Diễn đàn lý luận

Những chuyển động của văn xuôi Việt Nam trong môi trường sinh thái kinh tế thị trường và truyền thông kĩ thuật số

PGS. TS. Lê Thị Dục Tú
Lý luận phê bình
06:00 | 28/01/2025
Baovannghe.vn - Tại Việt Nam, sự bùng nổ của công nghệ đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của nhiều ngành khoa học trong đó có văn chương
aa

1. Kinh tế thị trường làm thay đổi tư duy sáng tạo của nhà văn

Trong thời kì văn học Trung đại Việt Nam, các nhà Nho viết văn, làm thơ chủ yếu để mua vui, thù tạc hay giáo huấn đạo đức, vì thế cho nên họ chưa bao giờ xem tác phẩm văn học là một sản phẩm hàng hóa. Vào những thập niên đầu của thế kỉ XX, nhà thơ Tản Đà, sau những thất vọng trong đời sống tình cảm, đã bỏ nhà lên thành phố. Cuộc sống thành thị lúc bấy giờ đã ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng, tình cảm và thái độ trước cuộc sống hiện tại của Tản Đà. Điều này khiến ông có những thay đổi lớn trong quan niệm văn chương. Sinh thời, Tản Đà đã từng coi văn chương là một thú chơi - một cuộc chơi tùy hứng. Khi dấn thân vào cuộc sống mới ở thị thành, Tản Đà là người đầu tiên đã mạnh dạn thay đổi quan niệm của mình về nghề văn. Khi đã xem công việc viết văn cũng là một nghề như bao nghề khác để kiếm sống, thì cũng là lúc ông quyết định dấn thân vào nghề này và sau đó “đem văn chương đi bán phố phường” (Hầu trời). Như vậy trong văn học Việt Nam có thể xem Tản Đà là một trong những nhà văn đầu tiên coi tác phẩm văn chương là một sản phẩm hàng hóa. Sau Tản Đà, các nhà văn Việt Nam đã ý thức sâu sắc hơn về điều này khi họ “vứt bút lông đi để thay bằng bút sắt sau khi ngắm nhìn tòa nhà Phủ toàn quyền Đông Dương và cầu Long Biên” (ý của nhà nghiên cứu Phan Quý Bích).

Bước sang giai đoạn chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, quan niệm về văn chương của các nhà văn Việt Nam đã có những ngã rẽ để phù hợp với tình hình chính trị của đất nước. Nhà văn Nguyên Ngọc từng nhận định: văn học giai đoạn trước đổi mới vẫn trượt theo quán tính cũ. Cái gọi là “quán tính cũ” mà Nguyên Ngọc nhắc đến ở đây chính là văn học vẫn nằm ngoài quy luật kinh tế thị trường khi nhà văn vẫn coi văn học chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền, động viên cổ vũ (một nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước thời chiến).

Sau năm 1986, đất nước bước vào thời kì đổi mới, nền kinh tế thị trường với sự năng động và mang tính thực dụng của nó đã khiến chúng ta không thể nhìn cuộc sống bằng nhãn quan sử thi thuần khiết như những năm chiến tranh. Những thước đo giá trị cũ, những chuẩn mực cũ giờ đây khi cọ xát với cuộc sống xô bồ, hỗn tạp của thời hiện tại đã không còn giữ nguyên giá trị. “Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào một quan hệ duy nhất: sống - chết… Ngọn lửa chiến tranh thiêu cháy cả những cái nhỏ nhen, nhiêu khê của cuộc sống thường ngày. Hòa bình thì khác hẳn. Hòa bình tức là đối mặt với cái bình thường hàng ngày, cái bình thường của muôn thuở” [2]. Điều này không chỉ tác động trực tiếp đến đời sống xã hội nói chung, mà nó còn tác động đến mọi mặt của đời sống văn học từ khâu sáng tác đến khâu xuất bản.

