Sự kiện & Bình luận

Mất sách quý ở Viện Hán Nôm: Không thể “cho qua”!

Bùi Minh
Chính trị xã hội
11:38 | 05/08/2024
Baovannghe.vn- Mùa hè năm 2022, một số cán bộ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phát hiện hơn 100 cuốn sách cổ thuộc loại đặc biệt quý hiếm do viện này bảo quản đã bị mất. Cùng đó là hàng trăm cuốn khác bị hư nát, nhiều cuốn bị hư nát đến mức không thể phục hồi được nữa... Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại hơn nửa thế kỷ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bị mất một số lượng lớn sách cổ như vậy.
aa

Giới chuyên gia và công chúng vô cùng bức xúc, xót xa. Báo chí lên tiếng đòi cơ quan chủ quản và các ngành chức năng phải khẩn trương làm rõ, sớm có giải pháp khắc phục, hi vọng kịp điều tra thu hồi được những cuốn sách quý đã bị thất lạc. Trước tình hình đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ra thông báo cho biết “Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tổ chức các biện pháp để xử lí vấn đề một cách công khai, minh bạch, với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan.” Tuy nhiên, từ bấy đến nay đã 2 năm trôi qua, sự việc vẫn chưa “làm rõ” thêm được điều gì và hiện tại đang có nguy cơ rơi vào im lặng...

Mất sách quý ở Viện Hán Nôm: Không thể “cho qua”!
110 ký hiệu sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm được xếp vào nhóm “hư hại nặng” chưa có giải pháp tu bổ. Ảnh: Viện nghiên cứu Hán Nôm

Kho sách cổ được Nhà nước giao cho Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý là tài sản quốc gia quý giá, kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được từ những năm đầu thế kỷ XX. Đây là một phần di sản văn hóa vô cùng quan trọng của đất nước, là kết tinh hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Trong số hơn 100 cuốn sách bị mất lần này, có nhiều cuốn có tuổi đời hàng trăm năm, là tài liệu độc bản, cực kỳ quý, như cuốn Việt âm thi tập (Tập thơ ghi lại âm thanh của nước Việt) là tuyển tập thơ viết bằng chữ Hán do các cụ Phan Phu Tiên khởi đầu và Chu Xa thực hiện, Lý Tử Tấn đề tựa. Cả 3 học giả trên đều là người thời Lý - Trần. Phan Phu Tiên đậu Thái Học. Sinh năm 1396 đời vua Trần Thuận Tông; Chu Xa thì trẻ hơn một chút, tiếp nối công trình của Phan Phu Tiên hoàn thành năm 1433, niên hiệu Thuận Thiên triều vua Lê Thái Tổ. Lý Tử Tấn đậu đồng khoa Thái Học Sinh với Nguyễn Trãi, khoa Canh Thìn (1400) triều nhà Hồ. Đây là bộ hợp tuyển văn thơ cổ xuất hiện giữa thế kỷ XV, là một tài liệu cổ quý giá, không những về thơ văn, mà còn về cả mặt sử học, vì những lời chú dẫn trong sách liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại thời Lý - Trần. Bộ sách cũng thể hiện cho biết kỹ thuật in ấn của Việt Nam vào thời bấy giờ. Ưu điểm nổi bật hơn cả của Việt âm thi tập đó là niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn Việt Nam. Ngày nay, có thể nói phần lớn thơ ca ở thời đại Trần - Hồ và đầu đời Lê còn giữ lại được cũng là nhờ Việt âm thi tập. Điều đặc biệt hơn nữa là trong lời tựa của bộ sách này, Lý Tử Tấn cũng cho biết những tài liệu sách vở mà các ông sưu tầm tập hợp được là rất nhỏ bé so với những gì cha ông chúng ta đã làm ra trong suốt bốn trăm năm thịnh trị nhất của lịch sử dân tộc mình. Chẳng hạn: “…Như các vua triều Trần là Thánh Tông, Nhân Tông, Minh Tông, Nghệ Tông, cùng là Chu Tiều Ẩn tiên sinh (Chu An), các ông họ Phạm ở Hiệp Thạch (Phạm Sư Mạnh), họ Lê ở Lương Giang (Lê Quát), Nguyễn Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn) và anh em ông Phạm Kính Khê (Phạm Tông Mại, Phạm Ngộ) đều có tập thơ riêng lưu truyền ở đời. Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn.”

