Sáng tác

Thành hoàng hồi hương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Nguyễn Thu Hằng
Truyện
10:00 | 09/08/2024
Baovannghe.vn - Ông Khuyến trở dậy, khẽ khàng ra mở cửa. Sân vườn vẫn một màu sâm sẫm. Mấy vòm cây nhãn trước cổng quánh thẫm lại trong làn sương sớm.
aa

Ông Khuyến trở dậy, khẽ khàng ra mở cửa. Sân vườn vẫn một màu sâm sẫm. Mấy vòm cây nhãn trước cổng quánh thẫm lại trong làn sương sớm. Con gà trống nhà ai vừa gáy vang một chặp dài, những âm thanh “ò ó o o” như rơi thành từng vòng tròn, nhỏ dần, nhỏ dần rồi tan lẫn trong sương. Không khí tưởng đang nở dần ra. Không gian thoảng mùi hoa bưởi.

Cây bưởi đã nở hoa đúng như ông dự tính. Ông sẽ hái một đĩa hoa bưởi dâng lên cúng Thành hoàng. Hôm nay, cả làng Chằm mở hội đón Thành hoàng hồi hương. Ngôi đình cũ không còn, nhưng cái nhà văn hóa cũ đã được ông cùng mấy ông bạn trong hội cựu chiến binh sang sửa khang trang để đón ngài.

Sương đang xuống nhanh, ông Khuyến đi vào nhà, mặc thêm cái áo khoác cho bớt lạnh.

“Bố định ra đó ngay bây giờ sao? Vẫn còn sớm mà!”

Thằng Phước trong đống chăn màn lùng nhùng hỏi ra, giọng ngái ngủ. Ông Khuyến khoác áo, rót cốc nước ấm, uống một ngụm:

“Hôm qua ghép xong cái hiên muộn, bố chỉ lau qua quýt. Nay bố ra sớm lau lại kẻo vữa két thì trông lem nhem. Mà mày cũng dậy chuẩn bị đi. Đúng bảy giờ có mặt ra cổng làng rước ngai của ngài về đình, nghe chưa?”

“Về nhà văn hóa cũ chứ đã phải đình đâu ạ?”

“Đình là nơi thờ cúng Thành hoàng. Trước là nhà văn hóa cũ giờ ngai ngài Thành hoàng hồi hương về đấy tức là ngài về đấy rồi, gọi là đình cũng được.”

Thằng Phước im im. Nó uể oải ngồi dậy gấp chăn, màn. Uống hết cốc nước, ông Khuyến vào đánh răng, rửa mặt. Ông vừa toan bước chân ra cửa thì từ trong bếp thằng Phước lại gọi giật ông lại:

“Con rang cơm nguội với trứng rồi. Bố ăn xong hãy đi!”

“Thôi, bố chẳng thấy đói. Để tới trưa ăn cỗ làng một thể.”

“Thế thì bố tụt huyết áp đấy. Bác sĩ bảo không được để đói.”

“Nay khác. Đón Thành hoàng về, cả làng vui, bố chỉ có mà tăng huyết áp ấy chứ!”

Mắt ông Khuyến háy lên hân hoan.

Không chỉ ông Khuyến, cả làng chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi. Công việc đón rước, lễ hội đã đâu vào đấy. Có lẽ không chỉ ông mà nhiều người đã dậy sớm để ra đình. Khách trên xã, trên huyện, rồi cán bộ văn hóa, đến cả cụ Tứ một trăm tuổi trong Nam cũng đã bay ra. Đoàn rước, đoàn tế lễ dâng hương, đón tiếp, hậu cần, văn nghệ, múa lân... tất cả đã sẵn sàng.

Thằng Phước được vào đoàn rước là một vinh dự đối với ông. Không ngờ cái thằng bé quặt quẹo ngày trước giờ đã là một trai làng Chằm cường tráng, được chọn vào đội rước kiệu. Từ hôm nhận được tin ấy, ông Khuyến thấy người cứ khỏe ra. Ông căn dặn con từng cách đặt tay lên kiệu, đòn, cách giữ lưng thẳng, bước chân đi, cả ánh mắt nhìn...

