhau, bài thơ giống nhau dựa trên cùng một ý tứ, một ý tưởng sáng tạo. Có những nhân vật ở những tác phẩm khác nhau, nhưng lại giống nhau na ná về phong cách, cá tính. Họ có thể là cô sinh viên mỹ thuật giàu óc sáng tạo; có thể là anh chàng họa sĩ bụi bặm, phong trần; có thể là ông chủ trẻ kinh doanh táo bạo; là chàng lãng tử lang thang qua nhiều miền đất…
Thời đại đã thay đổi, cách xây dựng nhân vật và chủ đề của tác phẩm cũng thay đổi cho phù hợp với thời đại. Mấy năm trở lại đây, nhiều tác phẩm xoáy sâu vào các chủ đề đồng tính, chuyển đổi giới tính, cộng đồng LGBTQIA2S+ (viết tắt của các thuật ngữ lesbian, gay, bisexual, transgender and trans, queer and questioning, intersex, asexual or agender, và two-spirit, để chỉ các khuynh hướng tính dục và tâm lý của con người) cũng được nhiều tác giả trẻ TPHCM chú ý tập trung, trong khi người mở đường viết về chủ đề này là nhà văn Bùi Anh Tấn vẫn còn đang sung sức viết.
Dù ở giai đoạn nào thì tác phẩm của các nhà văn trẻ vẫn phản ánh rõ nét tâm thế của nhà văn trong thời đại mình đang sống. Nếu ở các nhà văn trẻ lớp trước thường có khuynh hướng thể hiện cá nhân mình trước một cuộc sống mới, một xã hội mới đổi thay hoàn toàn so với xã hội cũ (Nguyễn Đông Thức, Ngô Thị Kim Cúc, Lý Lan…), thì các nhà văn trẻ thuộc các thế hệ sau có xu hướng phản ánh những cảm nhận của mình đối với cuộc sống xung quanh. Họ xoáy sâu ngòi bút của mình vào những mâu thuẫn giữa hai thế hệ trẻ già, vào nỗi cô đơn trong một cuộc sống ồn ào, náo nhiệt với những giá trị vật chất đổi thay chóng mặt hàng ngày và vẻ đẹp tinh thần trở thành một món hàng xa xỉ không dễ gì mua được (Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Nguyễn Ngọc Thuần, Tống Phước Bảo, Lâm Phương Lam…). Nhưng phải nói rằng cái nhìn của các nhà văn trẻ bao giờ cũng trong sáng, nhẹ nhàng, không thái quá và cũng không bất cập trước bất cứ một vấn đề gì của cuộc sống. Ngòi bút của họ suy cho cùng chỉ hướng đến những điều tốt đẹp nhất và luôn cổ vũ cho tình thương, lòng nhân ái, cái thiện tâm.
Cái tôi của các nhà văn trẻ thế hệ trước thường hòa tan trong cái chung lớn lao của đất nước, của dân tộc. Còn các nhà văn trẻ thuộc thế hệ sau thì có khuynh hướng tô đậm cái tôi cá nhân nhiều hơn, độc đáo hơn, mạnh mẽ hơn, cá tính hơn và do vậy cũng có đôi khi cực đoan hơn. Đó cũng lẽ thường tình và phù hợp với những biến chuyển của đời sống xã hội đất nước trong suốt năm mươi năm qua.
4.3. Văn học dành cho lứa tuổi nhỏ luôn là một thế mạnh của nhiều tác giả TPHCM. Ngoài tác giả Nguyễn Nhật Ánh luôn là tên tuổi hàng đầu của cả nước từ nhiều năm qua, thì nhiều cây bút trẻ của TPHCM đã có những tác phẩm viết cho tuổi nhỏ rất thành công. Những tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thuần, Văn Thành Lê, Gia Bảo, Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương, Phương Huyền, Bùi Tiểu Quyên… đều đã quen thuộc với độc giả cả nước cùng với nhiều tác phẩm có giải thưởng văn chương. Có thể nói, TPHCM là mảnh đất lành cho những cây bút thiếu nhi.
