Sáng tác

Cỏ hương huyền, rượu chiên đàn và người ăn tội - Truyện ngắn dự thi của Vũ Văn Song Toàn

Vũ Văn Song Toàn
Truyện
06:00 | 08/08/2024
Baovannghe.vn - Những người làng tôi vẫn sống vô tư lự. Họ làm những gì mình muốn, nghĩ những gì thích. Họ tin cỏ hương huyền còn mọc, người ăn tội vẫn đến, họ vẫn là người thanh sạch trước mọi tội lỗi.
aa

Tôi cắt những sợi chỉ ngũ sắc thành những đoạn nhỏ chừng gang tay, mắt nhìn ra sông thấy màu vàng của nước khác lạ báo hiệu tiết tiểu mãn đã qua. Ngày đầu của tiết mang chủng đợi chờ cuối cùng đã đến. Những cây hương huyền đêm nay sẽ trổ hoa đúng ngày đầu tiên của tiết mang chủng trong năm. Cỏ hương huyền chỉ mọc bên bờ sông Cụt, ngày thường chúng ngụy trang, không thể phân biệt được với những cây xương bồ khác. Làng tôi có lệ, không ai ra sông vào lúc không có mặt trời vào ngày đầu của hai tư tiết trong năm.

Cả ngày nay tôi kiêng thịt, chỉ ăn bánh kê, tắm gội bằng nước bồ kết, tuyệt đối tránh nói những từ về cái chết.

Mặt trời rồi cũng lặn. Tôi men theo con dốc đi qua những vạt cây bông trắng tinh khiết vừa mới nở hoa. Sâu đất trên thảm cỏ rực sáng hơn hàng ngày. Từ xa, tôi đã ngửi được mùi thơm kỳ quái, mùi như xạ hương của hươu pha lẫn với nước đái khỉ.

Cỏ hương huyền, rượu chiên đàn và người ăn tội - Truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn
Ảnh minh họa

Ngày này, không thuyền bè nào dám đi lại trên sông. Những cây hương huyền đang trổ hoa, những bông hoa hình con mắt, màu đen hơn bất cứ cái gì có trên đời.

Giữa dòng, chiếc thuyền sơn son thếp vàng trên thân gắn nhưng bông hoa cúc bằng bạc lao đi vun vút, mặc dầu không có cánh buồm. Tôi biết người ngồi trên thuyền là một người ăn tội.

Tôi nhanh tay buộc chỉ ngũ sắc vào gốc cây hương huyền. Những sợi chỉ trong tay vừa hết, là lúc hoa hương huyền rụng xuống đất, hoa rã thành nước rồi tan vào lòng đất. Giờ thì bãi cỏ xương bồ lại trở lại như cũ, không ai phân biệt được đâu là cây xương bồ đâu là cây hương huyền. Mùi hương kì quái đã biến mất, chỉ còn mùi cây xương bồ như mùi cơm nếp quen thuộc. Tôi vội vàng chạy về nhà như người đi trong cơn mộng du.

Tôi ngồi trong lớp học, hôm nay có tiết văn của thầy Tường. Trong tuần chúng tôi đợi chờ đến lúc được gặp thầy. Thầy Tường mới ra trường còn trẻ măng, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Đám con gái thích vẻ đẹp trai thư sinh của thầy, đám con trai lại thích giọng giảng văn lúc truyền cảm lúc hào hùng, cộng thêm những từ ngữ mới lạ.

Con Hà như đang sửa lại một đoản văn, chắc cuối giờ nhờ thầy góp ý. Nó đang đăm chiêu, đôi mắt ướt luôn buồn sâu thẳm trên gương mặt ngăm bánh mật với cái cằm dài rất xinh. Tôi đang lơ mơ nghe thầy giảng nghĩa từ uyên nguyên, thì cơn buồn ngủ ập tới. Có cánh tay lôi tôi dậy, tôi sực tỉnh trong tiếng cười của cả lớp. Mọi người kéo ra sân đá cầu lông. Tôi uể oải nhìn vệt trắng của mớ lông gà bay đi bay lại. Tôi vẫn còn sảng rượu. Người tôi vẫn còn đẫm mùi chiên đàn.