Ngày trước, lúc ông mười bảy tuổi, còn kém tuổi thằng Phước bây giờ, ngày hội đình ông cũng được chọn trong đoàn rước kiệu Thành hoàng từ đình ra quán rồi lại trở về đình. Lúc rước ngài đi qua cánh đồng, đoàn rước đang đi bỗng lao xuống ruộng lúa nếp mới cấy. Cứ thế xoay dưới đó cả chục vòng. Chẳng hiểu, lúc ấy cánh trai làng sức ở đâu mà khỏe thế. Ruộng lúa bùn ngang ống chân, mười người con trai rước kiệu mặt đỏ văng ra sức xoay theo kiệu để giữ thăng bằng. Người già bảo: Tướng quân đang điều binh khiển tướng. Chân ruộng ấy, trước tướng quân đi đánh trận đã dừng lại dựng lều trại cho quân lính nghỉ chân. Bây giờ rước ngài qua đây, ngài vui đấy.

Xong lễ rước, Khuyến về nhà thay quần áo, đi qua ruộng lúa nếp, thấy cả nửa ruộng lúa bị giẫm nát như bị cả đàn trâu xuống đằm. Chi đang lội ruộng vừa cầm đám mạ dặm lúa vừa cố vuốt những cây lúa gãy lên. Nhìn xuống bàn chân vẫn còn vương vết bùn, Khuyến chợt áy náy, bèn cất lời muốn xin làm cùng Chi. Chi bực, bảo Khuyến đi về thay đồ mà ra đình ăn cỗ cùng cái Mai, thằng Toản trong đội rước, đừng diễn trò ở đây nữa. Khuyến tìm lời nói mong Chi hiểu cho. Chi không hiểu mà còn cắm cảu quát Khuyến không được bước chân xuống ruộng lúa, rồi quay phắt đi. Khuyến lủi thủi về nhà tắm rửa. Lúc ra đình ăn cỗ mà lòng Khuyến chỉ thấy bóng Chi và đám lúa gãy rập.

Đấy là lễ rước kiệu đầu tiên và cũng là duy nhất mà Khuyến được tham gia đội rước. Đấy cũng là hội đình cuối cùng của làng. Mấy tháng sau, ngôi đình bị phá dỡ. Lúc ấy Khuyến còn đi chăn trâu bên sông Cái, còn mải lặn xuống sông đánh trai, mò ốc. Chiều tối cùng đám bạn rong trâu về thì đình đã bị phá dỡ tan hoang. Đến bức tường lửng cũng chẳng còn, hai cánh cửa sổ cũng bị khuân đi. Nền đình chỉ còn những mảng vữa nát, gạch vụn. Ngai của Thành hoàng bị lưu lạc từ dạo ấy. Những dư âm về đình làng cũng dần nát vụn như vữa cũ.

Thành hoàng hồi hương - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng
Thành hoàng hồi hương - Truyện ngắn Nguyễn Thu Hằng

“Con nghe nói, sớm nay bốn giờ máy bay mới hạ cánh?”

“Lịch trình là thế. Từ sân bay về làng ta cũng chỉ mất hai tiếng là cùng.”

“Ngài Thành hoàng thế mà sướng, được chu du các nước mấy chục năm giờ lại trở về.”

Ông Khuyến nhìn thằng con, nét mặt nghiêm nghị:

“Không được nói tùy tiện. Thành hoàng chứ có phải thanh niên như tụi con chỉ thích đi chơi đi bời đâu mà sướng. Đây là ngai của ngài bị phiêu bạt. Bố đã kể cho con một lần rồi đấy. Tướng quân Phạm Ngũ Lão là danh tướng đời nhà Trần có công đánh đuổi giặc Mông - Nguyên. Khi ông đánh đuổi giặc đi qua làng Chằm, đã dựng lều cho quân nghỉ lại một đêm. Thấy dân làng đói khổ ông đã ban cho bạc, gạo. Sau khi ông mất, dân làng đã tôn ngài làm Thành hoàng làng. Thành hoàng làng là vị chỉ huy tối linh của làng không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về mặt đời sống sinh hoạt vật chất. Ngài bảo vệ, phù hộ dân làng làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào, tránh mọi thiên tai dịch họa. Ngài là vị thần hộ mệnh của dân làng. Ngai của ngài bị người ta lấy đi ngay từ khi phá đình, nay mới tìm thấy được và đưa về. Ngai của ngài phiêu bạt xứ người thế thì ngài đâu có chỗ để về ngự. Con dân của ngài ở làng. Ngài được về làng mới là về nhà của ngài. Hôm nay, ngai của ngài hồi hương là ngài linh ứng hồi hương về ngự ở đình làng mình. Ngài sẽ bảo vệ, phù hộ cho dân làng, con hiểu chứ?”

Thằng Phước gật gù ra vẻ hiểu chuyện hay là nó tỏ ra thế cho ông Khuyến không lên giọng giảng giải nữa.

“Bố đã biết người tìm thấy ngai và đưa về là ai chưa?”