Bên cạnh đó, văn chương trẻ của TPHCM cũng luôn thể hiện tính chất đa dạng phong phú, đáp ứng được mọi nhu cầu của độc giả thuộc mọi tầng lớp với nhiều gu thưởng ngoạn khác nhau. Có Trường An là cây bút nữ thế hệ 8X thành công rất sớm với mảng tiểu thuyết lịch sử bán rất chạy, với độ dài mỗi tác phẩm cả ngàn trang như Hồ Dương (hai tập), Vũ tịch, Thiên hạ chi vương, Ngoài bờ đông là mặt trời, Thiên nhạc…, Có tác giả trẻ chuyên viết trinh thám như nhà văn công an Võ Chí Nhất với tác phẩm Muội tro được tặng thưởng của Hội Nhà văn TPHCM 2022. Có những tác giả chuyên viết “ngôn tình” và có lượng sách xếp vào hàng best seller như Anh Khang với những tác phẩm như Ngày trôi về phía cũ, Buồn làm sao buông, Người thương mấy cũng là người dưng, Trời còn xanh, em vẫn còn anh, Người xưa đã quên ngày xưa, Những năm tháng đó có tôi yêu người, Thả thính chân kinh… Nguyễn Ngọc Thạch với những tác phẩm như Biên niên cô đơn, Chênh vênh 25, Đô thị linh dị, Khóc giữa Sài Gòn, Lưng chừng cô đơn, Tuổi trẻ hoang dại, Thất tình không sao… Iris Cao và Hamlet Trương với những tác phẩm như Ai rồi cũng khác, Thương nhau để đó… Và có cả những cây bút rất trẻ thuộc thế hệ Gen Z như Cao Việt Quỳnh chuyên viết dòng tiểu thuyết fantasy (kỳ ảo) kết hợp với Sci-fi (khoa học viễn tưởng) với hai bộ tiểu thuyết đình đám là Người sao Chổi và Lục địa Rồng, lập kỷ lục là tiểu thuyết gia nhỏ tuổi nhất Việt Nam.
4.4. Dù có những thành tựu lớn về phương diện nội dung, nhưng trên phương diện nghệ thuật, các nhà văn, nhà thơ trẻ không có nhiều cách tân hay sáng tạo nổi bật. Họ thường viết theo một số khuôn mẫu có sẵn, tuy khá chuẩn mực và trường quy, nhưng vẫn khiến người đọc ao ước muốn thấy một sự thay đổi triệt để hơn, một sự tìm tòi mới lạ hơn. So sánh các nhà văn trẻ thuộc các thế hệ khác nhau, người đọc thấy rõ rằng bút pháp của họ qua các thời kỳ không thay đổi gì mấy. Thế hệ sau có kỹ thuật viết khá giống thế hệ trước, còn thế hệ trước sau mấy chục năm cầm bút thì cách viết cũng chưa có những nét khai phá đặc biệt. Vẫn là lối kể chuyện truyền thống, chủ yếu nhìn từ góc độ người kể chuyện, hoặc mang tính chất tự truyện kết hợp với kiểu nhân vật xưng tôi. Lĩnh vực văn xuôi là vậy, còn trong thơ ca thì có sự chuyển động nhiều hơn, cách tân nhiều hơn, song vẫn chưa thật sự gây được ấn tượng.
Gần đây cũng có một số cây bút trẻ có xu hướng muốn lạ hóa thơ của mình, nhưng lại có phần quá đà nên không được đông đảo người đọc đón nhận. Một số sự tìm tòi đáng quý trong thơ thì tiếc thay lại còn rất ít ỏi. Độc giả nói chung vẫn quen thuộc với lối viết truyền thống và có xu hướng hoài nghi hay lắc đầu trước những cách tân. Vì thế, một nhà thơ có lối viết “chân quê” như Trần Đình Thọ vẫn nhận được sự tán thưởng của độc giả.
Bây giờ trẻ con không còn hát đồng dao nữa
Cũng quên luôn tiếng sáo thả lưng đồi
Tôi trở về con chuồn kim bậu cửa
Cánh chạm vào ký ức tuổi thơ tôi
(Ký ức tuổi thơ - Trần Đình Thọ)
Hay:
Bởi em má thắm môi hồng,
bởi em dáng núi eo sông đó mà,
nên tôi đâu ngại đường xa,
lặn lội vườn cà hái nụ tầm xuân.
Bởi em ưa hát trống quân,
tôi tìm điệu lý mùa xuân ghẹo người,
mây trắng thì ở trên trời,
tôi muốn em ở giữa đời với tôi
(Bởi em - Trần Đình Thọ)
Một số sáng tạo, cách tân táo bạo có thể không thật quen với thị hiếu của số đông.
Chữ điên
Hồn nghiêng
Máu trồi
hạt nổ
Chữ phản
Loạn
loạn
đến nơi!
Đời
tứ chiếng
(Máu trồi hạt nổ - Nguyễn Hữu Hồng Minh)
Biết rằng tìm được một sự thay đổi trong nghệ thuật là một việc rất khó khăn, nhưng với một lực lượng các nhà văn, nhà thơ trẻ hùng hậu như hiện nay của TPHCM, người đọc vẫn có quyền hy vọng và chờ đợi.