Tối qua, từ sông trở về, bố tôi vội hỏi vồn vã, bao nhiêu. Tôi gật gừ, bốn mươi chín. Bố nói thế là đủ, rồi vội vàng rót từ vò sành đủ bảy cốc nước màu tím, bảo uống đi. Tôi uống từng cốc một, thứ rượu vừa đắng vừa ngọt, mùi thơm sực nức. Uống hết sáu ly, gan ruột tôi muốn lộn ngược. Bố bảo cố lên, nếu không sẽ suốt đời sống trong mộng du. Tôi lấy hết sức bình sinh, uống cốc cuối cùng, rồi lăn quay ra nền nhà lịm đi như chết.

Buổi học cũng tan, tôi và Hà đi cùng đường về. Hà bảo thầy Tường khen đoản văn đầy cảm xúc. Hà kể nội dung của đoản văn của nó về đám ma ở làng bên, một bên đội bát âm đánh bài lưu thủy hành văn với vinh quy bái tổ, một bên cầu về tiên cảnh xa xôi, bên cạnh đám khóc thuê than thở khóc thương ỉ ôi đòi người chết ở lại, chả biết rồi linh hồn sẽ đi đâu.

Tôi bảo làng tôi có phong tục khác. Mỗi khi có người tắt thở thì đánh trống ngũ liên cho cả làng biết. Khi tiếng trống vừa dứt, mọi người đều mặc áo màu xanh lá, những ai đã có quan hệ trai gái thì cấm khẩu hoàn toàn, mọi người nhịn ăn và uống rượu chiên đàn cầm hơi. Tang chủ sẽ đi thỉnh cỏ hương huyền đem đốt gần thây người chết. Khi cỏ cháy tàn, thì trên sông con thuyền sơn son thếp vàng xuất hiện. Người ăn tội sẽ tiến về phía làng. Ông ta mặc chiếc váy vàng óng, chiếc áo giáp bạc, đeo mặt nạ màu đen hình con chim. Không ai dám chạm vào ông vì sợ tội lỗi. Chưa từng ai biết mặt ông. Ông ta sẽ tiến về phía tử thi, hát lên những bài hát bằng thứ tiếng xa lạ, rồi cầm bát cơm lên ăn vội vàng. Trong bát cơm đã có sẵn nén vàng hoặc nén bạc. Nén vàng bạc đó được mua bằng tiền của người chết. Người ta tính toán, sao cho người chết không lời không lỗ trong cả cuộc đời, còn bao tội lỗi nằm trong bát cơm.

Con Hà cố tình đi chậm lại để nghe hết câu chuyện. Tôi nghe nó chào tôi rồi rẽ về con đường nhỏ đi về phía ghềnh. Tôi nhìn theo bóng nó mờ dần rồi mất hút vào ruộng dâu xanh ngắt.

Lúc sang trường huyện học, bố tôi dặn đừng tiếp xúc với con Hà. Có phải bố tôi muốn giữ mãi tôi là người đồng tử. Trong làng tôi có phong tục, chỉ có người đồng tử mới được đi hái cỏ hương huyền. Những cậu con trai sinh ra trong gia đình không có ai ngoại tình, từ mười ba tuổi còn đồng tử, mới được các bậc trưởng thượng chọn. Người đó phải hứa không được quan hệ trai gái trong suốt nhiệm kỳ, nếu không hoa hương huyền sẽ không nở nữa. Nếu không có cây hương huyền, sẽ không còn người ăn tội đến, làng tôi sẽ phải đời đời kiếp kiếp sống trong tội lỗi ăn năn, truyền thống thanh tịnh của làng tôi sẽ bị hủy bỏ.