“Chỉ biết là một người con trai của làng Chằm. Còn là ai thì hôm nay mới rõ. Anh cán bộ văn hóa nói để tạo niềm vui bất ngờ.”

“Thế là bí mật đến phút chót ạ? Hồi hộp quá!”

“Ừ. Đêm qua, bố mãi mới ngủ được đấy. Thôi, mày ăn cơm đi rồi ra sớm. Bố ra đình luôn đây. Còn nhiều việc lắm.”

Ông Khuyến lấy cái rổ tre ra cổng hái hoa bưởi rồi bê ra đình. Đường làng đã rõ mặt người. Gà gáy vang theo bước chân. Ra tới ngã ba, gặp ông Toản tay cầm thước tay cầm thuổng, đi phăm phăm phía trước, ông Khuyến bước nhanh đuổi theo. Ông Toản cùng trong đội sửa chữa nhà văn hóa cũ thành đình để rước ngai Thành hoàng. Trong vòng nửa tháng, cái nhà văn hóa xập xệ, tường tróc, ngói xô đã được tu sửa. Tường sơn vàng, mái ngói đỏ au. Bên trong, bệ thờ xây đúng mẫu gian thờ trong đình cũ theo trí nhớ của mấy cụ cao niên trong làng. Hai cây đề phía đầu hồi, mấy bụi mẫu đơn trước cổng cũng được cắt tỉa gọn gàng. Đến lối đi vào lát gạch cũ đã mốc rêu xanh cũng được mấy ông đánh cho đỏ au lên. Những người khó tính nhất vào ngắm cũng tấm tắc khen các ông cựu chiến binh già mà nhiệt tình, khéo tay, xây bệ thờ uy nghi, sửa cái gì là đẹp cái đấy. Khi mấy cô bên hội phụ nữ vào trang hoàng thêm lọ hoa, đèn thờ, mâm ngũ quả thì cảnh tượng càng thêm trang nghiêm, lộng lẫy. Tối qua, cánh thợ xong muộn, trông ông Toản cầm đồ nghề thế này, ông Khuyến đoán hẳn là còn việc chưa hoàn tất.

Ông Khuyến đuổi kịp ông Toản:

“Ông Toản đấy à? Đi nhanh thế không biết!”

Ông Toản giơ cái thước dây lên:

“Tối qua tôi ngắm lại có vẻ như treo chùm đèn nháy chưa được cân ông ạ. Nay ra sớm đo lại xem sao còn chỉnh. Còn cái thuổng này mang ra để đào lỗ cắm lại cờ. Chứ tụi trẻ cứ cắm không xuống đất thế, nhỡ chạm mạnh vào là đổ cờ.”

“Qua giao việc cho thằng Tường thanh niên mà chúng nó làm hời hợt thế sao ông?”

“Thì tôi thấy mấy đứa trẻ đuổi nhau va vào cờ đổ chỏng quèo. Tôi ra kiểm tra mới biết chúng chỉ cắm hờ xuống. Phải chôn cọc cho chắc. Cứ phải cẩn thận từ những việc nhỏ nhất.”

“Vâng, ông nói đúng đấy! Hôm qua tôi lát xong viên gạch cuối cùng mà còn áy náy chưa lau kĩ càng nên nay cũng phải ra sớm đây!”

“Ta đi mau thôi! Bà nhà tôi bảo cánh nền bà họ ra nấu xôi, chè, bánh đúc từ đêm ấy ông ạ!”

*

Trời sáng dần.

Vừa bước vào sân, thấy cảnh cờ đèn, kiệu lọng, hoa nến trang hoàng, người qua lại chuẩn bị công việc, tiếng gọi nhau, tiếng chuyện trò rôm rả, ông Khuyến cảm thấy lòng xôn xao tựa như tán cây buổi sớm có cơn gió mát thổi qua. Phía sân giếng, tiếng nước dội, tiếng gầu múc nước, tiếng bát đũa va vào nhau. Phía cửa bếp, tiếng mấy bà hò nhau chắt nước, bê nồi, lấy đôi đũa cả, với cái rổ lá chè xanh... cảnh tượng nấu cỗ làng đông vui nhộn nhịp tựa như những năm ông còn trai trẻ. Dâng đĩa hoa bưởi lên ban thờ, thắp một nén hương, hành lễ ba vái một xá xong, ông Khuyến ra lau lại hàng gạch lát hiên. Ông lau cả cánh cửa chính, cửa sổ cho bóng lên. Hôm nay cái gì cũng phải sạch sẽ, đẹp đẽ, thơm tho. Đến tấm lá chuối xanh để chuẩn bị đổ bánh đúc mà bà Toản còn lau mấy lần nước giếng, nước mưa. Ông Khuyến ra giếng giặt đám khăn lau, nhìn thấy bà Toản làm thì trêu:

“Bà có cần tôi gọi ông Toản ra múc nước cho không?”