4.5. Sự đóng góp của dòng văn học mạng làm nên tên tuổi của nhiều cây bút trẻ TPHCM là không thể phủ nhận. Internet được chính thức sử dụng ở Việt Nam từ ngày 19/11/1997 và từ đó đến nay, tỉ lệ dân số sử dụng Internet của Việt Nam tăng lên hàng năm. Mạng internet trở thành một công cụ để cho các nhà văn thể hiện những sáng tác của mình trước khi xuất bản thành sách giấy. Nhiều tên tuổi trẻ của văn chương TPHCM đã gây dựng tên tuổi từ trên mạng như Anh Khang, Iris Cao và Hamlet Trương, Ploy Ngọc Bích, Trường An… Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà văn trẻ và từng trẻ của TPHCM qua năm thế hệ đều sử dụng các nền tảng mạng xã hội như là một phương tiện để giao lưu với các độc giả, giới thiệu tác phẩm mới, cập nhật những sinh hoạt, công việc văn chương của bản thân. Thời đại công nghệ bùng nổ, khiến cho việc viết văn của các tác giả trẻ cũng dựa vào đó để có những ưu thế hơn so với những thời đại trước, nhất là trong lĩnh vực quảng bá, truyền thông cho tác giả và tác phẩm.
Cho dù có không ít những điều bất toàn, những khiếm khuyết, nhưng tất cả những nhược điểm đó là không đáng kể so với những thành tựu mà dòng văn học trẻ TPHCM đã đạt được suốt trong năm mươi năm qua. Có thể nói không sợ quá lời là chính những nhà văn trẻ đã góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo riêng của văn học TPHCM suốt năm mươi năm qua và vào dòng chảy của văn học cả nước. Với sự động viên đáng quý từ những thế hệ đi trước, sự nhiệt tình từ phía các phương tiện thông tin đại chúng, sự khích lệ từ các tổ chức hội, sự giúp đỡ ủng hộ từ phía các nhà xuất bản và sự đón nhận từ phía người đọc, các nhà văn, nhà thơ trẻ TPHCM đã, đang và có những điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết để cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị. Vấn đề đặt ra bây giờ chỉ là việc các nhà văn, nhà thơ trẻ của những thế hệ kế tiếp có phát huy được hết nội lực của mình hay không và có liệu đủ khả năng để đáp trả lại những sự đón nhận và kỳ vọng ấy. Nhưng nhìn những gì mà các nhà văn, nhà thơ trẻ của năm mươi năm qua đã làm được, chúng ta chắc hẳn sẽ không phải thất vọng về những thế hệ kế tiếp.
_______________________
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Ái (chủ biên) (1994). Từ điển phương ngữ Nam Bộ. Nhà xuất bản TPHCM.
2. Huỳnh Phan Anh (1999). Không gian và khoảnh khắc văn chương, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Trần Thanh Giao (2005). Những cây bút trẻ TPHCM mười lăm năm trở lại đây. http://www.vanchuongviet.org ngày 7.12.
4. Nguyễn Kim Anh, Vũ Ngọc, Hà Thanh Vân, Hoàng Tùng (2002). Thơ văn nữ Nam Bộ thế kỷ XX. Nhà xuất bản TPHCM.
5. Trần Trọng Đăng Đàn (1998). 23 năm cuối của 300 năm văn hóa nghệ thuật Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Văn nghệ, TPHCM, Sở Văn hóa thông tin TPHCM.
6. Ngô Thị Hạnh (2010). Đóng góp của văn thơ trẻ thành phố những năm đầu thế kỷ XXI (2000 - 2010). Tham luận tại Hội thảo 35 năm TPHCM năng động, sáng tạo, nghĩa tình. TPHCM.
7. Nguyễn Kim Hoa, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Đan Tâm (2002). 25 năm một vùng tiểu thuyết. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
8. Sỹ Hoàng (2010) Văn học trẻ TPHCM có gì mới? http://www.vanhocquenha.org
9. Hoài Hương (2007). Văn trẻ TPHCM, vì sao mờ mờ nhân ảnh? http://www.vtc.vn ngày 13.10.
10. Nguyễn Thế Nghĩa, Lê Hồng Liêm (chủ biên) (2000). Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ XX những vấn đề lịch sử - văn hóa. Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM.
11. Nhiều tác giả (1993). 100 bài thơ hay, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM và Tuần báo Văn nghệ TPHCM.
12. Nhiều tác giả (1994). Những gương mặt thơ mới, 2 tập. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội.
13. Nhiều tác giả (1995). Truyện ngắn chọn lọc các tác giả nữ. Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
14. Nhiều tác giả (1998). Góp phần tìm hiểu lịch sử - văn hóa 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM.
15. Nhiều tác giả (1998). Sài Gòn Xưa và Nay. Nhà xuất bản TPHCM, tạp chí Xưa và Nay.
16. Nhiều tác giả (2000). Thơ Việt Nam 1975 - 2000, 3 tập. Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
---------------
Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V