Nhà con Hà ở biệt lập trong ghềnh bên kia sông, với người cha kì lạ và người mẹ cả làng không ai biết mặt. Mỗi lần con Hà đi ra phố đến trường, những lời đàm tiếu ném sau lưng nó. Những mụ quạt bánh tráng tay vẫn quạt, các ông thợ may chân đạp pedal lại nói gì đấy với nhau rồi cười hô hô.

Trước khi mẹ con Hà về ở với bố nó, còn một người đàn bà khác, nghe đâu bố con Hà vớt được trên sông. Sinh kế của hai vợ chồng dựa vào nghề bán cá giống. Bố con Hà không nuôi cá bột, mà dùng một phương pháp mua cá độc đáo. Những gã bán cá bột từ các làng khác ghé nhà con Hà, bố nó chào đón rôm rả bằng chè xanh, thuốc lào, rượu thuốc, rồi ngã giá đổ cá bột xuống ao. Bố con Hà bảo khách bán cá đợi, để đi vay tiền về trả. Người đàn bà ở nhà lẳng lơ với khách, máu trai lơ nổi lên, tưởng vớ được lộc trời, liền lôi vô buồng hành sự. Bố con Hà về đúng lúc, khách bán cá trần truồng bỏ chạy ra bãi dâu. Khách mất cả cá, cả xe, quần áo cũng không dám kháo cho ai biết.

Nhưng một ngày có tay bán cá giống bợm, nó thản nhiên hành sự với người đàn bà, rồi đánh bố con Hà thừa sống thiếu chết. Nhà con Hà biệt lập chả có xóm giềng nào biết. Người đàn bà sau đó cuốn gói bỏ đi với tay bợm biệt tích.

Trong làng, tôi vẫn làm nhiệm vụ hái cỏ hương huyền. Những cậu bé trong làng đủ tiêu chuẩn vẫn được các bậc trưởng thượng âm thầm họp bàn bạc bí mật lựa chọn. Lập xuân, tiểu mãn, mang chủng, hạ chí, lập đông vẫn theo màu nước sông và đến đi. Tôi đã không còn bị dội khi uống rượu chiên đàn. Thậm chí tôi còn thích thú vị đắng ngọt trên đầu lưỡi, mùi hương mê đắm huyền bí của thứ nước màu tím, và nghiện những cơn mơ màng của rượu. Gia đình tôi sống khá giả nhờ số tiền cung dưỡng hào phóng của làng. Cha tôi bảo, nếu tôi là đồng tử suốt đời, sẽ mãi là người được giao nhiệm vụ hái cỏ. Làng tôi sẽ mở hội ba tháng ăn mừng. Đó là điềm lành mấy trăm năm có một. Người hái cỏ giữ nguyên trinh bạch suốt đời sẽ được người làng tôn kính, mọi người gặp sẽ quỳ lạy, làng sẽ xây nhà thếp vàng có gắn phù điêu một trăm con hạc bằng bạc làm nhà ở, khi người đó lìa bỏ thân xác phàm trần sẽ được làng xây đền thờ cúng như một vị thành hoàng làng.

Tôi đã mười bảy tuổi. Có một sinh lực kỳ lạ đang trỗi dậy trong tôi, không giấu mọi người bằng đám ria trên mép và trứng cá trên mặt. Tôi thấy Hà ngày càng thân thiết với thầy Tường. Hà đã có một vài bài thơ và tản văn đăng báo. Hà thành người nổi tiếng ở trường và thị trấn, những lời đàm tiếu về Hà càng nhiều hơn. Tôi đi học sớm hơn, cố tình đợi Hà ở gốc cây bàng gần đê. Cây bàng vào tiết mang chủng xanh biếc đã chứng kiến tôi tỏ tình với Hà. Hà hứa sẽ trả lời khi cây bàng lá đỏ.