Bà Toản cười hóm hỉnh:

“Cần gì ông Toản. Có ông ở đây, ông vào bếp giúp em một tay nhấc nồi bánh đúc ra với!”

“Đổ bánh đúc à? Tôi sẵn sàng!”

Bếp chất củi nhãn, khói bay từng ngọn uốn mềm như dải lụa. Hai nồi bánh đúc vừa chín tới trên bếp. Ông Khuyến một quai, bà Toản một quai. Sau tiếng “hai, ba” cả hai cùng dồn sức nhấc nồi khỏi bếp, đưa ra ngoài. Hai chiếc nia đã rải một lượt lá chuối. Bánh đúc được đổ ra nia. Bà Thu sẵn tay cầm cái muôi đại, cán bánh đều khắp miệng nia. Mùi bánh đúc chín bay lên. Ông Khuyến nhìn thấy má hai bà già dần ửng hồng như gò má thiếu nữ, đôi mắt nhăn nheo như sáng hơn. Màu hồng ấy, ánh mắt ấy do ngồi nấu bên bếp lửa, do khói, do bánh đúc chín hay do hội làng? Do được quần tụ đoàn viên trong văn hóa tín ngưỡng làng xã? Ông Khuyến nhìn lướt qua mọi người có mặt sớm đang làm công việc của mình trong ngày hội đình thấy ai cũng nét mặt, ánh mắt ấy. Có lẽ mọi người cũng như ông, đang được sống lại những giây phút tuổi trẻ năm xưa trong những ngày hội đình. Niềm vui trong lòng đã đánh thức sức trẻ dù hình dáng bên ngoài có già nua theo thời gian.

Bà Toản cạo cháy dính nồi.

“Này, hai ông ăn thử miếng cháy bánh đúc nhá! Cháy dính nồi chỉ có mà thơm, ngon, béo, ngậy, giòn, bùi.”

Ông Toản đã cắm lại hàng cờ xong đang ra giếng rửa chân tay. Ông Khuyến đón lấy miếng cháy bánh đúc, còn đang cầm trên tay ngắm cái màu vàng hơi bắt ánh lửa, hít hà mùi bánh đúc quện mùi vôi nồng thì bà Toản đã đút một miếng bánh vào miệng ông Toản. Hai ông bà cười với nhau như trẻ thơ. Ông Toản nhai ngon lành. Đoạn bà Toản lại gọi mấy đứa trẻ con theo mẹ ra đình sớm lại, véo cho mỗi đứa một miếng. Miếng cuối cùng mới dành cho mình. Bà vừa ăn vừa kể:

“Ngày trước, còn bé, cứ có hội đình là tôi và cái Chi lại theo u tôi ra từ sớm để được ăn miếng cháy bánh đúc. Hồi bé ăn bánh đúc sao mà nó ngon thế không biết!”

Ông Toản trêu vợ:

“Bé thì ăn cái gì chẳng ngon. Mà chẳng cứ bé, cái lần hội đình cuối cùng ấy, tôi và ông Khuyến được chọn trong đội rước kiệu, bọn tôi ra sớm đã thấy Mai với Chi vẫn ngồi vét cháy bánh đúc đấy thôi!”

Mai là tên bà vợ ông Toản. Làng có lệ, gái đi lấy chồng thì gọi theo tên chồng. Nên giờ thành quen, mọi người gọi Mai là bà Toản. Bà Toản - Mai đang cạo nốt cháy bánh đúc nồi thứ hai và kể chuyện ngày xưa. Cả Mai và Chi đều thích ăn bánh đúc. Bà thương cô ấy xa quê mấy chục năm, biết có được ăn miếng bánh đúc nào nữa không?

“Nếu Chi ở làng có khi ông Khuyến lại chẳng đơn chiếc như thế này ấy chứ!”

Không ngờ bà Toản lại nói vậy. Ông Khuyến bất ngờ chẳng kịp trả lời. Kí ức của ông về Chi vừa trỗi dậy còn đang hỗn độn. Ông Toản cười:

“Đời người đâu có thể từ giả định để kết luận được đâu. Ông ấy có được thằng Phước, nó sẽ cưới vợ, sinh con đàn cháu đống, sao đơn chiếc được. Mà ai như thằng Phước đã ra kia kìa.”