Cái nguyên nhân “vì binh lửa” mà Lý Tử Tấn đề cập, sau này giáo sư Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong tuyển tập Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm đã trình bày cụ thể hơn: “Cướp được nước ta, trong 20 năm trời bên nền đô hộ hà khắc về chính trị, vơ vét tham tàn về kinh tế, giặc Minh đã thi hành một chính sách hủy diệt độc ác về văn hóa, giặc Minh đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa dân tộc xây dựng suốt hơn 400 năm, chủ yếu dưới thời Lý - Trần. Vua Minh đã trực tiếp ra mật lệnh cho bọn tướng xâm lăng khi tiến quân vào nước ta, thấy bất cứ cuốn sách vở nào, gặp bất cứ tấm bia đá nào đều phải thiêu hủy, đập phá hết. Tên tướng Trương Phụ lượm lặt hết các sách vở cổ kim của ta, đóng thùng chở về Kim Lăng. Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết. Năm 1419, nhà Minh lại cho người đem sách Khổng giáo, Đạo và Phật giáo của họ sang thay thế cho những sách trước kia chúng lấy đi. Chính sách hủy diệt văn hóa thâm độc đó đã phá hoại gia tài văn hóa, tinh thần của dân tộc ta không phải là ít. Nếu không, cái gia tài văn hóa, văn học tư tưởng thời Lý - Trần để lại sẽ phong phú biết chừng nào!”

Chỉ điểm qua một cuốn sách quý gắn liền với một giai đoạn cụ thể, đủ thấy trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, biết bao lần những di sản văn hóa của cha ông để lại, trong đó có những cuốn sách do cha ông chúng ta viết, đứng trước nguy cơ bị hủy diệt bởi các thế lực ngoại bang; bởi họ hiểu rất rõ đó là cội nguồn sức mạnh nội sinh của một dân tộc. Việc hủy diệt những di sản văn hóa của một dân tộc là để hủy diệt sự độc lập và căn cước văn hóa của dân tộc đó. Đó là cách đồng hóa dân tộc một cách căn cơ triệt để nhất. Khi một dân tộc không còn căn cước văn hóa của mình thì dân tộc đó không còn tồn tại trong tinh thần cao nhất của sự tồn tại; mặc dù có thể cương vực lãnh thổ vẫn còn nhưng người dân chỉ là dân thuộc địa nô lệ.

Được biết vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi nổ ra cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đề phòng chiến sự lan rộng, một phần kho sách cổ trên đây đã được chuyển vào thành phố Đà Lạt bảo quản, hàng chục năm sau đất nước yên hàn mới lại chuyển ra Hà Nội. Nhắc lại chuyện đó để thấy dù vì bất cứ lý do gì thì việc để mất hơn 100 cuốn sách cổ và để hư hỏng hàng trăm cuốn khác trong điều kiện ngày nay, là điều không thể chấp nhận được. Nếu sự thất thoát và hư hỏng là do những lý do khách quan như cơ sở vật chất và trình độ kỹ thuật bảo quản, kinh nghiệm quản lý và khai thác, thiên tai, hỏa hoạn v.v... đã là điều khó chấp nhận. Nhưng nếu nguyên nhân của sự mất mát, hư hỏng... là do ý thức và nhận thức của những người có trọng trách thì càng không thể chấp nhận được. Nhân đây cũng cần nói thêm rằng xét theo nghĩa thông thường thì đấy là những món “đồ cổ” đặc biệt, có tuổi đời từ một trăm năm trở lên, tất nhiên rất hấp dẫn trên thị trường đồ cổ. Và câu chuyện về những sắc phong, văn tự của Việt Nam được bán đấu giá hàng triệu USD trên các sàn đấu giá quốc tế mà nhà nước ta phải mất rất nhiều tiền để can thiệp, thương lượng...; hoặc rất nhiều chuyên gia trong nước phải sang các thư viện nước ngoài để đọc sách của cha ông mình viết về dân tộc mình... là những “nghịch lý” đau lòng vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với tổng vốn 350.000 tỷ đồng. Theo đó, rất nhiều công trình thiết chế văn hóa sẽ được xây dựng trong tổng số tiền trên đây. Thiết nghĩ, đề án cũng cần có các hạng mục bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tương xứng với những công trình văn hóa mới được xây dựng. Và câu chuyện về việc quản lý và khai thác kho sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một dẫn chứng cụ thể.

Bàn về sự việc trên đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu trên báo chí rằng: “Chúng ta mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì tham nhũng, nhưng rồi nền kinh tế sẽ hồi phục. Nhưng chúng ta mất đi những cuốn sách cổ hoặc để cho những cuốn sách đó bị hủy hoại thì không bao giờ chúng ta tìm lại được nữa. Làm thất thoát hoặc ăn cắp tiền bạc của nhân dân là có tội. Nhưng ăn cắp và phá hoại di sản văn hóa của dân tộc thì tội còn lớn hơn.”

Tất nhiên, đã là “tội” thì phải điều tra và xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật!

Bùi Minh | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Quy định phong tặng Tiến sĩ, Giáo sư danh dự cho nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị xã hội Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu phản ánh về công tác phòng, chống COVID-19 Giáo viên phản ánh, cùng bộ SGK mỗi cuốn viết một kiểu gây khó cho học sinh Hà Nội: Đẩy mạnh giải quyết phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.