Con phố ngắn đầy những lời đàm tiếu, kéo dài từ những tàn tro nóng hổi của lò quạt bánh tráng, kéo qua những tiếng lạch cạch của bàn máy may, kéo qua mùi nước dùng dậy mùi húng lìu của quán phở, cuối cùng đậu lại ở cửa hàng thuốc đông y của bố thầy Tường. Ông già chừng năm mươi, râu ba chòm, mặc áo nhật bình màu huyết dụ đang ngồi bên dao cầu cắt thuốc. Chuyện bố con Hà từ ngày lấy mẹ con Hà thì chuyển sang mạn ngược chuyên nghề thầy cúng và bán thuốc rong. Cúng bái thì khỏi cần chuyên môn, nhưng bốc thuốc thì phải biết dược lý. Nhưng bố con Hà khá mát tay, người ta bảo bố nó có bàn tay phục dược. Bí mật của bố nó là hỏi bệnh nhân triệu chứng, sau đó mô tả lại cho mấy vị danh y có nghề kê đơn, bố con Hà độn thêm vỏ cây duối vào, một thang thành hai. Bí mật chỉ có vậy. Người mấy làng xung quanh vẫn gọi bố nó là lang băm.

Đông chí năm nay đến, những cây xương bồ đã tàn. Đêm vừa đổ bóng đen xuống bãi sông, những con gà nước đi ăn trong đêm mắt lấp lánh. Những sợi chỉ ngũ sắc phát ra ánh sáng lân tinh. Tôi nhanh tay hái những cây hương huyền, tổng số được hai mốt. Năm sau trong làng tôi hai mươi mốt người sẽ chết. Từ ngày tôi hái cỏ hương huyền, số cỏ không thừa không thiếu. Cha tôi và các vị trưởng thượng mừng thầm, đó là điềm báo tốt lành cho tôi và dân làng. Tôi về nhà và uống rượu chiên đàn như thường lệ, ngủ một giấc không mộng mị.

Hôm nay là ngày đông chí, lá cây bàng chuyển màu đỏ chu sa. Tôi đợi mãi không thấy Hà đâu nên vội vàng đến lớp. Đi đến nơi sực nức mùi thuốc bắc, không thấy thầy Tường đâu. Tôi cố quên chuyện người ta kể, bố thầy Tường ngày xưa có dan díu một cô diễn viên chèo. Cô diễn viên chèo có thai, mẹ thầy Tường thuê người đánh ghen rạch mặt, nên bỏ đi không tung tích.

Vừa đi vừa cố quên những lời đàm tiếu về người khác, nhưng trí nhớ con người có kiểu hoạt động của nó, khi giác quan tiếp xúc với những thứ gợi nhớ về ai đó, thì kho kí ức về người đó hiện ra. Vừa đến lớp tôi thấy thầy Tường đang nói chuyện với Hà, có vẻ hai người đang vui vì bài thơ của Hà mới được đăng báo. Tôi ngồi trong lớp lơ đãng nhìn qua cửa sổ, gió mùa đông làm những trái khế trái mùa rụng đầy gốc trong vườn. Sang năm, tôi sẽ mười tám tuổi. Tôi phải từ bỏ nhiệm kì hoặc thề sống suốt đời đồng tử để hái cỏ hương huyền.

Chúng tôi đi về lặng lẽ bên nhau, đến gốc cây bàng, dừng lại nói chuyện. Hà nói gì làm tôi lùng bùng lỗ tai, gió thổi mạnh làm lá đỏ rụng tơi tả. Hà đi rồi, tôi đứng trơ khấc một mình dưới gốc cây bàng khẳng khiu trụi lá.

Tôi chạy một mạch về nhà, nằm vật ra giường, nước mắt chảy ra tràn gối. Tôi lịm đi một lúc, rồi có gì bên trong dựng tôi dậy. Tôi đập chân tay xuống giường. Rồi như nghĩ ra điều gì, tôi chạy vụt ra đường. Bố tôi chạy theo, nhưng tôi đã chạy nhanh hơn lời gọi của bố. Trời mùa đông rét căm căm, mưa bụi nhỏ mà thân tôi ướt mèm. Tôi ghé quán rượu cuối phố, cố nốc một chai bảy lăm rượu nếp. Rượu chua như chanh, làm dạ dày tôi sôi lên. Tôi không say được, trong lòng trào mãnh liệt hai cơn sóng. Một cơn sóng yêu Hà tha thiết, một cơn điên muốn băm cô thành trăm mảnh.