Đúng là thằng Phước đang đi ra đứng vào đội rước kiệu nghe ông trưởng thôn nhắc nhở điều gì đó rồi đoàn rước khởi hành. Ông Khuyến nhìn theo thằng con, nhìn đoàn rước đi ra đường làng. Trời cho ông thằng bé dễ bảo, nó chưa làm ông phiền lòng bao giờ. Nay được rước kiệu tức là nó chính thức được công nhận là trai làng trưởng thành. Ông nhìn theo ánh mắt nó đang cười với đứa con gái mặc áo dài trắng, lưng quấn khăn lụa đỏ, bê lẵng hoa. Hai đứa chúng nó nhìn nhau ý nhị lắm. Hay là thằng Phước thích con bé? Mà con bé trông quen quen. Nheo mày ba cái thì ông Khuyến đã nhận ra con bé là cháu nội gái đầu lòng ông Chiến. Ông Chiến là em trai Chi, hẳn nào mà ông thấy con bé có nét gì đó quen quen.

*

Chi đi từ sau vụ gặt chiêm năm ấy. Năm mà ruộng lúa nếp nhà Chi bị đội rước kiệu lội xéo gãy nát phải cấy dặm lại. Chẳng biết có phải Thành hoàng cho ăn lộc, ruộng lúa nhà Chi sau bội thu nhất làng. Sào rưỡi ruộng mà được ngót bốn tạ thóc nếp. Mẹ Chi gặt sớm, có thóc làm cốm, chày giã vang cả xóm Đình. Tối ấy, Khuyến và Toản theo chân Mai sang nhà Chi chơi. Khuyến còn giã cốm cùng Chi để kịp làm quà ngày mai Chi theo mẹ đi tàu về quê ngoại ở Lào Cai ăn giỗ bà ngoại. Hai đứa ngồi dưới mái hiên bếp cùng giã cốm trong ánh đèn dầu leo lét mà chỉ dám nhìn trộm nhau. Mùi cốm thơm lựng góc bếp. Tiếng Mai kêu lên “Mùi quá lửa hay sao ấy!” Cánh tay Toản dụi vội nắm rơm đang cháy vào đống tro. Chi chạy vào. Mẻ cốm ấy đổ ra rá xém màu cánh dán. Bốn đứa phi tang bằng cách bốc ăn nhanh cho hết rồi vội cho mẻ khác vào.

Chợt có tiếng gà gáy sớm vang lên. Tiếng bố Chi húng hắng ho, và mẹ Chi xuống giục mấy đứa về ngủ để mai còn đi làm đồng. Chi tiễn đám bạn đến cổng. Khuyến lui lại, hỏi nhỏ Chi một câu: “Chi đi bao lâu thì về?” Hai mắt Chi chợt ánh lên lấp lánh như vì sao trên trời đêm thăm thẳm. Chi nói còn phụ thuộc vào mẹ và chuyến đi. Đã chục năm nay mẹ chưa về quê. Khuyến chợt nắm tay Chi: “Chi đi sớm về nhé, anh sẽ nhớ Chi lắm đấy!” Lần đầu tiên xưng anh và nắm tay Chi, Khuyến tưởng như trái tim đập mạnh muốn bật ra khỏi lồng ngực. Chi bất ngờ rướn người đặt đôi môi lên má Khuyến rồi chạy vụt vào nhà.

Đêm ấy về Khuyến không ngủ được, ngồi nhìn ra cửa sổ. Trên bầu trời đêm, có hai vì sao cứ nhấp nháy sáng như đôi mắt của Chi. Bọn trai làng từng chấm điểm đôi mắt Chi đẹp nhất làng. Khuyến đã lo lắng vì bọn chúng cũng phát hiện ra điều đó. Khuyến đã biết mắt Chi đẹp từ lâu rồi. Và Khuyến mê đôi mắt ấy. Biết đâu trong bọn trai làng lại chẳng có khối thằng cũng mê. Khuyến cứ thấp thỏm lo sợ vu vơ. Nhưng đêm ấy, Khuyến không còn lo sợ nữa. Sờ tay lên má, chỗ Chi đã đặt nụ hôn nhẹ lên, Khuyến vẫn còn thấy sự mềm ngọt của làn môi con gái. Có cả hương cốm mới vẫn còn thoảng đâu đây.