Đối với nhà văn, khi những giá trị trong đời sống biến thiên một cách mạnh mẽ, bản thân nhà văn cũng phải không ngừng tìm tòi đổi mới cách viết của mình để phù hợp với thời cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu đã viết “lời ai điếu” cho một giai đoạn văn học. Còn nhà văn Nguyễn Khải bày tỏ: “Bữa xưa chúng tôi nói chuyện đạo, bữa nay gặp, lại toàn nói chuyện đời” [1]. Đời sống trong kinh tế thị trường thời mở cửa hội nhập quốc tế buộc những người cầm bút cần phải có những thay đổi trong đối tượng miêu tả, cũng như trong diễn ngôn để phù hợp với tâm lí, nhu cầu, thị hiếu của người đọc hôm nay. “Cái bình thường hàng ngày” lên ngôi đã như một cú hích, làm thay đổi tư duy của người sáng tạo, giúp họ tránh được cái nhìn phiến diện một màu, đậm chất lý tưởng hóa trước đây. Đời sống trong kinh tế thị trường đồng thời cũng đã tạo những điều kiện tối ưu để nhà văn thả sức bung phá: “Thời nay rộng cửa, gợi được nhiều thứ để viết. Tôi thích cái hôm nay, ngổn ngang, bề bộn, màu đỏ với màu đen, đầy rẫy những biến động, những bất ngờ mới thật là mảnh đất phì nhiêu cho các cây bút thả sức khai vỡ” [1]. Đó cũng là nền tảng để người cầm bút thiết lập một cái nhìn “phi sử thi”, “giải tượng đài” mà chúng ta vẫn thường nói đến trong văn học hôm nay khi kiến tạo hình ảnh người anh hùng để nó chân thực hơn, đậm chất “người” hơn. Trong truyện ngắn Phẩm tiết, Nguyễn Huy Thiệp không để hoàng đế Quang Trung xuất hiện trong bối cảnh của những chiến công hiển hách. Người anh hùng “được nhìn từ con mắt của Vinh Hoa… nói đúng hơn, từ mối quan hệ với người đàn bà này”. Một bậc anh tài lẫy lừng trời đất, vậy mà khi gặp Vinh Hoa “đẹp mơn mởn như lộc mùa xuân” lại “thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” để rồi khi nghe tin cha Vinh Hoa bị xử tội, nhà vua cuống cuồng “đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo cho Vinh Hoa việc Khải mất”. Trong tiểu thuyết lịch sử Hội thề của Nguyễn Quang Thân, nhà văn cũng tập trung miêu tả khá tỉ mỉ hình ảnh đầy chất dân dã có phần thô lậu của vị vua Lê Lợi trong ngày chiến thắng: “Nguyên Hãn thấy nhà vua cầm đùi gà nhai, uống rượu cần cùng với tướng sĩ, khuy áo không cài hết cúc hở cả rốn… đến mức Nguyên Hãn phải quay mặt bỏ đi”. Nếu văn học sử thi đề cao con người cống hiến với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến” thì văn học hôm nay đã có những thay đổi lớn trong quan niệm về cống hiến và hưởng thụ.Trong tiểu thuyết Thượng Đức của Nguyễn Bảo, một tiểu đoàn trưởng tên Ngoãn đã không ngần ngại bộc lộ chân thực nhất những suy nghĩ của mình “Về với Hân rồi ra sao thì ra, đóng góp cho đất nước, cho quân đội biết mấy cho vừa. Mình ở quân đội chừng ấy năm là được rồi. Nhà cửa thì vậy, vợ con thì vậy. Mình không lo lấy thân mình, ai lo cho đây”. Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, sau những mất mát và bầm dập của tình yêu, của tuổi trẻ qua bão gió của chiến tranh, người lính đã nhận ra: chiến tranh là đồng nghĩa với chết chóc và hủy diệt, là “cõi lang thang không nhà không cửa” là cõi “không đàn ông, không đàn bà” chứ không chỉ là những chiến công và những tấm huân chương lấp lánh trên ngực của người lính ngày trở về.