Tôi không nhớ mình đã đi đâu và bao lâu. Ánh đèn trong nhà hắt ra vàng vọt, tôi biết trời đã tối. Tôi lầm lũi đi vào bãi dâu, trời tối mịt mùng. Những làn sóng yêu hận trong tôi lại bùng dậy xô đẩy, làm tôi xây xẩm mặt mày, tôi không thể gọi tên cảm xúc. Tôi đang ở ghềnh dâu, nhìn từ bóng tối qua phía ánh sáng đỏ quạch, thấy Hà ngồi ăn cơm với một người đàn ông và một người đàn bà mặt đầy sẹo có cái cằm dài rất lạ và duyên.

Tôi câm lặng trong bãi dâu, nhìn gia đình họ ăn cơm, lòng tôi dịu lại đôi chút. Thấy Hà tôi tìm được sự bình yên, nhưng nước mắt lại tuôn trào.

Cỏ hương huyền, rượu chiên đàn và người ăn tội - Truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn
Ảnh minh họa

Ra khỏi bãi dâu lúc nào không biết, tôi đi về phía sông. Đã đến cầu phao nhưng không lên cầu, tôi nghe nước chảy dưới chân. Không nghĩ gì, tôi nhảy ùm xuống nước trong đêm đen.

Tôi thấy mình bị đóng thành băng. Sáu người vác tôi vào ngôi nhà bằng vàng, những đồ dùng bằng pha lê trong suốt. Bên ngoài những con chim hạc bằng bạc bay lượn. Khắp nơi xộc lên mùi hương kì lạ, không giống bất kì loại hoa gì, xạ hương hay chiên đàn.

Tôi tỉnh dậy trên giường nhà mình trong chăn ấm, người ngây ngấy sốt. Bố sờ đầu hỏi tôi sao mùa đông mà tắm sông. Tôi lặng im mắt rơm rớm. Bố bảo ai đã uống rượu chiên đàn thì các loại rượu khác không bao giờ say.

Tôi chẳng thiết học hành gì cả. Nhưng vẫn đến lớp để chủ yếu nhìn thấy Hà. Ở phố huyện đã có những lời đồn về cô nhà văn trẻ và thầy Tường với những lời không hay ho.

Các vị trưởng thượng của làng và bố tôi đã bàn với nhau. Họ kiếm mua chiên đàn tốt nhất ngâm rượu cho tôi uống. Nhưng càng uống rượu chiên đàn, tôi như người mất trí, những làn sóng yêu thương hờn giận không như sóng sông Cụt độ xuân phân mà nó cường điệu lên như sóng thần bể Đông.

Họ bảo tôi đã mắc lời nguyền.

Những người làng tôi vẫn sống vô tư lự. Họ làm những gì mình muốn, nghĩ những gì thích. Họ tin cỏ hương huyền còn mọc, người ăn tội vẫn đến, họ vẫn là người thanh sạch trước mọi tội lỗi.

Nghỉ hè, tôi không được gặp Hà nữa. Một ngày thiếu bóng dáng đôi mắt buồn và cái cằm xinh, tôi càng nốc rượu chiên đàn để tìm quên. Hàng ngày tôi vẫn ra phố tìm bóng nàng nhưng không thấy đâu.

Những lời đàm tiếu nhanh như gió từ đầu phố đến cuối phố. Những người vô tư tán chuyện hai anh em cùng cha khác mẹ yêu nhau.

Tôi đi theo lối mòn, chui qua dâu để đến nhà Hà. Người đàn bà ngồi trên tràng kỉ lau nước mắt, người đàn ông ngồi uống rượu, miệng đay nghiến, quả báo đời mày, lũ loạn luân.

Cảm xúc yêu hận trong tôi như nước cường toan, nó bào mòn niềm vô tư lự bằng lặng thành những gai nhọn đâm vào tâm can. Bố tôi bảo nếu không có giải pháp cuối cùng, việc xấu nhất sẽ xảy ra.