*

Hương cốm còn vấn vương theo chân Khuyến vào tận chiến trường. Đến tận sau ngày hòa bình, cứ mỗi mùa lúa mới, ông Khuyến lại bất chợt thấy hương cốm thoảng quanh. Chỉ có Chi là không trở về. Chi đi sau khi Khuyến lên đường tòng quân. Mấy năm đánh trận trong rừng, không nhận được thư Chi nhưng khi Khuyến bị thương đang nằm điều trị tại bệnh viện quân y thì nhận được thư của Chiến. Em trai Chi báo tin là Chi đã theo chồng ra nước ngoài, còn dặn ông đừng viết thư về nữa. Người đọc thư của Chiến cho Khuyến nghe là Hòa, thanh niên xung phong, bệnh nhân cùng điều trị. Lúc ấy, Hòa bị thương nhẹ, do sức ép của bom khi Hòa cùng tổ trinh sát đi phá bom. Lá thư ấy Hòa giữ cho đến mãi về sau, một lần sắp xếp đồ cá nhân cho vợ, ông Khuyến tìm thấy dưới đáy ba lô. Những dòng chữ xô lệch vào nhau, mờ nhạt theo thời gian. Ông cũng không đọc lại nữa. Sau ngày Hòa mất, ông đã hóa nó cùng với cuốn nhật kí viết trong rừng của ông, cùng với những thư từ, ghi chép của Hòa. Hòa muốn đem theo chúng sang thế giới bên kia. Hòa mang đi những kí ức rõ rệt nhất về Trường Sơn trong ông.

*

Ông Khuyến lại vào ban thờ thắp một nén hương. Nơi đây, có thời gian được trưng dụng làm nhà mẫu giáo làng. Hòa theo ông về làm dâu làng Chằm, làm cô giáo mầm non, một mình dạy tất cả các trẻ từ hai tuổi đến năm tuổi. Sau xã xây trường mầm non thì trẻ con đưa lên đấy học. Hòa bệnh nặng rồi cũng bỏ ông đi như mấy đứa con đã bỏ ông đi khi còn chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Cái nhà văn hóa từ đấy bỏ không khi chính quyền đã xây thêm cái nhà văn hóa mới, to đẹp hơn. Giờ thì nơi đây là ngôi nhà của Thành hoàng. Là đình làng Chằm. Dù chỉ là sửa sang nhưng cũng có ngôi đình riêng để thờ cúng Thành hoàng. Làng phải có Thành hoàng thì mới yên ấm, phát đạt. Ngai của ngài đã hồi hương tức là ngài cũng sẽ hồi hương về ngự ở đây để chứng giám, phù hộ cho dân làng. Ông Khuyến cứ nghĩ vậy mà vui như có những hồi trống trận vang lên trong lòng.

Tiếng trống chiêng dồn ngoài cổng. Nắng vừa bừng lên. Không gian sáng, ấm hơn bao giờ hết. Ông Khuyến đi ra bậc cửa. Nhìn thấy đội rước kiệu đang tiến vào sân, mắt ông bỗng nhòa đi. Trong màu của nhiễu lụa, cờ hoa, khăn áo, ngai Thành hoàng sơn son thếp vàng vẫn uy nghi và thần lực, đang được đoàn rước đưa vào trong đình... Hương nến tiếp tục được châm lên. Những cụ già chắp tay xá trong tràng niệm “A di đà Phật!” Trẻ con bắt chước chắp tay theo. Mọi ánh mắt thành kính hướng về ban thờ. Hai cụ cao niên được cử đặt ngai yên vị xong thì một hồi trống chiêng nổi lên, bắt đầu các nghi lễ cúng, dâng hương chính thức.

Sau bài diễn văn của ông trưởng thôn, mọi người đổ dồn ánh mắt khi một người đàn ông tầm thước khoảng trên dưới 50 tuổi, mặc comple lên phát biểu, giọng hơi lơ lớ người nước ngoài nhưng nghe vẫn rất ngọt tai. Anh ấy chính là người đã đưa ngai Thành hoàng về làng. Anh ấy kể, mẹ con anh trong một lần đến vãn cảnh, lễ Phật, cúng dường tại một ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, bà mẹ đã nhìn thấy cái ngai được đặt thờ khiêm nhường trong một góc nhà mẫu. Bà đã ngờ ngợ khi nhìn thấy một vết sém bằng hai đồng xu ở cạnh chân ngai. Sau đấy, tìm gặp sư thầy chủ trì hỏi thì được biết chiếc ngai được một người thương gia Mỹ cung tiến vào chùa. Ông ấy mua lại từ một người Pháp, người này kiếm được nó ở một ngôi làng Bắc Bộ Việt Nam. Ông ấy định làm bộ sưu tập đồ cổ phương Đông nhưng sau đó ông ta bị ốm, nhiều lần đến bệnh viện không tìm ra bệnh. Có người bạn đến chơi hiểu về văn hóa phương Đông đã bảo ông ta đây là ngai của thần linh, không nên giữ trong nhà. Ông ta đã mang dâng ra chùa. Bà mẹ đã nhận ra chiếc ngai của đình làng mình. Bằng chứng là câu chuyện kể về vết sém ở gần chân ngai là do một lần bát hương trong đình bỗng hóa dương, lửa cháy đùng đùng lên rồi tắt ngay, đã sém vào đó một vệt nhỏ. Sư thầy rất xúc động và sẵn sàng trao ngai về làng. Ấy vậy mà cũng phải mất cả năm trời, nay hai mẹ con mới đưa được ngai về làng... Trong tiếng vỗ tay ran ran, người đàn ông về dãy ghế đầu dắt tay bà mẹ lên bục. Phía dưới có nhiều tiếng nói lao xao. Ông Khuyến dụi mắt để nhìn cho rõ. Chợt bà Toản đi tới, gọi nhỏ:

“Chi! Là Chi! Bà Chi! Hai ông có nhận ra không?”

Ông Toản đứng lên nhìn, rồi ngồi xuống, vỗ đùi:

“Đúng là Chi. Là Chi!”

Ông Khuyến nhìn đăm đăm lên. Đôi mắt kia, khuôn mặt, nốt ruồi kia. Đúng là Chi. Chi đã về. Nhiều tiếng nói nhận ra Chi vang lên xung quanh ông. Tai ông ong ong...

Trên khán đài, sau lời chào là lời giới thiệu run run:

“Tôi là Nguyễn Thị Chi con ông bà...”

Bao nhiêu năm rồi, Chi ơi.

Tiếng vỗ tay lại vang lên hết tràng này tới tràng khác. Đầu ông Khuyến bỗng váng lên, hai thái dương khẽ giật nhoi nhói. Ông đứng dậy lặng lẽ bước về sau đình. Bờ mương đôi đã mở ra trước mắt ông. Cỏ dại lún phún xanh. Lúa đang đẻ nhánh xanh mỡ màng. Trời mây xanh ngằn ngặt. Chân ông giẫm lên cỏ mà đi. Cỏ dẫn bước ông tới trước ngôi mộ của Hòa. Ngôi mộ nhỏ sơn màu vàng đã nhạt theo mưa nắng. Ông đặt lên mộ một nắm hoa xuyến chi. Hoa nhỏ trắng muốt sẽ làm Hòa yên lòng. Cái ngày Hòa bỏ ông mà đi ông tưởng sẽ không đứng lên được. Bao năm sống có Hòa chăm sóc. Ai cũng nghĩ với những vết thương ông Khuyến mang trong mình thì ông sẽ là người đi trước. Ai ngờ. Hòa sẩy thai lần thứ ba thì yếu dần đi. Nửa năm sau Hòa bỏ ông một mình trên cõi đời này. Nhiều người xui ông Khuyến làm hồ sơ xin suất chất độc da cam. Ông im lặng, không làm. Còn gì đau khổ hơn nữa với ông khi có thêm một cái giấy chứng nhận bị chất độc da cam?

Chẳng hiểu sao ông lại ít đau ốm sau khi Hòa mất. Chắc Hòa linh thiêng phù hộ cho ông. Ba năm sau thì ông có được thằng Phước. Hôm ấy đúng ngày giỗ Hòa. Ông đi chợ sắm hoa lễ về cúng giỗ thì gặp thằng bé ăn xin ngồi rét co ro ở đầu chợ. Ông gọi nó vào quán cho ăn bát bún sườn. Và rồi ông dẫn nó về nhà nhận làm con trai. Ông đã xin phép Hòa điều này. Ông dẫn nó ra mộ mẹ thắp hương. Có sự thay đổi nào của nó, ông đều kể với Hòa. Giờ thì ông đến để kể cho Hòa nghe, thằng Phước được chọn rước kiệu Thành hoàng, nó đã chính thức là trai làng Chằm trưởng thành. Nếu nó có người yêu, ông sẽ làm đám cưới cho nó. Rồi vợ nó sẽ sinh con đẻ cái. Căn nhà sẽ rộn tiếng nói cười của trẻ thơ. Quãng đời còn lại của ông không đơn chiếc, hiu quạnh nữa.

Một con bướm vàng bay chấp chới trước mặt ông. Hay là Hòa về dự hội đình? Ông Khuyến nghĩ thầm. Ông giơ tay để chạm vào con bướm thì cánh tay bỗng thõng xuống. Ông Khuyến chợt thấy khó thở, ông từ từ gục vào thành mộ, mắt vẫn còn lờ mờ thấy màu vàng loãng ra, tan vào ánh nắng.