Cái bình thường lên ngôi không chỉ tác động đến những thay đổi trong tư duy nhà văn ở bình diện tư tưởng mà còn kéo theo sự lột xác của thi pháp nghệ thuật thông qua việc sử dụng ngôn ngữ - một chất liệu quan trọng của tác phẩm văn học. Trước đây, lớp ngôn từ trang trọng, đậm chất ngợi ca dày đặc trong các tác phẩm phù hợp với một thời đại sử thi, thì hôm nay nó trở thành lạc điệu trước một xã hội mà mọi giá trị đã biến thiên không ngừng. Trong nhiều tác phẩm văn xuôi đương đại, chúng ta thấy sự hiện diện của một lớp ngôn từ mới, đậm chất thế tục, mang nhiều dấu ấn của ngôn ngữ hàng ngày. Các kiểu nói suồng sã, thân mật như “mày”, “tao” thậm chí thô tục như “thằng chó”, “thằng phò đực”, “tiên sư mày”… tràn ngập trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Bình Phương… sở dĩ được bạn đọc chấp nhận là bởi nó đã diễn tả khá trung thực đời sống hỗn tạp và các mối quan hệ đa chiều giữa con người và con người của xã hội đương đại. Ví dụ: “Khẩn bảo: Không ưa thì dưa có dòi… Tân chuyển sang gãi cổ tố cáo Cẩu là loại nhân cách thối hoăng, loại trâu buộc ghét trâu ăn (Ngồi - Nguyễn Bình Phương); “Mai Lan bảo: Mày chưa đến tuổi vị thành niên. Nó động vào mày, tao kiện cho sạt nghiệp. Con My bảo: Mẹ biết thừa con và nó ngủ với nhau” (Pari 11 tháng 8 - Thuận). Qua những đoạn đối thoại này, người đọc đang được chứng kiến trạng thái sống hỗn loạn của con người trong xã hội đương đại, dù ở bất kì nơi đâu. Không phải ngẫu nhiên mà trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Đình Tú… đã xuất hiện một tần suất lớn các câu nói tục tĩu, các tiếng chửi thề ở đủ các hạng người. Với cách diễn tả đặc biệt này, nhà văn không chỉ muốn thể hiện văn chương là bản sao của đời sống, mà còn muốn bày tỏ niềm lo âu về một trạng thái nhân tính nghèo nàn, xuống cấp đang diễn ra hàng ngày ở mọi lứa tuổi, trong mọi không gian sống. Sự xuất hiện của ngôn ngữ tục trong tác phẩm còn cho thấy khuôn mẫu của thể loại đang bị nới lỏng khi cái nghiêm túc và cái bông đùa, cái thanh và cái tục không còn đường biên khi chúng có sự đan xen, trộn lẫn.

Ngoài việc sử dụng các kiểu nói thô tục, sống sượng, văn học đương đại hôm nay còn tràn ngập ngôn ngữ thân thể mà chúng ta vẫn thường hay gọi là ngôn ngữ “sex”. Sự xuất hiện ngôn ngữ “sex” trong văn học phản ánh những tác động rất lớn từ đời sống xã hội hiện đại. Vẻ đẹp của cơ thể con người, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ, nếu trước kia phải che đậy, giấu kín hoặc chỉ được mô tả dưới những hình ảnh ẩn dụ, thì ngày nay, nó luôn được ngưỡng mộ, tôn vinh như một nét đẹp hoàn hảo của con người cá nhân. Trong văn xuôi đương đại hôm nay, vẻ đẹp này cũng là đối tượng được các nhà văn quan tâm. Họ đã không ngần ngại khi đi vào miêu tả một cách chi tiết, tỉ mỉ những bộ phận gợi dục như: ngực, mông, đùi, lưỡi… Trong các tiểu thuyết của Thuận, tần số các lần mô tả “bộ ngực non nhu nhú’, “đôi mông tròn rắn chắc”, “cặp đùi dài thon thả”… xuất hiện khá dày đặc. Trong tiểu thuyết Ngồi của Nguyễn Bình Phương, vẻ đẹp của người phụ nữ được nhà văn miêu tả ở vẻ đẹp phồn thực, khơi gợi sự ham muốn: “Dưới mái nhà đó là những người đàn bà lưng ong, tay vượn, tóc xổ tung với đôi chân ngắn mở rộng và núm vú như hai hòn than màu hồng rực đặt ngay ngắn trên đỉnh bộ ngực trần màu nâu nhạt”; “Thân thể Minh vẫn cân xứng, chắc chắn, ngực vẫn tròn trịa và cứng”. Ở tiểu thuyết lịch sử Mẫu Thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, vẻ đẹp của các nhân vật nữ cũng được miêu tả gắn với vẻ đẹp phồn thực: “Nước da trắng nõn nà, thân hình cô tròn trĩnh, mặt bụ bẫm phúng phính, đôi vú ấm giỏ tích rõ to”. Ngoài vẻ đẹp phồn thực, bản năng tính dục của người đàn bà cũng được nhà văn thể hiện không chút giấu giếm, che đậy: “Xuân không nghe thấy gì nữa, môi cô đang gắn vào môi anh. Cô đắm chìm trong đê mê” (Xuân Từ Chiều - Y Ban); “Tiệp thấy mình bạo dạn và lão luyện, sự nhịp nhàng của thịt da đằm thắm ngọt ngào” (Gia đình bé mọn - Dạ Ngân). Cũng phải thấy rằng, nhu cầu và những ham muốn tình dục là một nhu cầu tự nhiên ở con người bình thường, nó thể hiện một phần của bản năng sống. Nhưng trước đây nó không được, hoặc không dám thể hiện một cách công khai. Đời sống dân chủ từ sau đổi mới đã cho phép nhà văn dám nói thẳng, nói thật những điều họ nghĩ. Ngay cả ở khâu xuất bản ta thấy dấu ấn của ngôn ngữ sex cũng được các nhà làm sách quan tâm như: ấn phẩm tái bản về Truyện Kiều của Nguyễn Du trước kia ở trang bìa in hình Kiều đánh đàn thì nay lại in hình Kiều đang tắm.