Các vị trưởng thượng bảo, ai đã lấy đúng số cỏ hương huyền bằng số người chết trong nhiều năm, người đó đã được chọn.

Tôi phải đi tìm Hà, để nói rõ cho cô biết mối tình tội lỗi của cô với thầy Tường.

Tôi soạn đồ nhét vào túi định đi. Như sực nhớ điều gì, tôi quay về buồng rót một chai nhựa rượu. Luýnh quýnh thế nào rượu đổ tràn ra đất. Mùi hương chiên đàn loang ra khắp nhà, ngoài vườn sực nức. Một bàn tay chạm vào vai, tôi quay lại thấy bố. Bố bảo, chỉ còn đêm nay là hết tiết đại thử, mấy trăm năm nay chưa ai thành thành hoàng làng, con là người được chọn, thử thách càng lớn, con người có thiên tính thật khó vượt qua, bố đã dám phản bội lời hứa với làng để cứu con, tuy cứu được con, nhưng số cỏ hương huyền sẽ thiếu, một người được cứu, một người làng sẽ không được ăn tội, rồi làng mình sẽ loạn.

Đêm hè nóng như nung. Tôi cầm ngọn cỏ khô đi ra phía sông nằm dài trên bãi cát. Đợi khi sao tua rua mọc giữa trời, tôi run rẩy đặt cây hương huyền khô lên bụng rồi bật diêm đốt. Mùi xạ hương và mùi nước đái khỉ lan theo gió khắp bãi sông. Thoáng chốc, gió sông thổi lên rất mạnh, trời mây đen vần vũ. Một chiếc thuyền lướt trên sông. Tôi lóa mắt nhìn ánh vàng và ánh bạc. Người ăn tội đã xuất hiện. Nhìn thấy ông, tôi tiến lại gần. Hai tia sáng từ chiếc mặt nạ chim chiếu vào mắt mình, tôi thấy không còn sức lực khụy xuống. Ông ta quát lớn:

- Người chết đâu, tên kia to gan.

- Thưa ông tôi quá đau khổ!

Hãy ăn tội cho tôi.

- Ngươi biết rồi đây làng ngươi sẽ loạn, mọi người cảm thấy đầy tội lỗi và họ sẽ đổ tội cho nhau, tội lỗi sẽ lây lan như bệnh dịch.

- Tôi chịu mọi giá, miễn ông ăn tội cho tôi.

- Ta chỉ ăn được tội của người chết, người sống ta không thể. Một ngoại lệ.

- Như thế nào?

- Ta ăn tội sống cho ngươi.

Nhưng ngươi phải làm người ăn tội, người ăn tội phải bất tử, không bao giờ chết được.

Tôi bất chợt nghĩ đến tình yêu dành cho Hà, trái tim tôi đau nhói. Một năng lượng nguyên thủy trong tôi trỗi dậy, đó là một thứ nằm ngoài sự diễn đạt của ngôn ngữ con người.

Trong nháy mắt, chiếc thuyền của người ăn tội biến mất trong sương mù.

Tôi chạy thục mạng lên phía cầu phao, nơi bố tôi đang mang hành lý chờ.

Chúng tôi đã bỏ sông Cụt đi sang một xứ lạ, ở đó người ta không quan tâm tới hai tư tiết khí. Thật ra người ăn tội đã cho tôi một món quà vô hình đặc biệt trước khi rời đi. Với món quà đó, Hà, những người ở sông Cụt, hoa hương huyền và vị rượu chiên đàn chỉ là khoảng mờ trong kí ức rồi tan thành hư vô.

Vũ Văn Song Toàn | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Vết thương thành thị - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy Báu vật - Truyện ngắn của nhà văn Vũ Đảm Những buổi chiều ngang qua cuộc đời - Truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy Trăng nơi đáy giếng - Truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai Trước tuổi ba mươi - Truyện ngắn của Phan Tấn Linh
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.