*

“Bố ơi! Có bà Chi vào thăm bố!”

Tiếng thằng Phước đánh thức ông. Ông Khuyến còn chưa kịp bảo con nâng cho ngồi dậy để tiếp khách thì đã có tiếng bước chân vào cửa.

“Bố cháu ổn chưa? Cô nghe kể bố bị cảm ngoài đồng mà lo quá!”

“Bố cháu đỡ rồi ạ. May mà lúc ấy, anh Châu dong bò qua... Thế cô đi bộ ạ?”

“Con trai cô lai, nhưng xe bị chết máy đầu ngõ. Anh ấy đi xe máy không quen.”

“Để cháu ra xem sao.”

Ông Khuyến sợ thằng Phước chạy đi ngay đành gọi lại:

“Cho bố ngồi dậy đã rồi con hẵng ra giúp anh!”

Thằng Phước lấy cái ghế để gần giường mời bà Chi ngồi. Nâng ông Khuyến ngồi dậy xong, Phước ra rót nước mời khách rồi mới chạy vù ra đầu ngõ.

Gian nhà bỗng yên ắng hẳn. Mùi hương bưởi thoảng đưa vào.

Bà Chi mỉm cười khẽ khàng:

“Cả hai ngày qua việc đình, việc họ bận bịu quá, nay em mới vào thăm anh được! Nhìn thấy anh ổn thế này là em mừng rồi. Anh gắng ăn uống bồi dưỡng cho mau khỏe nhé!”

Ông Khuyến nhìn bà Chi. Ánh mắt hai người gặp nhau. Ông Khuyến vẫn có cảm giác ngỡ ngàng như xưa. Mắt bà ấy bao năm vẫn vậy, ông vẫn thấy có những tia sáng kì lạ như ngôi sao trên bầu trời đêm.

“Cảm ơn Chi đã đưa ngai Thành hoàng về làng. Cả làng vui mừng lắm!”

Bà Chi cười gượng:

“Em cũng không ngờ là có ngày hôm nay.”

“Tôi vẫn mong có ngày được gặp lại Chi.”

“Em cũng không nghĩ là ngày em đưa được ngai của ngài hồi hương cũng là ngày em đưa Việt, con trai em về quê.”

“Mừng cho Chi. Em có cậu con trai thật tài giỏi! Chẳng như tôi...”

Bà Chi chợt chùng giọng xuống:

“Em không nên giữ bí mật này... Anh còn nhớ, sau lần em về quê cùng mẹ ra, hai đứa mình đã rủ nhau ở gốc đề ở ao đình?”

Ông Khuyến chưa bao giờ quên cái đêm trăng ấy. Chưa bao giờ quên đôi mắt Chi lấp lánh sáng như hai ngôi sao đêm đã từ từ khép lại, chờ đợi. Trời đất như dính chặt với nhau khi Chi đổ người vào ông.

Trong chiến trường, ông đã cố sống để về với Chi. Nhưng lúc ông chao đảo nhất thì đã nhận được tin Chi lấy chồng. Và Chi đi biền biệt cho đến hôm nay.

Chi không có duyên nợ với ông. Hay thánh thần đã đẩy Chi ra đi để làm cái sứ mệnh đưa Thành hoàng trở về?

“Sau khi ổn định đơn vị, tôi đã viết rất nhiều thư cho Chi. Lúc đang nằm điều trị vết thương, thì tôi nhận được thư Chiến báo Chi đã theo chồng đi xa.”

Bà Chi cúi mặt xuống kìm mấy giọt nước mắt đang ứa ra:

“Anh đi nhập ngũ không tin tức gì. Hơn tháng sau em mới biết mình có thai. Lúc ấy, anh biết lệ làng rồi đấy... Em đã phải lấy chồng và phải theo chồng di cư... Sang bên ấy được vài tháng, chồng em đã chết trong trại tị nạn...”

Ông Khuyến nghẹn giọng:

“Ôi!... Chi ơi!...”

Ông nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo của bà Chi, nước mắt ông trào ra. Hai người nhìn nhau qua hàng nước mắt.

Vừa lúc ấy, ngoài cổng có tiếng thằng Phước gọi vào:

“Bố ơi! Con chở anh Việt về rồi đây!"

Trở về - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Cỏ hương huyền, rượu chiên đàn và người ăn tội - Truyện ngắn dự thi của Vũ Văn Song Toàn Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Ngọc lan trắng. Truyện ngắn của Nguyễn Thanh Bình

Báo Văn nghệ | Nguyễn Thu Hằng

Báo Văn nghệ số 31/2024
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.