Những chuyển động của văn xuôi Việt Nam trong môi trường sinh thái kinh tế thị trường  và truyền thông kĩ thuật số
Hình ảnh minh họa. Nguồn Internet

2. Sự thay đổi trong thị hiếu của bạn đọc là một cú hích của sáng tạo văn chương

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đặt câu hỏi và tự trả lời: “Công việc của nhà văn bắt đầu từ đâu? Tôi nghĩ rằng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu bạn đọc, đúng hơn là phải nghiên cứu tâm lý dân tộc trong cả một khoảng thời gian dài. Trên cơ sở đó, nhà văn dọn món ăn tinh thần cho cả thời đại mình” [3].

Khi các tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh, Phẩm tiết, Hội thề ra đời, đã từng có những cuộc tranh cãi lớn với những luồng ý kiến trái chiều: người tung hô, kẻ phản ứng dữ dội. Suy cho cùng, vấn đề chính là nằm ở thị hiếu của người tiếp nhận. Tiếp nhận là một khái niệm của lý luận văn học để chỉ về mối quan hệ giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc. Tiếp nhận cũng là vấn đề then chốt của đời sống trong kinh tế thị trường. Sản phẩm không được tiếp nhận trên thị trường cũng đồng nghĩa nó sẽ bị loại bỏ. Sự phản ứng dữ dội về tác phẩm thuộc về những người coi trọng và tôn thờ những giá trị truyền thống mà họ cho là thiêng liêng, là vĩnh cửu. Những luồng ý kiến ủng hộ của số đông vừa là để bảo vệ quan điểm: chúng tôi đang viết, đọc văn, chứ không phải đang chép, đọc sử, đồng thời cũng cho thấy tinh thần cầu tiến, ý thức đổi mới tư duy của tác giả/ độc giả khi cho rằng: việc thể hiện như trong các tác phẩm trên mới thực sự là chân thực, mang tính biện chứng, nó thể hiện tinh thần dân chủ chỉ có được ở thời kì hội nhập và đó cũng chính là điều làm nên sự khác biệt, đổi mới của văn học hôm nay. Thực tiễn văn học cho thấy, nếu nhà văn nào đáp ứng được kịp thời những yêu cầu của đời sống thì tác phẩm của họ sẽ được bạn đọc đón nhận với tất cả sự hứng thú, say mê. Trường hợp Nguyễn Nhật Ánh (nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi) là một điển hình. Đã có khá nhiều bài viết giải mã về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh. Dù mỗi người đều có những lý giải riêng về hiện tượng này, nhưng tựu chung lại, ai cũng công nhận một điều: sức hút của tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chính là sự kết hợp hài hòa của hai yếu tố giáo dục và giải trí - một bình diện không thể thiếu trong đời sống của con người. Sự kết hợp tuyệt vời giữa hai yếu tố này chính là chiếc chìa khóa vạn năng để tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục số đông bạn đọc (không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi mà cả những người lớn tuổi). Nhà văn đã giáo dục cho các em (và cả người lớn) lòng yêu quê hương đất nước, sự trân trọng tình bạn, sự gắn kết với gia đình, làng xóm không phải bằng những lời giáo huấn mang đầy chất áp chế, mệnh lệnh mà tạo dựng và bồi đắp cho các em những phẩm chất này qua những hành động, lời nói, trò chơi đậm chất hồn nhiên, tinh nghịch, sinh động của tuổi thơ. Có thể nói, nhà văn đã cho các em có một tuổi thơ đúng nghĩa. Còn người lớn lại được “trở về lại với tuổi thơ” mà ai cũng từng ước mong, hoài niệm.

Người tiếp nhận văn học hôm nay ở mọi lứa tuổi không chỉ đòi hỏi những cuốn sách có nội dung phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của họ, mà còn cần những ấn phẩm trình bày đẹp, bắt mắt, được in trên những loại giấy trắng và nhẹ với kiểu chữ sắc nét, dễ đọc từ nội dung đến cách trình bày trang bìa. Về chất lượng nội dung của tác phẩm, cũng phải thấy rằng những giải thưởng danh giá hàng năm của các Hội văn học nghệ thuật có uy tín đã góp phần định hướng rất lớn lượng độc giả tìm đọc. Cách đây vài năm, khi tiểu thuyết Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng ra đời, hàng tuần liền bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy tác phẩm trên kệ sách của các quầy bán sách. Nhưng sau khi Hội nhà văn Hà Nội công bố trao giải cho tác phẩm thì chỉ vài ngày sau đã không thể tìm mua nổi cuốn sách này, và sau đó nó đã được nối bản liên tục. Tương tự như vậy, trường hợp tác phẩm Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sau khi được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng, tuy cuốn sách có độ dày lên đến trên 800 trang, nhưng cũng đã được bạn đọc săn lùng mua với con số kỉ lục. Hay gần đây ở nền văn học Hàn Quốc hiện tượng Han Kang là một ví dụ. Sau giải Nobel danh giá, tác phẩm của Han Kang được săn lùng tại Hàn Quốc với từng hàng dài người xếp hàng để chờ mua, mặc dù trước đây có lúc nó đã bị tẩy chay.

3. Tác động của truyền thông kĩ thuật số đến sự phát triển của văn học

Trong thời đại của truyền thống và kĩ thuật số hôm nay, còn phải kể đến vai trò của phương tiện thông tin đại chúng, của công nghệ thông tin trong việc tác động đến đời sống văn học.

Nằm trong dòng chảy chung thế giới, tại Việt Nam, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của nhiều ngành khoa học trong đó có văn chương. Mạng internet không chỉ góp phần không nhỏ cho việc truyền tải và cập nhật những thông tin mới nhất tác động đến cách cảm, cách nghĩ của nhà văn lẫn độc giả mà nó còn là một trong những phương tiện hữu hiệu quảng bá văn học một cách nhanh nhất. Nhiều tác phẩm của các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn trẻ, trước khi được xuất bản đã được đăng tải trên các trang mạng. Đời sống tự do dân chủ với sự bùng nổ của các diễn đàn, các website, sự ra đời của hàng triệu blog “mà mỗi blog là sự thăng hoa của những cung bậc cảm xúc cá nhân” không chỉ cho ta thấy sự đa dạng trong cách cảm cách nghĩ mà còn giúp cho các nhà văn có nhiều cơ hội quảng bá các tác phẩm của mình ra công chúng (và cũng là tạo điều kiện cho việc thăm dò của các nhà xuất bản trước khi quyết định số lượng các ấn phẩm). Nhiều tên tuổi của tác giả trẻ được bạn đọc biết đến qua những trang mạng trước khi tác phẩm của họ được các nhà xuất bản ấn hành nên khi sách ra mắt lập tức đã được bạn đọc ồ ạt tìm mua. Các nhà văn trẻ như Trang Hạ , Di Li, Anh Khang, Gào, Nguyễn Ngọc Thạch, Hà Kin... sở dĩ trở thành những “hiện tượng xuất bản” vì họ có chiến lược PR bài bản khi xây dựng được hình tượng cá nhân long lanh như một nhân vật trong phim thần tượng qua các kênh truyền thông của mạng Internet. Keng (Đỗ Thị Thùy Linh) và Gào (Vũ Phương Thanh) đã lập Blog cá nhân có địa chỉ http://kenglinh.comhttp://vuphuowngthanh.wdpresss.com. Họ cũng là thành viên chính thức của website vanhọcmang.net. Những trang viết đầu tiên của Keng được đăng tải trên Blog dưới dạng nhật kí trực tuyến. Sau này các sáng tác truyện ngắn của Keng (13 truyện) được nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản dưới cái tên khá độc đáo: Dị bản và trở thành hiện tượng best-seller của năm 2008 với số lượng phát hành khủng. Các tác phẩm của Gào sau khi đăng ở trang Blog cá nhân đã được tập hợp lại và được Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2009 dưới cái tên Cho em gần anh thêm chút nữa. Các tác phẩm của Keng và Gào sở dĩ được các bạn trẻ đón nhận vì là hiện thân của giới trẻ thích trưng diện cái tôi độc lạ ồn ào, bất chấp và những góc khuất của tâm hồn trước thực tại hỗn độn của đời sống. Tác phẩm Trại hoa đỏ - một tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li (Nguyễn Diệu Linh) cũng đã từng được đăng trên blog cá nhân trước khi xuất bản thành sách đã thu hút một số lượng lớn độc giả theo dõi và tương tác. Nhiều tác phẩm của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Phong Việt, Gào, Anh Khang, Phong Việt, Iris Cao, Hamlet Trương... cũng đã xuất hiện dưới dạng status facebook hoặc trên blog cá nhân trước khi được tập hợp in thành sách. Ta cũng bắt gặp một kiểu tư duy của thời đại kĩ thuật số trong các tác phẩm từ cách kiến tạo các câu chuyện được kể dưới hình thức những bức email, blogger, cùng với các lớp từ ngữ chuyên dụng gắn với sự phát triển bậc cao của khoa học công nghệ thông tin trong các tác phẩm của các tác giả như Hồ Anh Thái, Đặng Thân, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Dương Thụy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vũ Phương Nghi, Trần Thu Trang, Anh Khang... Nhà văn Phong Điệp đã có hẳn một cuốn tiểu thuyết mang tên Blogger mà trong đó Internet là chất liệu chính của tác phẩm từ hình thức trình bày đến nội dung. Tiểu thuyết Blogger được viết trong giai đoạn (2009), giai đoạn mà viết blog đang trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Blogger được cấu trúc như các “entry”, ngôn ngữ tác phẩm cũng là ngôn ngữ của hình thức giao tiếp trên Yahoo 360. Thông qua hình ảnh nhân vật nữ chính là một hot blogger chính hiệu, nhà văn đã mô tả những biến đổi sâu sắc của xã hội Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trẻ trong kỉ nguyên của văn hóa mạng. Chính điều này đã mang đến cho tác phẩm văn học những kiểu trình diễn mới lạ, đồng thời cũng mang đến cho ngôn ngữ văn học đương đại những sắc điệu riêng và tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ mới trong việc tiếp nhận tác phẩm.

Từ những phương diện được khảo sát ở trên chúng ta thấy rất rõ rằng dưới tác động môi trường sinh thái của kinh tế thị trường và mạng truyền thông kĩ thuật số, văn học Việt Nam đã có những chuyển động đáng kể. Những chuyển động này không chỉ phản ánh chân thực những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam đương đại mà còn ghi dấu những bước tiến vượt bậc của văn chương Việt trên hành trình hội nhập. Nếu môi trường sinh thái kinh tế thị trường như một cú hích và là những tiền đề các nhà văn sáng tạo thì mạng truyền thông kĩ thuật số là phương tiện truyền thông hữu hiệu để văn học Việt Nam đến với đường biên “giải lãnh thổ”, tiến vào kỉ nguyên của văn học toàn cầu./.

_____________________

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Khải (1997), “Tâm sự văn chương”, Báo Văn nghệ Trẻ, số 56.

[2] Nguyên Ngọc (1991), “Văn xuôi sau 1975 - Thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển”, Tạp chí Văn học, số 4.

[3] Nguyễn Huy Thiệp (2006), Giăng lưới bắt chim, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,

[4] Nguyễn Quang Thân (2009), Hội thề, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[5] Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[6] Bảo Ninh (2011), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[7] Nguyễn Bình Phương (2013), Ngồi, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh..

[8] Thuận (2005), Paris 11 tháng 8, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.

[9] Dạ Ngân (2005), Gia đình bé mọn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[10] Y Ban (2008), Xuân Từ Chiều, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

[11] Phong Điệp (2009), Blogger, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[12] Di Li, (2022), Trại hoa đỏ, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

--------------------

Bài tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình Văn học lần thứ V

Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Cho ý kiến 10 dự án luật quan trọng

Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Cho ý kiến 10 dự án luật quan trọng

Baovannghe.vn - Sáng 25/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận, góp ý kiến về các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tương lai cho thế hệ vươn mình

Tương lai cho thế hệ vươn mình

Baovannghe.vn - Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thanh niên phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa về đức-trí-thể-mỹ. Baovannghe xin đăng toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm "Tương lai cho thế hệ vươn mình"
Từ bên này trái đất đến bên kia - Thơ Đinh Ngọc Diệp

Từ bên này trái đất đến bên kia - Thơ Đinh Ngọc Diệp

Baovannghe.vn- Bom nổ từ bên này đến bên kia trái đất/ Kẻ giết hoa chết đi, máu lộn kiếp thành hoa
Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Tổ chức triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2025 tại Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” tại Nghệ An
Đọc truyện: Sự đời - Truyện ngắn của Trần Thủy

Đọc truyện: Sự đời - Truyện ngắn của Trần Thủy

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương